Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

Thời Gian - Nguyễn Huy Khôi

                                                                                                         


     THỜI GIAN

Sót tờ lịch cuối hững hờ rơi,
Năm tháng qua đi, chẳng tái hồi.
Danh lợi... tựa phù du vụt cuốn,
Hèn sang... như gió tản vèo trôi.
Xuân sinh, Hạ trưởng hoa bừng nở,
Thu ẩn, Đông tàn lá rụng rơi.
Gắng sống cho ra Người tử tế,
Thảnh thơi Tết đến, ửng Xuân tươi!

               Xuân Canh Tý
                       2020
          Nguyễn Huy Khôi

Tờ Lịch Cuối Năm - Trịnh Bửu Hoài




  TỜ LỊCH CUỐI NĂM

Năm có nhẹ nhàng hơn không
Khi còn tờ lịch cuối cùng
Mong manh cô độc trên tường

Đời có tốt đẹp hơn không
Chân mây rực rỡ ánh hồng
Mênh mông góc trời mênh mông

Người có vui mừng hơn không
Cuộc sống ngày càng ngát hương
Cùng với trái độc đầy vườn

Năm mới có gì hơn không
Nắng vẫn xé trời rạng đông
Lịm dần trong bóng hoàng hôn

Có gì để nhớ hơn không
Khi tờ lịch cuối bay vòng
Kéo theo bao điều đợi mong…

Trịnh Bửu Hoài









Cớ Sao Người Tự Dối Lòng (Vkp.Phượng Tím) & Hứa (Thu Hà)

      CỚ SAO NGƯỜI TỰ DỐI LÒNG vkp phượng tím
            ( Xin phép cảm tác bài thơ Hứa của Thu Hà )    

     
     
    Thời gian còn được bao nhiêu? 
Cớ sao không chịu sống nhiều cho Thơ?
    Tại Ai vô tâm hững hờ?
Mà Người đành bỏ văn thơ bên đường
    Tình trường đâu như chiến trường
Tranh nhau chỉ đổ máu xương trận đời
    Thắng thì hồ hỡi vui chơi
Người thua hận tủi rối bời tâm cang
    Ai gieo nợ? Người trách than?
Tằm Dâu nghĩa nặng, trái ngang xóa mờ
    * 
    Cớ sao Người vội bỏ Thơ?
Phải vì một bến hai bờ ái ân?
    Hay là bởi tại sông Ngân
Chia tình đôi ngả, thơ dần nhạt phai
    * 
    Cớ sao Người vội buông tay?
Lặng thầm tiếc nhớ những ngày bên nhau
    Càng chôn kín... tim càng đau
Đêm thao thức, ngày ra vào ngóng trông
    *
    Cớ sao Người tự dối lòng???
     Tháng 12/ 2019
    vkp phượng tím



      HỨA
Tôi hứa sẽ không viết thơ tình nữa
Không buồn phiền than trách với nhớ thương
Bởi cuộc đời vốn dĩ quá đau thương
Mà chân cứ trên đường chông gai dẫm
Tôi sẽ mãi suốt cuộc đời thầm lặng
Để mà nghe những nỗi nhớ lặng thầm
Cuộc đời nầy tằm luôn mắc nợ dâu
Thì phải trả chớ đâu mà than trách...

Tôi sẽ xếp cất dần từng trang sách
Bởi lời thơ tôi đã gói gọn rồi
Trong hồi ký ghi đầy câu bút tích
Gởi cho người như gởi cả tâm tư

Tôi chỉ muốn khi đọc từng dòng chữ
Người sẽ nghe như thấy ở bên mình
Tôi hiện diện trang thơ tình tôi viết
Gởi đến người... và ly biệt ngàn năm!!!

     Thu Hà



Sầu Vẫn Ở Lại - Trầm Vân


Sầu Vẫn Ở Lại
Đã trót nói lời chia tay giã biệt
Cứ ngỡ rằng mình chẳng nợ gì nhau
Ngỡ thời gian mù trên xưa lối hẹn
Kéo xanh về xóa hết vết thương đau

Rồi bỗng thấy chiều cô đơn trống vắng
Bàn tay rời xa ngái một vòng tay
Cô đơn ôm vầng trăng đêm hụt hẫng
Cơn mơ nào rơi xuống ánh trăng gầy

Rồi bỗng thấy khát thèm đôi dòng tóc
Xõa vào chiều hương ngát tách cà phê
Bờ môi buồn thèm khát nụ hương mê
Ngày chếnh choáng trôi qua lòng nuối tiếc

Nỡ nào đêm chia nhau vầng trăng khuyết
Sông bạc đầu con sóng vỗ nhớ thương
Con đò xưa chèo qua bến thiên đường
Giờ quay ngược trôi qua mùa bão tố

Sầu ở lại phiêu bay làn tóc gió
Vẫn đi về quanh quẩn lối hẹn xưa
Chợt thấy lòng như vàng thu lá đổ
Rụng xanh xao quanh phố đợi ngõ chờ

Trầm Vân




Long Lanh Nụ Cười - Trầm Vân


Long Lanh Nụ Cười
Mặc đời đổi trắng thay đen
Mặc người gian dối đảo điên mặc người
An nhiên ta bước thảnh thơi
Giữ Chân Thiện Nhẫn hoa trời từ bi

Tránh thù ghét tránh sân si
Tránh gieo nghiệp xấu gặt về khổ đau
Lòng chân thành giúp đỡ nhau
Yêu thương là phép nhiệm màu ơn trên

Mặc cho giông bão nổi chìm
Giữ tâm chánh đạo bình yên an lành
Ấy là nhận phước trời xanh
Niềm vui tỏa sáng long lanh nụ cười

Trầm Vân




Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Ngậm Ngùi Tờ Lịch (Mailoc) & Các bài họa của các tác giả Nguyễn Huy Khôi, Mai Xuân Thanh

  


NGẬM NGÙI TỜ LỊCH

Lịch còn mấy lá bám trên tường 
Lả tả từng ngày bỗng cảm thương.
Như khóc như than buồn số kiếp
Phù sinh chua xót khóc vô thường.

Vài tờ mong mỏng cứ lay lay
Thoi thóp đìu hiu chỉ mấy ngày.
Cảm khái chùng tay không nở gở
Năm tàn lịch mới sắp vào thay.

Vô tri, lịch hỡi! Có hồn không?
Se sắt trong ta tận cõi lòng
Mỗi sáng nhìn ta, mi nhắc nhở
Bạc đầu có biết tuổi vào đông ?
         Mailoc
    ( Cali Đông Chí 2019 )


      Họa:
            NGHIỆT LỊCH
To nhỏ sao đâu, tấm lịch tường,
Ngày đi tên bắn nhói sầu thương.
Mỏng dầy khôn tính điều còn mất,
Năm hết mùa trôi vốn lẽ thường.

Lịch rụng tự nhiên, chẳng gió lay,
Đời dần ngắn lại lúc sang ngày.
Rùng mình sờ tóc sương nhòa phủ,
Xuống bóng, tay run bóc lịch thay.

Thời gian nghiệt ngã sắc hư không,
Thêm tuổi -đuổi Xuân, ngẫm đắng lòng!
Ngày mở, còn thấy vầng nhật nguyệt,
Là còn lửa ấm buổi tàn đông!

                  21-12-2019
          Nguyễn Huy Khôi


Họa :
         Lốc Lịch Cuối Năm
Lốc lịch vài tờ chót ở tường
Coi ngày mấy bữa nữa thân thương
Nào hay nó mỏng dần duyên kiếp
Mới biết phù sinh ấy lẽ thường

Thấy mỏng nên thay đổi lá lay
Thoi đưa hết tháng chẳng bao ngày
Thường tình chẳng nở đưa tay gở
Ái ngại đâu ngờ lịch mới thay...

Luyến tiếc năm tàn lịch biết không ?
Cảm thông tha thiết nhói trong ló̀ng
Sáng nào thức dậy nhìn " em " nhớ
Sương tuyết bạc đầu lạnh cuối đông

Mai Xuân Thanh
Ngày 20/12/2019






* Đừng Ví - Hoàng Đằng

    ĐỪNG VÍ
Đừng ví em là hoa,
Để người lại, kẻ qua
Tha hồ nhìn rồi ngắm.
Em nỏ còn của ta!
Đừng ví em là trăng,
Để khi tròn, khi khuyết,
Ta còn sợ mây giăng
Che bóng em lịm tắt.
Đừng ví em là chim,
Ta không lồng để nhốt,
Ta không dây để buộc.
Em bay, ai đi tìm?
Mong em cứ là người,
Miệng luôn nở nụ cười,
Với ta, thế là đủ
Quên vất vả trên đời...
Hoàng Đằng
27/12/2019
(02 Chạp Kỷ Hợi)



Người Áy Xa Rồi - Vkp.Phượng Ngày Xưa


         NGƯỜI ẤY XA RỒI 
  (Tùy bút 4 của Phượng ngày xưa)
   (Kính nhớ anh Bùi Nhơn Đạo)
Trong bộ quân phục mới tinh, vai mang lon chuẩn uý của trường Bộ Binh Thủ Đức, anh đến tìm tôi từ giã để lên đường làm nhiệm vụ ở vùng rừng núi KONTUM . Nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, anh nói:
- Mai anh đến đơn vị rồi, ở nhà, Bé cố học để được làm “cô tú” nhe
- Anh đừng lo, không có anh, em cũng không làm biếng đâu. Mà sao anh cứ gọi em là Bé hoài vậy, em lớn rồi, tụi bạn nó cười em đó
- Cứ kệ tụi nó đi, trong mắt anh Bé vẫn là bé mãi mãi.
- Để anh luôn ăn hiếp và nhắc nhở hoài phải không? Nào là: Bé đói bụng chưa?... Bé ăn cơm chưa?... Bé làm bài tập xong chưa?... Bé học bài thuộc chưa?... Mà nếu em kể hết chắc tới ngày mai quá…
Anh phì cười, chọc tức tôi thêm:
- Bé vẫn còn là con nít mà.
- Nhưng em chỉ thích làm người lớn thôi.
- Làm người lớn sẽ bị mất nhiều thứ lắm đó Bé: không được ba má nuông chìu nè, phải tự chăm sóc cho mình nè, khi vấp ngả trên đường đời, lấy ai nâng đở và che chở. Như anh đây nầy, vì mồ côi từ nhỏ nên phải ở trong Cô Nhi Viện CAO ĐÀI, phải nhờ vào cơm Trại Đường để ăn học, anh phải tự lo liệu mọi thứ cho bản thân mình. Giờ thì anh phải ra chiến trừơng để đối mặt với cái chết từng phút từng giây đó Bé ơi.
    Vừa nói anh vừa nhìn vào khoảng không xa vắng mông lung mà mắt lại đỏ hoe, tôi bồi hồi xúc động, dịu giọng:
- Em không đòi làm người lớn nữa, anh chịu chưa?
- Vậy thì tốt. Bé ngoan, chừng nào về phép anh sẽ có quà cho Bé…
    Trước khi đi, anh đưa cho tôi quyển album nhỏ ” Kỷ Niệm Thủ Đức” có hình người lính cầm súng, bên trong chỉ có vài tấm hình chụp lúc anh thụ huấn tại trường bộ binh Thủ Đức.
Tôi tiễn anh ra tận cổng. Anh bước đi như chạy, Tôi nhìn theo… mắt rưng rưng…
*
    Vào Đại học, người yêu Lính Biển của tôi lại là bạn của anh thời trung học. Một lấn về phép, anh mang về cho tôi một bộ váy dệt bằng vải thỗ cẫm tuyệt đẹp, nói là để chúc mừng cho tình yêu của chúng tôi, nó sẽ bền vững mãi mãi như rừng núi cao nguyên vậy.
    Lời chúc của anh đã bị gió biển mang đi thật xa nên thuyền yêu của tôi đã neo về bến khác. Biết được tin, anh viết thư về cho tôi võn vẹn chỉ một câu:
“Bé hãy quên hết mọi chuyện buồn phiền đã qua, cố gắng học cho thành tài.”
   Ra trường một năm sau tôi cũng lập gia đình.
*
   Vài hôm trước ngày30/4/1975, miền Trung bị thất thủ, anh đã trở về SaiGon. Hơn tháng sau, anh đi học tập cải tạo với cấp bậc là Đại uý của quân lực VNCH. Một lần, ở trại cải tạo, anh đói đến ngất xỉu, bạn tù đã tìm thấy anh ở xó rừng, kiến bu mình mẫy anh dầy đặc, chỉ còn thoi thóp, cuối cùng, các bạn anh đã cứu được anh .
*
    Rồi anh cũng được trở về sau 8 năm tù đày gian khổ. Thân tàn ma dại, không có gia đình và người thân, anh còn biết làm gì hơn là ngồi bôm vá xe ở lề đường để kiếm sống qua ngày… Vậy mà, vì lòng tự trọng quá cao, anh đã từ chối mọi sự giúp đở của bạn bè kể cả của vợ chồng tôi.
*
    Bặt tin anh khá lâu, rồi định mệnh nghiệt ngã, anh kết hôn với một người không yêu và rời quê hương sang xứ lạ. Tôi mừng cho anh nhưng cảm thấy bất an trong lòng vì mỗi lần gọi điện về, anh đều than buồn nhớ quê hương da diết nhất là “Nhớ Bé Thật Nhiều”.
Lần cuối cùng, anh gọi về cho tôi, giọng anh run run đong đầy nước mắt nhưng vẫn không quên dặn dò tôi:  ”Bé ráng giữ gìn hạnh phúc”(dù lúc bấy giờ tuổi tôi đã ngoài năm mươi.)
Với tuổi đời chồng chất mà phải chịu sự lạnh lẽo từ tâm hồn đến thể xác ở nơi xứ lạ quê người, chắc anh đã gục ngả và giờ này, có lẽ anh đã tìm được sự an bình cho tâm hồn ở thế giới bên kia !!!
NGƯỜI ẤY ĐÃ XA THẬT XA RỒI !!!

                       Vkp.Phượng Ngày Xưa








Xin Chở Giùm Tôi Ngọn Gió Thu - Thuyên Huy


Xin Chở Giùm Tôi Ngọn Gió Thu

(Nhớ một nấm mộ quen cuối rừng cao su Trà Võ của những ngày bỏ đi chưa một lần về.)

Chuyến xe đò cũ về Trà Võ
Xin chở giùm tôi ngọn gió thu
Mùa này cao su vàng lá đổ
Nơi có bạn tôi một nấm mồ

Một sáng tàn thu trời se lạnh
Chia tay bỏ Trà Võ mình đi
Từ đó sông Vàm buồn rẽ nhánh
Hẹn nhau vẫn chưa có lần về

Anh vì phận nghèo đời xa xứ
Tôi cũng tha phương giữa chợ người
Mang đem rao bán vài trang chữ
Những chữ buồn nhiều hơn chữ vui

Tin anh nằm xuống chiều mưa muộn
Quạnh quẽ rừng xưa gió thu về
Trời đất quanh tôi buông chùng xuống
Đốt nén nhang lòng khói bếp quê

Mộ anh quạnh quẽ rừng thu vắng
Hắt hiu màu đất lá khô vàng
Mấy bận thu rồi trời quên nắng
Bến nghèo chưa kịp đón người sang

Mai về Trà Võ tôi nhóm lửa
Hong lá vàng xưa sưởi ấm mồ
Chờ chùa Bến Đình chuông chiều đổ
Gởi anh dưới đó ngọn gió thu

Thuyên Huy
Mt Macedon cũng thu trời xứ người 2019






Gửi Em Xa Sài Gòn - Trầm Vân


Gửi Em Xa Sài Gòn
Em xa có nhớ Sài Gòn
Tháng Mười Hai lạnh môi son ửng hồng
Giáo đường tiếng hát ca rung
Phố phường nhộn nhịp đón mừng Nô En

Em xa có nhớ dịu êm
Sông Sài Gòn gió ru mềm tóc bay
Bạch Đằng bến sóng nghiêng gầy
Nhớ em má đỏ hây hây thưở nào

Nhớ không tiếng gió lao xao
Đưa em về phố Đa Kao rộn ràng
Nụ cười chở bóng xuân sang
Gió qua Lê Lợi vai quàng Thanh Đa
Qua vùng Bình Quới mượt mà
Cây xanh bóng mát ngỡ ra miệt vườn

Em xa có nhớ mái trường
Tóc bay ngan ngát làn hương điệp vàng
Tiếng chim ríu rít bay ngang
Hót quanh lớp học hót vang khung trời

Em xa có nhớ chỗ ngồi
Hộc ngăn thương chứa những lời thầy cô
Tình bè bạn khép cửa hờ
Tóc dài kẹp tuổi ngây thơ dịu dàng

Em xa có nhớ thênh thang
Tất niên dài buổi liên hoan nghĩa tình
Tiếng ca mở cửa bình minh
Cõi lòng lấp lánh bóng hình trường yêu

Phương trời có lạnh gió xiêu
Câu thơ gửi giọt nắng theo đón chờ
Em về thương nhớ che dù
Sài Gòn mãi đợi nắng mưa gọi người

Trầm Vân



Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

Thành Ngữ Điển Tích 46: Đông (Đỗ Chiêu Đức)


         THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 46 : 
                              ĐÔNG
                                    
                  Inline image
                        ĐÔNG QUÂN sao khéo bất tình, 
                       Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân.

        Đó là hai câu thơ oán trách và bất mãn của nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều. ĐÔNG QUÂN 東君 là "Ông Vua ở Hướng Đông", là Chúa Xuân mang lại ánh nắng ban mai  ấm áp cho hoa lá cỏ cây.
        1. Theo Sử Ký, Phong Thiền Thư 史記·封禪書 thì : ĐÔNG QUÂN là thần mặt trời ở hướng đông, với hình tượng của một nam nhân mặt đỏ, tay cầm cung tên, áo xanh quần trắng. Nghĩa phát sinh trong văn học cổ dùng để chỉ nhà vua, như trong "Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca" của Lê Ngô Cát & Phạm Đình Toái có câu:
               Chủ trương mừng thấy ĐÔNG QUÂN,
               Thái bình cây cỏ được nhuần hơi mưa.

        2. Theo truyền thuyết dân gian cổ Trung Hoa thì ĐÔNG QUÂN là Chúa Xuân, như thơ của Vương Sơ đời Đường trong bài "Lập Xuân Hậu Tác 立春后作" là: 

               Đông Quân kha bội hưởng san san,       
                         東君珂佩響珊珊,
               Thanh ngự đa thì hạ cửu quan.            
                         青馭多時下九關。
               Phương tín ngọc tiêu thiên vạn lý,         
                         方信玉霄千万里,
               Xuân phong do vị đáo nhân gian.          
                         春風猶未到人間".  
       Có nghĩa :
               ĐÔNG QUÂN đeo ngọc bước đing -đang,
               Cởi ngựa xuống trần qúa cửu quan,
               Mới biết trời cao muôn vạn dặm,
               Gió xuân chưa thổi đến nhân gian.

            Trong "Tứ Thời Khúc Vịnh" của một danh sĩ đời Mạc là Hoàng Sĩ Khải cũng có câu:

                Đâu đâu chịu lệnh ĐÔNG QUÂN,
         Cửu giao lừng lẫy đón xuân rước về !

        3. ĐÔNG QUÂN 東君 còn dùng để chỉ người đàn ông, người chồng trong gia đình ngày xưa với năm thê bảy thiếp, làm chủ trong nhà như chúa xuân mang đến ân huệ cho tất cả thê thiếp trong gia đình, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện:

                Vẻ chi một mảnh hồng quần,
         Chúa hoa đành đã ĐÔNG QUÂN đây rồi !

                   Inline image

          Cũng như hai câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc mở đầu cho bài viết nầy, ĐÔNG QUÂN là Chúa Xuân, là Vua, là người đàn ông đầy quyền lực trong gia đình, nên nếu không khéo xử sự thì sẽ rất dễ tạo nên những hờn oán cho thê thiếp vì:

                   Muôn hồng nghìn tía đua tươi,
             CHÚA XUÂN nhìn hái một hai bông gần!

...để đến nỗi buông lời oán trách như lời thơ sau đây:

                   ĐÔNG QUÂN sao khéo bất tình, 
            Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân.

          Sau ĐÔNG QUÂN 東君 ta có ĐÔNG CUNG 東宮, là Cung điện được xây dựng ở phía đông cung vua, là chỗ ở của Hoàng Thái Tử, người sẽ kế vị ngôi vua sau nầy. Theo Dịch lý ngũ hành thì Đông phương là Giáp Ất thuộc Mộc, chủ màu Xanh, là biểu tượng của mùa Xuân, nên ĐÔNG CUNG còn được gọi là "Thanh Cung 青宮" hay "Xuân Cung 春宮".  Như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái:

                     ĐÔNG CUNG đã lập Duy Tường,
            Bỗng không lại đổi Duy Phường cớ sao ?

         ĐÔNG CUNG 東宮 còn chỉ chỗ ở của Hoàng Hậu là mẹ của Hoàng Thái Tử. Vào đời Hán, hoàng hậu ở cung Trường Lạc nằm ở phía đông của cung Vị Ương là cung của vua ở, nên Hoàng Hậu còn được gọi là  ĐÔNG CUNG HOÀNH HẬU 東宮皇后, khác với Tây Cung là chỗ ở của Thứ Phi, Qúy Phi... như trong truyện Nôm khuyết danh Phạm Tải Ngọc Hoa  (dân gian thường gọi là Phạm Công Cúc Hoa) của ta:

                   Thương chồng chẳng quản xấu xa,
          Phong làm hoàng hậu chính toà ĐÔNG CUNG.

        Còn ĐÔNG PHONG 東風 là "Gió từ Hướng Đông" chớ không phải là "Gió của Mùa Đông". Gió của hướng Đông là gió Xuân. Theo chương Nguyệt Lệnh trong sách Lễ Ký 礼记·月令 như sau: Mạnh xuân chi nguyệt, đông phong giải đống 孟春之月,東風解凍. Có nghĩa: Tháng giêng của mùa xuân, gió đông thổi tan băng giá, nên hai câu thơ cuối trong bài "Đề Tích Sở Kiến Xứ 題昔所見處" (Còn có tựa là Đề Đô Thành Nam Trang 題都城南莊) là: 
       Nhân diện bất tri hà xứ khứ,           人面不知何處去,
       Đào hoa y cựu tiếu ĐÔNG PHONG   桃花依舊笑東風.
... còn được viết là : 
       Nhân diện bất tri hà xứ khứ,           人面不知何處去,
       Đào hoa y cựu tiếu XUÂN PHONG   桃花依舊笑春風。

        Cụ Nguyễn Du đã mượn ý của hai câu thơ trên để tả lúc Kim Trọng trở lại Vườn Thúy tìm Thúy Kiều với hai câu lục bát rất hay là:
                Trước sau nào thấy mặt người,
         Hoa đào năm ngoái còn cười GÍO ĐÔNG.
                  
               Inline image Inline image
        Trong truyện nôm Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện đã tả nàng Dương Dao Tiên với hai câu thật gợi cảm:
                    GIÓ ĐÔNG gờn gợn sóng tình,
           Dưới hoa lộng lẫy một cành mẫu đơn.

       Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc thì Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mượn GIÓ ĐÔNG để chỉ sự mơn trớn của nhà vua với nàng cung nữ khi mới được yêu:

                 Cành xuân hoa chúm chím chào,
          GÍO ĐÔNG thôi đã cợt đào ghẹo mai.

     ... và khi thất sủng, thì nàng cung nữ cũng nhắm vào ĐÔNG PHONG mà trách móc:

                  Thù nhau ru hỡi ĐÔNG PHONG,
           Góc vườn đãi nắng cầm bông hoa đào.

          Còn cụ Nguyễn Trãi trong Quốc Âm Thi Tập: "Đào Hoa Thi bài một" thì viết như sau:

                 Một đoá đào hoa khá tốt tươi,
          Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười.
                 ĐÔNG PHONG ắt có tình hay nữa,
          Kín tịn mùi hương dễ động người.
        
        Inline image Inline image

           Còn trong "Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến" thì nhà thơ Jean Leiba (Lê Văn Bái) đã viết trong bài Mai Rụng như sau:
                                        
              Yêu chàng, em cố chuốt hình dong
              Tô cặp môi son, điểm má hồng,
              Em thấy xuân nay hoa nở đẹp,
              Cảm tình Thanh Đế, tạ ĐÔNG PHONG,

            Ngoài ĐÔNG PHONG là GIÓ ĐÔNG ra, ta còn có TƯỜNG ĐÔNG là bức tường ở mé đông, do câu nói trong sách Mạnh Tử. Cáo Tử Hạ 孟子.告子下 là: Du đông gia tường nhi lâu kỳ xử tử 踰東家牆而摟其處子. Có nghĩa: Trèo qua bức tường  phía đông nhà hàng xóm mà ôm cô gái còn trong trắng. Ý nói là:  Chọc ghẹo cô gái hàng xóm, như trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du nói về chị em Thúy Kiều khi vừa đến tuổi câp kê là:

             Êm đềm trướng rũ màn che,
        TƯỜNG ĐÔNG ong bướm đi về mặc ai.

            Có nghĩa là: Chị em Thúy Kiều sống êm đềm trong "trướng rũ màn che", mặc cho đám thanh niên lối xóm có tỏ tình trêu ghẹo gì cũng mặc! Nên TƯỜNG ĐÔNG, ĐÔNG GIA, ĐÔNG LÂN... đều dùng để chỉ Hàng Xóm, như khi Thúy Kiều tảo mộ xong về lại nhà, cụ Nguyễn Du đã có những câu chuyển cảnh thật hay như sau:
                 Kiều từ trở gót trướng hoa,
           Mặt trời gát núi chiêng đà thu không.
                 Gương nga chênh chếch vòm song,
          Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.
                  Hải đường lả ngọn ĐÔNG LÂN,
          Hạt sương trĩu nặng cành xuân la đà....

              Inline image  Inline image
           Chữ ĐÔNG còn đưa ta đến với hai nhân vật trong văn học cổ mà nhắc đến thì mọi người đều quen biết, đó chính là:
        1. ĐÔNG PHA 東坡 : là Tô Thức (1037-1101), chính trị gia, văn thi sĩ đời Tống, tự là Tử Chiêm, hiệu là Đông Pha Cư Sĩ, nên người đời quen gọi là TÔ ĐÔNG PHA 蘇東坡. Ông nổi tiếng với nhiều bài Thi Từ Ca Phú, nhất là hai bài Tiền, Hậu Xích Bích Phú với các câu như: Quế trạo hề lan tương, kích không minh hề tố lưu quang, diễu diễu hề dư hoài, vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương... 桂棹兮蘭槳,擊空明兮泝流光。渺渺兮予懷,望美人兮天一方... Có nghĩa: Thuyền quế nầy chèo lan, khua vầng trăng sáng nầy theo dòng nước lan man, lòng ta diệu vợi muôn vàn, phương trời người đẹp mơ màng ngóng trông!... Theo sử thi "Mai Đình Mộng Ký 梅亭夢記" của Nguyễn Huy Hổ 阮輝琥 trong đó cũng có câu:

                 Này này quế trạo lan tương,
          Ví đua Xích Bích, chi nhường ĐÔNG PHA.

      2. ĐÔNG SÀNG 東床 : là cái giường nằm ở phía đông. Theo tích Vương Hi Chi 王羲之 trong Tấn Thư 晉書 như sau:
          Vào đời Đông Tấn, có quan Thái Úy là Khước Giám, có một cô con gái vừa tài hoa vừa đẹp đẽ, nên ông luôn muốn kén chọn một chàng rễ cho xứng với con gái mình. Biết được trong nhà của Tể Tướng Vương Đạo có rất nhiều con cháu trai đều văn hay chữ tốt, bèn cho môn sinh đến để cầu thân. 
    Khi người môn sinh của Khước Giám đền ngỏ ý, thì Vương Đạo bèn bảo rằng: Tất cả bọn chúng đều đang ăn ở học tập ở phía đông sương, cứ qua đó mà chọn. Người môn sinh bèn đi về phía đông sương, thấy những chàng trai con cháu của họ Vương người nào cũng mi thanh mục tú, ra vẻ "Nền phú hậu bậc tài danh, Văn chương nết đất thông minh tính trời", lại nghe nói có người nhà của quan Thái Úy đến chọn rễ, nên ai nấy đều ăn mặc chải chuốc bảnh bao, duy chỉ có một chàng nằm phơi bụng ở giường mé đông đọc sách xem như không có gì xảy ra cả. 
     Người môn sinh về kể lại tài mạo của các chàng trai họ Vương bên đó cho quan Thái Úy Khước Giám nghe. Khi nghe xong, Khước Giám liền bảo: "Chính hắn! Chính cái chàng trai nằm phơi bụng ở giường đông như không có việc gì xảy ra đó, chính là chàng rễ mà ta muốn chọn đó".

        Inline image

     Qủa không sai, vì chàng rễ đó chính là Vương Hi Chi, nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng với bút pháp của Thiếp Lan Đình để đời cho đến hiện nay. Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã cho Hoạn Thư khen Thúy Kiều khi thấy nàng chép kinh ở Quan Âm Các là:

                   Khen rằng bút pháp đã tinh,
             So vào với Thiếp Lan Đình nào thua !

       Sau nầy, hễ muốn chọn được chàng rễ qúy thì người ta thường gọi là "Kén Rễ Đông Sàng" nên "RỄ ĐÔNG SÀNG" là chàng rễ qúy. Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Nhị Độ Mai" của ta cũng có câu:

                 Con ta yểu điệu khuê phòng,
          Có Tây Tử đó, thiếu ĐÔNG SÀNG nào?!
      
      Còn trong "Sơ Kính Tân Trang" của Chiêu Lỳ Phạm Thái, một danh sĩ ở cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 của ta thì gọi là GIƯỜNG ĐÔNG:

                   Lẽ đâu dám kẻ GIƯỜNG ĐÔNG,
            Tước bình xin đợi, thừa long xứng tài.  

                  Inline image

       TƯỚC BÌNH là "Tước Bình Trúng Tuyển 雀屏中選"; THỪA LONG là "Thừa Long Khoái Tế 乘龍快婿". Cả hai thành ngữ nầy cùng với "Diệu tuyển ĐÔNG SÀNG 妙選東床" đều là những thành ngữ chỉ kén được chàng rễ quý!

           Hẹn bài viết tới !

                                          Đỗ Chiêu Đức