Em Đi Rồi
Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023
Em Đi Rồi - An Hoàng
TRĂM HOA VẠN SẮC (Thái Huy) & Thơ Họa
TRĂM HOA VẠN SẮC
Vạn sắc trăm hoa thật tuyệt vời
Nhìn kìa- trước nắng rực màu tươi!
Bậu như hàm tiếu trong cung cấm
Em thể mẫu đơn giữa đất trời
Tạo hóa dựng nên cho thưởng ngọan
Con người chăm sóc để vui chơi
Quả là hảo phẩm trên dương thế
Vạn sắc trăm hoa thật tuyệt vời.
Thái Huy
Mar/09/23
Thơ Họa:
HOA XUÂN TRĂM SẮC
Trăm bông khoe sắc điểm tô vời
Nắng ẩm bình yên rực thắm tươi
Hoàng cúc như em vàng Ngự Uyển
Mẫu đơn tựa mẹ trắng mây trời
Tuổi đời thưởng ngoạn hoa tiêu khiển
Niên trưởng giải khuây bước dạo chơi
Hưu dưỡng nơi đây vườn bách thảo
Trăm bông khoe sắc điểm tô vời
Mai Xuân Thanh
March 11, 2023
HOA XUÂN
Nụ lấn, hoa chen, trổ vợi vời,
Trăm hồng nghìn tía vội khoe tươi,
Mận đào e ấp trong sương sớm
Mai cúc lung linh dưới nắng trời
Vui vẻ bầy chim đua nhảy nhót,
Tưng bừng lũ bướm lượn đùa chơi
Xuân về thắm điểm nơi trần thế,
Nụ lấn hoa chen, trổ vợi vời.
Thanh Hoà
11/03/2023
HOA XUÂN TRĂM SẮC
Mầu phô trăm sắc gió xuân mời,
Mát mẻ vườn hoa đẹp nắng tươi.
Mai cúc đào vương tình trúc liễu,
Mẫu đơn hồn đượm áng mây trời.
Muôn ong ngàn bướm bay tìm mật,
Mấy cụm bông lài thoang thoảng hơi.
Mộng thấm lòng quê bao nỗi nhớ…
Mang đời xa xứ não lòng chơi !
Liêu Xuyên
NHÌN HOA NHỚ SẮC
( Nhớ câu: Nhân diện đào hoa tương ánh hồng )
( của cổ nhân Thôi Hộ )
Sơn trang thủa đó thật cao vời
Xuân thắm hay là nắng sáng tươi
Chỉ biết ngày qua mây thả khói
Mới hay buổi trước gió than trời
Nhìn hoa nhớ sắc vương tình mộng
Ngó nước sầu non bỏ cuộc chơi
Có khách lưu vong chờ bóng nhạn
Hồi âm thơ lạc chốn xa vời...
Rancho Palos Verdes 11 - 3 - 2023
CAO MỴ NHÂN
HƯỞNG LẠC TRẦN AI
Lớn nhỏ cây khoe sắc dặm vời
Nhà ai vườn thắm điểm xanh tươi.
Ngàn hoa vàng đỏ... vương trang cảnh,
Duyên phận thâm sâu kết đoá trời
Tạo hoá khéo tô thời vận chuyển,
Người đời ngắm thưởng trí mê chơi.
Nguồn vui nhàn rỗi an tâm não,
Lớn nhỏ cây khoe sắc dặm vời.
Song Linh
12-03-2023
TRÔNG VỜI QUÊ CŨ
Bao năm ta dõi mắt trông vời
Nhìn hướng mặt trời mọc đỏ tươi
Thôn mẹ, đồng xanh ngời ánh nắng
Làng cha, cò trắng rợp khung trời
Dòng sông uốn lượn, thuyền qua lại
Cầu ván dập dềnh, trẻ giỡn chơi
Hình ảnh quê xưa còn mãi đậm
Tâm tư khắc khoải ngóng trông vời.
Sông Thu
( 12/03/2023 )
TRĂM HOA ĐUA NỞ
Hoa cỏ diễm dà điểm sắc vời...
Ánh Dương ló dạng ững hồng tươi.
Cúc Mai Hồng Huệ đua nhau nở,
Hoa Sứ Mẫu Đơn đón ánh trời...
Năm sắc mây trời trông đẹp quá,
Hoa xinh Ong Bướm lượn bay chơi...
Phong quang rực rỡ màu hoa thắm,
Tô điễm vườn hoa thật đẹp vời...
Mỹ Nga
12/03/2023 - ÂL. 22/02/Quý Mão
DẢI LỤA TƠ
Dải lụa tơ giăng mắc tuyệt vời
Mưa về cỏ lá lại thêm tươi
Gió lay hờ, ngại kinh giấc điệp
Mây lượn nhẹ, mong đẹp dáng trời
Đất mẹ đắp xây bao điểm hẹn
Thiên nhiên ưu đãi những vườn chơi
Khắp nơi huyền ảo lung linh sắc
Dải lụa tơ giăng mắc tuyệt vời !
PHƯỢNG HỒNG
VƯỜN LAN THÁI HUY
Vườn Lan Huy Thái thật cao vời
Trước gió đong đưa vẻ thắm tươi
Xem đó mông mênh như đám cỏ
Ngó kìa bát ngát tựa mây trời
Thỏa lòng du khách nhìn say đắm
Mặc sức trẻ con chạy giỡn chơi
Tài bạn khéo khen chăm sóc giỏi
Vườn Lan Huy Thái thật cao vời
Songquang
20230313
MÃI NỬA VỜI
Bến hẹn, thuyền xưa mãi nửa vời
Mơ thầm vĩnh cửu đóa hồng tươi
Vì sương sớm nhạt nhòa trên biển
Để nhạn chiều ngơ ngác cuối trời
Cánh bướm tầm xuân, tàn mộng ủ
Con tằm kéo kén, bỏ mùa chơi
Lênh đênh sóng nước trường giang lạnh
Bến hẹn, thuyền xưa mãi nửa với.
Lý Đức Quỳnh
15/3/2023
LẠC CHỐN HOA VƯỜN
Vườn hoa đua sắc tỏa xa vời,
Nắng sớm ánh lòa chiếu sáng tươi.
Nàng cúc đáp tình bung ló nhụy,
Mẫu đơn hứng thú mỉm đưa trời.
Bướm trơ cánh lả vờn đeo tản,
Nhạn lẳng trơ mình vút thoát chơi.
Lãng tử mắt tròn xoe ngơ ngáo,
Vườn hoa đua sắc tỏa xa vời.
HỒ NGUYỄN (15-3-2023)
NGÀY XUÂN
Nở rộ muôn hoa sắc thắm vời
Xuân về ấm áp nắng vàng tươi
Mai lan nghĩa cũ thơm sương gió
Bưởi mận hồn xưa ngát đất trời
Hứng dạ ngâm vang, lưng hủ rượu
Vui lòng vẫy bút thảo thơ chơi
Phong lưu có được ngày nhàn nhã
Nở rộ muôn hoa sắc thắm vời
Hương Thềm Mây 15.3.2023
(G.M Nguyễn Đình Diệm )
Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023
Nguyện Cầu (Trần Văn Dật) & Mong Cầu (BN) & Có Chi Bằng (Hoàng Đằng)
Nguyện Cầu
Sáng tối thành tâm những nguyện cầu
Gia đình thường giúp đỡ cho nhau
Đủ ăn đủ mặc ... không phiền muộn
Chẳng mượn chẳng vay…nõ(1) ốm đau
Thỏa mãn thấy con làm được khá
Hài lòng mừng cháu học lên cao
Mong Quan Âm Phật luôn gia hộ
Nạn khỏi tai qua như phép mầu…
Trần Văn Dật
Vĩnh Long 13-3-2023
(1) Nõ: không (tiếng địa phương).
*****
Mong Cầu
Chẳng màng phú quý, chỉ mong cầu
Sướng khổ vui buồn luôn có nhau
Năm tháng sắt son không bội bạc
Nắng mưa gắn bó dẫu thương đau
Tình duyên bền chặt... do tâm vững
Phận số thong dong... nhờ đức cao
Mong ước tình người luôn đẹp mãi
Như hoa xuân đến thắm tươi màu!
14/3/2023 BN
*****
CÓ CHI BẰNG
Đốt nén tâm hương vái lạy cầu:
Trọn đời vui sống mãi bên nhau,
Chồng chan vợ húp luôn no đủ,
Đêm ngủ ngày chơi khỏi bệnh đau,
Thân thích nghiệp nghề yên cuộc sống,
Tử Tôn học tập đạt bằng cao,
Chiều chiều ông mụ dìu nhau dạo,
Phước đức như ri thiệt nhiệm mầu ...
Hoàng Đằng
14/3/2023
Suy Ngẫm Các Thể Nghiệm Hằng Ngày (Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke)/ (Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng)
Suy Ngẫm Các Thể Nghiệm Hằng Ngày (1)
Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng
(Điều 10: Rút tỉa bài học để sống tốt đẹp từ các thể nghiệm hàng ngày) (2)
Thể nghiệm của đời người không phải chỉ là những đại thành công hoặc những đại thất bại. Tùy theo cách suy nghĩ của bạn, bạn có thể tích lũy được nhiều thể nghiệm trong đời sống yên ổn hàng ngày của bạn(3)
Người đời thường nói “Trăm nghe không bằng một thấy” (4). Ý nghĩa của câu nói này là đối với một việc hoặc một vật gì đó, một lần trực tiếp nhìn thấy việc và vật đó trong thực tế còn hơn cả trăm lần nghe người khác nói về việc và vật đó. Tôi nghĩ chính xác đúng như vậy. Tuy nhiên cũng có trường hợp dù chúng ta có thấy sự việc xảy ra hoặc vật có trên đời bao nhiêu lần nhưng chúng ta cũng không thể nắm bắt được bản chất của sự việc hay vật đã thấy.
Thí dụ nếu chúng ta nhìn thấy muối, chúng ta biết “À, thì ra muối là vật có màu trắng và hình dạng như thế này”. Tuy nhiên đối với vị mặn của muối, phải chăng dù chúng ta có vận động đầu óc bao nhiêu lần và nhìn muối bằng mắt chúng ta cũng không thể biết được. Trước hết chúng ta cần nếm thử một lần. Không phải suy nghĩ bằng đầu óc mà chúng ta phải tự mình nếm muối chúng ta mới biết được vị mặn của muối. Tương tự như vậy, trên đời này không ít việc và vật mà cần phải thông qua thể nghiệm của chính bản thân, chúng ta mới nắm bắt được bản chất của chúng. Tôi nghĩ câu “Trăm nghe không bằng một lần thể nghiệm” có thể nói cho trường hợp này.
Tôi nghĩ một lý do mà người đi trước hoặc trưởng bối (người cao tuổi) (5) được chúng ta tôn trọng có lẽ là do trong những năm dài họ đã tích trữ được nhiều thể nghiệm và từ các thể nghiệm này nên họ có được khả năng phán đoán, kiến thức khác với bản thân của chúng ta. Ở ý nghĩa này, nếu như chúng ta có tuổi cao nhưng không có nhiều thể nghiệm thì phải chăng chúng ta không thật sự là cao niên (cao tuổi).
Như vậy thế nào mới gọi là tích trữ thể nghiệm? Có phải là việc có những thể nghiệm đặc biệt như bị thất bại nặng nề hoặc được thành công to lớn chăng? Chính xác đó là những thể nghiệm quý báu và có lẽ chúng ta có thể học từ đó nhiều điều, nhiều việc. Tuy nhiên nếu hỏi cần phải tích trữ những kinh nghiệm đặc biệt như thế không thì tôi nghĩ rằng nhất định không phải vậy. Chúng ta có thể tích trữ thể nghiệm đầy đủ trong sinh hoạt sống bình yên, ổn định mà không cần có sự kiện to lớn đặc biệt gì xảy ra của mỗi ngày. Ở ý nghĩa nào đó, tôi nghĩ rằng phải chăng những thể nghiệm hàng ngày nói trên cực kỳ quan trọng.
Thí dụ trong khi chúng ta cùng nhau làm việc mỗi ngày, tôi nghĩ có nhiều việc như ngay cả “trường hợp chúng ta nghĩ là đã suôn sẻ thuận lợi” nhưng nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta thấy có lẽ chúng ta đã đòi hỏi đối tượng hơi quá đáng hoặc đối với việc chúng ta nghĩ là thất bại có lẽ còn có phương pháp suôn sẻ thuận lợi khác. Đối với những việc như vậy, nếu chúng ta chịu tự kiểm điểm và suy ngẫm những việc này, chúng sẽ trở thành các thể nghiệm quý báu cho chúng ta. Nếu chúng ta chịu ngẫm ngợi (suy ngẫm) mỗi một thành công nhỏ hoặc mỗi một thất bại nhẹ như trên thì chúng ta có thể có thể nghiệm đa dạng trong cuộc sống bình ổn vô sự hàng ngày, và tôi nghĩ rằng tất cả thể nghiệm này sẽ trở thành nguồn sinh lực của cuộc đời chúng ta ở cả 2 mặt sinh hoạt và tinh thần.
Phải chăng đối với các thể nghiệm nho nhỏ trong cuộc sống bình yên vô sự của mỗi ngày không thể thấy bằng mắt, chúng ta phải gọi là thể nghiệm của tâm, thể nghiệm ở mặt tinh thần.
Không chỉ các thể nghiệm của thành công hoặc thất bại diễn ra dưới hình dạng cụ thể mà việc tích trữ các thể nghiệm ở mặt tinh thần trong cuộc sống hàng ngày cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong một thời đại mà biến đổi của xã hội mãnh liệt như hiện nay.
Nguyễn Sơn Hùng, 10/11/2022
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng
Nhận xét của người dịch:
Sau khi đọc vài tác phẩm của Matsushita Kônosuke, người dịch nhận thấy một đặc điểm lớn của ông là biết trân trọng tất cả những gì ông làm hàng ngày, trong mỗi ngày! Người dịch không biết chính xác ông bắt đầu viết từ năm nào nhưng theo danh sách các tác phẩm trước tác của ông trong https://www.konosuke-matsushita.com/ , tác phẩm đầu tiên là Tự Tự Truyện (truyện tự thuật lại xuất thân, đời sống sinh hoạt của bản thân) xuất bản năm 1942, khi ông được 48 tuổi, và sau đó ông trước tác đều đặn cho đến lúc ông qua đời (ông ra làm riêng từ năm 23 tuổi). Ông đã truyền đạt cho đời sau trung thực cuộc đời làm việc của ông và cũng phân tích trung thực và xác đáng những yếu tố giúp ông thành công.
Vài hôm trước khi viết lời nhận xét người dịch đang đọc tác phẩm Đồng Tử Vấn của Itô Jinsai (6). Trong chương 5 (nói đúng hơn là bài thứ 5) của tác phẩm này có câu của Itô Jinsai giảng cho học trò ông (nên sách tên Đồng Tử Vấn) “Đối với trò, trò đã nghĩ rằng cái gì khó hiểu, khó thực hành, cao xa, bản thân mình không thể đạt tới mới là chân lý ưu tú. Nhưng không phải vậy, chính những gì dễ hiểu mà thực hành cũng dễ, bình dị và đúng, gần gũi với cuộc sống và vĩnh viễn không thay đổi mới là chân lý chân lý ưu tú, ưu việt”.
Người viết không biết Matsushita đã có đọc tác phẩm của Jinsai (7) không nhưng cảm thấy điều mà Matsushita muốn nói trong bài này hoàn toàn giống như điều Jinsai nói và Matsushita đã thực hành cụ thể trong thực tế. Nhưng có lẽ khả năng Matsushita tự rút ra bài học số 10 này thông qua cuộc sống thực tế của ông là cao hơn khả năng chịu ảnh hưởng nội dung giảng giải của Jinsai.
Ngoài điều nói trên, người dịch còn nhận thấy nhiều điểm tương đồng khác khác giữa Jinsai và Matsushita. Điều này cho thấy câu nói của Mạnh tử rất chí lý: “Đạo (chân lý làm người) vốn chỉ có một” (8). Người dịch sẽ giới thiệu các điểm tương đồng này đến quý độc giả khi có cơ hội.
Ghi chú
- Thể nghiệm: sự trải nghiệm hoặc kinh nghiệm thực tế của chính bản thân. Khi học tiếng Nhật người dịch có ấn tượng mạnh đối với từ này và từ đó xem trọng việc trải nghiệm thực tế do bản thân.
- Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
- “Trăm nghe không bằng một thấy” xuất xứ từ câu nói của Triệu Sung Quốc thời Tiền Hán lúc ông 70 tuổi. Năm 61 TCN dân tộc thiểu số Khương đánh phá Trung Quốc, Tuyên Đế hỏi ông: ”Thế lực quân Khương mạnh như thế nào?”, ông trả lời “Trăm nghe không bằng một thấy. Việc binh khó tính từ xa. Xin bệ hạ cho thần cấp bách đến Kim Thành và từ nơi đó thần sẽ hiến kế sách. Dân Khương nghịch lại ý trời, không bao lâu sẽ diệt vong, xin bệ hạ hãy giao phó cho thần”. Tuyên Đế mỉm cười và chấp thuận. Nguồn: Triệu Sung Quốc Truyện của sách Hán Thư.
- Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
- Itô Jinsai 伊 藤 仁 斎 (Y Đằng Nhân Trai, 1627~1725). Ông được người Nhật xem là người sáng lập phái Cổ Nghĩa Học của Nhật Bản. Ông cũng như Nakae Tôjyu là người tự học. Mới đầu ông yêu thích Chu Tử Học (nho học của Chu Hy) và Dương Minh Học (nho học của Vương Dương Minh) nhưng sau ông thấy các học thuyết có chỗ không đúng nên chủ trương lấy sách Luận Ngữ và sách Mạnh Tử làm chính để hiểu học thuyết của Khổng tử. Cổ Nghĩa Học là từ ý này. Ông chủ trương sách Mạnh Tử là sách chú giải của sách Luận Ngữ nên người mới học cần hiểu rõ sách Mạnh Tử thì mới thấu đáo được nội dung sách Luận Ngữ, chủ yếu ghi chép lời của Khổng Tử. Và ông cũng đồng ý với Trình Tử rằng sau khi thông hiểu 2 sách trên thì “không cần nghiên cứu lục kinh cũng có thể hiểu được ý nghĩa của lục kinh” (Trình Thị Di Thư, Quyển 2). Lục kinh là các sách Thi Kinh, Thư Kinh, Lễ Ký, Nhạc Kinh, Dịch Kinh, và Xuân Thu. Ngũ kinh là trừ Nhạc Kinh ra.
- Người dịch gọi Matsushita bằng họ và Jinsai bằng hiệu ở đây vì quý độc giả đã hiểu Matsushita muốn nói đến là ai, và Itô là họ của rất nhiều người nên gọi bằng hiệu để phân biệt.
- Bài 1 trong thiên Đằng Văn Công Thượng của sách Mạnh Tử. Nguyên văn: 道 一 而 已 矣 Đạo nhất nhi dĩ hỹ: Đạo (chân lý làm người) vốn chỉ có một.
Nếu hiểu đạo một cách tổng thể là chân lý làm người thì nhất ở đây hiểu là 1, không phải 2 hoặc nhiều hơn. Nhưng nếu hiểu là đạo là chân lý thì có lẽ nên hiểu nhất là đồng nhất, giống y hệt nhau vì chân lý thì không duy nhất chỉ có 1 mà có nhiều. Chúng ta cũng có thể hiểu chân lý làm người gồm có nhiều chân lý có tính cách yếu tố hoặc thành phần hợp thành. Đọc sách chữ Hán rất khó hiểu đúng ý tác giả muốn nói nếu chỉ căn cứ vào nghĩa của mỗi chữ hoặc mỗi câu! Do đó, cần phải đọc toàn tác phẩm nhiều lần để lĩnh hội tổng thể ý tác giả muốn truyền đạt. Trong các sách xưa chúng ta có thể thấy đạo được dùng với nhiều nghĩa, có lúc để chỉ đạo lý, có lúc chỉ chân lý, có lúc chỉ đạo đức, có lúc chỉ quy luật tự nhiên.
Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023
Trà và Tôi - An Hoàng
Trà và Tôi
Đến hôm nay, với tuổi đời trên "tám bó" tôi mới thực sự "biết" uống trà! Nhưng dù sao thì:
TUỒNG ĐỜI (Mỹ Nga) & Thơ Họa
TUỒNG ĐỜI
Cuộc sống thương đau rõ cuộc đời,
Chuyển xoay thế sự biết bao mươi...
Cợt đùa mộng ảo người khôn dại,
Khảo đảo trần gian cảnh khóc cười.
Gian dối vàng thau đâu khác biệt?...
Tuồng đời cảnh tạo tưởng như chơi.
Vẫy vùng thoát khỏi đời vay trả,
Không có luân hồi đến cõi trời.
Mỹ Nga
12/03/2023 - ÂL. 22/02 Quý Mão
Thơ Họa:
HƯỞNG ƠN TRỜI
Bao nhiêu tuổi lão vẫn yêu đời
Cho dẫu xuân này đã mấy mươi
Từ lúc sanh ra mừng rỡ khóc
Tới khi bịnh hoạn khát khao cười
Con thương cha mẹ nên vui học
Cháu sợ ông bà chẳng dám chơi
Tam đại đồng đường hạnh phước quá
Muôn điều vạn sự hưởng ơn Trời ...
Hawthorne 12 - 3 - 2023
CAO MỴ NHÂN
ĐỜI LÀ VẬY ĐÓ
Gian nan có trãi mới thương đời,
Số kiếp theo trần được mấy mươi?
Cuộc sống chỉ tranh khôn với dại,
Hơn thua chẳng quản khóc hay cười.
Bạc vàng cố kiếm không lo đức,
Tiền của giựt giành bám rãi chơi.
Thoáng chốc dứt hơi xuôi phủi sạch,
Tay ôm tội ác muốn về Trời?
*
Tuồng đời vẫn vậy đó ai ơi!
HỒ NGUYỄN
(11-3-2023)
TU NHÂN TÍCH ĐỨC
Thăng trầm cuộc sống ở trong đời
Sinh ký, tử qui biết mấy mươi
Số phận rủi ro đành phải khóc
Cơ duyên may mắn thản nhiên cười
Tu nhân bố thí làm công quả
Tích đức chẩn bần há giỡn chơi
Vay trả trần ai tiền mới sống
Luân hồi hết nợ tạ ơn Trời…
MAI XUÂN THANH
March 12. 2023
SỐNG CHẲNG THẸN TRỜI
Thấm thoát mà nay sắp cuối đời
Nhớ thời son trẻ tuổi đôi mươi
Tráng cường, thân thể luôn năng động
Thanh thản, tâm tư mãi mỉm cười
Nếm trải cam go tuồng chuyện bỡn
San bằng trở ngại tựa trò chơi
Giờ đây nghĩ lại không ân hận
Đã sống hiên ngang chẳng thẹn trời.
Sông Thu
( 13/03/2023 )
ĐƯỜNG NHÂN THẾ
Dâu bể bao phen dạt sóng đời
Ngỡ đường nhân thế rõ mười mươi
Lao đao thuở dại, gom tràng khóc
Vững chãi lần khôn, đổi tiếng cười
Điện ngọc lầu son thôi quyến luyến
Hương đồng cỏ nội thỏa rong chơi
Ngờ đâu vạ gió luôn tiềm ẩn
Ái dục vô minh, phế Đạo Trời.
Lý Đức Quỳnh
13/3/2023
TRÒ ĐỜI
Tình ta nghĩa bậu bén duyên đời
Đã thắm dâu ngàn mấy chục mươi
Bến mộng sông mơ bao lụy não
Lòng mong dạ ước lắm ưu cười
Vô thương vỡ hiện dường trò giỡn
Cỏi tạm tuồng bày tựa cuộc chơi
Tơ nhện vương mang vầy nghiệp trả
Tháng lụn ngày qua giữa đát trời
Hương Thềm Mây
14.3.2023
TRÒ ĐỜI
Gian trần đảo lộn ấy trò đời,
Giàn trãi hơn thua biết mấy mươi.
Giã biệt, hợp tan, sầu đến hận,
Giam cầm, khốn đốn, khóc thay cười.
Giỡn đùa, hung ác, vinh thành nhục,
Giành giựt, tham lam, thiệt hoá chơi.
Giàu có, nghèo hèn, danh với lợi…
Giày vò nhân thế mãi kêu trời !