Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

* Trò Cười - NKL

Trò Cười
Ngô Khôn Liêu Khóa 1

Năm năm theo học tại Viện Hán Học, được sự cảm mến của bạn đồng khóa và sự tín nhiệm của Ban Giám Đốc Viện là năm năm Hắn được bầu làm trưởng lớp. Cũng như bắt đầu ở cấp Trung Học trước đó, không những Hắn được bầu làm trưởng lớp liên tục từ đệ thất, mà Hắn còn thi đậu tiểu học tự do (vì Hắn không được học tiểu học tại trường chữ Việt) vào cuối năm đệ lục và tiếp theo Hắn thi đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp vào cuối năm đệ ngũ (lớp 8 bây giờ).
          Tại Viện Hán Học, ngoài môn học Hán Văn của Hắn được xếp vào hạng rất khá ra, các môn học khác của Hắn cũng chỉ xoàng thôi, không bằng được nhiều bạn đồng học khác, bởi Hắn phải tranh thủ thời gian để cùng lúc theo học chương trình cử nhân giáo khoa văn chương Việt Nam tại ĐHVK Huế. Riêng môn học Bạch Thoại (giờ đây gọi là tiếng Phổ Thông Trung Quốc) được giảng dạy từ năm thứ ba, thì khi nào Hắn cũng được xếp vào hạng xuất sắc, với 6 chiếc cúp sáng ngời xinh xắn hiện nay Hắn còn giữ như những kỷ niệm về thành tích của môn học đối thoại và học thuộc lòng tiếng Trung mà thầy giáo Phan Chí Chương ban phát sau mỗi kỳ thi kiểm tra vào giữa và cuối năm học.
****
Trong thời điểm 1962 – 1963 hoạt động bầu cử Tổng Hội Sinh Viên của Viện Đại học Huế vô cùng sôi động. Sau nhiệm kỳ thứ nhất của TH SV ĐHH do anh Nguyễn Đức Giang làm chủ tịch, tiếp đến nhiệm kỳ thứ 2, Hắn là một trong sáu sinh viên đại diện cho năm phân khoa và Viện Hán Học trong hệ thống Đại Học Huế (gồm Y Khoa, Sư Phạm, Văn Khoa, Khoa Học, Luật Khoa, và Hán Học). Liên doanh trúng cử trong nhiệm kỳ này với  chủ tịch Tổng Hội là anh Trịnh Giảo Kim mà Hắn là Phó Thư Ký của Tổng Hội. Hằng tuần có nửa giờ phát thanh chương trình sinh hoạt của toàn thể sinh viên Đại Học Huế trên đài phát thanh Huế.
          Từ trong phạm vi Đại Học lan ra quần chúng xã hội, phong trào sinh viên, học sinh kết hợp với phong trào nhân dân trong thành phố Huế, hăm hở, tự nguyện tham gia các tổ chức Phật giáo để bảo vệ tín ngưỡng dân tộc. Một số đại diện giáo chức và sinh viên theo chỉ thị của ông MTT, Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa  ở Sài Gòn hình thành Đoàn Sinh Viên Phật tử Huế. Hắn cũng là một đại biểu nhóm họp mấy lần với các anh Hoàng Văn Giàu, Phan Đình Bính… cùng 5, 6 anh em khác ở trên lầu ông Giám Học Văn Đình Hy trong khuôn viên trường Quốc Học Huế, cũng như họp bàn vài lần tại Chùa Từ Đàm nhằm chính thức thành lập thêm các đoàn thể học sinh, sinh viên Phật tử toàn thành phố. Như thế, Hắn là một trong những sáng lập viên của Đoàn Sinh Viên Phật tử Huế mà khi phong trào Phật Giáo bùng khởi, Hắn được một số đại diện sinh viên nồng cốt đến nhà mời tham dự các buổi họp thống nhất kế hoạch, quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên chuẩn bị ra tuyên cáo về lập trường của sinh viên trong giai đoạn mất còn của đạo pháp, theo sự hướng dẫn của các vị “lãnh đạo” tinh thần thời bấy giờ.
          Thế là buổi sáng hôm ấy, giữa thành phố Huế  tưng bừng, náo nức, quần chúng nhiệt thành, say sưa… Hắn trở thành nhân vật tiêu biểu. Với tư cách là Phó Thư Ký của THSV.ĐHH, Hắn được những thành viên đại biểu của các phân khoa Tổng hội cùng một tập thể rộng lớn sinh viên bên ngoài cổ vũ, thôi thúc… Hắn được giao trọng trách thay mặt toàn thể sinh viên bước lên sân khẩu giảng đường C đọc tuyên cáo trước hàng ngàn sinh viên hiện diện tại trường ĐHVK Huế (Morin cũ) với nội dung chống lại anh chủ tịch TGK cấu kết với chính quyền MBTN Trung Phần thời ấy đã đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của sinh viên và chà đạp lên tín ngưỡng, đạo Pháp.
          Sau đó một thời gian, khi lệnh tấn công chùa chiền của chính quyền được ban hành với tình trạng thiết quân luật, ngày 21/8/1963, Hắn bị bắt cùng lúc với một số các vị giáo sư đại học, LM Cao Văn Luận (Viện Trưởng viện ĐH Huế), bác sĩ Lê Khắc Quyến… cùng các giáo sư trong tòa soạn báo Lập Trường, nhiều nhân sĩ, trí thức, những sinh viên tích cực, cùng những phật tử thuần thành… về hội trường Nha Cảnh Sát Quốc gia, phía sau khách sạn Thuận Hóa lúc bấy giờ. Riêng quần chúng, học sinh và các thành phần trong tổ chức, khuôn hội, tiểu thương… thì về sân vận động Tự Do, hoặc đưa đi nơi khác; còn các vị sư trong những chùa bị phong tỏa, tấn công thì đưa về  đâu Hắn không được rõ.
          Lần đầu tiên Hắn buộc lòng khai khẩu, tường thuật sự kiện sôi động này, vì Hắn là người trong cuộc mà bấy lâu nay không ít người còn nhầm lẫn, hoặc cố tình xuyên tạc để tự tâng bốc, hoặc để ca ngợi vinh quang cho phe nhóm. Hắn trình bày hôm nay có thể chưa đầy đủ hoặc còn thiếu sót, chứ tuyệt nhiên Hắn không cố ý thêm bớt, nói sai sự thật sẽ mang tội với hậu thế. Như thế có thể xem Hắn như một trong những chứng nhân lịch sử. - “Lịch sử là gì? -  Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và ánh phản chiếu của tương lai trong quá khứ” (Victor Hugo).
          Hắn cần phải trình bày một cách trung thực một số chuyển biến trong một giai đoạn rất ngắn của lịch sử, của thời đại tại nơi Hắn sống, dẫu sự tiết lộ nhỏ bé này không làm vừa lòng một số người thì Hắn không thể im lặng để mạnh ai nấy nói, vừa không đúng thực tế, thậm chí vừa lấp liếm, cố tình hiếp dâm lịch sử.
***************
          Cuối năm 1964, cùng với 20 bạn đồng học trong khóa đầu tiên, khai giảng từ năm 1959 của Viện Hán học, (với 40 thí sinh thi đậu chính thức ở đầu vào cùng 3 người dự khuyết trong tổng số……… người dự thi) Hắn tham dự kỳ thi tốt nghiệp ra trường được tổ chức khá trọng thể và rất nghiêm túc ngay tại Tòa Viện Trưởng ĐHH, kết quả Hắn được xếp vị thứ tư sau ba bạn đồng khóa là Vương Hữu Lễ, Dương Trọng Khương (q.c) và Phan Thuận An. Hắn còn ôm hoài bão ghi tên theo học cao học, sau khi hội đủ 5 chứng chỉ Cử Nhân Giáo Khoa VCVN tại ĐHVK Huế, song do những biến cố dồn dập của thời cuộc lúc ấy, cũng như những thay bậc đổi ngôi trên chính trường làm cho Viện Hán Học không còn tồn tại nữa. Thật đáng đau lòng! Trong khi chờ đợi Bộ Quốc Gia Giáo Dục bổ dụng, một mặt Hắn được tuyển vào dạy tại trường Kiểu Mẫu, thuộc ĐHSP Huế khóa đầu tiên, mặt khác Hắn cùng một số anh em trong lớp, đặc biệt là bạn Hoàng Công Phu (q.c), Hoàng Xuân Minh, Phan Thuận An...  (Bạn H.C.P đã nhiều lần đội mưa, ướt đẫm cả người đến nhà Hắn để bàn bạc, trao đổi về nội dung Bản Kiến Nghị, Thỉnh Nguyện Thư), làm đơn gửi Bộ QGGD, 3 lần đến Tòa Viện Trưởng ĐH Huế và 2 lần đến nhà riêng của ông Viện Trưởng để kêu cứu về sự việc bổ dụng chậm trễ và để yêu cầu về sự sắp xếp chính đáng và bố trí hợp lý đối với các lớp anh chị em những năm sau. 
          Khi được chính thức bổ dụng, Hắn liên tục dạy từ các tỉnh Quảng Trị (Trường Công Lập, Trường Bán Công, Trường Đắc Lộ, Đông Hà ) tỉnh Thừa Thiên Huế (Trường QG Nghĩa Tử, Trường Pellerin tức Bình Linh ) đến tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng (Trường Plaise-Pascal, tức Trung tâm giáo dục Nguyễn Hiền, Trường Sao Mai, Trường Bồ Đề, Trường Thọ Nhơn...). Lúc này Hắn nhiệt thành với nghề giáo, hăng say, nỗ lực trong sứ mạng trồng người, nên được nhiều trường tư thục mời dạy thêm ngoài giờ của trường công lập khiến cho thời khóa biểu của Hắn lút cả 48 giờ trong 6 ngày của mỗi tuần lễ. Có một điểm đặc biệt, khi đứng trên bục giảng, Hắn mang theo cái tính chất gợi mở, khai phóng của "Tinh thần Đại Học" theo ý nghĩ riêng của Hắn, là học sinh nào phát biểu hay làm bài mà khác với bài giảng của Hắn, nhưng hợp lí thì sẽ được Hắn cho điểm cao hơn những học sinh tán đồng, chấp nhận, nghe theo.
          Niềm âu lo phải "bán cháo phổi" ảnh hưởng về lâu về dài sau này thúc đẩy Hắn xin chuyển từ TTGD Nguyễn Hiền về phụ trách Bảo tàng Henri Parmentier (bây giờ gọi là Bảo tàng nghệ thuật Chàm) thay thế bạn Lê Nhất (q.c) , người bạn thân thiết cùng khóa đầu tiên với Hắn chẳng may bị gọi đi quân dịch (hay tái ngũ) vào năm 1973.
*********
          Từ năm 1975 trở đi, Hắn thay đổi rất nhiều ngành nghề, hoặc lưu dụng trong cơ quan nhà nước, hoặc công tác trong công ty, xí nghiệp của nước ngoài, từ độc doanh đến liên doanh (nhờ Hắn sử dụng thành thạo Tiếng Trung ), bao gồm Công ty Đài Loan (giày da Quốc Bảo), Công ty Hồng Kông (Nhà máy Luksvaxi, Cement Kim Đỉnh) , hai công ty Trung Quốc (Nhà máy PSCO sản xuất thuốc trừ sâu nông nghiệp- Tứ Xuyên và Công ty Hoa Chen, sản xuất thức ăn Nuôi tôm - Thượng Hải). Công ty Biti's Bình Tiên, Việt Nam, Công ty Geruco Thủy Điện Sông Kôn, Sở Văn Hóa Thông Tin Quảng Nam - Đà Nẵng, Nhà Xuất Bản Đà Nẵng, cùng vài ba công ty, xí nghiệp, cơ quan khác với thời gian ngắn ngủi, mỗi nơi không đầy một năm công tác. Bất cứ ở chỗ làm nào, trước khi từ giã đi nơi khác, Hắn cũng nhận được Giấy Nhận Xét tích cực và tốt đẹp về nhiều mặt.
          Nhờ  tiếng Bạch Thoại mà Hắn đã học từ thuở nhỏ và thành thạo hơn sau khi chuyên tâm môn học này tại VHH, nhất là do Hắn có phương pháp khổ luyện, cũng như thường xuyên qua lại Trung Quốc giao dịch, trao đổi, trải nghiệm với chức vụ chuyên viên đối ngoại cho một công ty tầm cỡ có trụ sở trên 15 quốc gia và có cả hàng chục tổng đại lí hàng tiêu dùng trên toàn lãnh thổ TQ, nên mỗi khi về lại Đà Nẵng Hắn có điều kiện dạy tiếng Trung tại rất nhiều Trung Tâm Ngoại Ngữ cũng như tại CCE Đại Học Ngoại Ngữ Đà Nẵng. Trong thời gian làm việc với các công ty nước ngoài, Hắn lúc nào cũng được giao chức vụ phụ tá TGĐ hoặc là Chủ Nhiệm Hành Chính và thường cũng được bầu làm Chủ Tịch Lâm Thời của Công Đoàn Cơ Sở trong công ty ấy.
          Trong lãnh vực giáo dục hay trong các nghiệp vụ hành chính, chuyên môn, biên dịch, chuyên viên..., Hắn hay mắc phải những tính xấu xen kẽ khác nhau như cầu toàn mà quả giao, hòa đồng mà khắc kỷ, lại quá nghiêm túc trong cư xử, trong tác phong, bởi Hắn giữ gìn để không đánh mất chính mình và Hắn cũng không bao giờ biết ca bài ca phụ họa... Vì vậy xuất phát từ ngộ nhận mà những nỗi khổ tâm đến với Hắn không ít và tai nạn nghề nghiệp từ cấp trên, cũng như từ các đồng nghiệp đến với Hắn cũng khá nhiều. Nhân đấy Hắn rút được nhiều bài học về nhân tình thế thái, đồng thời Hắn nhận định rằng bất cứ một vấn đề nào cũng có nhiều chiều trái ngược.
**************
          Trải nghiệm đúng 50 năm sau khi Viện Hán Học chắp cánh cho Hắn vào đời với một nhân sinh quan từ nhất nguyên đến nhị nguyên, Hắn nhìn nhận sự vật theo hai chiều tương phản thuận và nghịch. Cuộc sống luôn tiềm tàng động và tĩnh, sắc và không. Có những lẽ phải mà chính lẽ phải không bao giờ biết được. Trong thiện ác, phúc họa, doanh hư; thị phi, tà chính, công tư, bại thành; tử sinh, tiêu trưởng, trọc thanh; hợp tan,t rung nịnh, thịnh suy, ngu hiền; đắc thất, thọ yểu, tặc vương; hưu thích, huyễn thực, phú bần, trọng khinh... luôn luôn ngầm chứa hai mặt đối kháng nhau. Trong cái nhu có cái cương và ngược lại, trong nguyên tố vẫn có những tiểu nguyên tố, trong phủ định lại có một phủ định khác. Ở bên kia dãy núi Pyrénée vẫn có một chân lý khác, giống như Lão Tử nói "không làm gì cả mà không gì là không làm” ( "無 為 而 無 不 為" vô vi nhi vô bất vi ).
          Chính vì Hắn không biết Hắn và Hắn không biết người, nên cuộc đời Hắn mới trở thành một trò cười. Chính vì tính cách con người Hắn là cầu toàn mà cuộc đời có ai là toàn bích đâu: "Nhân vô thập toàn " ("人 無 十 全" - con người không ai hoàn toàn cả) kia mà. Thế nhưng Hắn lại không bằng lòng sự đóng khung, sự độc quyền về phê phán, về tư tưởng, bởi lẽ "Người tài giỏi này sẽ có người khác tài giỏi hơn" ("高 人 則 有 高 人 治 - “cao nhân tắc hữu cao nhân trị”). Thường nhật Hắn ham thích lắng nghe những thông tin trái chiều từ các bạn, ưa muốn bàn luận những tư duy phản biện để tránh khỏi ngộ nhận về những độc tôn, phi lý: "Vào ra thằng cha khi nảy" ("出 爾 反 爾" xuất nhĩ phản nhĩ ", hoặc giáng phúc gieo họa như trời, "Quyền họa phúc trời tranh mất cả (Cung oán ngâm khúc). Giúp cho Hàn Tín trở thành tể tướng là do Tiêu Hà mà giết hại Hàn Tín cũng do Tiêu Hà" (“成 也 萧 何 败 也 萧 何"Thành dã Tiêu Hà, bại dã Tiêu Hà).
****************
          Giờ đây, ngộ nhận đã làm cho Hắn sống trong tình trạng thao thức, khắc khoải như Nguyễn Khuyến, tuổi già trong cảnh nghèo lại khiến Hắn lúng túng, quẫn bách như Tú Xương. Thay vì "Người già yên ổn " (老 者 安 之 - Lão giả an chi) thì Hắn đành phải sống trong hoàn cảnh lão già "ăn" chi, mặc dù Hắn không biết cafe, thuốc lá, rượu bia, kể cả người phụ nữ thứ hai ngoài vợ Hắn từ nhỏ đến lớn. Âu là tiền duyên hay túc trái? Hắn tự hỏi giả như không có ngộ nhận, cuộc đời bây giờ sẽ được thăng hoa, không là giấc mộng trong thực tế, không còn cay đắng trong ngọt ngào và sẽ không là trò cười muôn thuở của thế nhân.
          Có phải Hắn thông minh không? -  Không. Hắn đã trở thành ngu dại từ bấy lâu nay. Có phải Hắn mắc bệnh thần kinh không? - Không, Hắn chi ngẩn ngơ ngơ ngẩn, thảng hoặc đôi lần. Hắn bắt chước người ta: Tuyệt đỉnh của thông minh là giả vờ thần kinh trong vài trường hợp.
          Cuối cùng, từ suy nghĩ thiếu chín chắn, phiến diện đến hành động nông nổi, vô thức của Hắn đã dẫn đến một nhân sinh quan không hợp thời, nhầm thế kỷ. Do vậy, lần đầu tiên Hắn buột miệng bấy nhiêu, ước mong được Các Bạn chia sẻ với Hắn một chút cảm thông, vã lại Hắn đã bắt gặp sự đồng điệu một cách đại đồng mà tiểu dị những tư tưởng do khiêm tốn mà buông tiếng thở dài trong lời khai tự ("開 序") hay lời kết bạt ("結 跋") của ba đại tác gia tiêu biểu, vô tiền khoáng hậu của Việt Nam và Trung Quốc, chẳng hiểu vô tình hay hữu ý? (xin chú ý đến các chữ in màu của các câu thơ dưới đây ) .
          1) Bài tự mở đầu "Khởi Từ Ca" trong tiết thứ nhất, hồi thứ nhất của Tam Quốc Diễn Nghĩa, đệ nhất danh tác của La Quán Trung, viết vào thế kỷ thứ 14, kể chuyện hỗn loạn thời Tam Quốc (190-280). Tác phẩm này đã vượt qua những giai tác về chiến tranh của văn học thế giới để trở thành một tác phẩm kiệt xuất của văn học nhân loại.              
“古 今 多 少 事, 都 付 笑 談 中 ”
(Cổ kim đa thiểu sự, đô phó tiếu đàm trung)
Xưa nay những việc trên đời
Chẳng qua chỉ một trò cười mà thôi

         2) Hai câu kết trác tuyệt vô song trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du mà một học giả uyên bác thời Pháp Thuộc đã so sánh tuyệt phẩm này với sự tồn vong của đất nước "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn"(Phạm Quỳnh)
Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
3) Tác phẩm bất hủ Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần (1715-1763) đã ảnh hưởng sâu rộng do những thành tựu nghệ thuật lớn lao của nó, đã gây hứng thú cho biết bao nhà nghiên cứu, học giả; kể cả sự mô phỏng, kế thừa bằng hàng loạt hình thức sáng tác và biểu diễn nghệ thuật của những tác giả đương thời và hậu thế. Ở thiên mở đầu, tác giả viết:
                                      “满 纸 荒 唐 言, 一 把 辛 酸 淚”
                                      “都 云 作 者 痴, 谁 解 其 中 味”
(Mãn chỉ hoang đường ngôn, nhất bả tân toan lệ.
  Đô vân tác giả si, thùy giải kỳ trung

Đầy trang những chuyện hoang đường,
Là dòng nước mắt đoạn trường đắng cay.
 Đời cho tác giả là ngây
Ai nào hiểu được ý dày sâu xa.
-Hắn là ai?

             N.K.L

                                                                                                   

Không có nhận xét nào: