Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Tình Thu (Đức Hạnh) & Nhớ Em (Mai Xuân Thanh) & Lòng Nặng Nghĩa Khơi (Liêu Xuyên) & Nhó Thu (Đức Hanh)


                                                                                          


    TÌNH THU
[Thuận nghịch đọc]

Tươi cười nở mộng thắm tình vương
Hỡi đóa hồng! Yêu quý tỏ tường
Đồi trải lá vàng khai ngõ hướng
Cuội vời hoa bướm dệt ngàn hương
Mời thu rủ bạn hòa thi hứng
Tới Nguyệt trao duyên tặng đóa hường
Đời cảnh ngất ngây hồn mãi vướng
Khơi tình nghĩa đượm gửi nàng thương

Thương nàng gửi đượm nghĩa tình khơi
Vướng mãi hồn, ngây ngất cảnh đời
Hường đóa tặng, duyên trao Nguyệt tới
Hứng thi hòa, bạn rủ thu mời
Hương ngàn dệt, bướm hoa vời Cuội
Hướng ngõ khai, vàng lá trải đồi
Tường tỏ, quý yêu hồng đóa hỡi
Vương tình thắm mộng nở cười tươi.

Đức Hạnh
25 06 2020


Họa vận:
          Nhớ Em

1)  Đọc Xuôi

Tha thiết nhớ em dạ vấn vương
Nắng vàng in bóng ngã xa tường
Hoa hồng thắm mộng tình men rượu
Bướm trắng tươi bông nhụy sắc hương
Qua ngõ đợi chờ ai dáng đẹp
Đón em mừng đỏ mặt môi hường
Trà thơm đãi khách vui trông ngóng
Xa bạn chạnh buồn thấy cảm thương

2)  Đọc Ngược

Thương cảm thấy buồn chạnh bạn xa
Ngóng trông vui khách đãi thơm trà
Hường môi mặt đỏ mừng em đón
Đẹp dáng ai chờ đợi ngõ qua
Hương sắc nhụy bông tươi trắng bướm
Rượu men tình mộng thắm hồng hoa
Tường xa ngã bóng in vàng nắng
Vương vấn dạ em nhớ thiết tha

Mai Xuân Thanh 
Ngày 27/06/2020


LÒNG NẶNG NGHĨA KHƠI

Đọc Xuôi :
Tươi thắm hoa mầu luôn vấn vương,
Xuyến xao đường cũ bến đông tường.
Đồi xanh lá mộng vàng trăm hướng,
Biển rộng trời mây ngát liễu hương.
Mời gọi bút thi hoà tửu hứng,
Gởi trao tình nhạc luyến bông hường.
Đời duyên phước hạnh hồn thơ vướng...
Khơi nghĩa nặng lòng mãi mến thương !

Đọc Ngược :
Thương mến mãi lòng nặng nghĩa khơi,
Vướng thơ hồn hạnh phước duyên đời.
Hường bông luyến nhạc tình trao gởi,
Hứng tửu hoà thi bút gọi mời.
Hương liễu ngát mây trời rộng biển,
Hướng trăm vàng mộng lá xanh đồi.
Tường đông bến cũ đường xao xuyến...
Vương vấn luôn mầu hoa thắm tươi !

Liêu Xuyên
27 06 2020


Đức Hạnh Kính Đáp Họa Cùng Thi Hữu
         NHỚ THU
   [Thuận nghịch đọc]

Tươi đẹp bóng Hằng mãi vấn vương
Dỗi Thu còn mộng thắm bên tường
Đồi sim lá đổi thêm ngời dáng
Mỗi cánh hoa tàn lại ngát hương
Mời Nguyệt xướng thơ nguồn tỏa hướng
Gởi duyên hòa nhạc suối khai hường
Đời trao ước vọng cùng vui hưởng…
Khơi dậy biển tình mãi nhớ thương.
Thương nhớ biển tình cảnh dậy khơi
Hưởng vui cùng vọng ước trao đời
Hường khai suối nhạc hòa duyên gởi
Hướng tỏa nguồn thơ xướng Nguyệt mời
Hương ngát lại tàn hoa cánh mỗi
Dáng ngời thêm đổi lá sim đồi
Tường bên thắm mộng còn Thu dỗi
Vương vấn mãi Hằng bóng đẹp tươi.
       Đức Hạnh










Thương Về Đã Nẵng (Mai Xuân Thanh) & Chiều Bên Sông (Dương Thượng Trúc)

    Thương Về Đà Nẵng
(Qua thơ Chiều Bên Sông - thi sĩ Dương Thượng Trúc)

Bạch Đằng bến hẹn cạnh bờ sông
Đà Nẵng quê tôi nhớ chạnh lòng
Phượng vỹ trưa Hè, đôi mái tóc
Nhành cây xế bóng một chùm bông
Hàn Giang thương cảng buồm Tây trắng
Phố xá shopping khách má hồng
Thăm lại quê nhà chơi mấy tháng
Tìm em tâm sự có hơn không !

Mai Xuân Thanh
Ngày 16/06/2020

Chiều Bên Sông
Nắng nhạt chiều buông trên bến sông
Đìu hiu khung cảnh sắt se lòng
Gió ru hờ hững bao cành lá
Nước cuốn bập bềnh những nhánh bông
Đêm mộng chẳng quên màu mắt biếc
Ngày mơ vẫn nhớ sắc môi hồng
Người đi, đi mãi không về nữa
Thuyền đã xa rồi, bến vắng không
Dương Thượng Trúc
June 15/2020




Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Thơ xướng họa kỳ 14 - Thi Hữu/ Chủ đề: Nhớ Quê Hương


THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 14- THI HỮU
Chủ đề : Nhớ Quê Hương

C:\Users\cangs\OneDrive\Documents\layhinh\thumbnail.png
Bài xướng:
               NỖI NHỚ
Chạnh mối hoài hương thắt thẻo lòng
Quê người khắc khoải nỗi buồn đong
Canh tàn gối lẻ hồn ru mộng
Bấc lụn đèn lu lệ nhỏ dòng
Một mảnh tình thơ đau đáu đợi
Lưng bầu rượu cúc thẫn thờ mong
Trăng cài bóng liễu trời sương lạnh
Nỗi nhớ trào dâng ngập cả phòng.
Đinh Tường
June 19, 2020

Họa 1:
        NHỚ QUÊ HƯƠNG 
Ngóng về cố quốc xót xa lòng,
Tâm sự một trời, chẳng dễ đong.
Buồn bã ngắm mây trôi khắp nẻo;
Buâng khuâng nhìn nước giạt xuôi dòng.
Người xưa biệt dạng, luôn trông đợi;
Quê cũ mù tăm, mãi nhớ mong.
 Xứ lạ lẻ loi,  mời bạn cũ:
 Đôi vầng nhật nguyệt ghé thăm phòng.

Thảo Chương Trần Quốc Việt
19-06-2020 

 Họa 2:
                SỐ KIẾP ?! 
Nhìn về đất tổ quặn đau lòng .
Mạt lộ lìa nhà nhớ khó đong ,
Lạc lỏng quê người châu ngập chảy ,
Mình ên đất khách lệ tràn dòng ,
Cờ Vàng chính nghĩa lành "quài" đợi ,
Dân Tộc Quốc Gia tốt mãi mong ,
Biển vắng Trăng treo chầm chậm bước ,
Buồn cho số kiếp chịu cô phòng ?!
Tím June/19/2020

Họa 3:
             NỖI NHỚ 
         (ngũ độ thanh)
Hoài hương nỗi nhớ sắt se lòng
Suối lệ tuôn tràn lấy biển đong
Mượn bút đề thơ sầu mấy đoạn
Nâng bầu cạn chén lụy đôi dòng
Bên rèm thấp thỏm hằng trông ngóng
Dưới nguyệt mơ màng luống đợi mong
Vọng hướng trời xa tìm cố quận
Sương luồn tận cửa buốt cô phòng.
Viễn Khách
June 20, 2020

Họa 4:
           NHỚ QUÊ
Nhớ quá quê hương xé cõi lòng
Nửa đời ly xứ phận long đong
Đêm khuya ru mộng hồn theo gió
Ngày vắng gọi thầm lệ ứa dòng
Cạn  tách cà phê nghe mặn đắng
Đầy  ly rượu chát  lặng chờ mong
Trăng tàn chênh chếch treo cành trúc
Nhớ quá quê hương lạnh  khắp phòng.
Thiết Bảng

Họa 5:
        NỖI NHỚ NIỀM LO

Nhớ quá đi thôi rộn sóng lòng
Canh tàn thổn thức nỗi sầu đong
Đèn khuya soi bóng qua song ghẹo
Gió lạnh từng cơn bút lỡ dòng
Giận bấy quân Tàu chơi thói ác
Buồn thay dân Việt thích cầu mong
Đi đâu cũng thấy toàn hư ảo
Chót lưỡi đầu môi gọi thủ phòng.
Chu Hà





Hồn Xuân & Xuân Mãn Càn Khôn (Mai Xuân Thanh)

      Hồn Xuân 

Hồn Xuân bịn rịn ở trên cây
Hoa cảnh chưa tàn gió mát bay
Nhộn nhịp chim chuyền kia thích thú
Rộn ràng sáo thổi nọ vui thay
Bông lan tím tím  bung tình nhớ
Sắc Cúc vàng vàng nở đóa đầy
Níu kéo nàng xuân xin chậm bước
Cùng ta chuyện vản nán thêm ngày !...

Mai Xuân Thanh
Ngày 16/06/2020

          
    
    XUÂN MÃN CÀN KHÔN

Măng búp, ngọc ngà vớ nhánh cây
Mai rừng mấy độ sắc hương bay
Bàn tay nỏn nuột sao xinh quá !...
Mái tóc huyền thơm ngát đẹp thay !...
Thơ thẩn hoa chiều tình đắm đuối
Lang thang vuờn thúy nắng đong đầy
Xuân xanh nhộn nhịp ai trì kéo ?
Bước chậm thời gian tháng lụn... ngày !

Mai Xuân Thanh
Ngày 16/06/2020






Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Giai thoại văn chương: Cũng Tại Ông Khuất Nguyên nước Sở (Đỗ Chiêu Đức)


   Giai thoại văn chương:                   

 Cũng Tại Ông KHUẤT NGUYÊN nước Sở

                       
                      TIẾT ĐOAN NGỌ : Tết Giữa Năm

      Mùng 5 tháng 5 là TIẾT ĐOAN NGỌ 端 午 節, theo Ngũ hành Bát quái, vì số 5 thuộc dương, nên Tiết Đoan Ngọ còn gọi là Tiết ĐOAN DƯƠNG 端 陽. ĐOAN: là Đầu mối, là mở đầu; NGỌ: là giờ Ngọ, là giữa trưa; còn DƯƠNG là mặt trời, là khí dương, ĐOAN DƯƠNG có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Còn ĐOAN NGỌ là bắt đầu lúc giữa trưa. Theo truyền thuyết Trung Hoa...

     KHUẤT NGUYÊN 屈 原 (340-278 TCN) : Vào cuối thời Chiến Quốc, có một vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên. Ông chẳng những là vị trung thần của nước Sở mà còn là nhà thơ, nhà văn hoá nổi tiếng của Trung Hoa. Ông là tác giả hai bài thơ bất hủ là LY TAO 離 騷 và SỞ TỪ 楚 辭, nổi tiếng trong văn hóa Trung Hoa cổ đại, thể hiện tâm trạng buồn vì đất nước suy vong. Do can ngăn Sở Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự trầm ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng nơi đó đã mang thuyền đến giữa dòng sông để cố gắng cứu vớt nhưng không thành. Để cho các loại cá và linh hồn của các yêu ma quỷ quái không lại gần được thi thể của ông họ đã đánh trống và vẩy nước bằng các mái chèo của họ. Sau đó để tưởng nhớ, tiếc thương cho một người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5, dân Trung Hoa xưa lại làm bánh ú gói nhân thịt mỡ, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống để cúng Khuất Nguyên. Do đó, hình thành hai tập tục trong ngày lễ Đoan Ngọ cho đến hiên nay là: Đua thuyền rồng và Ăn bánh ú.

                              
     Trong văn học, tác phẩm LY TAO của Khuất Nguyên hình thành những từ như: Tao Nhân Mặc Khách, Tao Đàn... Trong thơ ca Trung Hoa còn ghi nhận SỞ TỪ là nguồn gốc của thơ Thất Ngôn sau nầy. Sau đây là hai bài thơ Thất ngôn Tứ tuyệt có liên quan đến Tết Đoan Ngọ ở đời Đường. 
        同 州 端 午             ĐỒNG CHÂU ĐOAN NGỌ

鶴 髮 垂 肩 尺 許 長, Hạc phát thùy kiên xích hứa trường,
離 家 三 十 五 端 陽。 Ly gia tam thập ngũ Đoan Dương.
兒 童 見 說 深 驚 訝, Nhi đồng kiến thuyết thâm kinh nhạ,
卻 問 何 方 是 故 鄉     Khước vấn hà phương thị cố hương ?
             殷 堯 藩                          Ân Nghiêu Phồn

      
Có nghĩa :
              Tóc bạc qúa vai cả thước thường,
              Xa nhà ba mươi lăm Đoan Dương.
              Trẻ con nghe nói đều kinh ngạc,
              Cùng hỏi nơi nào là cố hương ?
        Tết giữa năm cũng khiến cho người lữ khách nhớ nhà như là Tết Nguyên Đán vậy! Đọc bài thơ trên làm cho ta lại nhớ đến bài "Hồi Hương Ngẫu Thư" của Hạ Tri Chương... Ta đọc thêm một bài thơ về Đoan Ngọ nữa nhé !
         端 午                              ĐOAN NGỌ

節 分 端 午 自 誰 言,  Tiết phân Đoan Ngọ tự thùy ngôn,
萬 古 傳 聞 為 屈 原。  Vạn cổ truyền văn vị Khuất Nguyên.
堪 笑 楚 江 空 渺 渺,  Kham tiếu Sở giang không diểu diểu,
不 能 洗 得 直 臣 冤。  Bất năng tẩy đắc trực thần oan !
                文 秀                                 Văn Tú

                                            
               
Có Nghĩa :
              Đoan Ngọ ai chia Tết tháng năm,
              Khuất Nguyên từ vạn cổ xa xăm.
              Nực cười sông Sở trôi trôi mãi...
              Rửa chẳng sạch oan đấng nghĩa thần !

      Sông Mịch La của nước Sở, nơi Khuất Nguyên nhảy xuống để tự trầm, mấy ngàn năm vẫn không thể rửa hết oan khiên cho đấng bề tôi trung nghĩa. Bài thơ nầy làm cho ta nhớ đến một "Giai thoại văn chương Việt Nam thời vua Tự Đức", ông vua rất giỏi văn thơ của Việt nam ta...
              
      Trong "Giai thoại văn chương Việt Nam" của Thái Bạch có kể về tài ứng đối của Đinh Nhật Thận như sau: Đinh Nhật Thận sinh năm Ất Hợi (1815) tại làng Thanh Lạo, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đỗ cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838) được bổ làm Tri Phủ. Ông thường giao du với Cao Bá Quát và Nguyễn Hàm Ninh. Sau Cao Bá Quát dấy binh chống lại triều đình, Đinh Nhật Thận bị tình nghi, bắt giải về kinh giam lại, sau lại được thả ra. ("Quốc Triều Hương Khoa Lục" chép về Đinh Nhật Thận: “ Vì là bạn cũ của tên giặc Cao Bá Quát nên bị bắt giam, sau được thả”.

                       
                        
     Vì mến tài ông, vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy cho con em trong hoàng tộc và cũng để dễ bề kiềm chế ông. Tục truyền khi ở kinh đô, một hôm Đinh Nhật Thận cùng các quan đại thần theo thuyền ngự đi ngoạn cảnh trên sông Hương. Nhân bàn luận về Nho giáo, ông nhắc đến câu: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” và cho đó là một câu chí lý. Nghe xong, vua Tự Đức phán:
     - Vậy trẫm truyền cho khanh nhảy xuống sông này chết đi, khanh có dám làm không?
     Nghe vua phán vậy, các quan trên thuyền đều lo sợ thay cho ông, vì không nhảy xuống sông thì không trung với vua, mà nhảy xuống thì chết là cái chắc. Ấy vậy mà ông vẫn bình tĩnh lạy nhà vua ba lạy xong đâu vào đấy, rồi lao mình nhảy tỏm xuống dòng sông. Mọi người đều bàng hoàng, tưởng đây là nơi an nghỉ ngàn thu của ông rồi. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ngoi đầu lên khỏi mặt nước và vói tay bám vào mạn thuyền ngự. Vua Tự Đức hỏi: 
    - Sao khanh không ở dưới đó luôn mà còn trở lên đây chi vậy?
      Ông bình tĩnh đáp rằng:
    - Chỉ tại cái ông Khuất Nguyên của nước Sở. Nhà vua ngạc nhiên hỏi:
    - Tại sao lại Khuất Nguyên? Ông chậm rãi kể:
    - Thần định ở luôn dưới đó, nhưng khi vừa xuống đến đáy sông thì thần gặp ông Khuất Nguyên, ông ấy đuổi thần lên và mắng thần rằng: 

             Ngã phùng ám chúa hàm oan nhẫn,     
             我 逢 黯 主 含 冤 忍,
             Nhữ ngộ minh quân nịch tử hà ?         
             爾 遇 明 君 溺 死 何?
   Có nghĩa :
          Ta gặp phải chúa hắc ám, nên phải chịu oan đã đành,
          Còn ngươi gặp được minh quân sao lại phải nhảy xuống đây trầm mình tự tử vậy ?
  ... hạ thần nghe ông ấy mắng quá đúng cho nên phải ngoi lên đây để tâu cùng bệ hạ rõ!

      Vua Tự Đức cả cười, sai thị vệ kéo ông lên thuyền ngự, lấy quần áo cho ông thay rồi đích thân rót một chén rượu để khen thưởng cho cái tài ứng đối mẫn tiệp, mặc dù biết đó là một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt.

                             
                                
       Giai thoại trên nghe thì rất lý thú, nhưng chỉ để kể cho nhau nghe chơi khi trà dư tửu hậu mà thôi. Nay nhân Tết Đoan Ngọ, ở nơi xứ lạ quê người nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, nên kể hầu chư vị cho vui với một ngày Lễ chỉ có ở vùng của các nước Đông Nam Châu Á mà thôi.

       Hẹn bài viết tới!

                                     杜 紹 德
                                Đỗ Chiêu Đức