Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn IX- Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Nghĩa Làng Văn IX  


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***


Chữ Việt Cổ
Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.


Viết dặn: viết kỹ
Chữ dặn: chữ viết kỹ 
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


Từ điển và từ ngữ Việt Nam
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
Chồng chắp vợ nối. Chê cặp vợ chồng không có cưới xin đàng hoàng
Đó là tình trạng của những cặp vợ chồng mà người chồng đã có một đời vợ trước, người vợ đã có một đời chồng trước chứ không phải là không có cưới xin đàng hoàng. 
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


Câu đối lơ mơ lỗ mỗ
Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt
Lọc lừa luồn lách lại leo lên

Câu đố, câu đối
Nền văn học dân gian Việt Nam có một hình thái văn chương, văn vẻ thật độc đáo, đó là: Câu đố. Nó xuất phát từ sự quan sát của con người, động vật, sự vật... hàng ngày. Những nghệ nhân vô danh thu lượm, sáng tạo rồi viết thành lời, truyền tụng trong dân gian. Người nghe thích thú, suy nghĩ sau đó... đoán. Thí dụ:
Hai tay nắm lấy khư khư
Bụng thì bảo dạ, rằng: Ư  - đút vào
Ðút vào nó sướng làm sao
Dập lên dập xuống nó trào nước ra.
(Ăn mía)


Hay :
Vừa bằng bắp tay
Thay lay giữa háng
Ðến ngày đến tháng
Lông lá mọc dầy.
(Bắp ngô)
(Lê Xuân Quang – Câu đố xưa...câu đối nay)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Giã từ cõi mộng điêu linh
Tôi về buôn bán với mình phôi pha
(Bùi Giáng)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Lá húng di dân 

Từ xưa dân đất Bắc chuộng nhất là húng Láng trong số rau thơm.  Có người suy ra đấy chính là rau húng quế vì lá nó lángRau húng có viền răng cưa với mầu xanh nhạt hơn, được trồng vô số từ làng Láng lân cận thành phố Hà-Nội.  

Thật ra "húng" vốn là đầu ngữ chỉ chung các loại rau gia vị như húng nhũi (lũi, hay bạc hà), húng chanh (tần dầy lá), húng quế, v.v... nhưng về sau húng Láng vẫn thường được người ta gọi gọn lỏn là “húng” cho đỡ mỏi mồm.

Húng quế đi qua miền Trung, bị đọc đi là húng guế. 
Vào đến miền Nam thì "húng" thành danh “húng cây”, chuyên đi kèm rau mùi (ngò rí, nhí) trong đĩa gỏi thu đủ bò khô, gan cháy.  

Chữ nghĩa làng văn


Từ ngữ : "vênh váo như bố vợ phải đấm".
Nếu là phải đấm thì vô nghĩa…có gì mà vênh váo?
Thật ra, phát âm câu ấy là: vênh váo như bố vợ phải đám có nghĩa là "kiếm đuợc, gặp đuợc một đám, một mối lương duyên cho con gái mình.
(Những câu chuyện Việt ngữ - Nguyễn Hy Vọng)

Chữ và nghĩa 

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ. Giới biên soạn sách giáo khoa khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp  cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ. 

Tiện thể cũng nên dẫn thêm ra vài dẫn chứng nữa để bạn đọc có thể dễ hình dung việc vận dụng mô hình cho tục ngữ thường gặt hái được những “thành quả tai hại” như thế nào.
 
Ăn cơm có canh, tu hành có vãi thường được diễn giải như là “Sự ham muốn nhục dục của kẻ trong giới tu hành là chuyện thường tình, ví như ăn cơm thì phải có canh, ở nhà chùa thì ắt có vãi”.

Trong khi nghĩa đích thực của câu này là:
 “Ăn cơm thì cần có canh cho dễ nuốt; tu hành thì cần có vãi để đỡ bị phân tâm vào chuyện cơm nước khi đang phải tu hành”.
(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ngày sẽ hết và tôi không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
(Bùi Giáng)


Chữ là nghĩa
Đời Lý (thế kỷ 11) nhà vua bắt các quan uống máu ăn thề. Lời thề giản dị: Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết. Nhà vua muốn con cái phải có hiếu với cha mẹ và bề tôi phải trung thành với vua. Thiên tử trọng chữ trung hơn chữ hiếu.
Nước nhà lâm nguy, toàn dân không cần đợi vua cho phép, cùng nhau đứng lên thề.
Điều thú vị là nước ta " gì cũng có ", có cả cá biết thề.
Mồng bốn cá đi ăn thề, 
Mồng tám cá về cá vượt Vũ môn.

Lời thề của cá chắc là một loại... Thề cá trê chui ống mà thôi.

Văn học của ta có rất nhiều bài viết, câu ca ca tụng những cái hay cái đẹp... Biên khảo tuy nhiều nhưng dường như vẫn còn thiếu một mảng là thói xấu hay chửi (hay chưởi) của dân ta.
Khó mà biết được dân ta bắt đầu chửi bới nhau từ bao giờ. Chỉ biết rằng Tự vị Alexandre de Rhodes (1651) có chưởi. Một bằng chứng cho thấy tổ tiên chúng ta biết chửi nhau từ giữa thế kỷ 17, hoặc sớm hơn nữa.

Chửi có hai loại là chửi thẳng và chửi đổng.
Chửi thẳng là chửi người có mặt hay gọi tên người vắng mặt ra mà chửi. Chửi đổng là chửi vu vơ, ám chỉ một người nào.
Ngày xưa, nhà Lê quy định rất nhiều hình phạt về tội đánh nhau, chửi nhau, áp dụng cho từ hàng quan tam phẩm xuống đến dân thường. Phạt nhẹ thì bị đánh bằng roi, cho nộp tiền. Phạt nặng có thể bị tù đày, thậm chí bị xử tử (1)

(1) - Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 3, Sử Học, 1961, tr. 138-143.
(Chửi thề, văng tục – Nguyễn Dư)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ta cứ ngỡ đùa vui trong chốc lát
Ai có ngờ đùa mãi đến điêu linh
(Bùi Giáng)


Dân ca tình tự dân gian
Dưới đây là nguyên bản bài Cô gái hái chè ở vùng Thái Nguyên miền Bắc quê hương của bà Đặng Thị Huệ thời chúa Trịnh Sâm:
Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút cái mả cha nó vào
Bấy giờ em biết làm sao?
Nếu em càng giẫy nó càng vào sâu
Cái gì như thể củ nâu
Cái gì như cái cần câu vật vờ


Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 
Tô Hòai
Xong cái Quê người tôi viết nhiều cái khác. Nhân vật là con gái ông Ký rượu, ông chiệc ở làng, những người dân nửa chợ nửa quê ăn trắng mặc trơn và chuyện chuột. Tôi viết đến 3,4 cái chuyện chuột: Chuột thành phố, Đám cưới chuột, O chuột. Không hiểu sao tôi lại “thích” chuột thế?
Đó là mấy nét con đường vào làng văn của Tô Hoài. Anh dạy tôi mấy điều sau đây:
– Cậu đừng có dùng hình dung từ nhiều. Thí dụ cậu muốn tả món ăn ngon, thì đừng dùng tiếng “ngon”, hoặc “rất ngon”, mà phải tả làm sao cho người đọc nghe mùi thơm, nếm được vị mặn ngọt và thèm ăn, thì đó là cậu đã đạt. Chứ nói “rất ngon”, ai biết “ngon” thế nào? Muốn tả một cô gái đẹp thì đừng dùng tiếng “đẹp”, mà hãy tả mái tóc làn môi, nước da, nếp áo v.v… làm cho người đọc thấy cô ta hiện lên đẹp như ý định của mình.
Đừng bao giờ viết: Ngon vô tả, đẹp vô cùng, sợ khó tả‘. Khó tả thì phải tả nó ra cho người ta cùng sợ, cùng thấy ngon, thấy đẹp với mình, chứ nói vô tả thì ai biết nó thế nào. Khó tả mà mình tả ra được mới hay chứ!
(Xuân Vũ)


Chữ nghiã làng văn
Nguyễn Du đi sứ năm 1802 và 1813, Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu không viết, nhưng Đại Nam Thực Lục và Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ có đầy đủ dữ liệu.
Nhâm tuất (1802), Nguyễn Du chỉ là tòng nhân đi với phái bộ của chánh sứ Trịnh Hòai Đức sang Bắc Kinh xin phong vương cho vua Gia Long và xin đổi tên nước ta thành Nam Việt. Vua Gia Khánh nhà Thanh chuẩn cho tên nước ta là Việt Nam. Sứ bộ về nước vào tháng chạp năm Gia Long thứ 2 (tháng 1/1804)
Quý dậu (1813), sứ bộ này do Nguyễn Du làm chánh sứ, đi tuế cống định kỳ nhưng chưa lên đường thì Nguyễn Du mất, Ngô (Thì) Vị được cử thay thế.


Chùa Kim Liên 
Từ Hoa là con gái vua Lý Thần Tông (1128 -1138). Vua dựng cung Từ Hoa cho công chúa và các cung nữ ở đó để thấu hiểu thêm công việc đồng áng vất vả mà thấy rõ hơn giá trị ngôi tôn quí của mình. 


Đến đời Trần, trại Tằm Tang đổi thành phường Tích Liên. Dân làng dựng chùa Đống Long trên nền cung Từ Hoa cũ. Đến năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được tu sửa lớn và đổi tên là chùa Kim Liên. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa được xây dựng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay. 
Chùa Kim Liên nằm ở phía đông bắc hồ Tây, Hà Nội.


Ca dao thề nguyền
Khôn mô khôn sánh bằng khôn-đạo-nghĩa
Dại mô dại cho bằng dại-mua-danh
Mai chiều khi bạc đầu xanh
Ngẫm câu thề thốt đã mấy lần tin ai


Chữ nghĩa làng văn
Theo gương Lý Bạch tuổi trẻ đi chu du khắp Trung Quốc, ba năm Nguyễn Du đã đi giang hồ: “Giang Bắc, Giang Nam cái túi không”; thành nhà sư Chí Hiên, đội mũ vàng, lưng đeo trường kiếm như các nhà sư Thiếu Lâm, trong túi vải nâu một quyển kinh Kim Cương chú giải của Lê Quý Đôn. Tụng kinh làm công quả kiếm ăn bữa rau đậu, cư ngụ từ chùa này sang chùa khác, ngày viếng danh lam thắng cảnh, đêm tụng kinh Kim Cương trong suốt ba năm (1787-1790) từ Vân Nam, lên Trường An, lại xuống Hàng Châu, lên Bắc Kinh rồi lại về Thăng Long.

Vô tự kinh: Nguyễn Du kể chuyện khi ông đi sứ, có viếng một thạch đài trên đó thái tử Chiêu Minh con Lương Vũ Đế, khắc chữ phân chia kinh Phật. Ông làm bài thơ nói là cốt tủy của Phật giáo là không, kinh kệ Pháp Hoa hay Kim Cương chỉ là ngôn ngữ.  
Bốn câu thơ chót nói ông đã đọc ngàn lần kinh Kim Cương mà chẳng thu thập gì nhiều, nay viếng cảnh chữ khắc trên thạch đài đã bị thời gian xóa mờ chẳng còn thấy chữ nào mới thấy vô tự mới đúng là chân kinh:
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỷ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ
Chung tri vô tự thị chân kinh.

Với chữ: “Vô” đây, Lạt ma Mathieu giải nghĩa là theo Phật Giáo, những chuyện xảy ra ngòai đời chỉ là những hiện tượng theo nguyên lý nhân qủa. Những điều đó không phải là chân lý tuyệt đối vì đã bị ảnh hưởng qua nhiều điều kiện. Chúng chỉ là "tục đế". Còn thực tại tối hậu (chân đế) thì chỉ qua cảm xúc, giác quan, thiên kiến... mà thôi.
Lạt ma Mathieu nói "không" có nghĩa là "emptiness" nhiều hơn (trống vắng, không có một hiện tượng nào xảy ra), chứ không có nghĩa là "nothingness" (hư vô).

(Nguồn: Hoàng Dung)



Mây mưa
Tục xưa truyền Sở Tương Vương nằm mơ thấy thần nữ trên núi Vu Sơn, hỏi ở đâu lại thì đáp rằng: "Thần nữ thường làm mây buổi sáng, làm mưa buổi chiều".
Sau người ta dùng chữ "mây mưa" để nói chuyện gian díu trai gái.

 

Tục ngữ, ca dao, dân ca




C. Nội dung và hình thức của tục ngữ – ca dao – dân ca:
1. Nội dung của tục ngữ:
Tục ngữ được cấu tạo do thực tế, do lý trí nhiều hơn là do xúc cảm. tư tưởng biểu hiện trong tục ngữ là tư tưởng sắc bén, rút ở cuộc đời. Ở tục ngữ, tính chất phản phong là mạnh hơn cả. 
Về nội dung, tục ngữ là những nhận định sau kinh nghiệm của con người về lao động, sản xuất, về cuộc sống trong gia đình, xã hội. Nội dung ấy vừa phong phú, vừa vững chắc, vì nó đã được đúc kết qua nhiều thế hệ của con người.

Ví dụ:
Quá mù ra mưa
Đông sao thì nắng, vắng sao thì mưa
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Cái sảy nảy cái ung
Cõng rắn cắn gà nhà
(Vũ Ngọc Phan)

 

Tản Đà


Nhắc đến những người đã tiên phong, khởi đầu cho phong trào Thơ Mới nhen nhóm, phát triển rực rỡ, không thể không kể đến người thi sĩ "của hai thế kỉ": Tản Đà. 


tranh Chóe-Nguyễn Hải Chí


Sở dĩ gọi ông như thế vì ông là người đứng giữa ranh giới giữa thơ cũ và thơ mới. Thơ cũ rất quan trọng trong các vần, niêm luật. Người sáng tác thơ cũng phải tuân theo những qui định đó. Và chính Tản Đà là người đầu tiên phá vỡ những quy luật gò bó ấy, Điều đó được thể hiện trong câu chữ, trong tư tưởng thơ của ông: muốn thoát ly khỏi hiện thực, thể hiện cái "ngông" của mình.

Tìm hiểu về nhà thơ Tản Đà, ông tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh năm 1889, mất năm 1939. Một điều thú vị trong bút danh của ông là được ghép từ hai địa danh ở quê hương ông: núi Tản Viên và sông Đà, nguyên quán của ông ở Hà Đông. 
Có thể nói, Tản Đà là một trong những nhà thơ bậc thầy của thi ca Việt Nam. Ông là một trong những người đã khai sáng nên Thơ Mới và đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng bạn đọc bởi những bài thơ sâu sắc, cá tính và giá trị.


Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi! 
Trần thế em nay chán nửa rồi. 
Cung quế đã ai ngồi đó chửa? 
Cành đa xin chị nhắc lên chơi. 
Có bầu, có bạn, can chi tủi, 
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui                                                                      (Muốn làm thằng Cuội)

Một số tác phẩm nổi tiếng: Tống Biệt, Gió Thu…
(Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh/Hoài Chân)


Tác giả cuộc đời và sự kiện
Văn Cao bắn Đỗ Đức Phin 


Tại sao Văn Cao vào đội biệt động vũ trang?
Giả thuyết của Vũ Bằng:
“Cho tới một ngày kia, lúc Nhật đổ bộ vào Đông Dương, tôi mới lại nghe nói đến Văn Cao hai lần nữa. Đó là lần Nghiêm Xuân Huyến báo tin cho tôi biết con gái anh sắp lấy chồng là Văn Cao và một lần sau khi Việt Minh “át” cô Nga “giao du” với một sĩ quan Nhật bị bắn chết liền, ở Hải Phòng lại xẩy ra vụ bắn Đỗ Đức Phin mà lúc đó ai cũng bảo người bắn là Văn Cao.

Nghiêm Xuân Huyến, sước hiệu [biệt hiệu] là Voi Đen. Tôi đi lại thường xuyên nhà Voi Đen vì anh có ra một tờ tuần báo mười hai trang tờ Rạng Đông. Sau này anh ra tờ tuần báo trào phúng tên là Con Ong do Tam Lang Vũ Đình Chí chủ biên. Xa nhau được ít lâu, tôi nghe thấy Nghiêm Xuân Huyến bị Nhật bắt và “xin âm dương” cho đến chết ở nhà lao. Anh em hồi đó bảo rằng anh bị Nhật giết vì nhà in của anh in truyền đơn cho Việt Minh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu cái vụ Nhật bắt và đánh đập tàn nhẫn Huyến cho đến chết có liên quan gì đến vụ con gái Huyến lấy Văn Cao hay không, hay là Văn Cao có liên quan gì đến việc in truyền đơn đó hay không, nếu quả có in truyền đơn tại nhà in của Huyến- chỉ biết sau đó Văn Cao im lìm, không ai biết hành tung ra sao hết cho đến lúc xẩy ra vụ ám sát Đỗ Đức Phin trong một tiệm hút ở Hải Phòng”. (1)
Sau ngày 19/8 tiếng của Văn Cao nổi như cồn”. (Vũ Bằng, Văn Cao – Một nghệ sĩ tài hoa, tạp chí Văn Học số đặc biệt về Văn Cao, tháng 11/1970, Sàigon, trang 173)
(Thụy Khuê)

 

(1)  xem tiếp chi tiết vào kỳ tới

 

116 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nghi vấn văn học: với truyện "Cánh Đồng Bất Tận", dư luận cho rằng Nguyễn Ngọc Tư đã “đạo văn” của Phạm Thanh Khương (người Bắc) viết trước đó có tựa đề: ”Dòng sông tật Nguyền”.
- Ông nhận xét thế nào về truyện "Cánh Đồng Bất Tận" của Nguyễn Ngọc Tư?
- Bây giờ trong tay tôi vẫn chưa có gì. Tôi cũng chưa đọc cả những bài đã đăng trên báo chí mấy hôm nay.


- Nói như thế nghĩa là đến nay ông (Phạm Thanh Khương) vẫn chưa đọc “Cánh Đồng Bất Tận”?
- Chưa. Có ai đó đưa cho tôi xem qua rất nhanh rồi thì cậu phóng viên lại lấy đi ngay.
- Tại sao ông lại có thái độ thờ ơ với những dư luận liên quan đến tác phẩm của mình như vậy?
- Bởi vì tôi đã ở cái tuổi "ngũ thập nhi tri thiên mệnh". Tôi không quan tâm nhiều đến những chuyện ầm ĩ xung quanh. Hơn nữa tôi còn có nhiều việc để làm.


- Khi so sánh giữa "Cánh Đồng Bất Tận" và "Dòng Sông Tật Nguyền", người ta phát hiện ra những điểm tương đồng về mặt ý tưởng, nhân vật (truyện của ông có 4 nhân vật thì cả 4 đều có sự tương đồng với nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư), các chi tiết then chốt… Với sự giống nhau diễn ra trên một cấp độ và phạm vi như thế thì ông nghĩ sao?
- Thế thì tôi phải kể một câu chuyện rất vui và rất thật như sau: Khi vợ tôi sinh con, người ta cứ bảo rất giống ông hàng xóm. Như thế cũng tốt thôi, nhưng nó vẫn là con của tôi.


- Ông có nói, truyện của ông được xây dựng từ chính tuổi thơ của mình. Ông có thể nói rõ thêm về những ngày tháng tuổi thơ này?
 - Tôi sinh ra ở Thái Bình. Dòng sông được đề cập đến trong tác phẩm là sông Sứ. Gia đình tôi là gia đình thuyền chài nhiều đời. Đến đời tôi mới lên được bờ và lưu lạc qua rất nhiều nơi. Tôi chính là chú bé con ông thuyền chài.


- Những ai được đọc tác phẩm này của ông đầu tiên?
- Người đầu tiên là anh Vũ Mạnh Thường - tổng biên tập cũ của báo Biên Phòng. Anh Thường góp ý, văn chương cần phải nhân văn, chính vì vậy, tôi đã viết thêm đoạn cuối.


- Ông nghĩ gì nếu Nguyễn Ngọc Tư muốn được đối thoại với ông?
- Tôi rất mong muốn được trao đổi trực tiếp với Nguyễn Ngọc Tư. Nhà tôi ở số 19, ngách 11/2 Đường Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội, số điện thoại 04.8777098.
(Phạm Thanh Khương đối thoại với Ngọc Tư – VnExpress)

 

Chữ nghĩa lơ ngơ láo ngáo
Nam toe toét "hổng chịu đèn", Bắc vặn mình "em chả"
Bắc bảo sướng ghê, Nam rên đã quá

Chữ nghĩa làng văn 
Thể phú, câu đối chia thành nhiều lối: song quan, cách cú, gối hạc nên người làm thơ cần phải dụng công nhiều hơn. Chẳng hạn như lối gối hạc: mỗi vế có ba đoạn trở lên, đoạn ngắn xen giữa hai đoạn dài (như đầu gối giữa hai ống chân con hạc):

Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu;
Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.
(Hàn Nho Phong Vị Phú (Nguyễn Công Trứ)


Lối cách cú: mỗi vế chia một đoạn ngắn và một đoạn dài, thứ tự trước sau không bắt buộc:
Đất chẳng phải chồng, đem gửi thịt xương sao lợi?
Trời mà chết vợ, thử xem gan ruột mần răng?


Lối song quan: mỗi vế có từ 5 đến 9 chữ thành một đoạn liền:
Con ruồi đậu mâm xôi đậu;
Con kiến bò đĩa thịt bò.
(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)


Quạnh
Quạnh:  vắng vẻ, cô đơn
(đồng không mông quạnh, quạnh hơi thu lau lắt đìu hiu)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)


Chơi chữ
Cách chơi chữ này thường dựa trên cơ sở cùng âm. Góp nhần nhận ra hiện tượng cùng nghĩa, có thể nhờ vào yếu tố cùng trường ở vị trí đối ứng. Ví dụ:

Trồng môn trước cửa
Bắt ốc sau nhà



Các cặp cùng nghĩa: “môn” – “cửa”; “ốc” – ”nhà”. Trong ngữ cảnh thuận, “môn”, “ốc” là tên cây, tên con vật; chúng chuyển thành từ HV để tương ứng với “cửa”, “nhà”, theo cách cùng nghĩa (để chơi chữ). Sự chuyển nghĩa này được nhận ra do hiện tượng cùng trường: “cửa” – ”nhà” . 
(Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa – Triều Nguyễn)


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

cào cấu: vừa cào vừa cấu



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


minh tinh 銘 旌 

Từ minh tinh ở đây không phải là ngôi sao sáng, và có nghĩa khác hẳn vì có dạng chữ Hán hoàn toàn khác. Ðó là dải lụa (hoặc vải, giấy) có ghi tên tuổi và danh vị của người chết, được rước đi trước linh cữu trong đám tang. Soạn giả đã hiểu đúng như thế, nhưng đã suy đoán sai nghĩa của một trong hai từ tố. 
Theo ông, minh = tối tăm, sâu kín; tinh = cờ có cắm lông ở ngù. Có lẽ ông nghĩ rằng, đồ vật này liên quan đến người chết nên phải chọn chữ minh 冥 nghĩa là tối tăm. Nhưng, soạn từ điển mà không có nguồn sách tra cứu thật phong phú và đáng tin cậy thì dĩ nhiên là phải “sai tùm lum” như soạn giả của chúng ta vậy. Ông đã đoán sai chữ “minh”. Theo từ điển Từ Nguyên thì trong từ minh tinh này, minh 銘 nghĩa là ghi nhớ, và chỉ trong đám tang của những người có chức tước mới có minh tinh. Ngoài ra, theo từ điển này, người ta cũng viết là minh tinh 明旌 trong đó minh 明 nghĩa là sáng, và cũng có khi viết là tinh minh 旌 銘。 
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


Khảo chứng về bài thơ trứ danh
Bài thơ không có tựa đề nhưng rất trứ danh được ký giả tiền bối Đoàn Bá Ninh dịch ra tiếng Việt vào năm 1947 trong trại giam Thái Nguyên, Bắc Việt từ tiếng Hán:
Hồng diện đa dâm thủy
Mi trường hạ tố mao
Triết yêu chân đại huyệt
Trường túc bất chi lao


Vì tam sao thất bản nên câu 2 và 3 có nhiều dị bản. Về phương diện khảo dị, câu 2 có những biến dạng như sau: “Đa mi tức đa mao” hay “Đa mi hấu đa mao”. Vì vậy chữ “tố” là sai. Đúng ra “đa” mới đúng vì chữ “tố” là âm Hoa ngữ Quảng Đông. 
Câu 3 thì lại: "Tế yêu ư đại huyệthayTiểu yêu chân cự huyệthoặc giả như Phong yêu âm hộ đại”. “Tế yêu”  hay Tiểu yêu”  thì nghĩa chỉ nhỏ thôi. Chữ Phong yêu tức đáy lưng ong nghe hay hơn vì ta có câu ca dao “Những người thắt đáy lưng ong – Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”.


Với eo thắt, trở về câu Triết yêu chân đại huyệt” thì chữ “triết yêu” chỉ cái eo thắt như cái chén chiết yêu, nghe gợi hình gợi cảm hơn.
(Lê Văn Lân – Hồng diện đa dâm thủy)



Nam Kỳ lục tỉnh: Đất nước và con người
Đất Nam Kỳ 

Sau vào cuối thế kỷ 17, có hai đợt di dân của người Trung Hoa. 
- Năm 1679, khoảng 3000 quân quan trung thành với nhà Minh đến xin chúa Nguyễn cho lập nghiệp. Chúa Nguyễn chia ra hai nhóm, một nhóm do Trần Thượng Xuyên chỉ huy đến khai phá vùng Cù Lao Phố (Biên Hòa), Gia Định, một nhóm do Dương Ngạn Địch chỉ huy xuống MỹTho. (Năm 1710, theo giáo sĩ Labbé, số người Việt và Minh hương lên đến 20.000 người). 

- Năm 1681, một nhóm di dân khác cũng người Minh do Mạc Cữu chỉ huy đổ bộ lên đảo Koh Tral (Pháp âm từ tiếng Miên là Koh Sral, tiếng Việt là Phú Quốc) rồi dùng đường bộ lên Kampot, đến Oudong xin thần phục vua Miên. Mạc Cữu được vua Miên cho phép khai thác một vùng đất rộng lớn trong vịnh Xiêm La. Bị vua Xiêm đánh phá, Mạc Cữu được chúa Nguyễn cứu, nên sau khi dẹp được quân Xiêm, Mạc Cữu xin sát nhập tất cả đất đai đã khai khẩn về chúa Nguyễn. Một vùng đất rộng lớn từ Hà Tiên, Châu Đốc (Tâm Phong Long), Cần Thơ (Tầm Bôn), Long Xuyên (Lôi Lạp) qua đến lãnh thổ Cao Miên hiện nay như Kompong Som, Kampot... lần lượt sát nhập vào đất đai của chúa Nguyễn. 

- Sau đó, đến thế kỷ 18, những đất đai vùng châu thổ Cửu Long và vùng ven vịnh Xiêm La mà vua chúa Chân Lạp lần lượt chuyển nhượng, hoặc trực tiếp cho chúa Nguyễn, hoặc gián tiếp qua tay dòng họ Mạc là những món quà để đổi lại sự giúp đở Chân Lạp chống lại Xiêm La. Hơn nữa những đất đai mà vua Miên dâng cho chúa Nguyễn không hẳn thuộc vua Miên, vì từ sau khi Phù Nam tan rả, vùng đất nầy bị Miên bỏ hoang. 
 
(Lâm Văn Bé)

                      Ngộ Không Phí Ngọc Hùng












































Không có nhận xét nào: