Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Nam Du Ký Sự - Hoàng Đằng

Nam Du Ký Sự

Qua trận bệnh suýt chết vào mùa thu năm 2004, bây giờ, ngoài cao huyết áp, mất một phần trí nhớ, tôi được chẩn đoán thêm các vấn đề: tim nằm ngang, thận vôi hóa, gan nhiễm mỡ ...
Thôi thì đừng làm gì nữa. Ở nhà, chừa râu, đóng vai cha, vai ông, vai cố trong gia đình.
Tôi ăn uống điều độ, đơn giản. Chiều chiều, tôi tản bộ trên đường làng, bờ ruộng, hít thở không khí cho máu huyết lưu thông, nhịp tim điều hoà, tầm mắt phóng xa. Tôi tránh những nơi đông người vì dị ứng với sự ồn ào, dị ứng với khói thuốc lá. Tôi không dám đi đâu xa mà phải ở lại đêm vì phương tiện và sức khỏe không cho phép.
Thế mà vào những ngày cuối năm 2010, tôi phải làm một chuyến Nam du.
Chuyện như thế này.

Một số bạn học khóa II Viện Hán Học Huế ở tận miền Tây Nam Bộ tổ chức họp mặt 50 năm ngày nhập khóa. Anh chị em có thiện cảm, nghĩ đến tôi, tha thiết mời tôi bằng điện thoại, bằng email, bằng giấy mời qua đường bưu điện.
Tôi chần chừ, vừa ưa đi để thấy lại mặt những bạn thân thương, vừa e sức khỏe không cho phép mình hoàn thành chuyến đi. Tôi đã từng ngã bệnh đột ngột một lần ngủ xa nhà. Đó là đêm 03 rạng 04/8/2007; tôi từ thị xã Đông Hà vào thị xã Quảng Trị ở lại đêm chuẩn bị họp mặt cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng từ các nơi về. Đang ngủ với thầy Nguyễn Viết Trác, trưởng ban tổ chức, nửa đêm, tôi bị đau bụng tháo dạ. Thầy Trác phải mất ngủ để chăm sóc.
Lần này, tôi cứ sợ đau ốm bất ngờ dọc đường, như thế vừa khổ cho mình, vừa gây phiền hà cho người đồng hành, vừa làm cho con cháu anh chị em ở nhà lo lắng. Lại thêm, dạo này, mấy cái răng còn sót đang có vấn đề. Cái răng cấm trong cùng ở hàm trên lung lay, thỉnh thoảng cảm thấy nhói buốt, hai cái răng cửa hàm dưới đang tê tê.

Các bạn trong ấy họp và giao nhiệm vụ cho bạn Lý Văn Nghiên ra Đông Hà “bắt thằng Hoàng Đằng vào đây cho được”  (lời của bạn Nguyễn Văn Đức). Vì sao Nghiên bị giao công việc “nặng nề” đó? Dù sinh ra và trưởng thành ở thành phố Huế, Nghiên quê gốc ở tỉnh Quảng Trị nghĩa là cùng quê với tôi.
Nghiên có điều kiện kinh tế dễ dàng, con cái thành đạt, sức khỏe tốt, tấm lòng nghĩa hiệp, được trời ban cho biệt tài tổ chức lễ hội, người bạn đời thông cảm khuyến khích, đặc biệt là giọng hát trầm ấm, Nghiên nhúng tay vô việc gì, việc ấy vui thêm, mỹ lệ thêm. Từ ngày về hưu đến giờ, Nghiên dùng tuổi già đi đây đi đó thăm bạn bè, đồng nghiệp và môn sinh.
Nghiên mua sẵn vé máy bay cho tôi rất lâu trước chuyến đi và nhắc nhở qua điện thoại:
- Vé mua rồi thì không trả lại được đâu nghen. Lo mà giữ gìn sức khỏe đó.
Nghiên còn mời được Phan Thuận An và Hoàng Xuân Minh, hai bạn khóa đàn anh và Trần Khánh Tiếu, một bạn khóa đàn em. Phan Thuận An đang bị di chứng nhẹ của cơn tai biến mạch máu não cách đây gần hai năm, Hoàng Xuân Minh đang quản lý nhà hàng Ông Táo, một nhà hàng lớn và nổi tiếng ở Huế; Trần Khánh Tiếu đang điều hành một khách sạn. Xem ra ai cũng có vấn đề và bận việc, vậy mà họ quyết định đi, tại sao mình không. Nghiên và Tiếu còn hứa “hộ tống” tôi trong suốt chuyến đi nữa mà!
Thời gian gần đây, tôi đang có nhiều nỗi buồn về việc nhà và về việc cộng đồng. Tôi nghĩ: đây là cơ hội hiếm có vừa xả “stress”, vừa gặp lại những người bạn cũ xa cách nhau đã 45 năm, vừa là dịp quan sát phần phía Nam đất nước mình thay da đổi thịt như thế nào qua thời gian.

Lâu lắm rồi tôi không đi xa, việc chuẩn bị không đơn giản chút nào: mượn người giữ nhà, mượn cái túi xách, tìm đôi giày ưng ý, xáo tìm quần áo, hỏi địa chỉ, số điện thoại của bà con, bạn bè. Mệt nhất là đôi giày, lục tất cả các két carton trong xó kho, tôi thấy 3 đôi, chiếc nào cũng bị mạng nhện và bụi bặm bám đầy, thế là giặt, phơi, đánh xi lại, ngắm lui ngắm tới, chọn được một đôi tương đối chắc chắn nhưng démodé rồi; tuổi thọ đã trên 20 năm. Thôi thì cũng đành bằng lòng, già rồi hơi sức đâu mà chạy theo thời trang, đi mua đôi khác cũng mất “cả xứ” tiền.

Năm nay, dịp Giáng Sinh và vài ngày trước đó, trời tạnh ráo, không lạnh. Sáng 26/12/2010, ngày lên đường, trời lại mưa, sáng còn nhẹ hạt, trưa và chiều nặng hạt hơn, gió bấc thổi vù vù. Vậy là hành lý phải nặng nề thêm, cồng kềnh thêm; rõ khổ! Cái áo mưa, hai cái áo ấm, cái mũ trùm đầu ...
Con Hoàng Hữu Chiểu thồ ra bến xe cách nhà khoảng 2 cây số, cái áo mưa căng trùm người và túi hành lý bị gió thổi bay, mưa tạt vào người – lạnh.
Xe khởi hành từ Đông Hà lúc 14:30 giờ. Ít hành khách đón dọc đường, chỗ ngồi tương đối thoải mái.
Xe đến Huế 16:15 giờ, thuê xe ôm về nhà anh chị nuôi trong thời gian đi học ở cuối đường Đào Duy Từ. Ngôi nhà này anh chị dọn về khoảng cuối năm 1972, trước đó anh chị ở cái nhà gần đó trong hẽm xoay hướng ra hào đào quanh thành. Anh chị đã mất, nhà cắt chia cho các con ở. Tôi dạy kèm bốn con của anh chị hồi học Hán học. Đó là Lê Việt, Lê Tùng, Lê thị Thơm và Lê Sơn. Em lớn tuổi nhất là Lê Việt sinh năm 1951 đang học Luật thì bị động viên và mất tích khi chiến tranh gần kết thúc. Lê Việt có vành tai vừa rộng vừa dài, đáng lẽ em  là người thọ, vậy mà vắn số! Vợ chồng Lê Tùng buôn bán hàng bao bì khá giả, đã dựng được nhà tầng và đang chu cấp cho 2 con vào Sài Gòn học đại học. Tôi vào, vợ chồng Tùng cho người dọn phòng, sắp xếp chỗ ngủ cho tôi trên lầu.
Trời đang buổi chiều. Tôi qua ngồi nói chuyện với vợ chồng Lê thị Thơm ở quán cà phê bên cạnh trong khuôn viên. Năm 1975, Thơm học xong Tú Tài thì đất nước thống nhất, Thơm vào ngành sư phạm, ra dạy tiểu học tại một xã ở huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Gặp thời buổi kinh tế khó khăn, quá thiếu đói, Thơm xin về mở quán bán cà-phê từ hồi đó đến giờ.
Trời mưa lắc rắc, tôi nhìn ra đường. Ô! Nghiên đã đến trên chiếc mô-tô, trùm áo mưa kín người. Nghiên bảo tôi chuyển hành lý lên xe mô-tô để Nghiên chở về nhà ngủ lại đêm, mai đi sớm cho tiện. Trên đường, mặc dù hành lý cồng kềnh, Nghiên gợi ý muốn đãi tôi một bữa ăn đặc biệt.
- Đằng thích ăn gì? Bánh khoái nghen? Trời này ăn bánh khoái thì tuyệt.
- Mình chỉ muốn tí cơm nóng, tí canh nóng hay tí đồ kho nóng. Bộ phận tiêu hóa mình yếu, mình muốn ăn ít và đơn sơ chừng nào hay chừng ấy trong lúc đi đường. Tôi cho Nghiên biết cách ăn uống của tôi.
-Ta chờ Đằng vào để anh em ăn cái gì cho đặc biệt một tí và uống một vài chai cho ấm bụng, chứ cơm thì nói gì. Thôi ghé đây ăn cao lầu mì. Mất hứng, Nghiên giải bày.
Thế là chúng tôi vào quán cao lầu ngay bên trong cửa Đông Ba. Mỗi người một tô nóng hổi. Lâu rồi tôi không ăn cao lầu, nay có dịp thưởng thức, tôi thấy cao lầu bây giờ hình như không ngon bằng cao lầu ngày xưa ở các quán bên Gia Hội; bánh cao lâu hình như không thuần bột mì mà có trộn bột sắn.
Trời đã lờ mờ tối, Nghiên chở tôi về nhà. Nhà Nghiên nằm trong con hẽm phía sau lưng Tam Tòa, từ đường chính đi vào khoảng vài chục mét. Cô Võ thị Lạc, phu nhân của Nghiên, chào hỏi tôi rất chân thành. Phòng ngủ đầy đủ tiện nghi dành cho tôi trên gác đã dọn sẵn. Chưa vội ngủ sớm, tôi cất hành lý xong, xuống phòng khách xem trên ti-vi trận bóng đá chung kết lượt đi AFF CUP giữa MalaysiaIndonesia – Trận này Malaysia thắng Indonesia 3/0. Cô Lạc đang dạy thêm môn hóa học cho khoảng 10 em học sinh ở đằng kia phòng khách. Cô Võ thị Lạc tốt nghiệp xuất sắc đại học sư phạm ban Lý Hóa khóa Nguyễn Khuyến (1969 ?). Cô dạy ở trường Đồng Khánh, nay đã nghỉ hưu; ở nhà cô dạy thêm để giải khuây. Khi tôi lên phòng ngủ, thì thấy trên bàn đọc sách sẵn dĩa bánh cốm, chai nước lọc và thermos nước sôi. Đi xa mà được bạn lo từng ly từng tý, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
Dù chỗ ngủ rất tốt, yên lặng, khép kín, thông thoáng, tôi vẫn ngủ không tròn giấc, có lẽ vì lạ chỗ và vì bị ám ảnh bởi cái “lệnh” Nghiên đưa ra đầu hôm là phải dậy lúc 5 giờ.
5:15 giờ, tôi xách xắc xuống phòng khách. Nơi bàn tiếp khách, đã sẵn bình trà mới pha và thẩu mứt gừng. Trời bên ngoài mưa, Nghiên mang áo mưa ra ngoài mua bánh bao về điểm tâm.
6 giờ, xe taxi do Nghiên gọi đến đón. Xe ghé qua đường Bạch Đằng, con đường chạy trước mặt chùa Diệu Đế, đón Trần Khánh Tiếu và phu nhân. Mỗi lần anh chị em Hán học ở Huế họp mặt, Tiếu mời tôi vào ở lại đây qua đêm, tiếc là tôi chưa có dịp thuận tiện. Xe chạy tiếp về phủ thờ Công Chúa Ngọc Sơn đón Phan Thuận An ở góc đường Nguyễn Chí Thanh và đường Chi Lăng. Quần thể phủ thờ gồm mấy cái nhà bằng gỗ, kiến trúc theo lối cổ, có vườn rộng, trang điểm bằng cây cảnh, lối đi, non bộ, ao hồ rất đẹp. Cảnh trí ấy tạo cho con người cảm giác thanh thoát, nhờ thế, Phan Thuận An có môi trường nghiên cứu tốt và đã trở thành một nhà sử học và Huế học với những tác phẩm hấp dẫn người đọc không những về phương diện khám phá sự kiện mà còn vê phương diện bố cục chặt chẽ và văn từ hàn lâm. Lần đầu tiên nghe cách xưng hô hiếm gặp, tôi đủ thấy nếp gia phong hoàng tộc. Phu nhân Phan Thuận An gọi anh là “cha”, anh gọi phu nhân là “mạ”. Đáng lý xe còn đến đón Hoàng Xuân Minh, nhưng tới giờ phút cuối (5:30 giờ sáng 27/12/2010), Hoàng Xuân Minh không đi nữa, nghe nói sức khỏe  không đủ cho một chuyến đi xa khi mùa đông đang rét lạnh. Hoàng Xuân Minh có nhờ tôi gửi lời chào và cảm ơn đến Ban Tổ Chức và tất cả anh chị em có mặt.
Xe đến phi trường Phú Bài lúc 7:30 giờ. Phú Bài nay đã là một sân bay quốc tế. Nhà ga lớn hơn nhiều so với 7 năm trước đây lúc tôi thường đi Sài Gòn hay Hà Nội vì công việc. Phòng lập thủ tục rộng, phòng đợi nằm trên tầng lầu, hình gấp khúc chữ V, rất dài.
8:30 giờ, chúng tôi ra máy bay. Tuy đi vé giá rẻ, chúng tôi được bay bằng Boeing 737.  Ngày trước, trên những chuyến bay dù nội địa, số hành khách người Việt Nam rất ít so với người nước ngoài, bây giờ hành khách người Việt Nam đã chiếm đa số. Thế đủ thấy người Việt đã có mức sống cao. Một tiến bộ đáng mừng!
Máy bay cất cánh lúc 8:45 giờ, trèo lên từ từ rồi vút trên khoảng không. Tôi nhìn xuống, một tầng mây nhấp nhô trắng xóa ở dưới xa, như thử mình đang ở cảnh tiên. Âm thanh máy bay kêu “rù rù”. Các tiếp viên lui tới bán nước uống. Hành khách khồng còn được phục vụ nước uống và bữa ăn như ngày trước. Có lẽ do thời gian bay quá ít - chỉ hơn một giờ đồng hồ.
10:10 giờ, máy bay đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Nguyễn Đăng Vận, bạn khóa đàn em, từ Huế vào trước, cùng Hồ Tính Tình và phu nhân thuê xe đến đón. Hồ Tính Tình là bạn cùng lớp với tôi nay có tên là Hồ Thanh. Tình quê gốc ở làng Cổ Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nhưng sinh ra và trưởng thành ở Huế. Tình  học chưa trọn khóa thì thoát ly làm công tác Cách Mạng. Nghe đâu từng giữ những chức vụ lớn trong ngành truyền thông – phát thanh truyền hình ở miền Nam.
Xe chạy qua thành phố Sài Gòn, thả phu nhân của Trần Khánh Tiếu xuống ở lại thăm bà con. Ở thành phố Sài Gòn này, đường nào cũng tấp nập, những đoàn xe cộ đủ loại nối đuôi nhau không dứt, nào khác chi đàn kiến leo thân cây thoát thân khi lũ lụt về.  Xe phải chạy chậm. Trời nắng ấm.

Xe đến thành phố Mỹ Tho lúc 12:30 giờ, mất đến 2 giờ trên đoạn đường chỉ trên dưới 70 cây số.
Xe ghé nhà Ngô Văn Tiên ở 50 Hùng Vương. Tiên đang đưa Trần Văn Dật (từ Vĩnh Long qua), Nguyễn Bá Yên (từ Cần Thơ lên) và Nguyễn Văn Đức (từ Long An xuống) đi ăn. Các bạn ấy đã chờ chúng tôi, nhưng quá trưa, không chờ được – nghe nói Nguyễn Bá Yên đúng giờ không ăn là bệnh. Phu nhân của Ngô Văn Tiên đang ngồi trên xe lăn, cho người phục vụ nước uống.
Ngô Văn Tiên đang làm chủ một cửa hàng bia rượu và nước giải khát, công việc rất bận rộn , da rám đen vì nắng, cái vẻ bạch diện thư sinh ngày xưa không còn. Phu nhân của Tiên bị tai biến mạch máu não đã hơn 4 năm nay, bây giờ, trí óc sáng suốt, có thể phụ giúp Tiên trong việc kinh doanh nhưng di chuyển khó khăn. Chị bấm điện thoại gọi Tiên, chỉ mấy phút sau, Tiên phóng mô-tô về, dẫn cả toán qua khách sạn ở bên kia đường, chếch nhà Tiên một đoạn, nhận phòng, cất hành ly, rửa ráy mặt mày, chân tay rồi đi ăn cơm. Bụng đói, đồ ăn và cơm vừa nóng vừa ngon, ai nấy ăn một bụng thật no - đi lạch ạch.
Buổi chiều, Tiên dẫn ra xem chợ trái cây. Đa số trái cây ở đây cũng giống như ở các chợ trên toàn quốc. Phương tiện chuyên chở dễ dàng mà!
Điều đáng chú ý là loại dưa hấu thịt vàng và loại khế to bằng cả hai bàn tay chụm lại. Loại dưa hấu này nghe nói đem giống từ bên Đài Loan về; còn khế to là do đất đai màu mỡ, khí hậu thích hợp với sự phát triển cây trái; thậm chí cây rau thơm cũng khác xa ngoài miền Trung, miền Bắc; thân thì cao, lá thì to, màu xanh lè, trông thấy ớn!
Tối 27/12/2010, ăn trên một quán nổi bên bờ sông Tiền, uống bia “đã” thôi, tiếc là tôi, vì lý do sức khỏe, phải uống nước dừa. Dừa trồng nhiều ở các cồn giữa sông Tiền và chứa đầy đủ chất bỗ dưỡng, vậy nên ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam (1909 – 1990) trong thời gian tu hành dầm mưa dãi nắng chỉ ăn cơm dừa, uống nước dừa, lại còn vào tù ra tội mà thọ đến 82 tuổi.
Sau bữa tối đó, một số anh em còn rủ nhau đi nhậu nữa, khá khen cho các ông lão tuổi tác đã trên dưới 70 mà còn khỏe ghê! Tôi và Phan Thuận An vào phòng, nằm nghỉ ngơi. Đêm 27/12/2010, tôi ngủ tại khách sạn thật ngon.
Sáng 28/12, anh em rủ nhau ra uống cà phê tại quán ở góc đường gần khách sạn. Tôi uống trà vì tim yếu, dị ứng với cà phê. Mọi người điểm tâm bằng hủ tiếu ở một quán sát bên nhà Ngô Văn Tiên.
Giờ đón tiếp các bạn từ Sài Gòn và từ các tỉnh lân cận đã đến. Anh em người trở lại ngồi ở quán cà phê hồi nãy, người về đứng trước cổng khách sạn chờ.
Ôi chao là mừng! Những cái choàng ôm theo kiểu các Tổng Thống, Chủ Tịch, Thủ Tướng dành cho những quốc khách đồng chí diễn ra dồn dập. Bạn trai ôm bạn gái, bạn gái ôm bạn trai, quên cả lời dạy của thánh hiền: “Nam nữ thụ thụ bất thân” (Trai gái trao nhận cái gì không được gần sát nhau). Mà trách chi. Tuổi trên dưới bảy mươi rồi, có sít nhau đi nữa là do hứng khởi của tình thương chứ không phải do hứng khởi của tình dục. Cảm động là các bạn những khóa đàn em đến khá đông. Điểm mặt khóa II: hơi buồn một chút. Đến giờ này, các bạn khóa II, chỉ được 13 người: Lê Hoàng Nhi, Nguyễn Bá Yên, Trần Văn Dật, Nguyễn Văn Đức, Ngô Văn Tiên, Phạm Văn Minh, Nguyễn thị Ngọc Sương, Bùi Quang Xuân, Phan thị Ngân, Phan Đình Trừng, Hồ Tính Tình, Lý Văn Nghiên và Hoàng Đằng. Những bạn quá xa xôi thì không nói làm gì, còn những bạn ở gần tại sao không đến. Trần Văn Hùng đâu? Nguyễn thị Thuận An đâu? Huỳnh Quang Vinh đâu? ...
9 giờ ngày 28/12/2010, xe đưa tất cả đến một phòng không rộng không hẹp ở một nhà hàng, được trang hoàng đơn sơ nhưng đầy đủ ý nghĩa. Trong buổi hội ngộ, Ban Tổ Chức cử khá nhiều MC: Nguyễn Văn Đức, Lý Văn Nghiên, Nguyễn Bá Yên, Phạm Văn Minh.


              Anh Ngô Văn Tiên thay mặt BTT khai mạc


           Đại sư huynh Phan Thuận An đang tâm tình

Phần thủ tục gồm tuyên bố lý do, phát biểu chào mừng, tặng hoa, tặng quà cho các bạn ở xa. Phan Thuận An được tiếp đón như một thượng khách. Anh được ban Tổ Chức tặng hoa và quà. Đáng lẽ thuê một cô gái “siêu mẫu”, mặt mày son phấn, jupe hở đùi, áo hở ngực bưng hoa trao thì, vì không có đủ tiền thuê, ban Tổ Chức giao việc ấy cho chị cả Nguyễn thị Ngọc Sương tóc đã bạc phơ, chỉ còn chút đáng yêu là nụ cười luôn rạng rỡ. Tôi và Trần Khánh Tiếu cũng được tặng quà: kẹo bánh đặc sản của miền Tây Nam Bộ. Chúng tôi còn có vinh dự được mời phát biểu. Mọi lời phát biểu có ý chung chung: giữa bằng hữu, “xa nhau thì nhớ mà gần nhau thì cười”.
Buổi họp mặt đang diễn ra thì Trần Mạnh Liệu xách xắc bước vào. Liệu ở đâu tận Dầu Tiếng, Tây Ninh, khởi hành lúc 5 giờ sáng, về Sài Gòn rồi bắt xe buýt xuống đây. Nhờ vậy, số bạn khóa II tăng lên con số 14, chứ không còn ở số xui xẻo 13.
Đến phần văn nghệ, Lý Văn Nghiên trổ tài qua 2 bài hát “cây nhà lá vườn”: “Hương sắc Đà Lạt”, thơ & nhạc của Phan Thuận An, “Tình khúc buồn”, thơ của Trần Văn Dật do Mai Trung Đỉnh phổ nhạc. Hai bài đều là thơ nhạc tình; tình của Phan Thuận An rạo rực nhưng kín đáo, kết thúc cuộc tình với một chút tiếc nuối, một nỗi buồn sâu lắng còn tình của Trần Văn Dật thì ray rứt, khắc khoải, Dật muốn nhắn gửi đến ai đó – hình như đang có mặt hôm nay – nỗi lòng thổn thức của Dật do quá yêu thương mà không được cùng sống trên đời. Giọng hát của Nghiên khi thì trầm trầm, khi thì uất nghẹn, lột tả được tâm trạng của các tác giả.
Rồi đến lượt các “nghệ sĩ đàn em, đàn con, đàn cháu” của Lý Văn Nghiên. Nguyễn Bá Yên có giọng hát điêu luyện như từng được đào tạo về thanh nhạc từ một nhạc viện nào đó tận bên Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên. Trần Khánh Tiếu có giọng hát bay bổng vút lên cao như máy bay phản lực đã lên khỏi mây rồi mà còn muốn trèo nữa. Tôn Nữ Hiếu và Trần thị Minh Quyết có giọng hát  líu lo, nỉ non như gió vi vu luồn qua phi lao, như tiếng chim vào buổi sáng lúc nắng mới lên. Tiếc rằng hai cô đã xấp xỉ thất thập, quá tiêu chuẩn tuổi tác để tranh giải Sao Mai năm 2011! Phan Đình Trừng biểu diễn nhiều bài hát mà ngày xưa cha Thích tập; hình như Trừng không thuộc bài hát nào một cách trọn vẹn, nhưng vốn có tính thích vui nhộn, bạn giữ micro rất lâu. Tôi cũng “nổi máu”, nghêu ngao 2 bài: “Anh muốn sống bên em trọn đời” của Nguyễn Cường, tôi thích bài hát này vì diễn tả đúng tâm trạng của tôi và “Ngày xưa Hoàng thị”, thơ của Phạm Thiên Thư do Phạm Duy phổ nhạc, tôi muốn dành bài hát này tặng cho người bạn của tôi ngày xưa lắm bồ nhiều bịch. Dù hát dở ẹc, tôi thích múa mồm khi đông người tập họp. Thời đi học, tôi rụt rè, ít nói, nhưng từ ngày công tác cộng đồng theo các dự án của những tổ chức phi chính phủ, tôi máy miệng, thích nói chuyện hoang, chuyện tục và thích ca hát.
Buổi họp mặt kết thúc với một bữa ăn thịnh soạn. Món cá tai tượng chiên xù trông ngộ nghĩnh. Nhà hàng khéo bố trí dựng đứng con cá trong dĩa như thử con cá còn đang bơi .


                 Lão Gàn Hoàng Đằng đang tâm sự

Anh thợ ảnh chụp lấy liền làm việc lia lịa. Tôi bận bộ đồ quốc phục: quần trắng, áo dài đen, khăn đóng. Thấy tôi khác người, các nhóm kéo tôi vô và dành cho tôi vị trí ăn ảnh nhất. Xin nói về chuyện tôi đem bộ quốc phục theo. Ngày xưa, tại viện Hán Học, các thầy khoa bảng phần lớn trên 70, đi dạy thường mang quốc phục, đặc biệt là cụ Ngô Đình Nhuận và cụ Hà Ngại. Tôi muốn tái hiện hình ảnh kính yêu của các cụ để gợi dậy kỷ niệm trong tâm trí các bạn.
Sau bữa ăn, một số bạn, vì việc riêng, từ giã, trong đó, có Phan Đình Trừng khóa II; phu nhân của Trừng đang nằm viện.
 Chiều 28/12/2010, các bạn Phạm Văn Minh, Ngô Văn Tiên, Nguyễn Văn Đức hướng dẫn thăm 3 địa điểm du lịch ở Mỹ Tho.
Đầu tiên, thăm khu lưu niệm nơi diễn ra trận đánh tan liên quân Xiêm – Nguyễn Ánh ở Rạch Gầm – Xoài Mút vào đêm 18 rạng ngày 19/01/1785 (08 rạng 09 tháng chạp năm Giáp Thìn). Đó là trận đánh lớn thắng ngoại xâm trong lịch sử dân tộc. Nguyên do đưa đến trận đánh là như thế này: Trước thế lực của quân Tây Sơn, vị chúa còn sót lại của xứ Đàng Trong là Nguyễn Ánh sai Châu Văn Tiếp qua Thái Lan cầu viện. Vua Thái Lan đang có tham vọng chiếm cả Cambodia và vùng Nam Bộ, nên đồng ý, cử quân thủy bộ, kết hợp thêm quân Cambodia vào miền Nam, cùng quân Nguyễn Ánh đẩy lùi quân Tây Sơn và đóng đại bản doanh tại Trà Tân trong tỉnh Tiền Giang. Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đem quân vào đánh trả. Nguyễn Huệ cho lực lượng thủy bộ mai phục ở Rạch Gầm – Xoài Mút. Ngày 18/01/1785, quân Thái Lan cả thủy lẫn bộ rầm rộ tấn công. Khuya 19/01/1785, đoàn chiến thuyền quân Thái Lan lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn. Nguyễn Huệ phát lệnh khai hỏa. Chiến thuyền Tây Sơn từ rạch Xoài Mút, rạch Gầm, từ những nhánh rạch nhỏ chảy quanh các cồn bãi giữa sông Tiền kéo ra đánh chận đầu, một đoàn chiến thuyền khác của Tây Sơn núp sau cù lao Thới Sơn (giữa sông Tiền), xông ra đánh thọc vào hông đoàn chiến thuyền Thái Lan, chia cắt đội hình và chận đường tháo lui. Cùng lúc ấy, những chiếc thuyền nhẹ của Tây Sơn chở vật liệu dễ cháy đâm vào những chiến thuyền Thái Lan đang rối loạn rồi phóng hỏa. Chiến thuyềnThái Lan một số bị cháy, một số bị chìm. Sáng 19/01/1785, trận đánh kết thúc, quân Thái Lan tan rã, các tướng chỉ huy trốn xuống Sa Đéc, chạy bộ qua Cambodia để về Thái Lan; còn tàn quân Nguyễn Ánh tan tác, rút xuống Hà Tiên, ra biển tìm đường qua Thái Lan nương náu mưu sinh, sau đó, cầu viện nước Pháp. Khu lưu niệm trận đánh này khá rộng, có tượng đài, có nhà bảo tàng và có cả một ngôi nhà cổ bằng gỗ kiến trúc theo kiểu Nam Bộ, cũng kiểu nhà rường, nhưng đường lận cong của kèo không đẹp như nhà ở Quảng Trị.
Tiếp theo, chúng tôi được dẫn đi thăm trại rắn Đồng Tâm, ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Trại này đặt trên căn cứ Đồng Tâm của quân đội Mỹ trong thời chiến tranh, còn có tên là Trung Tâm Nuôi Trồng Nghiên Cứu Dược Liệu Quân Khu 9 . Trại có 3 nhiệm vụ: nuôi rắn lấy nọc bào chế thuốc và xuất khẩu, trồng cây dược liệu, cấp cứu và điều trị rắn độc cắn. Gần cổng vào, các quầy hàng bán đủ các loại rượu ngâm rắn, các dược phẩm chế biến từ rắn, ở khu bên trong, hai bên lối đi là những lồng, những chuồng nuôi rắn, và một vài loại chim, loại thú. Tiếc là ban ngày, rắn ngủ đâu trong những hang nhân tạo, chúng tôi không thấy con nào ra ngoài hết. Trại cũng có ao nuôi cá sấu, con nằm trên khô, con nằm dưới nước. Tất cả cá sấu chúng tôi thấy được đều thuộc loại vừa, không to, không nhỏ.
Cuối cùng, chúng tôi đến thăm chùa Vĩnh Tràng ở ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho. Chùa này do một người sùng đạo xây dựng từ năm 1849.  Qua thời gian, qua nhiều lần tu tạo, hiện nay chùa là một công trình kiến trúc bề thế tổng hợp cả Á lẫn Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm); vật liệu gồm có gỗ và bê-tông cốt thép; nhiều họa hình trang trí khảm gốm sứ qúy. Ở sân bên ngoài, có vài tượng Phật và những cây cảnh chăm sóc chu đáo, rất đẹp, đặc biệt mấy cây mẫu đơn trồng trong chậu cắt xén hình tròn nở hoa đỏ rực. Bên phải chùa, tượng Phật Di Lặc rất lớn dựng trên một bệ bê-tông cốt thép rất vững chãi; tượng lớn có thể so sánh với tượng Phật phía ngoài ngả ba Huế của thành phố Đà Nẵng. Trước bệ tượng, có hàng chữ Hán: ĐƯƠNG LAI DI LẶC ĐẠI PHẬT, bên dưới có hàng chữ quốc ngữ: NAM MÔ ĐƯƠNG LAI DI LẶC TÔN PHẬT. Vì biết chữ Hán, một số anh em thắc mắc tại sao chữ Hán là ĐẠI mà chữ quốc ngữ lại TÔN; một số anh em khác lý luận - không biết đùa hay thật: người ta đổi chữ để chứng tỏ Việt Nam chỉ làm bạn với Trung Quốc chứ không lệ thuộc Trung Quốc.
Chương trình tham quan chiều hôm đó có dự trù thăm Cầu Rạch Miễu bắt qua sông Tiền, nối thành phố Mỹ Tho với tỉnh Bến Tre; nhưng trời đã hoàng hôn; phải nghỉ để đi ăn tối.
Bữa ăn tối 28/12/2010 diễn ra tại một nhà hàng tương đối sang trọng. Mọi người ngồi vào hai hàng ghế đặt hai bên một dãy bàn sắp dọc. Có trên 30 người. Đồ uống chỉ nước trà đá, dầu vậy, ai muốn bia thì cứ gọi. Đồ ăn thì cơm, canh mướp đắng bọc chả cá, rau muống luộc, rau muống xào, cá trê kho tộ, tôm rim với sườn heo. Tôi cũng ăn như mọi người, nhiều hơn cũng không, ít hơn cũng không. Đầu tiên, tôi gắp một khúc mướp đắng trong đó có một miếng chả cá. Tôi ăn miếng chả cá, vị giác thấy lạ, tôi cứ sợ đó là thịt một loại gì đó. Hỏi mấy bạn nữ ngồi cạnh, tôi được cho biết: ấy là thịt cá thát lát.
Sau bữa cơm này, cũng như tối hôm qua, một số bạn đi nhậu nữa. Tôi và Phan Thuận An về phòng nằm nghỉ.
Đầu hôm, tôi đọc say sưa một số bài trong đặc san “Lớp cũ – Trường xưa” do Nguyễn Bá Yên và một vài bạn thực hiện vừa mới phát hành hồi trưa. Nhiều bài viết dí dỏm, hấp dẫn, nhiều tư liệu và hình ảnh không biết nhóm thực hiện moi đâu mà ra, qúy thật, tài thật!
Giấc ngủ không ngon, tay chân hơi uể oải. Khoảng 01 giờ sáng, cái bụng quặn, tôi đi nhè nhẹ vào toilette – đi mạnh chân sợ Phan Thuận An mất giấc ngủ. Từ đó, cứ 2, 3 phút vào toilette một lần. Đến lần thứ tư, tôi thấy Phan Thuận An thức giấc, mồ hôi tôi đổ ướt cả áo.
-Tôi bị nhiễm độc thức ăn hồi tối rồi, anh An ơi! Tôi nói cho Phan Thuận An biết.
Phan Thuận An mở cửa phòng đi ra, đến gõ cửa phòng có Trần Khánh Tiếu và Nguyễn Đăng Vận. Tiếu và Vận lên lầu, gõ cửa phòng có Trần Văn Dật và Nguyễn Bá Yên. Dật lục hành lý lấy ra ba viên thuốc con nhộng, giao Tiếu và Vận đem xuống, bảo tôi uống ngay 2 viên, còn 1 viên để sáng mai uống. Trong khi các bạn đang loay hoay thuốc men thì tôi vào toilette thêm 3 lần nữa, hai lần sau cùng, ngoài “đi”, tôi còn nôn mửa.
Tôi uống 2 viên thuốc Dật cho. Lên giường nằm, trùm chăn kín người. Từ đó đến sáng, tôi hết “đi”. Sáng, các bạn mua cho tôi một tô cháo, tôi chỉ húp nước và uống viên thuốc Dật cho còn lại.
Hôm nay, đoàn thuê thuyền đi tham quan các cù lao trên sông Tiền, nghe đàn ca tài tử, và thưởng thức các loại trái cây miệt vườn. Bùi Quang Xuân không đi, vào tạm biệt tôi rồi dùng xe máy trở về Sài Gòn.
Tôi không đi tham quan được. Một thiệt thòi lớn! Tôi ở nhà tìm cách điều trị làm sao hết “đi” để tính chuyện trở về quê. Khoảng 8 giờ sáng 29/12/2010, sợ bị đuối sức, tôi ra đường mua một ổ mì không,  nhai nuốt. Ai ngờ mới vào phòng, cơn bệnh của tôi trở lại, tôi “đi”, nhiều lần. Thấy nguy, tôi đi tìm phòng khám bác sĩ. Chưa đến giờ bác sĩ khám tư. Tôi ghé một hiệu thuốc Tây, khai bệnh với cô bán thuốc. Cô bán cho tôi 4 loại thuốc, mỗi loại 2 viên và dặn chia ra uống 2 lần. Uống xong lần thứ nhất, tôi ngừng “đi”.
 Ngô Văn Tiên hôm nay không đi theo đoàn, ở nhà chờ đến giờ đi dự đám cưới, thấy tôi, gọi tôi qua nhà ngồi chơi. Tôi nhớ lại nước khoáng Vĩnh Hảo rất tốt cho bệnh tháo dạ, tôi xin Ngô Văn Tiên một chai lớn, cứ vài phút, tôi uống vài hớp, cái bụng tôi cảm thấy đằm.
11 giờ 30, xe của đoàn trở lại khách sạn đón tôi về Sài Gòn cùng. Lượt từ Mỹ Tho lên Sài Gòn này, xe dùng con đường khác với con đường mà xe đã dùng hôm 27/12 để từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho.
Tôi từng nghe nói đất đai miền Nam rộng, những cánh đồng cò bay thẳng cánh, song hôm nay trước mắt tôi không thấy hiện tượng ấy, nhà cửa đã liền kề, làng này cách làng kia không bao nhiêu, những cánh đồng lúa còn hẹp hơn những cánh đồng ở Quảng Trị, chỉ có điều đặc biệt là trên cùng cánh đồng, ruộng có tấm lúa mới gặt, có tấm lúa mới trổ, có tấm lúa mới gieo, có tấm đương làm đất. Lòng tôi dậy lên nỗi lo lắng “tào lao”: Trong tương lai gần thôi, nước ta sẽ quá tải về dân số. Con cháu chúng ta sẽ ở đâu? Lấy gì để ăn?
Trên đường, ở những giao lộ, để tránh ùn tắt giao thông, tránh tai nạn, nhà nước đã cho xây những đường vượt trên không. Trông nước ta cũng tiến bộ, hiện đại thật rồi!
Khoảng gần 2 giờ chiều, xe đến công viên Lê Văn Tám ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, mọi người xuống xe tại đây. Tôi cảm ơn những tình cảm mà anh chị em đã dành cho tôi và bắt tay tạm biệt mọi người.
Tôi thuê xe ôm tìm về nhà 2 đứa cháu con chú Hoàng Kế (em con bà cô tôi). Đang giờ làm việc ở công sở, hai cháu vắng nhà. Bà nhà bên cạnh hỏi thăm niềm nỡ và bấm điện thoại gọi hai cháu về. Điều đó cho thấy hai cháu biết ăn ở với hàng xóm. Đáng khen!
Hai cháu gái con thứ 8 và thứ 9 của chú Kế vào đây học đại học. Tốt nghiệp, hai cháu kiếm được việc làm tốt và mua nhà ở 22/9 Mai Văn Ngọc, phường 10 quận Phú Nhuận. Hai cháu tiếp đón và săn sóc tôi rất tận tình và tuyệt vời: dọn phòng ngủ kín đáo đầy đủ tiện nghi, mua cháo ngon và nóng cho tôi, mua vé máy bay giúp tôi.
Từ sáng đến giờ, tôi chỉ uống nước khoáng Vĩnh Hảo trừ bữa. Giờ này, có cháo ngon, có nơi ở đáng tin cậy, tôi gắng ăn gần cả bát, uống 4 viên thuốc mua hồi sáng còn lại; bụng êm, tôi ngủ một đêm thật ngon, giấc ngủ thật sâu.
Sáng 30/12/2010, hai cháu định đưa tôi đi ăn sáng ở một nhà hàng sang nào đó. Xe đã nổ máy, tôi đã leo lên ngồi ở phía sau, nhưng tôi thấy trong hẽm nhiều người đang bán các món ăn điểm tâm; muốn cháo có cháo, muốn bún có bún, muốn hủ tiếu có hủ tiếu, muốn cà phê có cà phê ... Tôi bảo cháu ăn gì đây cũng được vì đây có bán mà mình đi nơi khác thì mất cảm tình xóm giềng; các cháu nghe lời và mua cho tôi một tô cháo bánh canh. Hai cháu còn mua cho tôi nhiều kẹo bánh qúy đặc sản của Sài Gòn để đem về cho các cháu nhỏ.
Cháu Thảo (con thứ 9 của chú Kế) chở tôi ra sân bay. Nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất được làm lại, lớn rộng hơn trước đây nhiều. Cháu Thảo thoăn thoăn tìm chỗ làm thủ tục, tiễn tôi vào phòng đợi rồi bác cháu tạm biệt. Bây giờ, nhà nước mở thêm nhiều đường bay quốc nội từ Sài Gòn đi nhiều tỉnh thành, thành thử, nhà làm thủ tục và nhà chờ ra máy bay vừa rộng vừa dài. Hèn chi, hành khách phải đến trước ở sân bay hai giờ trước khi máy bay cất cánh thay vì một giờ như trước đây. Không có cháu giúp, tôi chắc phải vất vả nhiều vì người còn yếu sau trận đau bụng tháo dạ.
Thấy việc làm, dáng đi, cách sống của hai cháu mà mừng, mà hãnh diện, con cháu nhà mình cũng đủ tài sức chen vai thích cánh giữa chốn đô hội.

Chiếc Airbus 320 cất cánh lúc 10 giờ và đáp xuống phi trường Phú Bài lúc 11:20 giờ. Một cô gái trên cùng chuyến bay có thuê taxi về thị xã Quảng Trị mời tôi quá giang. Đến Quảng Trị, tôi thuê xe ôm ra Đông Hà. Tôi đến nhà khoảng gần 3 giờ chiều.
Thế là tính từ lúc đi, tôi xa nhà 4 ngày đêm. Mừng là gặp được một số bạn học cũ, qua đó thấm thía được tình bạn cao qúy. Mừng là thấy quê hương đổi mới qua thời gian. Tuy nhiên, tiếc là nhiều dự tính chưa thành hiện thực.
Trong chuyến đi Mỹ Tho này, tất cả những gì liên quan đến họp mặt khóa do một số bạn tài trợ. Họ giấu không cho tôi biết cụ thể là những ai. Thôi qua ký sự này, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn.
Ngoài Mỹ Tho, tôi còn chuẩn bị tài chánh để đi vài nơi khác. Số tài chánh này gom đã từ lâu. Năm 2007, Lê Xuân Hùng, đại diện cho một số cựu học sinh các trường ở Quảng Trị định cư ở Hoa Kỳ về tặng tôi 100 USD. Khoảng tháng 11/2010, Đoàn Đức, cựu đồng nghiệp của tôi ở trường Triệu Phong, Quảng Trị và trường Nguyễn Phúc Chu, Bình Tuy, từ Sài Gòn về thăm quê, dúi vào túi tôi 1.000.000 VND. Ngày 12/12/2010, ông anh kết nghĩa Nguyễn Văn Thị tặng tôi 500.000 VND. Trước ngày lên đường, con dâu út tôi tặng tôi 3.000.000 VND. Với số tiền này, tôi định xong việc ở Mỹ Tho, sẽ đi Vĩnh Long thăm gia đình Trần Văn Dật nhân tiện tham quan cầu Bắc Mỹ Thuận, đi Cần Thơ thăm gia đình Nguyễn Bá Yên nhân tiện tham quan cầu Cần Thơ, tiếp theo lên Sài Gòn thăm một số bà con bạn bè, đặc biệt xem việc học hành của đứa cháu gọi bằng cậu là Phạm thị Mỹ Giang như thế nào, ra Vũng Tàu thăm con Nguyễn Hữu Ánh, ra Hàm Tân thăm lại nơi ở năm 1974 – 1975, thắp hương cho chú Hoàng Thiện, bạn Lê Văn Chính, nếu kịp, dự lễ mừng thọ 90 của thầy Lê Văn Qúyt tổ chức ngày 01/01/2011 và cuối cùng ra Phan Thiết thăm gia đình Hoàng Triêm, gia đình Hoàng Triều, thắp hương cho o dượng Hoàng thị Đức – Hoàng Dự rồi trở về theo đường bộ. Nào ngờ ‘lực bất tòng tâm”!
Thôi, cứ hy vọng sẽ đi một chuyến nữa trước khi hình hài này trở vào lòng đất lạnh. Bao giờ, chưa nói được./.

Hoàng Đằng
 05/01/2011
     (02/12/Canh Dần)

Một vài hình ảnh ngày Hội Ngộ Kỷ Niệm 50 Năm của khóa 2 Viện Hán Học Huế






Add caption




Hai "O" Huế vừa từ Mỹ Viện Thái Lan về






Không có nhận xét nào: