Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Không Thể Mai Một - đàoanhdũng

Không Thể Mai Một 

 Truyện ngắn Đào Anh Dũng

(Tạp chí Văn Hóa Việt Nam số 65, mùa Hè 2014)

Thân tặng hai bạn Phượng & Hàm          
 đàoanhdũng                                  

1.                                                                                                      
Ông cầm tách trà, đứng trước cửa sổ nhìn ra mái hiên. Mới sáng tinh sương, vậy mà bà đã ra vườn sau nhà, lui cui chăm sóc, cắt tỉa mấy bụi hồng, thược dược, cúc vàng, cúc tím... của bà rồi. Ánh nắng buổi sáng ngọt dịu. Không gian tĩnh mịch. Hè đã tàn dần nhưng trong chốc lát, khi mặt trời ló dạng ở hàng cây sồi bên hông nhà, những tia nắng gay gắt sẽ phá tan phong cảnh hữu tình này. Ông chợt thấy ánh sáng lúc này rất tuyệt cho nhiếp ảnh, rồi ông nhớ ra hè năm nay ông chưa có dịp chụp hình vườn hoa của bà. Năm nào ông cũng chụp các cành hoa ấy nên đâm ra chán, nhưng nghĩ đến ánh mắt tươi sáng, nụ cười sung sướng của bà khi xem hình các đóa hoa xinh đẹp dưới nhiều góc cạnh ông chiếu trên màn ảnh TV, ông bỏ lửng tách trà, bước về phòng đọc sách của mình để lấy máy chụp ảnh.
Đi ngang qua phòng thằng con út, thấy cửa đóng im lìm, ông nói thầm, “Chắc hôm qua thức khuya chít chát với bạn bè bên Việt Nam đây!” Thằng con của ông bà học ra trường, có việc làm rồi xin ra riêng được hơn một năm rồi. Người đang “chiếm ngự” căn phòng của nó là cô cháu mới từ Việt Nam sang du học. Cô ở chơi với hai ông bà vài tuần lễ cho quen nước quen cái trước khi nhập trường đại học vào khóa mùa Thu.

2.

Từ ngày có cô cháu trong nhà không khí gia đình ông bà nhộn nhàng lên, một phần vì ông bà chỉ có con trai, nay lại đơn chiếc, phần kia là vì cô cháu hay kể chuyện bên nhà và dùng những từ ngữ mới, nghe thiệt ngộ và lạ tai, nhất là cô từng học ngay tại ngôi trường cũ của ông, trường Lasan Taberd.
Nguồn: www.uminhcoc.com
Khi biết được tên mới của trường mình là Trần Đại Nghĩa, một nhân vật ông chưa hề nghe danh, ông cảm thấy khó chịu, tiếc nuối, như mình bị tước đoạt một kỷ vật quí giá, thân yêu. Cô cháu khá tế nhị nên không nhắc đến tên này nữa. Ông hỏi tới đâu, cô nói tới đó, ngôi nhà lầu này, lớp học nọ, cái auditorium (hội trường) ngày xưa có lần tổ chức đại hội nhạc trẻ bây giờ người ta dùng vào việc gì, sân bóng rổ trụ bằng xi-măng còn đó hay không, pa-tí-xệ (pâtisserie, tiệm bánh) vẫn ở chỗ cũ, vẫn bán thức ăn cho học sinh chứ...
Nói đến chuyện học hành, cô cháu khoe mình tốt nghiệp trung học, khoa Ngữ Văn. Hỏi ra ông bà mới biết đó là Văn Chương. Tuy nhiên, lạ thay, khi ông hỏi cô về Tự Lực Văn Đoàn, cô cháu không biết chút gì về nhóm văn học nổi tiếng này của Việt Nam. Ông cảm thấy buồn lòng, tiếc cho đứa cháu nhưng ông thương nó hơn vì nói cho cùng, đâu phải lỗi của nó. Vài hôm sau, thêm một lần nữa ông thấy tội cho cô cháu của ông qua một câu chuyện trao đổi giữa bà và cháu ở căn bếp.
Trưa hôm ấy, bà cháu rủ nhau làm bánh. Khi bà lấy cuốn tập ghi chép gia chánh, lật đến trang chỉ dẫn cách làm bánh timamisu, cô cháu reo lên:
“Ô ... bà ơi, bà làm bánh ‘anh lượm em’ đi bà, cháu thích nó lắm!”
Gương mặt bà lúc ấy ông trông thật lạ, vừa thoáng nét ngạc nhiên vừa chứa chút thương hại, rồi vội vàng chuyển sang một nụ cười hiền hậu. Bà dịu dàng nói:
“Cháu ơi, cháu học Văn Chương, hơn nữa cháu là con gái, cháu phải ăn nói văn hoa một chút chứ cháu. Tên bánh tiramisu tiếng Ý dịch sang tiếng Anh có nghĩa là pick me up, bà nghĩ nếu mình gọi là bánh ‘anh đón em nhé’ nghe nó thanh tao hơn phải không cháu.”
“Ồ, cám ơn bà, cháu đâu có biết. Cháu chỉ nghe bên nhà người ta gọi tên bánh ấy như vậy mà thôi.”

3.

Ông bước ra vườn, chưa kịp mở máy ảnh, đã bị bà liếc một cái và mắng “yêu”:
“Dữ hôn, sao ‘ông’ không đợi đến khi tuyết rơi rồi mới mang máy ra đây?”
Ông mỉm cười, nói giả lả:
“Năm nào cũng chụp ... năm nay ‘cưng’ có bông nào mới không?”
Mới chuộng, cũ vong hén!”


Bà liếc ông thêm một cái rồi cười nhẹ, nói:
“Đây nè, người sao mà vô tình! Chứ bộ anh không thấy mấy bụi Black Eyed Susan em mới trồng dọc hàng rào à?”
“Thấy chứ, nó đang trổ bông vàng lườm, thiệt là đẹp. Để anh chụp vài tấm nhen.”
Black Eyed, cái tên nghe sao tiếu lâm quá! Tiếng Việt mình gọi là gì hén anh? Hay là Mắt Huyền?”
Ông đang nhắm vào ống kính, chưa kịp trả lời bà, bỗng nghe tiếng cô cháu reo lên:
“A ... Ông tự sướng!”
Ông buông máy chụp ảnh, đứng như trời trồng, thấy bà đang há miệng, ngạc nhiên nói:
“Cháu ... cháu nói gì ... lạ vậy?”
“Thì ông đang chụp hình, đang tự sướng!”
“Ồ ... có phải ý cháu muốn nói ‘he’s enjoying himself’?”
“Dạ, đúng vậy, bên Việt Nam ai cũng nói là tự sướng.”
“Cháu ơi là cháu! Cháu làm ơn bỏ chữ này đi, đừng xài nó nữa vì nó vừa không thanh tao vừa có nghĩa xấu đó cháu. Bên này người ta nghe cháu nói vậy, người ta cười cho đó!”
Cô cháu chợt hiểu ra, bụm lấy miệng.
“A ... con ... con xin lỗi. Vậy mà bấy lâu nay con đâu có để ý ...”
“Bà nghĩ nếu mình nói, ông đang thưởng thức hay là nói theo giới trẻ, ông đang phê, nghe lịch sự hơn phải không?”
Ông quay người, nhắm vào máy ảnh. Đúng vậy, ông đang “phê”! Xuyên qua ống kính những đóa Mắt Huyền đang khoe sắc vàng rực rỡ dưới ánh nắng ban mai. Ông  nhận ra Mắt Huyền tuy đơn sơ nhưng chúng cũng đáng được xem như một trong những tuyệt tác của Thượng Đế. Tuy nhiên, tâm trí ông lại lôi kéo ông về một dự tính mới. Phải rồi, mỗi cuối tuần ông sẽ đón cháu ông về nhà để ông bà dạy cháu nói tiếng Việt cho trong sáng, cho cháu đọc những câu văn Việt thuần khiết, bắt đầu từ những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn ...
Tinh hoa đất nước ông bà có bổn phận “gìn vàng giữ ngọc”, không thể để chúng mai một.



đàoanhdũng
vào mùa Giáng Sinh 2013

Không có nhận xét nào: