Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

Mùa Thu Hà Nội - An Hoàng

        

                         

             Mùa Thu Hà Nội


Tôi không sinh ra ở đất Thăng Long, nhưng ở đó từ bé (5 tuổi). Đi khỏi đất Rồng Bay ấy ở tuổi 15 (1954), tôi có nhận mình là người Hà Nội thì cũng không sai!
Nhưng thử hỏi ở tuổi ấy thì biết gì về Hà Nội? Chưa cầm tay một người con gái! Vào rạp coi phim còn bị hỏi giấy vì người ta tưởng tôi còn bé! Hồi đó tôi gầy gò như Sao Tháng Tám, chẳng phải vì thiếu ăn mà vì ham chơi hơn ham học! Thời đó, các cụ nghiêm khắc: thấy dắt tay con gái là về nhà ăn đòn!
Thỉnh thoảng được các ông anh, bà chị họ cho đi ăn phở, về là sướng cả một ngày!
Tôi ở ngay con đường Hàng Trống, gần Hồ Gươm nhất, đi học là nhìn thấy hồ và Tháp Rùa, xa xa là cầu Thê Húc, còn đền Ngọc Sơn thì cây che phủ, chỉ nhìn thấy cây rủ xuống mặt hồ...
Phố tôi ở có hai di tích cổ kính, đó là:
- Đền Hàng Trống, một trong những ngôi đền cổ nhất của Thăng Long.
- Nhà Thờ Lớn của Hà Nội, cổ kính và uy nghi, có hàng trăm năm tuổi, chẳng khác nào Nhà Thờ Đức Bà của Sài Gòn. Cạnh đó là Trường Dũng Lạc, nơi tôi học và chỉ còn nhớ được hai thày Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh dạy Anh Văn.
Bố tôi làm cho Pháp, ngày Việt Minh nổi lên (1945), đã bị chúng bỏ tù, nên ngay khi Hiệp Định Gênve vừa ký xong là bố con tôi xuống Hải Phòng để tìm cách vào Nam: "Tao không thể để chúng nó bắt một lần nữa!"
Chuyện về Hà Nội thì còn dài! Và tôi không muốn nhớ vì phải bỏ quê hương mà đi, như cây bị nhổ gốc, trồng lại! Hồi ấy(1954) tôi đã học lớp đệ lục, vào Nam, rong chơi ba tháng ở Sài Gòn, một năm ở Đà Lạt, theo bố xuống Nha Trang lập nghiệp, lại học lại đệ lục! Chưa có tên học trò nào học dốt như tôi!
Các bạn sinh trưởng ở đất Ngàn Năm Văn Vật này đã từng nghe những bài hát  như Nhớ Về Hà Nội, Mùa Thu Hà Nội, hay Tôi Muốn Mời Em Về của Việt Dzũng với những lời tha thiết:

              Tôi muốn mời em về
              Thăm lại Hà Nội xưa
              Cổ Ngư chiều đổ lá
              Trong mưa buồn lưa thưa
                            *
              Tôi muốn mời em về
              Thăm lại Sài Gòn xưa
              Duy Tân chiều say nắng
              Uống môi nồng hương xưa...

Coi trên Youtube, một bản nhạc phổ từ một bài thơ và hát bởi một nữ ca sĩ lạ có tên Diệu Hiền: Tên bài hát VỀ HÀ NỘI ĐI ANH:

             Nếu một ngày về thăm Hà Nội
             Anh chọn mùa nào cho nỗi nhớ của anh ?
             Ngày đầu Thu nắng gió mong manh
             Hay những ngày chồi Xuân xanh biếc
             Hay mùa Đông mây buồn da diết
             Hay những ngày Hè tha thiết phượng hồng rơi...
                                                          .
             Nói với em đi, nói với em đi
             Dù chỉ một lời, dù chỉ một lời
             Hà Nội và em đang chờ đón...
                                                           .
             Phố Cổ rêu phong lặng thầm ngõ nhỏ
             Có loài chim sâu cuộn mình dấu mỏ
             Anh chọn mùa nào, em cũng nhớ cũng thương ...
                                                           .
             Anh dắt tay em trên những con đường
             Cổ Ngư không còn chiều lênh loang  màu nhớ
             Về đi anh, về đi anh
             Bốn mùa đang đợi... Anh về đi anh...

Phải chi ngày ấy tôi xa Hà Nội (1954) mà có người em gái vẫn còn chờ (dù nay có là một bà lão "tám bó" như tôi) thì tôi cũng dám về lắm!
Nói thì nói thế: Lực bất tòng tâm! Vả lại tôi đâu có muốn ra ngủ gầm cầu hay Khách Sạn Ngàn Sao, chỉ trừ khi tôi không muốn sống!
Tôi có về Hà Nội một lần (năm 2000), sau 10 năm ở Mỹ: về không phải "áo gấm về làng" mà về để nhìn lại một Hà Nội tôi đã bỏ ra đi, thấy mình lạc lõng giữa Thủ Đô xưa! 36 phố phường không còn như ngày ấy, gái Hàng Ngang, Hàng Đào đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy những dung nhan chửi bậy nhức cả đầu!
Biết thế tôi đã chẳng về làm gì, để Hà Nội còn đẹp mãi trong tôi!

         Hà Nội hôm nay không phải của tôi!
         Nó chết từ khi tôi bỏ đi rồi
         Cả một lũ đầu trâu và mặt ngựa
         Thấy chúng là tôi chỉ muốn  lìa đời!
                                                        
                                                 AN HOÀNG
                                                                                              
  




Không có nhận xét nào: