Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

Huế Là Duyên (Lai Kinh Du Học Ký) Phần 5 (Lâm L Nhàn)


        Huế Là Duyên
         (Lai Kinh Du Học Ký)
          Lâm Khương Nhàn

5. Huế, Quê Hương Thứ Hai Của Tôi

Huế của tôi rồi cũng đến. Đích hành trình là đây. Cảm nhận đầu tiên của tôi về Huế hơi bị lờ mờ vì màn đêm và xa lạ. Đã hơn 10 giờ đêm rồi. Bóng tối đen kịt trùm phủ một không gian thoáng rộng, mà hàng cây và những ánh đèn điện tỏa ánh sáng thật khiêm tốn, như có sự xếp đặt của ai đó cho cái-thuở-ban-đầu của tôi hài hòa giữa thực tế và mộng tưởng bấy lâu nay- tĩnh lặng, trầm tư, sâu thẳm, và trầm mặc như vùng đất và con người xứ Huế.
Tôi và Dũng cùng phụ đỡ chiếc xe đạp, cái rương gỗ, vài túi giỏ hành trang của Dũng từ trên mui xe xuống. Dũng thành thạo gọi xích lô chất đồ lên rồi giục tôi leo lên ngồi trên xích lô cùng hành lý. Vừa lo toan xếp đặt mọi việc, Dũng vừa tự nhiên như “lệnh”cho tôi – “anh Nhàn, chừ về nhà Dũng ngủ, ngày mai Dũng đưa anh Nhàn tìm trường hỉ.”  Dũng đạp xe của tôi, luôn đi kề theo bên tôi, hướng thẳng về làng Nguyệt Biều.
Đêm không trăng nên tối om om, chẳng thấy mô tê chi cả. Chiếc đèn pin của bác xích lô soi đường vừa đủ tầm nhìn cho chúng tôi đi. Tôi chỉ nhận ra con đường trải nhựa nhỏ hẹp cũ kỹ từ thời Pháp thuộc lởm chởm những cục đá và ổ gà khắp nơi, hun hút và sâu thẳm kéo dài hàng mấy cây số, tôi không sao ước lượng được độ dài và thời gian trải qua khoảng đường nầy. Dừng lại- Dũng hô lên và nhảy xuống khỏi chiếc xe đạp đòn-dông, ra hiệu cho bác xích lô. Cổng rào cao to, bề thế nằm ngay cạnh đường, cùng chiều thật thuận tiện. Dũng gọi người nhà, trong lúc bác xích lô và tôi cùng chuyễn hành lý đặt xuống vệ đường…
Nhìn vào khoảng sân sâu bên trong, bóng tối đen bật sáng. Đèn hành lang soi rọi làm tôi kịp nhận ra mặt tiền một ngôi nhà gạch bề thế, dạng biệt thự.  Cửa từ gian nhà phụ bên hông trái dẫn thẳng ra phía nhà sau mở ra. Giọng nữ trẻ, rất Huế, vọng ra hỏi… đồng thời khấp khởi mà rất thong dong, cô gái tiến ra mở cổng rào cho chúng tôi. Một o Huế, tôi thầm nghĩ và hình dung đến nét mỹ miều xinh đẹp mà tôi thường thưởng lạm trên những áng văn thơ.  Vài lời trao đổi giữa Dũng và o-nớ, tôi biết được là chị gái của Dũng... thì cũng như là chị của tôi, tôi tự xác định và giữ lễ ngay từ đó.
Chị đưa chúng tôi vào trong, đi thẳng ra gian nhà sau. Ở Huế, những dịp Giỗ Tết hay có đại sự (hôn quan tang tế) mới mở cửa nhà chính. Ba Má Dũng ngồi sẵn trên bộ tràng kỷ gỗ đen bóng lộn. Dũng (và tôi cũng phải bắt chước Dũng) vòng tay cung kính thưa chào.  Dũng thì dùng tiếng Huế Ba Mệ gì đó tôi không nhớ, tôi thì vẫn “thưa Bác” như trong Nam.
Nếu Ba Dũng còn tại thế, nay (2014) tuổi chắc hơn trăm, thì năm đó (1962) chắc chưa đầy 60 đâu- thế mà tôi cảm thấy Bác ấy uy nghi, đường bệ như các Viên Ngoại trong truyện Tàu… nên chi tôi thấy kính phục và có hơi run nữa.  Bác chậm rãi, ít lời nhưng chuẩn mực. Bác hỏi thăm sơ qua về tôi, về gia đình tôi ở Sài Gòn- xong thì Bác bảo tôi cứ coi như trong gia đình và xứ lạ quê người có gì hỏi Dũng chỉ vẽ cho- xong Bác để chúng tôi tiếp tục câu chuyện, Bác vào, lên nhà trên nghỉ (phòng Ông Bà trên ấy). Tôi nghe yên tâm và nghĩ rằng Bác có vẻ tin tưởng mình rồi qua vài câu sơ giao.
Bác Gái (má Dũng) người gọn gàng, thanh lịch, phảng phất nét sang trọng của người giàu có. Bác Gái vồn vã hỏi han nhiều điều. Bác tỏ ra thân tình và dễ gần gủi, dễ bắt chuyện hơn Bác Trai.  Bác bảo Dũng thu xếp nơi nghỉ cho tôi cùng phòng với Dũng.  Bác giục chúng tôi về phòng tắm rửa thay đồ cho mát, rồi chút nữa Bác sẽ gọi ra dùng bát cháo nóng cho ấm dạ, dễ ngủ.
Chị của Dũng thì mất biệt ngay sau khi đưa chúng tôi vào nhà. Huế là thế, gia phong lễ giáo nghiêm ngặt, con gái, dù ngay tại nhà, ban đêm ban hôm có người lạ, nhất là đàn ông con trai, thì không được phép cùng-bàn-góp-chuyện! Không biết Huế bây giờ có như-rứa không?
Một giấc ngủ thật an bình, sảng khoái, có thể vì đã vừa trút bỏ được gánh nặng vất vả suốt cuộc hành trình dai dẳng vừa qua?!
Trong mơ màng ngáy ngủ, những tiếng động khe khẻ… rồi rõ lần ra là tiếng líu lo, ríu rít thật nhộn vui. Thì ra Dũng đã thức dậy từ lâu, lục-đục vớ vẩn gì đó, dù cố giữ yên tỉnh cho tôi tròn giấc. Bật dậy, nhìn ra cửa sổ xuyên ra hông nhà:  Ô! Một vườn cây quả sum xuê, đủ thứ. Ánh sáng còn tờ mờ trong làn sương lãng đãng. Mặt trời chưa ló dạng nên lũ chim chưa vội tung rời tổ ấm trú ngụ đêm qua. Chúng râm rang huýt hót, bay chuyền cành nọ sang cành kia như đùa giỡn, “tám” với nhau cho thỏa thích trước khi chia tay tung cánh vào vạn phương trời, bắt đầu một ngày mưu sinh, mà buổi chiều về, nào biết đâu rằng con nào còn, con nào phải bỏ xác trên những chuyến hành trình quen thuộc ấy!
Cả nhà còn chưa thức. Dũng mở cửa hông nhà, dẫn ra hành lang lát gạch-bông màu đen trắng, bóng lộn. Theo bậc thềm tam cấp bước xuống con đường dẫn, lát gạch Tàu đỏ au, dài thẳng tắp, nối từ cửa nhà phụ phía sau đến tận cổng rào tuốt  mép đường cái, con đường mà tối vừa rồi tôi có được dịp lần đầu đặt bước chân qua.
Trời chưa tỏ hẳn, tờ mờ sương mai tản mạn giăng giăng. Tôi nhận ra được vẻ bề thế của ngôi nhà dạng biệt thự nửa cổ nửa Tây; chợt nhớ lại có lần trên hành trình, Dũng nói sơ qua về cụ thân sinh tên là Hoàng Trọng Bộc, vốn là một nhà thầu xây dựng hồi đó…
Từ con đường dẫn cạnh hông nhà, nhìn xuyên qua hàng rào xây thưa, tôi thấy phía ngoài là một khoảng sân thật rộng, có lát đá trải nhựa nhưng lởm chởm những ổ voi ổ gà khắp nơi… Dũng bảo, đó là bến xe buýt Long Thọ, nhưng hàng ngày chỉ có năm ba chuyến xe đến và đi mà thôi, nên lúc nào cũng trống vắng thênh thang. Đối diện bến xe, bên kia con đường làng là một khối nhà gạch, mái ngói sừng sững to rộng nỗi trội nhất làng, tường xây bao quanh, hai cột cổng  to đùng nâng một tấm biễn hiệu “Nhà máy vôi Long Thọ” bên trên. Tôi có biết qua sách vở, đây là nhà máy vôi lớn nhất miền Trung, được tạo lập từ thời Pháp thuộc.


                     (Đàn Nam Giao)


                     (Bến Ngự)

Dũng chỉ tay vào con đường làng ngay trước cổng nhà, nơi chúng tôi đang đứng- giải thích cho tôi biết: hướng về phía trái là  trở về Ga, qua cầu Nam Giao, về viện Đại học Huế, trường Quốc Học, trường Đồng Khánh, cầu Tràng Tiền, rồi phố Đông Ba… Nghe thì nghe vậy, chứ tôi có hình dung ra được mô-tê gì đâu. Rồi Dũng sẽ đưa mình đi thôi, lo gì. Hướng phía tay phải, con đường xuyên suốt qua hết làng Nguyệt Biều. Bây giờ Dũng mới hé lộ cho tôi biết thêm nhiều chi tiết về gia đình Dũng. Nhà chúng tôi ngủ đêm qua Dũng gọi là nhà-ngoài, của Ông và Bà Cả (vợ lớn)- còn mạ ruột của Dũng là bà-Hai, sống trong một ngôi nhà khác, theo con đường làng nầy vào trong hơn nửa cây số.  Nhà- trong,  sân vườn, cây trái còn rộng và nhiều hơn nhà-ngoài, là ngôi nhà rường cổ đặc trưng của vùng ngoại vi phố Huế - “chút nữa trời sáng hẵn, Dũng sẽ đưa anh Nhàn vào chào Mạ và sẵn dịp thăm viếng vườn tược…”
Thì ra anh Đạo ở Nha Trang, anh Cả ở Sài Gòn và o-chị ( sau nầy tôi biết tên là Hoàng Thị Quê) đêm qua tôi vừa gặp, đều là con của Bà Cả. Dũng là con đầu của Bà-Hai.  Dũng còn có những ba bốn em cùng mẹ với mình mà cả về sau nầy tôi vẫn lờ mờ không rõ biết hết.
Theo Dũng, chúng tôi  đánh vòng qua mặt tiền sang phía hông kia của ngôi nhà. Vườn cây trái và đầy ắp tiếng chim hót mà lúc ban mai trong phòng ngủ tôi lờ mờ nhìn ra qua khung cửa sổ. Bây giờ trời đã sáng hẵn, đàn chim đã bay đi kiếm ăn hết rồi. Vậy mà thỉnh  thoảng vẫn nghe đây đó tiếng hót, tiếng riu rít của vài con chim non đùa giỡn trong tổ chờ mẹ đem mồi về, và mấy “cụ” chim già yếu không thể đi xa, tìm sâu bọ, ăn quẩn quanh vườn nhà. Dũng giới thiệu những loại cây trái, nào là cây mít, cây xoài, cây mãn cầu, cây khế… mà tôi thường thấy ở các vườn cây trái miền Tây Nam Phần quê tôi.  Chỉ có cái tên Long Nhãn và Thanh Trà thì nghe hơi lạ tai vì là đặc sản của Huế mà. Rãi khắp và chen lẫn dưới những hàng cây quả cao to và xum xuê đó, là những đám thơm (khóm, dứa).  Những hàng chè (trà) Huế được khéo léo trồng ven lối đi ngang dọc, xẻ  khắp vườn nhà…



Theo con đường dẫn đó, chúng tôi xuyên suốt có gần hàng trăm mét, đến tận cuối ranh vườn sau nhà. Ô tuyệt! Một cảnh quang khoáng đảng bao la. Trải dài cặp theo ranh rào sau vườn là dòng sông mênh mông rộng mát. Dũng cho biết đó là một đoạn của sông Hương. Tôi biết được Hương Giang thơ mộng của xứ Thần Kinh lần đầu tiên là nơi đây rồi. Theo tay chỉ về phía xa của Dũng: bên bờ kia xa thăm thẳm của dòng sông là một khối kiên trúc mờ mờ ẩn hiện sau những rặng cây cỗ thụ. Những mái ngói rêu phong và nổi bật lên giữa khoảng trời mờ sương của buổi ban mai là một tháp cao sừng sững, thật uy nghi mà trầm mặc: Tháp chuông Thiên Mụ! Trong chốc lát thôi mà tôi biết được nhiều điều thú vị quá về Huế.  Không gian trầm lặng, cảnh quang chùa chiền, phật học, thiền triết, cao tăng… quấn chặt tâm tư.  Tôi như bị thôi miên, đứng trơ ra đó mà dán nhìn phía trước… trống không. Tôi giật mình quay về thực tế khi tiếng Dũng cất lên bên tai tôi “Anh Nhàn trông nầy hè…”  Một bờ thềm bậc thang, rộng có hơn mười mét, xây đá tỉ mỉ công phu- dẫn dần xuống làn nước luôn xanh mát của dòng sông. Đúng là mỹ quan của nhà thầu xây dựng Hoàng Trọng Bộc thiết kế độc đáo riêng cho dinh cơ nhà mình. Về sau nầy, khi tình thâm giao của tôi và Dũng kết chặt, rất nhiều buổi trưa hè nắng gắt, tôi và Dũng bơi tắm vẫy vùng bên dòng nước mát rười rượi ở bậc thang đá nầy mà thỏa thích nhìn sang sông, cảnh quang chùa Thiên Mụ là đà trúc rũ… chợt nhớ câu “...canh gà Thọ Xương.”  Và mới đây thôi, 2014, có một cô giáo nào đó giải thích cho học trò là bát canh (súp)… buồn cười thật cho kiến thức nông cạn của một nhà giáo thời nay!



Có người nhà ra mời gọi chúng tôi vào dùng điểm tâm.
Bên bộ tràng kỷ mun đen mà tối qua tôi được diện kiến gia đình Dũng lần đầu tiên, Ba Dũng đã ngồi sẵn đó. Tôi và Dũng vào bàn. Trên mâm thau đồng cũ mà bóng au, vài món ăn dân dã bình dị, chắc như thường lệ các gia đình vùng thôn quê vẫn dùng- khác cái là gia đình Dũng quí phái hơn nên bát đủa, đĩa muổng đều như là đồ cổ đắc tiền. Dũng thưa mời Ba, rồi đến tôi.  Lễ nghi xứ Huế mà. Tôi còn trù trừ, Dũng hiểu ý- cho tôi biết Mạ và O-Chị còn bận… Sau nầy khi tôi có rất nhiều lần dùng cơm nhà Dũng (nhà-ngoài cũng như nhà-trong) mới biết, gia phong nề nếp xứ Huế là khi có khách lạ dùng bữa trong nhà, thì chỉ có gia chủ và các-đàn-ông mới được cùng bàn mà thôi; cánh phụ nữ thường dùng sau hoặc cùng lúc đó, mà ở dưới nhà bếp!

                     (Dũng nhập ngũ 1963)

…Chúng tôi vào nhà-trong chơi và chào mẫu thân của Dũng. Dáng Bà thanh thoát cao. Bà vồn vã hỏi han Dũng đủ điều nọ kia mà dường như quên hẳn có khách lạ (tôi) đi cùng. Cũng hợp lý thôi, mấy tháng nay con trai cưng của bà vào Nam… tin ngày về được biết (thuở đó qua thư hoặc điện tín) nên tối giờ chắc Bà mỏi mòn ngóng trông… Rồi đến lúc tôi cũng được Bà quan tâm. Ánh mắt trìu mến Bà thương dành cho Dũng như thế nào, giờ Bà cũng chuyển sang, sẻ chia cho tôi y như vậy. Xứ lạ, quê người mà tình thân thương ắp tràn như thế làm ấm lòng kẻ tha phương. Tôi bùi ngùi cảm xúc…

(Còn tiếp) 




Không có nhận xét nào: