Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Thơ Xướng Họa- Bài xướng: Tiếng Đêm (Nguyễn Đ Thắng) - Các bài họa của Phương Hà, Nguyễn Đ Thắng, Mai X Thanh, Quên Đi, Nguyễn Cang


Cùng Bạn ,
   Lật bật lại sắp hết tuần, xin gởi đến Bạn một cảm tác của tôi qua bản nhac của Đức Quỳnh cùng một bài tập đọc trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày trước.
 Lâu, lâu lắm rồi, tôi mới đây tình cờ tình nghe lại được  bản nhạc Ba Giờ Khuya, bản nhạc mà từ lâu tôi rất mê của Đức Quỳnh do Trần văn Trạch diển tả.  Tôi thích giọng ca  trầm ấm, đặc sệt giọng Nam Bộ của TvT; tôi vội vàng tìm kiếm lời ca và chép xuống gởi đến các bạn để chia sẻ, chắc cũng có nhiều Bạn thích bản nhạc nầy.

      Ba Giờ Khuya
Trời đông lạnh lẽo muôn bề
Buồn nhớ ai đêm dài
Lòng xôn xao vô cùng nhịp theo tiếng chuông
Kìa! Ngoài hè gió lạnh băng
Rồi từng hồi lá vàng rơi
Như gieo tiếng buồn trong đêm vắng
Tiếng dế khóc dường oán thương
Trong sương mờ bóng chim
Bay đi từng lứa đôi tìm nơi tổ ấm.
Nhìn mây mây bay
Nhìn sương sương rơi
Lòng em như tơ vò trăm mối
Chàng ơi hay chăng
Mỗi đêm em nghe
Tiếng chuông từ xa lắng ngân
     Nghe xong bản nhạc, tôi bồi hồi nhớ lại tiếng đờn của cái đồng hồ Tây treo tường của ba tôi ngày xưa. Đêm thinh vắng tiếng đàn ngân nga trầm buồn, man mác thắm tận cõi lòng. Từng tiếng bon bon gõ giờ chậm rãi, thật chứa chan, thật não nề, như nhắc ta cái lạnh lùng của thời gian khiến người nghe không khỏi  tái tê;  tiếng đàn vừa im bặt là tiếp theo tịếng tíc tắc nghe rõ mồn một của cái qủa lắc đong đưa đều đều, buồn thúi ruột! Tôi cũng còn nhớ những đêm Ba tôi khó ngủ, người bắt ghế, mở cánh cửa đồng hồ rồi buộc lại cái qủa lắc (người miền Nam còn gọi là trứng dái đồng hồ) không cho nó dao động nữa, không cho nó đàn địch nữa để dỗ giấc.



      Nơi đây, bây giờ cũng vậy, tôi thường mất ngủ, càng già lại càng khó ngủ và ngủ rât ít, lòng bùi ngùi nhớ lại những đêm ở quê nhà trước 75, tôi nhớ rõ từng tiếng động ban đêm từ trong nhà đến ngoài hè. Nhà tôi ở nữa quê nửa chợ nên nghe tiếng động ban đêm cũng thú vị lắm trong những đêm trằn trọc.
Nhân đây tôi cũng xin chép xuống bài Tiếng Động Ban Đêm trong bộ sách Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị để chúng ta cùng nhớ lại bộ sách đã dạy dỗ, chuẩn bị chúng ta ra đời làm người trong nếp sống luân lý đạo đức của người xưa. Bài đọc ngắn gọn dưới đây khơi dậy trong tôi một niềm cảm xúc miên man thời thơ ấu cũng như thời gian đi dạy học tại một tỉnh lẻ xa xôi miền sông nước.
               Tiếng Động Ban Đêm
     Một đêm nằm mãi không ngủ được, tôi lắng tai nghe những tiếng động ở nhà.
Ở dưới giường, con mọt nghiến gỗ kèn kẹt như người đưa võng. Ở đầu giường, cạnh cái tủ, chuột chạy sột sạt (rọt rẹt) đưa cạnh mình, muỗi kêu vo vo. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng con mối (thằn lằn) bắt muỗi. Con nắc nẻ (*) bay xè xè trên vách .
     Không những ở trong nhà, mà ở ngoài cũng có tiếng động. Cạnh nhà, gió thổi vào những tàu lá chuối, nghe như mưa;  ngoài vườn tiếng dế kêu ri rỉ. Trời mới mưa, các chổ trũng (hũm) đầy nước cả, nên cóc và ếch, nhái, đều kêu inh ỏi (vang). Xa xa, thì nghe tiếng chó sủa trăng.
  (*) con nắc nẻ: Một thứ côn trùng thuộc loại bướm.
Dạo:
 Lại một đêm khó ngủ ,
“Giáo Khoa Thư “ bài cũ đọc vài trang.
Tiếng động đêm ngày ấy vẫn tiềm tàng,
Đêm viễn xứ miên man trong nỗi nhớ!
 Tiếng Đêm Năm Cũ
Trằn trọc mãi, nằm  hoài không chợp mắt,
Tôi lắng nghe se sắt tiếng đêm dài.
Muỗi vo ve cứ khuấy nhiễu bên tai,
Mọt nghiến gỗ như võng ai kèn kẹt.
Trên đầu tủ chuột tung hoành rọt rẹt,
Một tiếng choang nát bét! Tách trà rơi!
Con thằn lằn chắc luỡi tiếc của đời,
Con nắc nẻ xè xè bơi trên vách.
Tiếng dế khóc tỉ tê gần kệ sách,
Như hận đời oán trách kiếp phù du.
Tiếng cú đêm ma quái giữa âm u,
Qua song cửa, vi vu nghe gió thở.
Đêm khó ngủ, tôi mơ màng lăn trở,
Chuối xạc xào cứ ngở tiếng mưa rơi.
Tre bên hè cọt kẹt khiến rợn người,
Xa văng vẳng, buồn ơi nhạc ếch nhái.
Tiếng trẻ khóc, nhà ai thêm tê tái,
Tiếng ầu ơ êm ái lẫn thê lương.
Tiếng chó tru rờn rợn xé đêm trường,                     
Đồng hồ nhạc trên tường ngân nga điểm.
Linh Sơn Tự, chuông công phu gió quyện,
Lòng buồn buồn theo tiếng súng xa xa.
Cùng tràng ho sù sụ bác bên nhà,
Gà eo óc xót xa bên sông vắng.
Trời gần sáng, một đêm dài thức trắng,
Nhưng hồn đêm còn lắng mãi trong tôi.
Bản đàn đêm chan chứa đã xa xôi,
Đêm đất khách bồi hồi thương đêm cũ.
                           Mailoc
                        Cali  6-18-14
                (Nhớ những đêm CaoLãnh)


                **********************************

Anh Nguyễn đắc Thắng vừa có bài thơ ngập tràn cảm xúc TIẾNG ĐÊM , cảm tác bài Tiếng Đàn Năm Cũ của anh Mai Lộc.


Bài xướng

      Tiếng Đêm
 (Cảm tác bài Tiếng Đêm Năm Cũ của Thầy Mai Lộc)
Đêm tiếp hoàng hôn gọi gió ngàn
Từ miền vô định thổi miên man
Phố phường trở lạnh đường khuya vắng
Lối ngõ buồn thiu ánh điện vàng
Nhân ảnh chập chờn hồn lạc lõng
Nỗi lòng u uất bước lang thang
Con thuyền viễn xứ không quay lại
Để bến thầm đau phận lỡ làng!



             Nguyễn Đắc Thắng - 201406

***************************************
Bài hoạ

Đêm Sơn Cước
(Mượn vận bài Tiếng Đêm của Nguyễn Đắc Thắng)


Một cánh chim bay khuất núi ngàn
Rừng cây uốn lượn, gió mơn man
Bước chân quấn quít vương tà áo
Đôi mắt long lanh ngập ánh vàng
Hò hẹn đắm say bên suối vắng
Chia tay lưu luyến dưới chân thang
Tiếng khèn da diết còn theo mãi
Xao động ngàn trăng chốn bản làng.

                           Phương Hà

*******************************************



************************************************


Xin tiếp nối Hoạ bài thơ của Nguyễn Đức Thắng
           Canh mòn

Bao canh mộng lạc với trăng ngàn
Thế sự vô tình đến dã man
Đày đoạ cuộc đời trong uất nghẹn
Vùi chôn số kiếp giữa mơ vàng
Sử kinh một thuở nhiều mây hội
Danh lợi giờ đây mấy bước thang
Cái học bao năm dòng nước chảy
Tâm mòn chết lặng chốn quê làng.

                      Quên Đi


****************************************

Hoạ bài "Tiếng Đêm" của Nguyễn đắc Thắng

Đây đỉnh sầu Đông bạt núi ngàn
Trời chiều bảng lảng nghĩ lan man
Đường khuya hun hút khơi niềm nhớ
Ngỏ vắng đìu hiu ngập là vàng.
Em vuốt tóc thề, hoen mí mắt
Anh  nuôi mộng ảo, bước lên thang
Đò ngang tách bền còn ai đợi?
Ngơ ngác trời Tây nhớ bản làng.   


          Nguyễn Cang
























Không có nhận xét nào: