Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Nhân Sự Kiện Châu Bản Triều Nguyễn Được UNESCO Công Nhận - Hoàng Đằng

Nhân Sự Kiện Châu Bản Triều Nguyễn
Được UNESCO Công Nhận

Ngày 30/7/2014 vừa rồi, chính phủ Việt Nam đón nhận “Bằng Di Sản Tư Liệu Thuộc Chương Trình Ký Ức Thế Giới Khu Vực Châu Á – Thái Bình Dương” do UNESCO trao tặng công nhận đối với Châu Bản Triều Nguyễn.
Châu Bản Triều Nguyễn là những văn bản hành chánh quan trọng quản lý nhà nước về mọi mặt dưới triều Nguyễn (1802 – 1945) từ vị vua đầu tiên là Gia Long đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại; những văn bản này gọi là Châu Bản vì có bút phê cho ý kiến bằng mực màu son đỏ (châu) của vua.
Trong Châu Bản, phần có tính thời sự nhất hiện thời là sự xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang có tranh chấp quyết liệt với Trung Quốc. Trung Quốc là một nước lớn, mạnh hơn nước ta nhiều lần về mọi mặt. Việc đấu tranh chỉ trông cậy về mặt pháp lý và ngoại giao. Vì vậy, những gì còn ghi trong Châu Bản được đánh giá là bằng chứng lịch sử có giá trị cao.

Các vị vua triều Nguyễn đặc biệt là 2 vị đầu: Gia Long và Minh Mạng có tài năng, có kiến thức về trị nước, có tâm huyết với giang sơn. Hai vị vua ấy đã thống nhất trọn ven lãnh thổ quốc gia không những trên đất liền mà còn vươn ra các đảo xa trong vịnh Bắc bộ, trong biển Đông và trong vịnh Thái Lan. Hai vị vua ấy còn có công kiện toàn bộ máy quản lý lãnh thổ mà cho đến ngày nay dấu vết còn in ở một vài lãnh vực.

Triều Nguyễn đã để lại nhiều công trình “vật thể” và “phi vật thể” được thế giới ngưỡng mộ.
Triều Nguyễn đã cho xây dựng cung điện, đền đài, chùa chiền, lăng tẩm ... , nay là Quần Thể Di Tích Cố Đô Huế hay còn gọi là Quần Thể Di Tích Huế được UNESCO công nhận Di Sản Văn Hóa Thế Giới năm 1993. Hiện nay, hàng năm đón nhận một lượng lớn du khách tham quan. Lợi nhuận thu về cải thiện nền kinh tế quốc gia và đời sống hàng ngày của dân địa phương.
Triều Nguyễn đã kế thừa và phát huy âm nhạc cung đình dùng trong tế tự và nghi lễ ... tức là nhã nhạc đã có từ các triều đại trước để có những nét đặc biệt mang tên riêng là Nhã Nhạc Cung Đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt Tác Truyền Khẩu và Phi Vật Thể Nhân Loại - Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể của nhân loại - năm 2003.
Triều Nguyễn còn để lại Mộc Bản là những tấm gỗ quý hiếm khắc  các văn bản Hán – Nôm để in sách ở Việt Nam trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mộc Bản Triều Nguyễn cũng được UNESCO công nhận Di Sản Ký Ức Thế Giới vào năm 2009.

Một triều đại đã để lại cho hậu thế đến 4 di sản được cả thế giới cấp bằng công nhận, nghĩa là mang những nét đặc biệt mà ít nước có. Điều đó nói lên dưới triều đại nhà Nguyễn, nước ta đã có những việc vượt trội so với thế giới bên ngoài.
Đó là chúng ta chưa muốn kể đến Đô Thị Cổ Hội An, cũng là một Di Sản Văn Hóa Thế Giới được UNESCO công nhận năm 1999. Hội An có được vinh dự ấy cũng là nhờ chính sách thông thoáng của các chúa Nguyễn – tổ tiên của triều Nguyễn – trong lãnh vực ngoại thương, thu hút đầu tư từ nước ngoài đến xây dựng và phát triển từ các thế kỷ XVI và XVII.

Ngày nay, chúng ta tự hào về các di sản ấy, khai thác các di sản ấy; nhưng chúng ta quên mất hoặc không muốn biết ai đã có công tạo ra di sản ấy. Sử sách chính thống bây giờ đánh giá chưa xứng tầm, thậm chí còn bất công đối với triều Nguyễn. Nếu người viết bài này không lầm, chưa một con phố, một đoạn đường, một công trình nào trên lãnh thổ Việt Nam mang tên hai vị vua Gia Long và Minh Mạng.
Như thế chúng ta có tệ bạc với tiền nhân, có bất công với lịch sử không? Và chúng ta có làm đúng đạo lý dân tộc “uống nước nhớ nguồn” không?

01/8/2014
Hoàng Đằng




Không có nhận xét nào: