Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Tóc Mai - Phụ Lục

                Phụ Lục


            Tóc Mai                                    
Tặng vhp.Hạ Vũ                                                      

Tóc mai thuở ấy chưa dài                                                   
Tóc thề ngày đó chưa ai để thề.
Tuổi mộng cất giấu cơn mê
Trong trang sách cũ đi về bỏ quên.
Tiếng lòng trở giấc nửa đêm
Vô thanh oà vỡ ngoài thềm mưa rơi.
Tưởng đâu hiện hữu với đời
Lại như chiếc bóng đơn côi lạc loài.
Người đi quên kẻ thiệt thòi
Ngây ngô khờ dại miệt mài dệt thơ.
Rượu say ru kiếp mơ hồ
Tình say phá vỡ cơ đồ mộng du.
Cho ta kiếp sống ngục tù
Cân đo đong đếm cộng trừ nhân chia.
Ngày dài chờ đợi đêm khuya
Canh thâu chờ sáng chia lìa kiếp mai.

                                   nvs.Vũ Thụy
                                  (31-10-2013)

                              ***********************

Cảm Nghĩ
Sau Khi Đọc Tóc Mai

    Ở tuổi đời chồng chất, từng đi qua bao thăng trầm của cuộc đời, thời gian cứ đẩy mình đi tới, tôi có bao giờ nhìn lại đằng sau...  Vậy mà khi đọc Tóc Mai của bạn tự nhiên tôi như sống lại những kỷ niêm êm đềm có thầy xưa bạn cũ đồng môn ở một nơi mang tên là Viện Hán Học của đất Thần Kinh.  Bắt chước Đinh Hùng, tôi tự nhủ:  "Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước."  Vâng, câu chuyện Tóc Mai đã gợi lại khung trời cũ, có mái trường xưa tôi đã học và... có cô Hồng nhân vật chính ở trong truyện.
    Bây giờ theo dấu chân cô Hồng tôi vào lớp.  Tôi được học gì ở trường?  Có thể nói, ngoài những môn học khác, tôi học một chương trình hình như... nửa Đạo (đạo lý Thánh Hiền) và nửa Đời qua thi văn.  Tôi nhớ ngoài những bài học trích trong Tứ Thư Ngũ Kinh rất khô khan, tôi còn được nghe các vị thầy dạy cho những bài học đầy tính chất lãng mạn, trữ tình trong thi ca văn học.  Tôi mê nhất giờ thầy Nguyễn Văn Dương, thầy Phan Văn Dật, và những  lời bình giảng rất thú vị của quý thầy.  Tôi nhớ mãi những câu thơ trong Kinh Thi mà thầy Dương đọc:
"Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
Cầu chi bất đắc,
Ngụ mị tư bặc.
Du tai du tai,
Triển chuyển phản trắc."
            *
Dịch thơ của thầy Nguyễn Văn Dương
Quan quan thư cưu,
Trên bãi sông Hà
Gái hiền yểu điệu.
Quân tử ước mong,
Ước mong chẳng đặng.
Mê mẫn nhớ người,
Lòng sầu ảm đạm
Thao thức không nguôi."
   
Và bài thơ Tương Tư Chiều của Xuân Diệu:
"Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm,
Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em..."

Với thầy Phan Văn Dật, tôi nhớ hoài mấy câu thơ trích từ Nhặt Lá Vàng Rơi: 
"Sớm vin cành liễu so màu tóc,
Chiều ngắt hoa lê đọ nụ cười.
Người đẹp bên sông sầu chẳng biết,
Bên sông ngày lượm lá vàng rơi."
          (Quên tên tác giả)

Những giờ học này như làn gió mơ mộng thổi qua bao trái tim non trẻ... 
    Trước khi đến Huế học, nhân vật Hồng được mẹ dặn dò rất kỹ sợ nàng trẻ người non dạ mà hư thân.  Rồi khi được học một chương trình như thế Hồng ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng.  Nhờ vậy Hồng vừa thấm nhuần tinh thần Khổng Manh vừà sống rất đời thường chứ không phải "khổ hạnh" như nhà tu.  Lúc yêu ai cô Hồng cũng yêu hết mình, sống thực với lòng mình, nhưng biết tự chủ chứ không buông thả.  Cô Hồng đã biết "tri chỉ" dừng lại ở chỗ phải dừng như một câu trong sách Đại Học đã dạy ("Tri chỉ nhi hậu hữu định").   
    Tác giả đặt tựa truyện Tóc Mai là đã cho người đọc biết trước kết cuộc, nhưng với cách diễn đạt hấp dẫn, tình tiết éo le, truyện vẫn lôi cuốn người đọc cho đến cuối.  Tác giả đã cho ta một câu chuyên tình xoay quanh hai nhân vật chính là cô Hồng và chàng Quang sĩ quan VNCH rất cảm động.  Vì sợ thời chiến tranh người ra đi không có ngày về nên anh chàng Quang tránh né hôn nhân với cô Hồng để rồi sau lúc "đổi đời"1975 chàng bị vào "trại tù cải tạo," cô Hồng tìm kiếm địa chỉ trại tù và gởi quà cho anh, dù nàng nghèo túng.  Bát cơm "Phiếu Mẫu" này đã khiến cho anh Quang suốt đời hát mãi bài nhạc Anh Còn Nợ Em của Anh Bằng làm người đọc vừa thương cảm vừa trân trọng mối tình này. 
    Bên cạnh mối tình của Quang và Hồng, còn mối tình của Lưu với Phương, Ân với Kim, và những mối tình một chiều của Vũ Thiếu Sinh Quân,  Lữ sư huynh, Văn đồng môn, Điền học trò v. v...  Những nhân vật này hiện ra rất dễ thương, có tư cách đáng khâm phuc.  Tôi còn nhớ thời gian này những tiểu thuyết trữ tình lãng mạn như Vòng Tay Học Trò  của Nguyễn Thị Hoàng, Yêu của Chu Tử... rất được giới trẻ hâm mộ nhưng tác giả đã xây dựng những nhân vật trong truyện biết dừng lại đúng lúc, không phá vỡ hàng rào luân lý của dân tộc.
    Tác giả đã dựng lại một giai đoạn đau thương của dân tộc mà tuổi trẻ Việt Nam bị cuốn hút vào.  Biết bao người đã nằm xuống cho Chính Nghĩa Tự Do của Quốc Gia Dân Tộc vẫn không làm sờn lòng thanh niên Việt Nam.  Điều này đã làm nổi bật tinh thần Yêu Nước, Yêu Tự Do, Anh Dũng, Kiên Cường chiến đấu, và sẵn sàng Hi Sinh cho Tổ Quốc của người trai Nước Việt.  Tôi thật cảm phục trước cái chết vinh quang của những quân nhân trong Quân Lực VNCH như Hưng, Đông, Sang, Vũ... và vô cùng xúc động trước thảm cảnh tù đày, gia đình khốn khổ, tan nát của chiến sĩ "Bên Thua Cuộc."   
      Nhìn chung chuyện có nhiều mối tình.  Mỗi mối tình mang một sắc thái khác nhau nhưng tất cả đều là cuộc tình không trọn trong thời chiến, phù hợp với tựa đề Tóc Mai và làm người đọc nhớ đến mấy câu thơ của Hồ Dzếnh:
"Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở,
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa."
    Cám ơn bạn rất nhiều đã cho tôi cảm giác lâng lâng mơ màng về một khoảng không gian, thời gian tưởng chừng đã mất hút.
                                                                                                                                                            Ngọc Khuê                       
                   (Cựu SV Viện Hán Học Huế khóa II (1960 - 1965)           

*********************

Cám Ơn Tác Giả 

"Tóc mai sợi  ngắn sợi dài,
Lấy nhau không đặng, thương hoài ngàn năm."
(ca dao)


    Đọc Tóc Mai tôi vô cùng xúc động vì nó nhắc nhở tôi một thời tuổi trẻ mộng mơ với những con người có thật, với những chuyện tình buồn có thật...  Tôi thấy tâm trạng, tình cảm, nỗi khắc khoải, đau khổ của nhân vật Hồng như là của chính tôi.  Những cái chết đau thương của bao "cánh bướm" bên cạnh nhân vật chính nhắc nhở ta một Thời Chiến Tranh Cốt Nhục Tương Tàn đầy nước mắt khổ đau trên quê hương Miền Nam yêu dấu.... Đoạn nhạc cuối cùng Anh Còn Nợ Em của Anh Bằng kết thúc Tóc Mai một cách tuyệt diệu vì còn gì nữa đâu khi các nhân vật của chúng ta đều gần đất xa trời... Những gì Anh Nợ Em chính là những diễn biến, những cốt lõi của truyện tình trong tác phẩm của Vhp.Hạ Vũ.
    Cám ơn tác giả đã cho tôi sống lại những ngày thơ mộng đầy kỷ niệm ở Thành Nội và Bến Ngự của Cố Đô Huế năm nào, nhắc nhở tôi những người bạn đáng yêu thời Hán Học Huế (1961 -1963).

                                      Triệu                             
                   (Cựu SV Viện Hán Học Huế khóa III)

*****************

Cảm Tưởng
Khi Đọc Tóc Mai
                
    Tóc Mai là thiên truyện tình "trăm lần vui vạn lần buồn" được vhp.Hạ Vũ viết theo thể loại bút ký phần lớn tôn trọng sự thật.  Tôi hân hạnh đọc khá nhiều về thơ và truyện ngắn Viết Về Nước Mỹ rất đặc sắc của Hạ Vũ.  Hôm nay thêm một lần nữa được đọc tập bản thảo Tóc Mai, thấy tác giả khéo minh họa các nhân vật trong truyện bằng những nét chấm phá, những cảnh xuất hiện khá đột ngột nhưng lại rất hợp tình hợp lý.

    Cốt truyện có nhiều hồi được xâu thành một chuổi chuyển mạch tài tình.  Lời đối thoại vừa thông minh vừa dí dỏm thật tuyệt vời và dễ thương. Với sự sàng lọc, tác giả đã miêu tả bằng những nét đậm nhạt, có cân nhắc, quý trọng những con người mang "bản sắc Liễu Hạ Huệ" rất chí tình nhưng vẫn thủ lễ, giữ tư cách.

     Để kết luận xin mượn bốn câu thơ của Tô Đông Pha mong giải được những ẩn ức trong lòng người: 

"Lôi sơn yên vụ Triết Giang triều,
Vị đáo thiên ban hận bất tiêu.
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự,
Lôi sơn yên vụ Triết Giang triều."

(Mây khói trên núi Lôi tuyệt đẹp, sóng triều trên sông Triết Giang hùng vĩ.
Người đời đều ước ao được một lần đến nơi chiêm ngưỡng.
Nhưng khi đến được rồi thì cũng chỉ là mây khói trên Lôi Sơn và sóng triều trên Triết Giang mà thôi.)    

        
                                      Nhà Thơ Mai Uyển 

                                  *********************
Cảm Tưởng Của
Một Cựu Thiếu Sinh Quân



          Tôi rất vinh hạnh được tác giả vhp.Hạ Vũ gửi cho tác phẩm TÓC MAI trước khi xuất bản.  Đọc truyện dài Tóc Mai tôi có cảm tưởng như đang được tác giả chính miệng kể chuyện cho riêng mình tôi nghe.  Nó gần gũi lắm.  Tôi nói gần gũi vì bóng dáng của một đồng môn Thiếu Sinh Quân tên Vũ.  Nhân vật Vũ lúc ẩn lúc hiện có khi chỉ trong vài dòng, có khi vài trang, cuối cùng rồi máu Vũ đã tô thắm màu cờ sắc áo của binh chủng Thiếu Sinh Quân. 

      Tất cả các nhân vật trong Tóc Mai đều có một cuộc tình éo le trong thời chiến loạn và cũng kết thúc éo le như cuôc chiến.  Truyện dài Tóc Mai đã được tác giả bố cục một cách khéo léo, móc nối nhau thật hay.  Càng đọc Tóc Mai tôi càng thấy bị lôi cuốn.  Xin mời các bạn cùng vhp.Hạ Vũ vào truyện.

                                  Nhà thơ nvs.Vũ Thụy 

                               (Cựu Thiếu Sinh Quân 1046)

                         *********************************               
                                   Chúc Mừng Tác Giả

Truyện viết lôi cuốn sự tò mò của người đọc. Nhân vật chính của truyện là Hồng, một cô gái xa gia đình - có thể nói - dặm trường, xuất thân từ một gia đình nền nếp bước vào đời rối rắm lắm tình yêu.                                                                        
Đối diện với tình yêu, Hồng không cao ngạo.  Nàng chia xẻ tình yêu với tất cả mọi người quan tâm. Tuy nhiên, Hồng không phải là người "dễ tính, ba phải" để rồi về sau có thể bị đánh giá là "lừa gạt," không thật lòng.  Cách xử sự của Hồng rất khôn ngoan.  Nàng dùng lý trí, tình cảm và "kiến thức" về tình yêu tiếp thu được từ những bậc làm mẹ, làm dì, những bậc làm cô, làm chị mà đáp lại mỗi người tỏ tình (dù chỉ là tỏ tình thầm kín) bằng tình cảm, thái độ, cử chỉ khác nhau, người thì được đáp lại ít (sợi ngắn), người thì được đáp lại nhiều (sợi dài). Nhờ thế, không ai  phải thất vọng ê chề, không ai phải cảm thấy mình bị "hạ thấp giá trị," không ai phải mang mặc cảm rồi tránh mặt nàng ở giai đoạn sau của cuộc đời.  Cái khéo xử sự của Hồng là chỗ ấy.                                                                    

Truyện còn viết về tình nghĩa giữa người và người.  Cái quan niệm "ăn xổi ở thì," "tắm buổi nào buột mặt buổi ấy" hoàn toàn xa lạ với Hồng.  Bằng chứng là nàng gặp Quang trong lúc Quang đang "huy hoàng" thì nàng không thể quên Quang trong lúc Quang khốn khổ.  Nàng lo lắng, thông cảm cho Xuân, vì Xuân và nàng có cái nghĩa vợ chồng với hai mặt con.  Nàng nhận và nuôi dạy Đông - con riêng của Xuân - với tình từ mẫu và nàng cũng được Đông đáp trả với tình cảm trìu mến như mẹ  đẻ.                                                                                                            Truyện viết, đối với người ra đời sau, sẽ còn có giá trị về mặt thời sự, về mặt xã hội.  Độc giả không những theo dõi những chuyện tình éo le mà còn nắm bắt được thời cuộc, tình hình đất nước, tình hình xã hội, thân phận "đáng thương" của một  thế hệ thanh niên dù nam hay nữ trong một giai đoạn lịch sử.         
      Truyện kể vừa cay đắng, vừa ngọt ngào, vừa xót xa, vừa thân ái. Xét trong từng trường hợp, các nhân vật đã sống đúng theo cách tốt nhất có thể chọn được.  Trong yêu đương, không ai đi quá đà, như thường thấy trong những truyện tình thời nay.  Điều đó có thể suy đoán như sau: Về mặt khách quan, cô Hồng may mắn chỉ gặp những trải nghiệm "chừng mực," về mặt chủ quan,  nhân vật chính này thấm nhuần luân thường đạo lý tiếp thu từ gia đình và trường học - Viện Hán Học Huế.  Vì vậy, truyện mặc nhiên mang tham vọng "văn dĩ tải đạo." 
     Chúc mừng tác giả đã có một truyện đầu tay hay ... 
                                             
                                         Hoàng Đằng 
                        (Cựu sinh viên Viện Hán Học Huế khóa II)   

                                *************************

                       Cảm Tưởng Khi Đọc Tóc Mai 
                                  Nhạc sĩ Huỳnh Trọng Tâm 

TÓC MAI đã đưa tôi về khung trời quá khứ, với tâm tư  muôn lối ngỡ ngàng, với tình cảm bàng hoàng quay quắt không nguôi của một thời tao loạn, với  tiếng máy bay trực thăng, tiếng pháo kích, với hình ảnh  nhà xác, poncho  còn rõ nét  tưởng chừng như mới hôm qua.
Là một người lính quân y, tôi ra đơn vị vào những tháng ngày dầu sôi lửa bỏng: Mùa Hè Đỏ Lữa.
Đã từng với đồng đội khiêng poncho gói xác  các anh hùng hy sinh vì tổ quốc chuyển xuống từ phi cơ. Đã từng nghe tiếng khóc nức nở, nhìn những giọt nước mắt tuôn rơi trên quan tài phủ kín mầu cờ.  Đã đêm từng đêm ôm súng dưới giao thông hào, ngước mặt nhìn trời để rồi :
Bâng khuâng lòng rỗng tay sờ tóc
Đạn nổ lưng trời, vai ướt trăng
Tôi cũng có cùng chung ý nghĩ như anh Quang, anh Đông, anh Hưng:
Chúng mình đi mang theo trời dĩ vãng
Cả quê hương sầu hận chất trên đầu
Xa hết bà con, chỉ còn bè bạn
Từng thương đau nên biết mến thương nhau
Từ buổi quê hương chiến trường réo gọi
Chúng mình đi là hiến cả tuổi xuân
Khi bếp ấm máu hồng rơi tắt lửa
Vạn hồn oan nhớ Tết khóc vang rừng

       Trích từ nhạc phẩm : GỌI XUÂN VỀ
    của Huỳnh Trọng Tâm

Và cũng như sư huynh Lữ, yêu mà không dám nói, chỉ lặng lẽ nhìn theo tà áo em bay dưới nắng sân trường:
Vạt áo em dài bên cửa lớp
Mắt nai chưa nhuốm bụi xanh hồng
Guốc khua chợt vấp làm tim mẻ
Dù nắng sân trường trong rất trong

      Trích từ nhạc phẩm: NẮNG HẠ TRƯỜNG XƯA
                     của Huỳnh Trọng Tâm

Là một trong những cô gái thời chinh chiến, Hồng đã ôm trọn mối tình thầm kín lớn dần trong tim, ngày tháng nhìn quê hương nhỏ lệ, thay nụ cười bằng ánh mắt sầu thương; để rồi :
                                                            
Người ta yêu không về như ước hẹn
Trái sầu đau trùm kín cả hồn hoang
Người ta yêu chôn đời trong lửa đạn
Một chiều Thu tan tác giấc mơ vàng.

         Trích từ nhạc phẩm HOANG LỘ MÙA THU
               của Huỳnh Trọng Tâm

TÓC MAI không quá 200 trang nhưng đã diễn tả trọn vẹn nỗi niềm của tuổi trẻ Miền Nam thời chinh chiến.  Như một cuốn phim với những  tâm tư tình cảm của người Việt tha hương.
Cùng  với hơn 2 triệu người dân Việt đang lạc loài khắp nơi trên thế giới, TÓC MAI đã có chung một niềm đau, cái đau của người mất nước, cùng chung một nỗi buồn, cái buồn của kẻ tha hương. 38 năm qua, cái hận quốc phá gia vong vẫn còn chồng chất trong ta với niềm đau ngập hồn. Đọc TÓC MAI làm sao khỏi thấy lòng mình quặn đau mỗi khi nghĩ đến quê hương điêu tàn, một quê hương còn bỏ lại.

                                         Huỳnh Trọng Tâm







Vài Ý Kiến Sau Khi Đọc Truyện Tóc Mai -                              vhp.Hạ Vũ
                         GS Nguyễn Lý- Tưởng

Võ Hồng Phi, bút hiệu vhp.Hạ Vũ,  là cựu sinh viên Viện Hán Học Huế khóa II, 1960-1965, đối với anh em chúng tôi, những người cựu sinh viên Viện Hán Học Huế là người bạn, người em đã từng gặp gỡ, quen biết nhau từ những năm 1960, đến nay cũng đã hơn nửa thế kỷ. Lâu lâu, có dịp thuận tiện, anh chị em chúng tôi họp mặt để nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa học cùng trường. Tôi biết Võ Hồng Phi  được đào tạo trong một khóa trình 5 năm tại Viện Hán Học Huế, sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng làm cô giáo dạy môn Việt Văn tại trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Đốc. Cô là người có kiến thức, nhiều tài năng, thỉnh thoảng cũng có làm thơ viết văn... nhưng chưa nghe nói "có tác phẩm" xuất bản trước và sau 1975 tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại. Mới đây, cô cho biết "cô sẽ gởi tặng tôi tác phẩm mới của cô (thơ và văn)".
Chúa nhật 4 tháng 5/2014 vừa rồi, nhân dịp họp mặt của anh chị em cựu sinh viên Viện Hán học Huế tại Nam Cali, tôi nhận được một lúc hai tác phẩm thơ và văn của cô tặng.

Ngay sau khi về đến nhà, tôi để ra hai ngày đọc hết cả hai tác phẩm nầy. Đây là tác phẩm đầu tay của cô. Cô viết văn khi bước vào tuổi cuối Thu khác với trường hợp của tôi, đã có thơ và truyện đăng báo khi vào tuổi đương Xuân,  mới 17 tuổi, đang học lớp  Đệ Tam (bây giờ là lớp 10). Tôi không được hân hạnh đọc bản thảo để có vài cảm tưởng được đăng vào sách của cô như các bạn khác.  Nhưng riêng đối với anh chị em trong gia đình (cựu sinh viên Viện Hán Học), tôi cũng có bổn phận viết cho cô vài lời về tác phẩm đầu tay của cô.




Tôi nhớ lại  trường hợp của tôi vào năm 1957, cách nay 57 năm.  Lúc đó, tôi mới 17 tuổi, đang học lớp 10  ban Trung học. Lần đầu tiên, truyện ngắn có  tựa đề "Ông Lão Thức Thời" được đăng trên Nguyệt San "Mầm Sống" tại  Huế. Truyện ngắn đó có kèm theo một bài thơ (nghĩa là vừa văn, vừa thơ cùng một lúc được đăng lên báo). Tôi đã ký một bút hiệu rất bí hiểm, ít ai biết đó là bút hiệu của tôi. Nguyệt San "Mầm Sống số 6 phát hành vào tháng 6/1957" đã gây nên sóng gió trong cuộc đời tôi. Báo mới phát hành đã bán hết  sạch... Người ta tìm đọc số báo đó... Tòa Soạn đã phải cho in thêm và phát hành lần thứ hai, vẫn bán hết  sạch. Chủ nhiệm là LM Nguyễn Văn Lập (sau  nầy là Viện Trưởng Đại Học Đà Lạt) và chủ bút là Hùng Anh (bút hiệu của LM Nguyễn Văn  Phước, giáo sư Tiểu Chủng Viện Huế) đều ngạc nhiên.  Nhưng sau đó, hai vị đã hiểu ra sự  thật.
Chính vì cái truyện ngắn đó, mặc dù là hư cấu (tưởng tượng ra mà viết) nhưng người đọc đều biết đó là chuyện thật. Tên những  nhân vật trong truyện là tên do tác giả đặt ra, nhưng mọi người đều biết tác giả muốn nói đến nhân vật nào trong xã hội thời đó.  Điều không ai ngờ tác giả là một cậu học sinh mới 17 tuổi!  Tâm lý của một học sinh, lần đầu tiên cầm bút viết văn, có bài được đăng lên báo làm cho tôi cảm kích biết bao!  Vậy hôm nay, bạn tôi là cô giáo Võ Hồng Phi cho ra đời tác phẩm đầu tay, vào tuổi cuối đời thì tâm trạng của cô có giống tâm trạng của tôi 57 năm trước đây hay không? (thú thật hồi đó tôi vô cùng cảm kích).
Sau khi cô từ giã cõi đời, dù có để lại cho con cháu tài sản, nhà cửa, nữ trang quý giá hay vài chục ngàn, vài trăm ngàn đô la... thì cũng không có ý nghĩa cho bằng để lại cho con cháu một cuốn sách!  Người xưa thường nói: lập chí, lập ngôn, lập hội... đạt được ba chuyện đó thì tên tuổi sẽ tồn tại mãi với đời. Lập chí là đưa ra được những tư tưởng, chủ trương đường lối về chính trị hay những tư tưởng về triết học, văn chương. Lập ngôn là viết những tư tưởng đó ra thành sách vở, sắp xếp cho có hệ thống. Lập Hội là kết hợp lại những người cùng tư tưởng với mình hay ủng hộ tư tưởng của mình thành một nhóm, một tổ chức để phổ biến hay thực hiện tư tưởng đó. Người xưa cũng nói "dĩ văn hội hữu" (dùng văn chương để kết bạn). Thơ văn của mình, tác phẩm của mình được phổ biến ra cho bạn bè, cho độc giả như vậy là mình đã góp mặt vào làng văn, thì sẽ có nhiều bạn văn chương (hay bạn độc giả) đó cũng là "dĩ văn hội hữu." 

Người viết văn, làm thơ là nhân chứng của xã hội mình đang sống. Từ những hình ảnh đã thấy, đã gặp, đã biết hoặc đã nghe kể lại... họ đã dựng nên những câu chuyện gọi là tiểu thuyết.  Dù là hư cấu đi nữa, thì chúng ta vẫn cảm thấy có cái gì đó rất thật, rất bình thường, không phải điều quá đáng. Trái lại, trong  hồi ký, tác giả là nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp. Những điều thuật lại  có một giá trị lịch sử mà tác giả đem tên tuổi của mình ra làm chứng, chịu trách nhiệm trước dư luận về những điều mình viết ra.  Người đọc sẽ đánh giá tư cách và đạo đức của người viết. Nhân vật chính trong truyện Tóc Mai tên là Hồng, sinh quán ở Miền Nam, bỏ trường Gia Long thi vào Viện Hán Học Huế, làm một cuộc phiêu lưu đi tìm tương lai cùng với bạn bè, đúng là Võ Hồng Phi đây rồi. Tập truyện nầy cũng có ý nghĩa như là một tập hồi ký, viết lại quá khứ của Hồng và gia đình...
Cuối thế kỷ 18, khi nhà Lê bị diệt vong thì Nguyễn Du đã cho ra đời tác phẩm bất  hủ là "Đoạn Trường Tân Thanh" mà  người đời sau gọi là "Truyện Kiều" (hay Kim Vân Kiều Truyện) và tên tuổi Nguyễn Du đã đi vào văn học Việt Nam như là một Thi  Hào.  Sau 1975, toàn dân Việt Nam, nhất là những người sống ở Miền Nam (thuộc chế độ VNCH) đã trở thành những nhà thơ, nhà văn. Những người lính trước đây chỉ biết cầm súng chiến đấu, những công chức, cán bộ trước đây chỉ biết công việc hành chánh hay công tác dân sự. Sau 1975, trong nhà tù cộng sản, họ cũng đã trở thành nhà thơ, nhà văn. Ngay cả những người vợ, người mẹ, người con, người em ở nhà cũng đã trở thành nhà thơ, nhà văn, trở thành những nhân chứng của thời đại mình đang sống. Cô giáo Võ Hồng Phi, đã từng dạy môn Việt Văn bậc trung học, là vợ của người tù "cải tạo" cũng không có trường  hợp ngoại lệ như những người vợ sĩ quan khác.  Chắc chắn rằng ngay từ thời điểm đó Võ Hồng Phi đã cầm bút làm thơ, viết văn rồi. Và còn chắc chắn hơn nữa, ngay từ khi là sinh viên Viện Hán Học Huế, sống giữa đất Thần Kinh thơ mộng, lại còn gần gũi với văn chương chữ nghĩa, gần với các bậc giáo sư cũng là nhà thơ, nhà văn... thì sinh viên Võ Hồng Phi cũng đã trở thành thi sĩ từ khuya rồi (mặc dù cô không nhận mình là thi sĩ).
Đọc trong tác phẩm của cô, qua nhân vật Hồng trong truyện thì cô đã là nhân chứng trực tiếp về ngày 30/4/1975, hay hình ảnh "vô thường" trong cuộc chiến tranh "sống đó rồi chết đó" của mấy người bạn sĩ quan Không Quân tại Đà Nẵng, hoàn cảnh gia đình của Hồng sau ngày 30/4/1975, sau khi người chồng đi tù "cải  tạo" tại rừng núi miền Bắc, cảnh mấy  mẹ con kiếm sống qua ngày tại Sài Gòn, hoàn cảnh của mấy anh em, chị em, bạn bè cùng cảnh ngộ, cảnh đi thăm nuôi chồng trong tù... Qua những đoạn phim đó, Võ Hồng Phi là nhân chứng trực tiếp... Những gì được ghi lại trong sách này cũng có những điều tác giả nghe kể lại, nghe nói lại vì lúc đó tác giả không có mặt chẳng hạn như cuộc sống của anh em trong nhà tù, chuyện người tù trốn trại bị đem ra xử tử... Những ai đã từng sống trong hoàn cảnh đó khi đọc văn của Võ Hồng Phi đều có cảm tưởng cô là người trong cuộc... nhưng chúng ta cũng có thể gọi cô là nhân chứng gián tiếp (được nghe người khác kể lại). Dù là trực tiếp hay gián tiếp, điều quan trọng là tác giả đã có khả năng và can đảm cầm bút ghi lại những điều mắt thấy tai nghe hay nghe người khác kể lại... Làm được công việc đó, đương nhiên cô đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà báo và khi tác phẩm của cô được xuất bản thì độc giả phải gọi cô  là nhà văn, nhà thơ, nhà báo.  Không có gì để cho cô phải từ chối điều đó.
Vấn đề là những điều cô ghi lại, viết lại đó có được mấy mươi phần trăm là sự  thật?  Tôi là một người theo ngành sử học, được đào tạo chính quy theo một chương trình của Đại học Văn Khoa và Sư Phạm và có tác phẩm nghiên cứu, có nghị định bổ nhiệm làm giáo sư, được tín nhiệm là Tổng Thư Ký Hội Sử Học Việt Nam, được tham dự một số hội nghị về sử học, được mời thuyết trình một số đề tài về sử học, có công trình nghiên cứu từ cổ sử đến hiện đại... Tất nhiên tôi có biết qua các phương pháp để thẩm định một tác phẩm có liên quan đến lịch sử. Tôi đã bỏ thì giờ đọc trọn tác phẩm của Võ Hồng Phi.  Đây là một sự ghi chép lại khá trung thực các biến cố lịch sử dưới con mắt nhân chứng của cô. Cũng có những điều cô ghi lại, tôi không có khả năng để kiểm chứng, Những nhân vật trong truyện, dù không nói rõ tên thật, thì nhiều người cũng đã đoán biết được cô muốn nói đến người nào rồi? Tâm lý con người: cái gì mình biết, mình nghe nói mà để trong bụng thật là khó.  Nhiều người rất muốn nói ra cho người khác nghe, nói cho người khác biết.  Đã dám viết ra thì tất nhiên sẽ có nhiều người đọc. Trong số người đọc sẽ có người thương, kẻ ghét, sẽ có người trở thành kẻ thù của mình.  Sứ mạng  của người cầm bút là dám nói lên sự thật. Tôi biết mục đích của cô là chỉ muốn nói về mình, về gia đình mình... nhưng rồi cô vẫn  không tránh khỏi điều liên quan đến kẻ khác.

Cái khó của người cầm bút viết văn, trước hết là sắp xếp câu chuyện (giống như phân cảnh một truyện phim) làm sao cho câu chuyện có mạch lạc, hợp tình, hợp lý, và chuyển tải được tư tưởng của tác giả vào câu chuyện đó.  Cái khó thứ hai là viết về đối thoại giữa các nhân vật.  Người đọc sẽ đánh giá "tài viết văn" của một tác giả qua hai lãnh vực nầy.  Phân biệt tài cao thấp là ở chỗ đó. Võ Hồng Phi đã thành công (tương đối thôi) ở cả hai lãnh vực nầy. Viết một bài nghiên cứu, một bài bình luận chính trị, phân tích thời sự khác với viết một truyện ngắn hay truyện dài. Người có học, có bằng cấp, có kiến thức rộng thì có thể viết được một cuốn sách, trình bày một vấn đề... nhưng không ai xem những tác phẩm đó là tác phẩm văn nghệ (văn chương, nghệ thuật) như một cuốn truyện, một tập thơ, một bài hát... Đối với người Việt Nam thường coi trọng người có bằng cấp, người có địa vị trong xã hội hay người giàu có, làm chủ một cơ nghiệp lớn. Nhưng đối với các dân tộc khác trên thế giới, đặc biệt là Tây Phương thì họ xem trọng người có tài, qua các tác phẩm văn chương, nghệ thuật để lại cho đời.  Chúng ta không hiểu được tại sao có người bỏ ra hàng chục triệu dollars để mua một bức tranh (chỉ vì gi
á trị nghệ thuật của tác phẩm đó).

Tôi cầu chúc bạn Võ Hồng Phi:  đã viết được một cuốn  sách... trong tương lai sẽ viết được nhiều cuốn sách khác. Hãy can đảm nhận lãnh trách nhiệm làm nhà văn nói lên sự thật.

                       
Nguyễn Lý-Tưởng
                      (Ngày 6 tháng 5/2014

               ********************************


NHẬN ĐỊNH VỀ TÓC MAI

          …Với chất tự truyện ứa đầy trên từng trang viết, lại được tẩm ướp đậm đà hương vị thời sự của giai đoạn “đất trời đảo lộn” (chữ dùng của nữ sĩ L.L.) Tóc Mai  của Võ Hồng Phi đọng lại ở lòng người đọc biết bao phảng phất vấn vương…
          Tóc Mai đã dẫn dắt người đọc ngây ngất lần về một miền sinh thái cảnh trí êm đềm thơ mộng rất đỗi thân thương.
          Tóc Mai cũng đánh thức vùng trời dĩ vãng mà không ít tâm hồn trong sáng ngỡ mình đã đánh mất một cách phí hoài hay bị tước đoạt thô bạo oan uổng.
          Tóc Mai đáng được coi là liều thuốc tăng lực thần kỳ cho Tình yêu, cho Nhân tâm cùng Thế đạo, khi mà loài người ở đâu đó đã để cho thú tính lác đác lên ngôi.


                            Thái Trọng Lai


************************************************************
                        (Sợi bay trước gió sợi lay vào lòng)      

          Tóc Mai
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Sợi bay trước gió, sợi lay trong lòng!

Khi tuổi lớn buồng tim luôn rạo rực
Sợi tóc mai trước gió thổi nghênh ngang
Bước vào đời trời biển rộng thênh thang
Những sợi tóc mơ màng nuôi ước mộng

Tim tha thiết với lần đầu rung động
Tình thấm dần những hờn giận ghét yêu
Thời gian ơi sao không nói thêm nhiều
Để nhung nhớ vỡ tràn màn im lặng

Giữa chinh chiến nỗi u buồn trĩu nặng
Gói poncho ám ảnh những người trai
Yêu thật lòng nên sợ hãi tương lai
Đời cô phụ buồn vương dài số phận

Anh đã thệ yêu em không hối hận
Nhưng sai lầm không hiểu được em hơn
Để thu buồn lầm lũi bước cô đơn
Đã cấu xé hồn anh tan trăm mảnh

Tàn cuộc chiến đời trút thêm bất hạnh
Kiếp tội tù oằn oại giữa rừng sâu
Đêm nguyện cầu trước cuộc sống lao đao
Em vẫn vững tay chèo trong bão táp

Rồi cũng có một ngày trong nắng đẹp
Anh trở về tìm lại bóng người xưa
Bàn tay run lo sợ chuyện vu vơ
Và chạy trốn để thêm lần lỡ dở

Trong quy luật của tận cùng cái khổ
Hạnh phúc về cứu vớt kiếp đau thương
Bước ra đi bỏ lại chuỗi đoạn trường
Mà năm tháng có tình em ở đó

Khi cuộc sống bỗng đổi thay sáng tỏ
Sợi tóc mai lay động giữa buồng tim
Tiếng hát ngân vang… Anh còn nợ em…!
Anh còn nợ em...! Bao giờ trả hết…! … !

    Nguyễn Đắc Thắng 20141015

******************************

Cảm nghĩ muộn sau khi đọc Tóc Mai

 Chị Võ Hồng Phi viết Tóc Mai (Truyện dài) từ “Ca-li, Mùa Thu 2013” mà đến hôm nay đầu năm 2016, tôi mới đọc được. Thật sự tôi nghe Tóc Mai đã hai năm nay, nhưng tôi cứ nghĩ đó chỉ là một truyện ngắn như những truyện tôi đã đọc được của Chị. Không ngờ đây là một truyện dài- mà Truyện dài thì chẳng phải ai ai cũng viết được?! Tôi cũng có viết truyện nhưng chỉ viết được truyện ngắn. Đấy là điều trước tiên tôi phục Chị!
          Về nội dung, những ai thích “văn chương chữ nghĩa” đều nhận ra Tóc Mai là một tác phẩm “rất văn chương”: Chị lồng vào truyện những ca dao, vần thơ, tiếng lóng, câu hát… rất “đắc địa”, làm cho lời văn thêm ý vị… Và điều này càng thấy rõ được kiến thức sâu rộng của tác giả!…
          Tôi học cùng khoá với Chị Võ Hồng Phi ở Viện Hán Học Huế nên có cùng cảm nghĩ như mấy bạn khác sau khi đọc Tóc Mai. Chị đã cho tôi “như thấy lại cả một thời dĩ vãng quá sức xinh đẹp, tưởng chừng như là sống trong mộng vậy…” (Thư của Thầy Phan Văn Dật viết cho anh T.V.D ngày 17-6-1984).
          Tóc Mai Chị Võ Hồng Phi đề là Truyện dài nhưng tôi thấy đây thực sự là một Tự truyện tuy có hư cấu. Những nhân vật trong truyện học ở Viện Hán Học- Tôi chỉ biết những gì liên quan tới Viện Hán Học thôi- tuy Chị đã đổi tên khác, nhưng tôi đều biết Chị muốn chỉ những ai! Cũng chính vì vậy mà Tóc Mai càng lôi cuốn, hấp dẫn tôi. Ngày đó trong lớp, tôi rất thân với Trần. Anh thường tâm sự với tôi mọi chuyện, nhất là về tình cảm. Ấy vậy, mà chẳng hiểu vì lẽ gì, anh nhất định không cho tôi biết tên cô bạn gái Miền Nam mà anh đi bên cạnh để về sáng tác nên bài thơ  Ngẩng Mặt Lên Em  như sau:
Đi bên em như đất trời cách biệt
Nói chuyện đời mà vẫn thấy tim khô...
Ngước nhìn em như một ngọn đèn mờ
Chiếu nhợt nhạt từng ánh vàng hiu hắt
Em vẫn đi, không một lời – im bặt!
Tay mân mê chiếc nón che khuất mày
Hết mấy đường mà em chẳng nào hay
Chỉ nho nhỏ trả lời gì anh hỏi
Anh đau khổ nhưng anh đâu dám nói...
Anh biết rồi, anh đã hiểu em ơi!
Có phải không, em lo ngại miệng đời
Những dị nghị, những lời qua tiếng lại?!
Này em hỡi! có gì em sợ hãi?
Em yêu anh, em cứ nói yêu anh
Thế nhân, nào có nghĩa với chúng mình?
Hãy ngẩng mặt cho mọi người nhìn rõ!
Bất luận hết cả lời to tiếng nhỏ...
Miễn thủy chung, ta vẫn cứ yêu nhau!
Đêm nay đây, trăng chiếu khắp hoàn cầu
Trăng thơ mộng, trăng của tình ân ái...
Em hãy dạo cùng anh – đừng ngần ngại!
Kể cho nhau bao tiếng nói tâm tư...
Mà bấy lâu mình đã dại hững hờ
Để mai một những chân thành muôn thuở
Và khắc sâu thêm niềm thương nỗi nhớ
Cho đêm về trằn trọc ngủ không yên...
Những buổi chiều anh thầm gọi tên em
Ôi cô quạnh! Không gian màu tím đục.

                             Huế, 5-11-1961

Anh chỉ nói cô bạn là rất hiền lành và dễ thương thôi! Cô này có phải là Hồng  và anh Trần Trần Văn trong  Tóc Mai không? Mà nếu đúng vậy thì tại sao Chị Võ Hồng Phi không đưa bài thơ trên vào tác phẩm của mình như hai bài Chiều Mưa (trích) và Tình Một Chiều (của Trần Văn) mà ta đọc được trong  Tóc Mai?
          Trần Văn dù không được Hồng đáp lại mối tình (theo Tóc Mai) nhưng chắc cũng hả hê khi đọc đoạn: Nàng (tức Hồng) lẩm nhẩm đọc hai câu thơ của anh Văn: “Cỏ cây gào trong biển lệ, Con đường … đây phải đường xưa?” lòng dâng lên một tình cảm khó tả,vui không ra vui, buồn không ra buồn, một chút bâng khuâng, một chút hờn giận… (trang 34) . Sao lại “một chút bâng khuâng, một chút hờn giận…?” . Như vậy có phải ít nhiều  Hồng  đã xao xuyến trước tình cảm của Trần Văn đối với mình? Chỉ mấy câu thôi mà tác giả Tóc Mai đã phơi bày ra được cái mâu thuẫn của người con gái trước ngưỡng cửa tình yêu!...
    Với tôi, Tóc Mai là một tác phẩm hay, diễn đạt được tất cả những phức tạp của tâm tư, tình cảm con người, nhất là trong lãnh vực tình yêu…
Tóc Mai còn là chứng nhân một thời đen tối của lịch sử Việt Nam trong cảnh huynh đệ tương tàn với bao thảm khốc…
Cảm ơn chị Hồng Phi cho đời một tác phẩm hay như thế!  Ước mong chị tiếp tục có những tác phẩm hay khác!
  Kim Ích 
Vĩnh Long, 27-01-2016


***********************************************




      
     Ước Mơ
(Nhân đọc truyện dài “Tóc Mai” của Vhp.Hạ Vũ)
Ngậm ngùi đọc trọn "Tóc Mai”,
Hồng ơi! Hãy hẹn một ngày gặp Quang.
Éo le tình đẹp dỡ dang,
Xuân qua Hè đến, Thu tàn ngóng trông.
Trời Xanh rồi sẽ động lòng,
Châu về Hợp Phố thỏa: mong, đợi, chờ.
Thuyền tình cặp lại bến mơ,
Vòng tay ân ái xóa mờ thời gian.
Ngoài hiên gió thổi mây tan,
Xuân về hoa bướm rộn ràng chúc duyên

          Mây Trắng NPC 2014














Không có nhận xét nào: