Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

Đời Thủy Thủ II (Vũ Thất) - Chương 1: Vịnh Quy Nhơn


Đời Thủy Thủ II - Vũ Thất                       

                                          

              Chương 1

                 Vịnh Quy Nhơn


Thứ sáu 4/8/1967 19:00G


Đến cuối đường Gia Long nối liền cầu tàu, chiếc xích lô tắp vào lề, thắng sững lại, còn cách chiến hạm một quãng khá xa. Bác xích lô bảo đây là điểm giới hạn, không được phép vào cầu tàu. Bác giúp nhấc hai chiếc túi xách để lên lề đường, dọn chỗ cho tôi dễ dàng bước khỏi xe. Tôi đưa bác thêm ít tiền ngoài giá thỏa thuận.

Mỗi tay một túi xách nặng trên dưới mười ký, tôi thầm cám ơn đôi giày bata mềm mại khít khao giúp tôi giữ đều bước với dáng vẻ thảnh thơi bất kể mồ hôi bắt đầu rịn trên da thịt. Gió nhẹ nhưng chỉ phả thêm hơi nóng.

Còn mươi bước đến đầu chiếc thang bắc lên tàu, tôi chợt nhận ra chiếc thang nghiêng cao hơn lần trước, đâm lo không biết có đủ sức mang cả hai xách lên tàu. Chắc chắn là tôi phải để một túi xách trên cầu và trở lui cho chuyến thứ nhì. Nhưng túi xách nào nên mang trước để được nhiều cơ may? Tôi quyết định chọn túi xách đựng ration C và hộp quà tặng. Tôi vừa đặt túi xách đựng quả bom lên cầu tàu thì có tiếng vọng đến:

- “Xin chờ đó!”

Tôi ngẩng lên, nghe dạ nôn nao. Sáng nay Võ Bằng đã cho biết là tôi được phép quá giang, chẳng lẽ giờ lại đổi ý. Anh chàng Thiếu úy nhấc ống liên hợp và nhấn nút màu xanh trên vách. Tôi nghe loáng thoáng: “Thưa Hạm Phó, thân nhân Hạm Phó đã đến”. Im lặng vài giây lại tiếng rõ hơn “Đáp nhận”. Anh chàng gắn lại ống liên hợp rồi nói với anh hạ sĩ quan xuống giúp mang hành lý lên tàu. Tôi nghe mà nhẹ người. Trạm gác vẫn là cặp ba nhưng không ai quen mặt lần trước. Tôi mỉm cười chào anh hạ sĩ quan. Anh gật đầu đáp lễ rồi nhấc chiếc xách trên cầu và cầm luôn chiếc xách đang trên tay tôi. Tôi cố giữ nhưng anh cười bảo mỗi tay một xách dễ đi hơn. Tôi hồi hộp theo sau anh. Chiếc cầu thang nhún nhẩy hòa với nhịp tim của tôi.

Hai túi xách được đặt lên sàn tàu. Anh chàng Thiếu úy mang bảng tên Vương Văn Tiến nhã nhặn nói:

- Xin cô vui lòng cho xem thẻ căn cước.

Tôi mở túi đeo vai lấy tấm thẻ. Tấm thẻ giả được Hưng bầm dập cho nó cũ nhưng xem ra vẫn còn quá mới. Thiếu úy Tiến chăm chú đọc rồi ngước nhìn vào mặt tôi rồi lại nhìn vào hình. Anh so đo thêm lần nữa.  Những sợi thần kinh trong tôi lao xao. Tôi cầu Trời khấn Phật cho tôi đừng biến sắc. Khi anh trả tấm thẻ, tia mắt anh cũng dịu êm như lời nói: “Welcome aboard.”

Tôi vừa chớm vui với sự tiếp đón lịch sự thì Thiếu úy Tiến lại tiếp:

- “Chúng tôi mạn phép khám hành lý.”

Dù vẫn biết là sẽ bị khám và đã ngụy trang cẩn thận, nhưng vẫn hồi hộp. Tôi cố nở nụ cười tươi:

- “Xin tự nhiên.”

Tiến ra hiệu hạ sĩ quan Trần Thanh Tùng mở túi xách. Anh chàng này chọn túi chứa quả bom. Tim tôi ngưng đập vài nhịp. Tôi rủa thầm sao không chọn túi xách kia cho người ta nhờ. Thông thường xét túi xách đầu không thấy gì, túi sau thông qua dễ dàng. Tùng khom người kéo chiếc fermeture rồi nhấc bọc đựng bộ đồ ngủ để trên quả bom. Quả bom tênh hênh đến độ chân tôi muốn sụm xuống. Hạ sĩ quan Tùng mở bọc nylon, nhìn thoáng vào bên trong rồi đặt chiếc bọc lên sàn tàu.

Mắt anh chàng hướng qua túi xách, chợt reo lên:

- A, margarine! Tôi cũng có mua hai thùng cho má tôi. Bà thích thứ này lắm, bảo dùng tiện hơn mỡ heo, mà giá chỉ bằng nửa!

Tôi vội tán thành:

- Má tôi nói Quy Nhơn giá rẻ hơn ở Sài Gòn nhiều, mà vì sợ xách không nổi nên tôi chỉ mua một thùng!

- “Phải biết sớm, tôi giúp cô!” Chúng tôi trao đổi tiếng cười.

Tùng mở rộng miệng túi, chừng như anh chàng muốn lấy thùng margarine ra. Từng sợi thần kinh của tôi căng như dây đàn. Tôi len lén hít vào đầy ngực rồi từ từ thở ra. Thùng mỡ ăn Margarine 20 lbs với chữ và số còn mới tinh nhưng bên trong là cả khối chất nổ, đủ để làm chìm tàu. Nếu anh chàng mang nó ra khỏi túi xách và lật ngược xem phần đáy thì coi như tôi đi đứt. Phần đáy có hai lỗ cắm dành cho cái thời chỉnh tuy được một mảnh băng keo dán vắt ngang ghi tên Phan Kim Phượng và địa chỉ nhà ở Sài Gòn nhưng gặp xui thì băng keo bị gỡ! Nhưng anh chàng hạ sĩ quan chỉ mò mẫm các lớp áo quần tôi xếp quanh thùng.

Sau khi đặt quần áo lại như cũ, anh chàng mở túi xách còn lại đựng một hộp quà, một hộp bánh LU và ba hộp ration C. Hộp quà được bọc giấy có họa tiết đẹp và dây buộc thắt thành nơ, bên trong là cái thời chỉnh cho quả bom. Anh chàng Tùng cầm hộp quà ngắm nghía chiếc nơ rồi để gần lỗ tai, lắc lắc.

Có tiếng kêu sột soạt. Tùng hỏi:

- “Cái gì ở trong?”

- “Cái quẹt lửa zippo tặng cho ba.”

- “Chà! Cô có hiếu dữ a!” Tùng ra vẻ thán phục. “Hiếm có người đi chơi mà vẫn nhớ mua quà cho song thân!”

Tùng lại hướng mắt vào túi xách. Anh chàng lại kêu to:

- “Ration C! Chà ngon lành!

Tùng đặt hộp quà vào túi, nhắc hộp bánh LU. Sau khi lúc lắc, anh cười:

- “Nghe như là… ma túy!”

Anh loay hoay mở nắp. Đúng lúc đó thì Võ Bằng xuất hiện. Cả ba đứng nghiêm giơ tay chào. Bằng chào đáp rồi nói với tôi:

- “Chào cô Phượng”.

- “Xin chào!” Tôi lí nhí.

- “Khám xong chưa?” Bằng hỏi Thiếu úy Tiến.

Thiếu úy Tiến nhìn Tùng. Tùng đáp:

- “Vừa xong, thưa Hạm Phó!”

Tùng đặt hộp bánh LU vào túi xách rồi kéo khóa. Võ Bằng nhờ anh lính gác mang hành lý của tôi xuống phòng ăn sĩ quan. Anh lính gác giao khẩu súng dài cho hạ sĩ quan Tùng rồi nhấc hai túi xách bước một đoạn ngắn rồi ngoặt vào một khung cửa mất dạng. Tôi lo ngại không biết có còn thêm khám xét nữa chăng?

- “Còn cô, mời theo tôi!” Bằng nói như ra lệnh.

Tôi hồi hộp bước sau Bằng cùng lối đi của anh lính gác. Lối đi hẹp là một hành lang, một bên là dây an toàn dọc theo mạn tàu, một bên là vách xám treo lỉnh kỉnh ống nước, phao cá nhân, hai chiếc búa màu đỏ bắt chéo, các bình chữa lửa, một hộp kính đựng dụng cụ mới thấy lần đầu.

Võ Bằng bước qua một khung cửa dẫn vào một căn phòng sáng choang và mát rượi. Sàn tàu lót gạch nhựa màu xanh phơn phớt các vệt trắng như hoa sóng. Căn phòng chật hẹp, sơn trắng, dây nhợ và ống dẫn khác màu chạy dọc theo chiều dài giao tiếp vách và trần tàu. Phòng không bàn ghế. Gắn trên bốn bức vách mỗi bức một loại vật dụng: Một vách toàn hộp sắt kích cỡ khác nhau có hàng chữ nhỏ. Một vách gắn các kệ đựng sách dày cộm. Một vách gồm các tủ đứng không rõ chứa những gì. Trên vách thứ tư là một hộp khá lớn mang dấu hiệu hồng thập tự. Ở cuối vách này, bên mặt là một cửa buồng đóng kín, trên có gắn một biển xanh mang hai chữ màu vàng: “HẠM TRƯỞNG”. Hai tiếng “hạm trưởng” gợi tôi lời căn dặn của Hưng: “Ráng giết tên chỉ huy tàu để đạt thành tích xuất sắc.” Nhưng ai là Hạm Trưởng?

Làm sao gặp? Và quả bom sẽ đặt nơi nào… cho ăn chắc?

Có tiếng gọi của Bằng. Anh chàng đang đứng bên một ô vuông trên sàn tàu ở bên trái hộp hồng thập tự. Tôi bước đến gần Bằng. Ô vuông là ngõ xuống tầng dưới bằng một cầu thang gần thẳng đứng. Ánh sáng phản ánh sàn tầng dưới cùng loại gạch màu xanh phơn phớt hoa sóng. Bằng bước lên bậc thang đầu tiên. Rồi anh chàng tụt dần, tay giơ cao ngoắc tôi bước theo. Tôi lo ngại nói:

- “Coi bộ dễ té quá!”

- “Không sao đâu! Té biết liền!”

Tôi ấm ức:

- “Trung úy cứ cà giỡn hoài!”

Võ Bằng xuống hết các bậc thang, ngước lên thấy tôi còn đứng yên, hối thúc:

- “Lẹ lên chứ! Hạm Trưởng đang chờ.”

“Hạm Trưởng đang chờ!” Tự dưng tôi thấy ơn ớn. Cơn ớn lạnh phát sinh từ bốn tiếng “Hạm Trưởng đang chờ” hay từ luồng hơi của máy điều hòa từ dưới thốc lên? Sao lại phải gặp Hạm trưởng? Mấy người đi trước đâu có ai phải gặp đâu. Thậm chí còn không biết Hạm trưởng là ai!

Cơn ớn lạnh quyện thêm vào mùi chiên xào, mùi khói, mùi xăng dầu khiến tôi như ngộp thở. Tôi nín hơi, một chân đạp lên bậc thang trên cùng, thận trọng đặt chân kia lên bậc thứ nhì. Rồi tôi khòm người, hai tay bám lấy mép ô cửa để vững vàng bước lên bậc kế tiếp. Rồi hai tay tôi rời ô cửa nắm hai bên lan can để dần bước từng bậc. Nếu không được cảnh báo mà đi guốc cao gót thì quả là… té biết liền!

Bằng đã đứng trên sàn, đưa tay cho tôi vịn. Tôi mừng húm nắm lấy. Đôi bata không còn đủ sức cân bằng thân thể tôi. Bàn tay Võ Bằng giúp tôi nhảy từ bậc chót lên sàn. Sàn lại là một hành lang ngắn. Anh lính xuất hiện ở đầu hành lang đang tiến về phía tôi với hai tay không. Chàng ta đã bỏ hai túi xách nơi nào? Ông Hạm trưởng

mà ra tay lục soát thì chỉ có nước rục xương trong tù!

Thấy Bằng ngắm nghía tôi, tôi hỏi:

- “Bộ tôi xốc xếch lắm hả Trung úy?”

- “Không! Đủ đàng hoàng khi trình diện Hạm Trưởng!”

- “Sao phải trình diện Hạm Trưởng?” Tôi ngạc nhiên hỏi.

- “Thủ tục!”

- “Sao mấy người tôi quen không ai phải gặp Hạm trưởng?”

- “Vì cô… đặc biệt!”

Tôi bặm môi, có hỏi nữa chỉ thêm bực mình! Mà giờ tôi có muốn rút lui cũng đã muộn, cũng đã vào hang ổ. Từ nhỏ tôi vốn lỳ lợm. Ba má tôi chỉ mong đứa con đầu lòng là con trai, nên nhất định bắt tôi làm con trai. Tôi ăn mặc kiểu con trai, chơi đùa với bọn con trai. Thậm chí từng đập lộn, chả ngán bất cứ tên con trai đồng lứa nào. Mãi đến khi đi học, tôi mới được mặc áo quần con gái. Nhưng tôi lại vất vả hơn. Từ năm đầu đi học, tôi phải học thêm vovinam. Vậy mà nghe “trình diện Hạm trưởng” vẫn thấy ngại ngùng. Cái từ “trình diện” nghe như cú đánh phủ đầu ra hồn! Tôi thầm trách mình sao bỗng đâm ra hèn. Võ nghệ đầy mình, có gì mà sợ. Con đường thoát thân cũng đã vạch sẵn: phá tan hang ổ!

Chúng tôi bước về cuối hành lang, nối liền một khung cửa. Võ Bằng vạch bức màn, bước qua và giữ bức màn cho tôi qua theo. Tôi ngỡ ngàng trước một quang cảnh đột ngột đổi thay. Không phải là một căn buồng chật hẹp sáng choang đầy dây nhợ, những hộp sắt tủ sắt vô hồn tôi vừa rời đi, mà là một không gian khoảng khoát màu đọt chuối mát mắt  có một bàn ăn dài với một số người ngồi quanh cười nói. Và tất cả đột ngột nín lặng hướng mắt vào tôi. Tên Mỹ nổi bật với mái tóc hoe, đôi mắt xanh, làn da trắng và bộ kaki vàng giữa tám sĩ quan Việt với đồng bộ kaki xanh. Thêm một khác biệt nữa là hắn đeo tấm thẻ bài treo lủng lẳng trước ngực của một vóc dáng to xác. Rồi cặp lon hai gạch bằng kim loại bạc gắn lên cổ áo cũng chẳng có chút gì hòa hợp với những cầu vai đen với các gạch kim tuyến vàng của tám dân Việt vóc dáng khiêm nhường. Tên Mỹ niềm nở mỉm cười với tôi. Tôi đáp lại bằng cái mím môi, nghĩ thầm: “Thì ra Hạm trưởng là tên này đây! Đúng là tên xâm lược, ngay cách ăn mặc cũng tỏ rõ ai chủ ai tớ!”  Tôi cảm nhận sự hiện diện của hắn như là một kích thích tố xua đi nỗi lo âu và tăng thêm quyết tâm hoàn thành sứ mệnh.

Một anh lính đang nhanh nhẹn thu dọn chén dĩa toàn bằng sứ trắng; đũa, muỗng nĩa đều bằng bạch kim.

Bằng nắm cánh tay, đẩy nhẹ tôi tiến thêm vài bước gần một sĩ quan ngồi đầu bàn. Thế ngồi dựa ngửa trông dễ ghét. Hai chân bắt chéo, hai cánh tay tỳ lên tay tựa, mặt nghiêng nghiêng lốm đốm tàn nhang như điểm thêm nét tươi vui. Giọng Võ Bằng trịnh trọng:

 - “Thưa Hạm trưởng, đây là cô Phượng, là người tôi đã trình Hạm trưởng muốn xin quá giang về Sài Gòn.”

Tôi ngạc nhiên nhìn kỹ người được gọi Hạm trưởng. Thì ra là Hạm trưởng là ông này, không phải tên Mỹ.  Mái tóc đen chải tém như tài tử Clark Gable nhưng khuôn mặt chữ điền, không râu. Cùng với vầng trán phẳng phiu là đôi mày rậm, miệng rộng, môi dày. Số tuổi chừng khoảng tuổi con dê. Trên nền đen ở mỗi cầu vai là hai gạch kim tuyến vàng kèm một gạch nhỏ. Giọng ông ôn tồn như giọng thầy dạy sử tôi ưa thích:

- “Cho tôi xem giấy phép quá giang?”

Tôi mở túi đeo vai, trao tờ giấy cho ông. Ông chăm chú đọc. Rồi đôi mắt ông chiếu thẳng vào mắt tôi. Câu hỏi như phát từ tia nhìn soi mói:

- “Sao cô lại xin quá giang tàu Hải Quân?  Đi máy bay có phải vừa nhanh vừa khỏe hơn không?”

Tôi vờ ngượng ngùng buông câu đã được chuẩn bị:

- “Các bạn tôi nói đi tàu Hải Quân được ngắm biển tuyệt đẹp! Mà còn khỏi tốn tiền!”

Ông buông ra tiếng “hườm”, tay thọc túi áo móc gói Philip Morris, gắn một điếu lên môi. Tên Mỹ vội vàng móc lấy hột quẹt và tiếng “tích” làm bùng ngọn lửa xanh đầu Zippo. Ông Hạm trưởng nghiêng người bập bập châm thuốc, hít một hơi dài rồi khoan khoái phà khói. Mùi thơm ngọt ngào gợi tôi nhớ mùi thuốc Bastos khét nghẹt của Hưng. Tôi chợt nhớ hai túi xách và đưa mắt đảo quanh. Chúng đang nằm dưới chân ghế bành ở vách phía sau lưng Hạm Trưởng.

 Giọng Hạm trưởng khô khốc:

- “Cô có biết là cô chọn nhầm tàu để xin quá giang không? Tàu này là tàu tác chiến chớ không phải tàu chuyên chở. Lỡ có lệnh hành quân là chết… như chơi. Cô còn trẻ quá, mà đẹp nữa, chết uổng phí!”

Tôi nhìn ông, tỏ vẻ không hiểu. Ông tiếp:

- “Hải Quân có nhiều loại tàu, mỗi loại có chức năng riêng. Giấy phép của cô, chỉ có hiệu lực cho loại tàu chuyển vận.”

Lòng đầy thất vọng, tôi nhìn Võ Bằng, như nhắc về một lời hứa. Anh chàng lặng thinh, bình thản. Giọng ôn tồn của Hạm trưởng lại vang lên:

- “Trong tờ Lệnh Chuyển Vận có ghi câu này: ‘Tôi cam kết chấp nhận mọi rủi ro. Tuyệt đối không khiếu nại!’ Cô có đọc không? Tôi đoán là trước khi ký tên, hẳn cô đã đọc?”

- “Tôi đã đọc!”

- “Tức là cô chấp nhận rủi ro?”

- “Tôi chấp nhận.”

Ông chậm rãi tiếp:

- “Rủi ro thì ở đâu cũng có nhưng với tàu tác chiến chữ thọ mong manh hơn tàu chuyên chở. Nói rõ hơn, mức độ rủi ro về thương tích và tử thương được ghi nhận là cao nhất! Thí dụ như ngay cả hôm nay về nghỉ bến, chiến hạm vẫn có thể bị địch phục kích, cũng như rất có thể nhận lệnh hành quân bất thường dài ngày. Cho nên tàu tác chiến thường không nhận khách quá giang. Nếu không cần về Sài Gòn sớm, tôi khuyên cô nên đợi đi tàu chuyên chở, an toàn hơn.”

Tôi ngẩn ngơ, cân nhắc. Mấy người đi trước gặp tàu, trình xin là được cho đi liền, không bị hăm he gì! Ông này không muốn cho đi nên nói để hù mình đây. Tôi mạnh dạn đáp:

- “Tôi chấp nhận mọi rủi ro!”

Ông chặc lưỡi, lắc đầu:

- “Cô nhất định đâm đầu vào cửa tử?”

 Tôi giở giọng thiết tha:

- “Đây là cuộc hành trình tôi luôn mơ ước. Và tôi đã xuống tàu. Có chết cũng… ngậm cười!”

- “Vậy thì chúc cô hưởng một chuyến hải hành như ý.” Ông nhìn sang Võ Bằng, tiếp. “Hạm phó đã được thỏa mãn theo yêu cầu. Bao giờ cũng vậy: quyền lợi đi đôi với trách nhiệm…”

Anh chàng cười tươi: 

- “Nhận hiểu 5 trên 5, thưa Hạm trưởng.”

Tôi ấp úng:

- “Cám ơn…. Hạm trưởng!”

Các sĩ quan đồng loạt vỗ tay hoan hô. Tiếng cười rộn rã nổi lên. Tôi ngượng ngùng khi nhận ra mình vô tình hòa vào niềm vui chung.

Ông Hạm trưởng nghiêm giọng:

- “Cũng cần nói thêm với cô Phượng. Xưng hô ‘Hạm Trưởng’ và ‘Hạm Phó’ là dành riêng cho thủy thủ đoàn. Cô là khách quá giang, nên gọi chúng tôi bằng cấp bậc. Hoặc thân mật hơn, gọi bằng anh!”

Nhiều tiếng cười vang lên. Tôi lúng túng nói:

- “Tôi xin gọi bằng cấp bậc nhưng tôi chưa biết cấp bậc Hải Quân.”

Ông mỉm cười:

- “Giờ là tới mục đố vui để học. Hạm Phó sẵn sàng nhường ghế cho cô Phượng chứ hả?

Võ Bằng mời tôi ngồi vào ghế bên tay mặt của Hạm Trưởng. Các sĩ quan dịch chuyển nhường ghế cạnh tôi cho Võ Bằng. Khi chúng tôi an vị, Hạm Trưởng nói:

- “Cô Phượng hãy nhìn cầu vai các sĩ quan. Đố cô một gạch là gì?”

- “Thiếu úy!” Tôi nhanh nhẩu đáp.

Hạm Trưởng nhìn Võ Bằng:

- “Hạm Phó giới thiệu các sĩ quan cấp úy.”

Bằng chỉ từng người đeo một gạch vàng ngồi cuối bàn:

- “Đây là Thiếu úy Tiến, Thiếu úy Ấn, Thiếu úy Văn.”

Tôi gật đầu chào từng người. Hạm Trưởng lại nói:

- “Còn hai gạch là gì?”

- “Trung úy.”

Bằng lại giơ tay chỉ:

- “Xin giới thiệu Trung úy Thân, Trung úy Bạch, Trung úy Cang.”

- “Còn ba gạch?”

- “Đại úy!”

Hạm trưởng lắc đầu:

- “Cô sai từ cấp bậc “hai gạch”. Hãy nhìn cho kỹ cầu vai cấp Trung úy với cầu vai của Hạm Phó Bằng. Có gì khác biệt?”

Tôi nhìn qua nhìn lại hai lần mới khám phá ra hai gạch… có khác biệt. Hai gạch của cấp Trung úy không bằng nhau. Một gạch lớn và một gạch nhỏ chỉ bằng nửa. Còn hai gạch của Bằng thì lớn bằng nhau. Tôi nói:

- “Khác biệt là… không như nhau!”

- “Nghĩa là?”

- “Nghĩa là Trung úy và Đại úy.”

- “Thế ba gạch là cấp gì?”

Tôi nhìn cặp lon của ông, đáp nhanh:

- “Thiếu tá.”

- “Hãy nhìn kỹ, có gì lạ?”

- “Một gạch nhỏ nằm giữa hai gạch lớn”

- “Vậy ba gạch lớn bằng nhau là cấp gì?”

- “Trung tá chăng?”

- “Đúng! Hãy nhớ kỹ ba gạch bằng nhau là Trung tá, chớ có nhầm là Đại úy.

- “Cám ơn… Thiếu tá hướng dẫn.” Tôi ngượng ngùng nói.

- “Chưa hết! Còn bốn gạch là gì? Bốn gạch lớn như nhau, không có gạch nhỏ.”

Tôi nhẩm tính: bốn gạch có gạch nhỏ là Đại tá, bốn gạch bằng nhau hẳn là Đô đốc. Tôi đáp:

- “Đô đốc.”

Hạm trưởng cười:

- “Lộn xộn quá phải không? Đại Tá là bốn gạch lớn. Không có gạch nhỏ. Cô ghi nhận rồi chứ?”

Tôi gật đầu và cảm thấy vui vui từ nay sẽ phân biệt được một loại cấp bậc quá… lộn xộn! Hạm Trưởng lại lên tiếng:

- “Bây giờ là câu đố chót. Hãy nghĩ cho kỹ: Đố cô Phượng… gạch một đống là gì?”

Cấp bậc trên bốn gạch nhất định phải là cấp Đô đốc. Tôi nhanh nhẩu đáp:

- “Là Đô Đốc!”

- “Sai hoàn toàn! Gạch một đống là… một đống gạch!”

Tất cả cười rần. Tôi cũng đành cười theo. Lạ nhất là tên Mỹ cười lớn hơn ai hết! Hạm trưởng lại hỏi:

- “Sẵn dịp, cô có muốn biết luôn cấp bậc Hải Quân Hoa Kỳ?”

Lòng thì không muốn mà đành gật đầu. Hạm Trưởng nhìn tên Mỹ. Tôi cũng đăm đăm nhìn hắn. Chẳng lẽ hắn biết rành tiếng Việt? Tên Mỹ mỉm cười:

- “Tôi nói sơ sơ thôi!”

Hắn nói giọng Mỹ nhưng dễ nghe. Mà dùng được từ “sơ sơ” là đủ cho thấy… đế quốc có hạng rồi! Hắn tiếp:

- “Chúng tôi có ba loại cấp bậc khác nhau, tùy vào quân phục chọn mặc. Quân phục làm việc, quân phục tiểu lễ và đại lễ. Quân phục kaki vàng tôi đang mặc là loại làm việc. Như Hải Quân Việt Nam mặc quân phục xanh. Cấp bậc tôi đang đeo là đại úy.” 

Hắn chỉ vào hai bên cổ áo, mỗi nơi có đính mảnh thiếc bạc nhỏ kết hợp bằng hai vạch song song. Hắn tiếp:

- “Còn khi tôi mặc tiểu lễ, quân phục trắng thì đeo lon gần giống Hải Quân Việt Nam. Tôi không đủ chữ diễn tả từng thứ bậc các cấp cũng như cho bộ đại lễ. Nay mai tôi sẽ cho cô xem hình. OK?”

Tôi gật đầu đồng ý ngay. Hắn có nói thêm thì tôi cũng không nhớ hết. Mà ích lợi gì để biết và nhớ cấp bậc kẻ tử thù!

Hạm Trưởng vụt đứng lên. Tất cả chộn rộn đứng lên theo. Ông nói:

- “Nào! Đến lúc chúng ta… về Sài Gòn!”

Tất cả cười rộ, hân hoan rời bàn ăn. Hạm Trưởng đưa tờ Lệnh Chuyển Vận cho Thiếu úy Tiến bảo lưu hồ sơ quá giang rồi rời bước qua khung cửa. Tên Mỹ theo sau, miệng hát “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!” Tôi nói với Võ Bằng:

- “Xin lỗi, lâu nay gọi Trung úy.”

- “Ba cái lẻ tẻ!” Anh chàng đổi giọng thân mật, “Cô có thể chọn một: hoặc là vào buồng nghỉ ngơi, hoặc lên boong gửi nụ hôn từ biệt Quy Nhơn.

Gãi đúng chỗ ngứa! Hai anh em Hưng hứa là sẽ có mặt tiễn đưa khi tàu khởi hành. Chắc chắn là họ đang đứng đâu đó gần cầu tàu. Tôi tươi cười với Võ Bằng:

- Cám ơn Trung úy, ô, xin lỗi Đại úy. Quả là tôi đang rất muốn gửi nhiều nụ hôn từ biệt Quy Nhơn!

 (Còn tiếp)



Không có nhận xét nào: