Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

ĐỜI NGƯỜI TỐT ĐẸP LÀ THẾ NÀO - MATSUSHITA Kônosuke (*)/ Dịch: Nguyễn Sơn Hùng

      ĐỜI NGƯỜI TỐT ĐẸP LÀ THẾ NÀO

(Điều 27 Thực hành mỗi ngày một tốt hơn công việc sản xuất và tiêu thụ cả hai mặt vật chất và tinh thần trong sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp bạn có cuộc đời phong phú và mãn nguyện) (1)

                 MATSUSHITA Kônosuke (*)

                Dịch: Nguyễn Sơn Hùng

                             *** 

Đời người là chuỗi vận doanh của sản xuất và tiêu thụ. Hàng ngày để ý quan tâm sao cho có sản xuất và tiêu thụ tốt đẹp cả hai mặt tinh thần và vật chất sẽ kết nối bạn với đời người phong phú và mãn nguyện (2). 

Đời người (nhân sinh(3) mà chúng ta đang sống chỉ có mỗi một bản thân của người đó mới sống được, và là một vật rất quý trọng không thể nào có lại lần thứ hai! Bởi vì lý do này, tôi nghĩ rằng trong chúng ta ai cũng nguyện ước mong muốn sống một đời người có ý nghĩa sâu đậm, và để thực hiện được ước nguyện này phải chăng chúng ta cần phải nhận thức đúng thế nào là đời người? Chính việc nắm rõ một phần nào thế nào là đời người sẽ là sức mạnh và giúp chúng ta biết cụ thể hơn nên nỗ lực cố gắng thế nào để có được một đời người tốt đẹp hơn đồng thời cũng giúp chúng ta có được nhiều thành quả thực tế hơn.   

Về vấn đề “nhân sinh (đời người) là gì?” tôi đã từng suy nghĩ thế này thế nọ sau khi tôi thành lập viện nghiên cứu PHP (4)  không bao lâu.

Nhân sinh nói tổng quát là đời sống của con người, được hiểu là từ lúc con người chào đời cho đến lúc phải lìa đời vĩnh viễn. Nhưng nếu nhìn chi tiết thì đời người có thể xem như kết quả sự tích lũy của sinh hoạt hàng ngày qua từng giây, từng phút, từ ngày này đến ngày khác. Do đó nếu chúng ta khảo sát kỹ tình trạng sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, chúng ta có thể nắm rõ được đời người (nhân sinh) là gì?

Sau khi thử xem xét nhiều thứ dựa trên cách nhìn nói trên về “đời người là gì?” tôi đã có kết quả như sau. Nói rõ ràng và ngắn gọn, “Đời người là sự vận doanh (5) của sản xuất và tiêu thụ”.

Nói “sản xuất và tiêu thụ” thường được nghĩ là một phương diện của hoạt động kinh tế nhưng “sản xuất và tiêu thụ” nói ở đây không phải chỉ đơn thuần là sản xuất và tiêu thụ đồ vật, vật chất mà rộng rãi hơn, bao gồm cả hoạt động tinh thần, vận doanh ở mặt tinh thần, tâm hồn của con người. Bởi vì tôi đã suy nghĩ rằng việc sản xuất và tiêu thụ của 2 mặt vật chất và tinh thần là căn bản của sinh hoạt hàng ngày của con người, và phải chăng đây chính là đời người của chúng ta.

Từ khi có được kết luận như trên cho đến nay đã trải qua hơn 30 năm (6) nhưng cách suy nghĩ của tôi vẫn không thay đổi. Phải chăng trong thực tế, đời người của chúng ta ngoài sự sản xuất và tiêu thụ không còn có gì khác?

Lý do là vì mỗi ngày chúng ta sản xuất ra nhiều thứ vật tư và đồng thời chúng ta cũng tiêu dùng nhiều loại vật tư. Và khi chúng ta sản xuất và tiêu thụ vật tư nhất định chúng ta cho tinh thần, đầu óc chúng ta làm việc dưới một hình thức nào đó. Dù cho chế tạo đồ vật, trước hết chúng ta suy nghĩ trong đầu chế tạo vật gì và chế tạo ra sao, kế đến chúng ta sáng kiến hoặc tìm cách này, cách khác để chế tạo ra. Việc này có thể nói là hoạt động sản xuất ở mặt tinh thần. Ngoài ra, khi chúng ta sử dụng hoặc tiêu dùng vật tư thì việc đánh giá giá trị hoặc thưởng thức hương vị của vật tư cũng là hoạt động ở mặt tinh thần. Do đó, sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, và đời người của chúng ta là sự tích lũy của sinh hoạt hàng ngày này, được xây dựng bằng sự vận doanh của sản xuất và tiêu thụ ở cả 2 mặt vật chất và tinh thần. 

Nếu suy nghĩ như trên, để có được đời người tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn thì việc chúng ta thực hành trong thực tế (nghĩa là thực tiễn) công việc sản xuất và tiêu thụ ở hai mặt vật chất cùng tinh thần sao cho ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay là quan trọng. Nghĩa là nếu là chính trị gia thì trong hoạt động chính trị, nếu là nhà giáo dục thì trong hoạt động giáo dục...mỗi người trong lĩnh vực của mình quan tâm để ý thực tiễn sản xuất tốt hơn và tiêu thụ tốt hơn.

Nếu mọi người làm như nói trên thì phải chăng con đường mà toàn thể xã hội có phát triển, tiến bộ đồng thời đối với mỗi người cũng có được đời người tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn để không phải hối tiếc, sẽ được mở rộng ra?

Khi nói đến ý nghĩa và mục đích của đời người, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ đến những gì cao thượng, những gì khó khăn. Tuy nhiên đời người như đã trình bày ở trên, nếu chúng ta nghĩ rằng đời người là vận doanh của sản xuất và tiêu thụ của 2 mặt vật chất và tinh thần thông qua sinh hoạt hàng ngày của chúng ta, và cũng nghĩ rằng việc chúng ta thực hiện tốt những công việc này là con đường dẫn chúng ta đến đời người tốt đẹp hơn thì phải chăng ước ngyện đã nói ở đầu bài viết của chúng ta trở nên gần gũi với chúng ta hơn?

Ít nhất đối với trường hợp của bản thân tôi, tôi cảm thấy việc mà tôi tự xem xét lại hoạt động của bản thân trong mỗi ngày hôm nay đã là sản xuất và tiêu thụ tốt hơn không, đã kết nối với sự phong phú và mãn nguyện (jyujitsu充 実) của cuộc đời tôi theo cách suy nghĩ của tôi.

        Nguyễn Sơn Hùng

           7/2/2023 

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人 生 心 得 帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.


Nhận xét của người dịch

1. Cách nhìn đời người của tác giả có tính cách của một nhà kinh doanh nhưng phải công nhận cách nhìn này dễ hiểu, rõ ràng và giúp chúng ta dễ thấy được sống như thế nào là hợp lý và có ý nghĩa và chúng ta có thể mãn nguyện khi rời thế gian vĩnh viễn. Tuy nhiên, ngoài hai lĩnh vực chính yếu này người dịch cảm thấy còn một lĩnh vực thứ ba, đó là lĩnh vực: chuẩn bị, dưỡng sức, hồi sức, học tập... rất khó dùng một từ ngắn gọn để diễn tả đầy đủ nội dung của các hoạt động trong lĩnh vực này. Đặc biệt đối với thời kỳ con người chưa đủ trưởng thành để có những hoạt động sản xuất đúng nghĩa. Có lẽ tác giả từ nhỏ đã sớm phải tham gia vào hoạt động sản xuất nên không có nhiều ấn tượng đến thời kỳ này. Khi nghĩ đến vấn đề giáo dục hoặc để nâng cao thành quả của sản xuất cả tiêu thụ không thể bỏ qua lĩnh vực này.

Tuy nhiên để đơn giản vấn đề chúng ta có thể phân chia các hoạt động trong lĩnh vực thứ ba này vào lĩnh vực sản xuất hoặc tiêu thụ. Thí dụ, đọc sách về thi phú, âm nhạc, hội họa... để tinh thần, tâm hồn chúng ta được giải trí, thảnh thơi, chúng ta có thể xếp vào hoạt động tiêu thụ. Nếu như những sách vở, tài liệu khoa học, kỹ thuật... chúng ta có thể xếp vào hoạt động sản xuất.

2. Thật chí lý thay cho câu “Để có được đời người tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn thì việc chúng ta thực hành trong thực tế công việc sản xuất và tiêu thụ ở hai mặt vật chất cùng tinh thần sao cho ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay là quan trọng”! Then chốt chỉ có bao nhiêu đó!

Khi đọc câu này, người dịch rất thấm thía lời của Mạnh tử trong bài 11 chương 7 Ly Lâu thượng của sách Mạnh Tử viết các đây hơn 2300 năm trước với đại ý “Trong khi đạo, cách nên sống của con người, ở gần gũi bên cạnh và dễ thực hiện nhưng họ lại đi tìm kiếm những gì cao xa và khó thực hiện (Đạo tại nhĩ, nhi cầu chư viễn; sự tại dị, nhi cầu chư nan)”.

3. Thêm một điều rất quan trọng và tác giả cũng đã đề cập đến đó là hoạt động sản xuất và tiêu thụ của cả 2 mặt: vật chất  tinh thần. Đôi khi chúng ta xem trọng mặt vật chất mà bỏ quên mặt tinh thần.

Nguyễn Sơn Hùng

Viết xong ngày 16/6/2023

 

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(4) PHP: viết tắt của “Peace and Happiness through Prosperity”, nghĩa là “Thông qua Phồn Vinh có được Hòa Bình và Hạnh Phúc”.

(5) Nguyên văn là “itonami” viết bằng chữ “doanh”営み. Theo Thiều Chửu là “doanh” là “mưu làm”, theo Đào Duy Anh là “lo toan” hoặc “làm”. Bởi vì “hành” 行 cũng có nghĩa “làm” nhưng tác giả không dùng hành, dùng doanh. Theo thiển ý của người dịch, “doanh” ở đây bao gồm nghĩa “làm có lo tính”, làm thế nào cho tốt nên từ “vận doanh” thích hợp hơn “vận hành”.

(6) Vào tháng 2 năm 1948 ông phát biểu “Ý Nghĩa của Đời Người” là bài số 2 trong 40 bài của “Lời Ngỏ của PHP” (PHP no Kotoba). Về sau 40 bài này được xuất bản với dạng sách tựa “Lời Ngỏ của PHP” vào năm 1953 và cũng được biên soạn lại thành sách tựa “Triết Học của Matsushita Kônosuke” vào năm 2002. 











NHÌN QUA KHUNG CỬA - Thơ Thái Huy và Thơ Họa

            

 NHÌN QUA KHUNG CỬA

Hương Giang thu lắng nước trong veo

Lờ lững xa xa một mái chèo

Hỏi trẩy về mô cho bậu tới?

Ghé đâu đó nhỉ để mình theo?

Bến sao quạnh quẽ thêm thê thiết

Trăng cũng lửng lơ thật uột èo

Tiếng kệ âm vang càng bức xúc

Em đâu, Huế nhỉ lúc đơn neo?

Thái Huy

 Jan/09/24


Thơ Họa:

    NHỚ CÔ GÁI HUẾ

Sóng vỗ bờ sông nước trắng veo

Ghe qua ghềnh đá mái dầm chèo

Điệu hò cất giọng ta mong đợi

Câu hát đưa tình bạn muốn theo

Quạnh quẽ đò ngang buồn thảm thiết

Lửng lơ trăng khuyết khổ ì èo (1)

Ông “Nghè” xứ Quảng quay sau liếc

Gái Huế “lưng ong đáy thắt“ neo

   MAI XUÂN THANH

Bay Area January 10, 2024

 

THUYỀN MỘNG ĐÊM TRĂNG

Tiếng khách kêu đò ẩn gió veo

Xa trông ngược lối bóng ai chèo

Cô nàng diễm lệ nên ưa dõi

Thiếu nữ yêu kiều chỉ muốn theo

Bọt nước thuyền soi màu bạc nhợt

Vầng trăng sóng rọi sắc vàng èo

Sông Hương gái Huế như tình ảo

Lạc bến mê hồn ước thả neo

    Minh Thúy Thành Nội

Tháng 1/10/2024

 

  ÔNG LÁI ĐÒ

Vi vu tiếng gió thổi veo veo

Dưới nước lão ông chưa đẩy chèo

Vì khách lên nhiều nguy hiểm chở

Bởi ghe chứa ít mới khôn theo

Hãy chờ chuyến tới rồi sang bến

Hoặc đợi đò về sẽ nhổ neo

Sớm muộn cũng qua, chi vội vả

Xin đừng ngồi đó cứ èo èo.

       2024-01-10

Võ Ngô

 

NHÌN QUA KHUNG CỬA

Ngoài song cửa sổ bóng thuyền neo

Thi sĩ bâng khuâng tử vận èo

Bến Cỏ sương mờ mây trắng cuộn

Trời Thu nước biếc liễu xanh theo

Thơ buồn mới thảo còn trau chuốt

Gió lạnh vừa dâng phải chống chèo

Sóng vỗ lào xào ông lái ngắm

Vầng trăng tròn rọi đỉnh cheo veo

ThanhSong ntkp

CA.Jan/11/2024

 

     BẾN ĐÒ CHIỀU   

Một bờ sông vắng nước xanh veo

Thuyền nhỏ nằm yên, vẫn gác chèo

Cơn gió hiu hiu hoài thổi tới

Lục bình lờ lững mãi trôi theo

Vội vàng khách đến mong rời bến

Hối hả lời van giục nhổ neo

Mơ màng cô lái đang vùi mộng

Choàng tỉnh... chèo khua, sóng ạt èo.

   Sông Thu

( 11/01/2024 )

 

       BẾN VẮNG

Sông Thu bến vắng em đòi theo

Trách nhiệm anh đi bổn mạng chèo

Nguy hiểm phút giây theo cuộc sống

Hiền lành bên mẹ cảnh cheo neo

Ánh trăng mờ ảo hiền soi mặt

Đêm tối thuyền trôi nước ọc èo

Cảnh gượng vẫy tay trong nức nở

Vô tâm lướt sóng gió vi veo …

                     Yên Hà

                   11/1/2024

 

TỪ PHEN ĐẤT LỞ

Thế rồi sóng cả đã đưa veo

Hốt hoảng ngư ông bỏ rớt chèo

Gió nổi sông chờ cơn bão cạn

Thuyền trôi bèo dạt giấc mơ theo

Bao năm đất lở, bờ mê oải

Mấy thùa trời long, bến giác èo

Thôi nhé, bạn về chuông mõ gọi

Thức hồn biển đợi mãi buông neo...

Rancho Palos Verdes  11 - 1 - 2024

CAO MỴ NHÂN

 

  MỘT CHUYẾN ĐI

Trên bờ tiếng súng đạn veo veo

Mình rạp tay đơ cố sức chèo.

Rẽ nước lục bình tìm chỗ nấp

Băng mình lau lách lủi thuyền neo.

Kinh hoàng thằng bé mồm re ré

Đói khát con thơ vẻ nhạt èo.

Bát ngát trùng dương người tỉnh trí

Con đò lữ thứ ánh trăng theo.

 Mailoc

01-11-24

 

THUYỀN TỪ CẬP BẾN

Tiên cảnh Giang Hà nước sạch veo

Trần gian Lữ khách ngại tay chèo

Thuyền từ lướt sóng qua bờ ngạn

Cứ mãi sợ chìm đứng ngóng theo

Quyết chí Tu hành công quả mãn

Oan gia nghiệp chướng nợ eo xèo

Không còn nợ trả Thuyền về bến

Thầy Mẹ chờ con cập bến neo.

Mỹ Nga

  11/01/2024 ÂL, 30/11/Quý Mão

 

TRƯỚC BẾN VÂN LÂU

Theo làn sóng dợn gió vèo veo

Nắng lã chiều lơi vẳng nhịp chèo

Ơi… ới… O… ời  xin chững lại

Ơ… ờ… Ả …Nnợ muốn đồng theo

Lung linh bến đỗ nhìn yên ắng

Bảng lảng dòng Hương cảm í èo

Giọng Huế ngọt ngào nghe ấm dạ

"Eng nờ… ráng hỉ… chút thuyền neo"…

Mai Vân-VTT

  11/01/24

 

   ĐÊM LẶNG BUỒN

Trăng chiếu lòng sông nước lắng veo,

Xa xa một cụ vội tay chèo.

- Ông về đâu đó cho tôi biết?

- Ghe đến nơi nào rước tớ theo?

Lạnh lẻo chẳng câu vang. – Ruột thắt,

Khuất mờ bóng tối hiện. – Tim èo!

Thuyền đi một nửa hồn trơ buốt,

Khung cửa nhìn qua thảm nặng treo!

                       *

Nguyệt mắt liếc nhìn cũng ngó theo!

HỒ NGUYỄN

 (12-01-2023)

 

      BỎ BẾN 

Một chiếc thuyền con sớm bỏ neo

Từ lâu cô lái đã buông chèo

Lấy chồng xa xứ nên đành chịu…

Vướng cảnh lìa quê mới phải theo…

Trơ trọi đò ngang nằm uể oải

Buồn rầu lữ khách ngẫm đau èo

Sông xưa giờ vắng người sang bến

Bờ cũ ngày nay thoắt trống veo

Songquang

 20240111

 

    CÔ LÁI ĐÒ

Cô lái đưa đò bụng đói veo

Kẻ đi người đợi mãi lo chèo

Thuyền về tả ngạn lòng còn ở

Hữu ngạn ; khách chờ mắt dõi theo

Khắc khoải giai nhân phơi nắng táp

Bâng khuâng quân tử xót mưa èo

Giang hồ kiếp nạn chưa dừng lại

Thương phận hồng nhan vẫn thả neo

Hưng Quốc

      Texas 1-11-2024

 

      ĐÒ NGANG

Lên chưa đủ chuyến mãi còn neo

Thưa vắng kẻ đi, cảnh trống veo

Ông lái cầu mong người vẫn đến

Cô đưa ước vọng khách luôn theo

Sông sâu nước xiết, đò lâu tới

Giòng rộng cần ôm, sức dẽo chèo

Mỗi bận trời giông buồn ủ rũ

An toàn bến đỗ hết đau èo.

     LAN

(12/01/2024)

 

     BẾN THU

Quyện sóng xô bờ tiếng gió veo

Xuyến xao thu lộng, thả lơi chèo

Biết mô, phận lỡ bèo trôi dạt

Thôi rứa, sông đành nước chảy theo

Dẫu khổ mai tê còn ứ hự

Thì đau mốt nọ hết ì èo*

Mái nhì, mái đẩy răng mà nhớ

Bến cũ, thương đò… bóng nguyệt  neo

Lý Đức Quỳnh

   21/1/2024

* Phàn nàn với những âm thanh nhỏ, dài, gây cho người ta cảm giác sốt ruột, khó chịu, không yên tâm.(tra google)







Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

LẼ SỐNG LÀ GÌ - Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*) Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

LẼ SỐNG LÀ GÌ

(Điều 26: Công việc của nghề nghiệp chiếm vị trí rất quan trọng trong cuộc đời nên việc cảm thấy lẽ sống trong công việc này là chìa khóa để mở cánh cửa vào cuộc đời hạnh phúc và thành công của bạn) (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Công việc của nghề nghiệp chiếm vị trí rất quan trọng trong cuộc đời của bạn. Tìm được lẽ sống trong công việc nghề nghiệp hay không là chìa khóa để mở cánh cửa vào cuộc đời hạnh phúc của bạn.(2)

Đã may mắn được ơn trên ban cho sống làm người ở thế gian này nên có lẽ trong chúng ta ai cũng muốn sống một cuộc đời mà chúng ta cảm thấy có lẽ sống. Tôi nghĩ rằng nếu không có lẽ sống mà sống mỗi ngày như không biết sống để làm gì, không biết lý do để sống thì nhất định không thể nói là cuộc đời có hạnh phúc.

Như vậy vấn đề là chúng ta tìm lẽ sống ở đâu? Trong hiện thực có lẽ có nhiều dạng thức (hình dạng, cách thức) (3) của lẽ sống. Có thể có người cảm thấy các thú vui (hobbies) hoặc thể thao là lẽ sống. Hoặc có người cho rằng gia đình là lẽ sống, hoặc có người lấy việc con cái trưởng thành là lẽ sống. Lại cũng có người lấy việc tích trữ tiền bạc hoặc ăn uống món ngon vật lạ làm lẽ sống lớn nhất của mình.

Tôi nghĩ rằng cái gọi là lẽ sống đa dạng, mỗi người có lẽ sống riêng của mình, và tôi cũng nghĩ rằng lẽ sống của con người nên đa dạng.

Khi tôi thử suy nghĩ xem xét cho đến nay lẽ sống của bản thân là gì thì tôi nghĩ rằng lẽ sống của tôi có nhiều thứ và đã thay đổi theo thời gian.

Lúc 9 tuổi do tình cảnh của gia đình tôi phải rời nhà đi học thí công ở thành phố Osaka và đã tích trữ nhiều kinh nghiệm của một thiếu niên dùng để sai việc trong nhiều năm. Trong lúc ban đầu của thời gian học thí công tôi đã thường khóc ướt đẫm gối vì nhớ mẹ ở quê nhà. Nhưng rồi tôi dần dần quen với công việc và khi đó tôi ước mơ rằng một lúc nào đó tôi sẽ trở thành chủ nhiệm của cửa tiệm được chủ tiệm giao cho chỉ huy 5 hoặc 6 thiếu niên sai việc để làm ra được thành quả gì đó. Với ước mơ như vậy, tôi đã tận sức đổ mồ hôi làm việc từ sáng sớm đến tối, quên mất cả thời gian trôi qua.

Vào thời đó người đời hiếm khi đề cập đến lẽ sống, và bản thân tôi cũng còn nhỏ nên cũng đã không nghĩ đến hoặc có nhận thức gì về lẽ sống. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi đã để hết tâm sức vào công việc với chút ít kỳ vọng như nói trên và đã cảm thấy cảm giác mãn nguyện nên có thể nói đó là một dạng thức cảm thấy được lẽ sống.

Sau đó, khi tôi làm việc cho công ty Đèn Điện tôi đã phụ trách công việc dẫn truyền dây điện, và tôi đã cố gắng hết sức trau dồi tay nghề của một người thợ điện với mong muốn sao cho được mọi người tôn trọng. Tôi đã tích cực thực hiện nhiều công trình khó khăn, đôi lúc phải thức suốt đêm dài để hoàn thành nhưng tôi đã cảm thấy được niềm vui to lớn trong công việc.

Kế đến, khi tôi ra làm riêng lúc 22 tuổi, mặc dù quy mô công việc nhỏ bé, tôi đã khởi lập sự nghiệp chế tạo các sản phẩm xài điện. Lúc bắt đầu công việc này, tôi đã say mê công việc, ngoài công việc không còn để tâm đến việc khác. Ngày nào tôi cũng thật sự tận tâm tận sức vào ngày đó. Những ngày mùa hè, tôi làm việc cho đến tối rồi đổ nước nóng vào bồn đựng nước để ngâm và tắm. Trong lúc ngâm mình trong nước nóng tôi cảm thấy một thứ hương vị mãn nguyện và tự khen mình “hôm nay mình đã giỏi làm việc”.Vào   giờ phút này tôi vẫn còn nhớ được cảm giác của lúc đó.

Rồi đến khi quy mô của công ty to lớn lên, tôi lấy việc thông qua công việc của công ty để nâng cao đời sống văn hóa nhiều người để cống hiến, tham gia vào phát triển của xã hội làm sứ mệnh, và tôi cảm thấy việc cùng với nhân viên của công ty để đạt được sứ mệnh này là lẽ sống cho đến nay.

Lẽ sống như đã trình bày ở trên của tôi nhất định từ đầu đến cuối không phải một thứ mà nhiều thứ và biến đổi theo thời gian. Nhưng tôi nghĩ rằng phải chăng như vậy cũng tốt.

Trong thế gian này, có người để tâm sức vào một công việc suốt cả cuộc đời và tiếp tục tìm lẽ sống của mình trong đó. Nhiều người như các nhà tôn giáo, các nghệ sĩ hoặc nghệ thuật gia có thể nói thuộc trường hợp này. Tôi nghĩ đây cũng là một dạng thức rất tuyệt vời. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả mọi người đều phải như vậy. Vào một thời kỳ nào đó tìm ra một lẽ sống, xong rồi lại tìm ra một lẽ sống khác, tôi nghĩ rằng việc này cũng có ý nghĩa.

Tuy nhiên, một điều mà tôi muốn thử suy nghĩ xem xét ở đây là về lẽ sống trong công việc của nghề nghiệp chúng ta. Không cần phải nói, trong cuộc đời của chúng ta, công việc nghề nghiệp chiếm một vị trí rất quan trọng ở cả 2 mặt thời gian và kinh tế. Do đó, mặc dù nói rằng lẽ sống có thể đa dạng nhiều thứ nhưng có thể nghĩ rằng việc chúng ta có cảm thấy lẽ sống trong công việc nghề nghiệp của chúng ta hay không, tùy theo trường hợp, có một ý nghĩa lớn đến mức độ chi phối hạnh phúc hay bất hạnh trong cuộc đời của chúng ta.

Do đó việc vui sướng với thú vui hoặc lấy gia đình làm trọng đều làm cho nội dung sinh hoạt của chúng ta có nhiều sắc thái ở nhiều mặt, mỗi việc có ý nghĩa sâu đậm riêng và quan trọng nhưng tôi cảm thấy rằng điểm trung tâm hoặc cội rễ nền tảng của việc này là chúng ta cần phải cảm thấy lẽ sống và niềm vui ở trong công việc của nghề nghiệp. Dĩ nhiên tôi không nghĩ rằng chỉ có công việc của nghề nghiệp mới nên là lẽ sống nhưng tôi nghĩ rằng để cho chúng ta cảm thấy đời người chúng ta hạnh phúc, phong phú và mãn nguyện thì phải chăng điều được xã hội mong muốn là, ít nhất công việc của nghề nghiệp cũng là một trong những lẽ sống to lớn của chúng ta.

Nguyễn Sơn Hùng

8/2/2023

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人 生 心 得 帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.


Nhận xét của người dịch

1. Trong bài “Cái gọi là lẽ sống” trong sách “Nhân Sinh Đàm Nghĩa” (Ý kiến về đời người) của cùng tác giả có thêm 2 điều sau, người dịch giới thiệu thêm ở đây để quý độc giả có thể tham khảo thêm.

  (1) Điều kiện của lẽ sống. Như tác giả đã đề cập trong bài viết trên, lẽ sống con người nên đa dạng và mỗi người có quyền tự do chọn lẽ sống cho mình. Tuy nhiên trong bài viết “Cái gọi là lẽ sống” tác giả có nói thêm “Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng đối với lẽ sống của bản thân, không thể chỉ một mình bản thân của mình vui vẻ và thỏa mãn là đủ”. Tác giả cho rằng lẽ sống đó phải được người khác thừa nhận hoặc lương thức của xã hội chấp nhận. Nói cụ thể cho dễ hiểu hơn, lẽ sống không thể nào là trộm cắp, lừa gạt, giết người v.v…Những trường hợp cụ thể này dễ hiểu nhưng chúng ta cũng nên lưu ý có những trường hợp rất khó phán đoán đúng sai!

  (2) Thời đại ngày nay hạnh phúc hơn thời xưa. Quả thật ngày nay chúng ta được nhiều tự do hơn thời xưa, thí dụ, không còn việc “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Ngày nay chúng ta có thể chọn lựa công việc, nghề nghiệp mà chúng ta yêu thích.

2. Trong bài này mặc dù tác giả không trực tiếp giải thích rõ “lẽ sống” là gì nhưng chúng ta có thể hiểu ý nghĩa “lẽ sống” tác giả muốn nói: “lý do để sống”, “niềm vui để sống”, “giá trị để sống”. Tiếng Nhật của “lẽ sống” là “ikigai” (生 き甲 斐). “iki 生き” nghĩa là “sống”, “kai 甲 斐” nghĩa là “hiệu quả tốt hoặc cảm giác thỏa mãn có được do đã làm một việc gì đó. Như vậy nghĩa của “ikigai” là “sống vui” hoặc “sống có ý nghĩa” hoặc “sống có giá trị”

Sau khi Dan Buettener đề cập “ikigai” là một trong những nguyên nhân giúp người Nhật ở Okinawa sống trường thọ, từ “ikigai” và “blue zones” (vùng dân cư sống trường thọ) được giới Âu Mỹ quan tâm đến nhiều (4) sau thập niên năm 2000.

Năm 2017 Héctor García và Francesc Miralles đã xuất bản “Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life” (tạm dịch, Ikigai: Bí mật của trường thọ của người Nhật).

Người viết chưa đọc tác phẩm “Ikigai” nói trên nhưng khi nhìn vào Hình 1 của tác phẩm được trích dẫn ở phía dưới về điều kiện phải thỏa 4 điều kiện: “yêu thích”, “sở trường”, “được thù lao”, “xã hội có nhu cầu”. Thoáng nhìn qua thấy có vẻ nghiêm khắc nhưng suy nghĩ kỹ lại thấy hợp lý. Vấn đề công việc nghề nghiệp mà Matsushhita Kônosuke đã đề cập trong bài viết bao hàm 2 điều kiện sau cùng. Và một khi đối với nghề nghiệp chúng ta có yêu thích ở chừng mực nào đó chúng ta mới có thể tiếp tục lâu dài. Một khi tiếp tục được lâu dài, dù không có tài năng đặc biệt chúng ta có thể thuần thục công việc ở mức độ nào đó, nên có thể nói thỏa mãn điều kiện “sở trường”.

Tuy nhiên nên lưu ý rằng đối với những người về hưu, điều kiện “được thù lao” không còn là cần đến nữa và làm việc với tinh thần tự nguyện càng nâng cao cường độ của lẽ sống.

   Trong sách “The Blue Zones, Second Edition: 9 Lessons for Living Longer From the People Who’ve Lived the Longest” (xuất bản năm 2012), Dan Buettner đã đề xuất 9 điều để sống thọ mà ông đã rút ra từ 5 vùng có nhiều người sống thọ nhất trên thế giới: (1) tiếp tục vận động thích đáng, (2) ăn khoảng 80% bụng, (3) ăn thực phẩm có từ thực vật, (4) uống rượu vang đỏ với lượng vừa phải, (5) có mục tiêu cụ thể, (6) sống với nhịp điệu chậm không gấp rút, (7) có lòng tín ngưỡng, (8) ưu tiên gia đình, (9) có quan hệ tốt với người chung quanh trong cộng đồng.

3. Người viết rất ngạc nhiên không có từ điển tiếng Việt nào (từ Huỳnh Tịnh Của, Hội Khai Trí Tiến Đức, Lê Văn Đức, đến Viện Ngôn Ngữ Học) có giải nghĩa của từ “lẽ sống”! Chỉ có Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học (xuất bản năm 2003) có ghi trong thí dụ của nghĩa thứ hai của từ “lẽ”: “Điều được coi là lý do giải thích, là nguyên nhân của sự việc”. Tuy nhiên trong Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông” của Viện xuất bản năm 2013 thí dụ “lẽ sống” không còn ghi.

Tra trên Internet tiếng Việt thấy rất ít trang giới thiệu, chỉ có 2 trang web hướng dẫn tìm việc làm giải nghĩa là “ý nghĩa của cuộc sống”!

   Phải chăng người Việt chúng ta cần nên suy nghĩ học hỏi thêm nhiều về lẽ sống? Việc này không những giúp chúng ta vừa có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, vừa có ý nghĩa mà còn giúp sống lâu hơn chăng?

Nguyễn Sơn Hùng, viết xong ngày 8/6/2023

Trở về trang chủ

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(4) Source: 生き甲斐 – Wikipedia

Hình 1 Khái niệm của “Ikigai” trong “Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life” của García & Miralles (2017)

Bốn vòng tròn, vòng trên: lĩnh vực chúng ta yêu thích; vòng trái: lĩnh vực chúng ta có sở trường; vòng dưới: lĩnh vực chúng ta có thể được trả thù lao; vòng phải: lĩnh vực có nhu cầu xã hội. Lĩnh vực chung của “vòng trên” và “vòng trái”: nhiệt tình (say mê); chung của “vòng trái” và “vòng dưới”: chuyên nghiệp; “vòng dưới” và “vòng phải”: nghề nghiệp; “vòng phải” và “vòng trên”: sứ mệnh. Lĩnh vực chung của “yêu thích”+ “sở trường”+ “có thể được thù lao”+ “nhu cầu xã hội”=ikikai=lẽ sống.






Giai Thoại Văn Chương : DƯƠNG GIỐC AI và TẢ BÁ ĐÀO (Đỗ Chiêu Đức)

 Giai Thoại Văn Chương :  

            DƯƠNG GIỐC AI và TẢ BÁ ĐÀO
                          
            
                       DƯƠNG GIỐC AI và TẢ BÁ ĐÀO

      Như ta đã biết, cặp TRI KỶ nổi tiếng ở thời Xuân Thu là QUẢN TRỌNG 管 仲 và BÀO THÚC NHA 鲍 叔 牙. Cả hai đã chơi với nhau và kết giao với nhau từ thuở nhỏ. Sau Bào Thúc Nha hiển đạt nhờ theo phò Tề Hoàn Hoàn. Tề Hoàn Công định phong cho Bào Thúc Nha làm Tể Tướng. Bào Thúc đã giới thiệu và nhường chức vụ đó cho Quản Trọng. Hai người cùng nhau phò Tề Hoàn Công trước sau như một. Quản Trọng đã có câu nói như sau: Ta từng ba lần ra trận, ba lần thua chạy trước, Bào Thúc chẳng cho là ta nhát gan, vì biết ta còn mẹ già; Ta từng ba lần xin ra làm quan đều bị từ chối, Bào Thúc không cho là ta bất tài, vì biết ta chưa gặp thời; Ta từng cùng Bào Thúc đi buôn và luôn chia phần lãi nhiều hơn, Bào Thúc chẳng cho là ta tham, vì biết ta nghèo. Sanh ra ta là cha mẹ, còn hiểu được ta là chỉ có Bào Thúc mà thôi! 
                                                         
    QUẢN TRỌNG 管 仲 và BÀO THÚC NHA 鲍 叔 牙.

      Từ xưa đến nay hễ nhắc đến bạn bè TRI KỶ kết giao, là người ta nhớ ngay đến QUẢN BÀO CHI GIAO 管 鲍 之 交, là sự kết giao giữa Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Hôm nay ta cũng nói đến hai người bạn tình cờ gặp gỡ, rồi cùng kết giao huynh đệ và cùng chết để bảo vệ cho nhau, lưu lại tiếng thơm muôn thuở. Đó là tình bạn kết giao sinh tử giữa TẢ BÁ ĐÀO 左 伯 桃 và DƯƠNG GIỐC AI 羊 角 哀 như sau:
       
        Theo "Quyển thứ 7 của Dụ Thế Minh Ngôn 喻 世 明 言·第 七 卷" truyện "Dương Giốc Ai xả mệnh toàn giao 羊 角 哀 捨 命 全 交" của Phùng Mộng Long 馮 夢 龍 đời Minh. 
Truyện kể...
       Vua nước Sở là Sở Nguyên Vương 楚 元 王 rất sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền đãi sĩ. Người trong thiên hạ nghe tiếng tìm đến rất đông.
      Thuở ấy, tại núi Tích Thạch xứ Tây Khương có một hiền sĩ họ Tả 左 tên Bá Đào 伯 桃, cha mẹ đều mất sớm, nhưng có chí học hành, sớm trở thành người có tài an bang tế thế. Nghe tiếng Sở Vương cầu hiền bèn khăn gói từ biệt hương thân lên đường tìm đến nước Sở. 
      Một hôm vừa đến đất Ung Châu khi trời đã vào đông, gió bấc mưa phùn, trời mây u ám, gió lạnh căm căm. Tả Bá Đào đội mưa đi suốt một ngày, khi thấy trời đã hoàng hôn, định tìm nơi nghỉ trọ qua đêm, nhìn ra phía trước mặt trong rừng trúc xa xa thấy có ánh đèn nhấp nháy, bèn lần mò tìm đến căn nhà cỏ sau hàng rào tre xiêu vẹo. Một người thanh niên cường tráng, mày thanh mắt sáng, ra mở cửa mời vào. Sau khi hàn huyên tâm sự thì biết người thanh niên đó họ Dương 羊 tên Giốc Ai 角 哀 cũng mồ côi từ nhỏ. Thấy bàn tủ trong nhà chứa toàn là sách, cả trên giường ngủ cũng đều có sách vở ngổn ngang. Đồng thanh tương ứng hai người cùng đàm đạo trao đổi nhau càng thấy tâm đầu ý hợp. Vốn định chỉ ở trọ qua đêm không ngờ nấn ná đến ba ngày. Vì mến tài nhau nên cùng nhau kết nghĩa kim bằng. Tả lớn hơn Dương 5 tuổi nên làm anh, Dương kính Tả như là một huynh trưởng, Đoạn hai anh em rủ nhau cùng lên kinh đô nước Sở để tìm chữ công danh.
       Dọc đường, đang lúc trọng đông, gặp lúc thời tiết khắc nghiệt, mưa tuyết bảo bùng mà phải băng rừng vượt núi, Tả Bá Đào càng ngày càng kiệt sức, tự biết sức mình khó lòng vượt qua được đoạn đường dài gian nan hiễm trở nầy, hơn nữa cũng tự biết rằng tài học vấn của mình không sao bằng được Dương Giốc Ai và điều quan trọng nhất là lương thực mang theo chỉ còn đủ dùng cho một người khỏe mạnh cố gắng vượt qua đoạn đường hiễm trở lạnh lẽo nầy, nếu nấn ná cho cả hai người thì có nguy cơ cả hai đều phải chết lạnh chết đói trong vùng rừng núi mịt mùng gió tuyết nầy. Nên, Tả quyết định hi sinh bản thân mình mà thành toàn cho người em kết nghĩa hoàn thành tâm nguyện thi thố tài năng để cầu chút công danh.
        Thừa lúc Dương đi tìm củi sưởi ấm trong cơn bão tuyết, Tả bèn cởi hết quần áo ra, nhường áo để Dương mặc thêm cho đủ ấm. Khi Dương về đến thì Tả mới thều thào nói cho người em kết nghĩa biết ý định của mình và khuyên Dương hãy tranh thủ lên đường, khi nào cầu được công danh hãy trở lại an táng cho mình, nói xong thì tắt thở. Dương đành phải gạt lệ lên đường. Người đời sau có thơ khen Tả Bá Đào như sau:

                寒 來 雪 三 尺,    Hàn lai tuyết tam xích,
                人 去 途 千 里。    Nhân khứ đồ thiên lý.
                長 途 苦 雪 寒,    Trường đồ khổ tuyết hàn,
                何 況 囊 無 米?    Hà huống nang vô mễ ?
                並 糧 一 人 生,    Tịnh lương nhất nhân sinh,
                同 行 兩 人 死;    Đồng hành lưỡng nhân tử.
                兩 死 誠 何 益?    Lưỡng tử thành hà ích ?
                一 生 尚 有 恃。    Nhất sinh thượng hữu thị.
                賢 哉 左 伯 桃!    Hiền tai Tả Bá Đào !
                隕 命 成 人 美。    Vẫn mệnh thành nhân mỹ.
     Có nghĩa :
           
                  

                  Trời đông ba thước tuyết rơi,
                  Người đi ngàn dặm ngược xuôi chập chùng.
                  Đường dài trước mặt mông lung,
                  Trong nang gạo chỉ đủ dùng một thôi.
                  Huống chi mình đến hai người,
                  Cùng đi thì chết cả đôi ích gì ?
                  Một người sống còn có khi...
                  Bá Đào hiền sĩ chết vì bạn thân,
                  Thương thay lặng lẽ âm thầm,
                  Chết vì tri kỷ muôn phần đẹp thay !

      Khi đến nước Sở nhờ có Thượng Đại Phu Bùi Trọng 裴 仲 tiến cử, sau khi đã thử tài của Dương Giốc Ai, nên mới sớm được yết kiến Sở Vương và sau khi ứng đối lưu loát những vấn đề của Sở Vương nêu ra, Dương còn dâng lên 10 sách lược rất thiết thực để làm cho nước Sở phú cường. Nhà vua tỏ ra rất vui mừng, bày ngự yến thết đãi rồi phong Dương  Giốc Ai làm chức Trung Đại Phu. Dương khóc và kể lại chuyện Tả Bá Đào đã hy sinh ở giữa đường để cho mình đi lập công danh. Sở Vương nghe xong rất cảm động và thương tình cũng truy phong cho Tả Bá Đào làm Trung Đại Phu và cho Dương Giốc Ai dắt đoàn tùy tùng đi cải táng cho Tả Bá Đào.                                                                 
     Truyện được kết thúc bằng cách cho Dương Giốc Ai tự sát sau khi nằm chiêm bao thấy Tả Bá Đào về cho biết là mình bị Kinh Kha của ngôi mộ kế bên đến ức hiếp. Chết để cùng với Tả Bá Đào chống lại Kinh Kha và Cao Tiệm Ly. Truyện có vẻ hoang đường, nhưng kết thúc như thế cho trọn nghĩa kim bằng của tình anh em TRI KỶ: Sống chết đều có nhau!
      Tùy tùng về báo lại với Sở Nguyên Vương, Vương thương cho cái nghĩa khí của tình anh em kết bái mà truy phong cho cả hai thành Thượng Đại Phu và cho lập miếu tế tự với sắc ban bốn chữ "TRUNG NGHĨA CHI TỪ 忠 義 之 祠", là Từ miếu thờ người Trung Nghĩa.
     Sau Quản Trọng và Bào Thúc Nha thì đây cũng là một cặp TRI KỶ nổi tiếng trong văn học dân gian Trung Hoa xưa. Người đời sau có thơ tán dương như sau:  

 古 來 仁 義 包 天 地,  Cổ lai nhân nghĩa bao thiên địa,
 只 在 人 心 方 寸 間。  Chỉ tại nhân tâm phương thốn gian.
 二 士 廟 前 秋 日 淨,  Nhị sĩ miếu tiền thu nhật tịnh,
 英 魂 常 伴 月 光 寒。  Anh hồn thường bạn nguyệt quang                                              hàn.
     Có nghĩa :
                   Xưa nay nhân nghĩa trùm trời đất,
                   Chỉ tại lòng người tấc dạ thôi.
                   Nghĩa sĩ đệ huynh còn trước miếu,
                   Hương hồn còn mãi ánh trăng trôi !

                 
                  

                   
      Hẹn bài viết tới !

                                                  杜 紹 德
                                               Đỗ Chiêu Đức   

                           *****

1-    Người đời sau có thơ khen Tả Bá Đào như sau:


KHÔNG ĐỀ

1-     

Lạnh về ba thước tuyết

Người lội dặm ngàn biệt

Đường dài khổ tuyết rơi

Huống hồ gạo gần hết

Lương đủ một người thôi

Đồng hành hai người chết

Chết chung đâu có ích

Một sống là cần thiết

Tốt lành Tả Bá Đào

Danh nhân vì tuẫn tiết.

 

 

2-     

Lạnh về ba thước tuyết dầy

Người đi vạn dặm trắng bay tối trời

Đường dài đâu chỉ tuyết rơi

Lại thêm lương thực đã vơi trong bồng

Một người ăn đủ, nếu không...

Đồng hành hai kẻ cùng chung số phần

Chết chùm vô ích, cân phân

Sống còn là việc tối cần mai sau

Tốt lành thay Tả Bá Đào

Hy sinh tuẫn tiết danh vào thiên thu!

Lộc Bắc

Jan24

 

2-    Cặp tri kỷ Dương Giốc Ai và Tả Bá Đào được người đời sau tán dương như sau:

Cổ lai nhân nghĩa bao thiên địa,

Chỉ tại nhân tâm phương thốn gian.

Nhị sĩ miếu tiền thu nhật tịnh,

Anh hồn thường bạn nguyệt quang hàn.

 

Xưa nay nhân nghĩa trùm trời đất

Chỉ tại lòng người hẹp tấc gang

Trước miếu, hai người thu vắng lặng

Hương hồn thường bạn ánh trăng vàng!

Lộc Bắc

Jan24