Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Chúc Mừng Năm Mới - Vhp.Hạ vũ



Kính chúc
                
                    Quý Độc Giả
                Quý Thi Văn Hữu 
                  Quý Thân Hữu

Trọn năm 2016

       Tâm An Thân Lạc

                           Sức Khỏe Dồi Dào 
             
                       Vạn Sự Hanh Thông


                                                                        (Vhp.Hạ Vũ)



Ngày Cuối Năm - Như Phương



NGÀY CUỐI NĂM                                     
   Lạ chưa
   Ngày cuối năm sao vội vàng,
   Xôn xao đón năm Hai Ngàn Mười Sáu trong huy hoàng,
   Sương sớm bàng bạc giăng giăng,
   Cây trơ trụi mơ ngày nắng
   Cho tuyết mau tan.
   Hoa pháo trên trời nở rộn ràng,
   Hớp rượu mừng Năm Mới sang,
   Nụ cười tự nhiên khi chuông ngân vang
   Nhạc như mơ màng
   Bài hát xưa giã từ ngày tháng
   Của năm 2015 nhẹ nhàng,
   Ngày cuối năm sao vội vàng

   Cho NEW YEAR Eve đẹp  thời gian.
         
              Như Phương
             Dec.31, 2015

                                       




Năm Tàn (Mailoc) / Tháng Lụn Năm Tàn (Song Quang) & Bài họa của thi hữu Vườn Thơ Thẫn

         

      NĂM  TÀN
 
Đông về lạnh co ro chăn ấm ,
Tưởng không bằng dậy ngắm trời không .
Mỗi mùa mỗi vẽ mênh mông ,
Mùa đông vẫn ấm khi lòng mở toang .
 
Bên bếp hồng củi đang tí tách ,
Ấm áp càng được cạnh người thân .
Cuộc đời một thoáng bâng khuâng ,
Thời gian thắm thoát năm dần qua mau .
 
Ngoài hiên vắng lao xao lá đỗ ,
Chiếc cuối cùng cũng bỏ cành trơ .
Buồn vui lẫn lộn thẩn thờ ,
Cuối đời đất khách ai ngờ ngồi đây .
 
Mộng trở về như mây như khói ,
Tình quê hương một khối nào tan .
Nhớ nhà da diết năm tàn ,
Mộ phần cha mẹ nghĩ càng xót xa .
 
Ngồi giờ lâu , bình trà lạnh ngắt ,
Nơi quê người hiu hắt nhớ quên .
Chuyện xưa năm cũ buồn tênh ,
Ngày mai một tuổi bạc thêm mái đầu .

                       Mailoc
                   Cali 12-28-15
                 *****************************


                               THÁNG LỤN NĂM TÀN
     (Cảm tác từ bài thơ "Năm Tàn" của thi hữu Mai Lộc)

                                Vài tờ lịch nữa sẽ năm tàn!
                                Thời khắc vần xoay để lật trang
                                Hy vọng Xuân về đời tốt đẹp
                                Niềm tin Tết đến cảnh huy hoàng
                                Quê hương, thương nhớ nhà hiu hắt
                                Đất khách, nỗi buồn lệ chứa chan
                                Một tuổi thêm già thêm tóc bạc
                                Lòng càng hỗ thẹn nói sao đang...

                                              SONG  QUANG

*******************************************

      ĐÊM TÀN
( Họa NĂM TÀN của Mai Lộc )

Rời lò sưởi nồng nàn hơi ấm
Ta ra thềm lặng ngắm tầng không
Bốn bề hoang vắng quạnh mông
Tàu tiêu phần phật gió lồng rách toang

Sương trên lá chảy loang, tí tách
Hơi lạnh luà run bật toàn thân
Đắm chìm trong nỗi bâng khuâng
Một ngôi sao rụng âm thầm lướt mau

Gió xào xạc hàng cau xiêu đổ
Mảnh vườn trăng lỗ chỗ nằm trơ
Nghe lòng lạc lõng ơ thờ
Người xưa đã vắng hương thừa còn đây

Đêm tĩnh lặng ngập đầy sương khói
Nỗi u hoài bức bối khôn tan
Vì ai sắc lụn duyên tàn
Niềm riêng gởi áng mây ngàn phương xa.


Trăng sắp lặn, ly trà nguội  ngắt
Nghe côn trùng trỗi nhạc, tìm quên
Ước gì ký ức nhẹ tênh
Cho màu tóc bạc đừng thêm trắng đầu.

Phương Hà
 ( 29/12/2015 )

II_ Phương Hà xin họa bài  THÁNG LỤN NĂM TÀN của anh Song Quang


NGẬM NGÙI
( Họa THÁNG LỤN NĂM TÀN của Song Quang )

Bâng khuâng tấc dạ mỗi đông tàn
Thờ thẫn nhìn tờ lịch đổi trang
Luyến tiếc quay về thời tuổi trẻ
Chạnh lòng nghĩ đến buổi hôn hoàng
Nhớ thương chờ đợi, bờ vai trĩu
Đau đớn chia ly, mắt lệ tràn
Ngày tháng vô tình trôi lặng lẽ
Hồn ta lạc lõng ngỡ như đang...


Phương Hà


************************
CHÉN RƯỢU TÀN NĂM

Ta rót vào đây chén rượu đời
Chờ người muốn uống để cùng vui
Bàn tay dẫu trắng bầu khôn cạn
Chút nghĩa còn sơ ý vẫn mời
Gửi gắm thân tình xoa cách biệt
Hàn huyên thế sự khỏa đầy vơi
Nhìn năm tháng lụn say lòng khát
Những buổi chung đường bước sóng đôi.

Nguyễn Đắc Thắng
20151229






Chuyện ông già từ quê lên phố: Bài V. Đi Vũng Tàu

Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 5: Đi Vũng Tàu

(Hoàng Đằng tâm tình với người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)

Ở lần họp mặt cựu môn sinh Hán Học Huế cuối năm 2010 ở thành phố Mỹ Tho, lão được mời lên tâm tình với anh, chị, em đồng môn.
Trong tâm tình, lão nói lão có 2 vợ, nhưng hiện ở một mình không có bà nào bên cạnh. Anh chị em ngạc nhiên. Cười.
Sau đó, một vài bạn, có dịp nói chuyện với lão trên điện thoại, cứ đùa:
- Hoàng Đằng sướng quá, có đến hai mụ!
Có bạn lại còn phóng đại, đồn lão có đến 3 mụ.
Vui thì đùa chút chơi, nhưng nghĩ lại, lão chảy nước mắt về đường tình duyên. “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” (Rành rành phận định ở sách trời), biết mần răng chừ!

Lúc lão đỗ xong trung học đệ I cấp (trung học cơ sở bây giờ), lão đã làm lễ đính hôn.
Vị hôn thê của lão là một cô gái quê cùng xóm, cùng làng. Thân phụ và nhạc phụ của lão sắp xếp, chứ lão và vị hôn thê của lão còn non nớt lắm – lão 16 tuổi, vị hôn thê của lão 17. Cô nàng xinh, nói năng hoạt bát, duyên dáng, lão chấp nhận ngay; lão cứ sợ nếu chần chừ, cô nàng có thể về tay người khác.
Đính hôn rồi thì phải thành hôn, dân gian có câu:
“Hỏi vợ thì phải cưới ngay,
Chớ để dài ngày sinh chuyện không hay.”
Hai năm sau, lão 18, vị hôn thê lão 19, hai gia đình tổ chức lễ thành hôn. Tội nghiệp! Cưới xong, đáng lẽ vợ chồng bên nhau, hưởng hạnh phúc đầu đời; vậy mà lão phải xa nhà tiếp tục việc học hành. Tuy nhiên, có lẽ nhờ tình yêu đã định vị, lão tập trung tâm trí vào việc học và gặt hái được đôi ba thành tích trong học tập; còn các bạn lão – bên nam cũng như bên nữ - bồ bịch, tâm trí chia năm xẻ bảy.
Lão và vợ lão, thật sự, sống bên nhau không được bao lâu; lão bận chuyện học hành, chuyện đi dạy xa rồi chuyện lính tráng theo lệnh tổng động viên.
Năm 1972, trên đường di tản tránh chiến trận, vợ lão tử nạn, để lại 4 con dại.
Vết thương trong lòng rỉ máu. Vừa thương vợ mất trong khổ nạn vừa thương con quá non dại, lại không có nơi ở ổn định, dòng đời nổi trôi theo vận nước, lão không tính chuyện tục huyền, dù thời ấy, lấy vợ lại cũng không khó lắm

Năm 1993, Việt Nam mở cửa, các tổ chức nhân đạo phi chính phủ vô Việt Nam trợ giúp, lão đi làm với họ, đầu tiên với Médecins Sans Frontières (MSF), hết dự án y tế của MSF, lão qua làm với Handicap International (HI) trong dự án phục hồi chức năng ở tỉnh Quảng Trị; tổ chức này mở một xưởng làm chân giả tại Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Quảng Trị. Nơi đây, lão quen với một phụ nữ có một con công tác trong khoa Phục Hồi Chức Năng; do mai mối và động viên của anh chị em đồng nghiệp – cả ta lẫn Tây, lão và người phụ nữ ấy đã nối duyên đầu năm 1995.
Vợ sau của lão dịu dàng, dễ thương, biết chiều chuộng, ngăn nắp trong việc nhà, khéo tay trong nấu nướng; con tim của lão đã tươi trở lại sau một thời gian dài khô héo; lão hưởng được một số năm tháng hạnh phúc.        
Tiếc là thời gian không ngừng lại mà cứ trôi; thời gian trôi nghĩa là tuổi tác chồng chất; tuổi già “xồng xộc” đến với cả hai; già thì bệnh tật ùa đến, khi thì ốm một người, khi thì ốm cả hai. Lại thêm, lão không còn lao động kiếm sống được, vợ lão lại về hưu; cả hai nghĩ rằng tiếp tục sống chung càng về sau càng khó khăn, nên quyết định “thôi chi cho bằng sớm liệu mà xa nhau”; thế là cuộc chia tay diễn ra vào cuối năm 2009; mỗi người về nương tựa vào con dâu, để “the da nóng chắc” có người săn sóc. Lòng lão thêm một lần rỉ máu.

Con trai vợ lão – lão coi như con chung – tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin, được Viễn Thông Quảng Trị tuyển dụng, từng đi tu nghiệp chuyên ngành tại Nhật. Tuy nhiên, cháu thích làm việc trong môi trường tự do hơn; hai vợ chồng bán cơ ngơi ở Đông Hà, dẫn hai con thêm mẹ vào Vũng Tàu lập nghiệp gần 6 năm rồi.
Trong chuyến đi Nam này, lão phải tranh thủ thời gian để thăm lại người đã từng “đầu ấp tay gối”, con, dâu và cháu.

*
*   *

Sáng 20/12/2015, thể theo nguyện vọng của lão, “công chúa” Bích Hà gọi cháu thanh niên quen biết từng chở lão chiều hôm trước đưa xe máy tới nhà chở lão ra bến xe Miền Đông. Tại đây, cháu thanh niên để lão và xe máy bên ngoài, vào trong mua vé xe, đem ra rồi dẫn lão vào tận xe sắp khởi hành.
Sự quan tâm của cháu lái xe chắc do Bích Hà dặn dò, Bích Hà cứ sợ lão “từ quê lên phố” có thể bị lạc.
Lần đi này, xe chạy theo lộ trình: bến xe Miền Đông – TP. Biên Hòa – huyện Long Thành – TP. Bà Rịa – TP. Vũng Tàu. Vé xe chỉ 85.000 đồng, lộ trình dài, nghe nói, 125 km. Đến đầu địa giới Vũng Tàu, xe tạm dừng ở trạm trung chuyển; tại trạm, có taxi của hãng xe phân luồng đưa khách về tận nhà, miễn phí.
Gia đình con lão ở phường Thắng Nhất – khi đi, lão cứ tưởng là Thống Nhất (!!!).
Lão không báo trước; lão vào, vợ lão, con, dâu lão và hai cháu lão ngạc nhiên, mừng lắm.
Con, dâu lão vào đây đã có cơ ngơi vững vàng, nhà cửa, dù không rộng lắm, cũng đầy đủ tiện nghi, sạch, thoáng.
Chuyện trò năm ba phút, lão nhờ hai đứa cháu dẫn đến thăm nhà của người cháu gọi vợ lão bằng dì, ở gần đó thôi.
Con lão không muốn lão đi bộ, lấy xe máy ra, chở lão đi. Rủi! Tới nhà, nhà đóng cửa. Con lão đưa lão trên xe máy dạo phố Vũng Tàu, chạy quành dọc bờ biển. Vũng Tàu hiện là thành phố lớn xếp hạng đô thị loại 1, nhưng chưa phải trực thuộc trung ương mà còn thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Con lão liên lạc với cháu gọi lão bằng dượng; vợ chồng cháu và các con đi “kéo ghế” ngày Chủ Nhật, đang uống cà phê ở một nhà hàng lớn gần biển. Lão tới đó, cháu hỏi:
- Dượng vào thăm, ở được bao lâu?
Lão cho biết:
- Chốc nữa, dượng phải lên xe trở lại Sài Gòn trước 17 giờ vì tối nay, theo kế hoạch, dượng phải đi dự đám cưới con của một người thân quen.
Cháu nói ngay:
- Hơn 15 giờ, dượng khởi hành từ đây cũng kịp, để cháu cho xe tới chở dượng lên, giao tại nhà dượng đang ở.
Vợ cháu còn dúi vào túi áo lão một phong bì. Con, cháu thương thì nhận, biết nói sao giờ!
Con lão đưa lão tham quan phố xá phần bên trong của Vũng Tàu, rồi về nhà. Đứa cháu gọi lão bằng cậu, giáo viên, ở cách Vũng Tàu 50 km, nghe tin lão vào, cũng đi xe máy lên thăm lão. Lão cũng muốn đến thăm cháu ở nơi công tác, tiếc là không còn thời giờ. Thôi cứ hẹn dịp khác!
Mâm cơm đã dọn sẵn, ngon: cơm nóng, canh nóng, một đôi món hải sản tươi rói. Lão ăn cơm trưa với gia đình.
Chuyện trò thêm một chốc nữa; xe đến, trời bên ngoài đang mưa phùn bỗng nặng hạt, lão chia tay vợ, con, dâu và cháu để về Sài Gòn.


(Cháu Nhím sinh 2004, đang học lớp 6, ngồi trước computer,
đọc tiếng Anh – Biểu diễn cho ông nội thấy)

Hai cháu Nhím và Thỏ quyến luyến lão; nhìn cảnh này, không khí này, lão tự nhiên bồn chồn trong dạ. Cảm động! Nhím và Thỏ vịn áo lão, nói có vẻ tiếc nuối:
- Sao ông nội sớm về vậy!

(Hai cháu: Nhím (sinh năm 2004, trái) và Thỏ (sinh năm 2007, phải)
đang nói tiếng Anh với nhau – biểu diễn cho ông nội biết)

Lần về, xe đi theo lộ trình khác: TP. Vũng Tàu – TP. Bà Rịa – huyện Long Thành rồi rẽ vào đường cao tốc lên Sài Gòn.
Trời mưa, xe tới địa giới Sài Gòn chưa tới 17 giờ; tuy nhiên, gặp giờ cao điểm, đường cả xe và xe, xe lão chầm chậm lần về nhà Bích Hà; nhà Bích Hà trong con đường nhỏ, xe còn cách khoảng 20 mét, phải dừng lại vì đống hàng hóa của ai đó cản đường; lão xuống xe, chào từ giã anh tài xế, bảo anh quay xe về Vũng Tàu kẻo trời khuya; anh không chịu, đòi phải có người nhận bàn giao; lão phải điện cháu Bi – con trai Bích Hà – ra.
Lão vô nhà lúc ấy cũng trên 18 giờ; Bích Hà đang đợi để thầy trò cùng đi dự tiệc cưới, chứ không đành đi trước cùng bạn bè.
Chu đáo quá, “công chúa” Bích Hà ơi!

Hoàng Đằng
29/12/2015 (19/11/Ất Mùi)




Về Lại Tuổi Thơ - Nguyễn Đ Thắng


   VỀ LẠI TUỔI THƠ

Ta chợt ngồi… nhìn ngắm áng mây
Tầng cao xa thẳm cuộn vầng bay
Bốn phương tụ tán trôi vô định
Gợi nhắc niềm riêng chuỗi tháng ngày!

Ta tạm ngồi… nghe tiếng lá rơi
Giữa vườn cỏ dại nắng nồng oi
Hồn thương hoa cỏ tình thân thiện
Chia sẻ lòng ta mối cảm hời!

Ta lại ngồi… im nghĩ vẩn vơ
Bùng nghe khúc nhạc tuổi ngây thơ
Không gian lặng vắng lời ca vọng
Gợi nhắc lòng ta điệp khúc khờ!

Ta vẫn ngồi… suy ngẫm chuyện đời
Cuộc đời thanh thản lững lờ trôi
Tuổi thơ đẹp nhất trong bình dị
Dẫu chẳng gấm hoa cũng tuyệt vời!

Nguyễn Đắc Thắng




Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Chuyện ông già từ quê lên phố: Bài IV Dạo Phố Sài Gòn Buổi Tối (Hoàng Đằng)

Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 4: Dạo Phố Sài Gòn Buổi Tối

(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)

Tối 19/12, “công chúa” Bích Hà hỏi lão:
- Thầy muốn ăn gì? Ở Sài Gòn, ngoài món ăn Việt, còn có món ăn Pháp, món ăn Ý, món ăn Mỹ, món ăn Thái, món ăn Hàn Quốc, món ăn Trung Hoa… Em muốn mời thầy nếm thử cho biết.
Lão lặp lại câu trả lời y như với bạn Lý Văn Nghiên hồi tối 18/12 khi bạn Nghiên hỏi sáng mai điểm tâm lão thích món gì.
- Thầy từ quê lên phố, vị giác không nhạy bén do trải nghiệm ít và do mấy dây thần kinh ở cái lưỡi đã lão hóa; ngon, dở, sang,  hèn không thành vấn đề. Bích Hà và những người đi cùng ăn gì thầy ăn thứ ấy.

Lão sống ở quê gần trọn đời, ăn uống đơn sơ; bữa nào gọi là sướng, ngoài cơm, có thêm tô canh, dĩa cá; trong kỵ giỗ, cưới hỏi, tiệc tùng, có thịt này, thịt nọ, nhưng chế biến không cầu kỳ, chỉ “chặt to, kho mặn”.
Nói đến chuyện vào các nhà hàng sang trọng, lão nhớ lại một vài kỷ niệm:
Kỷ niêm thứ nhất là vào năm 1974, khi lão giữ chức Hiệu Trưởng trường Trung Học Triệu Phong tản cư vô Hòa Khánh vì Quảng Trị đã vào tay chính quyền giải phóng; trường ốc dùng tạm mấy cái nhà kho to bự do quân đội Mỹ để lại sau khi rút về trong kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, học sinh đến lớp phải mang theo một cái ghế và một cái đòn để làm chỗ ngồi nghe giảng bài. Hơn một năm sau, bộ Giáo Dục ở Sài Gòn mới cho nhà thầu đóng bàn ghế chở ra; trong khi toán thợ mộc hì hục lắp ghép, búa đinh chát chúa, nhà thầu mời lão về Đà Nẵng – Đà Nẵng xa Hòa Khánh khoảng 10 km – ăn trưa. Họ chọn một nhà hàng sang với những thức ăn lạ; nhìn thức ăn dọn ra, lão không biết ăn thế nào! Dùng nĩa, dùng muổng, hay dùng đũa, thứ gì ăn kèm theo thứ gì; may là trí lão nhanh nhạy nảy ra sáng kiến (!!!); thôi, cứ để ông nhà thầu gắp trước, ông ăn thế nào mình ăn thế ấy. Nhờ thế, bữa ăn cũng “thành công tốt đẹp” không có trở ngại gì đáng kể.
Kỷ niệm thứ hai là trong thời gian lão đi làm cho các tổ chức phi chính phủ (1993 – 2004); lúc đầu, lão đi “kéo ghế” với mấy ông Tây, họ hỏi lão ăn gì, lão cũng bảo ăn thứ như các ông. Cứ tưởng nhà hàng dọn ra một dĩa lớn rồi ăn chung; té ra phần ai nấy gọi, nhà hàng dọn từng dĩa cho từng người; lão không gọi, phần không có; người bên cạnh ăn, lão ngồi “tờ hơ”. Sau mới biết có gọi mới có ăn, chứ không phải như ở nhà, cả gia đình dùng chung tô canh, dĩa cá giữa mâm.
Về thủ tục để có ăn và cách ăn, lão quê mùa như thế, còn về phẩm chất và hương vị món ăn, lão cũng không cảm nhận được. Tuổi già kỳ cục lắm, các bạn ơi! Tai lãng, nghe nhạc hay, không biết; mắt mờ, thấy gái đẹp và gái không đẹp, chẳng phân biệt được; miệng lưỡi khô, ăn thứ gì ngon, không thể cảm nhận.

Hình như công chúa Bích Hà nhớ đến câu nói cửa miệng của dân mình: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Bích Hà dẫn vào nhà hàng ẩm thực Trung Hoa Hoằng Long ở 11 Công Trường Lam Sơn, phường Bến Thành, Quận 1. Nhóm Bích Hà mời, ngoài lão và “ngũ long công chúa”, có thêm cô chú Trang Quý, cô chú Nguyễn Thanh Bá và con trai.


(Bên ngoài Nhà Hàng Hoằng Long)

Cô Phan thị Quý (Trang Quý) là cựu học sinh khóa IV công lập Đông Hà; cô rời Đông Hà, rời trường từ năm 1965 rồi cô lập gia đình; qua nhiều trôi nổi của cuộc đời, đi nhiều nơi, hiện nay cô chú định cư ở Sài Gòn và có cuộc sống khá giả.
Còn cô chú Nguyễn Thanh Bá định cư ở Đông Hà, chỉ mới vào đây mấy ngày trước để thăm con đang công tác ở Sài Gòn.
Bích Hà gọi những món ăn, trông ngon lắm. Thôi, lão không kể ra làm gì, sợ mang tiếng “con cà, con kê chi kể lể.”


(Ở Hoằng Long, đang chờ ăn món 1)

Lão vừa tìm trên google mục “Nhà hàng Hoằng Long”; thông tin cho biết đây là nhà hàng ăn bữa dành cho các đại gia và các nghệ sĩ nổi tiếng; giá cả một khẩu phần xê xích từ 200.000 đồng đến 550.000 đồng, chưa kể thức uống! Đối với nông dân như lão, giá gì mà “kinh” thế!

Rời nhà hàng Hoằng Long, cả nhóm ra quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ gần đó. Quảng trường này được lập ra, mô phỏng theo kiến trúc đô thị của các nước văn minh hiện đại, mới khai trương ngày 29/4/2015 – kỷ niệm 40 năm phe cách mạng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Quảng trường dài 640 mét, rộng 64 mét, lát đá thiên nhiên. Ôi! Người đông lắm, may là chưa có cảnh chen lấn; đây đó, nhóm này, nhóm kia, người này, người kia tạo dáng, làm điệu làm bộ chụp ảnh hoặc bên vòi nước phun hoặc lấy hậu cảnh là một tòa nhà cao nào đó, lấp lánh ánh đèn rực rỡ.

(Ở Quảng Trường Đi Bộ Nguyễn Huệ)

Trong nhóm đi cùng lão, có nhiều “nghệ sĩ” lấy ảnh, đa số đều dễ tính, đưa máy lên nhắm, bấm liền; chỉ có Bích Hà hơi khó một chút, bắt cô này phải nghiêng đầu, chú nọ phải nhún vai, miệng Bích Hà luôn câu nói: “Ảnh chụp phải cho đẹp.”
Hai bên lối đi, giữa các thảm cỏ, nhiều nhóm năm, ba người ngồi bệt giữa đất, uống giải khát, đồ giải khát hình như được đặt từ đâu đó, chứ lão không thấy bán trong quảng trường. Chú Nguyễn Thanh Bá – người đã đến đây nhiều lần – nói với lão ở đây, uống kiểu này gọi là “cà phê bệt.”
Từ nơi đây, đường hầm tàu điện ngầm sắp được triển khai. Lão hy vọng sẽ có cơ hội trải nghiệm loại phương tiện di chuyển này, đối với các nước hiện đại, không lạ lùng gì, nhưng đối với Việt Nam, rất mới mẻ.

Rồi nhóm đi vào Diamond Plaza – một tòa nhà cao 22 tầng xây xong 1999, ở góc đường Lê Duẫn và đường Phạm Ngọc Thạch, sau lưng nhà thờ Đức Bà.
Diamond Plaza được sử dụng làm văn phòng, bệnh viện, trung tâm giải trí, trung tâm mua sắm.
Trung tâm mua sắm chiếm từ tầng trệt đến lầu 2.
Nhóm chỉ đi dạo thăm trung tâm mua sắm. Từ tầng này qua tầng khác, hình như có 3 loại thang để lên: thang máy, thang cuốn và thang bộ. Lão thấy thang cuốn được sử dụng nhiều nhất. Ở đây hình như gì cũng có, đặc biệt những hàng gì đắt tiền; người có thu nhập cao mới mua sắm ở đây, còn người bình dân vào đây chỉ để xem.
Ở gian hàng đồng hồ, chú Nguyễn Thanh Bá liếc nhìn thấy một chiếc đề giá 2 tỷ 2; chú kinh ngạc, nói lại với Bích Hà rồi sau đó, sao chị Hương – vợ anh Trương Lạc - ở tận Đông Hà biết được, chị nhắn vô nhờ Bích Hà mua ngay cho chị cái đồng hồ ấy; được hỏi tiền đâu, chị bảo chị sẽ gởi vào ngay, thanh toán bằng đô-la Mỹ cho gọn nhẹ. Ai cũng tưởng anh Trương Lạc là “Lạc đô-la” như trên truyền thông người ta gọi đại gia nào đó là “Cường đô la”; ai ngờ tiền đô-la chị Hương nói là tiền ở mấy quầy bán vàng mã ngoài chợ Đông Hà (!!!).

Xem mệt nghỉ Diamond Plaza, nhóm đến Rex Hotel uống cà phê. Cả nhóm lên thang máy tới lầu 5. Một quán cà phê rộng xoay mặt ra phía đường; ban nhạc “sống” đang biểu diễn phục vụ khách hàng: Hòa tấu có, hát nhạc Tây có, hát nhạc ta có.

(Trước Rex Hotel)

Lão  thấm mệt, ngồi trên ghế, cảm thấy cơ thể mất thăng bằng. Lão sợ chuyện không may xảy ra do vấn đề sức khỏe. Bệnh tim mạch dễ bị tai biến bất ngờ lắm. Ở quê lão, cách đây chưa lâu, một ông tuổi thật trên 60, nhưng tuổi giấy tờ mới 56, ông là quan chức đương quyền, gọi taxi đi dự một cuộc họp; đến nơi, tài xế taxi quay lui, thấy ông đã chết. Lại cũng gần đây, đêm 04/10/2015, một phi công đang lái chiếc máy bay Airbus 320 chở 147 hành khách cộng thêm 5 thành viên phi hành đoàn từ thành phố Phoenix (bang Arizona) đến thành phố Boston (bang Massachusetts) bên Mỹ; trên đường bay, bị đột tử; may là phi công phụ đã cho máy bay đổi hướng hạ cánh an toàn xuống thành phố Syracuse (bang New York). Phi công chỉ được chọn trong số những người mạnh khỏe mà còn thế, huống gì lão!
Xuống thang, rời Rex hotel, nhóm chia tay nhau, lão và “ngũ long công chúa” lên taxi, về lại nhà Bích Hà.
Ơn trời! Lão vẫn bình yên.

Hoàng Đằng

28/12/2015 (18/11/Ất Mùi)