Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2023

Về Lại Xóm Cầu Sắc An Biên - Ca Giao

         Về Lại Xóm Cầu Sắt An Biên

Mẹ tôi kể mấy tháng sau ngày đình chiến 1954, khi đó tôi còn ẩm ngửa, ba mẹ có chiếc ghe nhỏ làm nơi tá túc của gia đình. Vậy là anh chị em tôi theo ba mẹ trên chiếc ghe chèo về thành bắt đầu làm dân kẻ chợ, đậu ghe ở xóm Cầu Sắt trong kinh Ông Cò (để phân biệt với cái cầu sắt ngoài ở chợ gà) vì ở đó có bến ghe, có những người quen trong xóm hướng dẫn giúp đỡ như bác Hai Đại Kiết, cô Hai Thoại Hoa, cô Năm Ngọc Quang, Bác Hai Thắng (chủ hãng xe Công Tạo). Ba tôi mở tiệm may trên bờ, mẹ tôi thấy ở bến có các ghe hàng về đậu mua bán đủ thứ hàng hóa nên tham gia từ mua đi bán lại với vốn in ít, rồi dần dần làm vựa hàng bông nho nhỏ, vậy mà là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình. Ban đầu ba mẹ tính chỉ ở ghe tạm rồi mới chọn chỗ định cư, nhưng khi tôi chưa tròn một tuổi Ba đã phải nhận nhiệm vụ ở địa bàn khác mà không thể đem vợ con theo, mẹ lại một mình tần tảo nuôi con. Đến khi chiếc ghe đã không còn an toàn cho những đứa trẻ đang lớn, mẹ xoay sở mua được mái lá trên bờ cất nép sau chiếc mang cá cầu bằng bê tông, là chỗ mẹ thuê để chứa hàng, vì phía trước mặt còn nhà của bác Hai Thông nên mỗi khi muốn lên đường nhà tôi phải đi qua một cái cầu nối bằng những miếng ván vụn dài gần 5mét mới tới được chân mang cá cầu rồi leo ngang qua mới lên được đường. Khi cất lại nhà để ở mẹ tôi thay cầu bằng tấm ván to hơn, có vẻ chắc chắn hơn, nhưng vì quá dài nên cái cầu ván cứ nhún nhẩy theo bước chân mà không khéo thì lọt ngay xuống sàn cao hơn 4 mét. Vậy mà chị em tôi chạy cứ như không, có lẽ do đã được rèn luyện kỹ năng từ hồi còn chập chửng. Rồi bến ghe bị đuổi vì ở ngay dạ cầu, không an ninh, mẹ tôi chuyển nghề bán bún, bánh xèo bánh khọt, cơm tấm ở một góc hè phố An Biên suốt mấy mươi năm thành danh bà Sáu cơm tấm An Biên.

Khi tôi 5 tuổi có thêm cậu em út, em tôi được 3 tuổi thì ba tôi mất khi ấy mẹ chưa tròn 40 tuổi. Vậy đó mẹ góa con côi gắn bó với xóm Cầu Sắt được sự đùm bọc của tình thân xóm giềng. Dòng kinh Ông Cò hồi đó nước còn trong mát, hàng ngày chị em tôi ngụp lặn theo những cơn nước lớn nước ròng và trưởng thành cùng những mùa nước nổi hàng năm.

Với chị em tôi cái mang cá cầu (là dãy lan can bằng xi măng dài chừng hơn chục mét rộng hơn 5 tấc ở bốn cạnh để bảo vệ cầu) rất nhiều kỷ niệm. Nó rất chắc chắn và đủ rộng để làm sân chơi, vừa như bờ tường bảo vệ mái ấm của mẹ con tôi. Hồi tôi là cô bé 5 - 6 tuổi khái niệm về cái chung cái riêng như một ranh giới phân biệt bên ngoài bên trong. Tôi thích mỗi chiều tối được mẹ cho lên ngồi trên mang cá nhìn ngắm sinh hoạt phố chợ lên đèn người xe xuôi ngược. Chị em tôi cũng rất khéo léo bày trò chơi hay bán hàng quanh quẫn trên bờ tường làm nhẵn nhụi trơn láng một đoạn trước nhà, đến nỗi mấy chú lục lộ mỗi khi lễ tết đi quét nước vôi trắng nói: khúc nầy hết ăn vôi rồi. Những âm thanh từ là khó chịu đến thành quen thuộc của ván cầu và các thanh sắt bị long đinh chuyển mình ầm ầm ken két dưới sức nặng của nhưng chiếc xe nhà binh GMC chạy như chạy giặc, làm nhà tôi cũng rung rinh theo. Chiếc cầu là nơi đi về của bao nhiêu thế hệ học sinh trường nam tiểu học, trung học Thủ Khoa Nghĩa, và Nguyễn Hữa Cảnh, cũng là nơi nuôi dưỡng nhiều mộng mơ khi mỗi sáng mỗi chiều chị em tôi vừa làm công chuyện ở sàn nước vừa ngắm những tà áo dài thướt tha của học trò, quen thuộc bóng dáng thầy cô giáo đi ngang cầu. Hồi đó hầu hết là đi bộ, cứ thấy cái đầu cao hơn cả thành cầu thì biết là thầy Bùi Bửu Châu, cứ nhìn cái lưng áo dài thắt eo như số tám nho nhỏ tóc dài thì biết là cô Trương Thị Cúc, tóc ngắn nhanh nhẹn thì là cô Võ Hồng Phi, thướt tha uyển chuyển là cô Đặng Thị Tùng, che dù đi như múa thì đó là cô Nhan Thị Giáo, thầy Thuận pháp văn, thầy Tấn, thầy Trứ, thầy Ba, thầy Khương, thầy Đấu, cô Hạ Tùng, cô Trâm, cô Quang, thầy Hà…và nhiều nữa, nhưng tôi thường mong ngóng là cô Nguyễn Thị Giên, cô thường mặc bộ đồ dài trắng hoặc màu nhạt rất nhả, tóc bới, che dù xách cặp táp, mang kính râm là hình ảnh thần tượng của riêng tôi. Dù không được học với cô nhưng chính cái dáng mực thước trang nghiêm mà dịu dàng của cô đã hình thành trong tâm tưởng đứa con gái nhỏ là tôi lúc bấy giờ một ao ước âm thầm và đó cũng là động cơ để tôi chọn nghề sư phạm đi làm cô giáo.



Rồi theo thời gian cái tên Cầu sắt trong hay là cầu kinh Ông Cò dần được thay bằng tên cầu sắt An Biên khi ở một góc ngả tư nơi vốn là khu vườn và ngôi nhà mái ngói của ông Bảy Tịnh hình thành một tòa lầu ba tầng đồ sộ tầng trệt là cửa hàng kinh doanh, tầng lầu được mang tên là khách sạn An Biên nổi tiếng sang trọng của cả vùng. Thời đó khi mấy gánh cải lương đại ban về Châu Đốc hát ở rạp Tân Việt thì hầu hết đào kép nổi danh như Thanh Nga, Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước, Dũng Thanh Lâm, Bạch Tuyết, Thanh Sang…, ca sĩ như Phương Dung, Thanh Tuyền, Hùng Cường, Duy Khánh… diễn viên như Kim Cương, La Thoại Tân, Tùng Lâm, Phi Thoàn … đều tới ở khách sạn An Biên, đặc biệt phòng hạng nhất là phòng số 5 ở ngay góc đối diện nhìn xuống nhà tôi. Nhờ như vậy mà tôi dù còn nhỏ xíu nhưng có lẽ dễ thương nên hay được nựng nịu tiếp xúc với rất nhiều danh tài trong giới nghệ sĩ. Mẹ tôi kể có lần vợ chồng Thành Được- Út Bạch Lan còn ngỏ ý xin tôi làm con nuôi.

Hàng xóm hay nhắc chuyện mẹ giỏi giang cứu mấy chị em tôi thoát chết trong gang tấc, về hồi xóm bị hỏa hoạn lúc tờ mờ sáng lúc ấy mẹ đang đi chợ lấy bún về bán. Do nhà bác sáu Hiệp cách nhà tôi hai căn nhà là nhà của chị Năm Hạnh và ông ba Thanh. Bác 
Sáu làm nghề sửa xe hơi, cầm đèn dầu bị phựt xăng xe nhà binh, lửa bùng lên rất mạnh, nên chỉ mấy phút thì ngọn lửa tràn tới cháy sụp cây cầu ván và thiêu rụi căn nhà lá ngay lúc mẹ tôi vừa qua khỏi mang cá cầu. Lửa nóng rát mặt mà chị em tôi còn chưa tỉnh ngủ. Khi nhớ lại mẹ cũng không giải thích được sức mạnh thần kỳ nào giúp mẹ chạy được từ ở chợ về trong vòng mấy phút bồng chống 3 đứa con nhỏ còn say ngủ thẩy ra ngoài mang cá cầu. Khi ấy mẹ đang mang thai đứa em trai út. Lớn lên biết phân tích, tôi nhớ về sự kiện ấy như một một phép mầu linh thiêng. Sau trận cháy tòa có xử Bác Sáu phải bồi thường nhưng bác nghèo quá lại bị phỏng nên hàng xóm không nở. Bác bán nền nhà rồi chuyển đi luôn, còn bác Hai Thông phía trước bán nền cho mẹ đi về quê. Mẹ tôi cất nhà mới lớn hơn thay cột tràm bằng nống đúc, vách lá bằng vách ván, mái lá bằng tôn. Cầu ván được thay bằng một khoảng sân rộng, dãy mang cá cầu thành hàng rào, nhưng vẫn phải leo qua mang cá cầu để ra đường. Cũng không nhớ chính xác cái mang cá cầu bị phá mất năm nào, hình như là hồi Tết Mậu Thân, xóm cầu sắt An Biên nhà tôi lại cháy; lần nầy mẹ tôi cất lại nhà đúc bê tông và cái mang cá cầu không còn cản trở nên nhà tôi có mặt tiền ngay ngả tư rất đẹp. Xóm An Biên sau trận cháy tết Mậu Thân lại đổi rất nhiều chủ mới giàu có, mua nền cất nhà lầu cao tầng. Mẹ tôi kể nếu tính cả hồi ở chỗ cũ, mẹ đã 4 lần bị cháy nhà, đáng phục là lần nào mẹ cũng cấp bách mang theo được của để dành nên dù nhà và tài sản cháy rụi mẹ vẫn có lưng vốn để làm lại, có lẽ mẹ đã trãi qua nhiều tai biến chiến tranh nên khả năng ứng phó cũng được rèn luyện.

Rồi sau 30 tháng 4 năm 1975 trong xóm lại có đợt thay đổi chủ. Nhà tôi dù không hề muốn nhưng tình thế đẩy đưa, năm 1977 Pôn Pôt liên tục pháo kích, cả xóm nằm trong tầm pháo, cái âm thanh rầm rập trên cầu sắt lúc nửa đêm và tiếng kêu khóc của những đoàn người chạy vì sợ cáp duồn khiến bệnh tim mẹ tôi khi ấy trở nặng nên phải sơ tán mẹ về quê. Rồi nhà tôi bị trúng pháo, may mà hôm đó tôi đi dự Đại hội MTTQ tỉnh ở Long Xuyên, trái đạn cối 81ly tuy không nổ nhưng cũng đủ sức xuyên thủng cả ba tấm bê tông từ nóc sân thượng xuống lầu và sàn nhà tôi, đường đi của đạn xuyên ngang qua bàn viết của tôi làm cháy xém một góc chiếc bàn gỗ và sách vở trên bàn, giờ ấy hàng ngày tôi hay ngồi soạn bài cho các tiết dạy chiều. Đường đạn ghé ngang qua bẻ cong thành hình chữ V, chiếc giường sắt cháy xém và tung tóe gòn chiếc gối mà em tôi vừa nằm nghỉ trưa, may mà đã được cảnh giác nó nghe tiếng pháo đề ba nên phản ứng nhanh, kịp xuống sàn cũng vừa lúc cát đá ào ào đổ xuống cùng với khối lửa của đầu đạn pháo xẹt xuống đám bùn trước mặt. Chị em tôi lại thoát chết, thế là không thể ở nhà, tôi vào trường Việt Hoa ở tập thể, em trai tham gia vào đội cứu thương của thị đoàn. Nhà khóa cửa, rồi cho thuê, sau đó tôi về ở nhà chồng, em tôi học đại học thành phố, mẹ tôi và chị về an dưỡng ở quê, nhà bỏ không xuống cấp nên đành phải bán. Điểm lại xóm cầu sắt An biên bây giờ người ở cố cựu chỉ còn con cháu của bác hai Đại Kiết và cô Hai Thoại Hoa và sự tồn tại của khu phố An Biên để định hình cảnh cũ..

Rồi kinh Ông Cò xuồng ghe không đi được, dòng nước bị nghẻn trở nên cạn kiệt, nó chỉ còn chức năng của một cống thoát và chứa chất thải, bị ô nhiễm nặng nề, thế là chiếc cầu sắt rồi đến con kinh Ông Cò đã bị xóa sổ. Khách sạn An Biên sau giải phóng được chú Năm Thạnh là chủ nhân vốn là cán bộ cách mạng hiến tặng để làm nhà ở tập thể cho giáo viên. Bây giờ cái tên xóm cầu kinh Ông Cò, rồi cầu sắt An Biên cũng theo đó mà dần bị quên đi. Mới đây tôi nghe tin tên đường Thượng Đăng Lễ mà gọi cho đúng phải là Thượng Đẳng Lễ được thay tên khác. Tôi thấy treo bảng tên đường Sương Nguyệt Anh; cũng ngộ, tên mới nầy cũng đã bị nhạy đi giữa Anh hay Ánh là bút danh của nữ sĩ Nguyễn Ngọc Khuê con gái của cụ Nguyễn Đình Chiểu, ngộ hơn là người ở tại chỗ còn chưa hay tên đường đã đổi, chưa hiểu tại sao phải đổi(!). Thế là con đường xưa em đi giờ đã đổi tên rồi



Hơn 50 năm, một nửa thế kỷ rồi, tôi hay về ngồi ở quán mì Thanh Danh nhìn lại xóm cũ không còn một chút dấu vết xưa, chỉ là trong tâm thức như vang lên tiếng ầm ầm của nhà máy đèn mà đến lúc dời đi để xây văn phòng điện lực như bây giờ, phải một thời gian cả xóm mới quen giấc ngủ vì cái sự im ắng thiếu tiếng chạy máy đèn. Còn phía đối diện là cột đèn sắt cao to chắn ở ngả tư có những bóng đèn điện chiếu sáng cả bốn phía, hồi đó chị em tôi rất thích học bài làm bài ở mang cá cầu bằng ánh sáng đèn nầy hắt sang từ bóng đèn tròn rồi đến đèn nê ông, vừa sáng vừa mát có lẽ vì nhờ vậy mà đứa nào học cũng giỏi, hồi đó hầu hết nhà dân còn xài đèn dầu. Rồi tôi định vị trong trí hình ảnh cây cầu sắt và dãy mang cá cầu; cái góc phố An Biên mà mẹ con tôi bán cơm tấm trãi bao gió mưa, ngập lụt. Nhớ niềm vui trẻ thơ thích ngụp lặn vào các mùa nước nổi ở khu Bảo trợ nhi đồng và chung quanh Bồ đề đạo tràng là vùng ngập sâu nhất nên xuồng và xe lôi cùng xuôi ngược, vừa là bãi tắm cho dân chúng rất đông vui.

Nhưng nhớ nhất vẫn là ngôi nhà số 192 đường Thượng Đăng Lễ của mẹ con tôi với biết bao kỷ niệm thuở ấu thơ và một thời thiếu nữ, hiện đang là cửa hàng điện thoại của Viettel bề thế.

Con kinh, cầu sắt không còn thay vào là đường nhựa rộng thoáng nhà phố to đẹp hơn, Thương hải biến vi tang điền mà, thay đổi để tiến bộ là tất yếu của cuộc sống, xóm cũ của tôi tất cả đã đổi thay, nên xóm xưa chỉ còn là hoài niệm đẹp của riêng mình tôi, thế thôi./.
         CA GIAO
(Trích Trang Nhà NLS Cần Thơ)





Không có nhận xét nào: