Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

*** 

 

Xũ : quan tài

hàng xũ : tiệm bán quan tài

(Phố Lò Xũ : phố bán quan tài ở Hà Nội và Nam Định)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75

- Hì hì… đừng sợ, quả cam (10) này “điếc” rồi. Hôm nay cũng nhờ nó mà mấy thằng vện(11) giạt té ra quần đấy. Tụi em về sợi  (12) ngang ga Kép thì đàn “vận” với quỉ đỏ (13) ùa ra. Hơn hai chục thằng tiểu yêu này quỳ hàng ngang giữa đường vái giời… Nếu các anh không “zạt” thì ta chia nhau trái này. Mấy thằng “vận” lặn ngay, còn bọn “quỉ” thì chần chừ… Tầu với Pôn-Pốt lấy bớt một cẳng rồi, các anh giai có thích thì tụi em xin chiều nốt.


 


Nói xong em đập quả cam “điếc” này xuống đường… hì hì… đ.mẹ mấy thằng chỉ giỏi ăn cướp của dân, tụi em tràn vào trạm “nẫng” hết hơn tạ thuốc lá nó thu của mấy xe trước, chia nhau… 


10. Lựu đạn         

11. Công an             

12. Buôn lậu thuốc lá sợi Lạng Sơn

13. Quân cảnh     


(Thế Giang)



Chữ Tàu tiếng Việt 

Học trò hỏi:

- Thừa thầy, đàn bà góa chồng gọi là quả phụ. 

Đàn ông góa vợ gọi là gì thầy

Thầy đáp::

- Gọi là quan phu


Theo ông Thiếu Chửu:

Chữ “quan” viết bộ ngư.

Chữ “quan” viết bộ mộc là… áo quan.


(trích Quan phu – Khuyết danh)



Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại…


Con đỏ: con mới đẻ


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

Cuốn sách được đặt tiêu đề: Từ điển chính tả tiếng Việt, Ts Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lí chính tả” theo tài liệu, mà “xử lí” theo cảm tính chủ quan, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót. 


“siêu: siêu tán. → không viết: xiêu”. 


Viết “xiêu” mới đúng. Vì “xiêu” có nghĩa là trôi nổi, lưu lạc (như “hồn xiêu phách lạc, xiêu lạc, xiêu dạt, xiêu lưu


(Hòang Tuấn Công)



Đồng tiền hoẻn


Bài “Đồng tiền hoẻn” hay “Vịnh đồng tiền” có câu:

Mở mặt vuông tròn với thế gian

Kém cạnh cho nên mang tiếng hỏen


Có một số người cho là của cụ Tam Nguyên Yên Đổ,

có người lại cho là của bà Hồ Xuân Hương.



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“lãi: lãi xuất”. (Gs Nguyễn Văn Khang)


Viết chuẩn là “lãi suất” (do “lợi suất” 利 率 trong tiếng Hán). 

 “suất” 率 là yếu tố gốc Hán, có nghĩa tỉ lệ, mức


(Hòang Tuấn Công)



Cấu tạo câu đố
Ta tách biệt nó ra khỏi ca dao vì, ở cả hai phương diện kết cấu và nội dung đều khác ca dao. Tuy là câu đố, hình thức của nó cao hẳn hơn nhiều tục ngữ. Không nguyên phải chú ý đến tư tưởng mà còn phải chú trọng đến lời nữa. 

Cấu tạo theo cách này, câu đố cũng tương tự như tục ngữ, câu đặt cần chia ra hai đoạn, có hai chữ vần với nhau, ở đây cũng là vần yêu vận. 
- Vừa bằng cái nong, cả làng đong chẳng hết (cái giếng)
- Vừa bằng hột đỗ, ăn giỗ cả làng (con ruồi)


(Câu đố  - Thanh Lãng)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“sử: sử kiện → không viết: xử”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

Viết “xử” mới đúng (xử 處 là yếu tố gốc Hán có nghĩa là phân xử). Việt Nam từ điển (Lê Văn Đức):  “xử kiện Phân-xử một vụ kiện, định phần lỗi phải về ai và định tội-trạng: Quan ngồi xử kiện”.


(Hòang Tuấn Công)


(dữ kiện lịch sử : sử kiện?)



Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Sách báo miền Bắc

Các sách biên khảo tập thể khác cũng vậy, tuy công phu mà cũng có vài lỗi nặng, khiến tôi có cảm tưởng rằng h làm việc tập thể đấy, nhưng chẳng ai chịu trách nhiệm cả; ngay cả Hội Đồng Xét Duyệt cũng chưa chắc đã đọc lại tác phẩm.
Trái lại, một số công trình biên khảo cá nhân rất có giá trị, như bộ sử Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của Hà Văn Tấn, rồi tới bộ Lam Sơn khởi nghĩa của Phan Huy Lê… Xét chung, công việc khảo cứu về sử (sử dân tộc cũng như sử văn học) và công việc khảo cổ, khai quật để tìm di tích ở Bắc hơn hẳn trong Nam. 
Về Việt ngữ, ngoài đó cũng tốn công nghiên cứu nhưng kết quả không được bao nhiêu (trừ ngành chữ Nôm), không bằng kết quả vài cá nhân trong Nam như Lê Ngọc Trụ


Khi đã thống nhất, tôi viết một bài Góp ý về việc Thống nhất tiếng Việt đăng trên tờ Giải phóng chủ nhật. Đại ý tiếng Việt từ hồi nào tới giờ vẫn thống nhất, nay chỉ cần “qui định” một số tiếng thôi; công việc đó mới xét tưởng là dễ dàng nhưng thực ra cũng có khá nhiều vấn đề nan giải và tôi nêu ra một số vấn đề về thống nhất: 1. phát âm, 2. chính tả, 3. từ ngữ, 4. ngữ pháp. Vấn đề thống nhất tiếng Việt nêu lên rầm rộ ở khắp nước năm 1976 rồi lặng xuống. Năm 1978 có một hội nghị thống nhất chính tả ở Sài Gòn. 


Tôi không dự mà chỉ viết thư góp ý kiến, đại ý bảo “Gần hoàn toàn đồng ý với ban tổ chức về tiêu chuẩn hoá chính tả, chỉ xin nhắc lại chủ trương của tôi là giữ đúng cách viết tên người tên đất của nước ngoài như Napoléon, Marseille, London…; chỉ một số thuật ngữ khoa học là cần phiên âm.


(Hồi ký Nguyễn Hiến Lê)



Thuở mơ làm văn sĩ

Trở lại với hồi ức chiều hôm ấy, tôi gặp lại Tú Kếu Trần Đức Uyển. Chiều hôm Thứ Bảy đó khi tôi đang đạp xe đi lang thang trong thành phố quen thuộc. Vẫn dáng gầy cồm ốm yếu như thuở nào, vẫn cặp kính trắng dầy cộm luôn luôn trên mắt. Tôi gặp lại hầu hết những người bạn như tôi thuở đam mê văn nghệ. Một số khác đã có danh, cộng tác ở những tờ báo khác như Chu Tử, Hoàng Hải Thuỷ, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Lê Xuyên. Các anh viết cho tờ báo trong đó có tôi hợp tác, vì tình cảm chứ không vì tiền nhuận bút. những người làm việc cật lực để hoàn tất số báo là vợ chồng TDTừ, Nhã Ca, Tú Kếu và tôi.

Tờ tuần báo Ngàn Khơi nghèo nàn đến thảm hại. Toàn là do sự góp công góp sức của các anh em văn nghệ sĩ nghèo. Riêng tôi chưa dám xài danh từ ấy, dẫu là có mơ ước. Tú Kếu và tôi được nuôi cơm ngày hai bữa, buổi sáng có gói xôi đồng bạc, ly cà phê đen nhỏ, điếu thuốc. Nhưng chúng tôi làm việc từ A đến Z, không nề hà bất cứ một công việc gì. Tuy thiếu thốn, nhưng tôi lại có một thể trâu nước, nên anh em gọi tôi là thằng trâu nước, những công việc nào nặng nhọc quá tôi gánh thay cho Tú Kếu. Thuở đó in báo còn dùng kỹ thuât ti pô, chưa có vi tính như bây giờ nên cực vô cùng, mà tôi với những anh em đam mê. Làm thế nào cho có chữ nghĩa thì thôi. Tôi giao bài cho Tú Kếu đưa sắp chữ, tôi lăn ra ngủ trên những ram giấy in. Tiếng máy in chạy không làm rộn giấc ngủ của tôi, nói thật tình tôi coi cái âm thanh đó êm ái như tiếng ru của mẹ thuở ấu thơ. Lại mơ mộng rồi thăng hoa tầm bậy. Thực tế không phải như thế, vì thói quen bạ đâu ngủ đó thôi. 


Như chạy lên chạy xuống bộ thông tin, đi lấy bài vở anh em, có khi chở xe đạp theo Tú Kếu, để nâng cao uy tín lấy bài được chóng vánh, vì khi đó tôi chưa là gì cả, một anh loong toong, tuỳ phái, sai vặt... Đôi khi đi đường đánh lộn để bênh vực Tú Kếu vì hắn ta có tính láo ưa chửi bậy, cà khịa lung tung, bởi cái tính hắc xì xằng kiểu lý tưởng nhà quê. Phần phải về Tú Kếu đôi khi chỉ có 30%, nhưng không lẽ vì vậy mà bỏ bạn sao. Anh em vì vậy cũng gọi tôi là “nhà văn du đảng”. Cũng được, chẳng sao. Tú Kếu chỉ nặng hơn 30 ký lô, có phải chở đi từ đầu SG đến Gò Gấp nhà Đằng Giao để lấy hình vẽ đi làm cliché cũng chẳng nhằm nhò gì.

(Nguyễn Thụy Long)



Đừng tưởng 

Đừng tưởng cứ thích là yêu.. 

Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay

(Bùi Giáng)



Trần Tuấn Kiệt

Những tác phẩm của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt được nhắc đến nhiều như: Thơ Trần Tuấn kiệtCuồng loạn… và các trường ca: Ngôi đền cổ; Trường ca đất…

- Truyện dài: Một bộ gồm 4 tập Mê cung, Màu kỷ niệm, Sa mạc lan dần, Tiếng đồng nội.

- Biên khảo: Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (1880-1965)

Bàn về tác phẩm này, nhà văn Viên Linh cho biết, cuốn “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, 1880-1965,” dày tới 1160 trang, đóng bìa cứng in màu xanh da trời, to dày như một cuốn Tự Điển. Sách in xong năm 1967, không hiểu sao tôi còn giữ được đến nay, 2019, là hơn nửa thế kỷ.” (Người Việt 18/10/2019). 


Ngoài ra, còn có một tác phẩm khác là Tác Giả Tác Phẩm trước 1975 và sau 1975, tất cả dày hơn 5,000 trang gồm năm quyển, tự in còn dang dở.


.


Theo Vương Trùng Dương, Trần Tuấn Kiệt sống rất giản dị, ăn mặc xuềnh xoàng. Ông suốt đời lấy bạn và rượu làm niềm vui. Bùi Ngọc Tuấn, bạn ông, cho rằng, “Ông làm thơ rất nhanh, gặp tờ giấy nào cũng viết lên, viết xong bài thì bỏ vào một cái sọt tre lớn treo trên vách nhà. Thơ đã viết ra giấy là không sửa đổi gì nữa. Khi có báo hỏi xin bài, ông quơ tay vào trong sọt, lấy ra dăm bảy bài đưa cho họ.”  (Theo Người Việt 19/10/219).


Tài liệu về Trần Tuấn Kiệt tôi lấy từ nhiều bài viết khác nhau của Vương Trùng Dương, Thica.net, Ngô Nguyên Nghiễm, Viên Linh, Bùi Ngọc Tuấn… Cái tài liệu đưa ra nhiều chi tiết khá khác nhau.


(Tưởng nhớ những khuôn mặt văn chương – Trần Dõan Nho)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Con gà cục tác lá chanh
Mới cục vài tiếng đã thành…
gà quay



Sách cũ miền Nam 1954 -1975

Mai Thảo dù chỉ viết truyện thuần túy văn chương như Người thầy cũ, Mười đêm ngà ngọc, Căn nhà vùng nước mặn hay Bày thỏ ngày sinh nhật cũng vẫn bị coi là tên Biệt kích văn nghệ hàng đầu của miền Nam. Thanh Tâm Tuyền dù siêu thực hay lãng đãng bí hiểm như Tôi không còn cô độc, Bếp lửa, Cát lầy cũng là kẻ cấy mầm độc tư tưởng ngoại lai thoái hoá. Hủy diệt các niềm tin thì đã có Phạm Công Thiện. Duyên Anh có viết Dấu chân sỏi đá, Hoa thiên lý, Thằng Khoa, Gấu rừng, Giặc ô Kê cho trẻ con cũng vẫn là tên đầu sỏ văn nghệ nguy hiểm.


Người ta nhắm đánh vào người, nhắm thái độ lập trường chính trị để đánh giá tác phẩm của tác giả. Vì nhắm tác giả nên có nhiều nhà văn tự nhiên được sót tên một cách cố ý. Đó là những nhà văn một mặt nào đó có thể không chịu xếp hàng trong xã hội miền Nam cho dù thực sự họ cũng xếp hàng như mọi người. 


Có nghĩa là xét về mặt tác phẩm thì những nhà văn này cũng chẳng khác gì các nhà văn vừa kể ở trên. Có gì phân biệt được về phong cách viết giữa Bình Nguyên Lộc với Lê Xuyên hay với Võ Phiến. Nhưng Bình Nguyên Lộc được tha


Giữa Nguyễn Văn Trung và Lý Chánh Trung đôi khi ta tưởng hai người có cùng một lập trường, cùng một quan điểm và cùng một đường lối. Nhưng sách vở thì lại bị phân biệt đối xử khác nhau.

Trong số những người sót tên trong sổ đen phải kể đến Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vũ Hạnh (sic), Lý Chánh Trung, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Thích Nhất Hạnh.


Sự đánh phá và truy chụp đó nói cho cùng là một sự muốn xoá trắng Văn học miền Nam.

(Nguyễn Văn Lục)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Đàn bà nhiều tóc thì… sang
Đàn ông nhiều tóc thì… mang nặng đầu



Một nền văn học của những người vắng mặt

Các nhà văn xuất hiện thường xuyên trên nhật báo, qua các nhà xuất bản, nhất là trên các báo định kỳ, và thành từng nhóm. Lý lịch văn chương và sắc thái địa phương của họ rất tương đồng, tùy theo nhóm các tạp chí trên đó họ góp mặt. Đa số các nhà văn gốc miền Nam qui tụ trên các tờ tuần báo Đời Mới, Nhân Loại, và nhật báo như Tiếng Chuông, Sàigon Mới (Hồ Hữu Tường, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam...).


Các nhà văn gốc miền Trung trên tờ Văn Nghệ Mới, Bách Khoa (Võ Phiến, Vũ Hạnh, Bùi Giáng, Nguyễn Thị Hoàng).

Các nhà văn "di cư" xuất hiện trên các tờ Đất Đứng, Sáng Tạo, và trên các nhật báo như Tự Do, Ngôn Luận (Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nghiêm Xuân Hồng, Nguyễn Sỹ Tế, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền) hay Văn Nghệ (Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh), Hiện Đại (Nguyên Sa, Trần Dạ Từ). Tờ Chỉ Đạo, Phụng Sự, Tiền Tuyến qui tụ các nhà văn quân đội hay quân nhân đồng hóa (Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Nam, Phan Nhật Nam, Thảo Trường) 


Tại miền Nam, các nhà văn, các tư nhân có quyền ra báo, lập nhà xuất bản riêng, sáng tác tự do theo ý mình, viết theo niềm tin và tín ngưỡng của mình. Khuynh hướng Phật Giáo có các tờ Tư Tưởng, Vạn Hạnh với Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, khuynh hướng Thiên Chúa Giáo La mã có Hành Trình, Đối Diện với Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan. Mặc dù Cộng Sản bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, song nhà văn theo Cộng sản như Vũ Hạnh vẫn tạo được diễn đàn riêng (Tin Văn)


Những tờ như Văn, Phổ Thông, Văn Học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị biểu hiện rõ rệt, mà thuần túy văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ, Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Túy Hồng; những tờ về nghệ thuật trình diễn hay về phụ nữ qui tụ các nhà văn như Tùng Long, An Khê, Lê Xuyên, Nguyễn Thụy Long, Văn Quang ...


(Viên Linh)



Sông Sê Băng Hiêng (1) chi lưu của sông Sê Pôn

Chuyến đi rong ruổi của chúng tôi (Nguyễn Lân Bình và Vũ Thế Khôi) bằng ô tô, loại xe 45 chỗ ngồi vượt 2300 cây số. Lần này chúng tôi không chỉ đến Sê Pôn, một thị trấn nhỏ trên đường số 9 phía Trường Sơn Tây, một địa danh, một điểm mốc địa lý quan trọng cả từ thời chiến tranh Đông Dương. Anh Lân Bình còn đưa mọi người chúng tôi đi tới tận Viên Chăn, thủ đô Vương quốc Lào, rồi vượt sông Mê Kông sang cả thành phố Udon thuộc tỉnh Udonthani của Vương quốc Thái Lan. 


Con đường số 9 qua Nam Lào hôm nay, đã được trải nhựa phẳng lì, tựa như một dải lụa xám uốn lượn trên nền xanh mênh mông của núi rừng, điểm xuyết đôi ba cây phượng vĩ đỏ ối. Con đường đưa chúng tôi tới điểm đến tâm linh, chân cầu Sê Băng Hiêng, cây cầu bắc qua dòng sông Sê Băng Hiêng, chi lưu của sông Sê Pôn. 


Những tác phẩm của

Nguyễn Lân Bình viết về

ông nội Nguyễn Văn Vĩnh


Anh Bình đã tính toán lịch trình chính xác, để chúng tôi tới được điểm đến tâm linh đúng vào ngày 15 tháng 6, ngày sinh của Người Man di hiện đại –  Nguyễn Văn Vĩnh, để dâng nén nhang thành kính dưới chân cây cầu cũ, nơi mà “Ông Tổ nghề báo nước Nam” Tân Nam Tử đã cô đơn giã từ bể khổ, trên một con thuyền độc mộc, sau cái đêm ngày 1.5.1936 mưa gió.


(Vũ Thế Khôi)


(1) Nơi Nguyễn Văn Vĩnh mất gần Tchépone ở bên Lào.



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Má ơi đừng gả con xa.
Chim kêu vượn hú biết đâu mà lần.
Má ơi đừng gả con gần.
Con qua xúc gạo nhiều lần má la.


Chữ nghĩa làng văn

Hai mươi năm sau cái chết của Nguyễn Bính (20/1/1966), tác phẩm của nhà thơ này mới thoát khỏi cõi “im lặng đáng sợ” của sự quên lãng chẳng biết vô tình hay cố ý của những ai ai, trở lại được in ấn, đăng tải, bàn luận. Từ 1986, những sưu tập, tuyển tập thơ Nguyễn Bính liên tục được in ra, liên tục có mặt trên giá các quầy sách các hiệu sách. Tiếp đó cũng đã thấy xuất hiện nhiều cuốn sách nói về con người, cuộc đời, và đặc sắc sáng tạo của nhà thơ này. Khá nhiều đoạn đời Nguyễn Bính đã được phác họa, dù có khi chỉ thông qua những giai thoại. 


Tuy vậy, có một loạt sự việc về hoạt động của Nguyễn Bính những năm 1955-57, tức là khi Nguyễn Bính từ miền Nam về Bắc, sống và làm việc ở Hà Nội, làm báo Trăm Hoa, rồi sau chừng như là bị an trí, nghĩa là bị buộc phải về sống ở Nam Ðịnh, thì hầu như ít thấy ai nhắc đến. Những bài viết được gom vào các cuốn sách Nguyễn Bính, thi sĩ của yêu thương; Nguyễn Bính, đời và thơ; Thơ và giai thoại Nguyễn Bính; Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê, v.v... không nhắc gì đến sự việc này, những người được xem là cùng làm việc với Nguyễn Bính thời gian nói trên như Trần Lê Văn, Hoài Việt... nếu nhắc đến cũng chỉ bất đắc dĩ xác nhận “Nguyễn Bính làm báo Trăm Hoa”, thế thôi.


Có lẽ, Tô Hoài là người trong cuộc duy nhất tính đến nay có hé ra đôi dòng hồi ức về hoạt động nói trên của Nguyễn Bính. Rải rác trong hai cuốn Cát bụi chân ai (1992) và Chiều chiều (1999), người đọc có thể nhặt được đôi chi tiết về Nguyễn Bính thời làm báo Trăm Hoa, tất nhiên là được trình bày hoàn toàn theo cách nhìn của Tô Hoài, người kể chuyện.


(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Đàn ông năm bẩy lá gan.
Lá ở cùng vợ lá toan cùng người.
Đàn bà tám chín tiếng cười.
Tiếng nào tiếng nấy chết mười đàn ông.



Người viết và truyện ngắn


Một trong những đặc điểm lý thú và đáng lưu ý của tập sách này là, các tác giả, ngoài việc chọn lựa tác phẩm ưng ý nhất của mình đưa vào tuyển tập, còn trình bày quan niệm của mình về nghệ thuật viết truyện ngắn.

 

Bàn về động lực thúc đẩy, Thanh Nam cho rằng đối với những người mới viết văn thì truyện ngắn “là một cái bẫy hấp dẫn vì hình như đa số người viết văn đã chọn thể văn đó trong những bước đầu.” Mai Thảo cũng đồng ý với nhận định này, “truyện ngắn là những bước chân thứ nhất đi vào văn chương,” nhưng đồng thời nhấn mạnh “Mỗi truyện ngắn, như một đời người, phải tạo được cho nó một định mệnh riêng.” Nguyễn Quốc Trụ có một cái nhìn hơi khác: “Truyện ngắn là một bài toán nhỏ về bút pháp,” một thứ “exercice de style,” tập vào nghề văn. 

 

Với cái nhìn đó, dường như ba nhà văn này đều cho rằng, truyện ngắn là một thử nghiệm trước khi đi vào truyện dài. Thực ra, khá nhiều nhà văn đã viết hàng chục truyện ngắn rất thành công, nhưng lại chưa bao giờ viết truyện dài. Ở điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Đức Sơn khi ông cho rằng: “Nếu truyện dài là một cái gì hoàn tất thì truyện ngắn cũng phải là một cái gì hoàn tất dù nó có mở rộng nhiều chân trời xa xôi.”

 

So sánh giữa truyện ngắn và truyện dài, ngoài sự khác biệt mà ai cũng có thể nhận thấy ngay là: 

 truyện dài thì… dài và truyện ngắn thì… ngắn.

 

(Trần Doãn Nho)



183 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ


LTH: Có một dư luậnngoài kia tố cáo Trần Mạnh Hảo là công thần của chế độ, chống đối vờ vịt.

 

TMH: Tôi biết dư luận đó và mặc kệ nó, tôi chẳng hơi đâu mà cải chính. Đến như chị Dương Thu Hương chống cộng nhất nước kia mà một số vị hải ngoại còn cho là chống cộng cò mồi, huống là Trần Mạnh Hảo nhát hơn thỏ đế chẳng dám chống ai; việc họ đồn TMH "chống đối vờ vịt" có khi lại là chuyện hay cho tôi chăng? 

 Ngay cả các ông nhà văn chống cộng có sừng có mỏ bên hải ngoại, vẫn còn bị các ông nhà văn chống cộng khác chụp mũ là "cộng sản nằm vùng" cơ mà! 

Tôi chẳng chống báng ai cả, tôi chỉ nói lên sự thật. Tôi đâu có tham vọng làm chính trị, cũng chẳng thích tham gia phe này, phái nọ. Nghe một chữ phe= đảng là tôi đã hãi vãi… cả linh hồn ra rồi. Là người Việt Nam, tôi yêu nước mình bằng cách của mình, chẳng yêu nước hộ ai, dùm ai, yêu nước a dua, yêu nước có thưởng như phe này phái nọ. Có nhiều kẻ nhân danh đất nước để làm khổ đất nước, làm hại dân tộc nhiều lắm rồi! Tôi nhận thức rằng kẻ làm chính trị (cả hai bên), hầu hết đều là những người ưa xàm tấu, ưa vu vạ, vu cáo, ngậm máu phun người, lấy mục đích (ảo tưởng) biện minh cho hành động (ma giáo). Kẻ làm chính trị nói chung đều gian dối. Trần Mạnh Hảo tôi là cứ dị ứng với những "cò chính trị" luôn luôn nhìn con người bằng con mắt lừa lọc, phe trên phái dưới kia.

 

Các vị giáo sư đầu ngành khoa nhân văn quả tình có tội rất lớn với dân tộc Việt Nam, đã chính trị hoá toàn bộ khoa học nhân văn, góp phần dạy sai văn, dạy sai sử, dạy sai triết, dạy sai… cả đạo đức, luân lý cho phù hợp với tính đảng, tính giai cấp, là những thứ tính tiêu diệt hết tính khoa học của khoa học nhân văn…

 

Các vị giáo sư này còn có một tội lớn là bán bằng bán cấp để có nhà, có xe, có tài sản như hiện nay, khiến nhiều vị cán bộ cao cấp chưa hết trung học vẫn có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nền giáo dục xuống dốc tận cùng như hôm nay, lỗi tại cơ chế chính trị sai lạc đã đành, nhưng cũng lỗi bởi các vị giáo sư đầu ngành khoa học nhân văn này bảo hoàng hơn vua đấy. Mà "phe" của họ đông hơn kiến cỏ, còn Trần Mạnh Hảo trơ trụi có một mình. Lỡ đụng vào ổ kiến lửa thì phải chịu thôi.

 

(Trò chuyện với Trần Mạnh Hảo – Lê Thị Huệ)



Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Thiều Chửu


Ông tu theo Phật giáo, lấy hiệu là Thiều Chửu, có nghĩa là “cái chổi quét bụi,” thể hiện  tâm nguyện của mình là “cây chổi quét bụi ấy sẽ làm trong sáng qua ngòi bút cải cách của mình”. Ngoài ra, “hàng ngày phải lau quét bụi trần tham nhiễm, đừng để gương lòng vẩn đục bởi phiền não vô minh che lấp”. Ông là một cư sĩ, tu tại gia. Sau thời gian nghiên cứu Phật giáo, ông cho ra đời bản dịch Khóa hư lục, “bộ kinh cứu khổ cho đời” mà theo ông tác giả là vua Trần Nhân Tông, vị tổ Thiền phái Trúc Lâm.

 

Thiều Chửu để lại 93 tác phẩm viết và dịch. Ngoài bộ Hán Việt tự điển có giá trị vượt thời gian, ông còn dịch 14 bộ kinh căn bản của đạo Phật như Kinh Di Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Kim Cương Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Dược Sư, Di Giáo, Lục Tổ Đàn Kinh, Khóa Hư, v…v…. Sách dịch khác: Tây du ký

 

Nhà văn Nguyên Ngọc viết về Thiều Chửu: “Ngày nay nhìn lại, thật đáng kinh ngạc về tư tưởng sâu sắc và mạnh mẽ của ông. Đó là một tư tưởng xã hội có tầm cao rất đáng để chúng ta chiêm nghiệm… Tính thời sự vẫn còn nguyên”.



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Trèo lên cây bưởi hái hoa.
Bước xuống vườn cà phun thuốc trừ sâu.



Tố Như 

Nhận được tin Nguyễn Du mất, người cháu ruột nhưng gần xấp xỉ về tuổi, vì thế từng cũng là tri kỷ tâm giao của ông là Nguyễn Hành đang ở Bắc thành thảng thốt khóc, thảng thốt “đặt vấn đề”:

Thập cửu niên tiền Tố Như  tử
Nhất thế tài hoa kim dĩ hĩ!
Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn
Dịch lệ hà năng tốc công tử?..


(Mười chín năm về trước, Tố Như tử 
đã là bậc tài hoa nhất đời, nay thế là hết!
Phúc dày của nhà ta, chú là người khéo vun đắp trở lại
Dịch lệ sao có thể làm chết chú nhanh vậy?...)


Nguyễn Hành dường có ý nghi ngờ: chú ông chết nhanh vậy là tại sao? Câu trả lời ít nhiều đã nằm trong những dòng thông tin nhắc tới ở trên. Rõ là bệnh nặng, bệnh nguy hiểm mà không chịu uống thuốc, thì không chết nhanh mới là điều lạ. 


Nhưng ở xa, Nguyễn Hành đâu có biết rằng Nguyễn Du không chịu uống thuốc?


(Về cái chết của Nguyễn Du – Trần Ngọc Vượng)



Đù, đéo 

Trong văn học, nhiều trong văn chương nổi đóa văng tục

Thôi về tiên Phật cho xong kiếp

Đù ỏa trần gian sống mãi chi

(Phạm Thái)

 

Thô tục đúng chỗ có sức mạnh riêng, bất nhã mà đắc địa có tính đa năng của nó:

Đéo mẹ nhân tình đã biết rồi

Nhạt như nước ốc, bạc như vôi

(Nguyễn Công Trứ)

 

Ngòi bút có bản lĩnh không kiêng sợ từ ngữ thô tục bất nhã: 

Ba hồi chuông giục, đù cha kiếp

Một nhát gươm đưa, đéo mẹ đời

(Cao Bá Quát)

 

(Trần Văn Tích – báo Sài Gòn Nhỏ)



Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

Cao Bá Quát và Đào Mộng Nam


Đặc biệt Đào Mộng Nam, nhà nghiên cứu Đông Phương ở hải ngoại về làng Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội) thăm quê hương Phú Thị và giới thiệu công trình của ông đã dịch trên 1.400 bài thơ chữ Nho của Cao Bá Quát ra quốc ngữ. Ông phát hiện ra “thần lực” trong thơ Cao Bá Quát và từ khởi điểm này ông đang xây dựng một công trình văn hoá: “Nét đặc trưng văn hoá Việt Nam và khoa học hiện đại”. Ông đã đánh giá rất cao Cao Bá Quát.

 

Ông có đọc cho các bạn ông nghe bài thơ “Nguyên Tiêu Khóc Cao Bá Quát ” trong đó có 2 câu:

Vạn thuở văn chương còn chẳng nát
Muôn đời thần khí lẽ nào tan…

 

Thật sự là như thế. Giấy rồi sẽ ra bụi, mực rồi sẽ phai mờ, nhưng văn chương không thể hư nát. Và thần khí lẽ nào tan

 

Khi bạn đọc những dòng chữ naỳ, tang lễ của Giaó sư Đaò Mộng Nam đã hoàn tất. Nhưng hình ảnh nhà thơ họ Đào vẫn còn đi lại quanh đây với chúng ta, còn thật lâu…

Phải chăng hình ảnh Đào Mộng Nam thương khóc Cao Bá Quát cũng là một cái nhìn tiên tri về chính cuộc đời của nhà thơ Đào Mộng Nam – người cũng y hệt như họ Cao, “suốt đời chỉ cúi đầu chào hoa mai” như một dòng thơ cổ lưu lại của họ Cao.



Câu đối khóc mướn
Cả mấy thầy nho đi gặp một đám tang, chủ nhà mời dừng chân để xin câu đối. Không hề quen biết, cũng chưa rõ tình hình cụ thể thế nào, không ai nghĩ ra viết câu đối sao cho hợp. Một nho sĩ cùng đi trong đám ấy, xin giấy bút viết ngay:
Thấy xe thiện cổ xịch đưa ra, không thân thích lẽ đâu khóc mướn.
Tưởng sự bách niên đừng nghĩ lại, động can tràng nên phải thương caỵ

Các nhà khoa bảng ở đám tang hết sức phục đôi câu đối tài tình. Có người đoán ra ngay: - Cứ giọng văn lưu loát và tình cảm phóng khoáng này thì tác giả chắc chắn là Cao Bá Quát. Họ chèo kéo đám nho sĩ để hỏi han, thì quả nhiên đúng như vậy.

Một số truyền thuyết sai lầm về Cao Bá Quát

Cũng như nhiều danh nhân khác, Cao Bá Quát đã bị người đời gán ghép cho những chuyện xét ra phần lớn là ngụy tạo, ngay tiểu sử của ông cũng không minh bạch.


1- Cao Bá Quát sinh năm nào?

Cao Bá Quát là dân ngụ cư ở Thăng Long nhưng quê ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Kinh Bắc (Bắc Ninh), cách Hà Nội 17 cây số về phía đông.

Nhiều sách viết về Cao Bá Quát đánh dấu hỏi khi đề cập đến năm sinh của ông, có người phỏng đoán ông sinh năm 1800 nhưng không cho biết dựa vào đâu. Sở Cuồng, Lãng Nhân đều nói ông đỗ Cử nhân năm 14 tuổi. Ai cũng biết ông đỗ khoa 1831, vậy ông sinh năm 1831 - 14 = 1817 ?


Song nếu căn cứ vào bài "Thiên cư thuyết" (Câu chuyện dời nhà) của ông ta có thể tính ra được khá chính xác nhờ hai câu trong bài: "Mùa thu năm ngoái, sau khi chiếm được tên trên bảng, định dời nhà đi nơi khác..." và "Tuổi ta mới ngoài hai kỷ mà núi sông thành quách cũ đã thay đổi ba lần..." Cao Bá Quát "chiếm được tên trên vảng" năm 1831, vậy thì bài "Thiên cư..." đựợc viết vào năm sau tức là 1831+1 = 1832. 


Lúc ấy Cao Bá Quát "mới ngoài hai kỷ", mỗi kỷ là 12 năm, "ngoài hai kỷ" tức là 2 x 12 = ngoài 24 tuổi. Vậy thì Cao Bá Quát sinh vào khoảng :

1832 - 24 = 1808


Tôi nói "vào khoảng" vì hai chữ "mới ngoài" không cho biết đích xác là bao nhiêu năm, thứ nhất thời xưa tính theo âm lịch nên cuối năm âm có thể lấn sang đầu năm dương lịch. Dù sao thì năm sinh của Cao cũng không thể là 1800 hay 1817.

Hiện nay năm 1808 được coi là năm sinh của Cao, Hà Nội vừa làm lễ kỷ niệm 200 năm sinh của Cao Bá Quát (1808-2008).


(Nguyễn Thị Chân Quỳnh)



Tiến sĩ vinh quy

Đám rước tiến sĩ vinh quy bái tổ được tổ chức long trọng. Nơi thì: 
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy 
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường 
Tôi ra đón tận gốc bàng 
Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem 

(Nguyễn Bính, Thời trước)


Không hiểu vì sao vợ quan Nghè chỉ đứng đón chồng dưới gốc bàng đầu làng chứ không tham dự vào đám rước? 
Một đám rước khác vui vẻ, đằm thắm hơn: 
Nghi vệ dàn ở bên đường 
Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau 

 

Ông tiến sĩ cưỡi ngựa đi trước, bà vợ ngồi võng theo sau. Có mình có ta. 

Đám rước của Chu Thiên (Bút Nghiên) không có ngựa, chỉ dùng võng. Võng của thầy học đi trước, tiếp theo là võng cha, võng mẹ rồi mới đến Võng anh đi trước, võng nàng theo sau. 
Đám rước của Ngô Tất Tố (Lều Chõng) tuy cũng toàn dùng võng, nhưng lại được sắp xếp theo thứ tự: võng quan Nghè đi trước, rồi đến võng vợ quan Nghè, võng cố ông, võng cố bà. 

 

(Nguyễn Dư)



Thành ngữ tục ngữ

Nhăn như bà cốt uống thuốc

Bà cốt là người đàn bà làm nghề đồng bóng. Bọn đồng bóng lúc nào cũng tự nhận là con thần cháu thánh, có phù phép đuổi tà, trị bịnh... cho người khác. Đến khi chính mình bị bịnh thì chẳng thấy ông đồng bà cốt nào đuổi được tà, chữa được bịnh. Các ông, các bà cũng phải uống thuốc, mặt mày nhăn nhó như mọi người. 
Vạch mặt bọn kiếm ăn bằng lừa dối, bằng mê tín dị đoan.


(Nguyễn Dư)



Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa

Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ


Đường Phan Kế Bính có Hội Văn hoá Bình dân. Đường Mạc Đĩnh Chi với nhà hàng Trường Cang, Hội Việt Mỹ, và Ty Cảnh sát Quận 1, đường Trần Cao Vân, Phan Tôn, Phan Ngữ, đường Phùng Khắc Khoan với tư gia Đại Sứ Hoa Kỳ. Đường này cũng là một con đường đẹp, có nhiều lá me bay của Sài Gòn.

 

Cuối cùng trở về khu Tân Định. Xin chỉ ghi ra những con đường không bị đổi tên là: Nguyễn Văn Mai nối hai đầu đường Hai Bà Trưng và đường Huỳnh Tịnh Của. Một đường nữa là Đinh Công Tráng, với món bánh xèo nổi tiếng, trường Tân Thịnh, và tiệm chụp hình Duy Hy. Ngay góc Hai Bà Trưng và Đinh Công Tráng là tiệm thuốc Kính Tiên. Phía đối diện là trường Thiên Phước, nhà thờ Tân Định và cách nhà thờ Tân Định khoảng hơn mười thước là cà phê Thu Hương danh tiếng một thời.

 

Ngoài ra, cũng xin kể thêm đường Pasteur. Nơi đây có nhiều tiệm phở, có quán cà phê Hồng và có viện Pasteur, chiếm một chu vi rất rộng, có bốn con đường bao quanh, với những cây cổ thụ to đến nỗi năm, sáu người ôm vẫn không xuể. Ngay ngã ba Nguyễn Đình Chiểu và Pasteur, có một cái mả đá rất lớn được xây bằng đá ong đã bị giải tỏa, nhìn đối diện là ngõ hẻm vô trường Anh Văn Khải Minh.

Xin phép được dừng ở đây. Hy vọng các bạn đã tìm lại được một chút hương xưa của ngày tháng cũ năm nào… Một lần nữa Tân Định & Đa Kao mãi mãi trong tiềm thức của chúng ta..


(Trần Đình Phước)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Mới đây, lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách Khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như:


“nữ tướng” là “đàn bà làm tướng”

 

***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Vậy nhưng cái tính “ngoại ô láu cá” ấy của bác Tô Hoài chẳng phải do cách mạng hun đúc mà ngay từ hồi còn phong kiến đế quốc bác đã có nó rồi. Ngày nay đọc lại “Dế mèn phiêu lưu ký” mới thấy “anh Sen làng Nghĩa Đô” (tên thật của Tô Hoài) đã ranh ma từ độ ấy, mới giật mình, sao chú dế oắt “ngoại thành” này “khôn lỏi” thế? Lo toan cho cái thân mình thế? Mới nứt mắt chú đã: “Ngày nào cũng vậy, suốt buổi, tôi chui vào trong cùng hang, hì hục đào đất để khoét một cái ổ lớn làm thành cái giường ngủ sang trọng. Rồi cũng lo xa như các cụ già trong họ dế, tôi đào hang sâu sang hai ngả làm những con đường tắt, những cửa sau, những ngách thượng, phòng khi gặp việc nguy hiểm, có thể thoát thân ra lối khác được… Bởi ăn uống điều độ, làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm…” 


Từ thủa ấu thơ đã “phòng thân” kỹ lưỡng vậy trách gì khi trưởng thành chẳng rút ngay bài học “chui tọt” vào hang sau khi lớn giọng trêu chị Cốc “vặt lông cái Cốc cho tao, tao nấu tao nướng, tao xào tao ăn” để mặc thằng Dế Choắt bị chị Cốc “giận cá chém thớt” mổ cho đến chết, trong lúc đó Dế Mèn ta “lên giường nằm khểnh, vắt chân chữ ngũ”, thây kệ thằng Dế Choắt ăn đòn thay mình.


Sau này, trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, dù chàng Dế Mèn chẳng dám chọc tức đảng câu nào, nhưng cũng “tự đấm ngực nhận lỗi” trên báo Nhân Dân số ra ngày 12 tháng 3 năm 1958:
Tư tưởng xấu của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã tiếp tục len vào cơ quan của Hội nhà Văn, trên báo Văn, gây nhiều tác hại. Quan niệm mơ hồ của tôi, khách quan đã tạo điều kiện cho khuynh hướng tư tưởng nhóm ấy lợi dụng diễn đàn báo Văn và một số cơ quan khác của Hội Nhà Văn như nhà xuất bản, câu lạc bộ, đã gieo rắc quan điểm chính trị và nghệ thuật nguy hại. Sự yên tâm vô lý của tôi trước tình hình đó là do tôi đã hầu như không để ý rằng miền Nam còn nằm trong lưới đế quốc Mỹ. Bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ Diệm ngày đêm tìm mọi cách gieo rắc tư tưởng thù địch để phá hoại sự nghiệp xây dựng miền Bắc của chúng ta. Trong văn học hiện nay không thể quên mỗi tư tưởng đều hoặc có lợi cho ta hoặc có lợi cho địch“.


(Nhật Tuấn)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Chẳng bút nào tả xiết nỗi cay đắng của nhà văn, nhà thơ nạn nhân trong nhóm Nhân văn Giai Phẩm. Phùng Quán đi câu cá trộm. Hữu Loan chở đá rách vai. Nguyên Hồng trở lại Thái Nguyên với núi rừng bạc mầu. Riêng Nguyễn Hữu Đang bị đày lên trại Cổng Giời, ông là một trong 11 người sống sót của trại tù khắc nghiệt này. Được tha, về Thái Bình, sống ở căn lều trong chuồng lợn, ông phải chắt bóp từng bao thuốc lá để đổi những con cóc.


(Chân Diện Mục)



Chữ nghĩa làng văn

Văn Cao - 1

Ông “Nhạc sĩ Quốc ca” uống rượu nào là nhận ra vị của rượu ấy ngay một cách chính xác, chí lí, rồi khái quát chất vị rượu đó bằng lời gọn ghẽ với từ ngữ rất khác biệt.

Dân gian có câu: “Người tài, hay có tật”. Có người thích, có người cười về tật của những người có tật. Thật, khó hiểu và cũng dễ hiểu ý thích, hoặc không thích của người đời với tật của người đời, nhất là tật của những người nổi tiếng, như văn nghệ sĩ.

Người ta kể nhạc sĩ Văn Cao uống nhiều rượu và thẩm định rất chính xác. Ông thích và thường uống rượu ta, rượu “cuốc lủi”. Khi có rượu ngoại, ông để dành tiếp khách. Ông uống rượu theo kiểu nhâm nhi, từ từ, từ khi ngủ dậy đến tận quá trưa. Sau ngủ trưa, ông lại uống tiếp. Một ngày nhạc sĩ này dùng đến…1 lít rượu “cuốc lủi”!



Chữ nghĩa làng văn

Văn Cao - 2



Hầu như phố nào có rượu bán, ông đều mua uống. Bởi thế, ông biết vị rượu ở từng ấy. Một lần, vừa nhấp chén rượu, ông nói ngay: “Cái này ở chỗ cửa rạp Xiếc (phố Trần Nhân Tông), hơi “mỏng”, uống tạm được”. 


Lần khác, khi vừa nhấp một chút, ông nói luôn: “Cái này men Hà Đông, “gợn” nhưng mà lành”. Hôm khác, vừa uống một ngụm, nhạc sĩ nói nghiêm: “Còn một mẩu, mang từ chỗ cụ Xưởng, ở 127 phố Nguyễn Khuyến về đây. Êm nhưng mà chết!” Khi uống rượu “bà Béo” ở phố Bà Triệu, ông nói: “Rượu “bà Béo”dễ uống người !”. Khi uống rượu Tiên Điền, ở phố Nguyễn Du, ông bảo: “Rượu Tiên Điền nồng, dễ gây chuyện !” Lúc uống rượu Thuỷ Hử, cụ Cả Vạ bán, ở Ngô Sĩ Liên, ông kêu:“ Rượu Thuỷ Hử, nhạt dần theo năm cụ Cả Vạ qui tiên !” 


Có lần, cùng bạn văn vào Bình Định, quê rượu Bàu Đá nổi tiếng. Nhấp ngụm đầu, Văn Cao đã thốt lên: “ Rượu này dày thật!” 









Không có nhận xét nào: