Bay Theo Giọt Nắng Đời
Mượn một phần bối cảnh có thật, chuyện viết bằng tưởng
tượng, để nhớ Nguyễn Ngọc T & Huỳnh Lâm T, đã mất từ những năm đổi đời một
chín bảy sáu.
Để kính dâng hương hồn hai bác Nguyễn N A, người
nhân từ phúc hậu, đã cho không biết bao nhiêu nhưng chưa có lần nào nhận.
Chờ
xe tới phiên qua, vì còn đậu khá xa, hai thằng, cũng như một số lớn hành
khách khác, xuống thả bộ theo chuyến Phà trước qua bờ bên kia Bắc Mỹ Thuận. Trời
ngấp nghé giữa trưa, nắng rực lên cả một khoảng phố xá mênh mông rộng, đứng
bóng người, hanh hanh nóng, lấp xấp trải dài trên những chùm hoa tím ngắt của mấy
mảng lục bình, lặng lờ trôi theo từng cơn sóng vỗ vào hông thành chiếc phà cũ kỷ,
chưa thấy màu sơn mới. Tiếng rao hàng lanh lảnh của đám đàn bà con gái từng chập
vọng ra xa, lấn át tiếng máy nổ đều đều, ngái ngủ, lướt nhẹ trên nước, con sông
hửng hờ, đã quá quen rồi cảnh ngày nào vẫn vậy, lặng lẽ đi về đôi bờ, không buồn
có thêm chút sóng lớn. Hiển bỏ đi trước khá xa, Nguyên thủng thỉnh phía sau, dọc
theo bên này con đường lên tới ngã ba Vĩnh Long- Sa Đéc tìm quán ngồi ăn trưa. Đứng
đâu cũng có mùi thịt nướng thơm từ đầu sông tới cuối đường. Quán nào quán nấy,
chật ních người vào ra nói nói cười cười. Hiển vẫn tiếp tục đi trước, mất hút trong
giòng người xuôi ngược rồi trở lại đứng chờ, ra tay làm dấu gọi Nguyên lẹ lên. Lưa
thưa đâu đó, ở phía ngoài vàm sông rộng, vài đám mây xám đen lẻ loi, lửng lờ xuống
thấp theo chiều gió xế trưa, hừng hực nóng.
Vào quán, vừa ngồi xuống, Hiển chưa kịp nói
gì thì đã có tiếng con gái chào Nguyên từ phía bàn cuối cùng. Cả hai cùng quay
lại nhìn, Nguyên chưng hửng, không ngờ lại gặp lại Khánh ở đây. Khánh là cô học
trò lớp mười hai của trường trung học Tống Phước Hiệp mà anh ta đã gặp tại hành
lang văn phòng ty Hành Chánh trong Tòa Hành Chánh Vĩnh Long chừng vài tuần trước
đây. Hiển cũng trố mắt ngạc nhiên, quay qua nói nhỏ với Nguyên, sở dĩ hắn réo
anh đi lẹ lên là vì tìm thấy Khánh cùng hai cô bạn khác vào quán này. Khánh giới
thiệu, hai cô bạn đi chung bẽn lẽn gật đầu. Hai thằngcười chào đáp, rồi ra dấu được
nhập bọn ngồi cùng bàn, vì bên đó vẫn còn chỗ trống. Khánh và hai cô bạn lên
Sài Gòn từ sáng hôm qua, hỏi han người quen chỗ ăn chỗ ở trước khi mùa thi Tú Tài Hai tới. Cả bọn vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện làm quen, từ chuyện chợ Trường
An, Long Hồ của Vĩnh Long tới chuyện ngày mai ngày sau. Hiển biết ra, Nguyên,
Khánh biết nhau rồi nên chỉ ngồi chậm rãi ăn, thỉnh thoảng gục gặc đầu ra chiều
thích thú. Đoàn xe đò qua bên này bờ, đậu nối đuôi dài gần lên tới ngã ba. Mấy
anh lơ, chạy lăng xăng lên xuống thúc hối hành khách của mình trở lên xe, nhất
là mấy chị bạn hàng, của các chuyến đi Cần Thơ, Long xuyên, cứ nhũng nha nhũng
nhẵn tìm tìm kiếm kiếm. Nắng có phần dịu bớt, trời đã có nhiều mây đen ở phía
xa miệt Sa Đéc theo chiều gió về ngang. Xe đò từng chiếc uể oải, lần lượt rời bến
Bắc Mỹ Thuận, người bán người buôn vẫn còn đông nghẹt trên đường hai bên bờ, chờ
chuyến Phà chót cuối ngày. Nguyên chào tạm biệt Khánh, hứa sẽ đến nhà thăm như
đã nói hôm trước, Hiển dài dòng gì đó với hai cô kia, xe chuyển bánh rồi mà hắn
vẫn còn nói với theo tiếng mất tiếng còn.
Buổi
sáng, trước đây vài tuần, đám bạn cùng xuống thực tập ở Vĩnh Long, khoái
chuyện nhậu nhẹt, trong đó có Hiển, nên kéo nhau đi Chợ Lách, vì bây giờ là mùa
ốc gạo với ông đàn anh Phó Quận. Biết Nguyên không uống rượu được nên bọn họ
cũng chẳng màng ép uổng. Ăn sáng xong, Nguyên thả bộ dọc theo hông nhà thờ
Chánh tòa, qua cầu, giờ này nhánh sông nhỏ chảy ngang vẫn chưa chịu thay nước lớn.
Đến tòa Hành Chánh thì ông trưởng ty Hành Chánh khóa đàn anh, nơi Nguyên đang
thực tập tháng này, không biết vội vã chuyện gì, bắt tay hỏi ăn sáng chưa rồi bỏ
đi một mạch hẹn chiều trở lại, không buồn nghe trả lời. Người đến có việc hay
xin giấy tờ, ngồi chờ cũng khá đông trên mấy cái băng ghế dài, trước hành lang.
Đọc sơ mấy cái văn thư thường nhật xong, cô thư ký nhận giấy tờ làm dấu chưa có
gì cả, ông Chủ Sự được lệnh lên gặp ông Chánh Văn Phòng nên cũng đã đi rồi. Nguyên
bỏ ra ngoài, ngồi nơi băng ghế trống, tán dốc với mấy anh làm việc bên Hội
Đồng Tỉnh đang chờ gì đó ở ty Nội An, nằm kế liền bên.
Không lâu sau, ông bác trông lớn tuổi, người
xem ra phúc hậu, tóc bạc hoa râm, đi cùng với một cô con gái mặc áo dài trắng,
tuổi trạc mười bảy mười tám, tóc xõa dài ngang lưng, khá đẹp, đến bàn cô thư
ký, đưa xấp giấy mỏng, nói gì đó, nhỏ nhẹ cười rồi cả hai lùi lại, ngồi chờ
ngay phía đầu còn trống của cái băng dài mà Nguyên đang ngồi tự nãy giờ. Nguyên
ngừng nói, quay qua chào, ông bác nhìn vào trong, về phía bàn nhận giấy tờ, cười
nhẹ. Cô thư ký đứng lên ngồi xuống, ngó ra phía Nguyên. Có lẽ thấy hơi lâu, ông
bác đứng lên, đi đến hỏi đôi câu rồi trở lại chỗ cũ. Định trở vào phòng thì
nghe tiếng ông trưởng ty Nội An kêu mình khi ông bước ra, theo sau dặn dò mấy
anh bên Hội Đồng Tỉnh, nên Nguyên nấn ná chưa đi. Hai người kéo nhau ra ngoài bực
thềm có nắng sáng, cười nói luôn miệng. Giờ này người ra người vô, càng lúc
càng nhiều hơn trong sân tòa Hành Chánh. Trời hâm hấp ấm dần dù vẫn còn có đôi
ba cụm mây màu xám nhạt lang thang, che ngang lưng trời.
Thấy ái náy sao đó, cô thư ký ngài ngại cầm
xấp giấy mà cô gái đưa hổi nãy, đi ra chỗ Nguyên đứng. Cả hai, ngưng câu chuyện,
Nguyên bước vội, bỏ theo cô quay lại chỗ hai cha con đang ngồi, ông trưởng ty Nội
An cũng không còn đứng đó. Nguyên cầm xấp giấy, ngồi xuống kế bên ông bác, nhỏ
nhẹ:
-Dạ
xin lỗi bác, cháu vô ý quá, không nghĩ là bác đang chờ ký mấy cái bản sao cho
em, nên để bác phải chờ hơi lâu.
Hai cha con ngạc nhiên trố mắt nhìn mà không
nói được gì. Cô thư ký, lúc bây giờ mới lên tiếng:
-Bác
thấy hông, con cũng sốt ruột nhưng không dám, vì ông trưởng ty đang nói chuyện,
nên đành chờ như bác thôi.
Cô đưa cây viết cho Nguyên, chào hai người rồi
trở vào trong văn phòng. Nguyên vừa ký vừa đọc sơ, tờ giấy chứng chỉ Tú Tài Một
cấp cho “Trần Thị Khánh” còn in rõ mực và thơm mùi giấy mới. Đưa lại cho cô con
gái, một lần nữa, Nguyên xin lỗi, định đứng dậy cáo từ, thì ông bác lên tiếng:
-Xin
cho tôi hỏi, ông đến thay cho ông trưởng ty cũ hả?
-Dạ
không có, con là sinh viên xuống tập sự thôi bác à, nhưng hôm nay nhận nhiệm vụ
làm trưởng ty một bửa.
Nguyên vừa nói vừa nhìn hai người cười, cô gái
bẽn lẽn, ôm cái cặp da đi học cười khẻ theo. Ông bác tiếp lời, cùng một lúc ngó
qua cô gái:
-Hân
hạnh đươc biết ông, còn trẻ quá, đây là em Khánh, con gái thứ hai của gia đình
tôi, vừa đậu Tú Tài Một năm nay, tôi là Hậu, thứ tư.
Nguyên xoa tay đứng dậy:
-Dạ,
con là Nguyên, bác tư Hậu cứ gọi Nguyên được rồi. Con chỉ còn thực tập tại tòa
Hành Chánh vài tuần nữa thôi, cuối tháng là phải đi xuống quận Minh Đức. Nay
mai, nếu bác còn cần gì, thì cứ tự nhiên đến tìm con ở đây, xem con có thể giúp
gì không.
Khánh nhẹ cúi đầu chào, ông bác bắt tay
Nguyên:
-Nhà
tôi ở ngã ba Long Hồ, căn nhà có vườn cây sân trước và cái cổng phủ đầy bông Giấy đỏ, xế chỗ bến xe hay ngừng,
cũng ngang trên đường đi Cái Nhum. Hôm nào tiện, rãnh rỗi, mời ông, ủa quên, mời
cháu ghé chơi. Cứ xuống chỗ bến xe là tìm được ngay, không lộn nhà ai đâu.
Nguyên
gật đầu cám ơn và hứa sẽ đến thăm rồi theo tiễn hai người ra tới ngoài cổng tòa
Hành Chánh. Đi khỏi một đoạn xa, Nguyên vẫn còn đứng đó, bác Tư Hậu và Khánh
quay lại vẫy tay, hai cha con nhìn nhau cười. Bất chợt, Nguyên cảm thấy lòng
mình có cái gì là lạ, cái là lạ mà suốt hơn hai năm qua anh chưa hề có, Nguyên
trở ngược vào trong, bóng người cảnh sát gát cổng gật đầu chào, trải dài khẳng
khiu theo chiều nắng lên giữa ngày, bắt đầu chói chang và gay gắt nóng.
Sáng thứ bảy,
chuyện đi theo ông đàn anh Phó quận Minh Đức,
thăm cái xã bên kia sông để xem vụ bầu cử Hội Đồng Xã bị đình lại. Nguyên đón
xe về Vĩnh Long sớm hơn mọi bữa, chiếc xe đò nhỏ cũ cũng không có mấy người đi,
trời chưa đủ nắng, mưa mù mờ ở phía đường chân trời xa xa. Xuống xe tại ngã ba
Long Hồ, ngay chỗ bến ngừng đón khách, Nguyên lửng thửng băng qua đường, tới
trước cổng nhà gọi vọng vào trong, đứng chờ. Xác bông Giấy đỏ úa, khô gầy rụng
đầy một khoảng lớn trong sân. Bác Tư Hậu mừng rỡ, bắt tay Nguyên, mời vô nhà. Ở
một phía đầu vườn, sát mái hiên trước, cụm hoa Sứ già lưa thưa vài nụ hoa mới nở.
Bác tư gái ân cần, thân mật, hỏi han Nguyên đủ điều, từ chuyện nhà cửa chuyện học
hành, đến tương lai trước mặt. Bác Tư Hậu, là công chức hỏa xa thời Pháp đã hồi
hưu từ lâu. Hai vợ chồng về lại quê nhà, cất căn nhà ngói mái âm dương kiểu xưa
ở ngã ba Long Hồ từ những năm có hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Gia đình
có hai cô con gái, người chị lớn đã lập gia đình, chồng chị là sĩ quan cấp úy của
sư đoàn 9, bị thương nặng trong trận Thất Sơn nên đã được giải ngủ, có tiệm bán sách trên đường
chính ngang qua chợ tỉnh. Hai vợ chồng ở nhà riêng, nằm đối diện văn phòng ty
Thuế Vụ. Khánh là con út, đang học lớp đệ nhất mà Nguyên đã gặp hôm trước. Hai
bác có vườn trồng chôm chôm “java” bên
cái cồn nhỏ ở Chợ Lách. Nguyên ở không
lâu rồi ra về. Khánh cùng mấy cô bạn đi chơi bên vườn từ lúc sáng sớm. Hai bác
tư đưa Nguyên ra tới cổng, nhắc đi nhắc lại lời mời, tuần sau đến ăn cơm trưa một
bữa cho vui.
Sau lần, có Hiển cùng đi, theo gia đình bác
tư Hậu qua thăm vườn chôm chôm bên cù lao, Nguyên mang “cái gì là lạ mà anh đã
chưa hề có trong suốt hơn hai năm qua” nói thật lòng mình với chị Thảo, chị của
Khánh, hôm ngang qua tiệm sách, sau giờ ăn cơm trưa về lại tòa Hành Chánh gặp
ông Phó Tỉnh. Nguyên đã thương Khánh ngay từ lần gặp cô ta ở ty Hành Chánh buổi
sáng hôm đó. Hiển là thằng bạn khá thân, thân từ ngày hắn lang thang bỏ Phan
Thiết vào Sài Gòn, rớt tú tài hai như Nguyên, rồi theo Nguyên về ở trọ trên căn
gác cây, tại một cái hẽm nhỏ đầu đường Cộng Hòa, gần chợ Nancy, sau hôm hai thằng
gặp nhau trong quán cơm chay đường Hàm Nghi, ngó qua ga xe lửa, cũng là ngày
Mai Anh rời Sài Gòn đi du học. Chuyện tình giữa Nguyên và Mai Anh kết thúc
không có chia tay, không có đưa tiễn, không còn gì để lại, ngoài lá thư ngắn của
cô mà anh nhận được qua đường bưu điện với lời xin lỗi. Cả hai người ngồi cùng
một phía bàn ngó ra ngoài. Xe cộ và người chen lấn nhau, xen kẻ nhau trên đường
xuôi ngược. Cơn bão tình, chấp vá những đớn đau, ngậm ngùi trong lòng Nguyên từ
bao nhiêu ngày qua chợt như đã bỏ đời bay theo từng giọt nắng chiều thoi thóp
nóng, lưa thưa len nhẹ ở phía cuối sông khi Nguyên nói cho Hiển nghe chuyện đời
mình, buồn nhiều vui ít.
Nguyên
quen Mai Anh, trong sân trường Hưng Đạo, hôm đi theo chị Tú, học cùng lớp với
cô ta, con của người bạn thân, ân nghĩa gì đó với mẹ mình, nhà ở gần rạp hát
Long Vân, khi hai người còn bôn ba đâu đó ở miệt Mỹ Tho Cai Lậy, xem kết quả tú
tài một, ngày xuống Sài Gòn bằng chuyến xe đò sớm nhất từ Tây Ninh. Nhà Mai Anh
là căn phố lầu, bên dưới là tiệm sách Toàn Văn, ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Trần
Quý Cáp, ngó xế qua khu chơ Đũi. Giữa nửa năm đệ nhất, mẹ Nguyên trở bệnh, căn
bệnh lao phổi đã nằm im một thời gian khá lâu, nay bộc phát, làm bà yếu đi và
không còn đủ sức ngày hai buổi đi xe lôi máy, từ Trâm Vàng ra ngồi bán sạp rau
cải nhỏ, ngoài chợ Gò Dầu nữa. Nguyên định thôi học, tìm kiếm việc làm gì đó,
nuôi bệnh mẹ, một thân một mình bà, một đời góa bụa, tần tão gánh gồng nuôi con
khôn lớn, học hành như vầy là quá đủ cho Nguyên rồi. Hôm đưa mẹ xuống nằm ở bệnh
viện Hồng Bàng, theo lời bà, Nguyên đến báo tin cho mẹ chị Tú biết. Vài hôm
sau, mẹ chị Tú vào thăm, hai người nắm tay nhau sụt sùi khóc. Biết tánh mẹ,
không bao giờ chịu nhờ vã ai. Nghe lời khuyên của mẹ chị Tú, Nguyên xuống Sài
Gòn ghi học tiếp nửa năm đệ nhất tại trường Văn Học, làm phụ công ban đêm cho
tiệm bánh tây của mẹ chị Tú ở đường Phan Đình Phùng, vừa có tiền đóng học phí vừa
săn sóc được mẹ mình. Từ đó, Nguyên thường gặp lại Mai Anh và cuối cùng, như
cái định luật yêu thương mà đường đời đã có của trời đất, hai người yêu nhau,
cũng có nhớ nhung, có kỷ niệm, có mộng mơ hẹn ước với đôi ba lần nắm tay và vài
cái hôn thẹn thùng nhè nhẹ trên môi trên mắt, rồi dừng ở đó không hơn không
kém. Nửa năm đó, có lẽ, là những ngày tháng vui nhất của đời mình, đời của một
thằng con nhà nghèo, cơm nguội cải chua, cá rô ruộng muối kho, chưa hề dám nghĩ
tới.
Trước ngày thi tú tài hai vài hôm, mẹ
Nguyên rời bệnh viện trở về Trâm Vàng, bác sĩ ở đây cho biết bà đã khỏi bệnh.
Hai mẹ con tay xách tay mang về nhà, có Mai Anh, chị Tú và mẹ chị theo ra đưa ở
bến xe Tây Ninh, đường Phạm Hồng Thái. Mẹ chị Tú, dúi vào tay Nguyên cái bao
thư dầy, bảo cất nó, lựa lúc nào thuận tiện đưa cho mẹ mình, đừng nói là của
bà. Căn nhà tranh nhỏ được người quen bên ngoại coi giùm, vẫn lặng thinh trên nền
đất như trước, đám cải xanh trước sân, không người tưới từ gần sáu tháng qua,
hình như đang cố gượng mình sống lại sau mấy đám mưa muộn cuối mùa.
Thi rớt, Nguyên không đành để mẹ buồn, nên
nói dối bà là đang chuẩn bị lo lên đại học. Nguyên ở lại Sài Gòn, xin được một
việc làm ở công ty Sakibomi bên bến Bình Đông, thôi không còn làm ở tiệm bánh của
mẹ chị Tú nữa. Nguyên chán nản, thất vọng, gặp lại Mai Anh lần cuối bên ngoài sân
trường Luật trong ngày đầu của năm học mới rồi thôi. Dường như cả hai người đã
quên không hứa nhau chờ lần hẹn tới như những ngày trước nữa. Sau ngày Mai Anh
đi, Nguyên mang buồn tan tác theo giòng đời ngược xuôi, đem chút còn lại của
tình yêu như một phần của kiếp người, chôn kín vào những trang sách trong mỗi
đêm khuya dài chờ sáng. Từ đó, Nguyên tự bảo lòng mình, thôi không còn dám tìm
ai để mà thương, nếu một mai, tình cờ gặp một người nào mà anh cảm thấy tim
lâng lâng, hồn náo nức, thì người đó sẽ là cuộc tình duy nhất và cuối cùng của
đời mình. Cuối năm, Nguyên đậu tú tài hai cùng với Hiển, rồi ghi danh học Luật
và may mắn hơn, là cả hai lại được vào Học viện Quốc Gia Hành Chánh cùng một
khóa năm sau đó. Lý do tại sao Hiển đã thúc Nguyên đi lẹ lên, khi hai người chờ
xe qua Bắc Mỹ Thuận: ba năm cùng nếm buồn vui tình bạn, hơn hai năm qua, quả thật
Nguyên chưa hề nhắc hay nói về đàn bà con gái, Nguyên vô tư như một người lạnh
cảm, Hiển có linh tính cho biết, đã tìm ra người của cuộc tình cuối đời chàng
Nguyên nhưng không ngờ là họ đã gặp nhau rồi.
Nguyên
cũng như Hiển lúc này ít khi về Sài Gòn, căn phòng hai người ở chung trong
khu ký túc xá vẫn đóng cửa để đó, vắng tanh và không có ánh đèn học bài khuya.
Hiển đã có cô bạn gái khá xinh, Hương, là thư ký của ty tài chánh nơi anh ta
đang thực tập, hai người không rời nhau nửa bước. Hắn giờ này thường ăn cơm nhà
con gái người ta hơn là ngồi chờ ba món mặn xào, ở tiệm cơm trên con đường cạnh
bờ nhánh sông nhỏ như mấy anh chàng khác. Sau Tết ta, từ ngày trở xuống Vĩnh
Long, ông đàn anh Phó quận Minh Đức để Nguyên mặc tình đi trễ về sớm, cho nên
anh thường đến cùng Khánh thả bộ bên nhau trên đường đến tiệm sách chị Thảo. Những
chiều tan học, đôi ba lần, khi tiệm đóng cửa chị Thảo để Nguyên lấy xe
Honda của chị đưa Khánh về nhà. Lần nào cũng vậy, thấy Nguyên là bác tư gái một
hai biểu phải vào nhà, ở lại ăn cơm chiều cho bằng được. Con đường lạ từ trường
Tống Phước Hiệp về nhà Khánh, giờ là con đường quen, quen từ gốc cây già tới
viên gạch vụn nằm lẻ loi một mình ở lề ngã tư tự hồi nào không ai biết, và họ
nhìn nhau hỏi thầm, sao đường về không dài thêm chút nữa. Giờ thì Nguyên cũng
không khác gì Hiển, cũng thường ăn cơm nhà con gái người ta hơn là ăn tiệm.
Xong năm thực tập, Nguyên cũng như đám bạn ở
các tỉnh khác lần lượt về lại trường học năm thứ ba. Khánh đậu tú tài hai, lên
Sài Gòn ở tại nhà người dì bà con, bắt đầu năm thứ nhất trường Luật. Nhờ số tiền
trường cấp cho hàng tháng, tạm gọi tiền lương cộng với số tiền đi dạy thêm một
số giờ ở một trường tư thục trên đường Hậu Giang, Chợ Lớn, với bản tính không
phung phí, Nguyên không phải vất vả chuyện tiền bạc. Thỉnh thoảng anh cũng ghé
qua thăm mẹ chị Tú, lần nào bà cũng hỏi han có thiếu thốn gì không rồi thì đưa
cho mấy túi đầy ắp trái cây, bánh ngọt mang về, đám bạn ở ký túc xá ăn một hai
ngày chưa hết. Nguyên cũng đưa Khánh đến làm quen chị Tú, năm cuối đại học Sư
Phạm sắp ra trường, hai mẹ con khen Khánh tiếng một tiếng hai làm Nguyên vui
lây. Lần nào Khánh về Vĩnh Long, hai bác tư Hậu cũng nhắn lên, nhắc Nguyên về
chơi, ở dưới đó trông lắm. Khánh cũng thường theo Nguyên lên Gò Dầu thăm mẹ, bệnh
tuy có thuyên giảm hai năm qua, nhưng xem ra bà còn yếu và xanh xao như màu lá trầu úa nắng cuối
sân nhà sau. Tuy yếu lắm, nhưng bà vẫn nhờ mấy chị bà con quanh nhà, đở đưa,
đón xe lôi máy đi chùa Thạnh Lâm vài lần trong năm, đọc kinh, đốt nhang cầu
nguyện. Ước mơ có ngày Nguyên công thành danh toại, đã xem như xong rồi, còn
chuyện trăm năm thì đang nhìn thấy đâu đó nhưng ai biết được, bà cầu trời Phật,
đã trót phù hộ cho cuộc đời khốn khó, nghèo nàn của hai mẹ con thì xin thương
cho trọn vẹn, ngày đi theo ông bà, bà không còn gì để hối tiếc.
Đầu
hè, cuối năm thứ ba, sau ngày ba mẹ Khánh từ Vĩnh Long lên Gò Dầu thăm, chừng
vài hôm, mẹ Nguyên trở xuống bệnh viện Hồng Bàng vì bệnh lại tái phát, rồi mất ở
đó, ra đi thanh thản. Nguyên đau đớn tột cùng, không làm gì khác hơn được, vì
biết rằng trước sau nó cũng phải tới. Khánh đã về Vĩnh Long rồi, Nguyên chỉ còn
đủ thời giờ đón xe xích lô qua nhà chị Tú báo tin, trước khi theo chuyến xe đưa
xác bà về Trâm Vàng chiều hôm đó. Đám tang nghèo nàn, không ngựa xe, không kèn
trống, không cành hoa. Bà con trong xóm phụ nhau, người khiêng người kéo, cái
quan tài lưa thưa gỗ vụng, đưa mẹ Nguyên ra chôn ở nghĩa địa của giòng họ xa gần cuối ấp, giữa
khu đất hoang, quanh năm chỉ có trời và đất. Hiển từ Phan Thiết vào Sài Gòn, được
tin, theo chị Tú và mẹ đón xe đò lên Gò Dầu, trễ không kịp rãi chút đất tiễn bà
đi. Trước mộ, mẹ chị Tú ngồi nâng niu nấm mồ mới đấp hôm trước, thì thầm, nước
mắt tuôn từng giọt dài, Hiển đứng lặng thinh nhìn, lòng trĩu nặng nỗi đau
thương bạn. Mưa bất chợt lất phất, man mác tiếng chuông lễ chiều của nhà thờ họ
Bình Nguyên về ngang, ray rứt, xua nắng úa màu lác đác rụng. Hiển ngủ lại đêm
đó với Nguyên, sáng hôm sau về Sài Gòn trên chuyến xe đò sớm. Nguyên ở lại Trâm
Vàng, không nói chừng nào trở xuống trường, Hiển cũng chẳng buồn hỏi.
Trưa
chủ nhật, trời dạo này hay mưa, không lớn nhưng bất chợt, từ chùa Thạnh Lâm về,
sau khi gởi tấm hình đen trắng của mẹ mình, nhờ ông sư già trụ trì, đọc kinh cầu
siêu giùm mỗi khi có lễ, vừa xuống xe lôi máy quen ở đầu ngỏ đường đất vào xóm,
thì đám con nít đang chơi đâu đó túa ra, hô to cùng lượt, cho biết ở nhà có ai
tới chờ từ nãy giờ. Khánh ôm chầm lấy Nguyên đỏ hoe mắt, bác tư trai đứng lặng
thinh, bác tư gái bùi ngùi, cố vịn tay Hiển để đứng vững. Hiển đi Vĩnh Long
ngay hôm sau ngày xuống Sài gòn, ghé qua nhà Khánh báo tin rồi hẹn Hương, cô bạn
gái sẽ trở lại, sau khi đưa ba mẹ Khánh đi Gò Dầu. Khánh cùng ba mẹ đốt
nhang, ngồi trước mộ thật lâu. Bác gái nói thầm “thôi chị hãy yên lòng ra đi,
tôi nhận thằng Nguyên là con rể rồi”. Nắng lên thấp thỏm có chút mùi đất ướt
sau cơn mưa vừa dứt. Đám cải xanh có
bông vàng nho nhỏ, loại rau mẹ Nguyên thường bày bán trên sạp ngoài chợ, trồng
quanh nơi bà nằm, mới vài ngày qua giờ hình như đang trở mình nhìn trời cao, một
màu lá non xanh mướt. Mọi người trở lại nhà, giữa nghĩa địa buồn thiu cuối xóm
nghèo, quạnh hiu một mình mẹ Nguyên ở lại, lẻ loi như cái lẻ loi mà bà đã mang
theo suốt đời người, sau ngày ba bỏ bà đi về với đất.
Nguyên
ngồi trong văn phòng quận Minh Đức nhìn ra, chợ quận trưa rồi mà chỉ có chừng
vài chục người bán, lúp xúp người lên bờ xuống ghe, tàu nhỏ tàu lớn, ra sức nhấp
nhô, lắc lư theo chiều con nước vừa lên với đám lục bình đầy hoa tím ngắt trên
sông. Đám học trò trong sân trường tiểu học tụm năm tụm ba, tóc tay màu bùn,
suýt xoa chờ nắng ấm. Cũng đã được hơn nửa năm, từ ngày trở lại Vĩnh Long, thay
chỗ cho ông Phó quận khóa đàn anh đi Long Xuyên lên chức, nhận nhiệm vụ mới,
Nguyên ở tại căn cư xá mà năm trước anh đã ở trong năm thực tập, được tỉnh cấp cho cái xe
jeep còn khá tốt đi về hai buổi. Cơm nước trưa ở dưới quận, có mấy cô nhân viên
lo, chiều về Vĩnh Long thì khi ăn nhà chị Thảo khi thì ở nhà ba mẹ Khánh. Căn nhà vẫn vậy nhưng vắng hơn vì giờ chỉ có một
mình, cuối tuần thì có Hiển cũng đở buồn. Đám dây leo hoa trắng không biết
tên, cứ lạnh lùng bám tường mà leo lên, không màng ai đi ai ở. Tiếng hát của chị
em, con gái ông chủ tịch Hội Đồng tỉnh nhà bên, đã lên lớp mười một mười hai gì
đó, với bài tình ca quen quen, vẫn chưa hay hơn xưa. Không may mắn, đành chịu,
Hiển sang Sa Đéc nhận chức trưởng ty Tài Chánh, thứ bảy chủ nhật mới qua Vĩnh
Long với Hương, đường không xa mấy. Gia đình ba mẹ Khánh, bàn tính với Nguyên
chuyện cưới hỏi tới đây. Bên đàn trai, thì mẹ chị Tú đã vui vẻ tán thành và nhận
lời từ lâu rồi, giờ chỉ còn chọn ngày lành tháng tốt thôi. Vườn chôm chôm bên
cù lao nhỏ giờ không còn ai thăm trừ mấy người bạn hàng từ chợ qua, trên
Trung Lương hay Sài Gòn xuống đôi ngày tới mùa. Cuối tuần, Khánh về Vĩnh Long,
vẫn thích thả bộ bên nhau trên những con đường cũ, chuyện này chuyện nọ, nói
nhiều lắm nhưng chưa hết những gì muốn nói nhứt là mơ ước của ngày mai. Với người
quen, bạn bè trong chợ tỉnh, Khánh không còn là cô Khánh ngày xưa mà tiếng một
tiếng hai, “bà Phó quận”.
Sáng thứ hai, sau khi đưa Khánh trở lên trường,
trên đường xuống quận, Nguyên ghé ngang cho ba mẹ Khánh biết, có thể anh về trễ,
nên đừng chờ cơm vì sẽ đi thăm một người bạn bên Vũng Liêm. Triệu, thằng bạn
thân quen, từng ở truồng tắm mưa chiều giữa chợ xã, ngày chưa được đi học, còn
đứng ngoài rào, nhìn học trò lớn nhỏ sắp hát hàng chào cờ hát quốc ca, thèm chảy
nước miếng, dưới cây điệp khẳng khiu trụi lá trong những ngày đầu hạ, cùng học
chung một lớp đệ nhất ở Gò Dầu, rớt tú tài cùng năm, vào lính, giờ mang lon
trung úy, đang làm việc ở chi khu bên đó. Lái xe qua tới chợ Vũng Liêm, trời vừa
quá giữa trưa, nắng hâm hấp nóng như những ngày đầu Hạ dù bây giờ đang ngấp
nghé cuối Thu, cũng giống như bên Minh Đức, Vũng Liêm lên xuống cũng bấy nhiêu
con đường, đất nhiều hơn đá. Chợ không còn mấy ai qua lại, Nguyên bỏ xe tại một
khoảng đất trống trước cửa chi khu, hỏi người lính gát cổng tìm Triệu. Hai người
kéo nhau ra cái quán ăn, cuối dãy phố gạch đầu chợ, kiếm cơm trưa, tay bắt tay
mừng, mặc tình kể lể chuyện đời xuôi ngược, chuyện tình dở tình dang của ngày
xưa “em tan trường về” và của bây giờ “công hầu khanh tướng” rồi theo Triệu vào
phòng làm việc trong chi khu, tiếp tục chuyện xưa tích cũ và tạm dừng ở đoạn mẹ
Nguyên đã mất. Trời nhá nhem chiều từ lâu, Nguyên giựt mình lo ngại, giờ này đường
không mấy an ninh, nhứt là khúc giáp ranh hai quận Vũng Liêm – Cái Nhum, thường
có du kích Việt Cộng mò ra lúc tối trời, đấp mô gài mìn, đôi ba lần đụng nhau với
lính Địa Phương quân, bỏ lại vài ba xác. Vội vã về, Nguyên lái chạy vụt đi
không buồn vẫy tay chào. Triệu đứng bên người lính gát cổng nhìn theo. Ngoài đường
chính, chiếc xe jeep khuất mất trong cái mù mờ của vài ba tia nắng chiều lẻ loi,
lưa thưa xuống thấp còn sót lại.
Trời
tối hẳn, đen một màu mù mờ như bùn trên đám ruộng dài lấp xấp nước, sau mùa
gặt, hai bên đường. Thiếu Tá Thuận, Quận trưởng Minh Đức, ra lệnh một trung đội
lính Địa Phương quân, dùng xe cứu thương, có anh y tá trưởng bên bệnh viện quận
theo, đưa Nguyên về tỉnh vì vết thương nhiều chỗ và quá nặng. Chiếc xe jeep của
Nguyên đã bị trúng mìn của du kích Việt Cộng trên khúc đường, xế ngã ba Cái
Nhum chừng vài cây số, vừa lúc tiểu đội đi nằm đường đêm của chi khu tới. Toàn
thân người của Nguyên, từ trên ngực xuống tới chân, đâu đâu cũng thấy máu,
Nguyên nằm bất động bên lề đường nhựa, lởm chởm đá, cách bờ đê ruộng không xa. Nhân
viên trực bệnh viện tỉnh, đẩy Nguyên vào phòng cấp cứu, chai nước biển không kịp
treo lên, nằm trên tay cô y tá mặt mày hớt hãi.
Nguyên nằm đó, trên giường bệnh, cả đầu quấn
kín băng cứu thương trắng, mắt nhắm nghiền, hai bờ môi khô đầy kẻ nứt, vài ba vết
máu đỏ bầm, lau sót, còn dính ở gò má, có
hơi thở nhưng dường như không đủ bình thường và đứt quảng. Quá nửa khuya, anh
chị Thảo vẫn còn ngồi quanh giường, chị Thảo cứ khóc sướt mướt, nhìn gọi “Nguyên
hỡi Nguyên ơi” trong ánh đèn điện vàng như màu vàng của lá úa trời Thu. Trời gần
sáng, người y tá tới thay băng, Nguyên vẫn còn hôn mê, chị Thảo chạy vội vã ra
bến xe đi Sài Gòn, nhờ anh lơ quen chuyến đầu tiên, đưa lá thư tay báo tin cho
Khánh trên đó, đếm tiền công như tiền mua vé xe cho hai ghế ngồi, trao cho anh
ta, hai bàn tay lạnh cóng, rồi quày trở lại bệnh viện, kịp lúc anh Thảo vừa vào
cùng với hai bác tư Hậu. Tấm khăn trắng đắp người không thấy một vết nhăn, chứng
tỏ Nguyên không động đậy từ đầu hôm tới bây giờ. Chị Thảo ôm bác gái òa lên
khóc, bác gái cũng khóc theo “con ơi, trời ơi”. Bác trai kéo cái ghế ngồi cạnh
mép giường bệnh, đưa tay rưng rưng xoa qua xoa lại trên đầu Nguyên, băng cứu
thương vừa thay, lắc đầu chết lặng.
Khánh tức tưởi khóc nức nở, đau đớn, ngất
xỉu trong tay chị Thảo, hai bác tư Hậu, cùng một lượt, ôm chầm lấy con, rấm rứt
khóc theo. Chồng chị Thảo đứng ở một góc phòng bệnh, ngậm ngùi chết trân, không
nói được lời nào. Chị y tá chưa kịp lau rửa vết thương trước khi hết phiên trực,
Nguyên duỗi người lần cuối, rồi ngừng thở.
Chuyến xe chiều về Vĩnh Long muộn đã không đủ nhanh hơn, cho Khánh được
nghe Nguyên hẹn, thứ bảy này sẽ chờ đón cô đi qua vườn chôm chôm, xem bạn hàng
giành nhau mua những chùm trái đầu mùa.
Gia đình hai bác tư Hậu, sắp xếp với mẹ chị
Tú đưa xác Nguyên về Trâm Vàng, chôn nằm cạnh mẹ. Cũng như bà, đám tang Nguyên
không mấy người đưa, cũng không ngựa xe, không kèn trống. Chừng đó người, hai
bác Tư, anh chị Thảo, mẹ con chị Tú và Hiển, ngồi sụp quanh nấm mộ, Khánh ôm chầm
lấy đất, rã rời không còn nước mắt để mà khóc thêm nữa. Ở lưng chừng trời, những
giọt nắng trăng trắng chấp nối nhau như một dãy khăn tang, đong đưa như nhịp
võng, giữa trời sắp về chiều, đâu đây loáng
thoáng có tiếng chuông lễ từ nhà thờ họ Bình Nguyên len theo chiều gió ngược về
ngang nghĩa địa như lần trước.
Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét