ÔNG THẦY NHO vkp
phượng ngày xưa
Viết lại nhân đọc bài Chuyện Học Chữ Nho của HP
Năm 13 tuổi, tôi học lớp đệ lục của trường Lê văn Trung,
sinh ngữ chính là Pháp, phụ là Hán văn, thầy dạy chữ Hán tên là Võ văn Hợi mà
bọn tôi quen gọi là “Ông Thầy Nho”. Khi
đến lớp Thầy luôn mang theo cây thước bảng và cái roi mây, học trò gái có lỗi
thì Thầy khẻ thước vào tay còn trò trai thì phải ăn roi mây khi phạm lỗi. Đọc chữ Hán thì tương đối còn dễ chứ viết thì
đáng sợ lắm, đã vậy Thầy còn bắt phải dùng bút tre và mực Tàu. Tôi viết chữ Hán quá xấu mà tay thì dính mực
tèm lem nên cứ bị ăn thước kẻ hoài. Càng
tội nghiệp hơn nữa là tôi mang cùng họ với Thầy nên Thầy bảo là cùng Tổ cùng
Tông với Thầy thì phải học thật giỏi chữ nho.
Vì thế, bọn họ Võ chúng tôi thường bị đòn nhiều nhứt...
Bọn con trai lớp
tôi mê đá banh lắm nên thường vào lớp trễ sau giờ ra chơi. Có lần, Thầy vào lớp hơn 10 phút, đội bóng mới
vào, nhìn cả bọn mồ hôi nhễ nhại, Thầy vừa nhịp nhịp cái roi trên bàn vừa bảo: "Trò nào nóng quá thì cởi áo ra cho mát.” Quá ngây thơ, không hiểu ý đồ của
Thầy là tìm ra thủ phạm để xử cho “đúng người đúng tội” nên cả đội đều cởi áo
ra quạt phành phạch. Xong Thầy bảo các bạn ngồi bàn đầu lùi xuống phía dưới
nhường lại một bàn trống rồi Thầy lần lượt mời từng thành viên của “đội banh
trần trụi” nằm sấp lên bàn, quất cho mỗi cậu môt roi đau điếng, vừa đánh Thầy
vừa nói: "Học giả hảo hay bất học giả hảo? Học giả như hòa như đạo, bất học giả như cảo như thảo” Có lẽ vì thế mà giờ dạy chữ Hán của Thầy càng ngày càng vắng
học trò, đứa nào cũng sợ 2 dụng cụ dạy học của Thầy trong đó có tôi là đứa
thường xuyên trốn học giờ Thầy
Trích Nhật Ký Tuổi Thơ
Vkp phượng ngày xưa
Chuyện học Chữ Nho ở Đạo Đức Học Đường và trường Lê văn Trung- Tòa Thánh Tây
Ninh - PH.
Xin thưa trước với các bạn đây chỉ là một hồi ức những năm tháng còn bé, hồi tôi còn học tại Đạo Đức học đường và Lê văn Trung... viết để các bạn nào đã từng theo học tại 2 ngồi trường nầy nhớ lại những gì mình đã trãi qua.
Tôi vào học tại Đạo Đức Học Đường năm lớp Trung đẳng (lớp 4 bây giờ ). Đây là trường do đạo Cao Đài thành lập: trường nghèo- học sinh không phải đóng học phí(*), lớp học : nền đất dậm, tường, mái đều lợp tranh, bàn ghế thô sơ. và chỉ có một tấm bảng đen
Xin vào học dễ dàng, không giới hạn tuổi tác (lớp tôi có nhiều anh chị có lẽ đến 16,17 tuổi), không phải kèm học bạ ...chi hết, miễn cô, thầy lớp đó nhận là được
Xin kể sơ lược một chút về việc học hồi đó.
Thầy đến lớp thường mặc bộ bà ba trắng hoặc Âu phục; áo sơ mi, quần tây. Cô thì luôn là áo dài trắng, quần đen. Về các bài học (sau nầy tôi mới biết) lấy từ Quốc Văn Giáo Khoa Thư, bài học thuộc lòng luôn dạy về tình yêu Tổ quốc, Đồng bào, chia sẽ trách nhiệm với môi người chung quanh. Đó là thơ dịch ra Tiếng Việt của La Fontaine .
Năm đó tôi học lớp Trung Đẳng với cô Kiêm (tháng 9/1953). Cô người trung bình, búi tóc sau ót, tiếng nói thanh, rõ, lớn.
Một tuần chỉ nghĩ ngày chủ nhật. Lên lớp Trung Đẳng tôi có học thêm chữ nho, mỗi tuần 2 giờ.
Xin kể về chuyện học chữ Nho. Thầy dạy chúng tôi, mọi người thường gọi thầy hai Nho. Thầy không bao giờ mặc Âu phục. Khi lên lớp thầy luôn đạo mạo với áo dài đen, quần trắng. Thầy nói năng nhẹ nhàng từ tốn với mọi học trò
Thầy chép bài học lên bảng bằng chữ Hán. Chúng tôi gò tay chép theo, sau đó là thầy cầm thước chỉ từng chữ, chúng tôi răm rắp đọc theo: Quân, Sư, phụ, Tử, Quốc, Gia...
Học được một số chữ xong thì tới lúc học một đọan dài hơn sau nầy tôi mới biết đó là những đọan trích trong TAM TỰ KINH:
Nhân chi sơ, tính bản thiện,
Nhân bất học bất tri lý,
Ngọc bất trác bất thành khí ......
........
Hữu Từ Phụ: Có cha hiền lành
Tất hữu hiếu tử: Ắt có con thảo thuận.
Chữ nho loằng ngoằng khó viết và hiểu, nhưng những bài học thường theo chủ đề Hiếu Nghĩa bằng văn vần tiếng Việt nên chúng tôi cứ vậy mà học thuộc lòng. Lâu lâu thầy gọi trả bài, cứ thế ngẩng đầu mà đọc liên tục, lảnh điểm cao về chỗ ngồi .
Đôi khi mở đầu giờ học, thầy viết 1 đọan chừng 7, 8 chữ của bài trước và gọi 1 học sinh bắt nói đó là chữ gì. Lúc đó chúng tôi phải lẩm nhẩm đếm: chữ đó ở hàng thứ mấy trong câu rồi suy ra nhưng cũng có đứa xui xẻo: tính sai vị trí chữ nên trả lời bậy hoặc im thít,nếu không nhờ các bạn nhắc thì ăn đòn là cái chắc, vì làm sao mà biết "mặt chữ" được ?
Hết năm trung đẳng, nhà tôi dời ra cửa số 7 ngoại ô nên tôi lên lớp cao đẳng của thầy Đáng, vì cuối lớp Cao đẳng, học sinh phải thi Cao đẳng Tiểu học nên chữ Nho chỉ học một đệ nhất luc cá nguyệt rồi ngưng (không biết lý do...).
Sau nầy tôi có hỏi một số bạn cùng thời ở các tỉnh khác vào cùng học Sư Phạm Sài Gòn, các bạn nói không có học chữ Nho, một vài chỗ học chữ Pháp.
Tôi nghĩ trường Đạo Đức và Lê văn Trung do đạo Cao Đài thành lập và do muốn học sinh mai sau thành người lấy chữ Hiếu , Lễ ,Nghĩa làm trọng nên mới dạy chữ Nho.
Qua thời gian học chữ Nho ở Tiểu học, tôi cũng không thễ nhớ được mặt chữ nào nhưng những bài học thuộc lòng về hiếu nghĩa thì vẫn còn lại... Tôi nghĩ Thầy Cô, nếu muốn đặt nền tảng đạo đức cho học sinh bậc Tiểu Học cũng có thể dạy những bài bằng Tiếng Việt, dễ nhớ, phù hợp với tuổi nhỏ, không gây khó cho Thầy lẫn trò.
Viết để nhớ lại những kỷ niệm của riêng mình... Bây giờ nghe nói đem chữ Hán vào trường cho học sinh như một ngoại ngữ bắt buộc, bản thân tôi thấy rất khó cho Thầy lẫn trò trong khi tiếng Anh là ngôn ngữ dễ học, dể hiểu mà VN mình cũng học chưa hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét