Thứ Tư, 30 tháng 11, 2022

THƠ XƯỚNG HỌA: chủ đề: Thu Ly Biệt

 THƠ XƯỚNG HỌA – THI HỮU

Bài xướng:


               


 THU VIẾT CHO NGƯỜI

Người ơi! Tình đã chết rồi sao?

Vai mới kề vai có lẽ nào!

Môi ấm còn nồng hương trái cấm

Dạ sầu đã vỡ giấc chiêm bao

Tuyết sương thầm lặng phai mày trúc

Son phấn xanh xao nhạt má đào

Gió bão cuồng xoay... đêm nguyệt tận

Hoang tàn để lại những hư hao!


Hoang tàn để lại những hư hao!

Rướm máu hồn thu... lá đổi màu

Sóng nước chôn sâu dòng lệ tiễn

Cung đàn khuấy động mảng lòng đau

Tự tình đã lỡ nghìn năm trước

Hội ngộ còn chăng một kiếp nào?

Ai mượn Tràng Khanh *gieo khúc Phượng

Cho nàng họ Trác **nhớ ngàn sau !


Thy Lệ Trang


*Tràng Khanh: Tư Mã Tương Như

**Trác Văn Quân


Họa 1:

           

 NGƯỜI ĐI TÌNH CHẾT


Người đi tình chết biết làm sao,

Còn lại dư âm đẹp thủa nào.

Ánh mắt nồng nàn thương quá đỗi,

Vòng tay êm ái ấm dường bao.

Hè sang sóng bước bờ sông biếc,

Xuân đến kề vai dưới nắng đào.

Bếp lửa mùa đông ngồi nép sưởi,

Thu về cảnh đẹp nắng hanh hao.


Thu về cảnh đẹp nắng hanh hao,

Hoa héo cành khô lá chuyển màu.

Thánh thót giọt Ngâu khơi nỗi nhớ,́

Mênh mang hoa tuyết gợi niềm đau.

Ân tình một thủa tìm đâu thấy,

Mộng ước ba sinh ở cõi nào?

Giòng lệ tương tư dai dẳng lắm,

Đêm ngày lã chã tới mai sau.

Mỹ Ngọc 

Oct. 22/2022


 Họa 2:

       THU LY BIỆT 

Đêm tàn sương lạnh mấy vì sao

Lặng lẽ người đi đến chốn nào?

Hương tóc vấn vương, thương biết mấy

Môi hồng nũng nịu  đẹp dường bao!

Trăng thề mộng ảo trôi theo gió

Lời hẹn hư không giạt cội đào

Giông bão cuốn trôi đời bất tận

Xác  thân còn lại những hanh hao!

 

Xác  thân còn  lại những hanh hao!

Thu đến rừng phong sắc nhạt màu

Thương tiếc hoa tàn dòng lệ đổ

Ngậm ngùi nước chảy nỗi niềm đau

Mối tình tan vỡ làm sao biết?

Sự thế dần xoay tự thuở nào!

Công chúa Huyền Trân* ai  dám xử?

Khắc Chung* tình hận mãi nghìn sau !

Nguyễn Cang 

Chú thích:

*Huyền Trân công chúa là cháu ngoại Trần Hưng  Đạo đại vương, đồi nhà Trần ( 1226-1400).

*Trần Khắc Chung là lão tướng đời nhà Trần, được lệnh đi cứu HT công chúa khi vua Chiêm mất.


Họa 3:

    THU VIẾT CHO NGƯỜI

Vì sao ? Ai hiểu tại vì sao
Rạn vỡ người chưa biết cớ nào
Yêu lắm sông thương sao sánh được   
Nhớ nhiều biển ái có là bao
Hương thơ chưa nhạt trên mùi tóc
Điệu nhạc còn vang dưới cội đào
Thu đến làm chi cho sắc lá
Úa vàng tình ấy cũng vàng hao .

Úa vàng tình ấy cũng vàng hao
Ước mãi thu ơi chớ biến màu
Xa cội cỏ cây còn nhớ tiếc           
Lìa nguồn gỗ đá cũng buồn đau  
Thơ sầu bởi nhạc , đâu là đúng ?      
Người lỗi do ta, có phải nào ?
Nàng Mỵ* khóc tuyền đài ngọc vỡ
Chàng Trương* ôm hận vạn đời sau.

LHN

* Trương Chi, Mỵ Nương 


Họa 4:

  THU VIẾT CHO NGƯỜI

Đàn khải tơ lòng bỗng đoạn sao?

Phượng loan giao cánh ngỡ đâu nào!

Nhẹ nhàng cảnh sắc đang nồng ấm

Ồ ạt màn giông lạnh xiết bao

Đôi ngã canh tàn chao lối hạnh

Nửa vầng trăng khuyết lạc vườn đào

Bên song nhắn khách xa ngàn dặm

Gãy nhịp cầu tình bóng hắt hao!


Gãy nhịp cầu tình bóng hắt hao!

Tranh xuân sóng lượn đã thay màu

Gió đông hiu hắt khơi niềm nhớ

Khúc điệp mơ màng dậy nỗi đau

Tim nhói thôi đành câu lỗi hẹn

Mắt nhoà cố giấu lệ hoen nào?

Trách chàng Tư Mã trao lời ước

Trác nguyện lòng nàng - giải trước sau.


 Kim Trân 


Họa 5:

     GIỌT MƯA THU

Mấy thuở mặn nồng lại thế sao!

Sợi tơ mầu nhiệm đứt khi nào?

Nợ duyên ràng buộc thương còn lắm,

Tình nghĩa đong đầy quý biết bao.

Trăm nỗi điêu tàn do núi lở,

Đôi bờ ngăn cách bởi sông đào.

Trời buồn trăng lặn mây thâm thấp,

Từng giọt thu sầu ngọn nến hao… 


Từng giọt thu sầu ngọn nến hao,

Lá hoa rơi rụng cảnh trơ màu.

Ầm ào sấm động trời bung vỡ,

Vi vút gió gào dạ buốt đau.

Mãi đợi thanh âm hòa khúc nhạc,

Lắng nghe tơ phím lạc cung nào?

Văn Quân mê đắm đàn Tư Mã,

Cầm sắt còn lưu vạn thuở sau.


Minh Tâm 

 


COI WORLD CUP (Phan Thượng Hải) & Thơ Họa

                               

   COI WORLD CUP

Năm tuần World Cup đá liên miên (*)

Khán giả năm châu quá đã ghiền

Hào hứng thể thao thêm ngoạn mục

Say mê giải trí hết ưu phiền

Đá banh, đấu thủ lo tranh giải

Đá miệng, bình dân khoái cá tiền

Trước máy truyền hình ngồi thưởng thức

Tu mi nam tử lẫn thuyền quyên.

(Phan Thượng Hải)

        7/11/14


Thơ Họa:

       COI WORLD CUP

Đến mùa World Cup đá liên miên (*)

Nhớ đến ngày xưa đó quá ghiền

Thức trắng thâu đêm nào ngại khó

Xem nhờ hàng xóm cũng không phiền

Một tô mì gói bù năng lượng

Một trận ăn thua tốn ít tiền

Chẳng biết khi nào ta mất hứng

Mối tình bóng đá hết thuyền quyên.

(Phan Kim Thành)

       6/18/18

(*) Chú thích: Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới (4 năm một lần).

 

TUI CHỜ WORLD CUP

        (Họa Hoán vận)

Tui chờ World Cup đá bên Miên

Chạy bộ qua coi được thỏa ghiền

Khổ vẫn ươm lòng bao tính toán

Nghèo luôn nghĩ chuyện ít ra tiền

Đời ai cũng ước tìm vui vẻ

Tất thảy đều mong xả muộn phiền

Cái thú mê banh,thèm nựng vợ

Nhãn lồng rạo rực hóng chim quyên.*

Lý Đức Quỳnh

  16/11/2022

*Mượn ý so sánh trong câu ca dao:

Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu,vợ chồng quen hơi.


    VUI MÙA WORLD CUP

Bóng tròn, bóng đá... đấu triền miên

Dân chúng ưa coi riết... phát ghiền

Những kiểu giao banh thêm đẹp mắt

Mấy phen phá lưới bớt ưu phiền

FIFA World Cup nay làm giải

Thiên hạ đua nhau cá... khối tiền

Dành chỗ T.V. nhà lối xóm

Vợ chồng huyên náo... giống chim quyên !

Paris, 17/11/2022

    TRỊNH CƠ 

 

    MÙA WORLD CUP

Có người World Cup thất triền miên

Cá độ ăn thua riết phát ghiền

Nhà cữa cộ xe đem thế chấp

Gia đình lâm cảnh đớn đau phiền

Ra sân cầu thủ lo tranh giải

Xem đấu khoái mề đâu kể tiền

Diễn thuyết ti vi càng hấp dẫn

Hô hào cho lắm nợ…sinh quyên !…

  Yên Hà

17/11/2022

 

WORLD CUP  QATAR

Vài tuần World Cup tựa thôi miên

Mê hoặc Qatar bóng đá ghiền

Đừng để mềm thây chen giẫm đạp

Thà thua sạch túi kẹt lo phiền

Già ta youtube cùng men rượu

Bọn trẻ cà phê cũng đở tiền

Thỏa chí chung vui hòa tiếng vỡ

Rồi hồn lững thững bóng chim quyên.

 Hải Rừng

18/11/2022


BÓNG TRÒN THẾ GIỚI

Bóng tròn thế giới đá triền miên,       

World Cup xem coi cũng đỡ ghiền !

Các trận đấu nam thêm chí phục,

Nhiều ca đá nữ dứt tâm phiền.

Việt Nam ham cá tranh đua giải,

Nhà cửa tiêu tan sạch hết tiền !

Lắm kẻ nhảy sông và thắt cổ…

Chết rồi nức nở điệu chim quyên !

    Liêu Xuyên

  MÊ WORLD CUP
World Cup báo điềm dạ bất miên,*
Đêm đêm không ngủ "vé-ri" ghiền.*
Ồ - lê  ô - lế  không cần biết,
Ô -lế  ồ - lê  chẳng thấy phiền !
Mì gói cà phê luôn thủ sẵn,
Bắt kèo cá độ phải ăn tiền !
Bơ phờ suốt tháng... banh tung lưới...
Mửa máu canh trường... tựa đỗ quyên !*
                   Đỗ Chiêu Đức
                    11-18-2022

* Dạ bất miên 夜 不 眠 : là Ban đêm không ngủ.
* Very là Rất.   "vé-ri" ghiền: Rất là ghiền.
* Đỗ Quyên 杜鵑 : là con chim Cuốc, con quấc, cũng là con chim Quyên.

    Mê World Cup
Tinh thần World Cup tựa thôi miên 
Hâm mộ năm châu nhất định ghiền 
Thắng đội tranh tài nên phấn khởi 
Thất cơ cá độ phải lo phiền…!
Tranh đua bạn, khách giành ngôi thứ
Đấu đá cùng nhau há vị tiền 
Máu mặt anh em thua liễn xiễn
Bơ phờ cháy túi khổ tâm quyên…!
      Mai Xuân Thanh 
       Nov. 18, 2022

WORLD CÚP 2022
Tranh tài world cup chẳng bên Miên
Ở tận Quatar thế cũng ghiền
Suốt sáng láng giềng coi chả ngại
Thâu đêm hàng xóm ngó không phiền
Vui chơi thoải mái đừng câu bạc
Giải trí thanh tao chớ cá tiền
Bàn luận ôm xòm vang cả nước 
Líu lo huyên náo… tựa chim quyên
          songquang 
          20221118







Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) - Chương 3: Hải phận Bình Định

Đời Thủy Thủ II

Vũ Thất

                                      

Chương 3: Hải phận Bình Định

Thứ sáu 4/8/1967 23:45G

Tiếng còi “te-tít, te-tít, te-tít” rền rĩ. Tôi choàng tỉnh, tim thùm thụp đập. Siết chiếc gối vào ngực và mở mắt, tôi thót người. Mọi hình ảnh đều lạ hoắc lạ huơ. Đây là đâu? Ai mang tôi đến đây? Tại sao tôi lại nằm trên chiếc giường êm ái này? Tiếng động gì mà cứ rầm rì, bùm bụp, xạc xào? Và tôi nhớ ra là đang ở trên một chiến hạm cùng tiếng còi đổi phiên hải hành.
Tôi nhấc cổ tay xem đồng hồ: 11 giờ 45. Tôi đã ngủ được bao lâu? Đang buổi trưa hay khuya? Trong lòng con tàu, ngày đêm giống nhau, lúc nào và nơi nào cũng được tỏa sáng bằng những ống huỳnh quang. Tôi lắng nghe động tĩnh. Ngoài các dị âm đã quen tai, không có tiếng động đáng nghi ngờ. Tôi cũng cảm nhận con tàu không còn nhấp nhô, lay lắc.
Tôi trở người nằm ngửa. Ánh đèn huỳnh quang chói chang. Một khối tròn như trăng rằm mọc trên vách cuối giường. Đó là chiếc đồng hồ tôi mới gặp lần đầu. Vòng ngoài ghi số lớn, bắt đầu từ đỉnh với số 00, 1, 2… đến số 23. Vòng số nhỏ nằm trong, bắt đầu với số 00, 5, 10 … đến số 55. Cũng có ba cây kim chỉ giờ, phút, giây. Tôi suy ra giờ chiến hạm hiện là 23 giờ 45 phút. Mười lăm phút nữa là tới nửa đêm. Tôi đã ngủ nhiều lắm là ba tiếng. Khỏe đâu không thấy chỉ thấy mỏi mệt hơn.
Tôi hít vào cho đến khi không khí thật đầy phổi và bụng, đếm đến 3 rồi thở ra. Tôi làm lại vài lần. Nghe đâu đây thoang thoảng mùi khói. Chắc chắn không phải là mùi chiến hạm. Mùi khói không còn kinh dị mà thơm dịu. Mùi thuốc lá thơm tôi ngửi ở phòng ăn. Tôi xoay vào vách, ngửi chiếc gối. Cái gối cũng là mùi đó. Có lần tôi than phiền mùi Bastos khét lẹt. Hưng bảo tiết kiệm để mua nhà, làm đám cưới. Tôi đành chịu đựng.
Có tiếng văng vẳng và tiếng đóng cửa như là cửa của tủ lạnh. Tôi bỗng nghe cổ khô khốc. Tôi lồm cồm ngồi dậy, bước chân không đến mở chiếc xách lấy đôi dép. Rồi đi rửa mặt, chải lại tóc.
Tôi lần lượt vén hai bức màn để vào phòng ăn. Võ Bằng đang ngồi ở chiếc ghế tôi ngồi ban chiều. Thấy tôi, anh chàng có vẻ ngạc nhiên:
– “Chỗ lạ, khó ngủ phải không?”
– “Ngả xuống giường là thiếp đi, không còn biết trời biết đất!” Tôi cười gượng.
– “Nhưng còn biết biển chứ?” Võ Bằng chế nhạo.
– “Thấy Đại úy mới biết!” Tôi đáp trả.
– “Và thấy khỏe?” Võ Bằng mỉm cười.
– “Chút chút!”
Đáp xong tôi mới biết bị lừa. Tôi như thú nhận có chút khỏe là nhờ thấy Bằng. Đành đánh trống lảng:
– “Còn mệt đừ nhưng khát quá phải mò ra đây kiếm nước.”
– “Cô thích nước lạnh hay nước ngọt?”
Anh Đào đã cho biết nước trên tàu có vị lờ lợ, khó uống. Tôi nhìn anh chàng sĩ quan đang pha cà phê, thấy thèm nhưng chợt nhớ đã nửa đêm mà chơi cà phê thì hết ngủ. Thôi thì giữa hai thứ, dại gì không chọn thứ ngon. Tôi nói:
– “Xin cho nước ngọt.”
– “Thứ nào?”
Đáng ghét thật. Thứ nào tàu có cho thứ ấy, cứ làm như nhà hàng. Tôi chọc quê bằng cách nói thứ tôi thích nhưng hiếm có trên thị trường:
– “Nếu có thể, xin cho lemonade.”
– “Mời cô Phượng ngồi. Ăn sáng, cô có thể ngồi bất cứ ghế nào. Nhưng trưa và chiều phải ngồi đúng ghế, nghĩa là ghế tôi đang ngồi.”
Tôi nhớ lại lúc Võ Bằng giới thiệu các sĩ quan, các Thiếu úy ngồi cuối bàn, các Trung úy ở giữa, Đại úy Bằng bên tay mặt của Hạm Trưởng, tên Đại úy Mỹ bên tay trái. Thì ra tôi được tiếp đãi như một… thượng khách! Đã không thấy vui mà càng khổ thân; ngày hai buổi phải đối mặt với tên Mỹ khốn kiếp! Tôi cằn nhằn:
– “Đại úy làm ơn cho tôi ngồi tuốt dưới kia. Chỗ này của Hạm Phó mà!”
– “Cô quên rồi sao? Cô là thân nhân của tôi!”
Nằn nì cũng vô ích. Với Võ Bằng, coi như ván đã đóng thuyền. Thì cứ trực diện kẻ thù, để thêm căm thù. Thậm chí ngay lúc này, lẽ ra tôi ngồi đối diện Võ Bằng cho phải phép, nhưng tôi kéo chiếc ghế cạnh ghế tên Mỹ. Tôi không muốn ngồi lên ghế của hắn.
Võ Bằng đang mở cả hai cánh cửa tủ lạnh đặt cạnh bàn pha cà phê. Tủ lạnh to gấp đôi tủ lạnh thường dùng ở nhà. Cả bốn ngăn gần như trống trơn, chỉ ít hộp trái cây và vài tô nhựa có nắp đậy. Ngăn dưới cùng chứa các chai nước ngọt để chồng lên nhau. Võ Bằng khom người lục lọi và cầm lên một chai. Đúng là lemonade. Anh chàng bước qua bàn cà phê, lấy cây khui nắp, nhấc một chiếc ly trên giá, rót một nửa, mang cả hai đến đặt trước tôi.
– “Không biết là cô hay tôi may mắn! Thường thì tủ lạnh trống trơn khi hết công tác.”
– “Cám ơn Đại úy, dĩ nhiên người may mắn là tôi. Thật tình mà nói, tôi có ý chọc quê Đại úy. Tôi đã nghĩ tàu làm gì có lemonade.”
– “Thì cô hẳn biết, mỗi người một ý thích. Mười quan trên tàu này chứng minh điều đó. Ông Hạm Trưởng thì chỉ nước đá lạnh. Tên Mỹ thì chỉ Coke, các quan thì không ai giống ai.”
– “Còn Đại úy?”
– “Tôi à? Tôi bắt đầu thích… lemonade.”
Anh sĩ quan quay lại nhìn tôi mỉm cười. Tôi nâng ly lemonade uống cho tới cạn. Vị ngọt lần này có pha vị ngọt trong lời của Võ Bằng. Tôi rót thêm vào ly. Chiếc ly thủy tinh in hình mỏ neo tuyệt đẹp…
– “Xin phép Hạm Phó, tôi lên Đài Chỉ Huy trước.”
– “Thiếu úy ký nhận phiên, tôi lên trễ một chút! Thấy gì bất thường, cho tôi biết ngay.”
– “Đáp nhận, thưa Hạm Phó.”
Tôi đã thấy bảng tên. Thiếu úy Hoàng Văn. Bằng chào đáp Thiếu úy Văn rồi quay nhìn tôi:
– “Bình thường thì tôi không đi phiên, chỉ tạm thay khi có sĩ quan đi phép, đau yếu.”
– “Thì ra làm Hạm Phó… khỏe re!”
– “Khỏe re như con bò kéo xe!”
Chúng tôi cùng cười rồi cùng lặng thinh. Tôi tránh đôi mắt của Bằng, cố nghĩ xem sẽ hỏi gì để tránh bị… tấn công. Chợt nhớ lời Bằng vừa nói với Thiếu úy Văn ‘Thấy gì bất thường cho tôi biết ngay’, tôi hỏi:
– “Đại úy nói ‘cho tôi biết ngay’ là cho biết thế nào? Đài Chỉ Huy hẳn ở trên cao, từ đó chạy xuống đây qua mấy cầu thang thẳng đứng thì đâu còn ‘biết ngay’ nữa!”
– “Chiến hạm có điện thoại nội bộ từ Đài Chỉ Huy đến các vị trí quan trọng như phòng Hạm Trưởng, phòng họp sĩ quan, phòng chiến báo, phòng truyền tin, hầm máy…”
Tôi nhìn ống liên hợp gắn gần khung cửa, ngang ghế ngồi của Hạm Trưởng. Tiếng của Võ Bằng như phát ra từ đó:
– “Tôi nhận cô là ‘thân nhân’ mà cả tôi lẫn cô chả ai biết ai là ai! Còn 20 phút nữa tôi sẽ lên Đài Chỉ Huy, chúng ta mỗi người có 10 phút kê khai tiểu sử. Mời cô nói trước.”
– “Tiểu sử!” Tôi kêu lên. “Nghe ghê quá! Tôi quê mùa mà tiểu sử tiểu siếc gì!”
Võ Bằng im lặng như một hình thức không chấp nhận. Tôi tìm cách hoãn binh để duyệt lại tiểu sử giả của mình. Tôi nói:
– “Đại úy nói tiểu sử của Đại úy trước đi.”
– “Một yêu cầu thông minh. Nhưng nghe xong rồi mà cô… chạy làng là không được đó. Nên nhớ cô đang ở trên tàu, có chạy trời cũng không khỏi nắng.”
Lời của Võ Bằng gợi tôi nhớ câu thơ ‘Con Cóc là cậu ông Trời…’, tôi mỉa:
– “Tôi biết chứ. Đại úy là… cậu ông Trời mà!”
Võ Bằng lườm tôi:
– “Tôi sinh ở một làng thuộc tỉnh Châu Đốc. Cha làm công chức, mẹ buôn tảo bán tần. Ông bà có năm người con, tôi lớn nhất. Khi tôi lên đại học được một năm thì xem ra ba má tôi đã đuối sức. Nhân Hải Quân mở khóa sĩ quan, có thằng bạn rủ rê, tôi gia nhập. Về đường thê tử thì rất long đong. Thê thì định cưới cô nào là cô đó bỏ đi lấy chồng. Còn tử thì không biết có hay không. Hết!”
– “Gia cảnh của Đại úy quá độc đáo!” Tôi cười lớn. “Còn đường công danh, xem ra Đại úy đi lính chỉ để cha mẹ bớt gánh nặng chớ đâu phải vì yêu nước, phải hôn?”
– “Đúng như vậy. Nhưng vào lính rồi mới thấy quyết định đó đúng hết chỗ nói! Tôi ra trường vào thời điểm ông Diệm bị giết, các tướng tranh giành quyền lực, quân đội suy yếu, Việt Cộng mở những cuộc đánh lớn.”
– “Và Mỹ nhảy vô đô hộ!”
– “Mỹ đô hộ? Cô nghe cộng sản tuyên truyền rồi! Pháp thì có đô hộ nhưng Mỹ thì không. Họ đến vì chính quyền yêu cầu tiếp sức.”
– “Tiếp sức? Tiếp sức kiểu gì mà giết Tổng Thống của người ta!”
Bằng nhìn tôi đăm đăm. Tôi cúi nhìn tấm nỉ xanh phủ mặt bàn. Tôi vừa rót phần lemonade cuối cùng vào ly vừa giận mình quá nhạy miệng. Lẽ ra tôi phải giả vờ ngu dốt thời sự. Tôi đưa ly lên môi, tìm lời điều chỉnh nhưng Võ Bằng đã lên tiếng:
– “Ở Đại học Sư phạm, có sinh viên tham gia biểu tình chống Mỹ?”
– “Cũng có.” Báo chí đều đăng, tôi không thể nói không.
– “Cô có dự?”
Cái điều tôi lo sợ đã đến. Tôi buộc phải nói dối:
– “Không!”
Võ Bằng vẫn chiếu tia mắt ngờ vực:
– “Rất tốt! Hãy dành hết thì giờ cho việc học. Được miễn học phí, được làm giáo sư, vinh dự biết bao. Đừng dại dột nghe cộng sản, bị đuổi học, uổng lắm.”
Tôi nóng mặt, thẳng thừng:
– “Tôi không ưa cái giọng thầy đời của Đại úy. Tôi… tôi…”
– “Đủ rồi, cô Phượng. Có dịp chúng ta bàn tiếp nơi khác. Trên chiến hạm, chính trị bị nghiêm cấm. Bây giờ đến lượt cô.”
Tôi nhìn đồng hồ. Đúng là đến 10 phút của tôi. Tôi quyết định nói thật tiểu sử của mình. Chỉ dùng tên giả là đủ an toàn rồi, cần gì nhớ thêm thân thế của nhân vật giả. Nói dối không quen, sao khỏi lầm lẫn chân giả, giả chân. Tôi nói:
– “Tôi sinh ra ở Vĩnh Long. Ba má đều là giáo sư trung học Tống Phước Hiệp. Tôi đang học năm thứ hai Đại học Sư phạm Sài Gòn. Chưa dám yêu ai. Hết!”
– “Tiểu sử của cô cũng quá độc đáo, ngắn kỷ lục!” Võ Bằng nhìn đồng hồ. “Cô còn 8 phút nữa.”
– “Tiểu sử chỉ có thế, không còn gì thêm. Chỉ còn một thắc mắc lớn: Vì sao cùng khóa mà anh Đính còn mang Trung úy. Chắc anh ấy bê bối lắm?”
– “Đính nổi tiếng siêng năng, đàng hoàng. Hắn sẽ được thăng cấp một ngày rất gần. Trong quân đội việc thăng cấp dựa vào tiêu chuẩn tính điểm. Như kỷ luật, năng lực, thành tích, chức vụ. Phải không bị phạt, hoàn thành mọi công tác, được ân thưởng huy chương và nhất là được đề bạt một chức vụ có cấp bậc cao hơn.”
– “Như chức vụ Hạm Phó của Đại úy Bằng?”
Cái bản mặt thần tượng ciné nở nụ cười tươi:
– “Đúng. Nhưng để được chức vụ Hạm Phó, tôi phải đạt các yếu tố còn lại. Kỷ luật của tôi không được mấy ngon lành nhưng nhờ các yếu tố khác ngon lành hơn nên bù qua sớt lại. Khi còn là Sĩ quan Đệ tam tôi được gửi qua Mỹ lãnh tàu. Suốt sáu tháng đầu tiên tôi được học bổ túc hải nghiệp như hàng hải thiên văn, luật hàng hải quốc tế. Rồi thêm nửa năm on-the-job-training, nghĩa học hỏi và thực tập sử dụng các máy móc dụng cụ tân trang hiện đại cho chiến hạm. Sau đó là suốt hơn một tháng hải hành liên tục từ Mỹ về Sài Gòn. Khi đi, tôi là Sĩ quan Đệ tam; khi về, tôi lên Sĩ Quan Đệ nhị. Nói cho đúng, cũng nhờ có thêm thành tích trận Vũng Rô. Cô có nghe về trận Vũng Rô?”
Đó là thời điểm tôi mới yêu Hưng. Anh đã tức giận, than thở, buồn phiền mấy tuần liền trước tin con tàu chở quân dụng tiếp viện cho quân Giải phóng bị bắn chìm và vô số vũ khí đạn dược bị tịch thu. Vụ này quá lớn, cả Sài Gòn xôn xao, tôi không thể nói không biết.
– “Có, tôi có nghe!”
– “Tôi tham dự trận đó, được ân thưởng huy chương vàng, nhờ đó thêm số điểm đáng kể.”
– “Ồ!” Tôi ngạc nhiên kêu lên cùng với nỗi xót xa. Thì ra, kẻ góp phần đã gây đau buồn cho người tôi yêu là tên ngồi đối diện. Nên hắn có chết cũng đáng kiếp.
Tôi nhìn đồng hồ. Đã qua 7 phút. Còn chưa đầy 3 phút. Chẳng lẽ đứng lên chào về buồng, mà ngồi lại thì cặp mắt Võ Bằng cứ nhìn tôi chăm bẳm. Anh chàng nâng tách cà phê, tôi biết, ngay khi đặt ly xuống, thế nào cũng buông câu tán tỉnh. Bèn vội nói:
– “Mình đang ở đâu, Đại úy?”
– “Không thể nói chính xác. Mình đã đi được ba tiếng. Có lẽ sắp rời vùng biển Bình Định, vào lãnh hải Phú Yên.”
– “Mới nghe tên lần đầu! Đại úy có đến Phú Yên?”
– “Cô có đến Bình Định?”
Tôi ngớ người, Võ Bằng cười, tiếp:
– “Dĩ nhiên là cô có đến Bình Định, nhưng cụ thể thì cô chỉ viếng cùng lắm là tỉnh lỵ Quy Nhơn và vài danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Còn bao nhiêu thành phố làng xã trong tỉnh cô chưa đi tới. Có phải không? Tôi cũng vậy, thậm chí chỉ mới dạo qua một đoạn đường của phố Tuy Hòa. Riêng thị xã Sông Cầu và Duyên Đoàn đồn trú ở đó thì tìm hiểu kỹ hơn.”
Cái lối ăn nói chi li, lòng vòng nghe chướng tai. Tôi hết muốn hỏi hay nghe thêm. Chỉ mong anh chàng đứng lên. Nhưng Võ Bằng vẫn ngắm nhìn. Thôi ráng chịu đựng vậy. Chỉ còn một phút mong manh nữa hắn buộc phải lên Đài Chỉ Huy. Đài Chỉ Huy! Thêm vào danh sách một từ lạ nữa từ khi xuống tàu: Hạm Trưởng, Hạm Phó, hạm kiều, hàng hải thiên văn…! Cái tên nghe hấp dẫn. Đài Chỉ Huy hẳn là nơi dành cho giới chỉ huy. Cho nổ một phát là một đống quan đi đứt, mong là gồm cả Võ Bằng!
Anh chàng uống cạn tách cà phê. Tôi uống cạn ly lemonade. Tôi liếc nhìn đồng hồ, vừa hết giờ. Võ Bằng đứng lên, giọng ân cần:
– “Cô nên tiếp tục ngủ. Nếu thích đọc sách thì có một số trên kệ. Tàu đang xuôi sóng, hết lắc rồi, hết mửa rồi, đọc sách được lắm!
– “Tôi thích lên Đài Chỉ Huy hơn. Để về khoe bạn bè.”
– “Cô không là người yêu thủy thủ, không được phép!”
– “Nói thật, tôi quá ghét cái lối móc họng của Đại úy.”
Võ Bằng cười, nụ cười hài lòng vì đã chọc được tôi nổi quạu, giọng vui vẻ như lời xin lỗi:
– “Tôi sẽ dứt phiên hải hành vào lúc 4 giờ. Nếu cô không ngủ được và thấy đói bụng, tôi sẽ tặng cô tô mì ăn liền!”
Tôi định nói ‘không thèm’ nhưng chợt nhận ra anh chàng đâu phải là Hưng. Bằng nói ‘Hẹn gặp’ rồi rời phòng. Tôi vừa lầm bầm vừa bước về buồng. Hai túi xách còn nguyên chỗ. Tôi đi thẳng vào khu vệ sinh rồi lại ngả lên giường.
Đúng như Bằng nói, tàu xuôi sóng rất êm nhưng tôi cảm thấy chính tôi mới còn lắc lư. Ngọn đèn trên trần quá chói mắt, tôi ngồi dậy, bước qua mở đèn ở bàn và tắt đèn trên trần. Ánh sáng rực chiếu mặt bàn bọc formica xanh soi rõ từng gương mặt trong hai khung ảnh. Bằng giống mẹ nhiều hơn cha. Hai chị em thì ngược lại. Tất cả đều tươi cười hạnh phúc. Còn nàng thiếu phụ bồng con, phải chăng là hai nhân vật Bằng ám chỉ qua ‘tiểu sử’ vừa kể? Nếu tôi nêu thắc mắc, liệu Bằng có cho tôi quá tò mò? Mà cũng chắc gì Bằng chịu kể!
Chiếc giường thật êm như đang san sẻ cơn mỏi mệt của tôi. Kể ra anh chàng Bằng gian nan sóng gió rất xứng đáng được đền bù. Còn mình, thật mỉa mai, được hưởng là nhờ mưu đồ tiêu diệt chủ nhân của nó. Luồng gió điều hòa từ khe hở trên trần về khuya trở nên lạnh hơn. Tôi đặt chiếc gối lên ngực và giấu hai cánh tay vào trong. Chiếc gối mềm mại, ấm áp. Điệp khúc rầm rì, xào xạc, bùm bụp làm đầu óc lung tung nghĩ ngợi.
Anh Đào đã căn dặn là vào lúc gần sáng, mọi người còn ngủ say, đi thám sát địa điểm đặt bom là tốt nhất. Tôi cũng thừa biết nhưng bây giờ chỉ mới nửa đêm. Bằng nói sẽ mãn phiên vào bốn giờ. Ăn mì xong thì vẫn còn quá sớm. Mà vội chi, còn nhiều thì giờ mà…
Có tiếng động ở phòng ăn. Tôi ngồi dậy, nằm trở đầu nhìn ra ngoài và lắng nghe. Ở vị thế này, tôi thấy an tâm hơn. Bất cứ ai bước vào buồng, tôi có đủ thì giờ tự vệ.
Nhưng tự vệ thế nào trường hợp hàng chục trai tráng được rèn luyện đánh đấm chí tình ra tay cùng lúc. Có vẫy vùng gì thân thể cũng sẽ nát như tương. Chỉ còn mối hy vọng họ không tàn ác như lời đồn. Hay ít ra cũng phải nể mặt Võ Bằng. Thân nhân của Hạm Phó mà! Nhưng nếu chính Võ Bằng?
Tôi chợt nhớ đến ba má tôi và nghe rùng mình. Trời ơi, mãi đến lúc này tôi mới nghĩ tới hai người thương yêu và tin tưởng tôi nhất. Ông bà đâu có ngờ con gái mình quá liều lĩnh. Khi nhận lời công tác, tôi không hề nghĩ tới cha mẹ, chỉ lo sợ Hưng giận, chỉ biết chiều lòng người yêu. Lỡ tôi có mệnh hệ nào. Tôi không dám nghĩ tới…
Đúng lúc đó, qua khe hở của chiếc màn và khung cửa, tôi thấy bóng dáng to kềnh của tên Mỹ dừng ngay trước cửa buồng. Tôi nín thở, chuẩn bị thế võ, chờ hắn bước vào. Nhưng hắn biến mất, hẳn là đã vào buồng hắn. Tôi thở phào…
Gian buồng càng khuya càng lạnh, Võ Bằng để cái mền ở nơi nào? Trong tủ đứng hay tủ nằm? Ngăn thứ mấy? Thôi đành chịu lạnh. Tôi nằm nghiêng, ôm chiếc gối vào ngực, một bàn tay giấu vào cái gối ở ngực và bàn tay kia luồn dưới gối kê đầu. Hóa ra dưới cái gối kê đầu là chiếc mền lông cùng màu trắng với tấm drap, được xếp nhiều lớp đặt nằm vắt ngang cuối giường.
Tôi tung chiếc mền ra, trùm kín người. Tôi cảm thấy ấm dần. Tôi lại nghĩ đến ba má tôi, đến căn phòng riêng của tôi trong căn nhà xinh đẹp ở Long Hồ, gần cầu Thiềng Đức. Tôi nhớ chiếc giường với tấm nệm mỏng manh, cặp gối thêu hoa hồng, con chó bông trên thành cửa sổ…
Những lời mơ hồ đâu đó vẳng bên tôi: “Tay lái bên phải. Tay lái bên trái. Máy tiến. Máy lùi…” Tôi nghe tiếng còi dài. Tôi thấy một hàng lính thủy áo trắng giơ tay chào.
Con tàu êm ả cặp cầu. Hai thủy thủ đang hạ hạm kiều. Tôi xách hai chiếc bị bước lại gần cầu thang. Công tác hoàn tất. Quả bom đã được đặt ở phía trong của chân bàn ăn sĩ quan, chỗ Hạm Trưởng, Hạm Phó và tên Mỹ ngồi. Đó là nơi kín đáo khó ai phát giác. Càng may mắn cho tôi là tại bàn ăn sẽ có buổi họp phân công cho sĩ quan ngay sau khi tàu cặp bến, cũng là lúc tôi đặt quả bom với thời chỉnh đúng 30 phút.
Tôi đã sợ toát mồ hôi khi phải chờ gặp Hạm Trưởng để nói lời cám ơn và từ giã. Mất thêm vài phút để lên đến hạm kiều. Lại thêm vài phút để Võ Bằng dặn dò toán canh gác. Tôi cố kềm cái ước muốn nhảy đại lên bờ bỏ chạy thật xa. Đâu có gì bảo đảm quả bom không nổ sớm hơn. Và tôi cũng toi đời.
Tôi đã nói với Võ Bằng miễn tiễn đưa nhưng anh chàng cứ khăng khăng giành lấy hai túi xách. Chúng tôi tiến đến chiếc xích lô còn đậu như chờ tôi trở lại. Tôi leo lên xe. Bằng đặt nhẹ hai cái xách lên chỗ để chân rồi đặt hai ngón tay lên môi. Rồi thả ra.
– “Cám ơn Đại úy về mọi giúp đỡ.” Tôi thành tâm nói.
– “Mong tái ngộ.” Bằng tha thiết.
Tôi nói bác xích lô cho tôi vài phút. Tôi nhìn chiến hạm lần cuối. Nó cặp hướng mũi ra cửa biển như khi khởi hành. Chỉ một thời gian ngắn nữa tôi sẽ trở thành kẻ giết người. Tôi vẫy tay chào vĩnh biệt khối sắt có chiếc giường nệm thật êm. Vĩnh biệt Hạm Trưởng và thủy thủ đoàn. Xin chúc ngàn thu an giấc.
Bằng dừng lại giữa hạm kiều. Anh nghiêng mặt nhìn tôi. Khuôn mặt Burt Lancaster tôi ưa thích. Ánh nhìn đắm đuối thiết tha. Thế đứng gợi tôi ngày được anh tiếp đón và những đãi ngộ tốt đẹp nhất sau đó. Tôi nao nao buồn đưa hai ngón tay lên môi, thầm chúc anh sống sót và mong cầu còn dịp gặp lại nhau trên cõi đời này. Rồi tôi nhờ bác phu xe đạp nhanh về đường Trần Cao Vân như muốn sớm giao tội ác lại cho Hưng. Vừa khi chiếc xích lô ngang qua chùa Long Khánh, một tiếng nổ lở đất long trời vang lên…
Tôi choàng mở mắt. Đầu óc lơ mơ hình ảnh con tàu đang từ từ chìm. Không phải tiếng nổ mà tiếng còi te-tít, te-tít, te-tít… Tôi mở mắt, định thần. Trên trần không phải là hình ảnh quen thuộc của căn buồng nhà ba má tôi. Nó lờ mờ những khung sắt, những đường dây, những ống dẫn. Ngọn đèn huỳnh quang rọi hai khung ảnh trên bàn … Tôi chợt nghe cơn lạnh chạy dài theo cột sống. Tiếng còi đổi phiên. Tôi xem đồng hồ: 3:45. Đúng rồi, tiếng còi đổi phiên hải hành. Tôi còn ở trên chiến hạm…
Giấc mơ của tôi sao lạ lùng! Rõ ràng con tàu đã nổ đúng thời chỉnh nhưng không nổ ở bến Bạch Đằng mà lại chính tại cái bến tôi vừa ra đi…
Giấc mơ gợi điềm báo gì? Lành hay dữ?

(Còn tiếp)