Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Chuyện ông già từ quê lên phố: Bài IV Dạo Phố Sài Gòn Buổi Tối (Hoàng Đằng)

Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 4: Dạo Phố Sài Gòn Buổi Tối

(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)

Tối 19/12, “công chúa” Bích Hà hỏi lão:
- Thầy muốn ăn gì? Ở Sài Gòn, ngoài món ăn Việt, còn có món ăn Pháp, món ăn Ý, món ăn Mỹ, món ăn Thái, món ăn Hàn Quốc, món ăn Trung Hoa… Em muốn mời thầy nếm thử cho biết.
Lão lặp lại câu trả lời y như với bạn Lý Văn Nghiên hồi tối 18/12 khi bạn Nghiên hỏi sáng mai điểm tâm lão thích món gì.
- Thầy từ quê lên phố, vị giác không nhạy bén do trải nghiệm ít và do mấy dây thần kinh ở cái lưỡi đã lão hóa; ngon, dở, sang,  hèn không thành vấn đề. Bích Hà và những người đi cùng ăn gì thầy ăn thứ ấy.

Lão sống ở quê gần trọn đời, ăn uống đơn sơ; bữa nào gọi là sướng, ngoài cơm, có thêm tô canh, dĩa cá; trong kỵ giỗ, cưới hỏi, tiệc tùng, có thịt này, thịt nọ, nhưng chế biến không cầu kỳ, chỉ “chặt to, kho mặn”.
Nói đến chuyện vào các nhà hàng sang trọng, lão nhớ lại một vài kỷ niệm:
Kỷ niêm thứ nhất là vào năm 1974, khi lão giữ chức Hiệu Trưởng trường Trung Học Triệu Phong tản cư vô Hòa Khánh vì Quảng Trị đã vào tay chính quyền giải phóng; trường ốc dùng tạm mấy cái nhà kho to bự do quân đội Mỹ để lại sau khi rút về trong kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, học sinh đến lớp phải mang theo một cái ghế và một cái đòn để làm chỗ ngồi nghe giảng bài. Hơn một năm sau, bộ Giáo Dục ở Sài Gòn mới cho nhà thầu đóng bàn ghế chở ra; trong khi toán thợ mộc hì hục lắp ghép, búa đinh chát chúa, nhà thầu mời lão về Đà Nẵng – Đà Nẵng xa Hòa Khánh khoảng 10 km – ăn trưa. Họ chọn một nhà hàng sang với những thức ăn lạ; nhìn thức ăn dọn ra, lão không biết ăn thế nào! Dùng nĩa, dùng muổng, hay dùng đũa, thứ gì ăn kèm theo thứ gì; may là trí lão nhanh nhạy nảy ra sáng kiến (!!!); thôi, cứ để ông nhà thầu gắp trước, ông ăn thế nào mình ăn thế ấy. Nhờ thế, bữa ăn cũng “thành công tốt đẹp” không có trở ngại gì đáng kể.
Kỷ niệm thứ hai là trong thời gian lão đi làm cho các tổ chức phi chính phủ (1993 – 2004); lúc đầu, lão đi “kéo ghế” với mấy ông Tây, họ hỏi lão ăn gì, lão cũng bảo ăn thứ như các ông. Cứ tưởng nhà hàng dọn ra một dĩa lớn rồi ăn chung; té ra phần ai nấy gọi, nhà hàng dọn từng dĩa cho từng người; lão không gọi, phần không có; người bên cạnh ăn, lão ngồi “tờ hơ”. Sau mới biết có gọi mới có ăn, chứ không phải như ở nhà, cả gia đình dùng chung tô canh, dĩa cá giữa mâm.
Về thủ tục để có ăn và cách ăn, lão quê mùa như thế, còn về phẩm chất và hương vị món ăn, lão cũng không cảm nhận được. Tuổi già kỳ cục lắm, các bạn ơi! Tai lãng, nghe nhạc hay, không biết; mắt mờ, thấy gái đẹp và gái không đẹp, chẳng phân biệt được; miệng lưỡi khô, ăn thứ gì ngon, không thể cảm nhận.

Hình như công chúa Bích Hà nhớ đến câu nói cửa miệng của dân mình: “Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Bích Hà dẫn vào nhà hàng ẩm thực Trung Hoa Hoằng Long ở 11 Công Trường Lam Sơn, phường Bến Thành, Quận 1. Nhóm Bích Hà mời, ngoài lão và “ngũ long công chúa”, có thêm cô chú Trang Quý, cô chú Nguyễn Thanh Bá và con trai.


(Bên ngoài Nhà Hàng Hoằng Long)

Cô Phan thị Quý (Trang Quý) là cựu học sinh khóa IV công lập Đông Hà; cô rời Đông Hà, rời trường từ năm 1965 rồi cô lập gia đình; qua nhiều trôi nổi của cuộc đời, đi nhiều nơi, hiện nay cô chú định cư ở Sài Gòn và có cuộc sống khá giả.
Còn cô chú Nguyễn Thanh Bá định cư ở Đông Hà, chỉ mới vào đây mấy ngày trước để thăm con đang công tác ở Sài Gòn.
Bích Hà gọi những món ăn, trông ngon lắm. Thôi, lão không kể ra làm gì, sợ mang tiếng “con cà, con kê chi kể lể.”


(Ở Hoằng Long, đang chờ ăn món 1)

Lão vừa tìm trên google mục “Nhà hàng Hoằng Long”; thông tin cho biết đây là nhà hàng ăn bữa dành cho các đại gia và các nghệ sĩ nổi tiếng; giá cả một khẩu phần xê xích từ 200.000 đồng đến 550.000 đồng, chưa kể thức uống! Đối với nông dân như lão, giá gì mà “kinh” thế!

Rời nhà hàng Hoằng Long, cả nhóm ra quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ gần đó. Quảng trường này được lập ra, mô phỏng theo kiến trúc đô thị của các nước văn minh hiện đại, mới khai trương ngày 29/4/2015 – kỷ niệm 40 năm phe cách mạng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Quảng trường dài 640 mét, rộng 64 mét, lát đá thiên nhiên. Ôi! Người đông lắm, may là chưa có cảnh chen lấn; đây đó, nhóm này, nhóm kia, người này, người kia tạo dáng, làm điệu làm bộ chụp ảnh hoặc bên vòi nước phun hoặc lấy hậu cảnh là một tòa nhà cao nào đó, lấp lánh ánh đèn rực rỡ.

(Ở Quảng Trường Đi Bộ Nguyễn Huệ)

Trong nhóm đi cùng lão, có nhiều “nghệ sĩ” lấy ảnh, đa số đều dễ tính, đưa máy lên nhắm, bấm liền; chỉ có Bích Hà hơi khó một chút, bắt cô này phải nghiêng đầu, chú nọ phải nhún vai, miệng Bích Hà luôn câu nói: “Ảnh chụp phải cho đẹp.”
Hai bên lối đi, giữa các thảm cỏ, nhiều nhóm năm, ba người ngồi bệt giữa đất, uống giải khát, đồ giải khát hình như được đặt từ đâu đó, chứ lão không thấy bán trong quảng trường. Chú Nguyễn Thanh Bá – người đã đến đây nhiều lần – nói với lão ở đây, uống kiểu này gọi là “cà phê bệt.”
Từ nơi đây, đường hầm tàu điện ngầm sắp được triển khai. Lão hy vọng sẽ có cơ hội trải nghiệm loại phương tiện di chuyển này, đối với các nước hiện đại, không lạ lùng gì, nhưng đối với Việt Nam, rất mới mẻ.

Rồi nhóm đi vào Diamond Plaza – một tòa nhà cao 22 tầng xây xong 1999, ở góc đường Lê Duẫn và đường Phạm Ngọc Thạch, sau lưng nhà thờ Đức Bà.
Diamond Plaza được sử dụng làm văn phòng, bệnh viện, trung tâm giải trí, trung tâm mua sắm.
Trung tâm mua sắm chiếm từ tầng trệt đến lầu 2.
Nhóm chỉ đi dạo thăm trung tâm mua sắm. Từ tầng này qua tầng khác, hình như có 3 loại thang để lên: thang máy, thang cuốn và thang bộ. Lão thấy thang cuốn được sử dụng nhiều nhất. Ở đây hình như gì cũng có, đặc biệt những hàng gì đắt tiền; người có thu nhập cao mới mua sắm ở đây, còn người bình dân vào đây chỉ để xem.
Ở gian hàng đồng hồ, chú Nguyễn Thanh Bá liếc nhìn thấy một chiếc đề giá 2 tỷ 2; chú kinh ngạc, nói lại với Bích Hà rồi sau đó, sao chị Hương – vợ anh Trương Lạc - ở tận Đông Hà biết được, chị nhắn vô nhờ Bích Hà mua ngay cho chị cái đồng hồ ấy; được hỏi tiền đâu, chị bảo chị sẽ gởi vào ngay, thanh toán bằng đô-la Mỹ cho gọn nhẹ. Ai cũng tưởng anh Trương Lạc là “Lạc đô-la” như trên truyền thông người ta gọi đại gia nào đó là “Cường đô la”; ai ngờ tiền đô-la chị Hương nói là tiền ở mấy quầy bán vàng mã ngoài chợ Đông Hà (!!!).

Xem mệt nghỉ Diamond Plaza, nhóm đến Rex Hotel uống cà phê. Cả nhóm lên thang máy tới lầu 5. Một quán cà phê rộng xoay mặt ra phía đường; ban nhạc “sống” đang biểu diễn phục vụ khách hàng: Hòa tấu có, hát nhạc Tây có, hát nhạc ta có.

(Trước Rex Hotel)

Lão  thấm mệt, ngồi trên ghế, cảm thấy cơ thể mất thăng bằng. Lão sợ chuyện không may xảy ra do vấn đề sức khỏe. Bệnh tim mạch dễ bị tai biến bất ngờ lắm. Ở quê lão, cách đây chưa lâu, một ông tuổi thật trên 60, nhưng tuổi giấy tờ mới 56, ông là quan chức đương quyền, gọi taxi đi dự một cuộc họp; đến nơi, tài xế taxi quay lui, thấy ông đã chết. Lại cũng gần đây, đêm 04/10/2015, một phi công đang lái chiếc máy bay Airbus 320 chở 147 hành khách cộng thêm 5 thành viên phi hành đoàn từ thành phố Phoenix (bang Arizona) đến thành phố Boston (bang Massachusetts) bên Mỹ; trên đường bay, bị đột tử; may là phi công phụ đã cho máy bay đổi hướng hạ cánh an toàn xuống thành phố Syracuse (bang New York). Phi công chỉ được chọn trong số những người mạnh khỏe mà còn thế, huống gì lão!
Xuống thang, rời Rex hotel, nhóm chia tay nhau, lão và “ngũ long công chúa” lên taxi, về lại nhà Bích Hà.
Ơn trời! Lão vẫn bình yên.

Hoàng Đằng

28/12/2015 (18/11/Ất Mùi)  





Không có nhận xét nào: