Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

Ốc Mượn Hồn - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

   Ốc Mượn Hồn

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

       Người viết không biết nhiều về gã, vì thiếu chân mạt chược, có ai đưa gã đến nhà. Gặp ngày ế khứa, bèn kéo gã ra Trúc Gia Trang thăm chừng cụm trúc Phật Bà và nói vấy vì bản năng sinh tồn sao ấy, có cây trúc nào vươn lên có hồn có phách thì có cây trúc… “sống gửi thác về”.       

       Nghe thủng rồi, gã từ từ như ông từ vào đền… thắp nhang cho những ẩm thấp tối tăm của gã, người viết có… “cảm giác”… ’’hơi bị’’ ma quái. Vì là “ghost writer”, là viết chuyện này thay cho gã, bởi khúc kết có chút eo óc nào đấy, nên đành nghe sao kể vậy.


       ***

       Tôi ra khỏi trại cải tạo, đang lêu bêu thì một ngày xuống xóm Mới. Về nhà, đang ngất ngư vì mấy ly nếp than, nhóm tổ chức vượt biển báo cho hay đổ bãi sớm. Tôi quơ vội túi quần áo xuống Nhà Bè sau đấy ‘’quy mã’’… qua Mỹ ngon lành. 

      Nhưng không hẳn vậy! Số là thuyền vừa ra lạch gặp một chiếc ghe câu lướt qua trước mũi. Lão tài công lầu bầu “Đủ má” cái một. Vì lão kiêng cử cái vụ bị “ngáng đường” khơi khơi như vậy. Y trang, chưa ra đến biển, dàn máy phát tiếng hục hặc ho khan rồi ì ra. Dưới hầm máy, có tiếng chú chệt… “chết” nhớt và “hết” nhớt thật. Trong khi chờ đợi châm nhớt. Tôi tháo cặp kính cận có giây buộc sẵn đeo vào cổ, vì lỡ có chuyện gì thì sao! Không có kính, nhưng tôi vẫn đảo mắt nhìn đàn cá sứa, cá chuồn bám theo hông thuyền. Lão đến cạnh bâng quơ: “Đủ má! Cá bơi để tránh sóng, ông thầy”. Lão gọi tôi là “ông thầy”, vì tôi khoe mẽ với lão tôi là nhà giáo dậy vạn vật nên sinh vật học tôi nằm lòng. Thảng như con rùa thở bằng hậu môn, con lợn không thể ngẩng cổ lên để nhìn trời mây bay gió thổi. Từ đó lão gần gũi với tôi hơn, nhờ đó tôi biết lão là bợm già trong nghề sông nước với tên “Xích Thố”, lão như con ngựa biển, một đời rong ruổi với sông nước, nhìn mây biết thời tiết, trông sao hôm, sao mai đi trong đêm.


       Ngoài ra, tôi còn biết thêm lão tin dị đoan, khi nào lão… “Đủ má” trước sau... cũng có chuyện. Mà có chuyện thật, bỗng máy nổ “…cạch… cạch..” rồi tắt ngúm, thuyền giựt giựt mấy cái như có gì kéo lại và rung lên bần bật. Lão buông thõng: “Đủ má. Cái chân vịt bị dây cuốn” và mặt thừ ra. Lão kéo tôi ra một góc và nói nhỏ như sợ có ai nghe thấy. Với lão thì dân sông nước ớn nhất việc gỡ dây neo quấn chân vịt. Hình như càng những tay bơi lội như rái cá lại càng hay gặp nạn. Nhất là trên thuyền có ai đấy… đeo “ba lô ngược”, hay trước khi đi biển đầu tháng lại… ăn thịt chó. Lão nói nhỏ: ”Hay là ông thầy”. Tôi ớ ra, vì mình vừa mới xuống xóm Mới. Lây dây với lão Xích Thố, tôi cũng tin dị đoan. Nên lúc này tôi bị hồn ma nát thần tính chuyện Ernest Hemingway câu được con cá kiếm dài 6 mét, ông vật vã với nó trong cơn bão. Kết cục chuyện Ngư Ông và Biển Cả ông nhà văn phiêu lưu Mỹ sống. Con cá chết. Trong u mê ám chướng, chuyện chết chóc vận vào tôi hay lão đây, gặp bão tố, trời kêu ai nấy dạ, đành vậy thôi.

       Lão chuẩn bị đồ lặn, gọi là đồ lặn cho óach, thực ra chỉ có cuộn dây thừng và con dao. Đứng cuối thuyền, lão buộc sợi thừng ngang lưng tôi, và chúc tôi… ”thượng lộ bình an”. Bất thình lình lão ẩy tôi ùm xuống biển. Vậy mà tôi còn nghe câu: “Chớ ham zui ở lại với Hà Bá nghe, ông thầy”. Lão hù vậy thôi, với tôi dễ ợt vì thời trung học, sông Thị Nghè tôi bơi như… vịt, mươi phút là xong. 

       Mà số tôi cứ lằng nhằng với dây thừng thì phải? Nhưng ấy là hồi sau. 

       Lát sau cuối chân trời hiện lên một vừng mây tỏa hình nan quạt. Lão nói: “Coi kìa ông thầy, trời ráng ngòai. Sắp có tố đến nơi”. Cùng lúc ấy có đàn cá như cá heo bơi ngược chiều với thuyền. Lão nói: “Đủ má, bão thiệt, ông thầy. Bầy cá lạc đang trốn bão”. 

       Tôi nghĩ trong đầu, thế là bỏ bu, cứ… “đủ” với… “thiếu” mãi đi. 

       Biến chuyển sang màu nước dưa khú, sóng mỗi lúc một mạnh, tôi lo ngại nhìn trời. Lão nói: “Tới ba ráng lận, tố to đấy”. Tôi hỏi sao không ghé vào đảo gần đây? Lão ậm ừ đó là tai họa, chớ bao giờ táp vào đảo lạ vì có bãi cát ngầm di động, sau này việc xoay trở như cày, dũi không phải dễ. Nghe tới đảo lạ, số là trước khi vượt biển tôi quơ cào được quyển Địa Phương Chí của đảo Phú Quốc. Những cái tên từ cổ xưa với hòn Đồi Mồi, hòn Kiến Vàng, hòn Rùa, lại có hòn Hải Tặc nữa. Đụng hải tặc, trong khi đợi bão đến, tôi hỏi thăm về… cướp biển. Lão lẳng lặng đứng lên, cúi xuống mở cái nắp hòm gỗ. Tôi thấy một thanh mã tấu, mấy trái lựu đạn chày. Lão đắng đót chở người vượt biển đi đi về về đôi lần nên phải thủ. Nhưng cái hòm gỗ là chồ ngồi, lòi tói ra sợi… dây thừng và cái cột. Lại dây thừng nữa, tôi rửa óc nghĩ không ra.


        Càng về chiều, nước ngùn ngụt chuyển, đưa con thuyền lên cao rồi dìm xuống. Lão chỉ sợi dây thừng ở cái hòm gỗ và bảo tôi buộc hai chân lão vào cái cột. Hai tay lão ghìm chặt bánh lái, cho thuyền dọc theo triền sóng và lão nói bình thường bão nhỏ có thể cưỡi sóng mà đi. Nhưng gặp bão lớn như thế này, đành phải xuôi theo sóng. Lão bảo tôi ra ngòai tháo dây thừng nối mấy can nước, san đầy mấy can nước vơi, giữ lại can không làm phao cho bà con trên thuyền. Lão dặn dò tôi lấy dây thừng buộc… tôi vào mạn thuyền không thì vỡ mặt. Tôi tháo dây, san nước can này qua can nọ. Đang lúi húi ôm cái can còn hai phân ba nước, tôi quên bu nó chuyện tôi buộc tôi vào mạn thuyền. Như có hẹn trước, đột nhiên có một cột nước khổng lồ như cá nhà táng. Nó như tìm thấy tôi và bổ nhào xuống chụp dính và quẳng tôi xuống biển cái một. Tôi buột miệng: “Đủ má” vì biết… sắp có chuyện. Nhưng không quên can nước còn hai phần ba.


       ***

       Bị quăng xuống biển… vô tội vạ, tôi vừa gào tóang lên làm như để ai nghe thấy đến cứu mình, vừa ôm can nước đạp chân lọan xạ. Bơi miết rồi tôi kiệt sức và ngất đi hồi nào không hay. Tôi nằm mơ thấy bị VC vác AK đuổi chạy có cờ trong đám sình lầy quận Nhà Bè. Chúng làm một tràng “ra phan”. Sui gì đâu, tôi lãnh nguyên con một viên vào bàn chân. Tôi kêu: “Ối mẹ ơi” và choàng tỉnh dậy. Mở mắt ra, thấy một thằng nhãi con, tay cầm cái ván thuyền chọc chọc đúng chỗ bị Việt Cộng ghim một lỗ. Đau chân há miệng, tôi lập cập: “Mày… Mày ở đây lâu… lâu chưa”. Nó tậm tịt mới… “lưu vong” tới đây từ thuyền khác trong cơn bão vừa rồi. Tôi gượng dậy và chóang người thấy hòn đảo chỉ to hó bằng năm, sáu cái chiếu. Tôi ớ ra nhìn nó và nhìn… hòn đảo. 

       Tôi lẳng lặng bước qua bờ bên kia để thăm chừng, để thấy mình… sống cũng như chết. Vì nếu tôi chìm lỉm ngòai biển khơi hồi hôm, bất quá dẫy dụa một thôi một hồi và uống nước biển mặn mà cho đã là… êm. Còn cái chết ở đây từ từ khoai cũng nhừ vì đói. Tôi nghĩ dại nếu sống ở đây mãi trước sau gì cũng sống vô gia cư chết vô địa táng thôi. Dòm đảo hoang rải rác đá lớn nhỏ, phần còn lại san hô phủ kín. Hốt nhiên nặng nợ với sách vở, tôi nhớ tới Robinson Crusoe tàu bị đắm, cũng dạt một đảo hoang, Robinson săn bắn, hái trái cây kiếm ăn. Còn ở đây chả có quái gì thì… Thì bỗng không cấu vào mắt cụm cỏ gà lất phất giống cỏ lau nhưng có hạt như hạt lúa len lỏi giữa mấy khe đá. Mặc dù không đói, tôi cũng lò dò đi tới, thò tay tính ngắt nhai đỡ vài hạt, chợt nó nói vọng tới ấy là hạt cỏ ma, vớ lấy mà đớp, thì ngứa cổ họng… và móc họng ra chết giấc. 


       Ủa! Mà sao nó biết? Chưa kịp dẫu chuyện vì nó đang lần mò từ ven đảo đi lên. Theo bước chân nó, đây đó ngổn ngang rác rưởi của trận bão dạt về như ván thuyền, giầy, dép... Nó khập khiễng bước từng bước một, cắm đầu xuống mặt cát. Nó lúi húi bới cát, với cả hai bàn tay khum khum, nó vốc lên chục cái trứng rùa. Mắt tôi tròn dấu hỏi, nó ba hoa chích chòe giảng cho tôi nghe, có dấu chân rùa mẹ từ biển bò lên đây là có trứng. Tôi với cái mặt rất chúng sinh của thầy giáo giảng… “vạn vật sinh học” về… rùa thì rùa đẻ trứng, để có rùa con phải đợi khoảng 48 ngày. Dòm dấu chân rùa mẹ còn mới tinh thì trong trứng rùa làm sao có rùa con mà ăn đây. Dòm mớ trứng rùa và cái can nước còn hai phần ba, tôi nhủ thầm cũng may để sống còn. Ngày rộng tháng dài bèn vu vơ tiếp: Có tàu hay thuyền nào ghé đảo này chăng? Nhưng bao giờ? Ngày mai, tuần sau? Mà người ta đến cái ốc đảo thổ tả này làm khỉ gì? Chỉ có giời biết. Bữa ăn ảm đạm hôm ấy, chấm dứt một ngày buồn hiu bằng… một quả trứng. Tôi nhắm mắt, nhắm mũi nuốt chửng nguyên con… con rùa con, như ăn… hột vịt lộn. Vừa nuốt con rùa con mà không phải đợi… 48 ngày. Tôi vừa ngẫm nguội bộ sách dậy vạn vật ở miền Nam lớp đệ nhị A của Đỗ Danh Tầm, Nguyễn Văn An bộ cho chó gậm xương à!?  


       Khuya về tôi mới thấm cái lạnh buốt người của biển cả vì gió bão. Nhớ lại Charlie Chaplin tức tài tử “Sác-lô” bị kẹt vì bão tuyết trong hành trình đào vàng phải ăn dây giày chống đói. Đến đây tôi lại thấy cái đói tàn bạo trong cái hoang lạnh của đảo hoang. Tôi… hoang tưởng đến những chiếc giầy nằm ngoài bãi biển. Loay hoay không ngủ được, tôi đâm bực mình lây qua thằng nhãi mới tí tuổi đầu dậy khôn tôi. Như hôm qua, nó dậy tôi uống nước từng nắp can nước một và phải nhấp từ từ, đừng làm cái ực này kia. Nghĩ lan man vậy, thế nhưng vì tù túng quá nên tôi bẳn tính với nó chăng? 


        Sáng hôm sau, ngồi bó gối cạnh thằng nhãi, tôi thấy nó cắn từng vỏ trứng rùa ngon lành như nhai bánh đa. Như khám phá ra cái chân lý tiên thiên là… trời sinh voi trời sinh cỏ. Thế là tôi bung dậy. Nó nheo mắt dò hỏi. Tôi đành làm lành và cho nó biết dễ hiểu đến như vậy mà nó… ngu như bò. Nó không biết tôi dậy vạn vật, cá, rùa tôi bắt cóc bỏ đĩa: Vì có trứng rùa thế nào cũng có… rùa. Thế là tôi ào ra ven đảo, bám theo thành đá ven biển. Mở mắt thao láo như rắn ráo để tức như bò đá khi bắt gặp nguyên một nghĩa địa san hô. Ngoi lên thở, hụp xuống tìm tiếp. Lần này tôi thấy mấy chú rùa to bằng bàn tay, bây giờ tôi mới hiểu câu nói chậm như rùa là sai bét. Vì ở dưới nước chúng nhanh như cắt. Vừa đưa tay định chộp thì vèo một cái, chúng bơi vù như tên bắn. Lóp ngóp leo lên, chưa kịp kể lể chuyện trên trời dưới… biển, nó hỏi: “Chú thấy… đồi mồi?” Tôi nổi cơn điên: “Sư mày, nói cứ như bố tao ấy”. Nó giọng nhẫn nhục: “Đảo có san hô là có rùa, có đồi mồi”. Tôi chưa kịp gắt nhặng sị lên để át giọng, nó tiếp: “Mai kia người ta ghé bắt đồi mồi”. Đến đây quên tuốt tôi là thầy giáo: “Tiên sư mày! Mày làm như gì cũng biết”. Mặt nó sụ xuống, giọng yếu sìu: “Hồi trước, tía tui dẫn tui ra đảo… gòai”.

 

       Tối hôm sau vẫn chỉ hai khỏan “đóí” và “lạnh” làm bạn với tôi rất ư thao thiết. Để tôi… tư duy rằng đói và lạnh… ”tập kết” với nhau thì… Thì tiên nhân chúng nó chứ,… chứ chúng ác ôn chẳng thua gì VC. Bố khỉ, hay luận theo ngôn từ ngọai sử của quân lực VNCH hào hùng thì… “từ chết đến bị thương”. 

       Tôi làm giấc trưa nên tối trắng mắt ra, thấy thằng bé lên cơn sốt vì chân nó máu đóng cục, sưng tấy lên làm tôi hơi lo lo. Tôi gợi chuyện hỏi nó ngủ được không. Nó nói: “Tui nhớ má tui”. Và tiếp: “Má tui với tui hổng hạp, gặp là gây, rầu hết sức dậy đó. Riết rồi tui bụi đời, bị nhúm vô trại tế bần. Hồi rày tui mới thương bả, bả đâu có dư săng nhớt cho tui vượt biển”. Tôi hỏi ba nó đâu. Nó giọng mệt mỏi: “Tía tui làm lính truyền tin gòai đảo, úynh nhau chết mất tiêu gồi”. Tôi đoán chừng ba nó mất trong trận Hòang Sa năm 1974. Từ đó tôi tự trách mình hơi nặng lời với nó mấy hôm nay. 


       ***

       Trưa hôm nay ngủ dậy, bỗng giật mình nghe tiếng động… Tôi ve vé mắt thấy đàn chim hải âu cánh dang ngang bay là là, có con bổ nhào xuống mổ mặt cát. Thấy chẳng có gì, miệng chúng ục ục như gấu ó nhau và vụt lên, nháo nhác vài vòng rồi bay mất. Sau đấy tôi dòm quanh đảo thấy… vẫn vậy vậy, đám hải âu bỏ đi là phải. Còn lại vẫn thằng tôi với một ngày như mọi bữa, trên là trời, dưới là nước. Đột nhiên thấy chiếc tàu từ đằng xa. Tôi nhẩy cẫng lên, chạy vội xuống bãi, vớ cái ván thuyền quơ lia lịa, càng khoa tay vẫy, con tầu càng… từ từ lụi dần và mất hút. Tôi đứng chêt lặng, mắt ngây dại như vừa trông… gà hóa cuốc. Thóang nghe thằng nhỏ nói có đốt lửa, có khói thì tàu mới thấy. Chưa kịp nghĩ có lửa đâu mà đốt, chợt nghe có tiếng “quéc quéc” trên bầu trời. Dòm lên có một con hải âu lạc bầy bay trở lại đảo. Nó đảo hai, ba vòng thăm chừng, sà xuống bãi cát. Thả bộ dăm thước như kiếm mồi, lại vẫn cát với cát. Như mỏi mệt với chuyến bay xa, nó lười biếng dúi mình vào cánh như gà nấp bóng, và… ngủ tỉnh queo.


        Bỗng thằng nhỏ gượng dậy, chống cái ván thuyền khập khiễng bước xuống triền bãi. Nhặt nhặn mấy ván thuyền nhỏ tha về để cạnh can nước. Hay là nó dùng mấy thứ ấy để đốt… ”làm” khói báo hiệu cho tàu ngòai khơi… quay trở lại. Mà lửa ở đâu ra, chẳng lẽ ở lỗ nẻ chui lên? Hốt nhiên nó ho khan, con hải âu giật mình tỉnh dậy bay vụt lên và kêu “quéc quéc” như chửi bới vì bị phá giấc ngủ. 

        Thằng nhỏ nói tôi ngắt cho nó hạt cỏ ma, mà ngắt càng nhiều càng tốt. Dòm cụm cây um tùm những hạt là hạt, ngắt bao giờ mới xong. Tôi đành nhổ mấy cụm mang về. Mang về rồi, nó ngồi ngắt từng hạt và ném ra xa. Miệng “cục… cục…” như gọi gà. Con hải âu nghiêng cánh đáp xuống mổ cái một, ngửa cổ nuốt. Nhớ lại nó nói: “cứ vớ lấy mà ăn ngứa cổ họng, móc họng ra chết giấc”. Là phật tử thuần thành, tôi lâm râm cầu Phật Bà Quan Âm cho con chim ngứa họng… chết giấc để tôi… thịt nó. Vậy mà nuốt xong nó không chết cho, nó còn lững thững đi kiếm thêm. Những hạt cỏ ma… ma mãnh của thằng nhỏ ném ra càng lúc càng gần thằng nhỏ hơn. 


      Thêm mươi giây nữa… Nó lò dò tới cũng gần hơn nữa. Một thước, rồi… nửa thước… 

      Còn một gang tay… con hải âu nhẩy lên đùi nó. Nó miệng vẫn rì rầm, không chụp bắt như tôi nghĩ. Nó nhẹ nhàng vuốt ve cổ con hải âu. Cái thằng quái gì đâu! Và xin lỗi:… “Đủ má” nữa, thế là có chuyện: lóang một cái… cổ con hải âu nằm gọn trong năm ngón tay thần sầu của nó. Bố khỉ, như lấy đồ trong túi vậy. Tôi phục lăn. Thở ra nhẹ nhõm, mà thở ra thì cái bụng thót lại vì… đói. Trong lúc “thông minh đột xuất”, tôi nhớ lại môn quang học lớp đệ tam. Nhưng ở cái đất chó ăn đá, gà ăn muối này đào đâu ra cái thấu kính hội tụ của Nimrud. Bèn tháo cái kính cận 5 độ của tôi, quơ cụm nhúm cỏ ma, nhét dưới mấy miếng ván thuyền vụn nó mang về. Tôi loay hoay cái kính qua tia nắng mặt trời với điểm sáng hội tụ. Nhưng vì trời âm u, cỏ và gỗ vụn chưa khô. Đợi mãi chẳng có tí lửa để thui con hải âu đang nằm dang cẳng… đợi. Quá đói, như người bán khai, tôi xé tọac làm hai, đưa cho nó, nó lắc đầu, tôi đành nhai sống hai cái đùi cái một.


       ***        

       Nó bảo nhặt thêm ít ván thuyền nữa, ắt đợi nắng lên, đốt lửa để sưởi lạnh. Thế nhưng không. Vì ấy là… chuyện hậu sự. Chuyện bây giờ nó kể lể mẹ nó có gánh bún mọc ở Chợ Quán. Lần sau lại kể nữa, kể đi kể lại riết rồi tôi thuộc lòng số nhà. Nhà nằm ở cuối đường Trần Bình Trọng sát Chợ Quán. Tối nay cũng vậy, nó kể mẹ nó đưa đi lễ nhà thờ gần ngã tư Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo nên nó tin có Chúa ở trên giời ban cho người dưới thế đời đời bình an. Rồi im bặt, thằng bé thiếp ngủ từ hồi nào. Bỗng nó kêu: “Khát… nước… nước”. Tôi lấy nắp nước kê vào miêng thằng bé. Nhưng nó lắc đầu, thều thào: “Anh… anh…” và đẩy tay tôi ra. Chợt nó cố gượng lên, rồi nằm vật trở lại và thở dốc. Lúc này tôi mới thấy mắt thằng bé như mất thần, môi chuyển màu hơi tai tái, mấp máy… Tôi ghé sát tai nghe tiếng được tiếng không: “Chắc em… em… hổng  qua… qua… nổi”. 

        Thằng bé ngưng lại như lấy sức, giọng khô đặc: “Em chết…chết... Anh lấy thịt… thịt… em mà…”. Tôi choáng người không nói được gì, biết nói gì hơn trong lúc này, không ngòai câm lặng và im ắng. Bỗng nó tay bấu chặt vào tay tôi, miệng lập bập: ”Anh thay… thay em… vẽ… chúa Giê su…”. Nó thở ra: “Má em… sẽ hiểu chúa Giê su sống lại… là em còn sống… sống”. Nó thở đứt quãng: “Anh ký… ký… tên dấu… thập… thập”. Trước khi thở hắt ra, thằng bé thì thào: “Tội… tội má… má em… quá… quá”. Nó nấc lên, ngọeo đầu sang một bên. Tay đang bấu chặt vào tay tôi, lỏng dần rồi buông thõng, mép trào ra ít máu hồng, mắt mở chừng chừng. Tôi vuốt mắt thằng bé, nó nhắm mắt lại bình thản đi vào giấc ngủ, chẳng bao giờ thức dậy nữa.


       Tối hôm ấy, tôi ngồi bó gối nghĩ mông lung… chuyện chôn nó. Đến sáng, tôi lấy miếng ván thuyền múc, xới, được hai, ba nhát là thở dốc vì cát, sỏi lẫn san hô cứng như đá. Thêm mươi nhát nữa, phần mộ thằng bé chẳng sâu thêm chút nào. Cảm giác ngứa ngứa bò lên mặt tôi, mấy đầu ngón chân bắt đầu tê dại, tôi không hay đó là triệu chứng gì. Như thằng bé chẳng hạn, tôi không biết có phải nó dẵm phải đinh trên thuyền trong cơn bão rồi bị phong đòn gánh hay không? Dậy vạn vật với sinh vật học tôi tròn vành rõ chữ, nhưng con người ta, tôi không hề hay biết. Với sinh vật học, tôi nghĩ dại đến… sinh thì của đạo Công giáo. “Sinh thì”… thì hình như là sắp về chầu Chúa thì phải, hay là tôi sắp… chết? Nghĩ lại chuyện tin dị đoan với lão Xích Thố, trong u mê ám chướng, chuyện chết chóc chẳng lẽ vận vào tôi sao đây! Tôi lậu bậu khấn cho tôi: “Vinh danh thiên Chúa trên giời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.    

       Vì vậy tôi thầm nghĩ chẳng còn hy vọng nữa, rồi cũng như nó, rồi cũng “sống vô gia cư chết vô địa táng” ở chỗ nó đang nằm đây. Đầu tôi nhẩy múa với lời trối trăn rời rạc của nó: “Anh cứ lấy thịt… thịt… em mà….”. Tôi vội xua đuổi cái âm vọng ấy ngay đi, tôi thầm khấn nếu Chúa ban cho tôi bình an để vào được đất liền. Tôi sẽ theo đạo. Tôi sẽ gửi giấy vẽ… chúa Giê-su cho má nó và ký tên… dấu thập.


       Tôi gắng gượng dứng dậy, bất thình lình người tôi co lại, mặt gục xuống. Mắt tôi dòm xuống cụm cỏ gà, cỏ ma của thằng bé nhét dưới mớ ván thuyền vụn hôm qua vẫn còn đấy. Giữa trưa, trời đất sáng sủa không một bóng mây. Tôi lom khom như người tiền sử cầm cái kính cận chũng như lòng chảo hướng lên ánh mặt trời, đưa cái tròng kính tới, lui, gần, xa. Ánh nắng xuyên qua mặt kính hội tụ. Lát sau, cỏ và ván thuyền khô sau một ngày nắng ráo bốc khói. Khói đùn nhiều hơn. Một đốm lửa đỏ xuất hiện, tản ra. Vết cháy lan rộng. Tôi quơ tay thêm mấy miếng ván nữa. Có ngọn gió lạc thổi tới. 

       Ngọn lửa bùng lên… Tôi trở về một thời hoang sơ là người tiền sử…


       ***

       Người viết đứng trước chậu Bonsai trồng cụm trúc gióng phình lên từng đốt có tên trúc đùi gà, trúc đùi ếch, trúc Phật Bà, trúc Quan Âm. Trúc đùi gà giống lớn làm cây gậy cho người già, giống nhỏ làm xe điếu cho các quan có tên trúc hóa long. Trúc đùi gà nhiều tên và hiếm như vậy thế mà có cây già mạnh khỏe thì có cây trúc con chết từ hồi nào. Người viết lấy cái xẻng nhỏ định xúc cây trúc con quẳng đi, nó chết vì đất trong chậu Bonsai lâu ngày bị hoai ấy thôi. Gã giữ tay lại nói đừng.      

      “Liều một đám”… làm một điếu, gã và người viết thở ra khói. Qua khói thuốc, nắng hanh vàng của một ngày lập xuân, hình như tâm thái gã vẫn còn quanh quẩn ở bên kia biển xa, bãi vắng của ốc đảo, có con ốc… “ẩn cư” mượn hồn từ vỏ con ốc khác. Vì vậy khi viết xong, là “ghost writer” nên người viết sẽ đặt tên tạp bút này là: Ốc mượn hồn.


                                                 Trúc Gia Trang

                                Đinh Hợi 2007

                                        Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                             (sửa chữa 2019, 2024)   


Chuyện nghe kể đã lâu nên rơi rớt theo thời gian, 

vì vậy có một vài chi tiết phải vay mượn từ tác giả 

Ngô Tự Lập, Thái Sinh, Nguyễn Công Khanh…







Không có nhận xét nào: