Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Gặp Lại Thầy Cũ - Nguyễn Tiễn


Gặp Lại Thầy Cũ                  
                               Bài viết của Nguyễn Tiễn                                                              

Đang chậm rãi đạp xe lên con dốc thoai thoải để đến bến đợi của giới xe ôm, tôi thấy xa xa trước mặt một người có hình vóc và dáng dấp trông rất giống thầy ngày xưa của tôi. Thầy đang thong thả đi bộ. Tôi cúi đầu, hì hục đạp, tăng tốc xe. Đến gần, đúng là thầy kính yêu của tôi ngày nào.

Tôi thả một chân xuống đất chống, đít vẫn để chệch trên yên; tư thế rõ ràng “không phải đạo”, nhưng trụt xuống cả hai chân để đứng, đối với tôi, quá khó khăn.
- Em chào thầy. Em là Nguyễn Tiễn; năm học 1960 – 1961, em học lớp đệ tứ. Thầy dạy lớp em môn Toán. Học trò của thầy đông, nên chắc thầy không nhớ em. Tôi nói luôn một mạch làm thầy không kịp hỏi han. Thầy đi mô ri? Thôi, thầy lên đây em chở cho đỡ mỏi.
- Thầy làm ở văn phòng hợp tác xã vận tải ô-tô đằng kia kìa! Thầy vừa nói vừa chỉ hướng nơi thầy làm việc.

Thầy nhìn tôi từ đầu xuống chân, thấy tôi cụt một chân trên gối, đang mang chân giả; thầy lộ vẻ thắc mắc, rồi từ chối lời mời của tôi:
- Chân cẳng rứa, chở răng được! Thầy nặng lắm, nửa tạ có dư. Em chở không nổi mô! Thôi, thầy đi bộ cho khỏe người.
Tôi loay hoay một hồi lâu mới xuống xe được, dắt xe đi theo thầy, cái chân giả xọc xạch vì đã lỏng, mỗi bước xiêu vẹo phát ra hai tiếng “ộp oạp”, tôi kể cho thầy nghe tôi bị pháo cắt cụt chân trong một trận đánh thời tôi là sĩ quan quân đội “cộng hòa”; tôi đã được lắp chân giả vừa vặn sau khi lành vết thương. Mấy năm rồi, do hoàn cảnh kinh tế gia đình thiếu thốn, người gầy đi, cái mỏm cụt teo, cái chân giả trở nên rộng, tôi đi lại khó khăn lắm, nhưng chưa có điều kiện đi thay chân giả mới. Thầy im lặng bước, hai mắt nhấp nháy liên hồi. Tôi năn nỉ:
- Thì thầy cứ để em chở, mặc dù chân cẳng như ri, em vẫn đạp xe khỏe re. Em là “dân xe đạp thồ” chính hiệu đây mà!
Cuối cùng, thầy xiêu lòng:
- Được, để coi em có chở nổi thầy không?

Thầy trò đang ở trên con đường chưa thành hình. Từ vị trí này đến trụ sở hợp tác xã ô-tô, nơi thầy làm việc trong vai trò kế toán, đường dài khoảng 1 km. Thầy đã nghỉ dạy bất đắc dĩ sau năm 1975 và may mắn, nhờ một học trò cũ giới thiệu, xin được việc làm “kiếm cơm” trong buổi giao thời. Mặt đường là đất đỏ, gồ ghề, “ổ gà”, “ổ trâu” rải rác, chiều dài đường có dáng dấp hình yên ngựa lõm xuống ở phần giữa rồi lên dốc thoải phía hai đầu; đỉnh dốc đầu này là nơi thầy trò đang đi và đỉnh dốc phía đầu kia là văn phòng hợp tác xã ô-tô. Hai bên đường, um tùm cỏ ống và cây dại, đây đó trồi lên cao một vài lùm muồng gai và bụi hoa mua (dân thường gọi là cây me). Cây hoa mua gần giống cây sim, hoa mua cũng màu tím như hoa sim, trái mua giống trái sim chỉ khác là cứng hơn và vỏ được phủ một lớp lông tơ. Nghe nói người ta đã dùng hạt trái mua để chế biến trà thanh nhiệt.

Ban đầu, xe xuống dốc, tôi chỉ cần ấn bàn đạp nhè nhẹ là xe lao vùn vụt, tôi không tốn hơi sức. Tôi huênh hoang với thầy:
- Đó, thầy coi em nói có sai đâu! Thầy ngồi trên xe mà em đạp khỏe re.
Thầy ngồi sau, nói như thách thức:
- Chà, trạng dữ hè! Để coi khi lên dốc phía trước xem sao!
Xe bắt đầu lên dốc, tôi gồng mình đạp, xe khó khăn lên được nửa dốc; còn khoảng 200 mét nữa tới đích, tôi cố hết sức nhưng xe chỉ nhích chút chút. Tay lái tôi loạng choạng, hơi thở tôi dồn dập, mồ hôi nhễ nhãi, hai mắt không thấy gì cả.
Thấy vậy, thầy cảm thương nói:
- Thôi, để thầy xuống. Hết trạng chưa?
Xuống xe, thầy nhìn tôi, mắt chớp nhiều lần, ánh mắt lộ nét yêu thương như muốn chia xẻ nỗi khổ của người học trò cũ cụt chân mà thời thế khiến xui phải sinh nhai bằng nghề xe đạp thồ.

Thầy tiếp tục đi bộ tới nơi làm việc. Tôi cứ đứng, thở hổn hển và dõi mắt theo bước đi của thầy. Trong lòng tôi tự dưng xuyên ngang một nỗi buồn miên man.

Chuyện học trò gặp lại thầy cũ là bình thường; nhưng sao lần gặp ấy tôi cứ nhớ mãi, có lẽ nhớ đến khi tôi nhắm mắt lìa đời mới thôi./.
07/5/2014    




Không có nhận xét nào: