Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 105 : THẢ, THẠCH, THÁI, THAM, THANG (Đỗ Chiêu Đức

 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 105 :  

       THẢ, THẠCH, THÁI, THAM, THANG
                   
                 
                   Ấy ai THẢ LÁ DOÀNH CÂU ghẹo người ?

       THẢ LÁ DOÀNH CÂU hay THƠ BÀI LÁ ĐỎ, hay HỒNG DIỆP ĐỀ THI, hay LÁ THẮM... Có 3 xuất xứ như sau :
      1. Theo THỊ NHI TIỂU DANH LỤC 侍 兒 小 名 錄 : 
       Con gái nuôi của tài nhân nhà Phụng Ân Vương 奉 恩 王 đời Đường là Phượng Nhi 鳳 兒 thường đề thơ trên lá đỏ, rồi thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Tiến sĩ Giả Toàn Hư 賈 全 虛 bắt được lá. Quan Kim Ngô tâu việc ấy lên vua. Nhà vua bèn gả Phượng Nhi cho Giả Toàn Hư và phong cho chức Kim Ngô.

      2. Theo sách VĂN KHÊ HỮU NGHỊ 云 溪 友 議 :
       Thư sinh Lư Ốc 盧 渥 đi ngang qua ngự câu (dòng nước chảy từ cung vua ra ngoài), ngẫu nhiên vớt được một chiếc lá đỏ trên đó có đề một bài thơ. Ốc nâng niu và cất vào trong tráp. Khi vua Đường thải cung nữ cho đi lấy chồng. Lư Ốc lấy được một cô, lại đúng là người thả chiếc lá kia. Lúc trông thấy chiếc lá đỏ trong trap, người vợ nói: ”Khi ấy thiếp chỉ ngẫu nhiên đề thơ, không ngờ chàng lại chính là người đã bắt được!”

      3. Theo THANH TỎA CAO NGHỊ 青 瑣 高 議 :
       Cung nhân Hàn Thị 韓 氏 đề một bài thơ trên lá đỏ, thả trên dòng nước từ cung vua trôi ra ngoài. Thư sinh Vu Hựu 于 佑 nhặt được đem cất đi. Hựu lại viết hai câu thơ, rồi đợi nước lớn thả ngược vào trong cung. Hàn Thị bắt được lá cũng cất vào trong rương. Sau vua Đường cho thải ba ngàn cung nhân, Hàn Thị được thải ra và rất tình cờ lấy được Vu Hựu làm chồng. Khi phát hiện ra lá đỏ của nhau, vợ cùng cùng cảm kích mà nói: ”Chúng ta phải tạ ơn cho hai người mai mối, chính là hai cái lá đỏ nầy đây“.

       Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Bích Câu Kỳ Ngộ, tả khi Trần công tử Tú Uyên đi hội chùa, lúc "Sinh vừa tựa liễu nương cây, Lá hồng đâu đã thổi bay lại gần" và:

                  Mắt coi mới tỏ dần dần,
              Mấy dòng chữ viết ba vần bốn câu.
                 Trông qua lặng ngắt giờ lâu,
              Ấy ai THẢ LÁ DOÀNH CÂU ghẹo người ?
           
                       

       THẠCH SÙNG 石 崇 (249-300) là văn học gia đời Tây Tấn, tự là Quý Luân 季 倫, người xứ Bột Hải, Nam Bì (tỉnh Hà Bắc hiện nay). Đầu những năm Nguyên Khang nhậm chức Nam Trung Lang Tướng, rồi Kinh Châu Ngự Sử. Ở Kinh Châu ông đã tổ chức đánh cướp tài sản của các thương khách đường xa mà trở nên giàu có. Sau khi giàu có đã sống đời sống thật xa hoa, đã từng cùng Vương Khải 王 愷, là cậu của Tấn Vũ Đế tranh giàu, xem ai là người giàu sang hơn, khiến Vương Khải cũng phải chào thua. Sau bị quyền thần là Tôn Tú dựa vào thế lực của Triệu Vương là Tư Mã Luân muốn cướp đi người ái thiếp của Thạch Sùng là Lục Châu. Lục Châu đã nhảy lầu tự tử. Tất cả 15 người gồm có mẹ, anh trai, vợ con thê thiếp đều bị xử tử ở đông thị. Tương truyền trong đêm cả nhà bị hại, tất cả những cơm gạo rơi vãi xuống đất ở trong nhà, sau một đêm đều biến thành các con ốc ruộng. Còn theo Việt Nam ta thì sau khi chết, vì tiếc của nên Thạch Sùng biến thành con Thằn Lằn (người bắc gọi là con Thạch Sùng) nên thỉnh thoảng Thằn Lằn hay chắt lưỡi vì tiếc cho của cải đã mất.
      Thạch Sùng mất lúc 52 tuổi, tác phẩm để lại gồm có: Tư Quy Thán 思 歸 嘆, Tự Lý Biểu 自 理 表, Sở Phi Thán Tự 楚 妃 嘆 序, Tì Bà Dẫn Tự 琵 琶 引 序, Kim Cốc Thi Tự 金 谷 詩 序... gồm bảy tác phẩm, trong đó "Kim Cốc Thi Tự 金 谷 詩 序" rất được Thi Tiên Lý Bạch tán thưởng và nhắc tới trong bài "Xuân Dạ Yến Đào Lý Viên Tự 春 夜 宴 桃 李 園 序". 
      Trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú" của Nguyễn Công Trứ có câu:

          Giàu ai bằng Vương Khải THẠCH SÙNG, 
               cũng có lúc tường xiêu ngói đổ !

      Trong truyện thơ Nôm "Truyện Chúa Chổm" cũng có câu:

                 THẠCH SÙNG chắc lưỡi lắc đầu, 
              Nhân sinh rất mực hòa giàu hòa sang.
     
                    

       THÁI CÔNG 太 公 tức KHƯƠNG THƯỢNG 姜 尚 (1128-1015 trước Công Nguyên), tự là Tử Nha 子 牙, LÃ Thị 吕 氏, còn có tên là VỌNG 望, nên được tôn xưng là THÁI CÔNG VỌNG 太 公 望, hay LÃ VỌNG 吕 望. Người đời tôn xưng là KHƯƠNG THÁI CÔNG 姜 太 公”. Ông người Hải Khúc Thành, thuộc huyện Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông hiện nay. Theo truyền thuyết, tổ tiên là một trong Tứ Nhạc đời vua Thuấn, đã từng giúp vua Đại Vũ trị thuỷ có công, được phong tại đất Lữ (Lã). KHƯƠNG là họ của bộ tộc. 
       Khương Tử Nha lớn lên trong gia tộc đã suy vi, gia cảnh khốn khó, đã từng làm qua các nghề đồ t mổ trâu bán thịt, mở tiệm bán rượu... để kiếm tiền mua gạo, nhưng dù sống trong nghèo khổ thiếu thốn, ông vẫn luôn cố gắng dùi mài kinh sử, nghiên cứu thiên văn địa lý, binh thư đồ trận. Cuối cùng ông cũng trở thành nhà mưu lược, nhà chính trị, và là nhà quân sự kiệt xuất của nhà Tây Chu.
       Trong "Lâm Tuyền Khách Phú" có câu:

        Ôm lược thao hằng khao khát THÁI CÔNG,
        thăm lệnh tới Bàn Khê gieo cần trúc.

  Còn trong truyện Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng thì có câu:

                         Đời xưa Y, LÃ, Vị Sằn,
                 Công ra trí chúa, trch dân ai bằng.

       Tương truyền khi Đặng Trần Thường ở trong ngục có làm bài Hàn Vương Tôn Phú bằng quốc âm để ví mình như Hàn Tín đời nhà Hán. Trong đó có câu:

 Bước phong trần còn áo LÃ, cơm Hề; xem sao dũng kiêm nhân,
 lời nhơ nhuốc sá chấp chi con trẻ.
        
                  Đặng Trần Thường                                             Thái Công Vọng
                
      THÁI CHÂN 太 真 là đạo hiệu của Dương Ngọc Hoàn 楊 玉 環 (719-756), tức DƯƠNG QÚY PHI 楊 貴 妃, là một trong bốn người đẹp cổ đại (Tứ Đại Mỹ Nhân 四 大 美 人) của Trung Hoa xưa. Bà người đất Vĩnh Lạc thuộc Bồ Châu (tỉnh Sơn Tây ngày nay), là con gái của Tề Quốc Công Dương Huyền Diễm, em họ của Tể Tướng Dương Quốc Trung.
      Dương Qúy Phi tánh cách dịu dàng, phong tư diễm lệ, giỏi âm luật và ca múa. Lúc đầu gả cho Thọ Vương Lý Xương, là con dâu của Đường Huyền Tông. Năm Khai Nguyên thứ 28 (740), phụng mệnh vua xuất gia làm đạo cô, lấy hiệu là Thái Chân. Sau đó nhà vua lại hạ lệnh cho Thái Chân hoàn tục và rước vào cung, chính thức phong làm Qúy Phi và rất được Đường Huyền Tông yêu dấu.
      Năm Thiên Bảo thứ 15 (756), An Lộc Sơn khởi binh làm loạn đánh vào kinh thành. Đường Huyền Tông Lý Long Cơ dắt Dương Qúy Phi chạy vào đất Thục. Chạy đến Mã Ngôi Pha, các tướng sĩ đều cho mầm loạn là do Dương Qúy Phi mà ra nên bắt vua phải xử chết. Vua phải nghe theo.
      Trong bài phú Nôm "Cung Trung Bảo Huấn", đề cao lễ giáo trong cung của Bùi Vịnh, một văn thần đời nhà Mạc, có câu:

      Li-sơn cười một phút. Bao-Tự kia lầm hết chư hầu.
      Vị Thủy tắm đòi phen, DƯƠNG PHI nọ độc hòa thiên hạ.

     Còn trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Truyện Tây Sương" thì có câu:

                        Dễ Ngọc Nữ, dễ Tiên Phi,
                Chẳng thì Tây Tử, chẳng thì THÁI CHÂN.

     Còn THÁI NỮ 采 女 tức là GIANG THÁI TẦN 江 采 蘋 là phi tần được Đường Minh Hoàng rất yêu trước khi có Dương Qúy Phi. Bà người đất Bồ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến hiện nay. Vì yêu thích hoa mai nên được Đường Minh Hoàng phong là MAI PHI 梅 妃; tư chất thông minh, 9 tuổi đã thuộc Kinh Thi, cầm kỳ thi họa đều giỏi, lại tinh thông âm luật, giỏi thổi bạch ngọc tiêu, lại biết ca múa, là tiêu biểu của một giai nhân tài hoa.
     Trong truyện thơ Nôm Phương Hoa - Lưu Nữ Tường có câu:

                     Giá xưa nay chửa thấy ai,
                 Nào người THÁI NỮ, nào người Ban Cơ.   
        
       THÁI VĂN CƠ 蔡 文 姬, tên Diễm 琰, tự là Văn Cơ (có sách cho là Chiêu Cơ 昭 姬) người quận Trần Lưu, là nữ văn học gia đời Đông Hán, con của nhà văn học Thái Ung, học rộng nhiều tài, giỏi về văn học, thư pháp, âm nhạc, giỏi về đàn cầm, là một tài nữ đương thời. Có chồng là Vệ Trọng Đạo, chồng chết về nhà cha mẹ. Đời Đông Hán, Trung nguyên đại loạn, bộ tộc Hung Nô thừa cơ làm phản. Thái Văn Cơ bị Hung Nô bắt đi, sanh được hai con ở Hung Nô. Sau khi Tào Tháo thống nhất phương bắc, mới chuộc Thái Văn Cơ về gả cho Đổng Kỵ.
      Trong tác phẩm Sãi Vãi, cụ Nguyễn Cư Trinh đã cho bà Vãi luận về các nữ lưu tài giỏi như sau:

      Gái như Tạ Đạo Uẩn, gái mà hay vịnh tuyết thành thơ,
      Gái như THÁI VĂN CƠ, gái mà biết phân cầm nên khúc...
           
                  
         
       THÁI THẠCH 采 石, tức là Thái Thạch Cơ 采 石 磯, bờ đá bên dòng Thái Thạch. Tương truyền Thi Tiên Lý Bạch uống rượu say rồi nhảy xuống lòng sông nầy ôm trăng mà chết, nên có rất nhiều danh thắng để tưởng nhớ đến Thi Tiên, như Lý Bạch Mộ 李 白 墓, Trích Tiên Lâu 謫 仙 樓, Tróc Nguyệt Đình 捉 月 亭... Tất cả những văn nhân thi sĩ, sứ thần nước ngoài khi đi sứ ngang qua đây đều có làm thơ tưởng nhớ đến Lý Bạch. Cụ Nguyễn Trãi nhà ta trong thời gian ở Trung Hoa cũng có bài thơ Thái Thạch Hoài Cổ 采 石 懷 古 để tưởng nhớ đến Thi Tiên:
               
  采 石 曾 聞 李 謫 仙,   Thái Thạch tằng văn Lý Trích Tiên,
  騎 鯨 飛 去 已 多 年。   Kỵ kình phi khứ dĩ đa niên.
  此 江 若 變 為 春 酒,   Thử giang nhược biến vi xuân tửu,
  只 恐 波 心 尚 醉 眠。   Chỉ khủng ba tâm thượng túy miên.
Có nghĩa :
             Thái Thạch từng nghe Lý Bạch say,
             Cởi kình bay biết mấy năm nay.
             Sông này nếu biến thành xuân tửu,
             Lòng sóng e rằng vẫn ngủ say !
   Lục bát :
             Từng nghe Thái Thạch Trích Tiên,
             Cởi kình bay mất bao niên trước rồi.
             Nước sông biến rượu xuân trôi,
             Chỉnh e lòng sóng say vùi ngủ yên !

        Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Bích Câu Kỳ Ngộ cũng có câu:
                      Ấy ai rơi mũ bên non,
             Bóng trăng THÁI THẠCH là hồn ai say.

        Ta lại có từ THÁI SƠN 泰 山 là núi Thái Sơn; còn HỒNG MAO 鴻 毛 là Lông của con chim Hồng. MAO 毛 là loại lông rất nhẹ, là lông tơ, lông măng. Theo "Báo nhiệm An Thư 報 任 安 書" trong Sử Ký của Tư Mã Thiên 司 馬 遷 的 史 記 đời Hán có câu " 人 固 有 一 死,或 重 于 泰 山,或 轻 于 鸿 毛 Nhân cố hữu nhất tử, hoặc trọng vu thái sơn, hoặc khinh vu hồng mao", có nghĩa: Là người cố nhiên phải chết, nhưng có những cái chết nặng như núi Thái Sơn, có những cái chết nhẹ tợ Lông Hồng", nên thường dùng từ HỒNG MAO để chỉ vật gì rất nhẹ hoặc bị xem nhẹ. Như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc chỉ những chàng chinh phu đi chinh chiến xem nhẹ cái chết với câu:

                      Chí làm trai dặm ngàn da ngựa,
                    Gieo THÁI SƠN nhẹ tựa HỒNG MAO.
 
       THAM SANG HẠI VỢ là Tham lam giàu sang quyền lực là giết hại vợ nhà. Theo tích sau đây:
       Thời Đông Châu Liệt Quốc, có tướng nước Vệ là Ngô Khởi 吳 起 làm quan ở nước Lỗ. Nước Tề dấy binh đánh Lỗ. Ngô Khởi được tiến cử làm tướng lãnh binh chống Tề. Nhưng vua Lỗ còn nghi ngại vì vợ của Ngô Khởi là người nước Tề, nên nghi ngờ Ngô Khởi không hết lòng giúp mình, nên còn chần chừ chưa giao binh phù tướng ấn. Ngô Khởi biết ý bèn về nhà giết vợ xách đầu đến dâng cho vua Lỗ. Ngô Khởi bèn được vua Lỗ trọng dụng và tin dùng. 
       Tích nầy thường dùng để chỉ những người ham mê công danh bất chấp thủ đoạn, vô tình vô nghĩa, làm cả những việc thương thiên hại lý. Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh khi cho ông Sãi luận về chữ "Ghét" có các câu như sau:

                     Ghét hoài ghét hủy; ghét ngọt ghét ngon
                     Ghét đứa cầu mị mà giết con,
                     Ghét đứa THAM SANH mà HẠI VỢ.
       
                     

       THANG MỘC 湯 沐 : THANG 湯 là Canh, là Nước nóng. MỘC 沐 là Tắm rửa. Theo tục lệ từ đời nhà Chu, Thiên tử đem một khu đất ở gần kinh đô phong cho các vua Chư hầu, gọi là THANG MỘC ẤP 湯 沐 邑. Mỗi lần vào chầu thiên tử thì các vua chư hầu đến Thang Mộc Ấp mà nghỉ ngơi, tắm gội, trai giới cho sạch sẽ để vào chầu vua. Từ đời Hán trở đi THANG MỘC ẤP là từ dùng để chỉ các Thái Ấp mà vua phong cho các công thần, vương hầu. Ở Việt Nam ta ngày xưa, Thanh Hoá là đất Thang Mộc của triều Lê và triều Nguyễn sau nầy. 
       Trong Thiên Nam Ngữ Lục soạn vào đời Chúa Trịnh Căn có câu:
                     Nó cùng Đường Nguyễn bấy chừ,
                 Lấy làm THANG MỘC, súc trừ binh lương.

      Còn THANG, VĂN là chỉ hai ông vua tốt của đời xưa là THÀNH THANH 成 湯 của đời nhà Thương và CHÂU VĂN VƯƠNG 周 文 王 của nhà Chu được coi là hai ông vua hiền tài mẫu mực của Trung Hoa xưa, như trong bài hát nói KẺ SĨ của cụ Nguyễn Công Trứ:

                   Xe bồ luân dù chưa gặp THANG VĂN,
                   Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.  
            
          
                       Thành Thang                       Châu Văn Vương

     Hẹn bài viết tới :
                         THANH, THÀNH, THÂN, THẦN. 

                                                            杜 紹 德
                                                         Đỗ Chiêu Đức









Không có nhận xét nào: