Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

NHỮNG NGƯỜI THÂN LẦN LƯỢT RA ĐI -- Nguyễn Văn Trị

 NHỮNG NGƯỜI THÂN LẦN LƯỢT RA ĐI

Nguyễn Văn Trị

Dẫu biết rằng không ai thoát khỏi vòng sinh tử của Tạo hoá, nhưng tin anh Trần Văn Dật, người anh họ qua đời tại Vĩnh Long lòng tôi bàng hoàng xót xa vì chưa thu xếp về thăm lúc anh bệnh.
Anh Dật quê làng Quảng Lượng, ba anh là bác Trần Văn Thạnh - anh em cậu cô với ba tôi, hồi sinh tiền hai ông thân thiết nhau do cùng học chung một trường ( Ecole de Poly-technique) và chung một nhiệm sở ( Ty công chánh Quảng Trị), cùng thú vui nữa là chơi bài…
Bác Nghè ( ba anh Dật) lớn tuổi hơn ba tôi nên các anh chị con bác lớn hơn anh em tôi. Chỉ có anh Khiêm và chị Cúc ( đi học tên Nghĩa) là xấp xỉ tôi nên biết nhau nhiều hơn. Còn các anh chị khác hơn tôi cả chục tuổi, đi học xa có khi không gặp. Tuy vậy, bác gái hay gặp mạ tôi trong các dịp kỵ giỗ nên tên các anh chị tôi đều biết hết qua câu chuyện của bác gái.
Trở lại chuyện anh Dật. Nghe kể anh học trường Quốc Học Huế, sau đó vào học tiếp trung học Nguyễn Văn Khuê ở Saigon và theo lời khuyên của cha, anh thi vào trường Công chánh. Thi đỗ,gia đình mừng lắm nhưng chỉ vài tháng anh bỏ học trở ra Huế vì thấy ngành kỹ thuật không phù hợp với mình.
Thế là anh thi vào Viện Hán học Huế , cùng lớp và khoá với các bạn Lý Văn Nghiên, Phan Quật, Nguyễn Đức Đô, Hoàng Đằng- Các vị này ra trường làm giáo sư trường TH Nguyễn Hoàng QT. Tốt nghiệp, anh vào dạy ở Trường Nữ Quy Nhơn được vài năm thì động viên vào quân trường Thủ Đức, đóng quân đâu đó không rõ. Về sau anh trở về Quy Nhơn dạy học tiếp.
Sau 30/4/1975 cũng như bao sĩ quan chế độ cũ, anh ra trình diện nhưng chỉ học tập hơn một năm là về nhờ xuất thân nhà giáo. Anh đưa gia đình vào Vĩnh Long. Theo lời anh Bùi Huy Nguyên, một người bạn đồng hương vong niên thân thiết ở Vĩnh Long, thời kỳ những năm đầu anh đưa gia đình vào VL, tình cảnh rất khó khăn không xin dạy học được. Mấy năm sau, gặp lúc tỉnh thiếu giáo viên, anh mới được nhận vào ngành. Vợ anh cũng là nhà giáo, hai anh chị sống hiền hoà, chí thú nghề gõ đầu trẻ nuôi dạy các con nên người hữu dụng. Con trai anh trước là bác sĩ trong nước, sau qua Canada học lại ngành y trở thành một bác sĩ chuyên khoa xương khớp khá nổi tiếng. Cô con gái làm việc cho công ty nước ngoài, hiện sống tại Q.7. Anh chị có một người con trai thứ hai sống chung tại Vĩnh Long, cách đây ít năm cháu bị bệnh qua đời.
Anh thích làm thơ Đường, gởi và hoạ thơ với các bạn văn, có in vài tác phẩm. Công trình nghiêm túc của anh là biên soạn tự điển tiếng Việt phân loại theo vần bằng và vần trắc. Mỗi cuốn dày hơn 500 trang, ghi chú tỉ mỉ, chính xác là tác phẩm gối đầu cho những người làm thơ muốn sử dụng âm vận tiếng Việt chính xác.
Tôi gặp anh lúc anh từ Vĩnh Long lên Saigon thăm bạn là thầy Lý Văn Nghiên từ Huế vào cách đây cả chục năm. Ấn tượng về anh lần gặp đó không có gì đặc biệt lắm. Buổi họp mặt với một số anh chị em Nguyễn Hoàng, trong đó có chị Thuỷ An là em gái của anh.
Cách đây vài năm tình cờ đọc bài viết của một tác giả (đăng trên FB hay tập san nào đó tôi không nhớ rõ) về ngôi trường TH Khai Trí tại làng Đại Hào do bác Nghè là ba anh cùng một vài thân hữu tha thiết với việc nâng cao dân trí cho trẻ em quê vùng Triệu Phong góp vốn và công sức xây nên. Thấy thiếu tên ông Nguyễn Văn Cổn,ba tôi, là người đóng góp khá lớn kinh phí nên tôi liên lạc với tác giả để cung cấp tư liệu cho bài viết chính xác hơn. Tác giả bài viết cho biết lấy tư liệu từ anh Dật, nên tôi gọi cho anh về việc này.
Nghe xong, và sau khi tìm hiểu các chứng từ liên quan như giấy xác nhận phần vốn góp của các cổ đông… Anh vội vàng xin lỗi và viết cho tôi một lá thư dài về việc này với sự day dứt là thiếu cẩn trọng khi không nhắc đến tên chú Sếp ( hồi đó bà con hay gọi ba tôi là ông Sếp Cổn).
Tôi không ngờ chỉ là một thiếu sót nhỏ mà anh xin lỗi một cách nghiêm túc đến thế.
Nhưng qua việc này tôi nhận ra một nhân cách lớn ở anh- một trí thức miền Nam đầy tinh thần trách nhiệm. Họ chỉnh chu trong lời ăn tiếng nói, trong hành xử đời thường, khi làm không đúng điều gì thì họ nhận lỗi và nói lời xin lỗi mới thấy an tâm.
Sau câu chuyện này, anh em hay liên lạc với nhau, và thấu hiểu, quý mến nhau hơn. Mỗi lần anh lên SG thăm con, đều a lô gọi tôi đến khi thì ăn sáng, khi thì cafe chuyện trò. Năm nào anh cũng hỏi thăm tờ Hương Quê Nhà để gởi bài. Anh tên Dật thích sống ẩn dật, nhưng bạn bè, học trò cũ thời ở Quy Nhơn cũng tìm tận Vĩnh Long thăm viếng. Năm 2019, vợ chồng tôi và Tế, chú em, về thăm anh chị. Xe còn cách nhà cả tiếng, anh đã gọi mấy lần:” Chú đến đâu rồi?” Vào tới nhà đã thấy bày sẵn cả khay trái cây chờ khách. Buổi trưa, kéo các em ra tiệm ngon nhất Vĩnh Long để chiêu đãi.
Những tưởng thời gian nghỉ hưu sẽ là chuỗi ngày an lành hạnh phúc, ai ngờ anh lâm trọng bệnh. Tuần trước các chị Thuỷ An và Nghĩa về thăm anh, tôi muốn theo xe nhưng bận nhủ lòng sẽ về sau. Ai ngờ không còn dịp gặp lại anh!
Lần này về Vĩnh Long là để thắp nén nhang tiễn biệt anh.
Vĩnh biệt anh, một nhà giáo đức độ tận tâm với nghề nghiệp, một nhà thơ tài hoa với những bài thơ tình lãng mạn, một nhà ngôn ngữ luôn gìn giữ tiếng Việt trong sáng, và hơn hết một nhân cách lớn giữa thời xã hội tha hoá.
Chị và các cháu tự hào về anh.
Bà con, thân hữu tự hào về anh.
Mong anh ra đi thanh thản.
Chiều 4/4/2024
Nguyễn Văn Trị










Không có nhận xét nào: