Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Phá Tam Giang- Đầm Cầu Hai với Văn Hóa Ẩm Thực Huế (Hoàng Xuân Minh)

Phá Tam Giang - Đầm Cầu Hai
Đối Với Văn Hóa Ẩm Thực Huế

I. Phá Tam Giang- Đầm Cầu Hai
Đối Với Cư Dân Huế

Phá  Tam Giang – Đầm Cầu Hai là một dải phân cách nằm giữa biển Đông và tỉnh Thừa Thiên Huế, chạy từ cực Nam đến cực Bắc tỉnh, có diện tích 21.600 ha, chiều dài từ Bắc xuống Nam là 86 cây số.  Dải đầm phá nầy đi qua 5 huyện ven biển của Thừa Thiên Huế: Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền. Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai thông với biển bằng hai cửa biển: cửa Thuận An và cửa Tư Hiền và nhận nước từ các sông chảy qua địa phận Thừa Thiên Huế như sông Ô Lâu, sông Hương, sông Bồ, sông Nong, sông Truồi và sông Cầu Hai. Do tính chất giao thủy giữa nước mặn của biển và nước ngọt của sông nên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có độ mặn biến động theo mùa, theo thời kỳ, ngày, tầng mặt, tần đáy, cửa sông, và cửa biển. Độ mặn thấp nhất có thể là 0.2 % và cao nhất có khi lên đến 30 %. Người dân quanh đầm phá gọi nước đầm phá là lợ.  Gọi nước lợ là để phân biệt với nước mặn của biển và nước ngọt của sông. Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là dải nước ven biển, thông với biển qua các cửa biển, thông với sông qua các cửa sông nên khu hệ sinh vật trong đầm phá rất đa dạng và rất nhiều chủng loại: cá, tôm, cua, ghẹ, trìa, lươn, và các loại chim muông. Nhóm gốc nước ngọt tập hợp các loại thủy sản từ sông, hồ, thâm nhập vào đầm phá (thường là vào mùa mưa). Nhóm nước mặn gồm các động vật ven biển thâm nhập từ các cửa biển.  Nhóm nước lợ bao gồm các loài nước ngọt thâm nhập vào đây thích nghi với môi trường nước lợ. Thường người ta gọi nhóm tôm, cá của phá Tam Giang – đầm Cầu Hai là gọi nhóm nầy.



                  (Một Góc Phá Tam Giang)

Cùng là tôm, cua, cá nhưng tôm, cua, cá của phá Tam Giang – đầm Cầu Hai ngon hơn tôm, cua, cá của biển hoặc của sông. Cũng là những con cá đồng tên như cá mú, cá hồng, cá hanh, cá ong thì nhóm nầy ở phá ngon hơn rất nhiều so với những con sống ở biển. Con chình ở khe, suối, sông vẫn không thể so sánh với con cá chình đánh bắt ở đầm phá. Cùng tên gọi cá hồng, cá mú, cá hanh... nhưng những con tôm, con cá ở phá dù thể trọng nhỏ hơn những mùi vị thơm ngon hơn rất nhiều. Người phụ nữ khi chế biến thức ăn sẽ khó tạo được sự thành công khi sử dụng loại hải sản biển như cá thu, cá ngừ, tôm, cua của biển. Một dĩa cá ong hương kho khô, một con cá dìa hấp, một tô canh cá đối nấu thơm, một dĩa lươn trộn... chỉ chừng ấy thôi, đơn sơ thế thôi... bữa ăn đã ngon rồi!
Không phải ngẩu nhiên vua chúa nhà Nguyễn chọn Huế làm thủ đô. Sông xanh, núi biếc, phong cảnh hữu tình nhưng không có phá Tam Giang, không có đầm Cầu Hai, không có con cá, con tôm ngon... chắc gì vua nhà Nguyễn chọn Huế làm Kinh Đô.


                           (Đầm Cầu Hai)

Con cá, con tôm, con cua... của phá Tam Giang – đầm Cầu Hai so với các con cùng loài đồng tên ở biển, có thể trọng không lớn hơn, lúc nào cũng tỏ ra thích hợp cho cách chế biến thực hiện một công đoạn: món ăn mau chính, mùi vị thơm ngon, đậm đà. Yếu tố nầy cũng đã làm cho khách đến Huế yêu thích những món ăn chế biến từ các hải sản của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Người phụ nữ Huế thường kén chọn các hải sản từ đầm phá để chế biến bửa ăn phục vụ khách. Món nào hấp thì hấp, con cá nào kho thì kho. Họ kén chọn từng cọng hành, cọng rau để làm bửa ăn thêm ngon, thêm đậm đà. Sống cạnh phá Tam Giang – đầm Cầu Hai, người đi chợ Huế không mất nhiều thời gian để chọn cá, chọn tôm... bởi vì phá Tam Giang – đầm Cầu Hai có đến trên 200 loài cá, tôm ngon để họ chọn, mua lúc nào cũng có, chợ lúc nào cũng sẵn sàng, đầy đủ cá, tôm.
Nói chung lại, phá Tam Giang – đầm Cầu Hai đã luôn luôn đem lại sự ổn định, sự tin cậy cho người phụ nữ Huế khi nấu nướng, hào soạn bữa ăn cho chồng con và cho khách.
        
       II Văn Hóa Ẩm Thực: Một Nền Văn Hóa Rất Đời Thường của Người Dân Huế

Huế là đất dựng nghiệp của nhà Nguyễn.  Các đời vua của triều đại nầy đã kéo dài gần một trăm rưỡi năm (1802 – 1945). Các ngành văn hóa đã đơm hoa kết trái và nỡ rộ từ khi vua Gia Long lên ngôi cho đến ngày nay. Ngành ẩm thực cũng có sự phát triển đồng loạt cùng các ngành văn hóa khác, vừa mang tính quần chúng vừa mang tính lễ nghi, đươc tôn vinh là một ngành đích thực: ngành văn hóa ẩm thực.
Huế là Kinh Đô của một thời, trải qua mười mấy thập kỷ dưới chế độ quân chủ, ngành ẩm thực Việt Nam rõ ràng đã tạo được thế đứng vững vàng bên cạnh các nền văn hóa khác trên đất Thần Kinh. Do đó, nói đến Huế, viết về Huế, các tác giả không thể không nói đến lễ nghi của hội hè, đình đám mà nồng cốt là các bữa ăn chào mừng lễ hội của quần chúng nông dân.
Đối với xứ Huế thì bửa ăn là bữa cơm Huế, món ăn là món ăn Huế. Nói đến món ăn Huế, bữa cơm Huế là phải mô tả hàng trăm món ăn cung đình cũng như dân dã. Những món ăn đó rõ ràng mang tính chất Huế được lựa chọn để sắp xếp và hào soạn trên một mâm ăn. Trong các lễ hội, đình đám, tiệc tùng lớn nhỏ, người dân Huế có truyền thống bày dọn (mâm cao cổ đầy). Trong các bữa ăn chiêu đãi bạn bè hoặc họp mặt người thân vẫn thường (mâm cao cổ đầy) và ngay trong các bữa ăn gia đình, nếu có điều kiện lo liệu cũng hào soạn ( mâm cao cổ đầy). Đó chính là những nét tiêu biểu của nền văn hóa ẩm thực Huế.
Đất Phú Xuân là trung tâm chính trị và văn hóa của các vua chúa nhà Nguyễn, nơi thường hội tụ các tao nhân măc khách, nơi thường có tiệc tùng ăn uống, mời mọc nhiều món ăn. Bên cạnh dĩa rau quả, nem chả, thịt... người Huế có thói quen hào soạn nhiều dĩa tôm, cá, cua được bày dọn ở các măm ăn nầy là sản phẩm của đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đối với người Huế được ví như một bể cá có sẵn trong nhà khi cần mua lúc nào cũng có, mua bao nhiêu cũng không thiếu. Người Huế đãi khách, mời khách thường bằng một mâm ăn mang tính hào soạn cao. Trên mâm cỗ đó, cá, tôm, cua của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thường có vai trò là những đĩa đồ ăn, những món ăn chính trong một mâm ăn.
Huế xua nay là đất văn hóa nên người phụ nữ Huế đa số điều biết nấu ăn, biết hào soạn một bửa ăn. Đặc biệt nếu người phụ nữ đó thuộc các gia đình nền nếp có văn hóa chắc chắn sẽ được giáo dục để trở thành một người đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh. Trong các chuẩn mực đó, công (nấu ăn, thiêu thùa, may vá) là hàng đầu. Một mâm ăn được nấu nướng bởi một phụ nữ có công, có dung bao giờ cũng ngon, cũng đẹp... cái đẹp mà sự hào soạn có văn hóa cộng với cái ngon từ chất liệu cá, tôm, cua của vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đã làm cho bữa ăn của người Huế thêm hương, thêm sắc.
Cái đẹp, nét đẹp đầy hương sắc trong nấu nướng và hào soạn của người Huế là một nhân tố cấu thành nền văn hóa ẩm thực- một nền văn hóa rất đời thường của người Huế xưa và nay.
                                                
              Huế, ngày 20 tháng 9 năm 2009
                    Hoàng Xuân Minh
             (Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm)     



Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Nắng Thu - Như Phương & Cảm tác của MXThanh

  
      
           Nắng Thu                           
                             
Nắng hanh reo nhẹ lá vàng rơi
Cali mùa Thu đẹp tuyệt vời
Có ai dệt thơ bằng lá đỏ
Vẽ đời sương nhạt bằng mây trôi?

Biển xanh vẫn rạt rào khúc hát
Vi vu hàng thông viền bờ cát,
Hải yến lướt cánh vút mây ngàn
Bò thơ thẩn giữa dòng bát ngát.

                     Như Phương
                           Nov, 9 - 2013

**************************************
Cảm tác từ bài Nắng Thu 

Nắng vàng gió nhẹ lá Thu rơi,
Khí hậu Cali cũng tuyệt vời.
Mỹ Quốc nhiều nơi cây cối đỏ,
Tiểu Bang thắng cảnh áng mây trôi.
Trời xanh biển lặng đi xem hát,
Cát trắng vi vu gió lạnh rồi
Hải yến về đâu bay thấp thóang,
Chân trời ảm đạm nhớ em tôi!

Mai Xuân Thanh  kính bút cảm tác
Thơ " Nắng Thu "  -  Như Phương 

                        

                                           

Họp Mặt - Ngọc Sương


      Họp Mặt                              
Ngọc Sương                        
                                        
 Dù bao vật đổi sao dời
Lòng người với Huế mặn mòi không xao
Sông Hương núi Ngự hôm nào
Bây giờ gặp lại nao nao cõi lòng
Nhưng sao nghe vẫn bồn chồn
Thầy xưa bạn cũ giờ còn bao nhiêu?
Thầy già Cha ốm liêu xiêu.
Môn đồ mấy khóa không nhiều lắm đâu
Nhưng mà nghiã nặng tình sâu
Làm sao quên được nhịp cầu đã qua.
Học hành những chữ xưa xa,
“Học nhi thời tập chi” à vậy thay!
Bút lông, chữ viết cầm tay
Nét ngang, chấm, phẩy, nét này sao Cha?
Cha cười, Cha chỉ: Đây mà!
Thầy không kiên nhẫn sao ta nằm lòng?
Thấm nhuần đạo đức phương Đông,
Năm năm Hán Học thong dong vào đời.
Mỗi người mỗi cảnh mỗi nơi,
Cuộc đời trôi nổi, lắm người khổ đau.
Ra sao ai biết ngày sau
Nhớ lời thầy dặn mấy câu ân cần.
Câu: "Ưu đạo bất ưu bần »
Nhắc con ghi nhớ ngàn lần chớ quên
Xa nhau biết mấy phương trời
Năm mươi năm đó đời người đã qua.
Người tóc bạc kẻ răng thưa,
Bây giờ gặp lại, người xưa đâu rồi!
Cặp kính lão nhìn đi thôi
Ờ nhỉ! Bạn cũ... phải rồi nao nao...
Bắc Trung Nam, một mái nhà
Cùng nhau học tập, cùng nhau sang trường
Hôm nay tay bắt mặt mừng
Nhìn nhau bở ngở... lục tuần đã qua
Anh-ông nội, tôi-ngoại bà
Một thời áo trắng đã xa lâu rồi.
Thầy đâu bạn cũ ôi thôi
Buồn vui bạn cũ ai hoài cố nhân!
Xin cho gửi chút lòng ân
Nơi các bạn cũ ân cần đổi trao
Lo cho mọi việc vuông tròn
Làm sao thông lối mở đường chung vui
Tuổi đời còn lại bao nhiêu
Một lần gặp mặt bao điều nhiêu khê...
Dù khó khăn cũng gắng về
Lần này họp mặt bạn bè cùng nhau
Chúng ta cũng có một lần..
Mộ thầy, một nén hương trầm thành tâm
Cảm ơn thầy, cảm ơn đời,
Nghẹn ngào... xao xuyến... nói lời không ra.


          Ngọc Sương
(Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm)


Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Đời Tàn - Quang Yến & Cảm tác của MXThanh

     Đời Tàn

Ngày tháng theo nhau qua
Hết Hạ rồi lại Thu
Cây trơ mình vàng lá
Đời hiu hiu xế tà!!!

Thời gian làm gì ta
Mà sao chóng tàn tạ
Mấy mùa Đông băng giá
Mấy mùa Xuân đi qua!!!

Lá cây đổ vội vàng
Gió thổi bay ngổn ngang
Xuân đời chưa hưởng kịp
Tóc mây tới ngỡ ngàng!!!

Lá xanh rồi lại vàng
Chiều đi thì đêm sang
Gió ngừng rồi gió thổi
Sanh lão bệnh tử ôi!!!

Ngoài trời mưa vẫn rơi
Lá vàng bay tơi bời
Giá lạnh qua khe cửa
Còn chi nữa... đời tàn!!!



Thôi không ngồi khóc than
Cũng không mơ màng nữa
Hãy để tâm tĩnh lặng
Chuông Chùa đang ngân vang!!!.

     Quang Yến

*****************************
Cảm tác từ bài Đời Tàn

Lạnh lùng ảo diệu gió vi vu,
Đẹp đẽ tròn trăng khói tỏa mù.
Dáng điệu hồn nhiên mà nũng nịu, 
Hình dung tứ quý sáo như ru...
Đời tôi thóang chốc sao cao tuổi,
Tóc bạc da mồi tới lúc tu...!
Bươn chải giàu sang ôi sống tạm,
Đời tàn bỏ lại... giấc thiên thu...!

Mai Xuân Thanh  kính bút cảm tác,
Thơ " Đời Tàn "  -  Quang Yến

Ngỡ Ngàng - (daoanhdung) & Bài họa Ước Mơ (Khôi Nguyên) & Bài cảm tác của MXThanh


Ngỡ Ngàng
 

 Xa em anh đếm lóng tay
Bao hôm xa cách, bấy ngày nhớ thêm
Tiền đồn heo hút sương đêm
Mong kỳ phép tới cho mềm môi em.



 

Nhớ ai ánh mắt buồn tênh
Tay ghì báng súng bấp bênh sóng lòng
Hỏa châu soi sáng Cỏ Đông*
Bao giờ ta được tình nồng bên nhau?





 

Thương em giọng nói ngọt ngào
Anh theo cơn gió lọt vào phòng ai
Ngất ngây tình ngấm men say
Tạch đùng tiếng súng bên tai ngỡ ngàng...





 




Thôi đành rủ giấc mộng vàng
Đạn bom khói lửa dở dang tình mình
Mong sao sớm dứt chiến chinh
Anh về tìm lại người tình trăm năm.
  
Đàoanhdũng
Tây Ninh, 1979
----------------
Chú thích: 
* Sông Vàm Cỏ Đông

* Nguốn: Blog Daoanhdung writer

**************************



         Ước Mơ
     (Họa Bài Ngỡ Ngàng)

Từ ngày hai đứa chia tay
Thù nhà, nợ nước tháng ngày nặng thêm.
Hỏa châu soi sáng từng đêm
Nhắc ta phải gạt nỗi niềm sang bên.
Biên thùy hiu hắt, buồn tênh
Mạng người sống thác bấp bênh não lòng 
Bây giờ tháng giá mùa đông
Thanh bình chưa đến, tình nồng được sao?
Nhớ thương da diết, ngọt ngào
Chung tình vẹn giữ khắc vào tim ai
Đêm nghe tiếng súng bên tai
Giật mình còn tưởng Thiên Thai, mơ màng!
Vì đâu lỡ giấc mộng vàng,
Vì đâu gây cảnh dở dang duyên mình?
Ước mong đất nước thanh bình
Anh về nối lại chuyện tình đôi ta...!

            (Khôi Nguyên)

********************************
Cảm tác bài Ngỡ Ngàng


Hỏa châu sáng rực tỏa chân trời,
Súng nổ ầm vang nhớ bạn tôi.
Sống thác như đường tơ sợi tóc,
Sinh tồn giữ mạng sống em ơi...!
Qua cơn khói lửa đi tìm bậu,
Thóat nạn binh đao vội kiếm người.
Ngỡ gặp em yêu xa cách mấy,
Ai ngờ bậu bỏ xứ đi rồi...!

Mai Xuân Thanh  kính bút cảm tác,
Thơ Ngỡ Ngàng của (Đaoanhdung)
Ngày 31 tháng 08 năm 2014

Một Thời Vang Bóng & Hồi Tưởng Về Trường Xưa - Tôn Nữ Hiếu


Một Thời Vang Bóng
        Tôn Nữ Hiếu   
Đường xưa lối cũ đã thay tên
Bến Ngự sông xanh nước chảy rền
Năm xưa trường cũ đâu còn nữa
Áo trắng học trò chẳng trắng thêm
Dạt dào xao xuyến lòng se thắt
Thẩn thờ bước nhẹ dạ sầu nghiêng
Kỷ nịêm một thời vang bóng ấy
Nhớ thầy nhớ bạn dễ nào quên!

Hồi Tưởng Về Trường Xưa
Viện Hán học, trường cũ quê tôí
Soi bóng dòng sông dáng tuyệt vời
Bến Ngự cây cao tàng mát rượi                            Tỏa bóng ôm trùm lũ chúng tôi.         
Mỗi độ thu về sĩ tử vui
Kẻ Bắc người Nam rộn tiếng cười
Nghiên cứu Hoa Văn cùng học nét
Lạ lẫm làm sao Hán Tự ơi!
Mùa Hạ đến rồi phựơng đẹp thay
Con đường im bóng cánh hồng bay
Nam nữ sinh viên lòng rộn rã
Lượm cánh phượng hồng ủ tập chơi
Thầy trò gắn bó bao thân thiết
Kính thầy thương bạn mãi không phai
Chăm chút lời thơ tình quyến luyến
Không biết giờ còn ai mất ai?
Thân tặng các bạn khóa III
           Tôn Nữ Hiếu
                         (Trích Đặc San Ký Ức và Hoài Niệm)



Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Về Nơi Người Bỏ Quên Đời - Thuyên Huy & Cảm tác của MXThanh

Về Nơi Người Bỏ Quên Đời

         Thuyên Huy

 Khuất Trảng Bàng

Chuông giáo đường quên đổ
Nhặt vội chút tình xưa
Gởi theo chiều lá đổ
Cánh hoa gạo cuối mùa


Đón xe Gò Dầu Hạ

Cầu bên kia quên nắng
Bên này chuyến xe đêm
Đưa ai về ngõ vắng
Sương ướt sợi tóc mềm

Ngang Trà Võ

Cao su mùa thay lá
Vàng một nửa trời Thu
Quen nhau từ cuối Hạ
Nhưng không bảo nhau chờ

Chờ Cẩm Giang

Đèn nhà ai le lói
Mưa mù sông nối sông
Đò không còn khách đợi
Gởi theo một nỗi lòng

  

     Xa Bến Kéo

Chợ thưa người từ độ
Đời làm kẻ tha phương
Bụi vẫn màu sỏi đỏ
Tìm ai ở cuối đường

 Đường Long Hoa

Chợt làm người khách lạ
Xin một chút muộn tình
Đường cũng về bốn ngả
Nhưng sao cứ buồn tênh


Đến rồi đi Tây Ninh

Quán xưa mưa đến vội
Phố buồn tiễn ai đi
Nhìn nhau thầm không nói
Mong rồi người sẽ về..

Thuyên Huy

************************