Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

* Em Gái Sài Gòn - Quang Yến

    
  EM  GÁI  SAIGON
           Quang Yến 
              ....
Em Sài Gòn nho nhỏ
Tóc buông xoã ngang vai
Sáng Chủ Nhật đi lễ
Bị công an còng tay.

Em Saigon nho nhỏ
Má hồng trước nắng mai 
Tâm trí còn trong trắng 
Em đâu cần nghe ai.

Sáng nay em đi lễ 
Chân đang bước khoan thai
Bỗng công an bắt lại
Vào đồn lấy lời khai. 

Một cái bốp! Tát tai 
Làm má hồng em phai
Mặt cô em sừng lại 
Nước mắt em lăn dài. 

“Này con kia! Nghe ai
Mà xuống đường tụ tập
Ai xúi dục khai tên
Họ cho mi mấy đồng?”

“Dạ thưa không! Thưa không! 
Tôi không nghe ai xúi 
Cũng không dúi một đồng 
Tôi thù bọn bán nước 
Rước giặc vào Biển Đông
Vì tương lai cuộc sống
Vì Dân Tộc Việt Nam
Tôi xuống đường lên án
Bọn phá nước nát tan“

Bốp... bốp... và tiếng van
Tiếng em... tiếng công an
Và có tiếng ai rống
“Mày có muốn sống không?“

Em Saigon nho nhỏ
Tóc xoã xuống ngang vai
Chuông Nhà Thờ Chủ Nhật
Đang từng tiếng thở dài!!!

Sáng nay tôi gặp lại
Đôi má em còn sưng 
Hỏi em sao không hận?
Không giận kẻ tát tai? 

Trả lời không e ngại:
Tha thứ kẻ lầm sai 
Chấp tay cầu xin Chúa 
Rũ lòng thương đoái hoài.

        Quang Yến





* Ý Chí & Nghia Hiệp & Giao Thông - Khôi Nguyên


     Ý Chí

Họ gồm những kẻ thật gan lì
Mạo hiểm phiêu lưu sá quản chi.
Ngược đãi nhà cao không chịu ở,
Bất bình biển rộng cũng ra đi.
Hiên ngang, khí phách, đầu không cúi,
Cùng khổ, điêu linh,gối chẳng quỳ.
Thế giới tập trung bao lỗi lạc
Quyết tâm xây dựng nước Hoa Kỳ.
                  ***

       Nghĩa Hiệp

Bao phen Quốc Tế đã lên đài
Uy vũ chưa từng biết sợ ai.
Thắng Đức, mặc người thu của quý
Hơn Nga, ở chỗ kiếm người tài.
Haiti quân phiệt đành lui bước
Iraq bạo tàn phải khiếp oai.
Cứu khổ phò nguy gương đại nghĩa,
Chọn người Hiệp Sĩ, mẫu tương lai..!

               ***

     Giao Thông

Hệ thống giao thông Mỹ tuyệt vời
Dọc ngang luân chuyển tựa con thoi.
Máy bay kẻ chỉ dường mây đứng,
Xe chạy thành hàng giống nước trôi.
Hỏa tiễn xuyên sơn, xuyên lục địa
Tàu bè vượt biển, vượt trùng khơi.
Cung trăng, mặt đất đều nhanh chóng
Rút ngắn thời gian, bóp nhỏ trời.

     Khôi Nguyên



Hoang Vu Hoa Dại Dã Qùy & Đà Lạt Dã Quỳ - Mai X Thanh



Hoang Vu Hoa Dại Dã Quỳ Đà Lạt

Thu Đông Đà Lạt ở nơi nầy
Bờ bụi dọc đường có loại cây:
Thân dẽo hoa vàng chen nhụy đẹp
Lá xanh màu sắc quyện hương ngây
Cùng em lặn lội qua sườn núi
Sánh bước che mưa ngó đám mây
Nước biếc Hồ Xuân Hương, thủy tạ
Hoang vu bông dại ngắm bao ngày...

Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 06 năm 2018

2) Họa :
        Đà Lạt Dã Quỳ 

 Hết mưa tháng chạp Tết Tây này 
 Đà Lạt Dã Quỳ lẫn bụi cây 
 Sương gió bông vàng đi hấp dẫn 
 Rừng ngo lau xám lại thơ ngây  
Đồi thông thoai thoải qua bờ suối
Đường dốc loanh quanh khuất đám mây
Cỏ dại hoang vu vờn lối mộng
Ngàn hoa ngát tỏa phấn hương ngày...

Mai Xuân Thanh

Ngày 26 tháng 06 năm 2018






Vịn - Trầm Vân


              Vịn
Những con sông cứ chảy xuôi
Tình tôi lại chảy ngược trời lạ chưa
Chảy về ngày ấy cơn mưa
Tình ta trú trọ cho vừa môi hôn
Chảy về chiều hẹn bồn chồn
Đôi chiều lỗi hẹn dỗi hờn lệ em
Con đường ngan ngát hương quen
Những vòng xe chạy êm đềm chở nhau
Qua sông vịn mấy nhịp cầu
Tôi qua ký ức vịn màu áo xanh
Vịn đôi tà gió chòng chành
Nụ cười duyên dáng nghiêng vành nón che
Vịn chiều đưa đón em về
Câu thơ rực đỏ vân vê nụ cười
Vịn làn nắng đỏ bờ môi
Kéo xuân lộng lẫy xa xôi về gần
Rồi tình xa ngái phù vân
Em đi để lại vết chân dấu giày
Con đường khắc khoải từ đây
Phố buồn nghiêng ngả hàng cây đợi chờ
Vầng trăng thương vịn cơn mơ
Tình yêu tôi vịn câu thơ nhớ người
Quán khuya tiếng nhạc chơi vơi
Lẽ nào em để chỗ ngồi lạnh tanh
     Trầm Vân



Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

Đại Việt Sử Thi Q. 29 (Hồ Đắc Duy): Nhà Nguyễn (t t) - Cuộc Kháng Chiến Toàn Quốc

     Đại Việt Sử Thi Q. XXIX (Hồ Đắc Duy)
                            Nhà Nguyễn (t t)
                                  *****
CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC

Lúc bấy giờ khắp nơi trong nước
Nhiều phong trào của các sĩ phu
Ngấm ngầm thành lập chiến khu
Tích trữ lương thực, dự trù quân trang

Tụi thực dân vào lăng Tự Đức
Tìm kho tàng báu vật thời xưa
Chúng đào tận đến quách vua
Dân tâm xao xuyến thâm thù giặc Tây
Để trấn an, giặc bày diệu kế
Cho dựng nhà Khai Trí, mị dân
Nam Phong nguyệt báo canh tân
Viết bài xã luận nói gần, nói xa

Với mục đích gian tà, lừa bịp
Đánh đồng lên: Pháp Việt đề huề
Ru dân, nhằm để dễ bề
Đặt nền thống trị, rẽ chia giống nòi

Trương biểu ngữ "Rồng Nam phun bạc"
Hô "Đánh đổ Đức tặc", mở màn
Mười kỳ quốc trái rêu rao
Đền ơn mẫu quốc viết vào Nam Phong

Lũ còng lưng làm bồi cho giặc
Tư tưởng hèn gieo rắc trong dân
Bọn này lặng lẽ phá thầm
Phong trào cứu quốc thêm phần khó khăn

Đất miền Nam đã thành thuộc địa
Biến Sài Gòn theo vẽ Tây phương
Nhà thờ, trại lính, sở Đoan
Xây thêm dinh thự, mở đường giao thông

Viện Pasteur cử ông Calmettre
Nghiên cứu gia về cách lên men
Sản xuất một số vaccin
Đậu mùa, bệnh dại, thuốc tiêm chích ngừa
Ông gợi ý nên đưa nguồn lợi
Từ trong tay các hội người Hoa
Sản xuất rượu đế mạch nha
Tiền thu thêm được dôi ra rất nhiều

Ông Yersin men theo đường bộ
Từ Khánh Hòa lên tới Lâm Viên
Tìm ra Đà Lạt Cao Nguyên
Hoàng Triều Cương Thổ thuộc quyền thực dân

Hai ông này có công mang đến
Nền y khoa ở tận Tây Phương
Đặt nên nền móng nơi đây
Tìm ra kỳ được thuốc hay cần dùng

Lũ giặc Pháp tung quân bốn phía
Chiếm lần hồi toàn cõi Đông Dương
Văn minh kỹ thuật chủ trương
Cho dân bánh vẽ, quên đường chống Tây

Chúng cũng bày ra trường Cao đẳng
Lập Hội Đồng Tư Vấn loè dân
Cũng cho báo chí rần rần
Phô trương dân chủ bất phân lập trường

Bọn "hót Tây" cũng chường ra mặt
Cũng nhi nhô coi rất chướng tai
Chung quy một lũ tay sai
Việt gian, mọt nước bọn này sâu dân
Vua Duy Tân sau lần thất bại
Bị bắt về giam tại đề lao
Mấy lần Khâm Sứ ra vào
Tìm lời dụ dỗ ngọt ngào với vua

Hồ Đắc Trung, thượng thư Bộ Học
Được Nam Triều ủy thác xử vua
Dẫu thân mang án tử tù
Cao Vân lén gởi mật thư ra ngoài

"Trung là ai? Cân đai võng lọng
Cố làm cho thánh thượng sanh toàn" 

Mấy lời tâm huyết trối trăn
Gởi quan Chánh Án phải bằng cách sao

Tụi thực dân lại trao cho sẵn
Xử nhà vua bản án tử hình
Nhưng khi tuyên án, thình lình
Vị quan già ấy lại truyền tha vua

Quả bất ngờ với tên Khâm Sứ
Bàng hoàng thêm cả lũ tay sai
Chúng bèn hạ lệnh giam ngay
Quan ngài Chánh Án vào thay chỗ Người

Vua bị đày ra vùng hải đảo
Đông Châu Phi, ở thấu Denis
Ba mươi năm sống cách ly
Nhưng lòng luôn vẫn hướng về quê hương
Việc ném bom lan tràn khắp nước
Đó là điềm báo trước cho quân
Thực dân cùng với Việt gian
Là giờ báo tử cũng đang đến gần

Lũ thực dân lồng lên như thú
Chúng lục sùng bắt bớ lung tung
Việt gian, điễm chỉ hết lòng
Bắt người tra khảo vô cùng dã man

Để đánh trả, xuống đường khủng bố
Ở Thái Bình bom nổ giết ngay
Một tên tuần phủ "chẳng may"...
Hotel Hà Nội chất đầy xác Tây

Ở Nghệ An có tay đầu xứ
Tụ nghĩa binh hùng cứ một phương
Lựa thời đột kích, đón đường
Đánh cho giặc Pháp cuống cuồng thất kinh

Phan Châu Trinh và Ngô Đức Kế
Huỳnh Thúc Kháng cùng Nguyễn Tiểu La
Bị quân giặc Pháp đày xa
Côn Lôn lao lý, lệ nhòa, máu dân

Ở trong Nam có Phan văn Quế
Tự xưng mình hoàng đế Xích Long
Nghe đâu có luyện phép gồng
Dựng cờ khởi nghĩa tấn công giặc thù
Ở Sài Gòn cũng như Chợ Lớn
Tám quả bom mô phỏng kiểu Tây
Được đem cài sẵn nơi đây
Gần bên dinh thự, nối dây giựt mìn

Việc bại lộ, giặc tìm bắt bớ
Giam họ Phan khám Lớn Sài Gòn
Kêu tù bản án chung thân
Phá tan sào huyệt ở gần Hóc Môn

Vây khám Lớn, quyết tâm giải thoát
Đánh nhà đèn, đồng loạt xung phong
Nghĩa quân thề chết một lòng
Giải vây chủ tướng thoát vòng lao đao

Cuộc khởi nghĩa cho dù thảm bại
Nhưng tiếng thơm dội mãi ngàn năm
Những người vị quốc vong thân
Là gương nhắc nhở cho dân hiểu rằng

Không gì quý cho bằng độc lập
Không gì hơn dân tộc phồn vinh
Đuổi đi lũ giặc viễn chinh
Cởi ách nô lệ, chính quyền giành ngay

Ông đội Cấn vốn tên Trịnh Đạt
Người cầm đầu cách mạng chống Tây
Cùng Lương Ngọc Quyến giúp tay
Phất cờ khởi nghĩa lựa ngày khởi binh
Chọn Thái Nguyên: địa bàn nổi dậy
Cùng quân dân chiếm lấy đề lao
Tấn công trại lính phá rào
Đập tan xiềng xích tròng đầu dân ta

Với quân số hơn ba trăm lính
Chỉ một tuần chiếm lĩnh khắp nơi
Giặc đưa tiếp viện ngàn người
Phản công đè bẹp đánh lui quân mình

Dũng nghĩa binh rút về Tam Đảo
Để tạm thời nương náu nơi đây
Lựa thời phục kích bao vây
Dần dần lực cạn, càng ngày càng suy

(Còn tiếp)




Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

Không Còn Khuất Nẻo Đường Về - Vkp.Phượng Tím

KHÔNG CÒN KHUẤT NẺO ĐƯỜNG VỀ 
                vkp phượng tím
( Thương mến tặng những người lính già xa quê hương và anh linh các chiến sĩ VNCH )


Thế hệ chúng ta lùi vào quá khứ
Người nằm xuống kẻ an phận xứ xa
Mất quê hương bốn mươi ba năm qua
Khuất luôn nẻo  đường về trên đất mẹ!
*
Thế hệ chúng ta không còn sức để:
Dời đổi non sông  lịch sử nước nhà
Dạ luống` bồi hồi mong mỏi thiết tha
Thế hệ cháu con vùng lên tranh đấu!
*
Giành lại Việt Nam ngàn năm yêu dấu
Giang sơn gấm vóc sông biển trãi dài
Khâm phục vô vàng tuổi trẻ hôm nay
Chí khí quật cường đánh tan xâm lược...
*
Trở về đây chúng  ta cùng sánh bước
Khắp chốn mọi nơi  trên đất nước mình
Núi biếc đồi xanh vạn vật tái sinh
Mưa nắng hai mùa hoa thơm trái ngọt...
*

Ba thế hệ cùng hân hoan  chào đón
Ánh bình minh rực sáng cả bầu trời
Giòng giống Lạc Hồng vang vọng khắp nơi
Không còn khuất nẻo dường về đất mẹ!!!
        
Saigon tháng sáu/ 2018
               Vkp phượng tím



Bên Đường Hình Như Vạt Áo Phai - Thuyên Huy



Bên Đường Hình Như Vạt Áo Phai

Góc quán vắng cũ
 Một mình ngồi đó
Chiều ngập ngừng đuổi bóng nắng chạy rong
Ngoài phố
Thu chưa về
Trời chừng như đã vào đông
Bên kia đường chân gót mềm dáng nhỏ
Người con gái không quen
Nhặt cánh phượng cuối mùa úa đỏ
Nhón bước nhẹ đi qua
Sợ sỏi đá quặn mình đau
Lâu lắm từ ngày không gặp lại nhau
Đi rồi về tôi cứ vẫn là người khách lạ
Sân giáo đường
Lẻ bạn thẫn thờ dưới chân tượng đá
Con sáo già giương mắt mỏi mòn trông
Bài tình ca hát cho nhau nghe ngày nào
Chỉ còn lại trống không
Chút nước mắt rơi bất chợt
Giọt cà phê mặn đắng
Hồn nhói đau khóc òa giữa chợ chiều quạnh vắng
Dáng xưa em về
Đường cũng con đường ấy
Chỗ hẹn đầu
Thấp thỏm chờ hồn lâng lâng em áo trắng
Tà đôi tà thả gió hạ vờn bay
Hạ bây giờ ngơ ngác ở quanh đây
Mùa tựu trường vắng em
Phấn bảng lớp học nhớ người da diết
Tiếng ve lạc bạn tàn mùa gọi nhau buồn tha thiết
Em đi và đi không nói một lời
Đường phượng xưa giờ cành lá ngậm ngùi
Tôi về gác trọ xơ xác gầy cửa khép
Bài thơ thương người
Giữ lâu rồi thôi không chép
Phố tuổi thêm già để bút mực khẳng khiu
Từ đó mình biền biệt xa nhau từ đó
Người con gái lạ khuất lâu rồi cuối ngõ
Con sáo già vẫn thẩn thờ gượng giương mắt mỏi
Tên em nhói đau không dám gọi
Mờ sương khói thuốc cay
Thoáng bên đường hình như vạt áo đã phai

        Thuyên Huy
Essendon, chiều ngồi một mình trong quán lạ thưa người 2018






* Nhân Tâm Vốn Quý - Mai X Thanh

     Nhân Tâm Vốn Quý
 
Trần ai cõi tạm tối nằm queo
Đất khách bình an khó nhổ neo
Đứng mũi chịu sào mong mát mái
Đi thuyền vững lái tránh leo đèo
Nhìn đi thế giới bao nhiêu cáo?
Ngó lại quê cha có lắm mèo
Tuổi hạc càng cao chân gối mỏi
Người mình hiếu khách bản thân nghèo!

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 06 năm 2018






Nỗi Nhớ Bạc Đầu - Trầm Vân


   Nỗi Nhớ Bạc Đầu
Người vẫn đi về trong giấc mơ
Tóc dài hương ngát nụ môi khờ
Kéo cả xuân về khăn đắp mộng
Hồn tôi hoa cỏ dại ngu ngơ
Người vẫn đi về trong ánh trăng
Đóa hoa lấp lánh nụ môi rằm
Nụ hôn dậy cả trời xanh biển
Dào dạt hồn tôi tiếng sóng ngân
Người vẫn đi về trong gió mây
Hoa thơm chìa má nắng chìa tay
Tôi hôn lên cả ngày xưa hẹn
Những nụ môi hồng má đỏ hây
Người vẫn đi về trong nắng rơi
Gọi mùa xuân đến nắng đâm chồi
Nụ cười hoa nở bừng xuân sắc
Chếnh choáng chiều say chẳng muốn trôi
Người vẫn đi về trong tiếng mưa
Giọt rơi thắc thỏm nhớ che dù
Nhớ làn tóc ướt thương mùa cũ
Âu yếm nồng nàn lau tóc khô
Người vẫn đi về trong nỗi đau
Ngàn trùng biển rộng cách xa nhau
Tiếng thơ tôi gọi thành giông bão
Cuồng quẫy thời gian nhớ bạc đầu
     Trầm Vân




Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Đại Việt Sử Thi Q. 29 (Hồ Đắc Duy): Nhà Nguyễn (t t) - Trần Cao Vân và Việt Nam Quang Phục Hội

    Đại Việt Sử Thi Q. XXIX (Hồ Đắc Duy)
                            Nhà Nguyễn (t t)
                                  *****

TRẦN CAO VÂN VÀ VIỆT NAM QUANG PHỤC HỘI

Có một người ở làng Tư Phú
Phủ Điện Bàn thuộc xứ Quảng Nam
Thấy quân Pháp quá tham tàn
Dấy binh tụ nghĩa vạch đường đánh Tây

Trần Cao Vân một tay uyên bác
Hệ tư tưởng rất được đời ưa
"Trung Thiên Dịch Thuyết" bấy giờ
Gieo mầm Cách Mạng vào cho dân mình

Cùng Thái Phiên liên minh lập đảng
Qui tụ quân Cách mạng dưới tay
Việt Nam Quang Phục lập ngay
Vạch ra kế hoạch đánh Tây diệt thù

Họ nhắm vào vị vua yêu nước
Cài người vào đến được kinh đô
Giả làm tài xế cho vua
Cùng vua: lãnh đạo diệt đồ ngoại bang

Vua Duy Tân nóng lòng được sớm
Hội kiến cùng với nhóm Thái Phiên
Cao Vân giả lão chèo thuyền
Doanh Châu đảo nhỏ dập duềnh nước khua

Hồ Tịnh Tâm sen vừa vào hạ
Nắng hanh vàng đã quá giữa trưa
Phiên, Vân diện kiến đức vua
Làm sao chuyển đổi cơ đồ nước Nam?

Khi mạn đàm tình hình thế giới
Biết rằng Tây tất phải lo toan
Tăng cường phòng tuyến phía Đông
Nghe đâu quân Đức tấn công mặt này

Tính: thực dân nay mai thất bại
Hỏi: làm sao giữ mãi Đông Dương?
Ta nhân cơ hội sẵn sàng
Ngàn năm một thuở: bẻ tan xích xiềng!

Người trong nước tuyên truyền chống Pháp
Rỉ tai ngầm khắp các đội quân
Nhất là trong đám lính sang
Âu Châu, đỡ đạn cho phường giặc Tây

Khuya mồng hai, một giờ, trời sáng
Lê Cảnh Vận sẽ bắn thần công
Báo cho dân, lính hợp đồng
Nhất tề nổi dậy xung phong chiếm đồn

Truớc, phải dồn giặc vào thế bí
Chiếm xong rồi ta sẽ phát binh
Riêng vua tạm phải di hành
Vào vùng Quảng Ngãi lập thành chiến khu

Theo kế hoạch, đánh vào Mang Cá:
Trứ, Chương, Hà đột phá trung tâm
Khải, Hàn, Trinh đánh Tòa Khâm
Cao Vân hộ giá men đường Quan San

Áo đỏ sẫm, vai quàng bảo kiếm
Chít khăn đen, lưng quấn dải vàng
Theo hầu: tay nỏ Côn Quang
Bốn tên thị vệ, lên đường: vua đi!

Bến Thương Bạc, nửa khuya về sáng
Trên trường thành lấp lánh sao đêm
Sông Hương nước vỗ mạn thuyền
Lòng vua cứng lại quay nhìn hoàng cung


Buồn một nỗi vô cùng thấm thía
Đất nước chừ tứ phía ngoại xâm
Ruộng vườn mất, dân hờn căm
Bởi quân cướp nước dã tâm quá chừng

Sông Lợi Nông thuyền rồng vừa đến
Nguyễn Đình Trứ bái kiến đức vua
Không ai có thể nào ngờ
Tên này phản bội báo cho kẻ thù

Việc khởi nghĩa bấy giờ bại lộ
Thuyền chở Người tới ở Hà Trung
Rời thuyền lên núi Ngũ Phong
Quanh co dốc đá, đồi thông quay về

Làng Ngũ Tây thuộc thôn An Cựu
Nằm kề bên dãy núi Thiên Thai
Dừng chân tạm nghỉ đêm dài
Bọn Tây nghe được cho người bắt vua

Charles điện thoại cho Tòa Khâm Sứ
Báo Toàn Quyền vào xử việc ngay
Bởi y chẳng thể chuyển lay
Trước lời tuyên bố của ngài Duy Tân

Trước thất bại vì quân phản bội
Vua bị bắt cùng với các quan
Thái Phiên và cả Cao Vân
Đề, Siêu cũng bị tống giamvào tù


Thực dân Pháp dự trù hành quyết
Chúng đem ra giết chết bốn người
Để hòng dọa nạt, ra oai
Để hòng dập tắt dân đòi tự do

Những tử tù hiên ngang dõng dạc
Giữa pháp trường lên án thực dân
Điểm tên, chỉ mặt từng thằng
Buôn dân, bán nước, manh tâm hại người

Cửa An Hòa, nơi bày bãi chém
Bọn thực dân giải đến mấy người
Cao Vân vẫn nở nụ cười
Phất tay viết lại cho đời mấy câu:

"Anh hùng đế cục hưu thành bại
Công luận thiên thu phó sử biên" 

Mấy lời tâm huyết lưu truyền
Ngàn năm gương đó vẫn nguyên giữa đời

(Còn tiếp)



Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Thơ của Phạm Đình Hổ (Bài viết của Mailoc) & Thơ ciủa Mai X Thanh



Cuối tuần xin gởi đến VTT cùng thi hữu vài  bài thơ của Phạm Đình Hổ, một thi nhân nổi tiếng đời Lê Nguyễn. 
Thân 
ML
  Quá Kim Liên T
Bình ngạch phiêu phù khách cố kinh,
Kim Liên tự lý kỷ hồi kinh.
Tam thu thụ sắc liên thôn thuý,
Vạn khoảnh hồ quang nhất kính bình.
Ngoã tước sào biên tham định tướng,
Thạch lựu tùng bạn độ kinh thanh.
Phù sinh tự thị đa lao lộc,
Thời hướng không môn đắc tĩnh danh.
                Phạm Đình Hổ
Dch nghĩa
Cánh bèo trôi nổi, làm khách kinh đô cũ
Nơi chùa Kim Liên, đã mấy lần qua
Sứac lá ba thu, liền với xóm làng xanh biếc
Vạn khoảnh hồ sáng, phẳng lặng như một tấm gương
Tổ sẻ ngói ở bên, tham định tướng
Khóm thạch lựu gần cạnh, đón tiếng kinh
Kiếp phù sinh tự gặp nhiều vất vả
Thường hướng cửa thiền để được yên than
Dịch Thơ :
      Qua Chùa Kim Liên
Khách bèo dạt nơi kinh thành cổ
Chùa Kim Liên mấy độ thăm qua.
Ba thu, cây biếc, xóm nhà,
Hồ trong phẳng lặng như là mặt gương.
Tổ sẻ ngói như dương định tướng
Khóm thạch hựu đang tưởng lời kinh,
Phù sinh thương xót phận mình
Cửa thiền thanh tịnh tâm tình lặng yên
         Mailoc phỏng dịch

 Đông Ngc L Trung

Nhị thập niên lai nhất lữ nhân, 
Đông phong hồi thủ lệ triêm cân.
Gia hương phao trịch nan vi hiếu,
Cơ lữ bôn trì chỉ vị bần. 
Khách lý hựu phùng 
mai vũ dạ, 
Sầu trung do mộng cố viên xuân. 
Hà đương quy phỏng 
Lâm Đường cảnh,
Toạ thính tùng cầm đối bạch vân.
Dch nghĩa
Hai mươi năm nay là một lữ nhân
Trong gió đông ngoái đầu nhìn lại nước mắt đẫm khăn
Vứt bỏ quê nhà khôn gọi là hiếu
Ngược xuôi lữ thứ cũng chỉ vì nghèo
Chốn đất khách lại gặp đêm mai vũ
Trong nỗi sầu còn mơ đến mùa xuân ở vườn xưa
Biết lấy gì để khi trở về tìm hỏi cảnh Lâm Đường
Ngồi nghe tiếng thông đàn ngắm mây trắng trôi
 Dịch Thơ :
   CẢNH LỮ THỨ Ở ĐÔNG  NGẠC
Hai mươi năm xa quê lòng chạnh,
Ngoảnh đầu nhìn đông lạnh lệ sa.
Hiếu đâu? ruồng bỏ quê nhà!
Bởi nghèo , lữ thứ bôn ba miệt mài.
Đêm đất khách thương mai tan tác,
Mộng vườn xưa man mác tình quê.
Lam Đường cảnh cũ tái tê,
Thông reo sầu lắng, lê thê mây ngàn.
          Mailoc phỏng dịch
     Giao Hành
Tảo khởi độc hành hành,
Quyện ỷ lệ chi hạ.
Cách ngạn điểu nhất thanh,
Giang sơn quang như hoạ.
Dch nghĩa
Sớm dậy một mình thủng thẳng đi
Đi mệt ngồi tựa dưới gốc vải
Bên kia bờ sông một tiếng chim kêu
Non sông sáng rực như bức vẽ

Dịch Thơ :
       ĐI  CHƠI
Sống một mình dạo chơi thoải mái,
Đi mệt rồi gốc vải tựa lưng
Bên sông một tiếng chim hồng,
Đẹp như tranh vẽ núi sông rạng ngời!
             Mailoc phỏng dịch

H Nht Giao Hành
Gia hương hà xứ thị,
Nhật tại thiên chi đông.
Chú vọng bất khả kiến,
Ngã tâm không xung xung.
Trường không đa bạch vân,
Khoáng dã đa phiêu phong
Trĩ lập bội trù trướng,
Vô kế ký chinh hồng.
          Phạm Đình Hổ

Dch nghĩa
Quê nhà nơi đâu nhỉ?
Vầng dương đang ở bên trời đông
Chăm chú nhìn mà không thể thấy được
Lòng ta luống buồn rầu
Trên khoảng không mênh mông thật nhiều mây trắng
Dưới cánh đồng khoáng đãng đầy gió lang thang
Đứng lặng người, lòng thêm thổn thức
Không có cách nào gửi theo cánh chim hồng
Dịch Thơ :
    NGÀY HÈ ĐI CHƠI
Quê nhà giờ đâu nhỉ ?
Mặt trời đang tại đông
Chăm chú mà không thấy,
Cho ta phút chạnh lòng.
Trên không chùm mây trắng,
Gió vi vu trên đồng.
Lặng người trong sầu lắng
Làm sao nhắn chim hồng ?
         Mailoc phỏng dịch

Giang Lâm M Tuyết
Ngư chu phản trạo chính hoàng hôn,
Tán nhứ đôi diêm tố ảnh phồn.
Đảo trám vãn hà kim thế giới,
Tầm mai hữu khách tự tiền thôn.
            Phạm Đình Hổ

Dch nghĩa
Thuyền chài trở mái chèo đúng lúc chiều buông
Tuyết rơi như bông gieo muối chất ánh trắng lấp loáng
Ráng chiều hắt ngược lại, thế giới như bằng vàng
Có người khách tìm mai, từ thôn trước đến
 Nguồn: Tuyển tập thơ văn Phạm Đình Hổ, NXB Khoa học xã hội, 1998
Dịch Thơ :
       TUYẾT CHIỀU TRÊN SÔNG
Chiều đã buông, thuyền chèo trở mái,
Trên mặt sông tuyết giải trắng ngần.
Ráng chiều phản chiếu vàng sông,
Trước thôn có khách một lòng tìm Mai
          Mailoc phỏng dịch

Xã T Hu Hoài
Sùng từ môn ngoại thảo thiên thiên,
Nhất độ đăng lâm nhất trướng nhiên.
Hoang thụ cựu truyền ca vũ địa,
Tàn bi do thức Cảnh Hưng niên.
Đài phong thạch hiện trình tân lục,
Sương nhiễm đan phong táo mạc thiền.
Lữ thứ quy lai hà sở kiến,
Hàng hàng kiều mộc chính lăng thiên.
             Phạm Đình Hổ

Dch nghĩa
Ngoài cửa ngôi đền cao, cỏ chen chúc
Mỗi bước lên tới, mỗi buồn rầu
Chỗ cây hoang mọc, xưa truyền là nơi ca múa
Trên tấm bia nát, còn thấy niên hiệu Cảnh Hưng
Rêu phong nền đá bày rõ màu xanh mới
Sương nhuộm cây phong đỏ, tiếng ve chiều kêu
Chốn lữ thứ trở về có gì để thấy
Dãy dãy cây cao đang vươn lên bầu trời
DỊch Thơ :
      CẢM HOÀI ĐỀN CŨ
Ngoài cửa đền cỏ gai chen chúc,
Mỗi bước lên một chút vương buồn.
Bãi hoang xưa chốn vũ trường,
Bia tàn niên hiệu Cảnh Hưng chưa mờ.
Nền đá cũ xanh lơ rêu bám,
Rừng phong sương buồn thảm tiếng ve.
Lặng nhìn, lữ thứ sắt se,
Rậm rì cổ thụ vươn che nền trời
        Mailoc phỏng dịch

 Quy C Viên Hương
Đoạn ngạnh phiêu bồng tuế lưỡng chu,
Thôi biều trùng tác cố hương du.
Tùng kinh tu trúc tương cao hạ,
U thảo hoang khâu bán hữu vô.
Chinh vụ ảnh hòa triêu ải sắc,
Cô thiền thanh nhập tịch dương thu.
Bằng lan hồi tưởng đương niên sự,
Nghĩ hướng thương thương vấn cố ngô
.
             Phạm Đình Hổ

Dch nghĩa
Lìa cành phiêu bạt hai năm tròn
Bơ phờ lại làm kẻ về chơi quê cũ
Bụi gai khóm trúc lô nhô cao thấp
Gò hoang cỏ tối nửa thực nửa hư
Bóng cò bay xa lẫn vào màu sương sớm
Tiếng ve đơn độc chìm trong chiều thu
Tựa lan can nhớ lại việc buổi đương niên
Muốn hướng lên trời biếc hỏi việc cũ của ta
  Dịch Thơ :
      VỀ QUÊ CŨ
Xa quê nhà, hai năm phiêu bạt,
Tấm thân tàn, phờ phạc về thăm.
Trúc-gai cao thấp chen chân,
Gò hoang cỏ tối nửa gần nửa xa.
Bóng cò lượn mờ pha sương sớm,
Ve ngân sầu lúc chớm thu sang.
Nghĩ xưa, khi tựa lan can,
Việc mình trời có thấu cùng ta chăng ?
                Mailoc phỏng dịch


(Pham Đình Hổ)

Phạm Đình Hổ (chữ Hán范廷琥1768-1839tên chữ là Tùng Niên (松年), Bỉnh Trực (秉直), hiệuĐông Dã Tiều (東野樵), tục gọi là Chiêu Hổ. Ông là nhà nghiên cứu văn hóanhà văn và nhà thơ của Việt Nam ở khoảng cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19.
Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), người làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Sinh trong một gia đình khoa bảng, cha ông là Phạm Đình Dư, đậu cử nhân, làm Hiến sát Nam Định, thăng Tuần phủ Sơn Tây, rồi cáo quan về ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) năm Giáp Ngọ (1774).
Ngay từ nhỏ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí rằng: Làm người con trai phải lập thân hành đạo...Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời...[1]. Tuy học & đọc nhiều sách (năm 9 tuổi, ông đã học sách Hán thư), nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ (tức tú tài) vào khoảng cuối đời Chiêu Thống.
Gặp buổi loạn lạc, vua Lê Chiêu Thống cho người chạy sang cầu viện nhà Thanh, rồi triều đình  Trịnh sụp đổ, nhà Tây Sơn lên cầm quyền... Suốt quãng thời gian này, Phạm Đình Hổ sống đời cơ hàn dạy học ở quê.
Đến khi Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc học hành thi cử; ông có đi thi Hương ba lần, nhưng đều không đỗ. Hồi ấy ông đang dạy học ở phường Thái Cực, huyện Thọ Xương trong thành Thăng Long, hằng ngày rèn luyện học trò và biên soạn sách. Tại đây, ông kết bạn thơ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Năm Canh Thìn (1820), có chỉ triệu ông và Phan Huy Chú vào Huế đợi mệnh cất dùng, nhưng vì ốm ông không vào được.
Năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng ra Bắc. Khi ấy, Phạm Đình Hổ ở tuổi 53, được vời ông đến hỏi về học vấn, thi cử và tình hình nhân tài đất Bắc. Lại khuyên hễ có những sách tiền triều, sách trước thuật... nên đem tiến trình. Ông bèn dâng lên nhà vua những sách do mình biên soạn, bèn được triệu vào Huế làm Hành tẩu Viện Hàn lâm, được ít lâu, ông xin từ chức.
Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại triệu ông, cho làm Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, tiếp đến làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, xin nghỉ bệnh rồi từ chức. Sau, ông lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ.
Năm Nhâm Thìn (1832), ông xin về hưu luôn. Năm Kỷ Hợi (1839), Phạm Đình Hổ mất, thọ 71 tuổi
     Mailoc sưu tầm và phỏng dịch

Mai Xuân Thanh xin phép được góp vui về Bài Thơ "Quá Kim Liên Tư" của tiền bối Phạm Đình Hổ, qua diễn Nôm của thầy Mailoc như sau :

Qua Chùa Kim Liên

Cố đô mặc khách cánh bèo trôi
Mấy độ Kim Liên Tự ghé rồi
Sắc lá ba thu làng xóm biếc
Hồ gương vạn khoảnh mảnh trăng đôi
Tổ gần sẻ ngói tham thiền định
Thạch lựu kề bên chánh niệm thôi
Một kiếp phù sinh trong bể khổ
Cửa chùa nương bóng tấm thân côi

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 06 năm 2018


Qua diễn Nôm bài thơ "Đông Ngạc Lữ Trung"- Phạm Đình Hổ của thầy Mailoc, Mai Xuân Thanh xin phép góp vui VTT như sau :

 Lữ Khách Ở Đông Ngạc

Lữ khách xa quê hai chục năm
Gió đông đẫm lệ chẳng về thăm
Chưa tròn chữ hiếu lòng đau xót
Không vẹn đạo con dạ oái ăm
Quán trọ tha hương mai cánh rã
Vườn xưa viễn xứ mộng xuân nằm
Lâm Đường ngại hỏi bao thương nhớ
Mây trắng thông reo mấy chẳng cầm

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 06 năm 2018


Qua diễn Nôm của thầy Mailoc bài thơ "Giao Hành - Phạm Như Hổ", Mai Xuân Thanh xin phép góp vui vào VTT như sau:
          Đi Tản Bộ

Một mình dậy sớm, bộ hành chơi
Gốc vải dưa lưng, mệt nghỉ ngơi
Cách bến sông chim kêu một tiếng
Vẽ tranh sáng rực nước non ơi !

Mai Xuân Thanh
Ngày 27 tháng 06 năm 2018


Qua thơ diễn Nôm của thầy Mailoc với bài thơ "Hạ Nhật Giao Hành - Phạm Đình Hổ"
Mai Xuân Thanh xin phép góp vui vào VTT như sau :

    Hè Dã Ngoại

Quê hương giờ có biết nơi nào ?
Trời mọc phương đông chóng vánh cao
Chú ý trông nhà không thể thấy
Nhìn chi mỏi mắt luống thương đau
Không gian mây trắng bay nhiều lắm
Đồng trống gió lùa thổi rất mau
Thổn thức con tim người đứng lặng
Cánh hồng bay bổng nhắn làm sao !

Mai Xuân Thanh
Ngày 29 tháng 06 năm 2018