Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn X - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Nghĩa Làng Văn  X


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


Chơi Chữ

Phụ là vợ, phu là chồng, vì chồng vợ phải đi phu.
Ngã là ta, nhĩ là mày, tại mày nên ta mới ngã.

Giai thoại về câu đối này: “Anh học trò trốn đi phu, quan bắt vợ anh ta đi thay, rồi đọc vế trên, bảo nếu đối lại hay, sẽ miễn phu cho cả hai người, và anh nọ đã đối như vậy; dù vế đối lại rất ngông, nhưng quan cũng giữ lời mà tha cho”.
(Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa – Triều Nguyễn)



Chữ Việt Cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.


Dều dào: nhiều lắm
(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)


Chữ và Nghĩa 

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ. Giới biên soạn sách giáo khoa khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp. Chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ. 

Bằng chứng là nếu diễn giải câu Ăn lúc đói, nói lúc say được diễn giải như là “Lúc đói ăn cảm thấy ngon, lúc say thường nói rất hay”. Trong khi nghĩa đích thực của câu này là: “Ăn là việc mà ai cũng hay làm lúc đang đói; nói là việc mà ai cũng hay làm lúc đang ngà ngà say rượu”.
(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
(TCS)


Chữ nghĩa làng văn


"Ăn cháo đá bát" /miền Trung, và Nam là vô ơn bạc nghĩa thì miền Bắc nói "ăn cháo đái bát”. Nhưng thử hỏi có ai dám ăn tô cháo người ta cho ăn mà ngay sau đó dám ngang nhiên vén, mở, hay tụt quần  hoặc váy mà  đái vào đó không? 
(Những câu chuyện Việt ngữ - Nguyễn Hy Vọng)


Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 
Nguyễn Tuân


Nhà của Nguyễn Tuân ở một ngõ hẻm Trần Hưng Đạo, ngó ra đầu đường Yết Kiêu, nơi có hiệu phở Tư Lùn, một trong vài hiệu phở nổi tiếng Hà Nội xưa còn sót lại. Tôi và anh có đến ăn phở ở đây một đôi lần. Một hôm tôi đến nhà anh. Không phải tôi đến thăm anh, mà anh bảo đến chơi.

Nhà anh quả là nghèo. Bước vào thì phải nghĩ ngay như vậy. Chúng tôi ở ga-ra, nhưng đó là thân phận của kẻ ly hương, còn dân Hà Nội mà có căn nhà mướn như anh thì thật nghèo nàn, trống trơ không có gì hết. Chỉ có cái lò sưởi là đáng chú ý; trước nhất là nó không còn làm chức năng của nó, mà đã trở thành cái tủ rượu và nơi chưng bày nhiều thứ khác rất lặt vặt, không thể đếm hết. 
Nhưng đặc biệt nhất là những chai rượu. Anh thường đi vùng núi, và mỗi lần về đều mang theo một ít món lạ: một chiếc khăn của người Thái dệt tay rất khéo, màu sắc rất sặc sỡ, một ít quả cam quả quýt rừng.
Lần tôi đến, anh khoe những trái mơ còn xanh. Anh đã bỏ vào một cái chai miệng rộng, nút vặn kín. Khi rót ra, rượu màu xanh nhạt, và có mùi… mơ. Anh uống rượu như một nhà văn nghiện.

Rượu mua cắt từng Ô phiếu, hình như mỗi tháng một lít, nhưng với anh một lít sao đủ? Vậy phải có những người tiếp tế. Một trong những người đó là Nguyên Hồng. Thỉnh thoảng ông Bỉ Vỏ từ Bắc Giang xuống Hà Nội đem theo trong ba lô một chai lít trong vắt làm quà cho ông Vang Bóng Một Thời. Anh Tuân có hai vật quí, đó là cây bút Parker Canada màu đen và một cái đồng hồ Movado, nhưng chẳng bao giờ thấy anh giắt túi và đeo tay. Cái đồng hồ gói trong khăn, bỏ túi, đôi khi anh lấy ra coi giờ, rồi bỏ lại vào túi. Còn cây bút thì không thấy viết cái gì .
(Xuân Vũ)


Chữ và nghĩa 2
 
Dân gian thường chửi đổng để tránh tai vạ. Tiêu biểu cho chửi đổng là lối "chửi mất gà" của mấy bà miền Bắc:
- Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua, bà cho nó ăn hãy còn, sáng hôm nay, con bà gọi nó hãy còn, mà bây giờ mày đã bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì mày buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào thằng tam đại tứ đại nhà mày lên, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày, nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đỏ mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cái nhà mày cho mà xem. Ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà, thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba, mày xuống âm phủ, mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra, ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ạ! (1).


(1) - Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng, 1938.




Ai dám chê miệng lưỡi thô kệch của nhà quê? Tiến sĩ văn chương dùng chữ có "đắt" bằng "văn chương truyền khẩu" của bọn mù chữ sống sau luỹ tre xanh không?

" Văn minh miệt vườn " miền Nam cũng tỏ ra không thua kém miền Bắc.
- Con hai mầy ăn ở phi thường, thiệt mầy đồ đĩ thõa, mèo đàng chó điếm, mầy ăn đàng sóng mầy nói đàng gió, mầy hại cha con tao bận này nghèo to (2).



(2) - Nguyễn Văn Tròn, Bùi Kiệm dặm, trích theo Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời, 1982, tr. 143.


Từ ngày đám bình dân đem cả những tiếng chửi tục tằn ra làm lời thề thì nước ta có thêm món chửi thề, tổng hợp của chửi thề.
Chửi thề dễ hiểu, dễ nhớ. Hầu như ai cũng thông thạo.
(Chửi thề, văng tục – Nguyễn Dư)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ta nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
(TCS)



Chữ nghĩa văn sử
Việc vua ta phải đích thân sang chầu vua Tàu đã xảy ra với các triều đại trước vào đời Lý. Lên Nam Quan làm lễ thụ phong. Vào đời Lê cống một tượng người vàng từ đời Trần (nhà Trần 1285-1288, Yết Kiêu đục thủng thuyền Ô Mã Nhi bị chết đuối) đến đời Lê Trung Hưng phải cống 50 con voi. 


Việc triều cống hai tượng người bằng vàng y ròng bắt đầu vào đời Minh Thành Tổ để thế mạng cho Liễu Thăng và Lương Minh bị Lê Lợi chém ở ải Chi Lăng. Năm 1427 Lê Lợi sai sứ sang tạ ơn cống hai người vàng.


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Lá húng di dân 

Vì thổ nhưỡng mà húng cây tại Sài-Gòn không thấy bầy ê hề ngoài chợ như "húng quế", thứ rau thơm rẻ tiền hơn; thế là quế bèn rơi tõm vào bát phở truyền thống.  Chưa kể những xe bò khô và bò bía (giọng Tầu lơ lớ thành pò pía) cũng có loại rau thơm này trên đồng vốn còm.  Thét rồi húng cây thất sủng, người ta đã lôi béng hương vị húng quế theo mọi nẻo tha hương.

Theo cuộc di dân, rau húng ấy chuyên trị phở Bắc; lấy thơm lấy tho từ thiên nhiên quyện vào hương bò chín làm nức vòm hầu khách ăn. Kể từ ngày ông vải nhà ta hớn hở lấy đấy làm gia vị không thể thiếu sau đồng riềng, tí mẻ, và mắm tôm.  Thực khách trân trọng vặt từng lá một mà sơi kèm thịt con cầy hương (chồn).
Miệng lưỡi sành sỏi xưa kia thường đoan chắc rằng nem công chả phượng trên thế gian này quả hữu danh vô thực so với món thịt cầy nhất hạng kỳ mục, đáng độ tiến dâng thượng đế. 

Phải cái giống chồn hoang láu lỉnh nhanh thoăn thoắt, chẳng dại ngồi ì ra để người trói gô về cạo lông.  Các cụ mình mới ngộ ra miếng ăn từ cái con... vưu vật trời cho, không những hội đủ thiên tính ngon sơi của nhà cầy lại vừa dễ bắt, dễ nuôi, và đẻ khỏe. 

Mấy ông Bắc kỳ buột miệng gọi thứ rau quế này là "húng chó".


Câu đối lơ mơ lỗ mỗ
Ra xứ Nghệ, đến quán Hành, uống rượu gừng, chuyện cà riềng cà tỏi.
Đến Đồng Nai, nhớ Kỳ Lừa, ăn thịt chó, ngồi tán vượn, tán hươu


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 
Bắc quậy sướng phê, Nam rên đã quá
Bắc khoe bùi bùi lạc rang, Nam: thơm thơm đậu phọng



Chữ nghĩa làng văn
Cũng giống như Thơ Bút Tre hiện nay, từ văn phong thơ "Bút Tre thật" dân gian đã sáng tác cả trăm, ngàn câu thơ "Bút Tre mới"... Thơ nôm Hồ Xuân Hương đi vào cuộc sống dân Việt Nam ta đã ngót 200 năm với bản in sớm nhất là "Xuân Hương Di Cảo" in năm 1914; các bản khắc ván "Xuân Hương Thi Tập" in năm 1921và 1923. Thời điểm xuất hiện"Xuân Hương Thi Tập" là thời vua Minh Mạng (1820-1840)


Bản chép tay "Quốc Văn Tùng Ký" soạn vào thời Tự Đức đến đầu Duy Tân; các bản chép tay "Xuân Hương Thi Sao", "Tạp Thảo Tập", "Quế Sơn Thi Tập", "Xuân Hương Thi Vịnh", "Liệt Truyện Thi Ngâm" và "Lĩnh Nam Quần Hiền Văn Thi Văn Diễn Âm Tập". 


Vậy bài nào là chính gốc thơ Hồ Xuân Hương trong số 213 bài đang được lưu hành khá rộng rãi? Sau hơn 40 năm nghiền ngẫm... Ông Kiều Thu Hoạch, một chuyên gia về chữ Nôm đã công bố cuốn "Thơ Nôm Hồ Xuân Hương", sau khi dịch nghĩa, dịch thơ, chú giải, chú thích đã loại trừ được một số bài thơ bị gán cho bà chúa thơ Nôm như các bài: "Đánh Cờ Người", "Tát Nước", "Cái Nợ Chồng Con", "Đánh Đu", "Bà Đanh", "Đồng Tiền Hoẻn", "Ông Cử Võ", v…v.... thì chỉ còn với 84 bài.
(Nguồn Nguyễn Khôi)


Quặm
Quặm : cong về phía dưới
(mặt nó quặm xuống – lông quặm)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Giai thoại làng văn xóm chữ
Văn Cao còn nhớ buổi chia tay Nguyễn Thi. Bữa đó, ông rủ Nguyễn Thi ra phố. Ông muốn mời bạn ăn một bát phở bò. Văn thời đó nghèo xơ xác, trong túi chỉ đủ tiền cho một bát phở thôi. Chả lẽ chỉ bạn ăn, còn mình thì ngồi suông ngắm bạn? Hình như cũng hiểu được nỗi băn khoăn của Văn Cao, Nguyễn Thi bảo ông chỉ thèm khoai lang luộc thôi. Trời, tưởng gì, chứ khoai lang thì rẻ lắm. Số tiền trong túi Văn Cao đủ để hai ông ăn no khoai lang. 
Thế là họ ngồi sụp xuống bên đường, làm một đĩa khoai mật.
(Nguyên Ngọc – Trần Đăng Khoa)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 
Của tôi tôi để đầu hè,
Bỗng dưng anh đến anh đè tôi ra,
Kêu lên, xấu mẹ hổ cha,
Nín thinh, ướt của tôi ra thế này..

117 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nguyên Ngọc là một con người không biết mềm mỏng trong giao tiếp, rất cứng. Anh rất ghét Nguyễn Đình Thi, cho là thằng giả dối. Trong hội nghị, hễ Thi phát biểu, anh bỏ ra ngoài. Anh rất khinh Huy Cận. Anh cho con người nhân cách bẩn như thế viết hay sao được. Người ta nói, thơ Huy Cận trước cách mạng hay đấy chứ! Anh nói dứt khoát: “không hay!” Anh rất ghét bọn chấp hành Hội nhà văn từ khoá năm, khoá sáu và tờ Văn Nghệ của Hữu Thỉnh. Văn Nghệ đưa đến, anh vất ngay vào sọt rác. Hội cấp tiền bồi dưỡng sáng tác cho anh, anh từ chối. 
Tất nhiên Tố Hữu rất ghét Nguyên Ngọc. Tố Hữu từng nói với Tô Hoài: “Nguyên Ngọc cứ để nó làm bí thư đảng đoàn thì nó sẽ làm vua”. Nguyên Ngọc thì bướng. Tố Hữu thì hách, tất nhiên rất ghét nhau. Hồi Nguyên Ngọc làm Bí Thư đảng đoàn Hội Nhà Văn, anh tổ chức một cuộc hội nghị nhà văn đảng viên. Anh đưa ra một bản đề cương chống giáo điều, đổi mới văn học. Tố Hữu đến, lên phát biểu đã phê phán quyết liệt bản đề cương coi là hiện tượng ngược dòng. Vậy mà khi kết luận hội nghị, Nguyên Ngọc vẫn khẳng định bản đề cương đã được hội nghị nhất trí tán thành. Rõ ràng là bất chấp thái độ Tố Hữu.


Tối hôm đó ở 4 Lý Nam Đế (Trụ sở Văn Nghệ Quân Đội), Nguyên Ngọc đang ngồi với Nguyễn Khải thì Chế Lan Viên đi bộ từ 51 Trần Hưng Đạo đến: “Tôi khuyên các anh đến xin lỗi anh Tố Hữu, tôi đưa các anh đến”. Không ai nói gì. Nguyên Ngọc trả lời: “Cám ơn anh, tôi tự thấy chả có gì phải xin lỗi cả. Còn nếu cần đến anh Tố Hữu thì tự tôi đến cũng được, không cần anh phải dẫn đi. (Chế Lan Viên ghét Nguyễn Đình Thi, muốn đưa Nguyên Ngọc lên để hạ Nguyễn Đình Thi. Vì thế không muốn Nguyên Ngọc đổ).


Nguyên Ngọc yêu ghét rất phân minh. Người anh ghét có những nhân cách xấu: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Phan Cự Đệ. Anh rất quý Trần Độ, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Hoàng Ngọc Hiến... Nhưng Nguyên Ngọc hoàn toàn không phải là con người khắc khổ. Tôi bia bọt với anh nhiều lần. Anh sống rất thoải mái. Có chất nghệ sĩ.
(Chân dung Nguyên Ngọc - Nguyễn Đăng Mạnh)


Ca dao thề nguyền
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng

Thiếu văn hóa
Trong quan hệ hàng ngày với tập thể cán bộ, sinh viên, Hoàng Ngọc Hiến rất hồn nhiên, chân thật, dễ tính, nên được anh em mến. Nhưng hình như anh có máu phiến loạn, thích gây sự với lãnh đạo. Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ Phạm Văn Đồng có viết một bài về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.


Bài ấy, người khác có thể coi là thường, không hay hoặc chưa đúng chỗ này chỗ khác. Nhưng Hoàng Ngọc Hiến nói: 
“Phạm Văn Đồng viết bài ấy là thiếu văn hoá”.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Thâm Tâm
Nhà thơ Thâm Tâm (1917-1950) chính tên là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12 - 5- 1917 ở Hải Dương. Học ở Hải Dương. Ông là một thi sĩ, đồng thời cũng là nhà viết kịch Việt Nam. 



Xuất thân từ gia đình nhà giáo nề nếp, vì thế nên từ lâu, đối với Thâm Tâm, ông đã định hướng được cho riêng mình những lí tưởng và suy nghĩ tiến bộ, sâu sắc. Thâm Tâm được bạn đọc biết đến nhiều nhất qua tác phẩm "Tống biệt hành". Đây là một tác phẩm rất độc đáo khi có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, khiến cho thi pháp của bài thơ rất mới mẻ, tạo được sức hút. Bên cạnh đó, hào khí của "Tống Biệt Hành" rất cao, nhưng không kém phần dạt dào tình cảm:

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng? 
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt 
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Bằng sự tài năng cũng như niềm đam mê văn chương của mình, nhà thơ Thâm Tâm đã ghi lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn đọc bởi sự nhiệt huyết, tài năng của ông; cũng như tìm được cho mình vị trí vững chắc trong văn đàn thi ca Việt Nam.
Thơ thất ngôn bây giờ thực có khác thơ thất ngôn cổ phong. Nhưng trong bài dưới đây lại thấy sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ. Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ. Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại.

Tống Biệt Hành 
Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
(…)
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say
Tháng 11- 1941
(Thi Nhân Việt Nam - Hoài Thanh/Hoài Chân)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Theo “Tự điển tiếng Viêt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):


nắn bóp: nắn và bóp



Tục ngữ


2. Hình thức của tục ngữ:
Tục ngữ ban đầu chỉ là những câu nói xuôi ta, hợp lý, sau dần mới trở thành những câu đối có vần vè, gọn gàng hơn
Làm phúc phải tội
Gà què ăn quẩn cối xay
Có ở trong chăn, mới biết chăn có rận
Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm

Tục ngữ phần lớn đều có vần vè, hay có đối
No nên bụt, đói nên ma
Bút sa, gà chết
Có tật giật mình


Còn có những câu vần cách, cách hai chữ, ba chữ
May tay hơn hay thuốc
Đi chợ ăn quà, về nhà đánh con
Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão
Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm


Hoặc thể lục bát
Cá tươi thì xem lấy mang
Người khôn xem lấy hai hàng tóc mai
(Vũ Ngọc Phan)



Chùa Bích Câu
Chùa Bích Câu sát Quốc Tử Giám ở phố Sinh Từ, xưa có truyện Bích Câu Kỳ Ngộ với Tú Uyên gặp Giáng Kiều ở đây.


Bích Câu là tên tự, chữ Hán là Ngọc Hồ Tự, tên Nôm là chùa Bà Ngô. Tương truyền, chùa do một bà họ Ngô dựng lên, nhưng cũng có tích kể, người xây chùa là một bà có chồng người nước Ngô (tức Tàu thời Tam Quốc). 
Hiện nay chưa rõ tích nào đúng. 
(Nguồn: Diệp Hiền)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Một cây làm chẳng lên non
Càng đọc càng thấy tào lao
Ba cây chụm lại thành hòn núi cao
Thằng tao... chết liền



Chữ nghĩa làng văn 
Ảo thanh?
Đặc biệt, riêng có bài thơ Lá Diêu Bông, duy nhất bài này là những lời văng vẳng bên tai, từ đầu chí cuối, quá nửa đêm mùa rét 1959, trên giường ngủ, trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ 6 oát, bên cạnh người vợ đang ngủ ngon và các con những giường bên đang ngủ say (...). Giọng nữ vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ


Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bẫng, một lát sau tôi ngủ thiếp đi. 


Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ nọ như xoá mất chữ khác. Phải mất gần nửa tiếng đồng hồ, tôi mới tách được ra theo thứ tự đúng như những lời người nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm qua. 


Bài Lá Diêu Bông ra đời như vậy, nói có người không tin, nhưng tôi nghĩ bây giờ với vô thức luận, tâm linh học có thể lý giải được hiện tượng đó


Vậy nên, cái lá diêu bông là cái lá gì, ở đâu, nào tôi có biết. 
Thần linh đọc diêu bông, tôi chép diêu bông, thế thôi".
(Phanxipăng – Diêu bông rụng xuống lòng sông Đuống)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ


Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


nghiễm nhiên 儼 然 

Theo soạn giả, nghiễm nghĩa là hình như, giống như; nhiên nghĩa là như thường; và nghiễm nhiên có hai nghĩa; 1) tự nhiên được hưởng một quyền lợi; 2) không băn khoăn, không áy náy. 

Giải thích như thế chưa ổn. Nghiễm 儼 nghĩa là trang trọng, nghiêm túc, đoan trang. Về từ tố nhiên, chúng tôi đã nói rõ ở mục từ hồn nhiên, trong phấn này nghiễm nhiên có vẻ trang nghiêm một cách bình thản, làm cho mọi người phải ngạc nhiên. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Tác giả cuộc đời và sự kiện
Văn Cao bắn Đỗ Đức Phin 
Doãn Tòng, bạn đồng hành với Văn Cao trong đội trừ gian, thuật lại các sự kiện:
“Năm 1945, ở Hải Phòng có Đỗ Đức Phin là một tên mật thám cho Nhật – nó đã phá hoại nhiều cơ sở của ta, trên có lệnh phải trừ khử nó. Tháng 7-1945, Văn Cao trừ Đỗ Đức Phin. Việc này được đồng chí Nguyễn Khang -Xứ ủy Bắc Kỳ đồng ý. 


Nguyễn Đình Thi giao cho Văn Cao khẩu súng 7165. Tổ phân công cho em Trần Liễn là cô Liên thăm dò đường đi lối lại của Đỗ Đức Phin. Cô Liên chơi với em vợ Đỗ Đức Phin, nên rất tiện cho việc điều tra. Văn Cao, Trần Liễn có lần đã đến lớp học tiếng Nhật do Đỗ Đức Phin tổ chức nên biết mặt hắn. Hắn nghiện thuốc phiện, hay hút ở tiệm số nhà 51 phố Đông Kinh. Nắm chắc được cách đi lại ăn ở của hắn, tổ bắt đầu hành động.


Vào khoảng 6 giờ chiều một ngày tháng 7 năm 1945, trời nhá nhem tối, anh em cải trang cho Văn Cao thành một anh cai xe bận quần đen, áo va rơi, đầu đội mũ cát dầy, đeo đôi kính gọng. Hoá trang vào không ai nhận ra Văn Cao nữa. Văn Cao đạp xe đến phố Đông Kinh, vào ngồi ở một quán nước, đưa mắt quan sát. Khi Trần Khánh ra hiệu bằng cách nhẩy lò cò: có ý là Đỗ Đức Phin đang ở trên, Văn Cao bắt đầu hành động. Anh lên gác thấy rõ Đỗ Đức Phin đang nằm hút thuốc phiện. Bên cạnh là người bồi tiêm. Văn Cao bắn một phát vào đầu Đỗ Đức Phin, tên này gục xuống.


Tên bồi tiêm sợ quá, nhẩy qua ban công bám vào ống máng tụt xuống chạy biến. Một số đồng bào nghe tiếng súng nổ, chạy đến nhốn nháo. Văn Cao bình tĩnh nói: ”Xin mọi người ngồi im. Tôi chỉ diệt một tên Việt Nam bán nước thôi”.
Nói rồi dưới ánh đêm mờ mờ, Văn Cao nhẩy lên xe đạp đi về nhà tôi thay quần áo. Sau đó Văn Cao lên Hà Nội hoạt động, tôi ở Hải phòng”. (Doãn Tòng thuật lại, theo ghi chép của Bích Thuận, sđd, trang 197-198)

Hành động “trừ gian” này ở lại trong thơ Văn Cao như một lương tâm trầm uất suốt đời.
(Thụy Khuê)



Hiện tượng phản ngôn ngữ 

Hiện tượng phản-ngôn ngữ, vốn xuất hiện và phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, trong vài thập niên trở lại đây, có nhiều hình thức khác nhau.

Nhớ, lần đầu tiên tôi về Việt Nam là vào cuối năm 1996. Lần ấy, tôi ở Việt Nam đến bốn tuần. Một trong những ấn tượng sâu đậm nhất còn lại trong tôi là những thay đổi trong tiếng Việt. Có nhiều từ mới và nhiều cách nói mới tôi chỉ mới nghe lần đầu. Ví dụ, trà Lipton được gọi là “trà giật giật”; cái robinet loại mới, có cần nhấc lên nhấc xuống (thay vì vặn theo chiều kim đồng hồ) trong bồn rửa mặt được gọi là “cái gật gù”; ăn cơm vỉa hè được gọi là “cơm bụi”; khuôn mặt trầm ngâm được mô tả là “rất tâm trạng”; hoàn cảnh khó khăn được xem là “rất hoàn cảnh”; thịt beefsteak được gọi là “bò né”. Sau này, đọc báo trong nước, tôi gặp vô số các từ mới khác, như: “đại gia”, “chân dài”, “chảnh” (kênh kiệu), “bèo” (rẻ mạt), “khủng” (lớn); “tám” (tán gẫu); “buôn dưa lê” (lê la, nhiều chuyện), “chém gió” (tán chuyện), “gà tóc nâu” (bạn gái), “xe ôm” (bạn trai), “máu khô” (tiền bạc), “con nghẽo” (xe máy), v…v…


Trong các từ mới ấy, có từ hay có từ dở, tuy nhiên, tất cả đều bình thường. Ngôn ngữ lúc nào cũng gắn liền với cuộc sống. Cuộc sống thay đổi, ngôn ngữ thay đổi theo. Những sản phẩm mới, hiện tượng mới và tâm thức mới dẫn đến sự ra đời của các từ mới. Ở đâu cũng vậy. Tất cả các từ điển lớn trên thế giới đều có thói quen cập nhật các từ mới hàng năm. Có năm số từ mới ấy lên đến cả hàng ngàn. Việt Nam không phải và không thể là một ngoại lệ. Đối diện với những từ mới ấy, có hai điều nên tránh: một, xem đó là những từ ngớ ngẩn rồi phủ nhận tuốt luốt; và hai, xem đó là từ… Việt Cộng và tìm cách chối bỏ chúng.


Tuy nhiên, điều tôi chú ý nhất không phải là sự xuất hiện của các từ mới hay các tiếng lóng mới ấy. Mà là những cách nói mới, rất lạ tai, thậm chí, quái gở, phổ biến khắp nơi, ngay cả trong giới trí thức và văn nghệ sĩ tiếng tăm, đặc biệt ở Hà Nội .

(Nguyễn Hưng Quốc - Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam)




Từ điển và từ ngữ Việt Nam


Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


Chồng chéo (... ). Có mâu thuẫn với nhau: Đó là những vấn đề chồng chéo lên nhau

Thực ra, đây chỉ là chuyện cái này và (những) cái khác có những phần trùng lẫn với nhau chứ không nhất thiết «có mâu thuẫn với nhau».



Nam Kỳ Lục Tỉnh: Đất nước và con người 
Đất Nam Kỳ  
Ngày xưa, vùng đất hoang vu này được gọi là Thủy Chân Lạp  
Năm 1768, cuộc Nam Tiến của dân Việt coi như đã chấm dứt. 
Và cũng từ đó, đất Nam Kỳ nhiều lần được thay đổi tên gọi. 
• Năm 1808, dưới thời Gia Long, Nam Kỳ được gọi là Gia Định Thành bao gồm 5 trấn: Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường, Phiên An, Biên Hòa 
• Năm 1834, dưới thời Minh Mạng, 5 trấn được đổi thành 6 tỉnh. Danh từ Nam Kỳ Lục Tỉnh xuất hiện kể từ năm nầy. 
• Năm 1945: Nam Bộ. 
• 1948: Nam Phần 
• 1954: Miền Nam. 

Có lẽ địa danh Nam Kỳ tồn tại hơn 100 năm nên dịa danh lịch sử nầy đã được thường xuyên sử dụng bởi dân cả 3 miền Nam Trung Bắc. Nhưng sau nầy, khi nói Lục tỉnh, dân Saigon thường hiểu là miền Hậu Giang. 
(Lâm Văn Bé)

Không có nhận xét nào: