Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

        Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***


Xởn

Xởn : cắt tóc, cạo lông

(xởn tóc)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Tiếng lóng của dân bụi Hà Nội sau 75

Mua đàng hoàng chứ không “chẩn lột” đâu.

- Làm sơ với thằng em mấy quả đầu đít” (9) đi…


Khách thấp thỏm uống, không biết lúc nào mũ cối sẽ bất chợt giáng xuống đầu mình.


(9). Một hình thức đánh bạc như bài cào


(Thế Giang)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“sán: sán lạn, sán lợn. → không viết: xán”. (Nguyễn Văn Khang)

Viết “xán” trong “xán lạn” 燦 爛 mới đúng (chữ ghép): “xán” 燦 có nghĩa là rực rỡ, chói lọi; mà “lạn” 爛 cũng có nghĩa là tươi sáng, rực rỡ. Còn “sán” với tự hình 疝 lại chỉ nhóm giun kí sinh thân dẹt ở người, động vật. 

“Hán ngữ đại từ điển” giảng: “xán lạn: 1. vẻ rực rỡ, tươi đẹp; 4. hình dung sự việc hoặc sự nghiệp huy hoàng, tốt đẹp.” [燦爛: 1. 明 亮 貌; 鮮 明 貌; 4. 形 容 事 情 或 事 業 輝 煌; 美 好]. 

(Hòang Tuấn Công)



Chữ Việt cổ

Từ cổ tiếng Việt trong "Đại Nam Quốc Âm Tự Vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của. Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại…


Chậy: sai

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)

 


Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“sáng: sáng lạn → không viết: sán”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

Điều kì lạ là ở mục “sán”, GS. TS. Nguyễn Văn Khang hướng dẫn viết sán lạn, đến mục này lại hướng dẫn viết sáng lạn”, đồng thời khuyên “không viết: sán”. Điều đáng nói, là cả hai cách viết này đều sai. Hoàng Phê (Vietlex) giảng: “xán lạn 燦爛 . rực rỡ, chói lọi. tiền đồ xán lạn”.

Dù không phải từ điển chính tả, nhưng Hoàng Phê đã có thêm chỉ dẫn như sau: “nên nói và viết là xán lạn, không nên dùng sáng lạn (sai khá phổ biến)”. 

(Hòang Tuấn Công)

 


Chữ Tàu tiếng Việt

Xây chừng : cà phê đen nhỏ 

Tài phế : cà phê đen lớn  

Phé nại : cà phê sữa

Bạt sửu : nhiều sữa ít cà phê



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

“sao: thôi sao. → không viết: xao”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

Viết “xao” mới đúng. “Thôi xao” 推 敲, nghĩa là đẽo gọt, lựa chọn chữ nghĩa. 

Nguyên Giả Ðảo đời Đường có câu thơ: Điểu túc trì trung thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn 鳥 宿 池 中 樹, 僧 敲 月 下 門. Vốn Giả Ðảo định dùng chữ thôi 推 = đẩy (cửa), rồi lại định dùng chữ xao 敲 = (cửa), băn khoăn mãi mà không biết nên chọn chữ nào. 


Khi hỏi Hàn Dũ, ông bảo nên dùng chữ xao 敲. Sau này “thôi xao” 推 敲 được dùng với nghĩa cân nhắc, lựa chọn chữ nghĩa.

(Hòang Tuấn Công)



Thành ngữ tục ngữ

Cá vàng bụng bọ 

Bên ngoài trông tốt đẹp, nhưng trong lòng xấu xa.


(Nguyễn Dư)

 


Câu đối Tết

Cùng với chữ Hán, nhiều Nho sĩ nước ta còn viết câu đối Tết bằng chữ Nôm. Đầu thế kỷ 20, Nguyễn Khuyến (1835-1909) đã sử dụng tài tình đưa cả ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào câu đối. 

Trong 67 câu đối hiện còn của cụ thì 47 câu đối Nôm. 

Đây là cảnh Tết của một nhà nghèo mà lòng vẫn phơi phới sắc xuân khi giao thừa sắp đến:
Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co chân đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

++++++vẫn còn một nổi buồn man mác. những o giờ mới được  l

Theo Dương Quảng Hàm thì câu đối này của Nguyễn Công Trứ


(Trích từ Văn Hóa Việt)



Hồi ký Nguyễn Hiến Lê

Sách báo miền Bắc

Mới mở tập đầu A-C bộ Tự điển tiếng Việt phổ thông của Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Hà Nội – 1975), tôi thấy ban biên tập gồm 12 người, với sự cộng tác trên một trăm học giả, văn nhân, thi sĩ, từ Đào Duy Anh, Hoa Bằng tới Nguyễn Công Hoan, Nguỵ Như Kontum, Nguyễn Xiển, Thanh Tịnh, Tô Hoài, Trần Văn Giáp v.v…, rồi tới một Hội đồng xét duyệt gồm 9 nhà: Nguyễn Khánh Toàn, Cù Huy Cận, Bùi Huy Đáp, Đào Văn Tiến, Hoàng Phê (ông này vừa là chủ biên, vừa là một hội viên trong hội đồng xét duyệt!), Phan Triều, Tạ Quang Bửu, Trần Quỳnh, Tú Mỡ. Trước sau mất 11 năm (1964-1975) mới ra được tập đó. Thấy họ làm việc đông đủ, lâu năm, kỹ lưỡng như vậy, tưởng công trình phải đồ sộ, gần đạt được mức hoàn hảo (không có tự điển nào hoàn toàn không có lỗi), nhưng khi lật ra một số từ thì tôi thất vọng.
 
Có những điều vô lý, bất tiện như từ a pa tít ghi là xem apatit, tôi phải lật trên mười trang sau mới tìm được apatit: “khoảng vật chủ yếu canxi photphat…”, tôi không hiểu tại sao ban biên tập dùng tới hai cách viết, một cách rời, một cách liền; sao không viết liền như canxi, photphat. Sao lại bất nhất trên nguyên tắc như vậy?


Có những lỗi rất nặng như từ cọng, biến thể ngữ âm của cộng, mà ban biên tập gọi là “tiếng địa phương”, thì sai quáCọng chỉ là cách phát âm sai của người Nam, cũng như cây cau, họ phát âm là cây cao, như con tôi họ phát âm là coong tui v.v… không thể gọi là tiếng địa phương được.


Có những từ định nghĩa chưa sát, hoặc mù mờ như: 
Biến tốc, không thấy ghi danh từ hay động từ, theo nghĩa: “làm thay đổi tốc độ”, tôi đoán nó là động từ. Nhưng “hộp biến tốc” thì là danh từ?
Khi ông
Hoàng Phê, chủ ban biên tập lại chơi, tôi đưa ra mấy nhận xét đó với dăm sáu nhận xét nữa, ông làm thinh, bảo ông Hoàng Văn Hoành (cũng trong ban biên tập) ghi chép, và lúc ra về, ông Hoành bảo tôi rằng nhiều nhận xét của tôi có lý.
 


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Trúc xinh trúc đứng một mình.
Em xinh em cũng rình rình theo trai.



Thuở mơ làm văn sĩ

Tôi dời chú em, tôi đạp xe đi vòng vòng trong thành phố, ghé nhìn vào những tờ báo bán đầy ở sạp. những tờ báo bị đục đẽo nham nhở, cả những bài bị bỏ trắng. Tệ hại và giả dối hơn, có những chữ ghi 'toà soạn tự ý đục bỏ'. Độc giả phải hiểu ngầm rằng bài bị bộ thông tin duyệt có viết mà không cho đăng tải.

Hiểu theo rất VN thì đó chính là câu có hơi gướm xỏ lá cả anh nhà báo, như một câu bỏ lửng, không kết luận của chuyện tiếu lâm, rồi xặc lên một tràng cườì thay cho câu chửi thề. Chuyện tiếu lâm VN có cái thâm thuý của nó. Trong đời tôi nghe nhiều chuyện tiếu lâm từ thời thơ ấu cho đến tuổi già. Nó phản ảnh thâm thuý và vẹn toàn đó. Cái cười làm cho con người ta sống lâu mà không chết được vì đau buồn....
20 năm sau tôi còn thấy nhà văn Vũ Bằng, bậc đàn anh trên văn đàn, lọm khọn đi thu gom những mẩu chuyện tiếu lâm ở chợ trời trong thành phố được tái chiếm. Những mẩu chuyện tiếu lâm ở khắp VN, phản ảnh đời sống con người VN trong một cuộc chiến dài đau thương mà con người phải bật ra thành tiếng cười thay vì tiếng khóc qua những mẫu chuyện tiếu lâm, những câu vè...


Tôi hỏi ông làm gì vậy? Ông trả lời đồ ngu, tao làm việc này như tao viết ”miếng ngon Hà Nội” thuở nào, cứ gom lại đã không cần xuất bản. Cho đến nay hơn 20 năm sau nữa tôi vẫn chưa thấy tạp truyện tiếu lâm của Vũ Bằng gom góp xuất bản. Mất rồi chăng? 

Vũ Bằng đã ra người thiên cổ. Tôi tiếc!

(Nguyễn Thụy Long)



Đừng tưởng 

Đừng tưởng thu lá sẽ tuôn.. 

Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.

(Bùi Giáng)

 


Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

Đào Mộng Nam và Cao Bá Quát


Ước vọng cuối cùng của Đào Mộng Nam là dịch toàn bộ Thơ Cao Bá Quát, khoảng 2.000 bài. Thơ CBQ chữ Hán. Anh mới thực hiện được vài trăm bài thì từ giã chúng ta. 


Báo Văn Nghệ ở Hà Nội, trong một số báo hai năm trứơc, có ghi nhận về công trình nghiên cứu và dịch thuật của Đào Mộng Nam về Thơ Văn Cao Bá Quát – với người viết là Nguyễn Huy Thuận và tựa bài viết là “Biết thêm về Cao Bá Quát”

 

Trích như sau:

“Ngày 16-12-2004, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên Cứu Quốc Học thuộc Hội Nhà văn đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và Hội thảo khoa học về Cao Bá Quát. Đông đảo các nhà nghiên cứu văn học, các chuyên gia Hán, Nôm, các nhà văn và bạn đọc đã đến dự. Với chặng đường 10 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc, về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát… 

 

Trong công việc thầm lặng vô cùng khó khăn này, với sự cộng tác tâm huyết của các học giả nổi tiếng trong và ngoài nước đã sưu tầm, bổ sung nhiều tài liệu đặc biệt quý hiếm, chẳng những có giá trị về văn chương mà còn là những chứng tích rực rỡ về lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học…”.



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Đàn ông ít tóc: an nhàn
Đàn bà ít tóc: dở dang duyên tình

 


Trần Tuấn Kiệt


Trần Tuấn Kiệt sinh năm 1939 tại Sa Ðéc, nhưng học ở Sài Gòn, lấy bút hiệu là Sa Giang. Khi làm thơ hay viết biên khảo, anh dùng bút hiệu Sa Giang hay tên thật. 

Trần Tuấn Kiệt làm thơ từ rất sớm. Trong những năm đầu thập niên 1950, anh đã có thơ đăng báo, xuất hiện trong giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh. Sau đó cho đến tháng 4/1975, anh đã cộng tác với nhiều tờ báo khác ở Sài Gòn: “Vui Sống” của Bình Nguyên Lộc, “Sống” của Chu Tử, “Nghệ Thuật” của Mai Thảo, “Văn” của Trần Phong Giao. 


Cho đến cuối đời, anh đã xuất bản khoảng hai trăm tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau: thơ, truyện dài, dã sử kiếm hiệp, biên khảo văn học.

- Thơ: ngoài 27 tập đã in, sau năm 1975, anh còn tự in một số tập thơ phổ biến hạn chế để tiếp tục cuộc hành trình từ thuở ban đầu. 

Cao điểm trong sự nghiệp của anh là đoạt giải nhất Giải Văn Học Nghệ Thuật  VNCH. 

(Tưởng nhớ những khuôn mặt văn chương – Trần Dõan Nho)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Đi một ngày đàng.
Giờ mỏi cả chân.



Một nền văn học của những người vắng mặt 

Những tác giả được nói đến ở đây là những người sáng tác đã thành danh, có nhiều sách xuất bản trong giai đoạn 1954 - 1975 ở miền Nam Việt Nam. 

Kể từ Tháng Bảy 1954 đến Tháng Tư 1975, Miền Nam Việt Nam hình thành một nền Văn Học mới, biến đổi hẳn so với giai đoạn trước. Đó là giai đoạn mà sinh hoạt văn chương qui tụ quanh các tạp chí hay các nhà xuất bản hiện diện từ giữa thập niên '40, nổi nhất là các nhà xuất bản Tân Việt, Sống Chung, hay Chân Trời Mới, báo Tiếng Chuông hay Đời Mới về sau, với Quốc Ấn, Thiếu Sơn, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Đức Quỳnh, Tam ích, Thiên Giang, Thê Húc; hay các nhà văn nhà thơ đầy hào quang kháng chiến, những Dương Tử Giang, Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh (đã ra bưng khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ) song ảnh hướng và hào quang còn rực rỡ; với các nhà văn nhà thơ trữ tình kế tiếp ở Sài Gòn như Thẩm Thệ Hà, Trang Thế Hy, Kiêm Minh, Kiên Giang; những cây bút xã hội hay xã hội tình cảm như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh. Từ 1954, và mấy năm sau đó, với các văn nghệ sĩ ký giả di cư như Nhất Linh, Lê Văn Trương, Tchya Đái Đức Tuấn, Đỗ Đức Thu, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bàng Bá Lân, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Mặc Thu, Vi Huyền Đắc, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Tam Lang... bộ mặt báo chí miền Nam thay đổi, nhất là báo chí văn học nghệ thuật.

(Viên Linh)


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

U thầy em ngủ tầng trên.
Em nằm chờ đợi dưới này cầu thang.


Cái chết của Nguyễn Văn Vĩnh

Đến thời điểm đó của lịch sử, Nguyễn Văn Vĩnh mới thấy cái nham hiểm của cái gọi là “hảo tâm” của Ngân hàng Đông Dương. Nhà cầm quyền đinh ninh với chiếc thòng lọng “tiền”, nhất định sẽ khuất phục được Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng họ lại lầm lẫn một lần nữa, họ trao Bắc đẩu Bội tinh, họ cam kết xóa nợ chứ không phải chỉ bỏ xiết nợ, chỉ với một điều kiện: Chấm dứt toàn bộ việc viết!


Để giữ cái liêm sỉ của thằng người, mà Nguyễn Văn Vĩnh theo đuổi trong sự nghiệp khai dân trí, để gia đình vợ con không phải thấy bị sỉ nhục nếu thầy mình phải đi tù, Nguyễn Văn Vĩnh chấp nhận giải pháp của nhà cầm quyền: Đi tìm vàng bên Lào để trả nợ in ấn của nhà xuất bản của ông!


Một thân một mình, giữa nơi rừng thiêng nước độc, sơn thâm cùng cốc của Vương quốc Vạn Tượng, người ta tìm thấy xác ông trên một con thuyền độc mộc trên sông “Sê-Băng-Hiên” sau một đêm mưa gió, một tay vẫn giữ chặt cây bút, còn tay kia là quyển sổ vẫn đang viết tiếp ký sự:



Một tháng với những người đi tìm vàng.

(Nguyễn Lân Bình)


Câu đố dân gian         

Chân đạp miền thanh địa
Đầu đội mũ bình thiên
Mình thì bận áo mã tiên
Ban ngày đôi ba vợ, tối nằm riêng kêu trời

(con gà trống)



Lá diêu bông

Ảo thanh?

Theo Hoàng Cầm, Lá diêu bông lại phản ánh mối tình đầu của nhà thơ. Nếu đúng như Hoàng Cầm tường thuật, thì cách ông làm thơ hết sức kỳ bí. Bỗng dưng văng vẳng giọng đàn bà đọc hoặc ngâm một vài câu thơ trong tai, thế là ông chép ngay lên giấy, rồi chữ kêu gọi chữ, dòng lôi kéo dòng.

Qua đoạn vỹ thanh Tám nhịp tuần du của tập thơ Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm cho biết: "Những bài thơ như vậy thường là không theo một ý nghĩ nào định trước. Tác giả như một cậu học trò viết chính tả, lúc đầu là có tiếng đọc rành rọt bên tai, sau là viết theo tiếng đọc âm thầm từ trong tâm can mình. 

Ở những trường hợp ấy, tôi không hề cấu tứ, nghĩ ngợi gì về câu, chữ, không theo một luật nào của thi pháp về thanh điệu, ngữ điệu gì gì hết. Tôi chỉ tuân theo nhịp rung động của toàn thân, cả tâm hồn và thể chất, khí chất”. 

(Phanxipăng)


Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Ai đang ngoài cửa thập thò.
Khi nào gõ mõ là mò vô ngay.



Người viết và truyện ngắn (*)


“Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta, Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1973” do nhà xuất bản Sóng xuất bản năm 1973. Sách dày trên 800 trang, bìa cứng rất đẹp, phần in ấn bên trong hoàn toàn giữ nguyên bản in gốc, gồm có 45 truyện ngắn của 45 tác giả nổi tiếng trong quá trình 20 năm văn học miền Nam. Nhiều truyện ngắn trong số đó gần như gắn liền với tên tuổi của chính tác giả.


 

Nhắc đến “Rừng Mắm,” ta liên tưởng ngay đến Bình Nguyên Lộc, nhắc đến “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài,” ta liên tưởng ngay đến Thích Nhất Hạnh; cũng thế, “Cũng Đành” và Dương Nghiễm Mậu, “Nhà Có Cửa Khóa Trái” và Trần Thị NgH, “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” và Hồ Hữu Tường, “Con Sáo Của Em Tôi” và Duyên Anh, “Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục” và Thảo Trường, vân vân.


(Trần Doãn Nho)

 

(*) tựa đề nguyên thủy của tác giả Trần Doãn Nho 

Những nhà văn miền Nam trước năm 1975 bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn



Góp nhặt làng văn xóm chữ 

Thiếu Chửu


Ông tên thật là Nguyễn Hữu Kha, ra đời trong một gia đình nhà Nho nghèo ở làng Trung Tự, phường Đông Tác cũ, nay thuộc quận Đống  Đa, Hà Nội. Ông kể về tuổi thơ của ông: “Nhà nghèo, chị em tôi 7-8 tuổi phải chăn bò, cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm, nấu cám, 10 tuổi tát nước, 12 tuổi cày bừa. Năm tôi 13 tuổi, bố tôi bị giặc Pháp bắt, được hai tháng thì mẹ tôi sinh con thứ 8. Đẻ được ba ngày mẹ tôi đã phải đi làm đồng.”


 

16 tuổi, Hữu Kha đến Đồ Sơn bán thuốc Nam và bánh kẹo kiếm sống. Vì tin người nên ông mất hết vốn, ông phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, có lúc phải đi ăn xin. Hai năm trời cực khổ ấy ông ngày càng tin triết lý cứu khổ, cứu người của đạo Phật.


Cuối năm 1920, cụ Cử Cầu ra tù, ông về giúp cha mở hiệu thuốc Lợi Nhân Đường ở Ngã Tư Sở. Ông học được nghề thuốc Nam và trở thành vị lương y suốt đời chữa bệnh không lấy tiền. Ông lấy hiệu là Tịnh Liễu (Tịnh: trong sạch, Liễu: hiểu biết), ông bắt đầu tự học đạo Phật và ngoại ngữ. Được bà nội và bác ruột dạy chữ Hán, cùng đức tính kiên trì tự học, dần dà ông đã am hiểu chữ Hán, Nho giáo, và Phật giáo, lại thông thạo các tiếng Anh, Pháp, Nhật.



182 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

LTH: Anh có một kỷ niệm nào xinh đẹp hơn là những kinh nghiệm kinh hoàng trên?


TMH: Thưa chị Huệ, bản thân tuổi thơ của mỗi chúng ta dù phải sống trong chiến tranh, trong tù ngục, trong đói và rét, trong sợ hãi và buồn đau vẫn cứ là tuổi thơ đẹp. Những kỷ niệm bé tiu tiu này, mỗi lần ngoảnh lại tuổi thơ, tôi thấy ấm lòng vô cùng…Những đêm đông dài như vô tận, gió bấc vò xé tầu lá chuối sau nhà như xé vải, bố đi cải tạo (đi tù- hồi đó chưa có "mỹ từ : học tập"), mấy mẹ con như bầy chuột vón vào nhau trên ổ rơm cho đỡ rét. Sau năm 1954, quê tôi rận chấy tràn ngập, tôi đi bắt rận thuê, lấy từng lon gạo về nấu cháo cho các em ăn và chăm sóc mẹ mới đẻ em bé. Tối tối tôi lại đến nhà thờ cầu nguyện Chúa và Đức Mẹ: "Xin ơn trên cho rận chấy tràn ngập cả làng con, để con bắt rận thuê cho cả làng mà làm giàu!". Những kỷ niệm này tôi có hàng nghìn vạn, là những kỷ niệm đẹp mà buồn đã làm nên tâm hồn tôi sau này trong văn học. 

 

Ngoài hình ảnh mẹ, ông nội của tôi (giờ đang là nấm đất ở Nam Cali Hoa Kỳ) cũng cho tôi bao nhiêu hình đẹp thơ mộng trước năm 1954 (năm ông bà nội và các cô, các chú thím di cư vào Nam). Con đê sông Đáy dài loằng ngoằng như rắn cuốn, nắng nõn chuối và mây cánh buồm, sông au au má đỏ, gió the the hương bưởi hương cau, một giờ yên ả không có tiếng súng, tiếng bom, tiếng tầu bay đầm già của Pháp ò ò trên đầu, tôi chạy theo ông nội qua đò, sang nhà thờ Phát Diệm đi lễ. 


Ông đi trước, tôi làm chiếc đầu rau chạy theo sau, vừa chạy vừa nhặt thuốc tễ ai đánh rơi đầy mặt đê. Từng viên thuốc tễ tròn tròn, to hơn đầu đũa, màu nâu sậm, ông tôi thỉnh thoảng vo viên phơi trên tầu lá chuối khô, nay ai vứt bừa trên đê, nhiều vô kể. Tôi sung sướng vô cùng, hơn bắt được vàng, nhặt thuốc tễ cho vào hai túi áo căng phồng, tiếc rẻ, bỏ 3 viên vào miệng nuốt trửng. 


Ông quay lai hỏi, kinh ngạc bảo tôi khạc ra: "Không phải thuốc tễ, cứt dê đấy, nôn ra ngay!" Tôi sợ quá, khóc rống lên, không thể nôn ra được nữa rồi ông ơi! Ông bắt tôi uống nước sông thật nhiều để dạ dày không trúng độc! Quê tôi không ai nuôi dê, cả đời đã trông thấy món "thuốc tễ-dê" này bao giờ


May mà nhờ Chúa, tôi không bị đau bụng, vì đã chén 3 viên cứt dê trong sự lầm lẫn trẻ thơ. Lịch sử, đôi khi cũng chỉ là đứa trẻ con đi theo ông nội, đã bốc nhầm thuốc như tôi ngày nào chăng?

 

(Trò chuyện với Trần Mạnh Hảo – Lê Thị Huệ)



Giai thoại về câu đối

 Có lần vua Thánh Tông ra chơi chùa, ông trạng Lương đi theo. Vua ra vế đối rằng:

Đường thượng tụng kinh, sư sử sứ.

(Trên thềm tụng kinh, sư sai sứ)


Trạng Lương giả cách say rượu nằm lăn ra sân, và xin cho gọi bà trạng vào dìu ông về. Vua lập tức cho dời phu nhân lại nâng ông dậy, ông liền tâu rằng: “Đó là thần muốn đối vế đối bệ hạ ra đó thôi”, rồi ông đối:

Đình tiền túy tửu, phụ phù phu.

(Trước sân say rượu, vợ nâng chồng)

Vua cả cười, thưởng cho tiền, nhiều lắm.


(Kiến văn tiểu lục – Lê Quý Đôn)

 


Tố Như 

Nguyễn Du có những bút hiệu gì? Và ý nghĩa các bút hiệu ấy như thế nào? Còn chữ Tố Như, chỉ xuất hiện trên bài Độc Tiểu Thanh Ký, Nguyễn Du viết năm 1804 lúc làm tri phủ Thường Tín, vợ mất, Nguyễn Du tìm về Cổ Nguyệt Đường mong gặp Hồ Xuân Hương., nối lại duyên xưa. Đến nơi thì Hồ Xuân Hương trong cơn tao loạn Triều Tây Sơn sụp đổ đã lấy lẽ Cai Tổng Cóc Nguyễn Công Hoà tại Vĩnh Yên, vợ cả ghen tuông, nàng đang đau ốm. Xót thương nàng thân phận một Tiểu Thanh ba trăm năm lẽ sau, Nguyễn Du đứng bên song cửa viết bài thơ gửi nàng. 

 

Hai chữ tố như tra tự điển Thiều Chửu: Tố là tơ trắng, là người phẩm hạnh cao quý. Như: là như thế như vậy

Do đó hai câu cuối Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp tố như có nghĩa là Không biết rồi đây ba trăm năm lẽ nữa, ai khóc người đẹp tài sắc như nàng Tiểu Thanh. Cách hiểu này giải thích được, định nghĩa hai chữ tố như, thời điểm sáng tác bài thơ năm 1804 và đáp ứng được bài họa của Hồ Xuân Hương.


Trong khi cách giải thích tố như là bút hiệu đầy phi lý: 

Nguyễn Du lúc ấy mới 37 tuổi mới ra làm quan việc gì mà tru tréo ai khóc mình, lẽ nào Nguyễn Du sánh mình với một cô gái 18 tuổi lấy lẽ, nếu cần Nguyễn Du sẽ hỏi Ngàn năm sau ai nhớ đến ta, nhưng đìều này trái ngược với phong cách Nguyễn Du trong các bài đi săn chẳng cần danh vọng hảo huyền.


(Bàn về bút hiệu của Nguyễn Du – Phạm Trọng Chánh)



Hồ Xuân Hương tân biên bản mục

Trong “Lời tựa” tập Lưu Hương Ký của Tôn Phong, bà viết:

- Đây là toàn bộ thơ của đời tôi

Hoàng Xuân Hãn năm 1952 và Trần Thanh Mại năm 1964 đều cho là “toàn bộ” thơ Nôm khoảng gần 100 bài, tất cả không phải của bà. Tất cả là “thơ dân gian” của một “ông đồ” nào đó nhuận sắc cùng thời với Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.


(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)



Tiến sĩ vinh quy

Ngày xưa thi đỗ tiến sĩ... sướng lắm! Được vua biết mặt chúa biết tên. Được cả làng, cả tổng đón rước về làng. Chữ nghĩa gọi là rước tiến sĩ vinh quy. 
Lệ vinh quy được nhà Lê đặt ra. Bia đá khắc ghi: (1) Khoa thi năm 1442, vua cho Nguyễn Trực đỗ Trạng Nguyên (...). Ngày mồng 3 tháng 3 xướng danh treo bảng để tỏ rõ cho đông đảo sĩ phu thấy sự vẻ vang. Ân ban tước trật để biểu dương, cấp mũ đai y phục để tô điểm, cho dự yến để tỏ lòng yêu mến, cho ngựa tốt về quê. Sĩ thứ đất Trường An đâu đâu cũng tụ tập lại xem, đều ca ngợi thánh triều chuộng Nho, xưa nay ít thấy. 

Năm 1481, hội thí các cử nhân. Vua ngự điện Kính Thiên ra văn sách hỏi về lý số, cho đỗ cập đệ và xuất thân theo bực khác nhau. Đến tháng 5, triệu các tiến sĩ vào sân rồng, Hồng lô tự truyền chỉ xướng danh. Lại bộ ban ân mệnh, Lễ bộ mang bảng vàng, nổi âm nhạc rước ra cửa Đông Hoa treo lên. Mã cứu ty (ty nuôi ngựa) kén ngựa tốt đưa trạng nguyên về nhà. (2).



(1) Tuyển tập Văn bia Hà Nội, quyển 1, KHXH, 1978, tr. 65.

(2) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, NXB Sử Học, 1961, tr. 11.

(Nguyễn Dư)



Hoành phi - trướng

Hai chữ, hoặc ba, bốn chữ đề trên cổng hay treo ở thư phòng, viết ngang gọi là hoành phi, hay tắt là hoành, viết dọc gọi là trướng .

Hoành hay trướng để mừng hay phúng, ngoài những câu tâng bốc hoặc tiếc thương bằng sáo ngữ như "Phúc như Đông hải," "Hạc giá tiên du", nếu sự chủ có những tình tiếc éo le, có thể làm đề tài cho những người đàm tiếu hoặc bới móc, thì những tay chơi chữ hay dùng điển tích sâu xa, hoặc lối nói lái hiểm hóc, để chế diễu một cách kín đáọ

(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)



Chữ nghĩa hiện thực

Đường Sài Gòn vừa dài vừa hẹp
Gái Sài Gòn vừa đẹp vừa dê

(Jap Tiên sinh)

 


Nhớ Sài Gòn, chốn cũ đường xưa

Tân Định & Đa Kao những ngày xưa cũ


 

(Phan Thanh Giản-Đinh Tiên Hoàng)

 

Đi hết đường Huỳnh Khương Ninh sẽ gặp đường Phan Liêm. Đường chạy dài, dọc theo bên hông nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Trên đường Đinh Tiên Hoàng giữa khoảng đường Phan Đình Phùng và Phan Thanh Giản có hai nhà hàng Pháp nổi tiếng là Chez Albert và La Cigale. 

Ngoài ra cũng phải kể thêm hai quán cà phê đã đi vào gia phả cà phê Sài Gòn trước năm 1975. Quán thứ nhất là cà phê Hân mà tất cả mọi thứ đều làm bằng inox từ phin, muỗng, tách đựng đưòng, đựng sữa. Quán thứ hai là cà phê Duyên Anh. Quán mang tên nhà văn Duyên Anh, nhưng hoàn toàn không dính dáng đến nhà văn này. Cô bé ngồi tính tiền tên Q. có nụ cười xinh xinh, đôi mắt tròn, đen láy và tóc dài thắt bím rất dễ thương. 

Khu Đa Kao có thể kể thêm những con đường tên vẫn như cũ là: đường Nguyễn Bỉnh Khiêm với hai trường trung học công lập Trưng Vương, Võ Trường Toản.


(Trần Đình Phước)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Con mèo, con chó có lông 
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.


Con mèo, con chó thuộc về sinh vật, cây tre thuộc về thực vật, nồi đồng thuộc về đồ vật. Chỉ có nồi đồng là do người tạo ra. 

Ba thứ kia thuộc về tạo hóa.

Nếu giả thuyết rằng: Câu ca dao này dùng những luận lý xác định con mèo phải có lông, con chó phải có lông, cây tre phải có mắt, nồi đồng phải có quai; để nói đến cách sống trong đời. 

Ví dụ như trai lớn phải lấy vợ. gái lớn phải lấy chồng. 

Cách diễn đạt này được gọi là: Cách sơn đả ngưu.


(Ca dao qua văn bản – Ngu Yên)


Gọi người Tàu là tàu có tư thời cụ Lê Quý Đôn 

Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Ðôn cũng có nói đến đám nô lệ ở Nam kỳ ấy. Họ Lê cho đó là nông nô, nhưng theo chỗ chúng tôi thấy thì không phải, chủ bắt họ làm các công việc khác chớ không để họ làm nghề nông, mọi công việc đồng áng đều do dân ta làm lấy hết. Hình như là phải học nhiều thế hệ mới giỏi nghề nông được, dân ta dạy họ vài năm, coi không xong thì thôi.

Ta xem sử sách Ðông Tây, kim cổ, ta thấy nhiều nơi, nhiều thời, đối xử với nô lệ tàn bạo hơn dân ta nhiều lắm. Như ở Trung Hoa nô bộc thuộc Hán tộc cũng bị ngược đãi, đôi khi đánh chết.

Người Mạ, thứ người đã làm nô lệ cho ta ấy, nhớ rằng xưa kia, tổ tiên của họ có thống nhất các bộ tộc lại được dưới quyền một người chúa độc nhất. Ðịa bàn của họ vào năm 1930 là bắc Phước Tuy (Bà Rịa), bắc Biên Hòa, Long Khánh, Lâm Ðồng, Bảo Lộc, Di Linh, Ban Mê Thuột. Nhưng xưa hơn, có lẽ địa bàn ấy tới Mỹ Tho.

Phủ Biên Tạp Lục cho biết ta khẩn hoang với nô lệ tại đất Lôi Lạp (tức Gò Công, Long An). Lê Quý Ðôn lại phân biệt rõ hai thứ nô lệ, một thứ da đen tóc quăn và một thứ da tương đối sáng.
Thứ da tương đối sáng đích thị là người Mạ (1) theo nghiên cứu riêng của chúng tôi trong quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam thì họ với ta đồng chủng.


 

(1) Dân tộc bản xứ là người Mạ, người Stiêng, theo người Pháp, vào cuối thế kỷ 19, người Mạ, người Stiêng sống ở thung lũng vùng Donai gần Biên Hoà. Trước kia, người Pháp gọi chung họ là “mọi”. Thời VNCH đổi lại, kêu họ là người Thượng. Người trong nước hôm nay gọi chung chung họ la …người dân tộc. 

 

“Ba Tàu” huyễn sử 

Nếu ai có điều kiện gặp lại các sách vở báo chí của những thập niên đầu thế kỷ XX ắt sẽ thấy từ “khách trú” xuất hiện nhan nhản để gọi những người “khách” từ phương bắc đến “trú” trên đất nước mình.” Nhưng “khách trú” chỉ là cách của người Việt dùng từ Hán Việt. Người Tàu không nói thế. Họ gọi người ở trọ là: “ký cư giả”, và người Việt “dịch” gọn là “khách trú.”.

 

Trong Chương 3 (Regionalism and the Six Dynasties - Chủ nghĩa địa phương và Lục triều) sách The Birth of Vietnam, tác giả, tiến sĩ Keith Weller Taylor, có nói đến các sojourners (chỉ di dân người Trung Quốc) ở Giao Châu. Mà từ sojourner là được tác giả dịch từ nguyên văn chữ Hán “ký cư giả,”. Sojourner: ký cư giả: khách trú

 

Từ đây “khách trú” bị nói trệch thành “Các chú,” một từ hiền khô, chẳng có ngụ ý gì cả. Cũng chẳng hề mang nghĩa bà con chú bác anh em gì với ai.


(Thiếu Khanh)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Lại có thêm một cuốn từ điển với cách giải nghĩa từ ngữ… giật mình, đó là cuốn “Từ điển tiếng Việt” do NXB Bách khoa Hà Nội biên soạn có những định nghĩa gây choáng váng, chẳng hạn như:


“nữ tu sĩ” là “tu sĩ đàn bà”

 


Tại sao gọi họ là người Tàu?

Tự điển Alexandre de Rhodes (1651) có từ tàu của tiếng Việt. 
Sách Tam thiên tự (của Ngô Thời Nhậm, thế kỉ 18?) có chữ Hán tàu (bộ Chu) . 
Theo Génibrel thì Tàu của tiếng Việt là Tào (bộ Chu) của chữ Hán. Chữ Tào viết giống chữ Tàu của Tam thiên tự. Tào là cách phát âm khác của Tàu chăng? 
Tự điển Thiều ChửuTừ điển Đào Duy Anh không có chữ Tàu.


Nói tóm lại, thuyền, tàu chữ nôm viết giống chữ Hán. 
Tàu (chữ Hán, chữ Nôm) còn có nghĩa là nước Trung quốc vì người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu (Huỳnh Tịnh Của). 

Tàu là tàu thuyền, người Tàu, nước Tàu. Coi chừng nhầm tàu nọ với tàu kia! 

 

(Nguyễn Dư)

 

***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Hội Nhà Văn Việt Nam hồi đó có hơn 150 Hội viên mà hàng năm chỉ có dăm bảy suất, bởi vậy đó là cuộc đấu tranh sinh tử, giành giật âm thầm và quyết liệt chẳng thua gì vũ đài quyền Anh. 
Nhà văn nổi tiếng và có nhiều tác phẩm giá trị như Nguyễn Thế Phương, tác giả tiểu thuyết “Đi Bước Nữa”, “Đào Chèo”… đến tận cuối đời mới được đi Trung Quốc ngắn ngày, còn nhà thơ Quang Dũng, từ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” tới “Nhà Đồi”, viết lách cả ngàn trang văn học mà… chưa ra khỏi biên giới lần nào. 


Ấy thế mà riêng Tô Hoài, tổng kết lại trong thời bao cấp ông đã xuất ngoại tới cả trăm lượt, đủ các nước Á, Âu, Mỹ, Úc, Phi đến mức dân gian có câu:
“Đảng đoàn là đảng đoàn Thông,
Ở đâu có rượu là ông tới liền
Đảng đoàn là đảng đoàn Hoài,
Hễ đi nước ngoài là có ông ngay…”


Hồi đó nhà thơ Hoàng Trung Thôngông nhà văn Tô Hoài đều có chân trong đảng đoàn Hội Nhà Văn Việt Nam. Các bác Hội viên “cả đời chưa một lần đặt đít lên ghế tàu bay” phải ca cẩm: ”cái thằng ranh ma thế, có mỗi con dế mèn mà bay khắp thế gian”. 
Xem vậy đủ hiểu bác Tô Hoài luồn lách, chen lấn, cỡ cao thủ võ lâm mới lập kỳ tích số lần đi nước ngoài đáng đưa vào Guiness Hội nhà văn Việt Nam.

(Nhật Tuấn)

 

***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Nhà báo Hoàng Tích Chu - 1

 

Hoàng Tích Chu người Bắc Ninh người làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1922, qua Pháp và gặp Đỗ Vân ở đây. Hai ông, một người học cách viết báo.


 

Năm 1929, ông được mời làm chủ bút của báo Hà Thành Ngọ Báo Ông thực hiện cách tân tờ báo toàn diện về hình thức. Phần trình bày do Đỗ Vân thực hiện với mục đích gây hấp dẫn, ấn tượng mạnh. Về nội dung, ông thực hiện lối văn cô đọng, rút gọn tối đa câu chữ, rút ngắn toàn bộ những thể loại như tiểu phẩm, xã thuyết, thời luận. 

 

Tuy nhiên những thay đổi này lại gây sốc cho những độc giả quen thuộc của Hà Thành Ngọ Báo, vốn quen với lối viết nhấn nha, kéo dài, nặng tính biền ngẫu, điển tích xưa nay. Ông bị chỉ trích nặng nề, lối văn bị gọi là văn cộc, văn nhát gừng, văn cứt dê.

 

(xem tiếp kỳ tới)



Chữ nghĩa làng văn

Nhà báo Hoàng Tích Chu - 2

Sau đó các báo Phong HoáNgày Nay của Nhất Linh  đã tiếp tục con đường canh tân báo Đông Tây của Hoàng Tích Chu.


(các báo Phong Hoá và Ngày nay đã tiếp tục con đường canh tân của Đông Tây và thành công – 

trong ảnh: trang bìa một số báo Phong Hóa).


Nếu gọi Hoàng Tích Chu là ông tổ văn mới có lẽ chưa thoả đáng và còn cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa mới xác lập được chính xác phần đóng góp của ông. Nhưng ông là một trong những người đầu tiên viết văn mới và cách tân báo chí cho hoà nhập với yêu cầu của cuộc sống mới lúc bấy giờ. Những đóng góp của ông không thể phai mờ trong lịch sử phát triển báo chí Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ.


(Theo: Tạp chí Xưa & Nay)









 


Không có nhận xét nào: