Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Phở Biên Niên Cổ Sự - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

               Phở Biên Niên Cổ Sự


Tái chín nạm giò vè, tiêu ớt rau thơm giá trụng

Sách gầu gân mỡ sụn, tương chanh nước béo hành trần

      Bác giáo lõ mắt ra ý muốn hỏi câu mào đầu phở bò miền Nam ở trên của ai. Dạ, xin thưa hai câu đối ấy của Thầy khóa Tư Trần Lam Giang, cũng là hương sư như bác đấy. Chuyện là hồi nhỏ thủ vai trà đồng, thầy khóa hóng chuyện các cụ. Nghe được thân phụ là quan đốc học Hải Dương cám cảnh tuổi già hình thù kỳ cổ như thế này đây: trên thì móm mém nhai không vỡ, dưới lại chun choăn nhét chẳng vào.


      Ấy đấy, răng lợi bác và tôi nay cái mất cái còn, chỉ có phở không người lái, có dăm sợi bánh chun choăn là xong tuốt. Ăn ngay nói thật với bác: Tôi là người xơi phở từ thuở còn mặc quần thủng đít, lại được ăn phở Hói ở phố Bà Triệu. Mà đến tiệm phở ông Hói đừng hòng hỏi đến “nước béo hành chần”. Bỗng bác rọ mồm nói: tái trần, hành trần chứ chả phải là “chần”. Bác dậy sao tôi nghe vậy. Nghe thủng rồi, bác ngẫn ngẫn: ”Ông Hói là ai?”. Tôi đành nhờ vả môt mảng “văn phở” của cụ Nguyễn trong Tùy bút Phở, tên hàng phở có nề nếp của nó là tên người bán phở, như phở Lắp, phở Sứt, phở Hói. 

       Từ phở không người lái của cụ Nguyễn Tuân, vắt qua bát phở có thịt hao tốn chữ nghĩa không phải là ít. Bèn quay quả về thập niên 40 với truyện Anh hàng phở lấy vợ cô đầu. Chuyện cô ả đào về già than thân trách phận: “Đời hồi này như bát phở bánh chương lềnh bềnh, mỡ nguội đóng váng”. Trộm nghĩ món phở một mai cũng mỡ nguội đóng váng, vì vậy tôi rị mọ với bài tạp văn Phở biên niên cổ sự này.


       Dạ, xin thưa với bác, mạo muội viết về phở tôi phải nhập hồn nhập vía vào văn phở qua những nhà văn tiền chiến một thời…toả khói trong văn chương. Họ đã tiêu pha chữ nghĩa như Thạch Lam, cụ Nguyễn. Nhưng tôi…”mặn” với ông Vũ Bằng. Ông xa Hà Nội vài năm, ghé tiệm phở hai vợ chồng bạn làm chủ. Thấy vợ bạn đeo khăn tang. Bởi có máu lãng đãng trong người cùng “gái đọan tang, gà mái ghẹ”, ông Vũ Bằng… thở khẽ ra câu đối phở rất tình và cũng rất… phở:

 Nạc mà chi, mỡ mà chi

 Sao cứ ỡm ờ không tái giá

       Câu đối trên đeo tàu há mồm vào Nam sinh con đẻ cái ra câu đối khác giữa một bà hàng phở (phở 79?) cũng là gái góa và một ông khách tóc muối nhiều hơn tiêu…

 Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ  “chín” rồi, đừng nói với em câu “tái” giá

 Muối tiêu không đáng ngại, lão còn “gân” chán, thử nếm cùng lão miếng “gầu” dai

       Bác hành ngôn hành tỏi ông khách này khó thật: Đã… hết gân còn đòi người ta… tái giá. Dạ thưa bác: Ông khách đây là cụ Bùi Văn Bảo, tác giả vế đối gân với gầu dai trên.


       Nghe thủng rồi, bác tiếp ngòai gân với gầu còn phở nào chăng? Dạ, thế này đây: 

       “…Một hôm chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê trong căn phòng mịt mù khói thuốc của cà phê Nhân ở phố Cầu Gỗ vào mười hai giờ khuya, Nguyễn Tuân bỗng nhớ về những dị bản phở ông từng biết thời kháng chiến: phở vịt Bảo Hà, phở chó Cốc Lếu... “.  

       Gọi nó là phở thế chó nào được. Ông lầu bầu.

       Tôi (Vũ Thư Hiên) gật đầu: “Bác ăn phở cá chưa”. Ông sôi nổi hẳn lên: “Phở cá hử?”. Ông nhìn tôi, mắt nheo lại.  Tôi nói với Nguyễn Tuân bằng giọng đoan chắc rằng tôi không hề bịa. Vào những năm tôi còn là bé tí ở làng Mọc bên quê ngoại tôi, tôi đã biết một thứ phở như thế. Đêm đêm, trên những con đường làng tĩnh mịch thỉnh thoảng lại vẳng đến tiếng tắc tắc đều đều của gánh phở rong. Không rao… “phơ…ơ…” như phở đêm Hà Nội. Gánh phở cá lầm lũi đi trong bóng tối mịt mùng, vừa đi vừa phát ra tiếng gõ đều đều vào một mảnh tre đực già, với một chai đèn dầu lạc chập chờn như ma trơi. Gọi là gánh phở nhưng nó không giống gánh phở rong Hà Nội. Thay vào thùng nước phở gò bằng tôn là cái nồi đất lớn đã dùng qua vài đời người, đen xì và bóng nhẫy, không còn dấu vết đất nung, đặt trên một cái giá bốn chân. Bên kia là một cái giá khác chứa một cái tủ nhỏ đựng bát đũa, một cái thớt tí xíu, ấy là gánh phở.

       Tôi nghe chữ phở từ đó. Có người nói nó có xuất xứ từ chữ pot-au-feu, một món súp của Pháp. Nhưng cái tên phở cá tôi được nghe ờ một vùng quê bùn lầy nước đọng, nơi mùi pot-au-feu khó bay tới. Cái vị phở nhà quê của tôi, nó đã luồn sâu vào nỗi nhớ một vùng quê đất thịt của tôi để rồi nằm lại đó cho tới tận bây giờ. Đêm đêm, trên những con đường làng Mọc tối mù thỉnh thoảng lại vẳng đến tiếng gõ của gánh phở. Bà cô tôi nghe tiếng tắc tắc ban đêm, lại nhỏm dậy: "Có phải phở không đấy, cháu…”


       Thôi thì xin thưa với bác: Một là cụ Nguyễn Tuân nguyên quán ở làng Mọc, Hà Đông. Vậy mà cụ chả hay biết… phở cá. Hai là ông Vũ Thư Hiên không động đậy gì đến ngẫu sự… phở không ngon ăn, bởi: “Năm 1957, Tùy bút Phở được cụ Nguyễn viết trong tạp chí Nhân Văn. Cụ kể lại cảnh cụ và một số bạn bè ngồi bên hồ ở Helsinki, Thụy Điển, thèm nhớ bát phở quê hương. Vì bài báo này mà cụ đã bị đảng chỉnh huấn là có tư tưởng hủ hóa. Thêm… phở chuột, phở không người lái. Cụ phải hứa lột xác và phủ nhận tất cả các tác phẩm trước của mình”. (nguồn: Nguyễn Công Khanh)


       Nghe vào tai chui ra lỗ miệng, bác giáo lơ mơ lỗ mỗ chả Tây, Tàu gì sất. Vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, bác chả thấy ông Tàu nào đêm đêm gánh hàng về làng quê mình làm ăn để mà…ăn cám. Chuyện gốc gác của phở, cụ Tản Đà trong bài Đánh bạc viết năm 1915 có đọan: “…Đêm còn dài, thời đồng tiền trong tay, nhiều cũng chưa hẳn có, hết cũng chưa chắc không. Tất cả lúc đứng dậy ra về, còn gì mới là được. Có nhẽ đánh bạc không mong được, mà chỉ thức ăn nhục pho…”. Qua bài Đánh bạc viết năm 1915, tôi vụng cho là phở ra đời vào đầu thế kỷ XX, thưa bác. Nhè tôi đang láo ngáo phở với niên kỷ, niên đại, bác hú họa theo Dictionnaire Annamite-Chinois-Français của Gustave Hue (1937): pot-au-feu là cháo phở ” (trang 745) chứ chả phải là…phở.    

       Dào, bác dậy sao tôi chắc mẩm trong chuyện chữ nghĩa ta có thói dựa dẫm vào Tàu hay Tây. Thảng như ông Nguyễn Dư tình cờ xem được bộ tranh Oger của Tây vẽ ông Tàu gánh phở nên ông thích quá đến nổi da gà (sic) nên viết bài về phở:

“…Theo tôi, tranh vẽ thùng nước dùng có tên “hàng nhục phấn” có từ năm 1943, trong văn học, tên phở được mọi người dùng. Tấm khác vẽ một hàng quà. Ai đã ở Hà Nội trước 1954, chắc đều nhận ra dễ dàng đây là hàng phở gánh. 

Tranh vẽ một bên là thùng nước dùng lúc nào cũng sôi sùng sục, bên kia xếp những đồ cần thiết như con dao thái thịt to bản, lọ nước mắm hình dáng đặc biệt, cái xóc bánh phở bằng tre đan treo bên thành, cái liễn đựng hành, mùi. Tầng dưới là chỗ rửa bát, bên cạnh có cái giỏ đựng đũa. Con dao to bản và cái xóc bánh cho ta biết đây là một gánh phở, có thể nói rõ hơn là phở chín”.


       Từ ngưu nhục phấn, cố nhà báo Lê Thiệp, một “chuyên gia” về phở (phở 75 ở D.C.) qua bài luận về phở, nhà báo hỏi một đầu bếp người Việt gốc Hoa chuyện… khó nhai ấy. Ông hỏa đầu quân này ngẫn ngẫn mà rằng: bên Tàu trâu bò cần thiết cho việc đồng áng, trâu bò chỉ được hạ thịt khi… về quê, tức về với đất.

       Về với đất quê, bác dón chuyện món “xáo trâu” gồm: thịt trâu thái mỏng, hành ta (tím), rau răm cắt dài một đốt ngón tay, khế chua cắt ngang. Sau đó họ xáo (xào) thịt trong chảo với tỏi, mỡ, rồi đổ ra bát, tiếp họ chế nước vào, để lửa liu riu. Khi ăn, người quê bác lấy bún cho vào bát, chan nước xáo thịt vào món xáo trâu quê mùa. 

             

       ***
      Cũng đã đến ngọ rồi, để tôi đưa bác tới hàng phở xe bên hè phố gặp hồn ma bóng quế hai cụ… thần phở qua “văn phở” của ai đấy…

      “…Ông hàng phở Nam Định nhận ra người muôn năm cũ, mang ra bàn một đĩa ớt mỏng, vài miếng chanh cốm xanh non. Đáp lại cái nhìn mời hàng, cụ Vũ gọi một bát tái, ít bánh, nước trong và chẳng thể thiếu đĩa hành giấm. Còn cụ Nguyễn, chẳng cần phải hỏi, bao giờ cụ cũng kỳ cổ với phở chín. Như một nghệ nhân với nghệ thuật vị nhân sinh, ông hàng phở thoăn thoắt lật đi lật lại tảng thịt chín trên cái thớt gỗ đã đóng mủn và nhanh tay thái từng miếng dầy bản. Ấy là cụ Nguyễn nhân sinh quý thích chí vậy.

       Riêng với cụ Vũ, ông hàng phở lấy dao phay miết mảng thịt sống trên mặt thớt cho nó mỏng. Tiếp, ông dùng sống lưng dao bằm nhiều lần trên mảng thịt đó mà phở hôm nay gọi là phở thịt bằm. Sau khi ông nhúng bánh phở vào thùng nước sôi nghi ngút khói, dùng cái vợt hứng rũ những sợi bánh phở cho ráo nước. Ông bốc thịt vào bát, thuận tay ông nhúm bó hành củ, đọt trắng tươi treo lủng lẳng ở thanh song bắc ngang thành xe. Ông hàng phở rút ra hai củ hành đập dập trải trên bát phở. Bát phở được bưng ra, hai cụ chỉ thấy hành hoa thái nhỏ và hai củ hành nổi trên mặt nước. Không nhìn thấy thịt và bánh đâu cả. Xong hai bát phở như hoàn tất một tác phẩm nghệ thuật… phở. Ông hàng phở lừng khừng quơ hai đôi đũa trong cái giỏ tre treo ở cái cột xe, trong ấy lỏng chỏng những cái thìa nhôm nhếch nhác, đã lên nước như… món đồ cổ.


       Phở cho hai cụ bày ra bát chiết yêu, miệng trên loe rộng, nhưng phần dưới thắt lại. Nên nhớ, bánh phở phải cách miệng bát ít nhất là hai phân. Người Hà Nội xưa cũ vốn thanh cảnh, không ai muốn một tô phở đầy phè đến miệng bát. Với bát phở như vậy, tặc một cái là xong, ba lùa đến bốn lùa là nhẵn thín. Bát phở bốc khói nghi ngút, hít, nhìn, ghi nhớ, và ăn, ăn mà tưởng như chưa ăn, như ăn một giấc mơ hoa. Mà như hoa thật, cụ Vũ tẩn mẩn ngắm bát phở ra dáng như ngắm một bức tranh thủy mạc, bên trong vành sứ lấp ló một tí trắng nõn của bánh, xanh đậm của hành ta, trắng ngần của hai củ hành đập dập, vài cọng rau mùi, húng làng Láng vênh lên như những nét vẽ màu đậm nét quệt hơi quá tay, điểm một tí đỏ của ớt xắt mỏng như những nét chấm phá. Cụ nhẩn nha từng miếng thịt tái ngọt lịm, từng lát gầu mầu trắng đục, những vân vàng nhạt chạy vòng vèo trông đẹp ra phết. Mà gầu luộc đúng mức thì mỡ tiết ra gần hết, trong suốt dẻo quẹo. Khách nhai một miếng như dính vào hết kẽ răng, cái ngầy ngậy giòn giòn của miếng gầu, nhưng cái  vị béo thơm còn nguyên của một con bò đang sung sức.


        Cụ Nguyễn khẽ cúi đầu xuống hít nhẹ, cái hơi khói lởn vởn nhẹ nhàng chui vào lục phủ ngũ tạng. Khó mà tả nổi cái hương thơm lạ lùng của phở, phảng phất như hoa chanh, hoa bưởi, không có gì nổi bật lên mà trộn lẫn hài hòa giữa rau mùi, gừng, hành. Như người điểm nhãn, ông mầy mò rắc chút muối tiêu, lấy cái thìa nhôm, từ từ trang trọng gạn chút nước dùng trong veo và nếm… Tiếp, cụ dùng đũa lắc nhẹ những cọng bánh phở lơi ra với những thứ khác, bánh phở trong cái bát chiết yêu bé con con ấy. Bánh phở được thái bằng tay, dẻo mà không dai, thoang thỏang mùi thơm của hương gạo. Nó làm bật lên cái thơm tho đậm đà quyến rũ của những lát thịt chín thái dầy to bản. Màu nâu sẫm của lát thịt chín, khác với bát phở của cụ Vũ, nổi bật lên trong bánh phở. Cái nõn nà của củ hành trần, hành hoa, át hẳn những lát ớt đang dấu mặt ẩn nấp. Cụ cúi đầu xuống bát phở, kính cẩn và trang nghiêm như người hành lễ, như một thiền sư đi tìm chân như trong đạo giáo vô thường của… đạo phở.


       Trong khi cụ Nguyễn, cụ Vũ đang đắm chìm trong hương khói nhang đèn của bát phở, hai cụ không để ý đến một người khách xuất hiện. Thọat nhìn, có thể biết ngay là người ăn xin. Người này dừng lại bên hàng phở xe và giữ một khỏang cách không quá xa, nhưng cũng không quá gần để làm phiền lòng hai cụ. Khi nhận ra khách lạ, đang lúc cao hứng, cụ Nguyễn vui vẻ gọi ông hàng phở: “Hỏi ông ta ăn gì, bác làm cho ông ta một bát”. Ông hàng phở chưa kịp gọ gạy, người ăn xin đã chắp tay: “Dạ thưa cám ơn cụ. Thưa con đủ rồi ạ”. Nhòm bát phở, người ăn xin tiếp: “Đứng ngược gió mà ngửi thấy mùi phở, ấy là phở trứ danh đấy thưa cụ”. Vừa nghe giọng nói, cụ Nguyễn giật nẩy mình xúyt đánh rơi đôi đũa. Cụ nhận ra giọng nói quen quen, như thể ông ăn mày khi xưa nghiện trà và nghèo vì trà. Cụ Vũ thật thà hỏi: “Đã ăn lúc nào mà đủ, mà đứng ngược gió ngửi được mùi thơm thì ông quả là…” Người ăn xin đáp: “Dạ thưa cụ nói hơi quá..” và tiếp: “Dạ thưa con nói khí không phải, xin cụ xá tội cho. Như xưa kia cụ là thần phở, nhưng…” Cụ Nguyễn vừa xong bữa, cầm đũa quẹt ngang miệng chùi miệng và gắt nho nhỏ: “Cái nhà anh này hay chửa, cứ nói đi, có chết thằng Tây đen nào đâu”.


        Người ăn xin chậm rãi: “Như con đã thưa với cụ vừa rồi, trên đời không ai hiểu phở bằng cụ. Đó là cái mùi gây bò, cái mùi nồng nồng và gây gây một chút như điểm sương của xá xùng. Thưa cụ, phở mà không có xá xùng, không thảo quả thì có khác gì canh thịt trâu của Tàu. Dạ, có phải thế không ạ. Có anh hàng phở dối khách dùng mực nướng thay cho xá xùng, chỉ lừa được kẻ thực bất tri kỳ vị. Lại có anh dùng su su để tăng thêm độ ngọt, thưa cũng chỉ qua mặt được người trần mắt thịt ăn cốt lấy no”. Người ăn xin bòn mót: “Đến chuyện chữ phở, cụ cho biết có người nói chữ ấy từ ngưu nhục phấn mà ra. Hóa ra phở có nguồn gốc Tàu hay sao? Hòan tòan không phải thế, thưa cụ! Tỉ như cái củ gừng nướng kia. Xin thưa, nó khẳng định phở dứt khóat là của Ta đấy ạ”. Người ăn xin ngập ngừng: “Ấy thưa hai cụ, nước dùng của hai cụ bữa nay, kém một tí xá xùng, lại thêm cái củ gừng nướng hơi bị non”. 

       Chắp tay xá môt cái, người ăn xin khua gậy đi về phía cuối phố. 


       Dậu đổ bìm leo, khi không bác mọc ra chuyện cứ nhìn bó hành củ, đọt trắng tươi treo lủ khủ trước mặt ông hàng phở là biết ngay phở Hà Nội, gốc Nam Định. Rồi bác hỏi kỳ nhân về phở như người ăn xin có nhiều không. Theo tôi bậc sư về phở là những nhà văn vì những bài văn phở cứ ối ra cả đấy. Phở núp bóng nhà văn đã khật khưỡng đi vào văn học sử. Trong đó có Vũ Bằng ví von phở như nàng con gái thanh tân. Bởi thế trên con đường tình ta đi, phở cũng đã len lút đi vào ngõ ngách văn học dân gian: ra đường thấy vợ nhà người, về nhà thấy cái nợ đời nhà ta. Từ đó nẩy sinh ra tạng người “chán cơm nguội thì ăn… phở  với sáng đèo cơm đi ăn phở, trưa hăm hở rước phở đi ăn cơm, chiều cơm về nhà cơm, phở về nhà phở, tối nằm với cơm, nghe thơm mùi phở.  


        Chán bác thật! Bác đúng là “cơm nhà quà vợ” vì cái đáng hỏi thì không hỏi. Thảng như “Phở liệt truyện” với nhân vật, với cổ sự phở Nam Định có từ đời thuở nào? 

        Theo cụ Cổ Cừ, năm 1928 ở Phố Mới chỉ có một hàng phở thành Nam. Bây giờ Hà Thành tràn ngập phở gia truyền Nam Định ở mọi ngõ ngách, Hàng Thiếc có Cổ Cừ, Hàng Đồng có Cổ Chát, Lương Ngọc Quyến có Cổ Bình, Trương Định có Cổ Trình, Khâm Thiên có Cổ Chiêu, ngõ Tạm Thương có Cổ Hùng. Vì khi nhà máy dệt Cotonkin Nam Định được dựng lên năm 1890, những gánh phở rong biến thái từ gánh canh bánh đa cua từ làng Vân Cù phục vụ cho công nhân dệt thời đó. 

 

       Bởi thế, tôi đồ là phở có khỏang năm 1890 là năm có nhà máy dệt Nam Định.

       Vì vậy tôi bám như cua cắp theo cụ Cổ Cừ làng Vân Cù bán phở từ năm 12 tuổi, cụ bán phở gánh,… gánh lên Hà Nội mở hiệu phở cũng cả bốn, năm đời. Cụ kể lể làng Vân Cù ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là chính gốc của họ Cù, nhưng vì kỵ húy với ông thành hòang nên phải đổi từ Cù qua Cổ. Cụ vun chuyện từ ông Cổ Hữu Vặng, vì làng đất chật người đông, nên cụ Vặng là người đầu tiên mang theo cái nghề dao thớt, kẽo kẹt gánh “phở” lên Hà Thành năm 1910. Gánh phở được xếp gọn ở hai đầu gánh là hai thùng bằng gỗ ken, mỗi đầu là một cái chạn cao gần đến thắt lưng. Bên này là nồi nước dùng luôn sôi sục, bên kia đựng bát, đũa, thìa, thịt thà xé sẵn, bánh phở, cùng hành chẻ, rau thơm. Từ phở gánh sang phở xe lâu năm một thời âm thầm trở thành những tiệm phở khang trang. Có thể nói tiệm phở Nam Định đầu tiên ở Hà Nội nằm tại phố Hàng Quạt, ngồi trên phản gỗ trải chiếu rồi qua phố Hàng Đồng mới có bàn, có ghế. Sau lan qua phố Cầu Gỗ, Cầu Giấy, như cụ Cổ Chiêm, ngòai 80 tuổi, người từng bán phở ở phố Hàng Trống từ năm 1942, cụ Cổ Viên từ năm 1954, nay 72 tuổi.


       Qua cách nói chuyện của cụ Cổ Cừ, một là cụ không màng đến cái tên “phở Nam Định”. Cái tên có mặt ở Hà Thành rồi lẳng lặng biến mất, thực khách ngồi ăn phở cứ ngỡ ăn… “phở Hà Nội”. Ngay như cụ Cổ Cừ chẳng hề hay biết phở Dậu nằm trong ngõ đường Công Lý xuất xứ từ Nam Định. Bà Dậu cho biết Nam Định là nơi có nhiều người làm nghề nấu phở sớm nhất ở miền Bắc. Bà là người Nam Định di cư vào Sài Gòn, năm 1958. Bà cũng là người phát sinh ra… ”phở cơm nguội”. (nguồn: Nguyễn Thụy Long)

       Hai là… là người mấy đời uống nước máy Hà Nội, cởi mở nhưng chừng mực, cụ… “cù không cười”… cười mà rằng:     

       “Bây giờ ai chẳng biết qua cầu Đò Quan, rẽ phải 14 cây số là đến làng Giao Cù, Tây Lạc, sát với làng Nghĩa Hưng, Ninh Cơ cùng họ Cồ, họ Vũ. Tất cả bốn làng, hai họ chuyên làm bánh phở, có thể nói nơi đây là cái nôi của nghề làm bánh phở”. 

       Cụ phân bua, không có lửa sao có khói, phở có từ đời tám kiếp nào rồi! Chả ai chịu tìm tòi gì cả. Hỏi về “ngưu nhục phấn”, cụ cho hay: 

        “Theo các cụ ta kể, phở không phải xuất sứ từ người Tàu. Nó từ các gánh quà bán bánh đa cua, dần dần là thịt bò để thành phở”.

        Như để khẳng định điều đó, cụ bày hàng thêm:

        “Các ông có thấy Hà Nội từ xưa đến nay, có hàng phở nào của người Trung Quốc không? Cũng có đấy, có một tiệm tên Nghi Xuân ở phố Mã Vũ nhưng là… phở áp chảo”. Phở du nhập từ Trung Quốc? Tại sao giờ này họ không có món phở?”


       Với phở Tàu, một nữ nhân theo học văn học Pháp dấm dẳn: “Một thời kỳ ngớ ngẩn theo Tàu vẫn chưa đủ sao?” Bà ở Paris, nên quại người Hà Nội dịch phở là… Soupe chinoise, là… mất gốc. Bởi nhiều người với tâm thức 100 năm đô hộ giặc Tây, 1000 năm đô giặc Tàu nên vọng ngoại thâm căn cố đế… Nhưng họ không hay báo Trung Văn viết về phở Ta tựa đề “Việt Nam phấn” cho thấy họ công nhận “phở” là món ăn Việt Nam. Họ chú thích hình ảnh bát phở là… ”Việt Nam ngưu nhục phấn”.

       Nhẽ này trong Chuyện cũ Hà Nội II, ông Tô Hòai đã đụng bát đụng đũa: 

       ”Năm 2014 tôi đến thành phố Quảng Châu, vào hàng gọi ăn bát phở, thấy nó là bát canh bánh chứ không phải phở.” Vô tình ông Dế mèn phiêu lưu ký ngược dòng… sử phở với... canh bánh, chỉ khác một chút với cụ Cổ Cừ là... canh bánh đa cua.


       Bác gà gưỡng còn phở Sài Gòn thi sao. Dạ thưa đây:

       Qua câu vè cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng khi về bủng beo tôi góp nhóp được: Năm 1930 có ông Bắc kỳ vào Nam làm phu cạo mủ cao su đồn điền Phú Riềng. Ông Bắc kỳ nấu phở cóc nhái cho phu phen ngồi xổm như cóc nhảy xơi. Năm 1933, phu cạo mủ cao su đình công. Ông chất đồ nghề lên xe ba gác cọc cạch về chợ Lái Thiêu bán phở. Lái Thiêu thuở xa xưa ấy bé bằng lỗ mũi, hẳn là không khá nên ông đẩy xe phở lóc cóc theo hương lộ về Sài Gòn.

       Nhà văn “Nam bộ dân tộc học” Sơn Nam cũng thừa nhận qua Địa chí sông Bé: “Nghề nấu phở bò phát sinh từ Lái Thiêu”. Tiếp, tôi vồ được ông Phạm Công Luận với Chuyện đời của phố III, trích dịch từ tác giả người Pháp tên E. Berges viết đường phố Sài Gòn năm 1934: “Trong hẻm đường Pellerin (Pasteur) vỉa hè lát gạch đỏ là dãy nhà của người Tonkin vào Nam sớm. Ở đây có dăm gánh hàng đun lửa bốc khói nực mùi Tonkin, như bún ốc, thịt chả nướng, xe phở”. Tôi thưa với bác giáo, “xe phở” là… cái chấm hết của bài tạp văn Phở biên niên cổ sự này. Nhưng vẫn chưa xong…


       Bỗng bác bảo khi nào hết chữ, hãy mang đoạn văn dưới đây vào bài viết. 

       “…Thi sĩ Đông Hồ sinh quán ở Hà Tiên thì phở là quốc hồn quốc túy. Ở Sài Gòn, từ quán sách Yiễm Yiễm thư trang, mỗi lần đi ăn phở, ông và vợ (nữ thi sĩ Mộng Tuyết) sắm sửa rất cẩn thận. Ông vận áo the, quần lĩnh và khăn đống, đánh xe hơi đi, không quên một cái tráp. Đến tiệm phở quen, ngồi một góc khuất, mở tráp lấy ra hai cái tô nhỏ, hai đôi đũa và hai cái thìa. Nhờ nhà hàng tráng nước sôi sạch sẽ. Khi phở mang ra, hai ông bà cũng thêm dấm, thêm tương.

        Và. Hai ông bà lặng lẽ ăn...”

        (nguồn: Cư sĩ Minh Đạt)

       

       ***

       Ừ thì tôi cứ đồng bái quê mùa với cây có gốc, người có cội…tên phở từ đâu mà có. Nói cho ngay, tôi cũng bí ngô bí khoai như cái tên tự trên giời rớt xuống… “phở cơm”. Nghĩ cho cùng, các cụ ta xưa vì rối chữ nên gọi một chữ… ”phở” cho đỡ rối rắm ấy thôi… Thôi thì là kẻ hậu bối, bác và tôi liệu cơm gắp mắm, cứ tương Bắc tương bần qua tên phở các cụ đặt sao mình gọi vậy cho êm ả. Tôn ý bác sao, thưa bác. 


                                                        Trúc gia trang

                                                        Đinh Hợi 2007

                                 Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                 (thêm bớt 2011, 2018, 2022)










Không có nhận xét nào: