Từ HÀ KỲ LAM đến VÙNG ĐÁ NGẦM
Vũ Thất
Mùa hè 1990, nghe tin người bạn cố tri cùng gia đình đi HO đến cư ngụ ở Philadelphia, tôi vội đưa vợ con từ Maryland lên ra mắt. Chúng tôi học chung trường Võ Tánh ở Nha Trang, thậm chí có thời gian cả năm tôi ở trọ nhà hắn. Sau trung học chúng tôi cùng vào quân đội và sau 75 cùng vào tù cộng sản.
Năm 84, tôi được thả, mấy lần tìm đến nhà hắn để bàn chuyện vượt biên, lần nào cũng thấy cửa khóa then cài. Tôi nghĩ là hắn đã ra đi nên quyết định binh theo hắn. Nào ngờ hắn còn kẹt lại và nhờ HO đến Mỹ sau tôi những 5 năm. Hắn và tôi cùng cấp bậc nhưng “được” học trường đảng lâu hơn nhờ thành tích oai hùng tái chiếm Cổ thành Quảng Trị. Hắn là nhà văn Huỳnh Văn Phú, tác giả các tập truyện Mùa Xuân Âm Thầm (1969), Cuộc Tình Dấu Mặt (1971) … Và quyển Phóng Sự Chiến Trường đoạt giải nhì (1972).
Đến nhà Huỳnh Văn Phú lúc 2 giờ trưa, hàn huyên tâm sự đến 5 giờ thì chúng tôi mời gia đình Phú một chầu liên hoan tối. Phú cười khà khà:
- Phải liên hoan chớ! Liên hoan để cám ơn Thượng đế đã tạo ra … quả đất tròn!
Phú hướng dẫn chúng tôi chạy vòng vòng thăm trung tâm thành phố, qua khu treo Chuông Tự Do mà vì hết giờ nên hẹn vào xem dịp khác. Cuối cùng hắn đưa chúng tôi vào một nhà hàng rất khang trang: Việt Nam Palace. Một người đàn ông trung niên đang đứng ngay cửa tươi cười, vồn vã bắt tay Phú và tôi:
- Đợi có hơi lâu. Thôi mời vào bàn.
Sau khi mọi người an vị, Phú nhìn tôi:
- Mày không nhận ra Hà, Nguyễn Đình Hà, cùng Võ Tánh?
Tôi ngạc nhiên:
- Nguyễn Đình Hà nào? Đâu?
- Là đứa ở cửa bắt tay chào mừng mày và đang đứng sau lưng mày!
Tôi vội đứng lên, xoay trực diện và ngắm nghía người bạn cùng trường. Hà cũng đăm đăm nhìn tôi. Cả họ tên và dáng vóc không gợi nên một quen biết nào. Hà cũng thú nhận không nhận ra tôi. Hỏi han nhau thì hóa ra chung trường nhưng không chung lớp. Lên đệ nhị cấp, Phú chọn ban văn, tôi ban toán. Năm đó, Hà từ Quảng Nam vào nhập lớp của Phú. Mà có cần gì chung lớp, chỉ nhắc đến tên trường là đủ quá thân thương. Thế là mày tao ròn rã. Thì ra sau Võ Tánh, Nguyễn Đình Hà cũng nhập ngũ mà chọn thứ dữ hơn Thủy Quân Lục Chiến của Huỳnh Văn Phú: Lực lượng Đặc Biệt. Tôi đùa, chọn Lôi Hổ, rốt cuộc cũng bị… hổ lôi qua Mỹ! Hà cười cho biết còn một nhân vật Võ Tánh khác, không bị hổ lôi nhưng bị hà bá kéo cũng ở gần đây, có được mời đến chung vui nhưng chàng ta bận. Hóa ra là Trần Văn Tâm cùng Quân chủng Hải Quân với tôi, đang nổi tiếng là nhà văn Trần Quán Niệm.
Hà giới thiệu phu nhân vừa xuất hiện, tươi cười chào mọi người. So với cái tuổi ngũ thập nhi bất hoặc của chúng tôi, Nguyễn Đình Hà phu nhân trông trẻ hơn nhiều. Rất ân cần và tự nhiên. Chị bắt đầu đóng vai chính trong việc tạo bầu không khí gia đình ngay trong nhà hàng đông khách của chị. Chị đích thân chuẩn bị những món ăn mà chị cho là để nhớ hương vị miền Nam: món gỏi ngó sen tôm thịt nhậu với heiniken, món canh chua cá kho tộ, món xoài tượng cá chiên dầm nước mắm, món tráng miệng bánh lọt chè ba màu… Buổi liên hoan kéo dài mà không ai cần biết là đã quá nửa đêm. Chỉ có tôi đường xa, phải mất 3, 4 tiếng lái trở về nhà mới dứt khoát đứng lên. Ở quày trả tiền, tôi bị… từ chối! Trở lại bàn ăn, khiếu nại chị Hà, chị bảo cơm gia đình mừng Võ Tánh hội ngộ mà!
Tôi quen thân ông bà chủ nhà hàng từ hôm đó mà không ngờ rằng cũng đương nhiên quen thân nhà văn Hà Kỳ Lam. Từ Nguyễn Đình Hà đến Hà Kỳ Lam chỉ là một lời… xúi dại: cứ viết thử đi! Và truyện ngắn đầu tay “Từ Sài Gòn đến Denver” mở đầu với lời tặng người xúi dại: “Tặng Huỳnh Văn Phú, người thích một truyện như thế.” Rồi từ một truyện như thế đăng trên bán nguyệt San TỰ DO ở Texas, anh viết tiếp và liên tục gửi đăng trên các tập san văn nghệ các tiểu bang. Nguyệt san Thế Kỷ 21 luôn có bài mới. Đúng ba năm sau Hà Kỳ Lam tuyển chọn các bài đã viết để tạo nên một Vùng Đá Ngầm.
Tuyển tập VÙNG ĐÁ NGẦM gồm 10 truyện ngắn, do nhà xuất bản THẾ KỶ ấn hành và do nhà văn LÊ VĂN LÂN đề tựa. Bìa và phụ bản của họa sĩ NGUYỄN ĐỒNG. Sách in rất đẹp, trình bày trang nhã. Nhưng theo tôi đẹp và trang nhã nhất là lời đề tặng trang trọng của tác giả ngay trang đầu của quyển sách: “Tặng người bạn đời và hai con, nguồn an ủi, khuyến khích và an tâm”. Tôi yêu cái từ “người bạn đời”. Nghe như là biết bao âu yếm, nồng nàn, gắn bó. Nghe như tiếng thì thầm nghĩa nặng tình sâu.
Mười truyện ngắn gồm: (1) Người Láng Giềng (2) Từ Sài Gòn Đến Denver (3) Nỗi Buồn Thế Kỷ (4) Con Chó Đại Đan Mạch (5) Bóng Mát (6) Vùng Đá Ngầm (7) Băng Giá (8) Chu Mom Rây (9) Bỗng Dưng Người Đàn Bà Cuối Đời (10) Ba Điều Ước.
Truyện VÙNG ĐÁ NGẦM nằm vị trí thứ sáu nhưng tôi chọn đọc trước tiên, một phần do cái tựa của nó được chọn làm tựa chung cho tập truyện, phần khác vì nó đụng chạm đến… nghề xưa của tôi. Đó là câu chuyện của một chuyến vượt biên bằng ghe của bốn mươi lăm người liều chết lánh nạn cộng sản. Ghe bị chết máy ngay sau ngày đầu ra khơi. Rồi cứ thế người với ghe lênh đênh. Người thì hết lương thực từ ngày thứ hai mươi và cố cầm cự sự sống bằng mọi khả năng. Ghe thì bập bềnh mãi đến ngày thứ bốn mươi sáu mới chịu tấp vào một vùng đá ngầm. Nơi đây người và ghe cùng chờ … an giấc nghìn thu!
May thay “Trời cứu các ông đấy.” Đó là kết luận của một thủy thủ chiếc tàu buôn tình cờ đổi hướng sang vùng đá ngầm. Nhưng thoát vùng đá ngầm của biển khơi, được đến xứ tự do, họ lại bị rơi vào vùng đá ngầm của cuộc đời.
Trong mười truyện, đây là truyện duy nhất Hà Kỳ Lam cho nhân vật chính kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Danh xưng Tôi gần gụi, kết hợp với tài sử dụng chính xác các hình dung từ (tiều tụy, hốc hác, gầy đét, èo uột, lờ đờ, ngắc ngoải…) làm cho câu chuyện phiêu lưu thêm gian nan hãi hùng thương tâm sầu thảm. Nhưng đó không phải là chủ tâm của tác giả. Điều tác giả muốn nêu lên là lời nhắn nhủ của Nguyễn Du: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
Nếu theo thứ tự trong mục lục mà lần lượt điểm hết 10 truyện thì e rằng quá dài. Tôi xin tự ý chọn lựa bằng phượng pháp tình cờ. Tôi sẽ mở quyển sách, trúng bài nào đọc bài nấy.
CON CHÓ ĐẠI ĐAN MẠCH
Truyện thật đặc biệt, nói lên niềm đam mê chó của nhân vật gọi là Ông Tư mà thực tế chắc hẳn chính là tác giả. Niềm đam mê đó từ còn nhỏ tuổi ở quê nhà và mỗi ngày một tăng thêm khi mang tuổi già ở quê người. Ông Tư mê chó đến độ thấy chó là biết chó thuộc giống nào, Đức quốc hay Anh Cát Lợi, chó Ta hay chó Tây. Ông còn rành rọt tính tình từng loài chó và cả tài phân biệt loại nào là chó tác chiến loại nào là chó văn phòng.
Nhưng đam mê mấy cũng vẫn là đam mê, cũng vẫn là ông Tư sống trong mơ ước nuôi chó của mình. Là bởi vì ông không muốn trái ý người bạn đời ông hết lòng thương yêu từng tỏ ra… không ưa chó.
Vì vậy, mỗi khi có dịp đi ngang qua nhà người hàng xóm chủ nhân con chó thần tượng của ông, ông đứng ngắm nó qua cái hàng rào thưa đến mãn nhãn mới chịu rời. Chẳng khác nào nhân vật bác Chính trong Con Trâu của Trần Tiêu mê mẫn ngắm trâu hàng xóm: “Con trâu nằm gặp hai chân trước, một chân sau hơi ruỗi để lộ bộ vú hồng phơn phớp lông tơ trắng. Nó không buồn để ý đến bác, tư lự như một nhà hiền triết, cặp mắt lờ đờ nhìn đâu đâu… Từ hôm ấy không mấy chiều là bác không dừng chân đứng ngắm con trâu của Cân sau những buổi làm lụng vất vả. Bác mê nó như mê gái. Chiều nào không gặp nó, bác nhớ ngẩn ngơ như người thiếu thốn sự gì.”
Ông Tư cũng chiêm ngưỡng con chó thần tượng Đại Đan Mạch mê mẩn không thua: “Giống vật này không tỏ ra rụt rè, sợ sệt, cũng không hề lộ vẻ hung hãn, đố kỵ đối với người mới gặp lần đầu, như thái dộ cố hữu ở một số loài chó... Cặp mắt nó, không nhỏ ti hí như mắt heo, nhưng cũng không to qua và lộ như mặt của loài chó nhỏ… Thân thể nó trông chắc nịch với những đường bắp thịt cuồn cuộn ở hai đùi sau, ở hai vai, ở chiếc cổ lớn ngẩng cao. Lông nó rất ngắn, bóng loáng, ôm sát da và đen nhánh, không một chấm trắng dù chỉ bằng hạt cát. Vóc dáng nó to lớn nhưng… không gây cho người đối diện sợ hãi… cái nhìn lúc nào cũng trực diện nhưng không hau háu… mà chỉ biểu lộ một nhiệt tình “làm bạn”… Phong thái điềm đạm, hiền lành, quý phái”.
Tôi vốn người không ưa chó mà đọc bài Hà Kỳ Lam cũng bắt đầu chao đảo. Thảo nào khi ông hàng xóm ngỏ ý muốn tặng ông Tư con chó do thiếu người trông coi, bà vợ ông Tư bất chợt vui vẻ khuyên ông Tư đem “nó” về nhà…
TỪ SÀI GÒN ĐẾN DENVER
Như đã nói ở trên, đây là truyện mở đầu nghề văn của Hà Kỳ Lam. Đọc xong câu chuyện tôi càng thích cái tựa. Từ Sài Gòn đến Denver không nhằm nêu lên khoảng cách không gian mà lại là độ dài thời gian. Nó ghi dấu một chuyện tình đẹp mà… lạ vào năm 1960 tại Sài Gòn. Chuyện tình của một sinh viên Việt nghèo với cô nữ sinh giàu người Mỹ. Họ yêu nhau được một năm thì nàng bị đưa về xứ để vào đại học. Cái lạ là dù học trường Mỹ và được bu quanh bởi các sinh viên Mỹ, dù xa cách muôn trùng, nàng vẫn không quên chàng sinh viên Việt. Thậm chí sau khi chàng trở thành sĩ quan ngang dọc 4 vùng, thư của nàng vẫn chịu khó bay lên tận A Sao, A Lưới, rồi lại lặn lội xuống Bình Giả, Đồng Xoài… Chàng bận chiến chinh nên cứ phải xin lỗi về sự chậm trễ hồi âm. Nàng âu yếm bảo chàng: “Điều quan trọng là em biết anh còn sống ở nơi nào đó…” Nàng cứ tiếp tục viết thư và đến một lúc chàng thấy mình quá vô lý, quá ích kỷ! Chàng muốn chấm dứt cuộc tình vô vọng để … trả tự do cho nàng. Thế là chàng im lặng như một cách báo tin rằng chàng đã tử trận…
Rồi bỗng thời thế đẩy đưa, hai mươi bốn năm sau chàng tự mang thân đến định cư trên đất nước của nàng. Chàng cứ đêm ngày thao thức, xao xuyến, băn khoăn. Hẳn nhiên giờ đây nàng cũng đã có chồng có con như chàng đang có vợ có con. Thì gặp nhau lại để làm gì! Chàng cố quên những kỷ niệm xưa cứ thường xuyên về quấy rối, cố dồn hết tâm trí vào việc học việc làm để sớm tạo điều kiện bảo lãnh vợ con còn kẹt lại Việt Nam.
Sáu năm sau, chàng tình cờ biết được số điện thoại của nàng qua người bạn thân sống gần nhà nàng ở thành phố Denver thuộc Tiểu bang Colorado. Coi như trời dun rủi, chàng quyết định gọi nàng như một thăm hỏi xã giao. Giọng nàng vô cùng nồng nhiệt tiếp nhận tin chàng. Nàng đã sốt sắng mời chàng sang chơi với gia đình nàng.
Và chàng đã đến, đã ở nhà nàng trọn buổi chiều và buổi tối. Có lúc có mặt chồng con nàng, có lúc chỉ có riêng nàng và chàng. Cả hai nhiệt thành nhắc lại những kỷ niệm xưa, trao đổi nhau vui buồn về dòng đời qua thời gian xa cách như hai người bạn chí thiết. Cuộc hành trình từ Sài Gòn đến Denver để tái ngộ người xưa dài dến 30 năm, rốt cuộc chỉ để hai người lại nói lời chia tay và chúc nhau luôn hạnh phúc và nhiều may mắn.
Tôi không nghĩ Hà Kỳ Lam chỉ muốn kể lại một chuyện tình. Người ta thường vẫn cho rằng, trong xã hội tạp chủng như Hoa Kỳ, tình yêu và hôn nhân chỉ là cái gì tạm bợ, từ đó người ta lợi dụng “đặc tính” tạm bợ được gán cho nó. Hà Kỳ Lam hẳn muốn cho thấy điều ngược lại: chính người Mỹ lại càng biết thủy biết chung.
BÓNG MÁT
Bóng Mát cũng là một truyện tình mà theo tôi đây là chuyện tình đẹp hơn bất cứ chuyện tình nào! Một truyện được viết ra như là một cách biểu lộ lòng biết ơn sâu xa. Chuyện của một đôi vợ chồng từ độ tuổi hai mươi chia sẻ nhau vui buồn, vinh nhục qua suốt hai mươi năm. Nói cho đúng là là chuyện của một người vợ trung trinh, kiên trì vững bước trên con đường dài đầy chông gai, hiểm trở, thậm chí còn có lúc không biết rồi sẽ về đâu!
Suốt mười năm đầu, nàng thường làm một… chinh phụ. Chàng hết bận hành quân lùng diệt địch ở rừng núi Tây nguyên thì lại bận đi … tù cải tạo tận núi rừng Việt Bắc. Ngày xưa, người chinh phụ của Đoàn Thị Điểm khoe làm 2 việc: “Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam, dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân” mà đã được ngợi khen giỏi dang thì đem so với chinh phụ ngày nay có nhằm nhò gì. Chinh phụ ngày nay, ngoài việc phụng dưỡng mẹ cha, nuôi dạy con cái, còn phải xoay sở kiếm tiền mua thực phẩm không chỉ nuôi gia đình mà còn phải gồng gánh lội ngược Trường Sơn ra tận Ải Nam Quan để thăm nuôi chồng. Không một lần mà nhiều lần cho chồng khỏi nhận… nơi này làm quê hương! Chưa kể một lần đi là một lần liều mạng với bao bất trắc nảy sinh từ một chế độ còn tàn bạo hơn cả thời Tần Thủy Hoàng!
Mười năm kế là thế bơ vơ trên một đất nước xa lạ. Người chồng phải trở lại trường để hy vọng tìm được một việc làm ưa thích hơn là lao động chân tay. Vì vậy, người vợ lại tiếp tục lặn lội bờ ao để nuôi sống gia đình: may vá, bán thức ăn lề đường, lau chùi nhà cửa… Cái hình ảnh đẹp “Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ” vẫn chỉ là một mơ ước ca dao!
Thế nhưng cho dù đã phải trải qua bao gian nan, cho dù cuộc sống còn lao đao lận đận, cuộc đối thoại ngắn ngủi ở luống hoa trước nhà vào một buổi sáng sau hai mươi năm chồng vợ cho thấy lúc nào hai người cũng hạnh phúc tràn trề.
“Phương đưa tay vuốt nhẹ lên một đóa hoa và nói:
- Anh nhớ tưới đều kẻo nó héo thì uổng lắm!
Trương im lặng, nheo mắt nhìn Phương. Chỉ cần một ngày em ra thăm chúng là đủ rồi, không cần đến nước. Em là sự tươi mát, là cơn mưa rào mùa hạ cho những cánh đồng khô hạn… Em có bao giờ nghe anh nói đến ý niệm bóng mát của cuộc đời chưa? Nhưng cần chi. Em là thế đấy, Phương ơi!”
Từ lâu tôi vẫn nuôi cái ý viết một truyện như thế để tặng “người bạn đời” của tôi nhưng cứ loay hoay không biết diễn đạt thế nào cho xứng với những gì nàng đã dành cho tôi. Lại nữa, viết xong rồi liệu có tìm ra được cái tựa mang hình ảnh ẩn dụ rất tuyệt như Bóng Mát. Nội cái tựa không thôi đã đủ mát dạ mát lòng. Tôi chỉ còn cách nói với người bạn đời của tôi:
- Này em, hãy đọc Bóng Mát của Hà Kỳ Lam. Đó cũng là những gì anh muốn nói với em.
Và đó cũng là những gì mà mọi người tù cải tạo muốn biểu lộ lòng biết ơn với các chinh phụ đã dám thách đố thời gian, không gian và lao khổ để cho chồng được sống còn…
CHU MOM RÂY
Cái tên truyện nghe lạ đến nỗi mười lần như chục, khi đề cập đến truyện này tôi cứ nêu bằng cái tên quen thuộc Chu Mơ Rong. Vâng, thì CHU MOM RAY. Đây cũng là một câu chuyện tình, chuyện tình thời chiến được xét qua góc cạnh nhân bản và đạo lý và được diễn đạt bằng những phân tích tâm lý đầy ngõ ngách rắc rối. Nhân vật chính được tác giả gọi là ông Bân, vốn là cựu Trung sĩ trung đội trưởng ngày xưa và nay cư trú ở miền Đông Hoa Kỳ. Một hôm ông được người đệ tử ruột từ tiểu bang khác đến thăm. Thoạt thấy một đứa con gái của ông thầy, người đệ tử đã thốt lên: “Chào Miss Kontum”. Và thầy trò lai rai nhậu, lai rai nhắc nhau về các trận đánh qua các làng người Thượng vùng này. Họ nhắc đến chiến dịch Sóng Tình Thương kéo dài bốn tháng, mà người Trung đội trưởng vì quá thèm đàn bà, đã dụ dỗ một cô gái Thượng thật thà… Rồi đơn vị về hậu cứ nghỉ ngơi, Trung sĩ Bân quên mất cô gái…
Bẳng đi một thời gian, đơn vị hành quân qua một vùng khác. Sau trận chiến, khi lục soát, Trung sĩ Bân lần dò theo tiếng đứa con nít khóc và tìm thấy một đứa bé gái trần truồng đang ôm cứng người đàn bà đã chết. Anh lặng người khi nhận ra người đàn bà đó là người ông từng… dụ dỗ. Vì cuộc hành quan còn diễn tiến, Trung sĩ Bân nhờ người đệ tử mang đứa bé về hậu cứ và sau đó từ hậu cứ Trung sĩ Bân mang về nhà, nói dối vợ là ông “lỡ tay” bắn chết người mẹ, nên muốn nuôi đứa bé để chuộc lỗi lầm. Mười chín năm trôi qua, đứa bé lúc nào cũng cận kề ông mà không hề dám hé môi cho nó biết ông chính là cha ruột của nó.
Tôi cho rằng Hà Kỳ Lam đã rất độc đáo khi cho ông Bân mượn hơi rượu để nói rất nhiều, nói thật, nói hết với người đệ tử mà rốt cuộc ông vấn không nói được gì hơn. Người đệ tử đã biết chuyện này từ 19 năm trước. Cái ông cần là lời thú tội với vợ ông, con ông, nhưng ông không can đảm. Phải chăng đó là hình phạt nặng nề mà Hà Kỳ Lam muốn ông Bân đeo mãi cho đáng với tội tình…
Tuyển tập đầu tay của Hà Kỳ Lam đã gây cho Huỳnh Văn Phú và tôi niềm ngạc nhiên thích thú. Suốt 10 truyện, tuy nội dung khác nhau, chủ đề khác nhau nhưng không ra ngoài một đề tài: người tỵ nạn. Người tỵ nạn với ông láng giềng thiếu thân thiện. Người tỵ nạn với người yêu thuở học trò nay lấy chồng Mỹ. Người tỵ nạn với tình nghĩa vợ chồng gắn bó thủy chung. Người tỵ nạn trong xã hội mới. Người tỵ nạn với những ước mơ đời thường. Người tỵ nạn rồi sẽ dần quên tiếng Việt. Vân vân…
Ngoài khả năng diễn đạt tâm lý sắc sảo, tài dùng chữ chính xác, cấu trúc hợp lý, tạo dựng tình tiết hấp dẫn, tác giả còn tỏ ra là một cây viết đầy triển vọng nghệ thuật.
Qua VÙNG ĐÁ NGẦM, tác giả đã chính thức gia nhập văn đàn hải ngoại. Từ ngày phát minh mạng lưới toàn cầu, tên tuổi Hà Kỳ Lam càng lan rộng qua việc hầu hết các diễn đàn văn nghệ chọn đăng các truyện ở tuyển tập này và các truyện được viết sau đó mà vài năm sau hợp thành tuyển tập thứ hai NÚI VẪN XANH.
Điều khiến tôi vui nhất là cái danh sách văn thi sĩ xuất thân từ trường Trung học Võ Tánh Nha Trang vốn đã dài nay càng dài: Thanh Nhung, Cao Hoành Nhân, Duy Năng, Sao Trên Rừng Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Huỳnh Văn Phú, Trần Quán Niệm, Việt Phương, Cung Thị Lan, Quan Dương, Vũ Hoàng Thư, Nguyễn Thanh Ty, Phạm Tín An Ninh, Vũ Thất, Hà Kỳ Lam…
Tôi thật sự thấy tiếc một điều. Lẽ ra cái bút danh HÀ KỲ LAM đã phải xuất hiện từ khuya ở Sài Gòn chớ đâu cần chờ đến… Denver!
Vũ Thất
25/6/2017
nguồn: Đặc san Áo Trắng Ngày Xưa 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét