Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

Chữ Nghĩa Làng Văn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                    Chữ Nghĩa Làng Văn 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***


Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa - 1

Chiếc áo cà-sa  của người tu hành không phải là một hình thức để tạo ra ảo giác, không dùng để loè mắt những người thế tục. Chiếc áo cà-sa là biểu tượng của những gì khiêm tốn, đơn sơ và tầm thường nhất. Nhưng đồng thời, chiếc áo cà-sa cũng là biểu tượng của đạo Pháp, do đó cũng tượng trưng cho những gì cao cả, vượt lên trên sự hiểu biết quy ước của chúng ta.

(Hoàng Phong)


Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam

Khi nhắc “Cô Hàng Nước”, nhiều người thường nhớ tới Sỹ Phú bởi tông giọng nhẹ, nhung mềm, gần như thủ thỉ mà cũng hết sức hào hoa, lôi cuốn nhưng tôi (Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương)

vẫn thích chính Vũ Huyến thể hiện ca khúc này hơn. Lần đầu tiên nghe, có cảm giác như ông đang khề khà kể chuyện tình bằng hơi men, cứ gà gật, lắc lư theo dòng hoài niệm, mỗi câu phát ra tựa như động tác ngửa cổ dốc một ngụm rượu cay vào lòng; thậm chí, ngay cả đoạn “Tình tính tang, tang tính tình…” có vẻ rộn ràng, tươi vui thì vẫn là cái lắc lư của hơi men, của lòng người đang chao đảo nhung nhớ. Thỉnh thoảng, người hát ngồi đờ đẫn, ngây dại, vừa khít các đoạn lặng im lìm của ca khúc. Những lúc như thế, hơi phát ra từ giọng ông như đang bay theo hơi rượu phảng phất cay cay, nồng nồng như buồn buồn, nhớ nhớ.

 

Trên nền nhạc lắc lư đủ cung bậc, chân dung cô hàng xuất hiện:

“Tôi kể rằng đầu làng Ngũ Xá có nàng

Một nàng bán nước chè xanh

Người đâu trông mà duyên dáng

Và cô em chừng đôi tám…

  (Nhạc sĩ Lê Văn Thương)


Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa - 2

Ngày nay, nhiều tu viện lớn ở Miến Điện vẫn còn giữ được truyền thống thật xưa, theo đó các nhà sư phải tự đi nhặt những mảnh vải vụn, những tấm khăn đắp hay liệm người chết vứt bỏ ở những nơi hỏa táng, nghĩa địa hay những đống rác, rồi đem về tự mình chắp nối và may lấy áo để mặc

Mỗi người chỉ được phép có ba chiếc áo như thế, thêm một bình bát. Đến đôi dép cũng không có, họ đi chân đất


Theo tôi nghĩ có lẽ đây là truyền thống rất lâu đời, từ thời của Phật. Nhưng trên thực tế, ngày nay chiếc áo cà-sa đã biến đổi ít nhiều tùy theo phong thổ, tập quán, chủng tộc, học phái… Nhưng dù cho có biến đổi, chiếc áo cà-sa vẫn giữ được ý nghĩa nguyên thủy của n : sự đơn sơ, khiêm nhường


Trong bài viết này tôi sẽ lần lượt chọn hai thí dụ điển hình, một thuộc Nam tông và một thuộc Thiền học của Bắc tông đề trình bày những biến đổi từ quan niệm đến hình thức của chiếc áo cà-sa, và sau đó sẽ lạm bàn xa hơn về ý nghĩa của chiêc áo ấy.

(Hoàng Phong)


Lan man chuyện “Họ”…và tên - 1

Việc đổi họ cổ kim còn vô vàn lý do. Nhà thờ họ Bùi ở một làng nọ thờ ông Tổ là... Trần Thủ Độ. Không phải vì “thấy người sang bắt quàng làm họ”, mà họ Bùi làng ấy tôn thờ ông đâu. Ông chính là ông Tổ của dòng họ Bùi ấy đấy. 


Nhưng Trần Thủ Độ họ Trần. Cớ sao lại là ông Tổ của họ Bùi?


Người viết bèn đem điều thắc mắc ấy hỏi một cụ cao tuổi họ Bùi. Té ra họ Bùi làng ấy vốn gốc từ họ Trần thật. Vào thời xa xưa, trong họ sinh chuyện bất hoà. Một nhánh của họ Trần bèn tách ra lập họ riêng, song vẫn không muốn cho con cháu quên cái gốc (là họ Trần) của mình. Các cụ thời ấy đi từ nghĩa Nôm của chữ “Trần”. Trần nghĩa là... ở trần, là không mặc áo. Không mặc áo thì là phi y (không áo). Chữ phi (非) và chữ y (衣) ghép lại thành chữ Bùi (裴). Thế là được một cái tên họ. Trần = phi + y = Bùi

(Phạm Lưu Vũ)


Lưng chữ cụ, vú chữ tâm - 1

Tiểu thuyết “Một Trăm và Chín Chín” (Trần Chiểu) viết: “Cụ Cố khen tôi “lưng chữ cụ, vú chữ tâm”, hai núm như hai hột đào tơ, mắn đẻ, khéo nuôi con, cụ muốn lấy tôi làm vợ bé...”.

Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Lưng chữ “cụ”, vú chữ “tâm”: Lưng hơi gù như dáng chữ “cụ” (chữ Hán) và vú hơi bầu như dáng chữ “tâm” (chữ Hán) là hai nét hay gặp ở các cô gái mắn đẻ và khéo nuôi con.

Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung): “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm (Lưng gù chữ cụ, vú lồi chữ tâm). 

Lưng gù chữ cụ: lưng cong hình chữ cụ. Vú lồi chữ tâm: vú to, nhọn, không chảy sệ, như hình chữ tâm - tiếng Hán. Một kinh nghiệm xem tướng: vú như vậy là người lắm con.

(Hoàng Tuấn Công)


Lan man chuyện “Họ”…và tên - 2

Về sự cải họ như Trần thành Bùi, như họ Mạc. Sau khi Trịnh Tùng (con thứ của Trịnh Kiểm) phò vua Lê dẹp tan nhà Mạc, lập ra triều đại gọi là Lê Trung Hưng. Triều đình Lê Trịnh bắt đầu cuộc khủng bố đại quy mô nhà Mạc. Họ Mạc chạy tứ tán khắp nơi, phải thay tên, cải họ để tránh những cuộc truy sát. Tuy nhiên, để ngầm nhắc cho con cháu sau này không quên cái gốc (là họ Mạc) của mình, các cụ Tổ Mạc thời ấy quy ước với nhau giữ lại bộ thảo đầu (艹) trong chữ Mạc (莫), thành ra các dòng họ Phạm (范); họ Hoàng (黄)... mà chữ viết đều có bộ thảo đầu ấy.

(Phạm Lưu Vũ)


Lưng chữ cụ, vú chữ tâm - 2

Lê Gia đưa ra dị bản “đặc biệt” hơn: “Lưng chữ cú (句) vú chữ tâm”. Nghĩa câu: Lưng hơi cong gù như hình chữ cú (句) có nét chính hơi cong như cái lưng gù. Hai vú xệ xuống như hình chữ “tâm” (心) có nét chính cong vòng xuống như quả mướp cong, gọi là “vú quả mướp”. Đây là nói về tướng người phụ nữ có hình dáng hơi xấu nhưng mắn đẻ”.

Cứ theo đây, thì cô gái “Lưng chữ cụ, vú chữ tâm” chẳng có gì đặc biệt, ngoài cái lưng gù và cặp vú “bầu bầu”, mắn đẻ, khéo nuôi con. Như vậy thì có gì là đẹp?!


Theo chúng tôi, đã có sự hiểu lầm.

Phép xem “tướng lưng” (bối tướng 背 相) cho rằng người mạnh khỏe hay bệnh tật; phú quý hay bần tiện; trường thọ hay yểu mệnh, đều biểu hiện qua tấm lưng. Lưng là “nền móng” của thân (bối vi thân chi cơ chỉ 背 為 身 之 基 祉). 

Sách tướng pháp “Nhân luân đại thống phú” của Trương Hành Giản viết: “Lưng phải đầy đặn làm chỗ dựa yên ổn cho thân. Lưng rộng, đầy đặn, cân đối thì được hưởng phú quý.” 

Nếu lưng mà cong vậy, thì nghèo, chết non, hoặc tuyệt tự

(Hoàng Tuấn Công)


218 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ 

Cô gái đầu lòng của cô Tố, tạm gọi tên là Nhất, yêu một sinh viên “quyết tử” của phong trào Phật Giáo Đấu Tranh miền Trung, lập tức sóng gió nổi lên trong gia đình, dĩ nhiên vì ông bố không chịu. Tôi hỏi Nhất khi cô nàng đến thăm vợ chồng tôi ở Sài Gòn: “Thế cô cậu tính sao?”. Nhất cười ngỏn ngoẻn: “...thì em chui hàng rào ra, chứ sao! Hai đứa bàn tính bắt chước anh chị ở Sài Gòn, cứ có bầu đại đi, là bố phải cho cưới.” Mọi sự diễn ra đúng như vậy và đôi trẻ cũng thuê một căn nhà gỗ giản dị cuối cư xá để cô Tố. dễ trông cháu. Lực là sĩ quan cảnh sát dã chiến. Sau tôi nghe biết là về gia cảnh của Lực không mấy vui: Lực không thuận hoà với gia đình bên vợ, nhất là bà mẹ vợ. Chuyện thường tình thôi. Bởi thế một buổi sáng tôi đang ngồi đánh máy bài văn bỗng nghe tiếng chân dồn dập ngoài đường, tiếng đàn bà vừa khóc vừa gào: “Thằng Lực bắn chết mẹ tôi rồi, bà con ơi...”.


Cô Tố nằm ngã ngửa sau chiếc ghế đẩu bị đổ, hai mắt nhắm lại như ngủ, một viên đạn nhỏ xuyên gọn gàng qua cổ. Tôi biết là cô đã chết rồi, êm ái. Tôi tiến sang phía Lực nằm nghẹo đầu tan hoang vào vách gỗ. Tôi cúi xuống Lực hai mắt đã khép nhưng còn ngáp vài cái cuối cùng. Khẩu súng colt rouleau lăn lóc cạnh tay. Tôi quơ vài miếng vải lớn, phủ lên cô Tố, thế là xong điều cuối cùng có thể làm cho cô. 

(Nàng Tố của Vũ Hoàng Chương – Thế Uyên)



Mộng

Hôm qua mộng lại thật gần
Đừng lay tôi nhé hồng trần mong manh



Vũ Ánh: Người cuối cùng rời khỏi tàu - 1

Vũ Ánh nằm trong số rất ít cấp chỉ huy không bỏ công việc, không bỏ anh em, nhân viên, ở lại nhiệm sở đến giờ cuối cùng. Khi miền Trung thất thủ, anh đã cùng chúng tôi nghe qua máy liên lạc giai tần đơn với Đài Phát thanh Đà Nẵng, tiếp nhận những lời tạm biệt nghẹn ngào của Quản đốc Huỳnh Quy, báo cáo địch đã vào đến hàng rào. Là người nắm vững tình hình – một bình luận gia sắc sảo, Vũ Ánh hẳn biết kết thúc thế nào nhưng anh vẫn bình thản chờ nó đến cùng các đồng sự. Giờ chót, điều khiến anh bận tâm là số phận của ba phóng viên trẻ, nếu tôi nhớ không lầm là Hoàng Hà, Nguyễn Thanh Nghiệm. 

Bên ngoài dẫu hỗn loạn, Vũ Ánh vẫn hiện diện để điều phối công việc. Khi chúng tôi thực hiện cuộc trực tiếp truyền thanh cuối cùng từ Dinh Độc Lập vào trưa ngày 28/4/1975, tường thuật lễ “trao nhiệm” giữa Tổng thống Trần Văn Hương và Đại tướng Dương Văn Minh. Vũ Ánh vẫn ở tại Đài vào buổi chiều 28/4/1975 khi máy bay đã oanh kích phi trường Tân Sơn Nhất. Vũ Ánh là cấp chỉ huy duy nhất đã cử các phóng viên trẻ Lê Phú Bổn, Nguyễn Vĩnh Lộc cùng chuyên viên kỹ thuật đi thực hiện những cuộn băng cuối cùng, thu lời cụ Nguyễn Văn Huyền, Gíao sư Vũ Văn Mẫu trong ngày 29 tháng 4. Sau này, tôi được các bạn trẻ kể lại, cho đến trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, Vũ Ánh và nữ phóng viên trẻ Yến Tuyết, người 17 năm sau trở thành bạn đời của anh vẫn đứng bên ngoài vòng concertina, nhìn những người đeo băng đỏ tiến vào trụ sở Đài Phát thanh Saigon.

Vũ Ánh là người cuối cùng rời khỏi con tàu của mình. 


(Nguyễn Mạnh Tiến cựu Phóng viên Đài Phát thanh Sài Gòn)



Đạo 

Đạo khả đạo, phi thường đạo.



Vũ Ánh: Người cuối cùng rời khỏi tàu - 2

Từ năm 1964, ông làm phóng viên chiến trường, dần dần lên đến Chánh Sự Vụ Sở Thời sự Đài Phát Thanh Sài Gòn, một chức vụ khiến ông bị bắt và bị giam trong trại cải tạo suốt 13 năm. Ngay cả trong thời gian tù, ông cũng làm được một tờ báo chui tên Hợp Đoàn, bằng cách cắt ra từ một tờ báo từng chữ cái một, gom lại và dùng chúng để dán thành báo! 

Định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1992, ông làm việc cho nhiều cơ quan truyền thông khác nhau. Khi làm việc tại nhật báo Người Việt, ông đảm nhiệm vị trí Tổng Thư Ký, sau đó là Chủ Bút. Ngoài ra, ông từng cộng tác và là trụ cột của nhiều cơ quan truyền thông Việt ngữ tại Quận Cam, trong đó có nhật báo Việt Herald, đài truyền hình SBTN. Ông được xem là nhà báo mẫu mực, có kiến thức thâm sâu, và là người cương trực, thẳng thắn và tôn trọng sự thật, không hùa theo đám đông, nhưng rất thân thiện với đồng nghiệp, bằng hữu, và có tinh thần nâng đỡ đồng nghiệp trẻ tuổi.


Vũ Ánh tên thật Vũ Văn Ánh sinh ngày 5 tháng 5 năm 1941 tại Hải Phòng. Ông là nhà báo kỳ cựu của làng báo Việt Nam trước năm 1975 cũng như tại Quận Cam từ khi ông sang Mỹ theo diện H.O. vào năm 1992. Trong 50 năm trời, từ khi mới ra đại học năm 23 tuổi, ông liên tục làm báo cho tới giờ phút chót. Bài báo cuối cùng, "Hà Nội vẫn chưa đủ niềm tin cởi trói báo chí", được viết chỉ khoảng vài phút hay vài giờ trước khi ông qua đời đột ngột tại nhà riêng, Quận Cam, Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng 3 năm 2014.


Đạo 

Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.



Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 1

Ác giả ác báo mất thôi…” Không thể dùng tội ác để biện minh cho bất cứ gì. Tôi phải trích ra một đoạn văn ghê rợn như thế này:
”Có dăm người dân quân địa phương ngồi quanh đống lửa uống rượu ngô và ba xác chết trần truồng, thi thể bầm dập nằm lăn lóc trên bãi cỏ, hai trai, một gái. Xác người con gái nằm ngửa, không bị đánh đập, nhưng hai đùi bị banh ra, cột chặt vào hai cái cọc được đóng sâu xuống đất, cửa mình vẫn còn củ sắn to bự cắm vào, máu lênh láng chảy ướt đầm mặt cỏ. Hai xác người đàn ông to vật vã, đầy những vết đánh thâm tím, bộ phận sinh dục bị cắt rời nguyên cả cụm, ném vào đống lửa, bốc lên mùi thịt nướng”… 

 
Câu chuyện xuyên suốt là sự tố cáo đanh thép cái cuộc chiến tội lỗi, vô nghĩa lý ấy. Hai nhân vật chính người Mông trong tác phẩm và số phận của họ, của con gái họ thật khủng khiếp. Nhân vật nữ Thào A Máy đã phát điên khi chứng kiến người con gái bị cưỡng hiếp, bị giết dã man trong đoạn văn trên chính là bạn gái của mình. 

Tác giả đã rất nhân bản khi để cho nhân vật Chù Mìn Phủ bỏ trốn khỏi cuộc chiến tranh cùng với Thào A Máy, để hai người thành vợ, thành chồng. Song ông cũng chỉ làm được đến thế mà thôi, bởi cái cuộc đời chó má và cuộc chiến đâu có buông tha họ, dù họ đã trốn vào tận rừng sâu. Chù Mìn Phủ bị cướp đất, cướp nhà, bị đi tù. Thào A Máy đi tìm chồng bị lạc đường rồi kiệt sức mà chết. Điều khủng khiếp là cái chết của kiếp người ấy vẫn chưa phải là đã hết.

 

Lại một đoạn văn làm tôi lợm giọng của con người:
Cô đi tìm chồng bị tù, lạc đường, kiệt sức nằm chết ở bờ ruộng ngô, phân cách đất của hai nhà người La Chí. Nhà này bế con cô về nuôi, nhưng lén hắt xác cô sang ruộng bên cạnh vì sợ chôn ở ruộng mình con ma sẽ về bắt mất đứa bé. Nhà kia thấy vậy chửi bới một hồi, hắt xác cô sang ruộng của người nhận nuôi con cô. Cứ thế cái xác hắt qua hắt lại, kiến bu đầy, áo quần tơi tả.
Thế kỉ hai mươi ơi! Trước những cái chết như thế này, con người khó mà có thể ngẩng mặt lên được nữa.
(Phạm Lưu Vũ)


Đạo 

Đạo là nếp sống tùy duyên
Đói ăn, mệt nghỉ an nhiên tâm hồn



Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 2

Sự khốn nạn chưa dừng lại ở đấy. Số phận đứa con gái bé bỏng của hai nhân vật chính ấy ở thời hậu chiến cũng khủng khiếp không kém. Cái cuộc chiến ghê tởm ấy kết thúc, hàng vạn nấm mồ của cả hai bên chưa kịp xanh cỏ, biết bao oan hồn còn đang gào thét... Thế mà không một lời xin lỗi, không một mảy may ân hận, những “cái đầu lạnh” của hai bên lại trân tráo ca bài: hợp tác toàn diện, hướng tới tương lai (?) Cứ như thể cuộc chiến vừa qua chỉ là một vụ va quệt nhẹ trên đường? Và cái “tương lai” mà người ta hướng tới ấy là gì? 


những “ông chủ lớn” phía bên kia thi nhau phá trinh các cô gái người Mông, người Dao, những “ông chủ nhỏ” phía bên này hưởng sái nhất, sái nhì... Chúng là những quan chức chính quyền hai bên đã gây ra cuộc chiến ấy. Cô bé Chù Thào Mỷ mười ba tuổi bị cưỡng hiếp. Cái cảnh như thế này diễn ra ở một đất nước có truyền thống bốn nghìn năm quật cường kiêm... nô lệ đây: Hai thằng chủ nhỏ Việt Nam bẻ gập đùi cô bé và banh ra cho lão bản Trung Quốc bò lên người liếm láp khắp chỗ, rồi từ từ nhét dương vật to và dài như dái ngựa vào mình cô bé trong tiếng thét kinh hoàng vì đau đớn của nó.
Chỉ một câu văn đủ nói lên tất cả. Than ôi! “Biểu tượng” của sự “hợp tác toàn diện” mới ghê gớm làm sao. Cả một thế hệ trước vừa bị đẩy vào một cuộc chết chóc, thì ngay thế hệ sau của họ đã bị cái lũ vừa mới no nê máu người kia đè ra cưỡng hiếp. Hậu quả của sự đốn mạt ấy mà cô bé Chù Thào Mỷ về sau phải gánh chịu thật là kinh khiếp. 

Tôi không trách Vũ Ngọc Tiến về những trang mô tả tình dục, mô tả cái bản năng rất thực. Thậm chí chính những trang ấy đã làm tôi liên tưởng đến tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn như đã nói ở trên.
(Phạm Lưu Vũ)


Tín.

Nhất độ thất tín, vạn sự bất tin.
(Một lần không giữ lời hứa, vạn chuyện không thể tin tưởng)


Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt

Sau tháng Tư 1975, trước khi nhà thơ Hữu Loan có dịp vào Nam, đã có một số thân hữu từ miền Nam ra Bắc thăm ông. Khó thể mô tả cảnh nghèo khó của gia đình ông thuở ấy, lại khó thể hình dung ra cái tình cảnh cô đơn của một Hữu Loan bị chính quyền cô lập trong bao nhiêu năm. Ông vào thăm Sàigòn khá muộn màng. Anh em chúng tôi có dàn xếp một ngày để tiếp ông. Cà phê sáng, dùng cơm trưa, buổi chiều đưa ông đi dạo chơi đó đây. 


Quán cà phê vườn khá rộng. Khi Duy Th. đưa Hữu Loan tới, quanh bàn chúng tôi đã có Tô Kiều Ngân, Bùi Giáng, mấy anh em văn nghệ, có cả một lúc có hai cô, Huyền Tr. và Thúy V. một cô là ca sĩ, một kia đang là diễn ngâm thơ cho đài phát thanh. Bùi Giáng ngạo nghễ. Hữu Loan, thoạt nhìn như một pho tượng. Sạm một màu đất nung. Khuôn mặt chữ điền, tóc dài, trán rộng, sống mũi thẳng, cao.

(Cung Tích Biền)


Nhân Văn Giai Phẩm với những hệ luỵ - 1

Trong tuần báo “Trăm Hoa”, Nguyễn Bính viết về phần giải thưởng thơ: “Khi bắt đầu đặt giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55, anh chị em văn nghệ gặp nhau thường hay nói đùa một câu: “Giải thưởng này, cái gì thì không biết, chứ tập thơ “Việt Bắc” thì chém chết cũng được giải nhất rồi!”.

Tất nhiên ai cũng đều hiểu rằng câu nói đó không phải là một câu tán dương. Anh em còn nhớ mãi cuộc tranh luận về quyển thơ Việt Bắc, chưa ngã ngũ ra sao thì các ông trong hội Văn Nghệ đã vội vàng đưa ra mấy bài “bịt lỗ châu mai” lại. 


Anh em không thể nào quên ông Hoài Thanh phát biểu: Ðịch nó không mong gì hơn là ta chê thơ Tố Hữu”. Ông đã đem cả địch ra mà bảo vệ cho thơ Tố Hữu. Cái lối nịnh trên nạt dưới ấy tất nhiên Hoài Thanh phải đem sử dụng vào việc chấm giải. Vì ông Tố Hữu ai cũng biết là lãnh đạo văn nghệ. Trong các thi sĩ có sách in ở nhà xuất bản của hội Văn Nghệ, chỉ duy có thơ Tố Hữu là được sắp vào loại A, nghĩa là thuộc cái loại giá trị nhất và được tính tiền bản quyền tác giả cao nhất. Sở dĩ anh em biết trước thế nào tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu cũng được giải nhất (*) là bởi không còn lạ gì cái tệ sùng bái cá nhân của các ông trong hội văn nghệ”.


Cuối cùng, Nguyễn Bính nêu những đề nghị cụ thể: “Muốn cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55 có giá trị toàn vẹn, chúng tôi có ý kiến đề nghị cụ thể như sau: “Về giải thơ: Nên đưa tập thơ Việt Bắc xuống giải nhì, chưa xứng đáng được giải nhất”.

(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)


(*) Giải thưởng cho hội viên nếu chiếm giải nhất: 30 đồng. Thời giá năm 1854-55 một bát phở: 3 đồng (tức 10 bát phở). 

Riêng giải nhất với Tố Hữu: 500 đồng.



Mộng 

Mình ta đi một mình ta
Bao nhiêu giấc mộng gần xa xa gần.


Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 2

Nguyễn Bính nói tiếp về tập “Ngôi Sao” của Xuân Diệu:

“…Tập thơ Việt Bắc được giải nhất thì không ai lấy làm lạ (như đã trình bày) chứ đến như tập Ngôi Sao của Xuân Diệu mà đứng giải nhì thì anh em lấy làm lạ quá! Anh em lạ quá là vì anh em không thể tưởng tượng được rằng lại có một cuộc xâm phạm trắng trợn vào văn nghệ như thế? Anh em lạ quá là vì anh em không thể ngờ ban giám khảo lại có thể khinh thường văn nghệ, khinh thường anh em và quần chúng đến mức ấy. Anh em cho đó là một cái nhục. Nhục cho anh em. Nhục cho văn nghệ. Nhục cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55. Anh em thắc mắc cao độ và thấy rằng cần phải đấu tranh. 


Hai ông Huy Cận và Hoài Thanh trong ban chung khảo tại sao lại “tích cực bênh vực cho tập Ngôi Sao” (lời ông Nguyễn Tuân). Ông Hoài Thanh trước cách mạng đã biết chọn lọc các bài thơ hay của các thi sĩ để soạn thành quyển Thi Nhân Việt Nam, có phê phán. Ông Huy Cận, tuy bây giờ là Thứ Trưởng bộ Văn Hóa, nhưng trước kia đã từng là một nhà thơ có tiếng tăm. Thế thì đối với một tập thơ dở như tập Ngôi Sao, tại sao hai ông lại tích cực bênh vực? Có phải tại ông Huy Cận và Xuân Diệu chỉ là một, còn ông Hoài Thanh Vụ Trưởng Vụ Nghệ Thuật thì lại là cấp dưới của ông Huy Cận hay không? Chúng tôi kết luận: ở bộ môn nào thì chưa biết chứ trong việc chấm giải thơ thì nhất định là có bè phái…”


Cuối cùng, Nguyễn Bính nêu những đề nghị cụ thể: “Muốn cho cái giải thưởng văn học toàn quốc 1954-55 có giá trị toàn vẹn, chúng tôi có ý kiến đề nghị cụ thể như sau:

Về giải thơ: Loại tập thơ Ngôi Sao và tập Thơ Chiến Sĩ ra khỏi giải thưởng. Tập thơ của Tú Mỡ nên được giải nhất”.


(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)



Ngộ

Trải qua mấy bận long đong
Ngộ ra chẳng sắc thì không cũng đành.



Nhân Văn Giai Phẩm với những hệ luỵ - 3

Đã 46 năm kể từ trưa 29 Tết, năm 1966, nhà thơ Nguyễn Bính đã chết trong nghèo đói, bệnh tật tại nhà ông lang Hứa. Tôi (Trần Mạnh Hảo) có gặp ông lang Hứa tại tư gia nhà thơ Vũ Quốc Ái ở Nam Định. Ông lang Hứa làm thơ, bút hiệu Tân Thanh kể rằng:

Sau 1958 Nguyễn Bính bị nhà nước đuổi về quê vì làm báo “Trăm Hoa”. Báo này do nhà nước xúi và bỏ tiền cho Nguyễn Bính làm, học theo phong trào Trăm Hoa Đua Nở Trăm Nhà Đua Tiếng bên Trung Quốc của Mao Trạch Đông, cốt lừa cho trăm hoa cùng nở rồi “ thịt” hết hoa vàng hoa trắng hoa tím hoa nâu… tức là trừ hoa hồng đỏ máu cách mạng ra còn nhổ hết.


Nguyễn Bính về quê làm nhân viên hợp đồng sửa bản in cho ty văn hoá Nam Định nên đói khổ lắm. Năm 1966, cơ quan ty văn hoá Hà Nam Ninh sơ tán lên huyện Lý Nhân, nên Nguyễn Bính hay đến nhà ông lang Hứa ở thôn Mạc Hạ (một người mê thơ Nguyễn Bính) tá túc. 

Tết đến, không có tiền, Nguyễn Bính tới nhà ông Hứa mượn đỡ chút tiền về cho vợ con có chút tiền ăn Tết. Bà Lai làm nghề đan len nuôi chồng con nên rất cực. Trưa 29 Tết, Nguyễn Bính do đói (*) quá, lại làm tí rượu, chóng mặt, ra bờ ao nhà ông Hứa rửa mặt, rơi xuống ao. Ông Hứa và người nhà vớt Nguyễn Bính lên bờ. Nhà thơ đà tắt thở. Gia đình vội cáng ông lên bệnh viện huyện cho khỏi liên lụy… Nguyễn Bính mất khi mới 48 tuổi.


(*) Về cái chết của Nguyễn Bính, Tô Hoài nói khác, cho rằng Nguyễn Bính chết no, chứ không phải chết đói như bọn “diễn biến hoà bìnhxuyên tạc.

(Tết nhớ Nguyễn Bính - Trần Mạnh Hảo)


Ngộ

Ngỡ chỉ là một cuộc chơi
Ngoái lại sau thấy một trời phù vân


Một câu hỏi chưa được trả lời - 1

Có thể nói, tờ Nhân Văn trên thực tế nằm trong tay một số người thường xuyên cãi vã nhau. Đến khi chuẩn bị làm số 6, tôi và Lê Đạt, Văn Cao bàn đổi hướng để tờ báo nói về hội họa, nên đã chuẩn bị cho số báo chuyên về tranh áp-phích của Ba Lan. Tôi đến làm việc với sứ quán Ba Lan và có đủ tài liệu về tranh áp-phích của Ba Lan. 


Ngay ngày hôm sau đó có giấy của Thủ Tướng triệu tập… (về việc này tôi đã viết trong bài tưởng niệm ông Phan Khôi năm 2007). Tôi được mọi người cử đi và đã gặp Thủ Tướng Phạm Văn Đồng. Tôi về nói lại với Lê Đạt, Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang những điều căn dặn của thủ tướng. Nguyễn Hữu Đang bỏ cuộc họp tự động đến nhà in. Văn Cao và Lê Đạt cùng nói với tôi:

“Thế là Đang sẽ thay đổi nội dung tờ báo, sẽ hướng về tình hình chính trị Đông Âu, Ba Lan, Tiệp Khắc…”

(Trần Duy)


Ngộ

Ngược về trong mảng đời ta
Tưởng tròn ngẫm lại hóa ra chưa tròn.


Một câu hỏi chưa được trả lời - 2

Ngày 15-12-1956 có lệnh đóng cửa tờ báo. Trong thời gian tờ báo gặp nhiều khó khăn, tôi có đến gặp ông Dương Đức Hiền và Hoàng Văn Đức, Đỗ Đức Dục…, các ông này đều bảo tôi:

“Các cậu có bao giờ lường được những nguy hiểm của công việc các cậu đang làm?”

Tôi đáp:

“Tờ báo cũng như tờ Độc Lập của Đảng Dân chủ… Có điều gì đáng nguy hiểm?”


Anh Hoàng Văn Đức, người thật thà và cởi mở nói thẳng với tôi:

“Việc nào cũng phải nằm trong khuôn khổ của việc ấy!”

(Trần Duy)


Ngộ

Tất bật hơn thua rồi cũng bỏ
Thong dong tự tại vậy mà vui



Chém Treo Ngành

Chém Treo Ngành là truyện đầu trong Vang Bóng Một Thời được viết năm 1940 là một trong những tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất, được coi ngang với Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, Đôi Bạn của Nhất Linh, truyện được Nhà Văn Hiện Đại ca ngợi như sau.



“Tác phẩm đầu tay của ông là một văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ. Đó là tập Vang Bóng Một Thời.”

Tập truyện đã làm sống lại cả một thời đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ, nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang:


Chém Treo Ngành là bài đầu tiên của tác phẩm, Nguyễn Tuân ngụ ý cho là hay nhất nhưng nó lại ít được các nhà phê bình như Thạch Lam, Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ . . . ca ngợi. Trong cuốn Nguyễn Tuân, Về Tác Giả Và Tác Phẩm, Hà Nội năm 2001, dầy 600 trang khổ lớn, gồm trên 100 bài nói về Nguyễn Tuân, Chém Treo Ngành cũng không được các nhà phê bình trong nước chú ý bằng các truyện khác.

(Đọc “Chém treo ngành” của Nguyễn Tuân – Trọng Đạt)



Văn hóa... ẩm thực

Lòng lợn Bắc kỳ

Phải đợi tới khi đi lính, thuyên chuyển từ xứ Thượng về xứ Bưởi (Biên Hòa), người viết mới có dịp “về nguồn” và khám phá ra những tinh túy và cái ngon tuyệt vời của lòng lợn.

Tuy nhiên, để chỉ bàn về ăn nhậu thuần túy, người viết cho rằng xứ Bưởi không thể sánh với các tỉnh miền Tây. Ngoài một vài nhà hàng sang trọng ở bờ sông dành cho dân trung lưu và thành phần “lính cậu”, thành phố Biên Hòa không có những quán nhậu “cao cấp” cỡ quán nhậu Trung Thành ở cầu Băng Ky, cũng không có những quán bình dân nhưng hấp dẫn như ở Miệt Dưới… Tạm gọi là độc đáo chỉ có mấy quán thịt rừng, heo rừng xào lăn, nai nướng vỉ, lẩu dê… cũng chán.

(Thiên Lôi miệt dưới)


Hát xẩm 

Các bộ môn khác như chèo, quan họ, và thậm chí ca trù đều phải “vay mượn”, như các điệu xẩm huê tình, xẩm chợ, xẩm xoan... Bài xẩm huê tình khi được các đào nương, kép đàn ca trù du nhập vào trong hình thức ca quán, thường gọi là điệu xẩm cô đầu (hay xẩm nhà trò). Nói vậy để thấy các nghệ sĩ phường ca trù rất tôn trọng nghệ thuật xẩm, họ vẫn giữ chữ “xẩm” ở làn điệu này nhằm chỉ rõ gốc gác của làn điệu.
Về nhạc cụ, điều đáng nói trước nhất là cây đàn bầu. Theo truyền thuyết, nó được coi là nhạc cụ của xẩm lúc ban đầu (người ta còn gọi nó là đàn xẩm). Vì âm lượng hạn chế, phần vì khó học, khó chơi hơn đàn nhị nên không phải nhóm xẩm nào cũng sử dụng đàn bầu.


(Hát xẩm với đàn bầu)


Trong những đồ nghề bất ly thân của mỗi nhóm xẩm truyền thống, bao giờ cũng có một chiếc chậu đồng thau, để xẩm nghe được khi tiền rơi xuống chậu vì xưa dùng tiền kẽm.

(Bùi Trọng Hiền)


Cô đầu

Khâm Thiên trước kia là những xóm nhỏ chung quanh vài ao rau muống, lác đác mấy chòm nhà tranh. Thời đó Ba Voi làm thầu khoán, lấy đất ruộng chùa Thanh Nhàn, dựng lên những nhà hát. Đất từ bi của Phật ấy, mọc lên thứ lầu xanh của những chủ cô đầu. Đất ấy thuộc về đất Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Tổng đốc Hoàng Trọng Phu muốn tỉnh mình nổi danh bèn khuyến khích lập một nơi chốn ăn chơi của tỉnh Đơ mình, ngay sát nách Hà Nội.


Các chủ cô đầu thấy đất mới là nơi “đắc địa” xô nhau về mở nhà hát y hệt nhà của quan lại thời bấy giờ. Giữa nhà phải có tủ cánh cho cong, sập chân quỳ, bình phong hay bộ lư đồng vàng chóe. 

Trên những miếng đất của hồ ao mới vật lên những cái tên nhà hát của họ như cô Đốc Sao, Chu Thị Bốn, v…v…

Những năm mất mùa đói kém, Đốc Sao cho người mua về những em nhỏ mười một, mười hai dạy cho đàn hát. Những cô Tẹo, cái Tý này chẳng mấy lúc mà lớn phổng lên, biết đọc Tố Tâm, hay Tuyết Hồng Lệ Sử và không còn bao giờ biết mình là gốc gác ở Phủ Khoái, hay Hải Hậu, Duyên Hà nữa. Một ngày “quả chín”, Đốc Sao bắt phải ra tiếp khách. Anh tri huyện, hay anh nghị viên nào phải chi hàng trăm chầu hát rồi Đốc Sao mới cho con em của mình bán cái trinh tiết của đời con gái mình cho khách.

Những căn gác cô đầu chính lại là nơi hò hẹn của lái buôn từ Lao Kay về, từ Hải Phòng lên, xong giá cả của một tiếng hàng là hai bên ngả bàn đèn, hút và uống thâu canh. Khâm Thiên rất nhiều ngõ, như ngõ Văn Chương, Trại Khách, Nam Thái, Sơn Nam, hay ngõ… Thổ Quan. Đến nay ta vẫn gặp những cái ngõ cũ mà gốc gác của tên gọi đánh dấu cả một thời.



Thành ngữ tục ngữ… sai 

Hàm chó, vó ngựa 

Lời khuyên không nên trêu chọc những con chó, con ngựa lạ.

Câu này không chỉ dừng lại ở chuyện trêu chọc con chó, con ngựa lạ. Nghĩa khái quát của thành ngữ phải được hiểu: nên đề phòng, tránh xa những nơi hay xảy ra nguy hiểm khó lường.

(Hoàng Tuấn Công)



Phạm Duy và 10 bài tục ca

Tục về cốt truyện thì có bài số 4 với nhan đề Úm Ba La! Ba Ta Cùng Khỏi! lấy ý của bố Phạm Duy, Thọ An Phạm Duy Tốn, viết trong cuốn Truyện Tiếu Lâm An Nam xuất bản vào đầu thế kỷ 20. Bài hát này mang một âm điệu dí dỏm bằng cách lập đi lập lại điệp khúc“Úm ba la! Úm ba la…”

Chuyện vây quanh 3 nhân vật: chồng đi vắng nên người vợ “tòm tèm” với củ khoai từ, người chồng về, vợ cáo ốm nên đành “nghịch” với con chó cái nhưng không ngờ dứt không ra. Cả hai năm đắp chăn nên phải nhờ thầy bùa đến cúng kiến. Thầy tơ tưởng nậm rượu trên bàn thờ, bị mắc ngẫng lôi ra không được.


Và đây là đoạn kết: chị vợ thấy ông thầy tay ôm khư khư nậm rượu nên phì cười, củ khoai từ phọt ra. Tưởng là miếng thịt nên con chó cái nhẩy vọt ra tìm cục mồi. Thầy bùa lại sợ chó cắn, hốt hoảng chạy và nậm rượu đập vào bàn, vỡ tan tành. Thế là cả ba thoát nạn, thầy bùa bèn niệm chú: Úm ba la! Ba ta cùng khỏi!

(Nguyễn Ngọc Chính)


Trở lại tuổi thơ cùng Lucky Luke 




Năm 1971, nhân chuyến thăm Alamo Village (San Antonio, Texas) tôi có chụp mấy tấm hình cowboy để kỷ niệm. Lúc xem lại thấy sao giống Lucky Luke với vóc người mảnh khảnh!

(Nguyễn Ngọc Chính)


Phụ bản của người sưu tầm

Trước 75, ở Sài Gòn có Bùi Đình Quang, Kiến Trúc 65, bạn ta cũng vẽ (copy) Lucky Luke, in thành tập để sinh nhai khi còn là sinh viên.


Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)

Một trong những “vấn đề” của giới truyền thông Mỹ khi cộng sản mở cuộc tổng tấn công Mậu Thân là nhân lực. Số ký giả tại chiến trường quá ít, nhân sự không được như cuộc tấn công mùa hè 1972, do đó thông tin, phân tích, nhận định không phong phú như tin tức chiến trường hè 1972. Về biến cố Mậu Thân, tạp chí Time là cơ sở truyền thông có cố gắng lớn nhất, thực hiện những phân tích dựa theo thông tin từ chiến trường khắp miền Nam Việt Nam. Cả tháng trời sau ngày Việt Cộng mở cuộc tổng tấn công, ký giả Hoa Kỳ vẫn không có đủ dữ liệu về kết quả thực sự của chiến trường để xác định “Tổng tiến công, tổng nổi dậy” là thất bại lớn của quân cộng sản Việt Nam về mặt quân sự. Trong thời gian đó, người duy nhất cho rằng Việt Cộng đã thất bại quân sự là Đại sứ Bunker; ngay cả Tướng Westmoreland cũng chỉ xác định quân cộng sản thua lớn (như Đức thua ở mặt trận Ardennes, năm 1944) trong một cuộc trả lời phỏng vấn với AP vào 22 tháng 2, 1968. Cùng lúc, đa số ký giả Mỹ, dù không đủ thông tin, đã đưa tin và nhận định về tình hình chiến sự Mậu Thân rất bi quan và bất lợi cho Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) và đồng minh.


Một “vấn đề” khác của truyền thông Mỹ tại Sài Gòn, theo Braestrup, là giới truyền hình. Braestrup cho rằng trong nhóm truyền hình Mỹ tại Việt Nam chỉ có vài người đáng được gọi là ký giả. Giới truyền hình Mỹ, nói chung, chỉ muốn làm “phim chiến tranh” với giọng thuyết minh đầy kịch tính. Cuộc chiến Việt Nam trên màn hình TV Mỹ là sản phẩm như của Holywood; Đồng lương to, studio mới, ngoại hình bắt mắt quan trọng hơn sự thực ở chiến trường. Giới truyền thông Mỹ thất bại trong trách nhiệm thông tin về cuộc “Tổng tiến công, Tổng nổi dậy” vì cách sử dụng thông tin đã có, do thiếu thông tin cần phải có lúc đó, và do không có thông tin nhưng vẫn làm như đã có, v.v…

(Trần Giao Thủy)


Đèn Cù

(ỏ văn phòng mới dọn đến của Tổng Bí Thư mùa thu 1949. Hàng đầu toàn ngồi xổm, từ trái qua, vợ Hà Xuân Trường, Lê Ðạt, Hồ Chí Minh. Ngoài cùng bên phải là Trường Chinh, áo blu-dông Mỹ trắng. Hàng sau đứng đầu bên trái là Hà Xuân Trường, thư ký tòa soạn báo – (hình do tác giả Trần Đĩnh cung cấp)


Đèn Cù đầy rẫy những “đoạn phim” ngắn như vậy. Rất nhiều “clip” chợt hiện trên màn ảnh trong nửa phút, rồi chuyển ngay sang cảnh khác, liên tiếp chạy nhanh qua não bộ. Đoạn phim lưu đọng trong óc mình mãi mãi, trộn lẫn cùng những đoạn phim ngắn khác, không theo thứ tự thời gian, cũng không theo một dòng lý luận nào. Tất cả cho người đọc một toàn cảnh sống động về xã hội nước Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ, trước và sau khi tác giả đặt bút viết cuốn sách để đời này. Tất cả là “truyện tôi.” Nếu không có cái tôi sống, tôi quan sát, tôi rung động, tôi ghi nhớ, tôi suy nghĩ, thì không có “truyện tôi.” 


(tại tòa soạn báo Sự Thật: (từ trái) Diên Hồng, Nguyễn Địch Dũng, Kỳ Vân, Lê Quang Đạo, Trần Đĩnh, Trường Chinh, Lê Xuân Kỳ, Thép Mới, Hồng Vũ (sau này tự tử ở bệnh viện Nam Ninh, Trung Quốc)- (hình do tác giả Trần Đĩnh cung cấp)


Trong trí não con người đời sống vốn không có trật tự, nó chợt hiện, chợt tắt, ngổn ngang, chắp nối, không xếp đặt theo không gian cũng không theo dòng thời gian đơn tuyến và trực tuyến. Đời sống thật vẫn như vậy. Đó là cảnh Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh. Cho nên phải đoc Đèn Cù như một tác phẩm nghệ thuật. Đây là một sáng tác văn nghệ. Thử tưởng tượng có một người trước khi đọc không hề biết gì về bối cảnh lịch sử ở Việt Nam, chưa bao giờ nghe tên những nhân vật như Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Lê Đức Thọ, Hồng Linh, Thép Mới, Lê Trọng Nghĩa, Lê Đạt, Tô Hoài, Hồng Hà, vân vân; khi đọc Đèn Cù người đó cứ nghĩ đây là những nhân vật hoàn toàn do tác giả bịa ra.  Giả thiết Trần Đĩnh sáng tác một cuốn truyện, sẽ thấy Đèn Cù là một thể loại tiểu thuyết mới, rất mới.

(Ngô Nhân Dụng)


Tử viết…

Lời Khổng Tử trong sách Luận Ngữ, thiên II, chương 4, Tử viết:

Ngô thập hữu ngũ nhi chi ư, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất dụ củ.


Khổng Tử nói: khi ta mười lăm, quyết chí vào chuyện học, năm ta ba mươi tuổi, biết tự lập, năm ta bốn mươi tuổi, không còn nghi hoặc nữa, năm ta năm mươi tuổi, biết được mệnh trời, năm ta sáu mươi tuổi, biết theo mệnh trời, năm ta bảy mươi tuổi, theo lòng muốn nhưng không vượt ra ngoài khuôn khổ đạo lý.

(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)


Những chiếc xe mì của quá khứ

Tô mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo, và con tôm hồng hào hấp dẫn. Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt, cái ngọt lừ của nước lèo, một hương vị đặc biệt khó quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến, người Hải Nam…

 

Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cắng, râu càng. Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm niếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì, ngon!


Sau này còn có hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai ăn với một loại “sauce” cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ biến lắm?

  (Đỗ Duy Ngọc)


***


Phụ đính I

 

Nguyên Sa
(1932-1998)

Nguyên Sa sinh ngày 1-3-1932, tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn từ thập niên 1950 với những tác phẩm như“Áo Lụa Hà Đông”, “Paris Có Gì Lạ Không Em”, “Tuổi Mười Ba”, “Tháng Sáu Trời Mưa”,
Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1956 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại (Mặc Lâm –RFA).


Ông đi Pháp du học vào năm 1949. Năm 1953, ông đậu tú tài ở Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này. Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thuý Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước. Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời. Ông mất ngày 18-4 -1998.


***


Phụ đính II


Nhóm Sáng Tạo

Khu lều bạt Thăng Long, nơi tạm trú sinh viên Hà Nội di cư, nằm ngay trung tâm thành phố trên đất Khám Lớn Sài Gòn cũ, tháo dẹp. Sinh viên chuyển vào Đại Học Xá Minh Mạng, dù công trình xấy cất chưa hoàn tất. 

Đặc san Lửa Việt của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội, do anh Trần Thanh Hiệp làm chủ nhiệm, anh Nguyễn Sỹ Tế làm chủ bút. Chúng tôi, các anh Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, và tôi gặp nhau, cùng làm việc, quen dần nhau qua mấy số Lửa Việt, đồng ý cần có tờ báo của mình để viết cho sướng tay, để may ra đóng góp được cái gì

Nhờ trang báo chúng tôi gặp thêm: Mai Thảo.

Mai Thảo gửi tới chúng tôi Đêm Giã Từ Hà Nội.
(Thanh Tâm Tuyền)










Không có nhận xét nào: