Chữ Nghĩa Làng Văn
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng***
Chữ Việt cổ
Vãn sinh: kẻ hậu sinh
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Hai "cô hàng" đầu tiên của làng Tân nhạc Việt Nam
Miệng cô như là hoa
Đóa hoa thật tươi, trông càng say đắm.
Mắt cô đưa tình khiến bao chàng trai ngất ngây
vì cô mỗi khi qua hàng...”.
"Cô hàng" đầu tiên của làng tân nhạc làm nghề bán nước chè xanh ở đầu làng Ngũ Xá, tuổi chừng mười tám đôi mươi. Dưới đôi mắt của kẻ si tình, cô hàng nước vô danh bình dị hiện lên đầy duyên dáng, tình tứ, vốn là những nét đẹp đặc trưng của các cô gái Bắc xưa. Cô có đôi mắt nhung huyền, má lúm đồng tiền và “xinh quá xinh là xinh”. Cũng như bao chàng trai ghé qua hàng cô, chàng trai trong bài hát cũng đem lòng si mê. Nhưng chàng si mê trong nín thinh, si mê từ xa, lằng lặng mà ngắm nghía, nhớ nhung.
(Nhạc sĩ Lê Văn Thương)
Chữ Việt cổ
Văn danh: nghe tiếng
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)
Đồng Tháp Mười
Theo tập san Sử Địa số 14, 15 năm 1969:
“Tháp mười là một trong những ngôi tháp làm bằng đá do vua Jayavarman VII xây cất để thờ thần Bà La Môn.
Thời gian tàn phá tất cả các công trình kiến trúc cổ, chỉ còn một tượng sư tử đá và một linh phù (linga) cũng bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc Phạn (sanscrit) ghi tên: Tháp thứ mười.
(Tháp Chàm ở Tây Ninh)
(Nguồn gốc một số địa danh miền Nam – Hồ Đình Vũ)
Phố Phái - 1
Ở một quán nước ven Hà Nội mà một chén nước trắng một xu nay trả giá một đồng, chuyện giữa mấy người uống suông đã thấy bốc dần. Từ linh tinh hạ tầng, họ dồn nhau tới thượng tầng:
"Thế nào thì mới được làm người Hà Nội - Thế nào là cái giọng Hà Nội - Tại sao nhiều thủ đô có văn hóa các nước, kể cả ta nữa, lại lấy giọng của một thủ đô để làm chuẩn cho phát âm cả nước. - Tại sao, thế nào, vân vân". Mấy miệng, muốn vui góp ngay một vài câu, nhưng tôi đã hoàn lại bà quán cái chén tống khô mùi men mong được trở về ngay với tờ giấy trắng cố hữu của mình.
Vâng, xin thưa, họa sĩ Bùi Xuân Phái đúng là một người Hà Nội "ngàn năm văn hiến" của chúng ta. Và, mặc dầu không ở Hội Âm Nhạc (không ở Hội Nhà Văn) Bùi Xuân Phái có cái giọng đầy âm sắc của Hà Nội. Màu sắc khối hình, trong cái tương phản và hài hòa của cấu trúc bức tranh, nhiều khi cứ lẳng lặng mà "nói lên" át cả giọng nhạc giọng thơ, có phải thế không khi nói về hội họa?
(Nguyễn Tuân - Hà Nội 1983)
Tiểu sử: Nguyễn Tuân sinh ngày 10.7.1910 tại làng Mọc, Hà Ðông. Mất ngày 28.7.1987 tại Hà Nội.
(tranh Chóe – Nguyễn Hải Chí)
Tác phẩm: Cái Ấm Đất, Chém Treo Ngành, Chùa Đàn, Vang Bóng Một Thời, Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, Ngọn Đèn Dầu Lạc, Tùy Bút Nguyễn, v…v…
Ngộ
Nghe trong vận chuyển đất trời
Có ta… hạt bụi giữa đời phù du
Phố Phái - 2
Riêng Bùi Xuân Phái, chưa mấy ai nghe anh tuyên ngôn này tuyên ngôn nọ về trường phái gì gì, mà chỉ thấy anh vẽ và vẽ. Vẽ ở toan (toile) căng khung to, vẽ trên giấy cỡ nhỏ hơn bìa tiểu thuyết, vẽ trên bao thuốc lá bỏ đi, có bạn tỏ vẻ am tường tiếng Pháp, còn gọi là minipeinture, vẽ cả trên những miếng giấy cứng nhỉnh hơn bao diêm. Sơn dầu, thuốc nước, bột màu, đủ cả.
Anh vẽ như con người ta phải hít thở, như người ta phải uống nước đun sôi nước nguội men nồng. Sổ tay của Bùi Xuân Phái ghi và ghi những nét của vật, của việc của người lúc động lúc sững lại. Cái miệng cái cổ cái cánh tay bàn tay ai đó đang phát ngôn giữa một buổi họp. Cái dáng một cô áo đỏ một bà áo xanh đang dấn thân vào tim một ngã tư ầm ầm xe máy xe đạp. Nhất định những sổ tay tùy thân này đã giúp cho họa sĩ minh họa cho các tuần báo cần đến ảnh chụp nhưng lại còn cần đến vẽ để khắc gỗ hoặc vào bản kẽm. Tôi nghĩ rằng nhà văn lúc non tay diễn tả, có lúc tưởng như mình tuột hết vốn chữ rồi, thì nên tìm mà xem những sổ tay ghi chép bằng nét vẽ của các họa sĩ sẽ gợi nhiều cho mình và hồi sinh cho mình nhiều chữ tư tưởng rơi rụng rồi.
Bùi Xuân Phái vẽ rừng vẽ núi vẽ sông vẽ biển, bãi cát, đường rừng, đường làng, hậu trường sân khấu chèo, nhưng nhiều nhất vẫn là phố. Phố thủ đô, góc phố Hà Nội, Hà Nội nội thành. Chả thế mà người quen, - cả những bạn mới quen - đều gọi anh là Bùi Xuân Phố. Người thưởng thức hội họa hay nhắc luôn đến phố Phái cũng như thường nói đến đĩa Sáng (Nguyễn Sáng thi công sơn mài ở mặt bằng tranh, ở mặt trũng lòng đĩa).
(Nguyễn Tuân - Hà Nội 1983)
Bùi Xuân Phái người Hà Nội, quê làng Kim Hoàng, Hà Đông. Sinh ngày 1-9-1921.
Năm 1941 vào trường Mỹ Thuật Đông Dương. Bắt đầu vẽ phố. Tham dự triển lãm Tokyo. 1946: Dạy trường Mỹ Thuật Việt Nam: Giai đoạn vẽ nhiều tranh bột màu trên báo cũ. Vẽ nhiều chân dung: Giải thưởng triển lãm Thủ đô (“Phố Cổ Hội An”, sơn dầu).1982: Giải thưởng triển lãm Thủ đô (“Ô Quan Chưởng”, sơn dầu) 1984. Được mời qua Paris triển lãm, nhưng ngã bệnh nặng và mất ngày 24-6-1988 tại Hà Nội.
Thiền
Bóng vờn lên ngọn tử sinh
Gậy khua đầu gậy giật mình thiên thu
219 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Hôm đưa đám cô Tố, tôi cũng chít khăn trắng hàng cháu như
Thi, vợ tôi. Xong đám tang về đến nhà, nàng mới kể:
“Vũ Hoàng Chương có đến...” Tôi ngạc nhiên: “Sao anh
không thấy?” Nàng nói: “Ông đứng sau một mộ bia khuất. Im
lặng một mình. Em không chỉ cho anh thấy vì không muốn anh
tới chào. Chú sẽ thấy...”.
Một lần nữa cô vợ bé nhỏ tỏ ra khôn hơn, tế nhị hơn tôi. Chú
mà biết “cái thằng Vũ Hoàng Chương” ám quẻ vợ chồng ông
từ bao nhiêu năm, làm ông nghi oan tức giận đánh vợ nhiều lần
hồi còn trẻ, bây giờ cũng đến đưa đám nàng Tố của ông sao,
chịu gì nổi...
Ngày hôm sau vợ chồng tôi cũng đi đưa đám Lực ở một nghĩa
trang khác, gọi là nghĩa tử nghĩa tận. Sau đó không lâu lắm,
các biến cố xưa bây giờ khá hỗn độn trong kho trí nhớ dài hạn
của tôi, chú cũng mất vì một tai nạn, cố tình hay vô ý, làm
chú bị nhiễm trùng đường máu.
Tôi nhớ mang máng là tôi trùng giờ dạy học, không đưa đám
được, nhưng nhớ rất rõ là sau khi chôn cất, con lớn của chú lại
nhà và nói: “Bố dặn là tặng anh chị bức tượng đồng đen vẫn để
trên bàn thờ...”
Không cần phải hỏi ý kiến nhau, hai vợ chồng tôi cùng khiêm tốn
từ chối. Đôi khi ngồi quán cà phê uống bia với nhau, tôi bàn với
vợ: “lời nguyền” đi kèm có ở trong bức tượng đồng đen, giả thử
là như thế, có chấm dứt với cái chết của chú chăng... Tôi không
biết vì sau 1975, cũng như nhiều gia đình ở miền Nam, các con
cái cô chú phân tán khắp nước Mỹ rộng lớn và trái đất, nói gì
thì nói, cũng còn bao la lắm cho con người. Sau đó một thời
gian không đo lường được, vợ tôi một chiều nào đó nói các con
chú có kể là sau cùng có một ông cụ quần áo tươm tất râu tóc
như một người đời xưa, đến xin lại bức tượng đồng đen “đã gửi
đây lâu rồi”. Các con của chú đã trao liền.
(Nàng Tố của Vũ Hoàng Chương – Thế Uyên)
Ngộ
Trần gian mắc đọa nợ nần
Mai sau hóa kiếp bụi trần tìm vui
Những nhà văn miền Nam trước năm 1975
bàn về nghệ thuật viết truyện ngắn
“Những Truyện Ngắn Hay Nhất” của quê hương chúng ta, hai
mươi năm văn học miền nam 1954-1973 là một tuyển tập truyện ngắn do Nguyễn Đông Ngạc thực hiện, nhà xuất bản Sóng xuất bản năm 1973. Sách dày trên 800 trang, gồm có 45 truyện ngắn của 45 tác giả trong quá trình 20 năm. Nhiều truyện ngắn trong số đó gần như gắn liền với tên tuổi của chính tác giả.
Nhắc đến “Rừng Mắm,” ta liên tưởng ngay đến Bình Nguyên Lộc, nhắc đến “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài,” ta liên tưởng ngay đến Thích Nhất Hạnh; cũng thế, “Cũng Đành” và Dương Nghiễm Mậu, “Nhà Có Cửa Khóa Trái” và Trần Thị NgH, “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” và Hồ Hữu Tường, “Con Sáo Của Em Tôi” và Duyên Anh, “Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục” và Thảo Trường, vân vân.
Một trong những đặc điểm lý thú và đáng lưu ý của tập sách này là, các tác giả, ngoài việc chọn lựa tác phẩm ưng ý nhất của mình đưa vào tuyển tập, còn trình bày quan niệm của mình về nghệ thuật viết truyện ngắn.
Bàn về động lực thúc đẩy, Thanh Nam cho rằng đối với những người mới viết văn thì truyện ngắn “là một cái bẫy hấp dẫn vì hình như đa số người viết văn đã chọn thể văn đó trong những bước đầu.” Mai Thảo cũng đồng ý với nhận định này, “truyện ngắn là những bước chân thứ nhất đi vào văn chương,” nhưng đồng thời nhấn mạnh “Mỗi truyện ngắn, như một đời người, phải tạo được cho nó một định mệnh riêng.”
Nguyễn Quốc Trụ có một cái nhìn hơi khác: “Truyện ngắn là một bài toán nhỏ về bút pháp,” một thứ “exercice de style,” tập vào nghề văn. Với cái nhìn đó, dường như ba nhà văn này đều cho rằng, truyện ngắn là một thử nghiệm trước khi đi vào truyện dài.
Thực ra, khá nhiều nhà văn đã viết hàng chục truyện ngắn rất thành công, nhưng lại chưa bao giờ viết truyện dài. Ở điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Đức Sơn khi ông cho rằng: “Nếu truyện dài là một cái gì hoàn tất thì truyện ngắn cũng phải là một cái gì hoàn tất dù nó có mở rộng nhiều chân trời xa xôi.”
(Trần Doãn Nho)
Ngộ
Ta nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
Nhà thơ Hữu Loan, lần gặp mặt
Tôi nghiêng người chào ông. Ông nở nụ cười. Một nụ cười cẩn thận, nói rằng thân thiện là chưa đúng. Một cái bắt tay của giao tế, dè chừng. Sống ở miền Nam, sau cơn dâu bể, nay gặp anh trở về, gặp chị ngoài kia vô, chào một nhà văn xứ Bắc vừa chạm mặt, tôi nhận ra tất cả họ đều có một hành xử khá giống nhau.
Luôn nhìn quanh, ưa quay nhìn lui sau lưng. Nói ít, nói nho nhỏ. Cẩn trọng, đề phòng. Lâu ngày thành thói quen, trong một chế độ không thể “Trong bụng có gì ta có thể nói ra thế ấy”.
“Khó thể thật tình tỏ lòng với nhau, thì phải nói khéo, nói dối để che chắn sự thật, đậy nắp cái cốt lõi sự việc”. Mèo phải nước sôi phải biết sợ cả nước lạnh.
Hữu Loan có khác. Ông chừng là một bậc tiên đang bị đọa đày xuống cõi trần. Trong đau đớn tột cùng hãy còn phảng phất cái thanh cao. Bắt tay nhau, tôi chạm phải một bàn tay thô tháp. Những ngón to, cứng. Gân nổi trên lưng bàn tay. Sau này biết, đôi bàn tay ấy từng đẽo đá, từng đẩy xe cút kít, xe thồ, ròng rã mấy mươi năm, để sống qua ngày, nuôi vợ con trong tình thế một nhà thơ bị vây khổn, bị khủng bố, cái giá treo cổ là không vô hình. Tất cả là bóng tối, thất nghiệp cả nhà, đói khát, cơ cực.
Là cả hoạn nạn thời thế, cách ly, nghiệt ngã.
(Cung Tích Biền)
Ngộ
Cuộc lữ trăm năm cũng dài
Nhưng rồi không quá một tầm tay
Thiên thu là những gì khoảnh khắc
Chợt mất chợt còn như gió bay
Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 1
Rất may là rốt cuộc, kiệt tác về sự đau đớn, mất mát của những kiếp người (?) này cũng kết thúc có vẻ có hậu, song những vết thương thì không bao giờ lành được nữa. Nhân vật “tôi” trong truyện đã tìm thấy Chù Mìn Phủ, thiên thần có tên là Chúc (Chù Thào Mỹ) kia rồi sẽ được đoàn tụ với cha đẻ của mình. Nhưng hình như đó chỉ là một kiểu hy vọng, bởi tôi cứ nghi ngờ việc tác giả để cho nhân vật Chù Mìn Phủ ấy, trải qua bao nhiêu đau đớn của cuộc đời, cuối cùng thành một ông già bán phong lan.
Hình ảnh: “Một ông già tóc bạc trắng phau, buông xõa ngang vai, râu dài chấm ngực” đeo gùi phong lan đi bán ở chợ cứ ám ảnh tôi mãi. Cái giống hoa đẹp nhất, tinh khôi nhất của núi rừng biên giới ấy được đặt vào tay kiếp cùng khổ đó, nếu không phải là thông điệp của một niềm hy vọng thì là cái gì? Chẳng lẽ lại là sự bắt đầu của một tấn bi hài? Tôi lo ngại điều đó lắm.
Bởi văn chương trong truyện nhiều lúc đạt tới trạng thái chông chênh như đang đứng sát bên miệng vực thẳm, ví dụ đoạn kể về
cái đêm cô bé Chúc (Chù Thào Mỹ) lên cơn khát tình với chính nhân vật “tôi”; ví dụ câu hỏi cuối cùng của ông già bán phong lan, câu hỏi không có câu trả lời: “Con của tao, con bé Chù Thào Mỹ
vẫn còn sống thật ư? Đời nó liệu có đỡ khốn nạn hơn tao với mày không, hở giời?…”
(Phạm Lưu Vũ)
Tiểu sử Vũ Ngọc Tiến bút danh: Vũ Liên Châu. Sinh năm 1946, Yên Thái, phường Bưởi, Hà Nội.
Tác phẩm: Tập Truyện Ngắn, Tiểu Thuyết Lịch Sử, Khói Mây Yên Tử (2002), Quân Sư Đào Duy Từ I2002), Giao Châu Tụ Nghĩa (2002), Rồng Đá.
Ngộ
Trăm năm nhìn xuống đời hư ảo
Phút chốc nhìn lên ngộ lẽ trời.
Khi Vũ Ngọc Tiến viết về chiến tranh - 2
Tác phẩm thứ ba của Vũ Ngọc Tiến mà tôi muốn nói đến trong bài viết này là một truyện ngắn tưởng chừng không hề viết về chiến tranh, nhưng chính là viết về chiến tranh, còn hơn thế nữa, bởi nó vượt lên trên mọi cuộc chiến.
Truyện ngắn có tên: “Gà Ô Tử Mỵ”.
Trong bài viết này, tôi cố ý đặt nó ở vị trí sau cùng vì hai nhẽ. Thứ nhất, nếu “Vị Phồn Thực” và “Chù Mìn Phủ...” là hai tác phẩm nói về cái “thực” đến độ ghê gớm của những cuộc chiến, thì “Gà Ô Tử Mỵ” chính là đã nói lên cái “đạo” của chiến tranh vậy.
Thứ hai, nếu bạn đã có đủ sức lực và sự bình tĩnh để đọc một mạch hai sự thật trần trụi và rùng rợn ở trên, thì tưởng cũng nên đọc tiếp câu chuyện này để lấy lại cho mình một chút gì thư thái, nhưng là sự thư thái của một cảm giác siêu thoát.
Câu chuyện xoay quanh một trận chiến giữa... hai con gà chọi.
Nếu như ở truyện ngắn “Chù Mìn Phủ...”, tôi biết Vũ Ngọc Tiến rất am hiểu ngôn ngữ cũng như phong tục, tập quán của người Mông thì ở truyện “Gà Ô Tử Mỵ” này, tôi lại phải bái phục những kiến thức về xem tướng gà của ông. Người xưa chịu chơi, chơi công phu, chơi có đạo nên mới sáng tạo ra “kinh” cho các việc... chơi. Ví như chơi chó thì có “cẩu kinh”, chơi mèo thì có “miêu kinh”, chơi đá thì có “thạch kinh”... Ở đây là chơi gà nên phải có “kê kinh”.
Đã gọi là “kinh” thì chẳng phải chuyện đùa. Đó là một khoa học “thông suốt mọi huyền cơ”, vận dụng cả Dịch lẫn thuyết âm dương, ngũ hành... Tôi đọc những đoạn này mà cảm thấy cực kì thú vị.
Ví dụ đoạn tả con gà ô tử mỵ:
Bác nhìn kỹ sẽ thấy gà ô nhà mình có nhiều tướng ẩn. Khi nó ngủ, đầu và cổ thả xuống đất thõng mềm như con rắn. Đó là tướng gà tử mỵ, ngủ mà như chết. Nếu nhìn kỹ, bác sẽ thấy, chỉ lúc nó phơi nắng hay đập cánh, mới nhìn mỗi cánh chỉ có một chiếc lông trắng muốt.
Đó là tướng ẩn thứ hai, gọi là gà ô điểm bạch. Gà tướng ẩn nhiều khi mới vào trận có vẻ ngu ngơ chịu đòn để thăm dò hoặc khích tướng đối phương. Vào lúc bất ngờ nó bùng lên, xuất những chiêu thức lạ và đối thủ có khi chết ngay tại trận.
Điều đáng quý và đó là tướng ẩn thứ 3 như bác vừa trông thấy. Gà ô nhà mình là giống gà chiến lẫy lừng nhiều chiêu độc thủ vậy mà khi nãy vừa ăn vừa cúc cúc gọi mấy chú gà con đến ăn cùng. Dáng điệu nó lúc ấy thật hiền từ, âu yếm thương quý đám gà con như cha thương con. Có nhiều con gà chọi khác đang ăn thấy gà con sán đến liền giương mắt mổ một nhát toét cả đầu. Bác đã gặp ai trên đời độc ác, thiếu tình yêu với trẻ con mà hậu vận được tốt đẹp không?...
(Phạm Lưu Vũ)
Thiền
Đường về khép bóng trần gian
Lợi danh gói một hành trang vô thường
Nhà văn Nguyên Ngọc như tôi từng biết - 1
(Nhà văn Nguyên Ngọc)
Ngày 15-7-1979, từ Sài Gòn tôi đi tàu lửa ra Hà Nội, đến “Hội Nhà Văn Việt Nam” xin thêm một giấy giới thiệu đi thực tế biên giới phía Bắc lần thứ 2, lúc cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược vẫn còn rất ác liệt. Trực Hội Nhà Văn VN lúc đó là ông Nguyên Ngọc, Phó Tổng Thư Ký Hội (Nguyễn Đình Thi vẫn còn là Tổng Thư Ký nhưng đã bị Nguyên Ngọc vô hiệu hóa), kiêm Bí Thư đảng đoàn hội. Ký giấy giới thiệu cho tôi lên tỉnh biên giới phía Bắc đang có chiến sự xong, ông Nguyên Ngọc dặn:
– Cậu đi một tháng thôi. Lên đó phải giữ vững lập trường tư tưởng, không phát ngôn tự do bừa bãi nghe chưa!
Ông Ngọc dặn dò tôi như dặn dò một người chưa trưởng thành, mặc dù lúc đó tôi đã có hai trường ca: “Đất Nước Hình Tia Chớp” và “Mặt Trời Trong Lòng Đất” nổi tiếng.
Khi tôi đang ở Lao Kai, Yên Bái thì nghe tin chủ tịch Nguyễn Lương Bằng từ trần. Tôi đau đớn viết bài thơ “Khóc Bác Nguyễn Lương Bằng” với câu thơ đầu tiên:
“Bác Lương Bằng ơi, bác Lương Bằng
Dẫu lương cháu không bằng lương bác…”
Vì nghẹn ngào quá, tôi không viết tiếp được nữa. Tối 21-7-1979 tôi về Hội Văn Nghệ tỉnh Yên Bái sơ tán ở thị trấn Cam Đường ngủ, thì có điện thoại gọi từ Hà Nội gấp. Đầu dây bên kia là tiếng nói của nhà văn Nguyên Ngọc có vẻ nóng giận:
– Cậu Hảo, tôi lệnh cho cậu về gấp, không đi thực tế các tỉnh biên giới phía Bắc nữa!
– Vì sao vậy anh Ngọc!
– Vì sao à, vì chưa gì cậu đã làm thơ phản động!
– Thơ gì mà phản động, thưa anh!
– Cậu khóc bác Nguyễn Lương Bằng mà viết cười cợt thế này à: “Bác Lương Bằng ơi bác Lương Bằng / Dẫu lương cháu không bằng lương bác”, bên công an nói không muốn cậu đi thực tế nữa!
– Chết thơ này tôi đang viết dở mà, đã thành bài đâu mà phê phán phản động. Hai câu sau tôi sẽ viết ý như sau: dù vậy cháu vẫn khóc bác, vẫn buồn đau vì bác đã ra đi… Tôi chưa kịp viết mà!
– Thôi không viết nữa!
– Dạ, cám ơn anh Ngọc, em sẽ không viết nữa, nhưng mà em không về đâu. Em có phải đi ăn cỗ đâu, em ra chiến trường với lính đánh Tầu mà!
Tôi cúp máy!
Thiền
Núi là núi, sông là sông
Thiền là một tách trà nồng trên tay
Nhà văn Nguyên Ngọc như tôi từng biết - 2
Lòng bực bội nghĩ: cái anh Nguyên Ngọc này còn cứng nhắc, còn quy chụp anh em hơn cả công an. Thế ra công an ở khắp mọi nơi như Chúa. Sổ tay nháp thơ của tôi để trong phòng ngủ có công an lục xem trộm. Khiếp chưa?
Lại nhớ có lần anh Nguyễn Khải đi thực tế Sài Gòn, ở nhà tôi 3 tháng. Tôi chở anh Nguyễn Khải đi từ 190- Công Lý tới đường Tự Do trụ sở 2 của báo Văn Nghệ nghe lệnh của Nguyên Ngọc. Từ Hà Nội, bí thư đảng đoàn hội nhà văn lệnh cho Nguyễn Khải, bạn đồng lứa, theo yêu cầu của anh Khải xin anh Ngọc cho ra Hà Nội gấp vì mẹ anh Khải đau nặng:
– Khải cứ ở Sài Gòn đi thực tế, mẹ Khải ngoài này chúng mình sẽ thăm. Khải không ra Hà Nội nữa.
Bỏ điện thoại xuống, Nguyễn Khải buồn ủ rũ nói với tôi:
– Hảo thấy chưa. Ngọc với anh vốn là bạn mày tao. Từ ngày nó lên Bí Thư Đảng Đoàn Hội, chuẩn bị thay Nguyễn Đình Thi làm Tổng Thư Ký hội theo sự sắp đặt của ông Trần Độ, nó xử với anh em đồng lứa khắc nghiệt cạn tàu ráo máng hơn còn ở trại lính, hơn cả quan hệ cấp trên cấp dưới.
Tôi không quen thân với anh Nguyên Ngọc vì anh ít cười, ít nói, nghiêm như tượng, lúc nào cũng giữ nguyên tắc cứng đờ, yêu đảng kiểu năm 1930. Trong khi các anh cùng lứa với Nguyên Ngọc như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách, Nhị Ca… đều ít chất lính, nhiều chất dân, dễ gần, bình dị, hay cười, thậm chí bông phèng, cà rỡn… Ngay cả bác Thanh Tịnh rồi anh Vũ Cao lãnh đạo tạp chí Văn Nghệ Quân Đội cũng rất vui tính, gặp anh em viết trẻ như Lê Lựu, Trần Mạnh Hảo, Hữu Thỉnh…là thân tình, vui vẻ, bình dị như các ông anh thân thiết.
Thiền
Trần gian mỏng mộng vô thường
Đường xa mời mệt tôi nhường nhịn tôi.
Nhân Văn Giai Phẩm với những hệ luỵ - 1
Thái độ của Trăm Hoa qua báo Nhân Văn và các cuốn Giai Phẩm thì ngay từ số đầu Trăm Hoa đã có bài trêu chọc, cười cợt. Chẳng hạn số 1 trong mục “Việc Làng Việc Nước” có bài cợt trêu Phan Khôi: Trong “Ông Bình Vôi” ông bảo vật gì có thể hại mình thì người ta gọi bằng ông, vậy nếu gặp ông Phan Khôi, biết gọi là gì?
Trong bài Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ, thử đặt câu hỏi ông Phan có nói xấu chế độ không? Hàm Tiếu (mục “Việc Làng Việc Nước”, số 2) với những lời bình “bách nhân bách khẩu” trả lời là: Có. Ông ví von chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta với chế độ triều Gia Long, Tự Ðức gì gì đó, thế là quả nhiên nói xấu chế độ rồi.
Sau số 4, tòa soạn Trăm Hoa đăng trên các nhật báo Thời Mới và Hà Nội hằng ngày thông báo Trăm Hoa nghỉ 1 kỳ Chủ Nhật 18/11/1956…“vì việc tổ chức nhà in”.
Số 5 Trăm Hoa (Chủ Nhật 25/11/1956) đăng truyện ngắn của Thụy An: Chuyện bố, mẹ, bé, và con búp bê. (Bà Thụy An tên thật là Lưu Thị Yến, con nuôi ông Phan Khôi, sau khi báo Nhân Văn và Giai Phẩm bị đình bản, bà bị bắt năm 1958. cùng với Nguyễn Hữu Đang, cũng bị tù vì vụ Nhân Văn Giai Phẩm)
Nhân kỷ niệm ngày nhà văn Vũ Trọng Phụng từ trần, báo trích đăng tiểu thuyết “Số Đỏ”.
Về sáng tác, báo đăng thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan.
Vì vậy Trăm Hoa không còn được hỗ trợ giấy in, không như Tô Hoài nói: “Trăm Hoa hết tiền phải đình bản”.
Từ đó Trăm Hoa bị xóa sổ trên đất Bắc.
(Nguyễn Bính và tuần báo Trăm Hoa - Lại Nguyên Ân)
Thiền
So với cái mênh mông của vũ trụ
Thì nỗi buồn của hạt bụi có ra chi.
Nhân Văn Giai Phẩm với những hệ luỵ - 2
Trong bài “Chân Quê” có câu hôm qua cô đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều, ý Nguyễn Bính trách người con gái quê ra tỉnh học đòi theo mốt thị thành.
Nhưng nhà phê bình Hoài Thanh lại "vận" hai câu thơ đó vào bản thân Nguyễn Bính, một tác giả nhà quê, hơi có ngụ ý “vô học”. Ngược lại, Hoài Thanh nhận định Xuân Diệu là nhà thơ “có học”, lại tỉnh thành, có những câu thơ rất Tây, y như dịch từ tiếng Pháp yêu là chết ở trong lòng một ít hoặc hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực. Nhờ Hoài Thanh hết lời ca ngợi hồn thơ “say đắm tình yêu”, Xuân Diệu trở thành nhà thơ số một của tình yêu. Theo một nhà phê bình văn học miền Nam: Thật ra, thơ tình của Xuân Diệu hời hợt, vì ông là người đồng tính, không thể yêu con gái.
Nhà phê bình văn học miền Nam cho hay tiếp: “Về Xuân Diệu, điều đáng trách là đối với Nguyễn Bính cư xử rất tàn tệ. Phải nhờ có dư luận văn nghệ miền Nam nhắc nhở, tên tuổi Nguyễn Bính mới được sống lại với công chúng miền Bắc từ 1986”. Trong tác phẩm “Văn học mới thế kỷ XX” của Xuân Diệu đã hầu như không nhắc gì đến Nguyễn Bính, đã làm như không hề có Nguyễn Bính trong nền thơ Việt thế kỷ XX.
(Thuỵ Khuê)
Thiền
Khói trần bén giấc mơ tiên
Bâng khuâng trăng trải qua miềm quạnh hiu.
Nhân văn Giai phẩm với những hệ luỵ - 3
Gọi nó về, bắt lấy nó
Tố Hữu ra lệnh bắt Trần Dần.
Hồi Hoàng Cầm cho in tập Giai Phẩm Mùa Xuân, có đăng bài của Trần Dần, Tử Phác. Tố Hữu triệu tập mấy người đến họp: Hoàng Cầm, Văn Phác (phụ trách tổ chức Bộ Văn Hoá), Chế Lan Viên... Tố Hữu cầm cuốn Giai Phẩm Mùa Xuân, hỏi mọi người:
“Các anh thấy tập sách này thế nào?”.
Không ai dám trả lời, vì không đoán được ý Tố Hữu. Chế Lan Viên nhanh trí, đoán trúng ý thủ trưởng. Chế Lan Viên nói: “Cuốn sách đại phản động!”.
Tố Hữu hỏi Văn Phác: “Hiện nay chúng nó đang ở đâu?”.
Văn Phác: “Thưa, các anh ấy đang đi thực tế ở Yên Viên”.
Tố Hữu ra lệnh và Hoàng Cầm nhớ đúng sáu tiếng:
“Gọi nó về, bắt lấy nó”.
(Chân dung Hoàng Cầm – Nguyễn Đăng Mạnh)
Một chiếc cùm lim chân có đế
Cả hai giai thoại của Hoàng Xuân và Lãng Nhân đều hay nhưng... không đúng. Sử nhà Nguyễn chép Cao Bá Quát bị "Phó lãnh binh ở Sơn Tây là Lê Thuận Đại đem quân tới đánh, Bá Quát bị thua chết ở trận. (...) Việc đến tai vua, sai đem thủ cấp Bá Quát truyền giao cho các tỉnh Bắc Kỳ bêu lên và khuyên bảo dân chúng rồi xé xác vất xuống sông.
Minh Mạng năm thứ 15 (1834) Bá Đạt cũng đỗ hương tiến trải làm tri huyện Nông Cống. Vì cớ của Quát cũng mắc tội chết, dân ở huyện lấy làm thương có lập đền thờ ".
(Cao Xuân Dục, Đại Nam chính biên liệt truyện, tr. 1053).
Chém treo ngành
Đây là một đề tài tàn bạo, phũ phàng, rùng rợn hoàn toàn trái ngược với tinh thần nhẹ nhàng thanh tao của các nghệ thuật cầm, kỳ, thi, tửu vì nó là một nghệ thuật giết người, chém người ngọt như chuối vậy. Nguyễn Tuân làm sống lại một nghệ thuật cổ để phơi bầy tội ác ghê tởm, rùng rợn của một thời xa xưa
Bát Lê là một tay đao phủ có tiếng, chuyên sử dụng thanh quất, loại kiếm hai lưỡi nay đã về già, mỗi lần có án trảm, ông chỉ ra pháp trường cho có mặt, việc đã có người khác đỡ tay. Nhưng nay quan lớn gọi vào cho biết có mười hai tên tử tù sắp phải bị hành hình, quan Công Sứ muốn được thị kiến. Bát Lê có tài chém đầu rất ngọt, chỉ một nhát lướt qua là đứt cổ nhưng vẫn còn dính một làn da.
Thế là Bát Lê vào vườn chuối để tập luyện cho thuận tay. Đến ngày hành hình, Bát Lê hoa thanh quất, mười hai cái đầu của tội nhân bị chẻ gục xuống, không một giọt máu vấy vào áo hắn, Bát Lê được quan Công Sứ thưởng mấy cọc bạc đồng bà lão.
So với toàn bộ Vang Bóng Một Thời, Chém Treo Nghành đã được Nguyễn Tuân diễn tả kỹ lưỡng, tỉ mỉ, trong sáng và trang trọng; từ tả cảnh cho đến lối hành văn đều đã được chăm sóc tận tình. Ngay khi mở đầu tác giả đã tạo cho bài một không khí rùng rợn, quái đản qua tiếng hát tẩy oan của tên đao phủ, ngụ ý hắn vô tội.
“Trời nổi cơn lốc
Cảnh càng u sầu
Tiếng loa vừa dậy
Hồi chuông mớm mau
Ta hoa thanh quất
Cỏ xanh đổi màu
Sống không thù nhau
Chết không oán nhau
Thừa chịu lệnh cả
Dám nghĩ thế nào
Người ngồi cho vững
Cho ngọt nhát dao
Hỡi hồn!
Hỡi quỉ không đầu”
(Đọc “Chém treo ngành” của Nguyễn Tuân – Trọng Đạt)
"Khóc Thị Bằng" không phải của Tự Đức
Ngoài Ngô Tất Tố, các chuyên gia thơ cung đình triều Nguyễn, như Phan Văn Dật, Bửu Cầm, đều nói không phải của Tự Đức, vì trong thư khố, không tìm thấy vết tích gì bài thơ này, và tên họ một bà phi nào tương tợ ngoài một bà hoàng quý phi, hai bà phi, và 103 cung tần nhưng chẳng có ai tên Thị Bằng.
Sinh thời, học giả Hoàng Xuân Hãn cũng nói vậy.
(Ban Mai - Thi Vũ – Hai vần thơ đẹp)
Hát xẩm
“Xẩm” vừa là tên gọi của thể loại, đồng thời cũng là tên gọi của những nghệ sĩ hành nghề, như anh xẩm, chị xẩm hay bác xẩm... Trong những đồ nghề bất ly thân của mỗi nhóm xẩm truyền thống, bao giờ cũng có một chiếc chậu đồng thau...
Các cụ kể rằng, tục truyền ngày xưa, lâu lắm rồi, có lẽ vào khoảng cuối đời Trần, vua cha sinh hạ được hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Thương yêu hai con như nhau, không biết nhường ngôi cho ai, nhà vua liền truyền lệnh cho hai hoàng tử lên rừng đại ngàn tìm ngọc quý, ai đem về trước sẽ được nối ngôi vua. Vâng lời vua cha, hai anh em tức tốc lên đường.
Trải qua nghìn trùng gian lao vất vả, cuối cùng hoàng tử Đĩnh đã tìm được viên ngọc quý. Nhưng rồi với lòng gian tham đố kỵ, Toán bèn lừa lúc Đĩnh ngủ say, rút gươm chọc mù hai mắt Đĩnh rồi cướp lấy ngọc đem về. Trong cơn bĩ cực khốn cùng, với cặp mắt mù lòa, hoàng tử Đĩnh đã lần mò trong rừng sâu, nhặt được hai mảnh tre khô, liền gõ vào nhau giả tiếng chim chóc để chúng tha thức ăn đến cho chàng cầm hơi, rồi hoàng tử lần mò dần ra cửa rừng. Vô tình quờ quạng được sợi dây rừng, tước nhỏ, se lại, Đĩnh buộc vào cây song mây hình cánh cung để làm đàn và cất lên những khúc nhạc lòng ai oán. Những người sơn tràng nghe thấy, liền đưa chàng ra khỏi rừng.
Từ đó, hàng ngày hoàng tử Đĩnh lần mò ra xóm chợ, ngã ba đường, kiếm sống bằng chính lời ca, tiếng đàn của mình. Tiếng đồn về những khúc nhạc của người nghệ sĩ mù dần vang xa, lan mãi đến tận kinh thành và tới tai nhà vua... Nhờ đó mà vua cha đã tìm được Đĩnh và trừng trị Toán.
Nghệ thuật hát xẩm nước Nam ta bắt đầu từ đấy.
(Bùi Trọng Hiền)
Văn hóa… ẩm thực
Lòng lợn Bắc kỳ
Vì thế, sau mấy lần được các chú lính đưa đi thưởng thức thịt chó, bê thui, lòng heo Ngã Ba Tam Hiệp, Hố Nai, người viết đã kết lòng heo Hố Nai, một cách chính xác là ở Chợ Sặt, Hố Nai.
Cũng xin có đôi hàng đan thanh về Chợ Sặt, trung tâm thương mại, ẩm thực của vùng Hố Nai. Hố Nai nằm dọc Quốc Lộ 1, dài hơn 10 cây số, chia thành nhiều giáo xứ cho giáo dân từ Bắc di cư vào Nam; thường thường ngoài Bắc ở địa phương nào khi vào Hố Nai sẽ lấy danh xưng đó. Theo ký ức của người viết, từ cây số 6 (tính từ trung tâm thành phố Biên Hòa) lần lượt là những giáo xứ lớn sau đây: Phúc Hải, Bắc Hải (Hải: Hải Dương), Hà Nội, Kẻ Sặt, Thánh Tâm, Thái Bình, Thanh Hóa, Bùi Chu, Bắc Ninh…
(Thiên Lôi miệt dưới)
Thành ngữ tục ngữ… sai
Không ai duỗi tay lâu ngày đến sáng
Y nói: không người nào lại muốn tự bêu xấu mình.
Duỗi tay thì có gì là “bêu xấu”. Thật ngạc nhiên khi GS liên tưởng đến việc “tự bêu xấu mình” bằng hình ảnh “duỗi tay” trong câu thành ngữ này!
Nghĩa đen: Trong một ngày hoặc một đêm con người ta tham gia vào nhiều hoạt động, dẫu có muốn cố tình nắm tay, hoặc duỗi tay thì cũng sẽ có lúc sơ sảy, quên đi mà phải co, duỗi tay ra.
Câu “Không ai nắm tay từ sáng đến tối” hoặc “Không ai duỗi tay thâu ngày đến sáng” (thâu ngày tức hết ngày, không phải “lâu” ngày như GS viết).
Nghĩa bóng: Trong cuộc đời, sẽ có lúc nào đó, do khách quan hoặc chủ quan người ta sẽ không giữ được điều tốt đẹp mà mình đang có; không ai có thể chắc rằng mình giữ được sự tốt đẹp mãi.
(Hoàng Tuấn Công)
Phạm Duy và 10 bài tục ca
Tục ca số 6 có tựa đề Mạo Hóa, từ ngữ Phạm Duy dùng để ám chỉ đồ giả phụ nữ hay dùng như “đít giả, vú giả, tóc giả, răng giả” (sic). Bài hát có tới 2 đoạn kết, đạo đức giả và đạo đức thực, được bắt đầu bằng 4 câu:
Tôi có người yêu cái đít to như Thẩm Thúy Hằng
Cái đít nhìn qua đã khiến cho ta phải ngỡ ngàng
Vừa to vừa lớn như những mặt vua
Đẹp như mặt chúa cũng phải thua
Cứ thế bài hát chuyển sang bộ ngực, mái tóc, hàm răng đều giả nhưng điều may mắn là trái tim không thể nào giả được nên vẫn còn giữ được tình yêu. Tôi nghĩ, nếu muốn biết thêm đoạn kết thứ 2 độc giả nên tự khám phá thì tốt hơn vì quả thật tôi hoàn toàn mất hết khả năng diễn đạt.
(Nguyễn Ngọc Chính)
Tục ca số 6: Mạo Hóa
Phụ bản
Các bạn vào lứa “sáu bảy bó” ở miền Nam chắc hẳn vẫn còn nhớ Lucky Luke, nhân vật Cao bồi Miền Tây “Wild Wild West” bắn súng còn nhanh hơn… cái bóng của mình. Cha đẻ của Lucky Luke là họa sĩ người Bỉ, Maurice de Bevere (1923-2001), còn có biệt danh là Morris. (Lucky Luke “ra chào đời” năm 1947)
Cũng họa sĩ truyện tranh người Bỉ, Georges Rémi với bộ truyện tranh Tintin.
(nguồn Tổng hợp)
Tết Mậu Thân bốn mươi năm sau (1968-2008)
Báo cáo “Đưa tin sai gây bất hạnh cho hàng triệu người” của tổ chức Chính xác trong Truyền thông (11) cũng nhắc lại trong cuốn “The Big Story”, Braestrup đã cho thấy tại sao sự thất bại lớn của Việt Cộng ở chiến trường và thất bại của giới truyền thông Mỹ đã trở thành thất bại của Hoa Kỳ tại chính trường và mặt trận chiến tranh tâm lý với quần chúng Mỹ. Theo Braestrup, trong lịch sử chiến tranh Việt Nam câu “phải tiêu huỷ Bến Tre” là một “tuyên bố” bị lạm dụng, nhào nặn, bóp méo, vo tròn nhiều nhất trong các cuộc tranh cãi ở Hoa Kỳ và vẫn được dùng như câu thần chú mỗi khi nói đến chiến tranh Việt Nam…
(11) Misreporting that doomed millions, Red Irvine – Editor, Aust B, 1977, Accuracy in Media.
“Thượng nghị sĩ Albert Gore dùng lại (“câu tuyên bố Bến Tre”) như sau, ‘Một chiến thắng quân sự chỉ có thể có được sau khi tiêu huỷ những gì chúng ta muốn cứu vơt’. TNS Gore nói về Huế, ‘Các Sĩ Quan Thủy Quân Lục Chiến đã thú nhận, có thể chúng ta sẽ phải phá huỷ cổ thành để cứu Huế’. Drew Pearson, một ký giả truyền thanh nổi tiếng ở Washingon, đã nói (lại) như sau, “Một cách khác, để cứu Việt Nam, chúng ta phải gần như huỷ diệt nó.’ Tờ tuần báo The New Republic (sau tháng 3, 2007 đã trở thành bán nguyệt san) – một cơ quan truyền thông ủng hộ cánh trung tả – đã “nhuận sắc” câu tuyên bố Bến Tre thành câu tuyên bố của Thiếu tá Chester L. Brown of Erie, Pennsylvania với AP là ‘it became necessary to destroy the town in order to save it’ và ‘đáng thương thay cho dân chúng (Bến Tre – TGT).’
(Trần Giao Thủy)
Trần Đĩnh biết rất nhiều chuyện. Anh ngồi sau lưng Hồ Chí Minh trong buổi lễ truy điệu Stalin chết; nhìn cảnh Tố Hữu diễn vai đau khổ ôm bức hình Stalin đặt lên bàn thờ, sau này nghĩ có lẽ ông ta khóc Stalin là khóc thật. Rồi nhìn thấy hộp thuốc lá Trung Hoa Hồ Chí Minh bỏ quên trên ghế bên cạnh, anh cầm lấy mang đến tận phòng, “Dạ, thưa bác, bác để quên ạ!” Và nhìn thấy “Mặt cụ xưng lên, đầm đìa nước mắt, hai mắt húp lại… Cụ ngơ ngẩn nhìn tôi, nhìn hộp thuốc lá như không hiểu tôi vào làm gì…” Trong lớp chỉnh huấn chuẩn bị cải cách ruộng đất năm 1953, Trần Đĩnh là người thứ nhất tiết lộ Hồ Chí Minh đã tới quan sát cuộc đấu tố đầu tiên ở Đồng Bẩm, hóa trang che bộ râu để không ai nhận ra. Và Trường Chinh thì đeo kính đen tới dự. Xưa nay nhiều người vẫn kể rằng Hồ Chí Minh không muốn giết bà Nguyễn Thị Năm, nhưng bị cố vấn Trung Cộng ép buộc nên phải giết. Trần Đĩnh đưa ra một bài báo ngắn do Hồ Chí Minh viết kết tội đích danh bà đồng thời đả kích cả giai cấp địa chủ. Bài báo này, được dẫn chứng đầy đủ, dùng một bút hiệu, ký tắt, nên chỉ người bên trong tòa báo mới biết người viết là Hồ Chí Minh.
Trần Đĩnh cũng là tác giả đầu tiên đã gặp cô Xuân (nhân vật đã được Vũ Thư Hiên kể trong Đêm Giữa Ban Ngày) ở trên chiến khu từ năm 1953, cô là “Con nuôi Bác.” Có lúc Trần Đĩnh đã nắm tay cô Xuân, khoe đã lấy tên cô ghép làm bút hiệu trên báo của mình, khiến cô cảm động. Ông cũng kể chuyện năm 1960 theo Hồ Chí Minh đi Móng Cái, dự mít tinh rồi “đi lượn phố, thăm trường học”. Và có lúc đi trong phố “Cụ chỉ vào một ngôi nhà phía bên kia đường nói với tôi: Ở nhà này ngày xưa có một chị bí thư chi bộ. Tôi ngợ ngay. Có quan hệ tình cảm gì [giữa cô đó] với bác?”
(Ngô Nhân Dụng)
Một nhà sinh đặng ba vua…
Một nhà sinh đặng ba vua
Vua sống, vua chết, vua thua chạy dài
Vua sống là Đồng Khánh, vua chết là Kiến Phúc, vua thua chạy dài là Hàm Nghi. Thực ra vua Hàm Nghi bỏ Huế lập Cần Vương thì đúng hơn.
Còn hai câu:
Đời mô mà khổ như ri
Đồng Khánh ở giữa, Hàm Nghi hai đầu.
Là câu nói lên tình hình ở triều Huế: Vua Đồng Khánh ở Huế, hai đầu gồm: Một đầu từ Quảng Bình , Quảng Trị ra Bắc, một đầu từ Quảng Nam vào Bình Thuận theo vua Hàm Nghi.
(Chữ nghĩa chúng ta – Bùi Bảo Trúc)
Những chiếc xe mì của quá khứ
Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối cùng, mì vẫn không nhão nát. Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng của nghệ hoặc phẩm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon. Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tuỳ khẩu vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt. Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chờ đợi.
Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi trụng. Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu. Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.
(Đỗ Duy Ngọc)
***
Phụ đính I
Mai Thảo
(1927-1998)
Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý, bút hiệu khác: Nguyễn Đăng, ông sinh ngày 8/6/1927 tại huyện Hải-hậu, Nam-định. Thuở nhỏ học trường làng, trung học lên Nam-định rồi Hà-nội (học trường Đỗ Hữu Vị, sau là Chu Văn An). Năm 1945, theo trường sơ tán lên Hưng Yên. Khi chiến tranh bùng nổ năm 1946, gia đình từ Hà-nội tản cư về quê chợ Cồn, từ đó Mai Thảo rời nhà vào Thanh-hóa theo kháng chiến, viết báo, tham gia các đoàn văn nghệ đi khắp nơi từ Liên-khu-ba, Liên-khu-tư đến chiến khu Việt-bắc. 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến vào thành.
1954, di cư vào Nam. Viết truyện ngắn trên các báo Lửa Việt, Người Việt. Chủ trương báo Sáng Tạo (1956), Nghệ Thuật (1965) và từ 1974, trông nom báo Văn. Tham gia văn học nghệ thuật từ 1960 đến 1975. Ngày 4/12/1977, Mai Thảo vượt biển. và định cư ở Hoa-kỳ. Ít lâu sau ông cộng tác với tờ Đất Mới của Thanh Nam và một số báo khác tại hải ngoại. Tháng 7/1982 ông tái bản tạp chí Văn, làm chủ biên đến 1996, vì tình trạng sức khỏe trao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng; hai năm sau ông mất tại Santa Ana, California ngày 10/1/1998.
***
Phụ đính II
Tản Đà làm báo
Vào lúc An Nam Tạp Chí có cơ bị đình bản, Tản Đà tính nước đem báo từ Hà Nội vào Vinh, ông phải tới nơi lo việc này, vì thế những ngày ấy công việc tòa soạn có khi phải làm trên toa xe lửa nối hai thành phố. Xin trích nguyên văn bài tường thuật một buổi làm việc trên tầu của ông chủ bút hay thơ này:
“Chuyến ấy tôi cùng đi với ông ở Vinh về. Hành lý của ông là một cái chai, một cái cốc, dăm quả nem và một cái khăn mặt ướt đựng trong cái giỏ tròn bằng tre đan có quai xách. Thường lúc buồn ông vẫn uống rượu trên tàu. Xe chạy được vài ga, ông trùm vạt áo lên mặt để ngủ cho đỡ gió.
Tôi hết chỗ nằm phải ngồi cạnh ông để ngủ gật. Đến một ga, một ông soát vé lên đánh thức hành khách rầm rĩ để làm bổn phận. Ông gắt người nọ cự người kia. Đương đêm ai phải dậy mà không khó chịu và nhanh nhảu lấy được vé ra cho ông ta khám ngay. Nhưng lạ một nỗi là ông ta không đánh thức ông Tản Đà mà chỉ ngó nhìn vào cái giỏ có lòi cái cổ chai ra mà thôi rồi yên trí hỏi vé tôi là người bên cạnh.”
Có hôm, sáng từ Hà Nội xe lửa vào Vinh, đêm lại từ Vinh xe lửa ra Hà Nội. Tản Đà làm riết công việc tòa soạn lưu động kiểu ấy khiến ông soát vé chẳng những quen mặt mà quen luôn cả đồ nghề làm báo của Tản Đà: một cái giỏ tre đan, bầy công khai vài thứ mà chỉ cần nhìn là... khỏi phải soát vé.
(Nguyễn Công Hoan, Tao Đàn số 9-10 năm 1939)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét