Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

LẼ SỐNG LÀ GÌ - Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*) Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

LẼ SỐNG LÀ GÌ

(Điều 26: Công việc của nghề nghiệp chiếm vị trí rất quan trọng trong cuộc đời nên việc cảm thấy lẽ sống trong công việc này là chìa khóa để mở cánh cửa vào cuộc đời hạnh phúc và thành công của bạn) (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Công việc của nghề nghiệp chiếm vị trí rất quan trọng trong cuộc đời của bạn. Tìm được lẽ sống trong công việc nghề nghiệp hay không là chìa khóa để mở cánh cửa vào cuộc đời hạnh phúc của bạn.(2)

Đã may mắn được ơn trên ban cho sống làm người ở thế gian này nên có lẽ trong chúng ta ai cũng muốn sống một cuộc đời mà chúng ta cảm thấy có lẽ sống. Tôi nghĩ rằng nếu không có lẽ sống mà sống mỗi ngày như không biết sống để làm gì, không biết lý do để sống thì nhất định không thể nói là cuộc đời có hạnh phúc.

Như vậy vấn đề là chúng ta tìm lẽ sống ở đâu? Trong hiện thực có lẽ có nhiều dạng thức (hình dạng, cách thức) (3) của lẽ sống. Có thể có người cảm thấy các thú vui (hobbies) hoặc thể thao là lẽ sống. Hoặc có người cho rằng gia đình là lẽ sống, hoặc có người lấy việc con cái trưởng thành là lẽ sống. Lại cũng có người lấy việc tích trữ tiền bạc hoặc ăn uống món ngon vật lạ làm lẽ sống lớn nhất của mình.

Tôi nghĩ rằng cái gọi là lẽ sống đa dạng, mỗi người có lẽ sống riêng của mình, và tôi cũng nghĩ rằng lẽ sống của con người nên đa dạng.

Khi tôi thử suy nghĩ xem xét cho đến nay lẽ sống của bản thân là gì thì tôi nghĩ rằng lẽ sống của tôi có nhiều thứ và đã thay đổi theo thời gian.

Lúc 9 tuổi do tình cảnh của gia đình tôi phải rời nhà đi học thí công ở thành phố Osaka và đã tích trữ nhiều kinh nghiệm của một thiếu niên dùng để sai việc trong nhiều năm. Trong lúc ban đầu của thời gian học thí công tôi đã thường khóc ướt đẫm gối vì nhớ mẹ ở quê nhà. Nhưng rồi tôi dần dần quen với công việc và khi đó tôi ước mơ rằng một lúc nào đó tôi sẽ trở thành chủ nhiệm của cửa tiệm được chủ tiệm giao cho chỉ huy 5 hoặc 6 thiếu niên sai việc để làm ra được thành quả gì đó. Với ước mơ như vậy, tôi đã tận sức đổ mồ hôi làm việc từ sáng sớm đến tối, quên mất cả thời gian trôi qua.

Vào thời đó người đời hiếm khi đề cập đến lẽ sống, và bản thân tôi cũng còn nhỏ nên cũng đã không nghĩ đến hoặc có nhận thức gì về lẽ sống. Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi đã để hết tâm sức vào công việc với chút ít kỳ vọng như nói trên và đã cảm thấy cảm giác mãn nguyện nên có thể nói đó là một dạng thức cảm thấy được lẽ sống.

Sau đó, khi tôi làm việc cho công ty Đèn Điện tôi đã phụ trách công việc dẫn truyền dây điện, và tôi đã cố gắng hết sức trau dồi tay nghề của một người thợ điện với mong muốn sao cho được mọi người tôn trọng. Tôi đã tích cực thực hiện nhiều công trình khó khăn, đôi lúc phải thức suốt đêm dài để hoàn thành nhưng tôi đã cảm thấy được niềm vui to lớn trong công việc.

Kế đến, khi tôi ra làm riêng lúc 22 tuổi, mặc dù quy mô công việc nhỏ bé, tôi đã khởi lập sự nghiệp chế tạo các sản phẩm xài điện. Lúc bắt đầu công việc này, tôi đã say mê công việc, ngoài công việc không còn để tâm đến việc khác. Ngày nào tôi cũng thật sự tận tâm tận sức vào ngày đó. Những ngày mùa hè, tôi làm việc cho đến tối rồi đổ nước nóng vào bồn đựng nước để ngâm và tắm. Trong lúc ngâm mình trong nước nóng tôi cảm thấy một thứ hương vị mãn nguyện và tự khen mình “hôm nay mình đã giỏi làm việc”.Vào   giờ phút này tôi vẫn còn nhớ được cảm giác của lúc đó.

Rồi đến khi quy mô của công ty to lớn lên, tôi lấy việc thông qua công việc của công ty để nâng cao đời sống văn hóa nhiều người để cống hiến, tham gia vào phát triển của xã hội làm sứ mệnh, và tôi cảm thấy việc cùng với nhân viên của công ty để đạt được sứ mệnh này là lẽ sống cho đến nay.

Lẽ sống như đã trình bày ở trên của tôi nhất định từ đầu đến cuối không phải một thứ mà nhiều thứ và biến đổi theo thời gian. Nhưng tôi nghĩ rằng phải chăng như vậy cũng tốt.

Trong thế gian này, có người để tâm sức vào một công việc suốt cả cuộc đời và tiếp tục tìm lẽ sống của mình trong đó. Nhiều người như các nhà tôn giáo, các nghệ sĩ hoặc nghệ thuật gia có thể nói thuộc trường hợp này. Tôi nghĩ đây cũng là một dạng thức rất tuyệt vời. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả mọi người đều phải như vậy. Vào một thời kỳ nào đó tìm ra một lẽ sống, xong rồi lại tìm ra một lẽ sống khác, tôi nghĩ rằng việc này cũng có ý nghĩa.

Tuy nhiên, một điều mà tôi muốn thử suy nghĩ xem xét ở đây là về lẽ sống trong công việc của nghề nghiệp chúng ta. Không cần phải nói, trong cuộc đời của chúng ta, công việc nghề nghiệp chiếm một vị trí rất quan trọng ở cả 2 mặt thời gian và kinh tế. Do đó, mặc dù nói rằng lẽ sống có thể đa dạng nhiều thứ nhưng có thể nghĩ rằng việc chúng ta có cảm thấy lẽ sống trong công việc nghề nghiệp của chúng ta hay không, tùy theo trường hợp, có một ý nghĩa lớn đến mức độ chi phối hạnh phúc hay bất hạnh trong cuộc đời của chúng ta.

Do đó việc vui sướng với thú vui hoặc lấy gia đình làm trọng đều làm cho nội dung sinh hoạt của chúng ta có nhiều sắc thái ở nhiều mặt, mỗi việc có ý nghĩa sâu đậm riêng và quan trọng nhưng tôi cảm thấy rằng điểm trung tâm hoặc cội rễ nền tảng của việc này là chúng ta cần phải cảm thấy lẽ sống và niềm vui ở trong công việc của nghề nghiệp. Dĩ nhiên tôi không nghĩ rằng chỉ có công việc của nghề nghiệp mới nên là lẽ sống nhưng tôi nghĩ rằng để cho chúng ta cảm thấy đời người chúng ta hạnh phúc, phong phú và mãn nguyện thì phải chăng điều được xã hội mong muốn là, ít nhất công việc của nghề nghiệp cũng là một trong những lẽ sống to lớn của chúng ta.

Nguyễn Sơn Hùng

8/2/2023

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人 生 心 得 帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.


Nhận xét của người dịch

1. Trong bài “Cái gọi là lẽ sống” trong sách “Nhân Sinh Đàm Nghĩa” (Ý kiến về đời người) của cùng tác giả có thêm 2 điều sau, người dịch giới thiệu thêm ở đây để quý độc giả có thể tham khảo thêm.

  (1) Điều kiện của lẽ sống. Như tác giả đã đề cập trong bài viết trên, lẽ sống con người nên đa dạng và mỗi người có quyền tự do chọn lẽ sống cho mình. Tuy nhiên trong bài viết “Cái gọi là lẽ sống” tác giả có nói thêm “Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng đối với lẽ sống của bản thân, không thể chỉ một mình bản thân của mình vui vẻ và thỏa mãn là đủ”. Tác giả cho rằng lẽ sống đó phải được người khác thừa nhận hoặc lương thức của xã hội chấp nhận. Nói cụ thể cho dễ hiểu hơn, lẽ sống không thể nào là trộm cắp, lừa gạt, giết người v.v…Những trường hợp cụ thể này dễ hiểu nhưng chúng ta cũng nên lưu ý có những trường hợp rất khó phán đoán đúng sai!

  (2) Thời đại ngày nay hạnh phúc hơn thời xưa. Quả thật ngày nay chúng ta được nhiều tự do hơn thời xưa, thí dụ, không còn việc “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Ngày nay chúng ta có thể chọn lựa công việc, nghề nghiệp mà chúng ta yêu thích.

2. Trong bài này mặc dù tác giả không trực tiếp giải thích rõ “lẽ sống” là gì nhưng chúng ta có thể hiểu ý nghĩa “lẽ sống” tác giả muốn nói: “lý do để sống”, “niềm vui để sống”, “giá trị để sống”. Tiếng Nhật của “lẽ sống” là “ikigai” (生 き甲 斐). “iki 生き” nghĩa là “sống”, “kai 甲 斐” nghĩa là “hiệu quả tốt hoặc cảm giác thỏa mãn có được do đã làm một việc gì đó. Như vậy nghĩa của “ikigai” là “sống vui” hoặc “sống có ý nghĩa” hoặc “sống có giá trị”

Sau khi Dan Buettener đề cập “ikigai” là một trong những nguyên nhân giúp người Nhật ở Okinawa sống trường thọ, từ “ikigai” và “blue zones” (vùng dân cư sống trường thọ) được giới Âu Mỹ quan tâm đến nhiều (4) sau thập niên năm 2000.

Năm 2017 Héctor García và Francesc Miralles đã xuất bản “Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life” (tạm dịch, Ikigai: Bí mật của trường thọ của người Nhật).

Người viết chưa đọc tác phẩm “Ikigai” nói trên nhưng khi nhìn vào Hình 1 của tác phẩm được trích dẫn ở phía dưới về điều kiện phải thỏa 4 điều kiện: “yêu thích”, “sở trường”, “được thù lao”, “xã hội có nhu cầu”. Thoáng nhìn qua thấy có vẻ nghiêm khắc nhưng suy nghĩ kỹ lại thấy hợp lý. Vấn đề công việc nghề nghiệp mà Matsushhita Kônosuke đã đề cập trong bài viết bao hàm 2 điều kiện sau cùng. Và một khi đối với nghề nghiệp chúng ta có yêu thích ở chừng mực nào đó chúng ta mới có thể tiếp tục lâu dài. Một khi tiếp tục được lâu dài, dù không có tài năng đặc biệt chúng ta có thể thuần thục công việc ở mức độ nào đó, nên có thể nói thỏa mãn điều kiện “sở trường”.

Tuy nhiên nên lưu ý rằng đối với những người về hưu, điều kiện “được thù lao” không còn là cần đến nữa và làm việc với tinh thần tự nguyện càng nâng cao cường độ của lẽ sống.

   Trong sách “The Blue Zones, Second Edition: 9 Lessons for Living Longer From the People Who’ve Lived the Longest” (xuất bản năm 2012), Dan Buettner đã đề xuất 9 điều để sống thọ mà ông đã rút ra từ 5 vùng có nhiều người sống thọ nhất trên thế giới: (1) tiếp tục vận động thích đáng, (2) ăn khoảng 80% bụng, (3) ăn thực phẩm có từ thực vật, (4) uống rượu vang đỏ với lượng vừa phải, (5) có mục tiêu cụ thể, (6) sống với nhịp điệu chậm không gấp rút, (7) có lòng tín ngưỡng, (8) ưu tiên gia đình, (9) có quan hệ tốt với người chung quanh trong cộng đồng.

3. Người viết rất ngạc nhiên không có từ điển tiếng Việt nào (từ Huỳnh Tịnh Của, Hội Khai Trí Tiến Đức, Lê Văn Đức, đến Viện Ngôn Ngữ Học) có giải nghĩa của từ “lẽ sống”! Chỉ có Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học (xuất bản năm 2003) có ghi trong thí dụ của nghĩa thứ hai của từ “lẽ”: “Điều được coi là lý do giải thích, là nguyên nhân của sự việc”. Tuy nhiên trong Từ Điển Tiếng Việt Phổ Thông” của Viện xuất bản năm 2013 thí dụ “lẽ sống” không còn ghi.

Tra trên Internet tiếng Việt thấy rất ít trang giới thiệu, chỉ có 2 trang web hướng dẫn tìm việc làm giải nghĩa là “ý nghĩa của cuộc sống”!

   Phải chăng người Việt chúng ta cần nên suy nghĩ học hỏi thêm nhiều về lẽ sống? Việc này không những giúp chúng ta vừa có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, vừa có ý nghĩa mà còn giúp sống lâu hơn chăng?

Nguyễn Sơn Hùng, viết xong ngày 8/6/2023

Trở về trang chủ

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

(3) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(4) Source: 生き甲斐 – Wikipedia

Hình 1 Khái niệm của “Ikigai” trong “Ikigai: The Japanese Secret to a Long and Happy Life” của García & Miralles (2017)

Bốn vòng tròn, vòng trên: lĩnh vực chúng ta yêu thích; vòng trái: lĩnh vực chúng ta có sở trường; vòng dưới: lĩnh vực chúng ta có thể được trả thù lao; vòng phải: lĩnh vực có nhu cầu xã hội. Lĩnh vực chung của “vòng trên” và “vòng trái”: nhiệt tình (say mê); chung của “vòng trái” và “vòng dưới”: chuyên nghiệp; “vòng dưới” và “vòng phải”: nghề nghiệp; “vòng phải” và “vòng trên”: sứ mệnh. Lĩnh vực chung của “yêu thích”+ “sở trường”+ “có thể được thù lao”+ “nhu cầu xã hội”=ikikai=lẽ sống.






Không có nhận xét nào: