Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn XII - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Nghĩa Làng Văn XII 

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.

***
Hoa Lài

Con vợ khôn lấy thằng chồng dại 
Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu

Đừng lầm với hoa lài ướp trà, hoa trắng nhỏ thơm lừng, mà người Ấn Độ dùng xỏ xâu đeo cổ. Thực ra người Nam gọi gardenia tới ba tên, mẫu đơn, dành dành, bông lài trâu. Cây nhỏ, lá láng mọc đối và chùm ba, hoa trắng thật thơm, có nhiều tai.
(Võ Kỳ Điền - Thảo mộc trong cổ văn Việt Nam)

Hồ Xuân Hương… hóa 
Để hiểu quá trình dân gian hóa thơ được gọi là của bà Hồ Xuân Hương, hày tìm hiểu bài Chơi Đu của Lê Thánh Tông:
Bốn cột lang nha khéo trồng
đánh cái, ả còn ngong
Vái thổ địa, khom khom cật
Khấn hoàng thiên, ngửa ngửa lòng 

lang nha: đầu làng – đánh cái: chơi đu –Ngong: là ngóng.
Bài thơ rất gợi hình lúc cái đu đánh xuống, người cúi xuống…vái đất. Khi cái đu hất lên, người ngửa ra… khấn trời.
Hai câu thơ tài tình của vua Lê bị “Hồ Xuân Hương hóa” với:
Trai cong gối hạc, khom khom cật
Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng
(Trần Nhuận Minh – Tạp chí Tân Văn)

      Chữ là Nghĩa      

Hỏi:
- Đang tìm hiểu tại sao chữ… “Vũ” được dùng ở miền Bắc và miền Nam lại dùng chữ…“Võ”.

Đáp:
- Cái nầy tôi có đọc ở đâu mà quên mất rồi, sỡ dĩ miền Nam gọi “Vũ” là do thằng chả nào đó trong triều đình nhà Nguyễn có tên là “Vũ” mà người Việt mình kỵ gọi tên nên dân chúng sợ "tru di tam tộc" mà đọc thành “Vũ” cho "yên bề gia thất".

Chữ Nghĩa Làng Văn 
Hoàng Xuân Hãn năm 1952 với cuốn Chinh Phụ Ngâm dị khảo đã khẳng định rằng: Bản dịch Chinh Phụ Ngâm lâu nay nhiều người vẫn cho là của Đoàn Thị Điểm, theo ông đích thực là của Phan Huy Ích. Ông đã dựa vào tài liệu của con cháu họ Phan, năm 1926 Phan Huy Chiêm đã biên thư cho Tạp chí Nam Phong nhận rằng: Dịch giả bản Chinh Phụ Ngâm nói trên là của Phan Huy Ích. Nhưng tài liệu ấy lại không có văn bản gốc (nguyên văn thủ bút hay bản khắc ván chữ Nôm đầu tiên của dịch giả) mà đó chỉ là bản dịch Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Latinh (chữ Quốc ngữ).
(Nguyễn Khôi – Chinh Phụ Ngâm do Đoàn Thị Điểm dịch)

Chữ Việt Cổ
Dối em : ru em
(Phạm Xuân Độ)

Câu Đối Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Anh tiểu thương thương chị tiểu thương, thương rồi lại tiểu, tiểu rồi lại thương.
Anh cứu thương thương chị cứu thương, thương rồi lại cứu, cứu rồi lại thương.

Cái Chết Của Tác Giả “Tắt Đèn”
Ngô Tất Tố (1894-1954) là nhà Nho học vào giai đoạn trước năm 1954. Ông tiêu biểu cho giai đoạn giao thời, dung hoà sự tương thích giữa nền văn hoá mới và cũ. Ông còn đuợc xem là nhà văn hàng đầu của trào lưu “hiện thực phê phán” ở Việt Nam với các tác phẩm tiêu biểu như Tắt Đèn, Lều Chõng, Việc Làng, v…v…
Tác phẩm Tắt đèn của ông đuợc đưa vào sách giáo khoa. Tuy nổi tiếng thế nhưng không có nguồn tin chính thức nào về cái chết của ông. Mãi đến nay, nhà văn Thái Doãn Hiển cho biết như sau:
“Gần đến chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội Văn Nghệ Việt Nam họp trên đồi Nhã Nam. Cuộc đấu tố của văn nghệ sĩ diễn ra gay gắt căng thẳng. Nguời ta vu cáo những chuyện tày trời, quyết liệt dồn Ngô Tất Tố vào chân tuờng với tội “phục cổ”.

Và nhà văn Ngô Tất Tố đã qua đời vào đêm 20 tháng 4 năm 1954 do thắt cổ tại nhà riêng ở Yên Thế, Bắc Giang.
Cái chết tức tuởi của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ ở xã địa phuơng từ chối không cho chôn”. 
(Nghiệp Văn, Nghề Báo: Ngô Tất Tô - 2014)

Ca Dao Thề Nguyền
Vàng mười chẳng sợ lửa hui
Việc chi thề thốt chú với tui răng hè
Lương tâm mô mà rứa với tê
Việc đời ai biết có khi hè, khi đông

Chữ là Nghĩa  
Cao Bá Quát bất mãn với triều đình Tự Đức, quay sang chửi đời:
- Tưởng đến khi vinh hiển đã an tường 
Song nghĩ lại trần ai không đếch chỗ. 
(Tài Tử Đa Cùng Phú) 
Ông mộ quân nổi lên chống lại triều đình. Nhưng cuối cùng thất bại. Hoàng Xuân kể nhiều chi tiết về cái chết của Cao Bá Quát:
- Cao bị bắt giam tại ngục Sơn Tây, rồi bị đóng cũi giải vào Huế. Tới kinh, Quát bị bỏ ngục chờ ngày hành quyết. Nằm trong ngục, Cao Bá Quát tự nhạo cái mộng đế vương của mình:
Một chiếc cùm lim chân có đế 
Ba vòng xích sắt bước thì vương 

Sau được lệnh của triều đình, người ta giải ông cùng hai con (Bá Phùng và Bá Thông) về quê nhà để hành quyết. Trước khi thọ hình, ông cũng còn ứng khẩu ngâm hai câu chửi rủa:
Ba hồi trống giục, đù cha kiếp 
Một nhát gươm đưa, bỏ mẹ đời(1).
(1) - Hoàng Xuân, Cao Bá Quát thi tập, Á Châu, 1959, tr. 7.

Lãng Nhân viết giống Hoàng Xuân, trừ hai câu thơ sau.
Ba hồi trống giục mồ cha kiếp 
Một nhát gươm đưa đ. mẹ thời (2)

Lãng Nhân chú: Thời là thời thế, mà lại là tên vua Tự Đức. (2).
Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho, Nam Chi tùng thư, 1966.

Cả hai giai thoại của Hoàng Xuân và Lãng Nhân đều hay nhưng... không đúng. Sử nhà Nguyễn chép Cao Bá Quát bị "Phó lãnh binh ở Sơn Tây là Lê Thuận Đại đem quân tới đánh, Bá Quát bị thua chết ở trận. (...) Việc đến tai vua, sai đem thủ cấp Bá Quát truyền giao cho các tỉnh Bắc Kỳ bêu lên rồi xé xác vất xuống sông.
Minh Mạng năm thứ 15 (1834) Bá Đạt cũng đỗ hương tiến trải làm tri huyện Nông Cống. Vì cớ của Quát cũng mắc tội chết, dân ở huyện lấy làm thương có lập đền thờ" 

Bốn câu " khẩu khí " của giai thoại đã được người đời sau làm, rồi đem gán cho Cao Bá Quát 
(Chửi thề, văng tục – Nguyễn Dư)

Dê…
Bà Hồ Xuân Hương có câu “Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa”.
Tàu có câu “Đê dương húc phiên” nghĩa “dê đực húc giậu”.

Chữ và Nghĩa 
Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ. Giới biên soạn sách giáo khoa khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp. Chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ. 

Ếch tháng ba, gà tháng bảy  câu chê bai cửa miệng của đông đảo người Việt sành ẩm thực. Vậy mà một giáo trình về văn hoá học Việt Nam phổ biến rộng khắp trong cả nước lại ngang nhiên coi đây là hai món ăn khoái khẩu nhất của đồng bào mình. Chắc tác giả ấy đã quên mất giữa thời buổi hiện nay: tháng ba và tháng bảy/tám là thời kì giáp hạt hằng năm. Vào dịp này, ngay cả con người cũng còn lay lắt vì thiếu đói, huống hồ là gà và ếch. 

Câu Đối Lơ Ngơ Láo Ngáo
Con cóc cái ngồi trên cái cốc
Con cầy tơ đứng dưới cờ Tây  


Vắng Như Chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh thứ hai ở Hà Nam đi từ thành phố Phủ Lý rẽ vào quốc lộ 21, đi cầu Quế khoảng hơn 1km, sẽ thấy chùa Bà Đanh thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây. Ngôi chùa u tịch nhìn ra con sông Đáy trôi chảy hiền hòa.
Đi qua chiếc cầu treo Cấm Sơn bắc qua sông Đáy, có tấm biển bằng đá ghi “Chùa Bà Đanh và núi Ngọc”. Chùa Bà Đanh thuộc địa phận thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Chùa Bà Đanh từ xa xưa gắn liền với câu thành ngữ “vắng như chùa Bà Đanh”. Nhiều người cho rằng chùa ở xa dân cư, cách trở núi sông, nên ít người lui tới. Dù giải thích thế nào thì nguồn gốc câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” vẫn là một bí ẩn!

Giai Thoại Làng Văn Xóm Chữ
Toàn chó cả thôi
Ích Khiêm người làng Phong Lệ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vốn dòng dõi người cao nguyên, trước họ Ong đến đời Tự Đức thi đỗ cử nhân, vua cho đổi thành họ Ông.
Bấy giờ vua Tự Đức đã mất, triều chính rối loạn, Tường Thuyết chuyên quyền, văn thần võ tướng chỉ là một lũ cầu an không ai lo đến việc nước. Ông bực dọc bèn đặt ra một tiệc mời khắp mặt đại thần tới dự. Các món ăn đều làm bằng thịt chó. 
Lúc vào tiệc, nhiều người không ăn được thịt chó, ngập ngừng hỏi món ăn khác, thì ông trả lời: 
- Bẩm, bữa cơm hôm nay toàn chó cả thôi. 

Cơm xong, các quan gọi nước, mãi không thấy người nhà đưa lên. Vì ông đã dặn trước đừng đưa nên ai nấy đều khô cổ vì rượu. Một lúc sau, người nhà lên ông mắng ầm: 
- Lũ chúng bay chỉ biết ngồi ăn hại, còn thì không biết việc nước là gì cả. 
Các quan đều tím mặt.
(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc – Giai thoại làng nho 1963)

Ri
Ri : rừng
(gà ri, heo ri)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

119 Chữ Nghĩa Làng Văn Xóm Chữ
Mình thử nhấc lên đã lè lưỡi, nặng quá là nặng. Mình vừa thở vừa nói xe này đúc bằng sắt hay sao, nặng như chiếc xe máy. Anh Quán cười nhẹ, nói thì bằng sắt chứ sao, có tí nhôm nào đâu, có rứa mới gọi là xe trâu. Anh lôi chai rượu vừa kiếm đâu về rót ra hai ly, nói uống đi. Xe này anh kiếm được thời viết văn chui đấy, chuyện hay lắm.

Anh kể đâu như năm 69-70, đến chơi nhà Trần Dần, anh thấy có tờ báo Phụ Nữ Liên Xô, vừa lật vài trang chợt thấy thông báo thể lệ cuộc thi viết về Lê Nin. Ngó xuống phần giải thưởng, giải khuyến khích là đồng hồ báo thức, bút máy, và một vài thứ khác. Lập tức anh về nhà viết ngay, quyết giành cho được cái giải khuyến khích. Chừng hai ngày anh viết xong cái truyện Như Con Cò Vàng Trong Cổ Tích. Tất nhiên anh không lấy tên thật. Anh thư vào Nghệ An cho chú em họ đang làm công nhân lâm trường gì đấy, xin phép được lấy tên anh ấy. Sở dĩ anh lấy tên chú em họ, vì anh không dám mượn tên mấy ông bạn nhà văn anh vẫn mượn tên, hơn nữa lấy tên một người thuộc giai cấp công nhân chắc người ta sẽ ưu tiên hơn. Mới gửi thì thấp thỏm lắm, thỉnh thoảng có bưu tá gọi ra ngõ lấy thư, trống ngực đập to hơn trống làng, cứ tưởng bở thư chú em họ báo tin giải thưởng. Hơn nửa năm vẫn biệt vô âm tín, tuyệt vọng luôn. Trách mình to đầu mà dại, tự nhiên đơm đó ngọn tre, đấu với các anh tài của cả 12 nước XHCN, cái giải rút cũng đừng có mà mơ.
(Chuyện đời vớ vẩn của Nguyễn Quang Lập) 

Chữ Nghĩa Làng Văn 

Câu đối chết:

Những câu đối với vế ra chưa có vế đối thât chỉnh, gọi là câu đối chết. Thí dụ 
Trời mưa đất thịt trơn như mỡ, đến hàng nem chả muốn ăn.
Chữ dò có nghĩa hỏi han, mò mẫm để biết tình hình. Nếu phát âm theo kiểu miền Nam nước ta thì dò cũng có nghĩa là món giò! Chả là không, chả còn là món ăn
Vế ra gồm các món ăn: thịt, mỡ, giò, nem, chả.
(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)

Tchya Đái Đức Tuấn


Trước sự ra đi của ông, ngày 10 tháng 8, 1969 tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi Sài Gòn, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã đến bên mộ - vây quanh bởi các danh nhân tài tử miền Nam, “rưng rưng mắt lệ đọc mấy lời thống thiết trước quan tài Tchya”:

Đành lẽ “trót sinh giàu cảm lụy
Dẫu tàn thân thế khó quên nhau”
Mai hoa tái thế bao giờ nữa?
Minh nguyệt tiền thân biết hỏi đâu?
Tàn cuộc văn chương từng góp lệ
Tàn đêm lữ thứ lại chung sầu
Tàn đi mãi đấy hồn phong nhã
Tàn cả rồi chăng lớp biển dâu
Và cũng tàn theo ba tiếng khóc
Ngấm vào ba thước đất vùi sâu
Tàn mai tàn nguyệt tàn cơn mộng
Anh đợi gì chưa nổi trống chầu?
(Chuyện bút hiệu nhà văn - Viên Linh)

Những bậc thầy trong văn xuôi của tôi 
Nguyễn Tuân
Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến chữ, chữ của anh cũng như tác phong của anh, chẳng ai học được. Tôi nghe anh Kim Lân nói trước 45 anh ăn cơm, gắp cọng rau muống luộc để vào chén, khoanh vòng tròn thật khéo, rồi mới và vào miệng, mà nhai cũng chậm chạp từng tí một như để thưởng thức cái ngon của cọng rau, chớ không ăn nhanh như ta. 

Anh Kim Lân thì kính trọng Nguyễn Tuân như bậc thầy. Một tiếng đều “cụ Tuân” hai tiếng cũng “cụ Tuân”. Anh còn bảo: Thời đó, anh văn sĩ nào được cụ ấy gọi tới mà “mắng” cho là hãnh diện lắm! Tôi không hỏi thêm chi tiết, nhưng đồ chừng rằng cái uy tín của Vang Bóng Một Thời, lớn quá, nên mới có chuyện như vậy. Mà có vậy thì cũng chẳng có gì là quá đáng. Một hôm, chính tai tôi nghe, mắt tôi thấy Nguyễn Tuân phát biểu trước toàn Hội Nhà Văn:
– Văn chương của ta nó vừa nhạt lại vừa nhẽo. (Nhạt nghĩa đằng nhạt, nhẽo có nghĩa đằng nhẽo).
Rồi lại nói:
– Còn sách in ra thì không ngồi được, ngồi còn không được, nói chi đến đứng? Cho nên nó chỉ nằm trong hiệu sách.

Đó là chữ của Nguyễn Tuân. Ngoài ra anh còn chẻ những chữ ra, ví dụ: Cái báo, cái chí của ta… Báo khác, chí khác nhưng ta có thói quen gộp chung: báo chí.
Nói đến Nguyễn Tuân là nói đến chữ, sự tưởng tượng và hình tượng. Tôi vừa mới đọc lại Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, và Vang Bóng Một Thời,. Tôi cho rằng những chuyện trong Vang Bóng Một Thời, là những chuyện bịa y như thật. Một anh đao phủ chém đầu người không cho rụng, vì còn dính một làn da mỏng ở cổ – gọi là chém treo ngành. Nghĩa là cái thủ cấp thay vì rơi xuống đất còn dính ở cổ, lung lơ lủng lẳng. 

Ở thời nào có cái lối hình phạt lạ kỳ ấy? Thời phong kiến chỉ có các hình phạt đại khái như là chém đầu, chém ngang lưng, xử lăng trì, xử bá đao, chớ đâu có cái lối “chém treo ngành”. Vậy đó là sự bịa tạc của Nguyễn Tuân thôi. Trên 10 chuyện, chuyện nào cũng do óc tưởng tượng, nhưng tưởng tượng có lý căn cứ trên cái vốn sống và cái tính lãng mạn của tác giả.
(Xuân Vũ)

Hiện Tượng Phản Ngôn Ngữ 

Lúc ở Hà Nội, một trong những từ tôi nghe nhiều nhất là từ “vô tư”. Nó được dùng một cách lạm phát.  Cái gì cũng “vô tư”. Bạn bè, gồm toàn các giáo sư và nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội, rủ tôi vào quán thịt cầy. Thấy tôi thoáng chút ngần ngại, họ liền nói: “Cứ vô tư đi mà! Thịt cầy ở đây ngon lắm!” 
Sau khi uống vài ly rượu, cảm thấy hơi chếnh choáng, tôi xin phép ngưng, họ lại nói: “Không sao đâu, cứ vô tư uống thêm vài ly nữa cho vui”. Cuối tiệc, tôi giành trả tiền, họ lại nói: “Không, bọn tôi đãi, anh cứ vô tư đi”. 

Cứ thế, suốt bữa tiệc hai ba tiếng đồng hồ, tôi nghe không dưới vài chục lần từ “vô tư”

(Nguyễn Hưng Quốc - Hiện tượng phản-ngôn ngữ ở Việt Nam)


Tác giả cuộc đời và sự kiện
Phạm Cao Củng: Thuở Vào Nghiệp Văn
Chơi rồi viết, viết rồi chơi, ông trượt kỳ thi kết thúc bậc Thành chung. Không vui không buồn, ông nằm nhà quay sang viết thư trêu Tú Mỡ. Tú Mỡ thời điểm này, lừng lững tiếng tăm. Số là Tú Mỡ có viết bài thơ nhại giọng thi sĩ Tản Đà in trên tờ Phong Hóa, miêu tả tâm trạng thèm ăn rau sắng chùa Hương quá mà không có cô gái mến thương nào gửi tặng. 
Nhà văn Lê Tràng Kiều bảo với Phạm Cao Củng: “Anh chàng Tú Mỡ này vô duyên quá, bây giờ có phải là mùa rau sắng đâu, chỉ có rau muống thôi”. Phạm Cao Củng nghe xong cứ nhớ mãi. Ông mua ít rau muống kèm theo mấy chục quả mơ, vài miếng gỗ lão mai để pha trà gửi đến tòa báo Phong Hóa tặng Tú Mỡ, kèm theo bài thơ tha thiết với đại ý đọc thơ thấy Tú Mỡ thèm rau sắng, thương quá mà không biết làm sao. Ngặt nỗi, không phải mùa rau sắng nên chỉ tặng rau muống để tỏ lòng nhau. Phía dưới bài thơ ký tên, Phạm Thị Cả Mốc, lại cẩn thận ghi chú: Người tình nhân không quen biết.

Tú Mỡ nhận được món quà ấy, cảm động đến độ biên thơ trên báo Phong Hóa cảm tạ một tấm chân tình: “Mớ rau sông Vỵ xu hai/ Hãy xin tạm lánh kẻo ai giận lòng”. Mãi về sau này khi danh tiếng lẫy lừng rồi, Phạm Cao Củng mới biết cái tên Phạm Thị Cả Mốc đã ám ảnh Tú Mỡ suốt một thời gian vì tơ tưởng cho đến khi Thế Lữ đánh tiếng Phạm Thị Cả Mốc chính là Phạm Cao Củng, Tú Mỡ bần thần đau xót khôn nguôi.

*** 
Phạm Cao Củng bắt đầu viết truyện trinh thám, nhân vật chính có tên là Kỳ Phát, mang hơi hướng của kẻ trộm hào hoa bay bướm trong tiểu thuyết Pháp Arsène Lupin. Kỳ Phát là cậu bạn học ngoài đời của Phạm Cao Củng, Đặng Kỳ Phát. Theo miêu tả của ông thì Đặng Kỳ Phát trắng trẻo dễ thương như con gái, hết sức yêu mến Phạm Cao Củng. Ở lớp thì ngồi cạnh nhau, về đến phòng thì kê sát giường trò chuyện.

Viết xong, chuyển cho tuần báo Loa của Dương Mậu Ngọc (bút danh Côn Sinh) tại Hà Nội, truyện in dài kỳ. Dương Mậu Ngọc đọc xong thì mê lắm, viết thư về trường mời bằng được Phạm Cao Củng ra Hà Nội để bàn bạc công việc. Hẳn nhiên, ở cuộc gặp đầu tiên này, Dương Mậu Ngọc hào hứng giữ Phạm Cao Củng trò chuyện đến hơn 1 giờ sáng mới cho về. Trước khi về, vui chuyện Phạm Cao Củng tự thú ông chính là Phạm Thị Cả Mốc, người tình không quen biết của Tú Mỡ. Nghe Phạm Cao Củng tự thú, Dương Mậu Ngọc bèn yêu cầu Phạm Cao Củng ngồi yên để ông vẽ chân dung Phạm Thị Cả Mốc thông qua hình ảnh của Phạm Cao Củng.
Bức họa sau đó được in nguyên trang trên Tuần báo Loa với hình ảnh nhân vật một nửa đàn ông một nửa đàn bà, tay cầm nón quai thao tay cầm mặt nạ, tóc đuôi gà vương vấn ngang vai, chú thích: “Chân dung Phạm Thị Cả Mốc”. Thế Lữ trách bức họa này lắm, vì chính bức họa này đã khiến cõi lòng nhà thơ Tú Mỡ nát tan. 
(Ngô Kim Luân)

Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Câu ”Văn là người” của Baffon cách đây ba thế kỷ.

Nguồn Gốc Tộc Việt 
Gần đây cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc. Một trong những thành tích về vấn đề này cần được lưu ý là quyển Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam của Nguyễn Khắc Ngữ do Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa Việt Nam xuất bản tại Montréal (Canada) năm 1985. Nói là đáng lưu ý bởi quyển sách nhỏ này trình bầy những dữ kiện và áp dụng một lối lý luận rất khoa học. Theo Nguyễn Khắc Ngữ thì: “đại để có thể chia các giả thuyết (nguồn gốc dân tộc Việt Nam) thành bốn loại tiêu biểu:
- Giả thuyết con Rồng cháu Tiên
- Giả thuyết Bách Việt
- Các giả thuyết của các tác giả miền Nam
- Các giả thuyết của các tác giả miền Bắc”.

Phân chia như vậy e rằng vừa thiếu lại vừa dư. Quá thiếu vì nếu cứ ý kiến của một tác giả được kể như một “giả thuyết” thì bảng liệt kê trên còn thiếu nhiều giả thuyết chưa kể ra. Quá dư vì những giả thuyết mà Nguyễn Khắc Ngữ gọi là giả thuyết Bách Việt, giả thuyết của các tác giả miền Nam, miền Bắc… thực ra chỉ là con đẻ của một trong hai thuyết.
(Nguồn: Cung Đình Thanh)

Ca Dao
4. Hình thức nghệ thuật của ca dao:
Ca dao thường là những bài ngắn, hai, bốn, sáu, hoặc tám câu, âm điệu lưu loát và phong phú.
Ca dao dùng hình ảnh để nói lên những cái đẹp, những cái tốt, nhưng cũng có khi để nói về những cái xấu, nhưng không nói thẳng. Nhờ phương pháp hình tượng hoá, nên lời của ca dao tuy giản dị, mà rất hàm súc.
Người con gái không được chủ động trong việc hôn nhân, đã ví mình như hạt mưa:
Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa

Hay để tả một tình yêu trong trắng mới chớm nở của đôi lứa, ca dao nói:
Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu

Đến như tả hạng người ngu đần, ca dao cũng đã đưa ra những hình ảnh táo bạo:
Mặt nạc đóm dày
Mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn.
(Vũ Ngọc Phan)

Chữ Nghĩa Lơ Mơ Lỗ Mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.

ngoại diên 外延 
Soạn giả giảng rằng, ngoại = ngoài, diên = noi theo, và, ngoại diên là một từ triết học, chỉ toàn thể hiện tượng và hình thức bao gồm trong một khái niệm. Thật ra, đây là một thuật ngữ logic học, và nên được định nghĩa như sau: ngoại diên là tập hợp tất cả các đối tượng có các thuộc tính chung được phản ánh trong một khái niệm. Ngoài ra, ông đoán sai nghĩa của chữ “diên”. Chữ “diên” nghĩa là kéo dài, khác hẳn với chữ “duyên” nghĩa là “noi theo”. 
(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Chữ Nho
Có thể coi “Nho học”, nghĩa gốc của từ “Nho” trong tiếng Hán là “Sách” viết theo chữ Hán. Người Việt không gọi chữ  đó là chữ Hán mà lại gọi là chữ Nho và “Nho giáo” là để chỉ lối học hành bằng chữ tiếng Hán, những người có học thức “Nho sĩ” là người đọc sách Nho, như người học nhữ Hán là “Nho sinh”, “Nho gia.”
 

Nghĩa gốc xa xưa của chữ “nho” trong tiếng Hán vốn chỉ người có học thức. Sách “Pháp ngôn” có câu: “Thông thiên địa nhân viết nho” (người thông tỏ mọi lẽ của trời, đất, người, gọi là nho). Về sau, “nho” thường được dùng để chỉ các Nho gia.
(Nguyễn Trung Thuần – Tại sao gọi là “chữ nho”?)

Chân Nam Đá Chân Xiêu
Nhờ vào từ "đá" đứng giữa hai vế mà người ta hiểu nghĩa đen của thành ngữ này là "chân nọ đá vào chân kia", và do từ "chân xiêu" một cách đơn thuần là "xiêu xẹo" nên người ta hiểu nghĩa bóng của thành ngữ là "đi đứng không vững vàng". Nhưng tại sao "chân nam" lại là chân này và "chân xiêu" lại là chân kia ?

Thực ra, "nam" là do "đăm", còn "xiêu" là do "chiêu" đọc chệch mà thành. "Đăm" và "chiêu" là hai từ cổ thuần Việt có nghĩa "bên phải" và "bên trái". Từ điển "Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) còn ghi: "đăm" là "tay mặt, tay hữu"; "chiêu" là "tay trái, tay tả". "Đăm" và "chiêu" còn thấy ở nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như:
"Tay chiêu đập niêu không vỡ" hoặc "Gà kia mày gáy chiêu đăm - Để chúa tao nằm, tao nghỉ chút nao".
"Đăm", "chiêu" trong "gà gáy chiêu đăm" hoặc suy nghĩ "đăm chiêu" với nghĩa đen là "phải trái" để mang nghĩa bóng là "lo nghĩ vất vả, lo nghĩ trước sau". (Từ điển Khai Trí Tiến Đức 1932). 

Như vậy thành ngữ "chân nam đá chân xiêu" đúng phải là "chân đăm đá chân chiêu" tức chân phải đá chân trái để chỉ "trạng thái đi đứng không vững vàng". Như: 
“Cụ Bèo đi bán củi ở chợ Nghệ về, đã làm mấy chén rượu ở chợ, chân đăm đá chân chiêu về đến nhà". (Quang Dũng-"Nhà đồi").

Sau nữa, nếu say sưa cũng "chân nam đá chân xiêu" thì đây là nghĩa thứ hai của thành ngữ: 
"Nhà Chỉn cũng nghèo thay! Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc". (Nguyễn Khuyến)

Nam Kỳ lục tỉnh: Đất Nước Và Con Người
Người Nam Kỳ 
Bàn về bản chất của người Nam Kỳ, tôi xin mượn hai tài liệu xưa. Trong Gia Định Thành thống chí của Trịnh Hoài Đức viết vào khoảng năm 1820 có đoạn: Vùng Gia Định nước Việt Nam đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống buông thả, quen thói bốc rời (trời). Người tứ xứ. nhà nào tục nấy... Gia Định có vị trí nam phương dương minh, nên người khí tiết trung dũng, trong nghĩa khinh tài.... 

Trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, của bất trắc, lưu dân cần sống có nhau, tương trợ nhau. Do đó, khi mới gặp nhau, dù chưa quen biết nhau, dân Miền Nam đều cơm nước trà rượu như đã là bà con cật ruột. 
Ví dầu cầu ván đóng đinh 
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi 
Khó đi mượn chén ăn cơm, 
Mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi. 

Biểu hiện của tính hiếu khách là các tiệc tùng, họp bạn. Dân Nam Kỳ hay ăn nhậu, đờn ca xướng hát. Nhưng phải hiểu rằng dân Nam Kỳ hôm nay là dân Thuận Quảng khi xưa. Xa quê cha đất tổ, người lưu dân, sau những ngày làm việc cực lực hay sau những cơn hiểm nguy, cần có những phút giây để tâm sự hàn huyên, kể cho nhau nghe kỷ niệm xưa để vơi phần nào nỗi sầu ly hương. 
Từ những chung rượu cay ở bờ rừng đến những đám cúng đình, đám giỗ, có đờn ca xướng hát, người dân Nam Kỳ tìm trong những dịp gặp gỡ ấy để kết bạn. Sơn Nam trong Cá tánh của miền Nam đưa ra thêm một lời giải khác về bản tánh hiếu khách, tứ hải giai huynh đệ của người Miền Nam. Theo ông thì: 
Thiên Địa Hội tạo ra một nếp sanh họat sâu đậm khá hấp dẫn: ăn cơm nhà lo chuyện ngoài đường, sống chết nhờ anh em, tận tình giúp đỡ bạn. Trút tất cả tâm sự với bạn kết nghĩa thì không có gì đáng ngại, đã là bạn với nhau rồi thì làm sao có chuyện phản bội. Gặp chuyện bất bình, hoặc như bạn nào bị kẻ khác ăn hiếp thì nổi nóng, trả thù cho bạn vô điều kiện, đó là đạo nghĩa giang hồ, là điệu nghệ giữa anh em kết nghĩa, tứ hải giai huynh đệ (tr. 106). 

Thiên Địa Hội, là một thứ hội kín người Tàu phò nhà Minh, liên kết nhau với một kỹ luật thật chặt chẽ để giúp đỡ nhau (những chùa miễu, xí nghiệp Tàu đều có tiền của Thiên Địa Hội), ảnh hưởng nhiều đến dân Minh Hương và cả người miền Nam. 

(Lâm Văn Bé)


Không có nhận xét nào: