Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Chuyện ông già từ quê lên phố: Bài III- Đi Giữa Sài Gỏn (Hoàng Đằng)

Chuyện ông già từ quê lên phố
Bài 3: Đi Giữa Sài Gòn

(Hoàng Đằng viết tặng người thân, bằng hữu và môn đệ cũ)

Cơm trưa 19/12 tại nhà công chúa Nguyễn thị Bích Hà – chủ biên trang truongdongha.com – cùng với 4 công chúa nữa trong nhóm “ngũ long công chúa”.
Lão nằm nghỉ trưa một chút, 14 giờ, theo yêu cầu của lão, công chúa Bích Hà gọi một thanh niên quen biết dùng xe máy đưa lão đi giữa Sài Gòn tìm thăm một vài người thân thuộc và bằng hữu. Tội nghiệp! Công chúa Bích Hà nói với lão:
- Ở Sài Gòn, thầy đi đâu, phải để em sắp xếp; người ở đây từ 4 phương tụ hội, không biết ai tốt, ai xấu, ai hiền, ai dữ; thầy ra đường lỡ có chuyện gì, em ân hận.

*
*    *
Bất cứ nhà ai, lão cũng muốn đến đột ngột, lão không báo trước vì sợ người ta mất công bỏ việc sửa soạn tiếp và chờ đợi.
Trước tiên, lão đến cư xá Chu Văn An, phường Bình Thạnh thăm vợ chồng Đoàn Đức – Cao thị Thanh Nhàn  (bạn đồng nghiệp cũ ở trường Triệu Phong thời tản cư vô Hòa Khánh Đà Nẵng 1972 – 1974 và ở trường Nguyễn Phúc Chu, Bình Tuy 1974 – 1975).
Bạn Đoàn Đức là giáo sư Anh Văn giỏi, thế mà nghiệp giáo không xuôi ngót. Khoảng cuối thập kỷ 1970, bạn từ giã trường lớp, học sinh ở trường trung học Bình Tuy, vào Sài Gòn, theo nghiệp kinh doanh.
Nhờ có tài, có tâm, có mạng, có tầm, vợ chồng bạn làm ăn khá lên nhanh. Bây giờ, vợ chồng bạn tạo lập được cơ ngơi vững vàng và nuôi dạy 07 con thành đạt, có gia thất riêng. Tiếc là bạn Đức không ở nhà, đang “vi hành” những cơ sở làm ăn ở tỉnh, chỉ cô Nhàn ở nhà, tiếp đãi lão vô cùng chu đáo.

Rời nhà bạn Đức + Nhàn, lão đến chợ Bà Chiểu tìm thăm nhà người cháu gọi bằng bác. Cháu Hoàng thị Xuân Lựu là con chú Hoàng Kế và thím Nguyễn thị Xuân Đào - chủ nhà hàng Tân Châu ở Đông Hà. Trước khi đi Sài Gòn, lão đến nhà ba mẹ cháu ở làng, hỏi địa chỉ; ba cháu, với di chứng tai biến, trụt lưỡi, nói không rõ; chú nói “chợ Nguyễn Đình Chiểu” mà lão nghe nhầm thành “chợ Bà Chiểu”. Đến chợ Bà Chiểu, lão tìm không ra nhà; cháu thanh niên lái xe cầm máy gọi số điện thoại của cháu lão; cháu lão cho biết lộn chỗ rồi, tới chợ Nguyễn Đình Chiểu kia và hướng dẫn đường.
Cháu lão học xong đại học ở Sài Gòn, lấy chồng ở đây, sắm được nhà cửa khang trang. Thấy cũng mừng! Lão chỉ ngồi với vợ chồng cháu khoảng nửa tiếng, phải tạm biệt. Cháu tiễn lão ra cửa, nói, mặt buồn buồn:
- Bác không phải ở lại với cháu à!

Còn một đứa cháu gọi bằng bác khác, có nhà ở Sài Gòn; cháu này cũng tốt nghiệp đại học. Đó là cháu Hoàng thị Xuân Thảo – em ruột cháu Hoàng thị Xuân Lựu nói ở trên.
Năm 2010, nhân chuyến đi miền Tây gặp bạn như lần này, lão có ghé nghỉ nhà cháu một đêm. Ở quê, ba cháu cho biết từ ngày lấy chồng (cách đây khoảng một năm), cháu không đi làm cho công ty xí nghiệp mà ra kinh doanh tự do; hiện cháu có quầy bán sữa tươi gần dinh Thống Nhất (Độc Lập cũ). Việc kinh doanh, nghe nói, tiến triển tốt; lão không tới nhà mà tới quán vì nghĩ rằng giờ này cháu không ở nhà và lão cũng muốn xem việc mua bán của cháu thế nào để mừng.
Tiếc là tới quán, quán đóng cửa; lão điện cho cháu, cháu cho biết đang lo một bữa tiệc gì đó, rối rít hỏi lão ngày mai lão ở đâu để đến đón về nhà. Ôi! Lịch “làm việc” của lão dày đặc. Ngày mai, lão phải đi Vũng Tàu, lão cảm ơn lòng sốt sắng của cháu và hẹn cháu sẽ gặp nhau ở quê nhà.

Trời đã về chiều, lão còn đi thăm một ân nhân ở đường Lê Văn Sĩ trong khu cư xá sát nách trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Đó là Thầy Nguyễn Văn Dương.
Thầy dạy lão ở Viện Hán Học Huế gần 4 niên khóa 1960 – 1964, thầy dạy Việt văn, có lúc thêm môn Hán Văn Giáo Khoa và Triết Học Đông Phương.
Thời ấy, Thầy có cảm tình với lão, hướng dẫn lão đi vào con đường nghiên cứu là con đường mà lão thích khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Hỡi ôi! Ở đời, muốn là một việc, mà được hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố.
Thầy dành gần trọn đời cho việc dạy, việc học và việc viết sách khảo cứu. Phải qua “ba lần bảy lượt” hỏi, lão mới tìm ra căn hộ của Thầy. Tiếc là không chuyện trò gì với Thầy; cô Phan Ngọc Quế - nguyên giáo sư Anh văn ở trường Đồng Khánh, phu nhân của Thầy - tiếp lão. Thầy nằm phòng trong sát phòng khách, không dậy được. Lão xin cô vào phòng nhìn qua Thầy.
Thân thể Thầy gầy nhỏ, Thầy nằm cong người, mặt xoay vào tường, bàn tay có băng vải trắng.
Cô bảo Thầy tuổi cao, sức yếu, thêm bệnh tiểu đường. Thầy 84 tuổi rồi, sinh, lão, bệnh … là tiến trình bình thường của đời người; vậy mà thấy thể trạng Thầy như thế, lão bùi ngùi trong dạ!

*
*    *
Trời sắp tối, cháu thanh niên lái xe chở lão về lại nhà, trả cho công chúa Bích Hà.
Lão nói đến chuyện trả tiền cho cháu. Cháu bảo là cô Bích Hà dặn chuyện tiền nong để cô ấy lo.
Lão đoán công chúa Bích Hà không cho phép lão được tiêu tiền trong những ngày lưu trú Sài Gòn.
Lệnh! Giỡn mặt mô được!

Hoàng Đằng
27/12/2015 (17/11/Ất Mùi)






Không có nhận xét nào: