BẾN XUÂN
Bọn con Thu, con Huê, thằng Quảng, thằng Báu ở trong khu vườn bà Đỏ đang chơi “ù mọi” trước bờ sông thì con Hoài bỗng đâu chạy đến về phe với bọn con nít vườn nhà bà Cả, làm cho phe con Thu yếu thế hẳn đi. Kiểm đứng ở ngoài nhìn vào, không nhập cuộc. Chàng để ý mỗi lần con Hoài “ù ù” chạy qua lằn ranh thì không một đứa nào bắt được nó. Hoài chạy đến đâu, cả bọn đều dạt ra. Hoài vừa lanh lẹ vừa có sức, có hơi ù thật dài, tay của nó đụng phải đứa nào thì đứa đó bị loại ra khỏi cuộc chơi ngay lập tức.
“Ù mọi” là trò chơi của con nít trong xóm, mỗi bên mấy đứa, chia hai phe. Ở giữa sân vạch một lằn ranh, một đứa phe bên này chạy qua bên kia, miệng kêu “ù ù” liên tục. Nếu ngừng để lấy tiếp hơi thứ hai thì thua cuộc và bị loại gọi là “mọi chết”. Lúc đó phải có đứa thứ hai chạy qua tiếp sức. “Mọi” qua sông, vớ được đứa nào thì đứa đó “chết”, bị loại. Phe bên kia phải làm sao bắt được “mọi” và giữ lại trên phần đất của mình thì mới thắng cuộc. Nếu bắt không được mà tay hay thân mình đã chạm trúng “mọi” rồi thì cả bọn đó đều bị “chết” và phe đó thua.
Giữa vườn nhà bà Đỏ và bà Cả có một con đường thẳng ra sông. Phía trên đường rầy xe lửa, có một xóm chuyên nuôi trâu để bán thịt. Cứ mỗi buổi sáng hay chiều, người ta dẫn trâu xuống tắm ở bờ sông. Trâu đi thành từng đàn, hàng chục con, da đen láng như mực Tàu, thỉnh thoảng cũng có con có lông trắng gọi là trâu bạc. Lúc nhỏ, Kiểm thường nghe người ta nói “sừng trâu bạc, gạc trâu đen” mà không hiểu. Thực ra sừng và gạc chỉ là một thứ mà thôi, gạc nai tức là cái sừng của con nai. Chỗ trâu thường xuống tắm gọi là Bến Trâu, cạnh đó có một khu đất trống trên bãi sông là nơi mỗi đêm bọn con nít ở xóm nhà bà Đỏ thường ra chơi “ù mọi” tranh thắng với bọn con nít bên xóm bà Cả.
Kiểm mới đến ở trong khu vườn bà Đỏ nên chỉ quen mặt, biết tên bọn trong xóm như con Thu, con Huê, thằng Báu, thằng Quảng mà không biết tên, biết mặt bọn kia. Thời chiến tranh, trước 1954, dân quê vì mất an ninh nên đã kéo nhau về thành phố, thuê đất trong vườn bà Đỏ làm nhà để ở. Họ làm đủ nghề để sống như giặt quần áo, thợ mộc, thợ nề, đi bán bún bò, trứng lộn, chè, bánh v.v... Kiểm để ý đến Hoài vì nó là đứa khá nhất trong bọn. Không một đứa nào trong đám con Thu có thể thắng được Hoài, kể cả con trai là thằng Báu, thằng Quảng.
Kiểm đứng ở ngoài nói vào:
- Bên phe con Thu có thằng Báu yếu quá, để tao vào thay thế cho.
Không thấy bên kia có ý kiến gì, Kiểm gọi thằng Báu ra và chàng tự động nhảy vào cuộc. Kiểm ở phía sau, đợi khi Hoài chạy sâu vào giữa trận liền nhảy ra, đưa chân cản cho Hoài ngã té xuống rồi xông vào ôm ngang, đè lên người, không cho nó cựa quậy. Cả bọn tức tốc xúm nhau lại, ôm chặt lấy Hoài khiến cho nó không còn vùng vẫy được nữa.
Hoài chơi rất hăng nên người nóng bừng, mồ hôi vã ra ướt cả áo. Hoài vào khoảng mười tuổi, đang học lớp nhì Tiểu Học (tương đương lớp 4) nhưng Kiểm thì đã học đến năm thứ hai, thứ ba bậc Trung Học (tương đương lớp 7 lớp 8) và đã 13, 14 tuổi rồi. Chàng thấy bọn con nít trong xóm mình thua luôn nên nhảy vào bênh. Kiểm không quen Hoài vì nó mới về ở xóm bà Cả ít lâu nay thôi. Sở dĩ chàng biết tên, biết mặt nó vì mỗi đêm, khi bọn trong xóm bị thua, kéo nhau trở về, thường nhắc đến Hoài và bàn tính với nhau phải có cách gì trị nó mới được.
Bị thua luôn mấy lần, Hoài giận: Không thèm chơi với anh Kiểm nữa...
Nói xong, nó chạy thẳng một mạch về nhà bà Cả. Bọn con Thu vỗ tay reo mừng chiến thắng, còn bọn kia cũng giải tán luôn. Kiểm ngạc nhiên thấy con Hoài gọi ngay tên mình mặc dù chưa quen. Tuy đã 13, 14 tuổi nhưng Kiểm vẫn không có bạn cùng trang cùng lứa nên hay đi chơi với đám trẻ con. Chàng ôm con Hoài và nằm đè lên người nó mà không hề có một ý nghĩ gì gọi là bất chính hết. Bọn con nít vui đùa với nhau rất tự nhiên. Trong xóm của Kiểm, có con Thu khá xinh, năm đó Thu đã học lớp nhất Tiểu Học (lớp 5), cha chết, mẹ lấy một người lính Pháp có một đứa con trai. Thu nhờ đó mà có ăn có mặc, lại được học trường Pháp. Thu thường mặc đồng phục trường Tây, áo sơ mi trắng, váy đầm màu xanh trông rất xinh. Thu chơi thân với thằng Quảng trong xóm. Hôm mẹ Thu dời nhà về khu chợ Bến Ngự, bọn trong xóm đưa tiễn Thu đi, Kiểm cũng theo bọn đó. Thằng Quảng có lồng chim chích chòe, mang tặng Thu. Thu cảm động rươm rướm nước mắt. Cuối tuần sau, nghỉ học, Thu qua chơi, gặp Kiểm, liền khoe với chàng:
- Anh Kiểm ơi! Chim em có lông rồi...
Kiểm bật cười làm cho Thu e thẹn, từ đó không thấy Thu qua chơi nữa... Thu đã biết mình lỡ lời... Mỗi lần kể lại chuyện đó cho bọn con trai, Kiểm không nhịn được cười.
Từ ngày gia đình Thu dọn đi, Kiểm không thấy bọn con nít trong xóm chơi “ù mọi” nữa. Một hôm đi học về, ngang qua nhà bà Cả, Kiểm nhìn vào trong vườn thấy Hoài lăng xăng xách nước tưới mấy chậu hoa trước sân. Thấy Kiểm, Hoài bỗng ngừng tay nhìn ra mỉm cười không nói gì. Hình ảnh của Hoài lại rộn lên trong lòng Kiểm, chàng tự trách phải chi hôm đó mình đừng về phe bọn con Thu thì Hoài đã không giận mà bỏ về. Chiều thứ Năm sau đó, Kiểm được nghỉ học bèn mang quần áo ra sông định tắm giặt luôn nhưng thấy trên bến người đông quá nên chàng bèn ngồi đợi. Hoài ở bên trong vườn bà Cả chạy ra cửa gọi: - -Anh Kiểm...
Rồi đứng phía bên trong cổng chính nhìn ra, chẳng nói gì thêm... Thấy Hoài ở đó, Kiểm mạnh dạn đến gần hỏi thăm:
- Hoài ở trong này à? Hoài ở với ai trong đó?
- Hoài ở một mình.
- Cha mẹ Hoài đâu?
- Ở chỗ khác.
- Thế ai nuôi Hoài?
- Bà Cả.
- Hoài là gì của bà?
- Cháu.
- Vậy à?
Kiểm nói xong rồi để ý quan sát. Bà Cả không cho ai thuê đất làm nhà trong vườn như bên bà Đỏ, tất cả nhà cửa, cơ ngơi đó là của riêng bà. Kiểm nghe nói, chồng bà chết sớm, chỉ có một đứa con gái, học trường Pháp tại Đà Lạt. Bà rất giàu và là một trong những nhà kinh doanh vật liệu xây dựng và thầu xây cất lớn nhất miền Trung lúc đó. Nhà có xe hơi, có tài xế riêng, có thư ký, quản lý... để trông coi công việc làm ăn cho bà. Trong nhà không có trẻ con, ngoại trừ Hoài. Bọn con nít xóm bà Cả đều ở các nhà lân cận bên ngoài khu vườn.
Bà Cả thường ở trong nhà, ít khi xuất hiện, thỉnh thoảng đi dạo trong vườn phía trước nhưng không thường xuyên lắm. Bà thường tiếp khách ở nhà trên, đó là một biệt thự lầu, xây kiểu Pháp, mái cao và nhọn để mùa Đông khỏi bị tuyết phủ. Trong nhà trưng bày đồ đạc quý giá làm bằng gỗ quý, những cổ vật trị giá bạc triệu như ngà voi, đồ sành sứ, những bức bình phong lá ngọc cành vàng...
Hoài ở nhà dưới, khu dành cho thư ký, quản lý và nhà bếp. Mỗi buổi tối, khi đèn trên phòng riêng của bà đã tắt thì Hoài mới dám chui hàng rào ra ngoài chơi với bọn trẻ lối xóm. Cũng may mà bà thường đi ngủ sớm và hay dậy trễ. Mỗi ngày đi học về, Hoài lo săn sóc cây cảnh, quét nhà, phụ giúp đầu bếp bưng dọn thức ăn lên nhà trên, mang nước nóng cho bà rửa mặt buổi sáng khi thức dậy hay rửa chân buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy được gọi là cháu nhưng Hoài làm việc chẳng khác nào một người đầy tớ trong nhà. Dù sao thì Hoài cũng có chỗ ăn, chỗ ở, được học hành, có áo quần lành lặn khỏi phải đói rách như những đứa trẻ khác. Gia đình Kiểm ở tỉnh xa, một mình vào Huế đi học, trọ nhà người ta ăn cơm tháng, đôi khi chàng cũng ước mơ được chỗ ở tốt như Hoài.
Là chủ nhân, thừa hưởng một cơ nghiệp lớn do chồng để lại, thường hay tiếp xúc với những người có thế lực trong chính quyền hay trong giới làm ăn nên bà Cả rất nghiêm. Bà là người có học và nghe đâu cũng xuất thân từ con nhà quan nên tác phong có vẻ đạo mạo, uy nghi, nói năng chững chạc, nhã nhặn nhưng kiêu kỳ. Bà phục sức rất sang trọng bằng những thứ hàng vải đắt tiền nhưng không lòe loẹt. Mỗi khi gặp bà, Hoài không dám nhìn thẳng mặt, chỉ biết cúi đầu vâng dạ.
Từ ngày làm quen với Hoài, Kiểm chưa bao giờ được bước chân vào bên trong sân nhà bà Cả nhưng chàng vẫn để ý tìm hiểu đủ mọi thứ chẳng hạn vườn nhà đó rộng hẹp bao nhiêu, trồng những thứ cây hoa gì, có bao nhiêu dãy nhà, bao nhiêu người ở, các thứ vật liệu như cây, gỗ, sắt thép, xi măng, đá sỏi, cát... chàng đều quan tâm... Chàng thường gợi chuyện để ông Cảnh, chủ nhà Kiểm đang ở, nói về bà Cả, từ đó tìm hiểu về người chồng của bà đã chết, về những người đàn ông có quan hệ làm ăn với bà được xem như người yêu không chính thức của bà... Đối tượng cuối cùng mà Kiểm nhắm đến là tìm hiểu lý lịch của Hoài.
Một hôm, ông Cảnh có việc đến nhà bà Cả mua bán vật liệu, Kiểm lợi dụng cơ hội đó xin đi theo để ghi chép sổ sách, tính toán tiền bạc cho ông vì ông tuy có tay nghề cao nhưng chữ nghĩa không biết nên thường nhờ Kiểm giúp. Ông Cảnh quen nhiều thợ rừng làm nghề gỗ ở vùng Lăng Cô thuộc quận Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên nên mỗi khi có gỗ về, thường đến gặp thầy thư ký hay quản lý kế toán của bà Cả để bán gỗ... Kiểm để ý quan sát cách bố trí nhà cửa, cây cảnh trong vườn, cơ sở làm ăn cũng như nhân sự làm việc trong nhà bà Cả. Hôm đó không có Hoài ở nhà nhưng Kiểm cũng đoán được chỗ ở của Hoài gần khu nhà bếp và nhà kho. Tình cờ bà Cả xuất hiện, Kiểm thấy bà có vẻ cao sang, ít nói và thường dùng tay để chỉ bảo người làm. Việc quan trọng lắm bà mới trực tiếp giải quyết, thông thường hai thầy quản lý và thư ký thay mặt bà trả lời cho khách. Khi ra về, ông Cảnh tiết lộ cho Kiểm đời tư của bà: Nguyên chồng bà xuất thân từ một gia đình giàu có, trí thức nhưng giữa hai vợ chồng có chuyện lục đục vì bà là một người đàn bà thích tổ chức, chỉ huy, thích cướp quyền của chồng, dần dần mọi việc buôn bán làm ăn đều do bà quyết định hết. Bà ham làm giàu nên luôn bận rộn tính toán, sự nghiệp hiện nay phần lớn là do bàn tay của bà làm nên. Đàn bà mà tính đàn ông nên không quan tâm gì đến mặt tình cảm và tỏ ra lạnh nhạt với chồng, do đó ông chồng cảm thấy cô đơn, buồn chán rồi đâm ra nghiện rượu... Một hôm ông bị lên cơn sốt và bác sĩ cho biết ông bị bệnh lao phổi, từ đó, bà tìm cách tránh xa ông. Đến thời kỳ bệnh nặng, ông phải vào điều trị tại bệnh viện bài lao, mọi việc săn sóc cho ông đều do một người đầy tớ gái đảm trách hết. Bà sợ lây bệnh nên không hề bén mãng đến và cũng tránh xa bệnh viện. May còn có một người thư ký trung thành để giúp ông về tiền bạc, giao dịch thư từ với bên ngoài...
Kiểm có hỏi về lý lịch của Hoài, cha mẹ là ai? Ông Cảnh cho biết thiên hạ đồn rằng Hoài là con riêng của ông Cả... Nghe nói mẹ của Hoài tuy xuất thân nhà nghèo nhưng nhan sắc không kém ai, vì thế ông Cả mới mê cô ấy.
Kiểm thắc mắc, nếu quả thật Hoài là con riêng của ông Cả thì tại sao thân phận của Hoài ở trong nhà này chẳng khác gì một con ở, một đứa đầy tớ. Bên dòng họ của ông Cả, anh em đều là người trí thức, giàu có, mỗi người một cơ nghiệp lớn, làm ăn ngang ngửa với thiên hạ. Bà Cả lại chỉ có một đứa con gái duy nhất, bao nhiêu tài sản đều dành cho cô ấy, còn Hoài thì sao? Không lẽ bên nội của Hoài không có ai lên tiếng bênh vực cho nàng? Có người khác cho Kiểm biết Hoài là con nuôi, bà Cả xin từ Viện Dục Anh Kim Long đem về mới mấy năm gần đây mà thôi. Thân phận con nuôi là con không cha không mẹ, không có ai thừa nhận mới đem cho bà Sơ ở Viện Dục Anh nuôi. Chẳng lẽ con riêng của ông Cả mà phải đem đi cho các Sơ hay sao? Tiền của nhà đó thiếu gì? Tại sao không để cho mẹ nó nuôi hay thuê người khác nuôi riêng cũng được, cần gì phải cho vào Viện Mồ Côi!
*
* *
Hoài mỗi ngày một lớn, mười một... rồi mười hai tuổi... trông xinh đẹp hẳn lên. Hai năm Kiểm trọ nhà ông Cảnh, mỗi buổi chiều đi học về chàng thường ra ngồi bờ sông nhìn vào nhà bà Cả mong sao thấy được gương mặt của Hoài. Thỉnh thoảng Hoài cũng đứng ở trong cổng chính nhìn ra mỉm cười với Kiểm... Hoài đang tuổi mới lớn lên, sống trong môi trường toàn người lớn, không có trẻ con cùng lứa tuổi, không có bạn bè ngoại trừ bạn học ở trường. Hoài cũng biết thân, biết phận, biết hoàn cảnh của mình chỉ là con nuôi nên không dám dẫn
bạn về nhà chơi. Kỷ niệm một đêm chơi “ù mọi” với Kiểm đã in sâu vào trong con tim của Hoài. Những khi tưới hoa trước sân, thấy không có ai nhòm ngó mình, Hoài thường ra đứng trước cổng hy vọng gặp Kiểm đang đợi mình ở đó... Hoài chỉ nhìn ra mà không dám nói gì. Kiểm cũng vậy, mỗi đêm ôm sách ra cột đèn trước nhà bà Cả ngồi học hay mỗi chiều Thứ Năm, Thứ Bảy, nhất là vào mùa Hè, ra bến tắm, ngồi đợi ở bờ sông nhìn vào, mong sao có Hoài thấp thoáng bên trong...
Thế rồi vì hoàn cảnh, hiệp định Genève 20-7-1954 ra đời, hòa bình được tái lập tại Đông Dương, Việt Minh rút về miền Bắc, miền Nam trao cho chính quyền của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, gia đình ông Cảnh quyết định trở về quê ở Phú Vang, Phú Thứ... Kiểm phải dọn nhà đi ở chỗ khác. Năm đó, chàng đang dọn thi Trung Học nên không có thì giờ trở lại Bến Trâu ngồi đợi giờ phút Hoài xuất hiện như trước nữa. Chuyện học hành đã lôi kéo chàng đi theo dòng thời gian. Ba năm sau ngày xa Hoài, Kiểm đã học xong chương trình Tú Tài và bước chân vào năm thứ Nhất Đại Học thì Hoài cũng đã thi đậu Trung Học và vào được lớp Đệ Tam (lớp 10) trường Đồng Khánh. Hoài bây giờ trổ sắc thêm duyên, mỗi lần gặp lại nàng Kiểm càng thấy nhớ, thấy thương. Hoài bây giờ đã mười sáu tuổi rồi nhưng Kiểm vẫn chưa dám viết thư cho nàng vì sợ làm cho nàng xao lãng việc học hành. Đôi lúc Kiểm có ý nghĩ nếu mình không ngỏ ý trước, lỡ có anh chàng nào đến với nàng sớm hơn mà nàng nhận lời thì đau khổ cho mình biết mấy!
Tuy không được ở gần Hoài như trước nhưng Kiểm cũng tìm đủ mọi cách theo dõi tình hình, nhờ người này, người khác tìm hiểu xem Hoài đã có nơi nào chưa? Một hôm Kiểm đi ngang qua nhà bà Cả, thấy có đám cưới thật linh đình, Kiểm nghĩ dại, không lẽ đây là đám cưới của Hoài nhưng không phải, đó là đám cưới của con gái bà Cả, mới 19 tuổi, đang học ở Đà Lạt, vừa đậu Tú Tài II chương trình Pháp thì được gả cho một ông chồng giàu có, thế lực ở trong chính quyền Sài Gòn. Tuổi của tân lang xấp xỉ tuổi của bà Cả, một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối theo sự quyết định của dòng họ chứ hoàn toàn không có vấn đề tình cảm, yêu đương gì hết. Hoàn cảnh các cô gái con nhà giàu ở Huế vẫn thường có những cuộc hôn nhân cưỡng ép như thế chỉ vì bốn chữ “môn đăng hộ đối” mà thôi.
Sau đám cưới đó được ít lâu lại đến đám tang bà Cả. Bà chết rất trẻ, mới ngoài bốn mươi với một chứng bệnh nan y. Đám tang bà Cả cũng to lớn không kém gì đám cưới con của bà trước đây, chỉ khác một điều là đám cưới thì nhiều hoa, nhiều pháo, nhiều dù lọng, nhiều quần the, áo gấm... , còn đám tang thì nhiều hoa cườm, liễn đối phúng điếu, nhiều khăn tang, nhiều người bận áo quần đen đi theo quan tài...
Sau khi bà Cả chết được một năm thì một biến cố chính trị to lớn xảy ra... cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 tại Sài Gòn đã ảnh hưởng đến những nhà giàu có, thế lực ở Huế. Phần lớn bị bắt, bị tịch thu tài sản, bị buộc tội là cơ sở kinh tài của đảng Cần Lao... Nhiều người trong dòng họ của ông Cả, bà Cả phải bỏ nhà cửa, cơ sở làm ăn ở Huế để chạy vào Sài Gòn lánh nạn hoặc làm lại cuộc đời, tạo dựng cơ sở mới. Nhân cơ hội đó, Hoài cũng dọn đi ở chỗ khác để thay đổi không khí vì nàng đã chán ngấy cái khung cảnh ngột ngạt, cửa đóng then cài, đầy tử khí tại nhà bà Cả.
Hoài muốn thay đổi không khí để trút bỏ cái mặc cảm mình là con nuôi, con rơi, con không cha, không mẹ, phải ăn nhờ ở đậu, phải nương tựa vào kẻ khác. Hoài cũng chán cái không khí phân biệt đối xử của họ hàng và muốn từ chối tất cả mọi quyền lợi đáng lý ra nàng phải được hưởng từ khi mới sinh, nếu quả thật nàng là con riêng của ông Cả theo như lời người ta nói nhưng từ khi lớn lên cho đến ngày hôm nay, chưa bao giờ nàng được họ hàng bên ông Cả chính thức xác nhận ông là cha ruột của nàng. Trên giấy khai sinh mà nàng đã nộp cho trường khi đi học chỉ ghi tên mẹ mà không có tên cha. Mẹ nàng là người họ Nguyễn thì nàng cũng mang họ Nguyễn.
Từ ngày rời Viện Mồ Côi để về ở với bà Cả, chưa bao giờ mẹ nàng đến thăm nàng cho đến ngày bà Cả mất, mẹ nàng mới xuất hiện để gặp lại nàng. Hôm đó mẹ nàng đến gặp thầy quản lý và một người lớn tuổi bên họ nhà chồng bà Cả, trao đổi với nhau vài ba điều gì đó... rồi Hoài thấy người ta trao cho bà một khăn tang để chít lên đầu khi đưa đám bà Cả. Bà cũng đã gặp riêng và hỏi Hoài:
- Con có biết mẹ không?
- Biết.
- Con có nhớ mẹ không?
- Con nhớ mẹ.
Thế rồi cả hai mẹ con ôm nhau khóc.
Hoài còn nhớ, khi còn nhỏ mẹ Hoài và Hoài sống ở Cô Nhi Viện Dục Anh (Kim Long) Huế cho đến năm Hoài lên 3 tuổi thì mẹ đi lấy chồng và năm Hoài 8 tuổi thì một hôm bà Cả cho người đến Cô Nhi Viện đem Hoài về nhà bà và Hoài tự hiểu là mình đã được các Sơ cho về làm con nuôi của bà Cả, rồi sau đó Hoài cũng nghe người ta xì xào bàn tán Hoài là con riêng của ông Cả với mẹ Hoài. Từ ngày đó, Hoài không bao giờ gặp lại mẹ cho đến khi bà Cả qua đời.
Mẹ Hoài đi lấy chồng, một người lính lái xe trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, sinh được bốn cậu con trai rồi chồng chết, nhà nghèo không đủ nuôi con nên Hoài phải vừa học vừa làm để giúp mẹ, giúp em.
* *
Sau khi học hết chương trình Tú Tài II, Hoài thay đổi địa chỉ mấy lần, cuối cùng dọn đến một biệt thự tương đối cổ kính nằm trong một bức vườn vùng ngoại ô thành phố Huế, với đầy đủ tiện nghi. Sau biến cố 1/11/1963, chủ nhân ngôi nhà này đã chạy vô Sài Gòn, con cháu cũng không còn ai nên để trống cho các Sơ mở vườn trẻ... Kiểm phải mất công tìm tòi hết nơi này đến nơi khác, cuối cùng mới gặp được Hoài tại đây. Kiểm không bao giờ quên được, vào một buổi chiều mờ tối, trời mưa gió, với không khí lạnh lẽo đầu tháng Mười, chàng đã đến gõ cửa phòng Hoài. Căn phòng chỉ khép hờ, cửa không khóa, Kiểm đã mạnh dạn bước vào...
Những năm sau biến cố 1963, các phong trào tranh đấu trong sinh viên Đại Học tại miền Nam nhất là Huế, Sài Gòn càng ngày càng tỏ ra nguy hiểm, quá khích, vô kỷ luật đi đến bãi khóa, đình công, bãi thị, gây trở ngại cho việc học hành và tạo xáo trộn trong mọi sinh hoạt xã hội. Cộng Sản và các tổ chức chính trị đều nhảy vào lợi dụng khối thanh niên, học sinh, sinh viên để hướng họ vào kế hoạch của mình. Kiểm không đồng ý với các hoạt động bạo động, quá khích của sinh viên như tự động đi bắt người, đốt phá phòng thông tin Hoa Kỳ ở Huế, đốt nhà gây thương vong cho dân di cư tại hai làng Thanh Bồ, Đức Lợi Đà Nẵng, gây chia rẽ tôn giáo, đập phá các cơ sở công, tư, phổ biến tài liệu chống Mỹ, chống chiến tranh, tuyên truyền cổ võ cho Cộng Sản... , vì thế chàng đã cùng bạn bè, những người có lập trường Quốc Gia, chống lại các hoạt động của nhóm sinh viên thiên Tả này. Qua bạn bè trong giới học sinh, sinh viên, Hoài biết các hoạt động của Kiểm nên nàng rất lo lắng, sợ có bề gì nguy hiểm cho chàng.
Kiểm biết tại Cô Nhi Viện Dục Anh có một cô gái, cha là sĩ quan Nhật, mẹ là người Việt Nam. Sau khi Nhật đầu hàng, viên sĩ quan đó đã mổ bụng tự tử trong lúc người vợ đang có thai. Nàng đã nhẫn nhục sống cho đến khi sinh và vì không biết lấy gì nuôi con giữa năm đói 1945 nên đã đem đứa con gái xinh đẹp kia gởi cho các Sơ nuôi. Những ngày còn trong Cô Nhi Viện, Hoài và cô gái lai Nhật đó rất thân thiết với nhau như hai chị em ruột. Hoài cũng có nét giống như gái Nhật, mũi cao, da trắng, tóc mây rất dày, nếu không biết rõ nguồn gốc của Hoài thì người ta cũng có thể nghĩ rằng nàng là một cô gái lai Nhật.
Những biến cố chính trị xảy ra liên tục tại miền Nam từ sau 1963 đã làm cho Kiểm rất bận rộn ngày đêm để đối phó với tình hình. Sau Tết Mậu Thân 1968, Kiểm hoàn toàn mất liên lạc với Hoài. Chàng hỏi thăm những người quen và không một ai biết được bây giờ Hoài đang ở đâu.
Từ ngày gặp Hoài lần cuối cùng tại Huế đến nay, phút chốc mà đã hơn hai năm qua. Hai năm không phải là khoảng thời gian dài đối với một đời người nhưng với Kiểm, chỉ trong hai năm đó, bao nhiêu biến cố xảy ra và cuộc đời của Hoài cũng đã thay đổi không kém. Từ Huế, nàng đã vào Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn và cuối cùng nàng đã quyết định đi ra ngoại quốc và thề sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam nữa. Không một ai trong gia đình, kể cả mẹ và các em hiểu được lý do tại sao?
Khi nghe tin đó, Kiểm rất bàng hoàng đau xót. Chàng tự hỏi: “Liệu Hoài có thực sự tìm được hạnh phúc trong cuộc sống mới hay không?”. Trong bao nhiêu năm, Kiểm không tìm được câu giải đáp.
Sau khi Hoài đi xa, mẹ nàng vì thương nhớ con nên mỗi ngày một hao gầy, không ăn ngủ được, nỗi đau vật chất lẫn tinh thần càng dày vò... rồi bà bỗng trở bệnh nặng... Hoài là con gái duy nhất, đứa con lớn, hiếu thảo, hy sinh, gương mẫu nhất trong nhà, ngay từ khi mới sinh đã không thấy mặt cha, rồi phải xa mẹ để sống một mình trong Viện Mồ Côi, khi lớn lên, không biết cha mẹ là ai, phải khuất thân làm tôi tớ người khác, sống nhẫn nhục trong cảnh cô đơn, vất vả, chịu khó học hành, làm lụng để vươn lên. Bao nhiêu năm xa mẹ, xa em... đến khi khôn lớn, có điều kiện lui tới với gia đình thì lại bỏ đi xa... Mẹ ở nhà lỡ khi ốm đau bệnh hoạn, giây phút cuối của cuộc đời, làm sao gặp lại con!
Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, mẹ đã viết cho Hoài một bức thư nhưng chưa kịp gởi thì mẹ đã ra người thiên cổ rồi!
*
* *
Hai chục năm sau khi mẹ mất, một sự tình cờ Hoài đã nhận được một bức thư từ Việt Nam gởi ra ngoại quốc, do một người quen vượt biên mang theo:
“Long Khánh ngày... tháng... năm ...
Thăm con thân mến,
Trước khi từ giả cuộc đời để về với ông bà tổ tiên, mẹ hãy còn một vài điều chưa nói cho con biết, nên mặc dù đang bệnh nặng, mẹ vẫn cố gắng mỗi ngày viết một vài dòng để gởi cho con. Vì mẹ sợ rằng, sau này khi mẹ không còn nữa thì chẳng có ai biết để nhắn lại với con.
Hoài ơi!
Con đi xa rồi, mẹ buồn vô hạn. Đời mẹ chỉ có một mình con là con gái mà trong tuổi trẻ, vì hoàn cảnh bất hạnh, mẹ đã không được sống gần con, mẹ không được nuôi con khôn lớn cho tròn bổn phận làm mẹ như lòng mẹ hằng mong ước. Đến khi có điều kiện để mẹ con gần gũi thì con lại bỏ đi xa. Vì hạnh phúc của cá nhân con mà mẹ và các em con phải đành lòng để con ra đi, nương thân nơi xứ lạ quê người, lỡ khi đau ốm, buồn lo biết tâm sự cùng ai, biết cậy nhờ ai giúp đỡ... Mẹ biết con đã có chồng, có con nhưng mẹ vẫn không yên tâm khi nghĩ đến con xa cách, vì thế ngày đêm mẹ chỉ biết cầu nguyện cho con được bình yên sức khỏe, làm ăn phát đạt và được hạnh phúc bên chồng, bên con.
Cho đến bây giờ, mẹ chưa nói cho con biết cha con là ai? Tại sao con lớn lên không có cha, có mẹ? Tại sao con phải sống trong trại mồ côi? Tại sao con lại về làm con nuôi nhà bà Cả?
Chắc con cũng đã nghe người ta nói về nguồn gốc của con, về người cha của con... nhưng nếu mẹ không chính thức nói ra thì làm sao con có thể tin vào lời thiên hạ được, vì thế mẹ phải có bổn phận nói rõ điều đó cho con biết trước khi mẹ nhắm mắt lìa trần. Vì chỉ có mẹ mới là nhân chứng giá trị nhất, có thẩm quyền nhất để nói về nguồn gốc của con, không một tiếng nói nào có giá trị hơn lời của mẹ được.
Năm đó, mẹ vào khoảng 17, 18 tuổi, sống ở nhà quê với ông bà ngoại. Nơi đó là vùng Việt Minh chiếm đóng, có lực lượng kháng chiến chống Pháp hoạt động nên lính Pháp và Bắc Phi thường mở những cuộc hành quân vào vùng này. Chúng thường đốt nhà, giết người, cướp của, hãm hiếp đàn bà con gái... , vì thế bà ngoại mới cho mẹ lên Huế để tránh mọi sự nguy hiểm. Tuy là con gái nhà quê nhưng mẹ cũng được đi học, biết đọc, biết viết và có nhan sắc, tư
cách hơn người. Mẹ đến xin làm người giúp việc trong nhà ông bà Cả, một người giàu có, danh giá vào bậc nhất tại địa phương. Mỗi ngày mẹ phải đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, săn sóc vườn tược. Vì mẹ có nhan sắc nên sợ người ta để ý, do đó mẹ phải cải trang mặt mày lem luốc, ăn mặc lùi xùi để cho xứng hợp với địa vị “người đầy tớ gái” trong nhà.
Một hôm bà ngoại lên Huế thăm mẹ, khi trở về thì bị Việt Minh bắt đem đi treo cổ trên cây cao giữa cánh đồng vì nghi ngoại liên lạc thông báo tin tức cho giặc Pháp. Hơn một năm sau mẹ mới biết tin đó. Mẹ rất đau khổ nhưng không dám về thăm nhà và chỉ âm thầm chịu đựng một mình.
Ông Cả xuất thân từ một gia đình giàu có, trí thức, anh em đều là những người danh tiếng, có người em trai là Bác Sĩ ở bên Pháp, và hai người em gái đều giàu có... Bà Cả là người xuất thân trong gia đình quan lại và trí thức. Bà giúp chồng làm ăn, giàu có như con thấy nhưng bà có tính đàn ông, thích chỉ huy kẻ khác và hay lấn át quyền của chồng. Bà chỉ ham làm giàu mà không để ý săn sóc chồng, nhất là mặt tình cảm, vì thế ông Cả rất buồn. Ông thường hay đi săn bắn và có lần gặp cơn mưa bão, bị cảm lạnh, sau đó bị đau nặng lâu ngày thành bệnh lao phổi, bác sĩ buộc phải vào bệnh viện điều trị. Từ đó, bà Cả vì sợ lây bệnh ho lao, nên trao việc săn sóc, liên lạc với ông Cả cho thầy thư ký và mẹ. Mỗi ngày mẹ phải lo cơm nước, bới xách cho ông và giặt quần áo cho ông.
Ông Cả nằm ở bệnh viện lâu ngày nên rất buồn, chỉ đọc báo, đọc sách và không có ai đến thăm viếng chuyện trò, ngoài mẹ và thầy thư ký... Mỗi lần mẹ mang cơm đến, phải dỗ dành năn nỉ ông mới chịu ăn. Mẹ nghĩ mình chỉ là phận tôi tớ nên chỉ làm đủ bổn phận hằng ngày mà thôi, ngoài ra mẹ không tìm dịp để chuyện trò với ông nhiều nhưng trái lại, ông thường gọi mẹ đến gần, hỏi han tình hình gia đình, bắt mẹ kể cho ông nghe về cha mẹ anh em và hoàn cảnh ở nhà quê sinh sống như thế nào. Ông tỏ ra rất quan tâm. Nhiều lần ông thường nói với mẹ:
- Ẩn ơi! Ở đây buồn quá! Buồn thì bệnh khó mà lành được. Mỗi lần ông ngồi trên ghế ăn cơm, mẹ phải quỳ dưới chân để gắp thức ăn bỏ vào chén cho ông. Chỉ có cách đó mới thuận tay, nếu đứng thì phải cúi xuống rất khó trao thức ăn ngang miệng cho ông được. Có lần ông nói với mẹ:
- Tại sao em để mặt mày nhơ bẩn thế. Hãy đi rửa mặt cho sạch sẽ. Tôi không muốn nhìn thấy em như vậy.
Vì thế, khi ở nhà thì mẹ để cho mặt mày lem luốc để cho bà Cả khỏi để ý nhưng khi đến bệnh viện thì mẹ phải đi rửa mặt sạch sẽ, chải tóc gọn gàng mới dọn cơm cho ông ăn. Có lần ông kêu mẹ đến gần và bảo mẹ đưa bàn tay cho ông xem. Ông cầm bàn tay mẹ hồi lâu rồi ứa nước mắt ra và nói:
- Mặt mày xinh đẹp như thế, bàn tay tốt như thế mà phải đi làm đầy tớ cho nhà giàu! Người như thế này đáng lý ra phải được làm chủ một cơ nghiệp mới phải!
Nói xong ông ôm lấy mẹ và nói:
- Ẩn ơi! Tôi buồn lắm. Vợ tôi không tưởng nghĩ gì đến tôi. Bà ấy chỉ biết làm giàu và đã có người khác săn sóc cho bà rồi... Mẹ hiểu ý liền gỡ tay ông ra rồi quỳ xuống:
- Thưa ông, con không đáng cho ông nghĩ tới. Con là phận tôi tớ...
Nhưng ông nói với mẹ rằng:
- Ẩn ơi! Em ăn ở có tình có nghĩa với tôi. Tôi không đối xử với em như là người tôi tớ đâu! Tôi xem em như em của tôi, như bạn của tôi. Nếu em thương tôi thì tôi xem em như vợ của tôi. Tôi quá buồn, quá đau khổ. Xin em đừng xua đuổi tôi.
Nói xong, ông cầm tay mẹ rồi ôm lấy mẹ mà khóc.
Mẹ là con gái mới lớn lên, nhẹ dạ và hay nể nang, sợ làm buồn lòng ông nên mẹ chỉ ứa nước mắt rồi tự nhiên khóc nức nở. Ông cũng khóc và ôm lấy mẹ mãi như thế. Lúc đó mẹ vào khoảng 18, 19 tuổi, còn ông thì mới ngoài 30 tuổi mà thôi, mặt mày ông rất khôi ngô tuấn tú và tính tình rất phúc hậu. Mấy tháng sau, mẹ có thai. Mẹ rất lo sợ và không biết phải giải quyết ra sao. Mẹ không dám nghĩ đến chuyện phá thai vì ông bà mình thường dạy phá thai là chuyện thất đức... Mấy đêm liền không ngủ được và cuối cùng mẹ quyết định phải nói hết sự thật cho ông biết. Nghe tin đó, ông bàn với mẹ rằng:
- Bây giờ hãy còn thì giờ để tôi lo cho Ẩn đâu vào đó. Ẩn đừng sợ!
Sau đó, ông bảo Thầy thư ký mang đến cho ông một số tiền và thu xếp cho mẹ một chỗ ở tại làng Kim Long. Vào một buổi sáng, như thường lệ, mẹ đi chợ mua thức ăn cho ông và mang theo một ít quần áo cần thiết rồi đi thẳng luôn. Cho đến ngày sinh con, mẹ đem gởi vào Cô Nhi Viện Dục Anh ở Kim Long. Được ba năm, khi con khôn lớn thì mẹ mới về quê... Mẹ không dám lui tới với ông Cả vì sợ bà Cả trả thù. Bà là người có thế lực, chỉ cần nói với người Pháp một tiếng là họ cho lính bắt mẹ bỏ tù ngay tức khắc. Thậm chí họ có thể xử tử mẹ với tội hoạt động cho Việt Minh Cộng Sản!
Từ khi xa mẹ, ông Cả quá buồn vì quá thương nhớ nên bệnh nặng thêm và ông đã qua đời sau đó chừng một năm. Ông dặn mẹ đặt tên cho con là “Hoài”, có nghĩa là “Nhớ”... Mẹ còn nhớ, hồi đó, mỗi buổi sáng khi mẹ mang thức ăn đến cho ông thì ông thường nói với mẹ:
- Ẩn ơi, đêm qua tôi nằm mơ thấy Ẩn, tôi thương Ẩn nhiều lắm, tôi nhớ Ẩn nhiều lắm... Ẩn có ghét tôi không? Ẩn có giận tôi không? Nếu mai kia tôi chết thì linh hồn tôi vẫn ở bên cạnh Ẩn mãi mãi...
Mỗi lần nghe ông nói như vậy, mẹ thấy thương ông quá. Mẹ biết cuộc sống của ông mong manh lắm nhưng mẹ không dành lòng bỏ rơi ông. Bệnh viện cho ông ở phòng hạng nhất, riêng biệt, có đầy đủ tiện nghi như ở nhà, chỉ có người Pháp mới được như vậy, người Việt Nam ít có người được như ông. Trước khi mất, ông có viết cho người bà con trong họ hàng của ông một bức thư nhờ người đó bảo bọc che chở cho con. Bức thư đó đã được công bố sau khi ông chết nhưng bà Cả làm áp lực không cho thi hành di chúc của ông. Mãi đến khi con được tám tuổi thì bà Cả mới cho người đến Cô Nhi Viện làm giấy tờ xin đem con về làm con nuôi. Khi bà Cả còn sống, mẹ không dám đến thăm con vì bà Cả giận mẹ đã “cướp chồng” của bà nhưng sau khi bà Cả qua đời thì người trong họ hàng đã nhắn tin cho mẹ biết và mẹ đã đến để được nghe kể lại những lời cuối cùng của ông Cả trước khi mất. Mẹ đã để tang cho bà Cả cũng như trước đây mẹ đã âm thầm để tang cho ông Cả. Dù sao đối với bà Cả thì mẹ cũng là phận nhỏ, phận làm em.
Về nguồn gốc dòng họ của con, theo lời ông Cả kể lại cho mẹ khi ông còn sống thì mấy trăm năm trước dòng họ ông có người làm quan lớn từ Bắc vào lập nghiệp ở tỉnh Quảng Trị rồi theo đạo Công Giáo. Thời nhà Nguyễn bắt đạo, tổ tiên của ông bị lưu đày, phân tán đi khắp nơi, một người vào Huế và đã sinh hạ con cháu sau này. Đời ông Cố vẫn còn nghèo, về sau tự nhiên con cháu phát đạt, giàu có, trí thức... Nghe nói ông cố một hôm đào ao trồng tre gặp được chum vàng. Nhờ đó con cháu mới có tiền đi học và có vốn làm ăn. Danh giá dòng họ này đến nỗi người Pháp cũng phải kính nể. Khi con lớn lên, gương mặt của con cũng hao hao giống hai bà cô, em ruột của ông Cả. Hai người đó rất đẹp và học giỏi, một thời nổi danh. Một người có chồng là bác sĩ, sau bỏ chồng đi lấy một người ngoại quốc, con cháu đều thành tài và hiện đang ở ngoại quốc. Dòng họ bên nội con danh giá, trí thức nên họ khinh mẹ là người nghèo hèn, ít học, vì thế họ cũng không có tình với con. Họ không muốn công khai nhìn nhận con là con cháu của họ. Đó là sự thật. Dù sao thì con vẫn là con của ông Cả và ông Cả cũng đã yêu thương mẹ một cách chân thành, không phải chỉ là một sự lợi dụng về xác thịt mà thôi đâu. Mẹ cũng yêu thương ông mà sinh ra con. Mẹ nói điều đó cho con biết và khuyên con đừng quên người Cha đau khổ của con đã qua đời.
Năm con được ba tuổi, mẹ trở về làng ngoại thăm mồ mả ông bà, thăm anh em họ hàng. Có người biết hoàn cảnh của mẹ nên đã xin cưới mẹ làm vợ và thương yêu mẹ trọn tình nghĩa vợ chồng. Bà con họ hàng khuyên mẹ nhận lời vì mẹ hãy còn trẻ, sau này không biết nương tựa vào ai. Đó là một người lính lái xe trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Mẹ có với ông này 4 đứa con trai thì ông bị tử trận. Mẹ gắng nuôi các em con khôn lớn, hiện nay chúng cũng đã có vợ có con cả rồi. Mẹ có chết đi cũng an tâm. Chỉ buồn một điều là không được gặp lại con trước khi nhắm mắt.
Thư này mẹ để lại cho các em, khi nào liên lạc được với con, các em sẽ gởi cho con. Mẹ cầu mong gia đình con hòa thuận, hạnh phúc. Nếu sau này con trở về, xin nhớ đến thăm mộ của mẹ và cầu nguyện cho mẹ.
Mẹ vĩnh biệt con.
Nguyễn Thị Ẩn... ”
*
* *
Đọc xong thư, Hoài bỗng lặng người đi. Nỗi khổ tâm mang nặng trong lòng nàng từ hơn hai chục năm nay bây giờ lại bùng lên một cách sôi nổi. Mẹ nàng và anh em nàng cũng thừa biết nàng là người con chí hiếu, chí tình, nàng đã từng hy sinh làm lụng vất vả để giúp mẹ, giúp em, đã từng vươn lên từ trong cảnh khó nghèo để trở thành một người có học, có khả năng. Nỗi khổ tâm của nàng chỉ có một mình nàng biết, một mình nàng hay. Sau khi nhận được thư mẹ, Hoài quyết định trở về, dù chỉ để thắp cho mẹ một nén hương trên mộ, nàng cũng phải làm.
Hoài đã tìm hỏi nơi này, nơi nọ trong số bạn bè đã từng về Việt Nam để làm giấy tờ, thủ tục và để biết đường đến nhà các em hiện ở vùng kinh tế mới thuộc tỉnh Long Khánh cũ (nay là tỉnh Đồng Nai). Hoài đã đến phi trường Tân Sơn Nhất vào dịp lễ Giáng Sinh, ở lại Sài Gòn đợi chờ liên lạc được người quen dẫn đi thăm các em.
Gặp lại bà con, bạn bè, Hoài rất mừng. Ai cũng khen Hoài đã ngoài bốn mươi rồi mà trông còn trẻ đẹp như xưa. Bề ngoài, Hoài vẫn nói cười vui vẻ. Nàng kể cho mọi người nghe về cuộc sống của nàng bây giờ ổn định, có nhà cửa tài sản lớn, lương cao. Hoài xa Việt Nam đã hơn 20 năm rồi, với thời gian dài làm việc nhiều, nàng đã dành dụm được chút vốn liếng và bắt đầu nghỉ ngơi để đi du lịch nơi này nơi khác, trong đó có chương trình về thăm quê hương. Con cái của nàng bây giờ cũng đã lớn, đang học những năm cuối của chương trình Đại Học, tương lai sẽ có cuộc sống ổn định nên nàng cũng không còn phải lo lắng gì... Thấy nàng ăn nói vui vẻ, hồn nhiên nên anh em, bạn bè ai cũng mừng cho nàng.
Hoài đã được các em dẫn đi thăm mộ mẹ và nàng đã xúc động quỳ bên mộ khóc nức nở. Sau đó, nàng đã thuê thợ xây cho mẹ một ngôi mộ thật đẹp và đã gắn lên đó bức hình của mẹ với mấy hàng chữ: “CON NHỚ MẸ”, ở dưới ghi tên Hoài và các em... Hoài cũng thuê xe cho các em đi thăm Huế và nhờ người hướng dẫn đến thăm khu lăng mộ của gia đình bên nội. Lần đầu tiên, nàng đã quỳ trước mộ của ông Cả, người cha đau khổ mà nàng mới biết rõ về người qua bức thư của mẹ để lại. Nàng đã đi thăm Đại Nội, cung điện của các vua nhà Nguyễn, thăm các lăng tẩm ở vùng núi hai bên bờ sông Hương, đi thăm các nhà thờ, chùa, thưởng thức các món ăn Huế, đi thuyền trên sông Hương, nghe ban cổ nhạc trình bày các bài ca, điệu hò ngày xưa... Trong dịp đó, Hoài đã gặp lại Tường Vi, một người bạn thân, học cùng lớp ngày xưa. Tường Vi đã cho Hoài biết tình trạng của Kiểm sau 1975 đã bị Việt Cộng bắt và bị buộc vào tội “hoạt động lật đổ chính quyền”... , hiện đang bị giam giữ tại vùng Thanh Hóa cùng chung vụ với Liêm, chồng của nàng. Ba tháng một lần, Tường Vi thường xin giấy phép đi thăm chồng và nay đã sắp đến kỳ hạn rồi...
Dịp đó, Hoài đã đi theo Tường Vi ra Thanh Hóa để thăm Kiểm. Hai người đã thuê xe hơi khởi hành từ Huế. Mùa Tết, trời lạnh, đường sá hư hỏng, đi mất một ngày mới tới nơi... Tường Vi chính là cô gái lai Nhật ngày xưa ở trong Cô Nhi Viện với Hoài, hai người có vóc dáng, khuôn mặt hơi giống nhau, nên ai cũng tưởng là hai chị em. Hoài thân với Tường Vi từ nhỏ, cùng cảnh ngộ nên dễ thông cảm nhau. Đọc đường, Hoài đã tâm sự nhiều với Tường Vi về mối tình giữa Kiểm và Hoài ngày xưa... Hoài cho rằng Kiểm vì quá đam mê chính trị, đã chạy theo con đường danh vọng mà bỏ rơi Hoài... nên Hoài giận mà bỏ đi xa, không liên lạc với Kiểm nữa. Bây giờ nghĩ lại, Hoài thấy mình đã quá sai lầm khi chấp nhận kết hôn với một người ngoại quốc, đã không đem lại hạnh phúc cho nàng... Trái lại nàng đã mất cả bà con, anh em, bạn bè, mất cả quê hương, đất nước. Con cái cũng không biết nói tiếng mẹ đẻ, không biết gì về văn hóa lịch sử Việt Nam, không biết gì về họ hàng bên ngoại... Vì quá bận công việc làm ăn, vì phải sống cho cá nhân mình, nên nàng đã thiếu sót không dạy cho con tiếng nói và văn hóa Việt Nam. Nàng phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Ban Giám Thị Trại không cho Hoài được gặp Kiểm vì không có giấy tờ liên hệ gia đình. Hơn nữa, hiện Kiểm đang ở trong tình trạng bị kỷ luật không cho thăm gặp thân nhân, không cho nhận quà cáp thư từ trong vòng sáu tháng vì lý do đã xúi giục anh em tù chính trị đứng lên đòi hỏi chuyện này chuyện nọ ở trong trại... Tường Vi đã nhận Hoài là chị em cô cậu nên Hoài cũng có mặt trong lúc Tường Vi nói chuyện với chồng tại phòng khách của trại tù. Liêm đã cho Hoài biết thời gian sống chung với Kiểm trong tù, chàng đã được Kiểm tâm sự nhiều về Hoài. Cho đến bây giờ Kiểm vẫn còn thắc mắc không hiểu tại sao tự nhiên Hoài xa Kiểm và cắt đứt mọi liên lạc... Hoài chưa bao giờ trả lời cho Kiểm, Hoài có đồng ý để cho Kiểm đi hỏi nàng làm vợ hay không, nên Kiểm vẫn chờ đợi cho đến khi được tin Hoài đã đi ngoại quốc, mới lập gia đình với người khác. Bây giờ Hoài mới biết rằng mình đã nghĩ oan cho Kiểm... nhưng mọi việc đã lỡ rồi, không còn thay đổi được nữa!
*
* *
Hoài đã cùng Tường Vi trở về thăm ngôi nhà xưa, nơi Hoài đã sống gần chục năm, nơi cha của nàng đã xây dựng nên vườn tược, nhà cửa nguy nga đồ sộ... Nơi mẹ Hoài đã từng nương thân trong thời loạn lạc, nơi mà mỗi đêm Hoài thường chạy ra cổng để mong ngóng xem Kiểm có đến ngồi cạnh bến tắm hay không? Nơi đó, người ta thường gọi là “Bến Trâu”... nhưng Kiểm thì gọi đó là “Bến Xuân”, một cái tên thơ mộng, nơi đã phát sinh ra mối tình lãng mạn của đôi bạn học trò thời thơ ấu: Kiểm và Hoài!
Trong những ngày chờ đợi Tết, hai cây bạch mai, hoàng mai trước sân nhà đã ra hoa. Những cây mận, cây đào trong vườn vẫn còn đó, các chậu kiểng vẫn còn đó, hoa hồng, hoa sói, chậu lan, chậu cúc... vẫn còn đó nhưng ông Cả, người chủ nhà, người cha mà Hoài chưa hề biết mặt, đã ra đi gần nửa thế kỷ trước rồi; bà Cả cũng đã vắng bóng gần ba chục năm nay; mẹ nàng, Nguyễn Thị Ẩn, cũng đã ra đi từ ngày dan díu với cha nàng... và Kiểm cũng không còn đó để chờ đợi cái mỉm cười kín đáo và duyên dáng của Hoài từ bên trong cánh cửa... Giang sơn đã đổi chủ, kẻ thù đang ngự trị trong ngôi nhà này... Hoài chỉ là người khách xa lạ, một người mang quốc tịch nước ngoài, một khách du lịch tình cờ đi qua đây, dừng chân ngắm cảnh...
“Quốc phá, sơn hà tại”, nước mất nhưng sông núi vẫn còn đó...
Nguyễn Lý Tưởng
CẢM ĐỀ
* Sau khi viết xong truyện “BẾN XUÂN”
Nước mất, sông núi vẫn còn (1),
Đường về nhà cũ, hoàng hôn xuống rồi.
Trước vườn một gốc lão mai,
Nghe tin Xuân đến, ngậm ngùi ra hoa.
Giang sơn này của mẹ cha,
Giờ đây đổi chủ, người ta chiếm rồi.
Thân em là trẻ mồ côi,
Tình duyên trắc trở, suốt đời lênh đênh.
Thương anh trong chốn ngục hình,
Dù xa xôi mấy, một mình đi thăm.
Chốn xưa, nhớ một đêm rằm,
Em ra trước ngõ, âm thầm chờ anh.
Anh thường khen em rất xinh,
Như trúc kia mọc đầu đình tốt tươi.
Thương em duyên dáng nụ cười,
Anh thương “chỉ có một người”, “thương anh... ”
Ai ngờ hai mái đầu xanh,
Tội tình chi mấy mà đành trái ngang.
Thế rồi, mỗi đứa mỗi đàng,
Thế rồi, mang tiếng “phụ phàng” với nhau.
Em đâu có chuyện sang giàu,
Bốn mùa trong cảnh mưa Ngâu sụt sùi.
Dưới cầu nước vẫn trôi xuôi,
Thời gian đâu có trở lui bao giờ.
Tại sao anh vẫn đợi chờ?
Tại sao anh vẫn còn mơ một người?
Tuổi Xuân, mình đã qua rồi,
Hoa mai đã rụng, trên đồi Xuân đi...
Bây giờ em mới trở về,
Bến Xuân thuyền đậu, để nghe câu hò...
Ngày xưa có cậu học trò,
Yêu cô con gái bơ vơ lạc loài.
Thế rồi, anh chẳng yêu ai,
Ngoài cô con gái trọn đời anh mơ...
15 tháng 1, 1999
Nguyễn Lý Tưởng
Chú thích:
1. Quốc phá sơn hà tại: Nước mất nhưng sông núi vẫn còn.
(Trích tập truyện ngắn Đàn Bướm Lạ Trong Vườn - tác giả Triệu Dương Nguyễn Lý Tưởng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét