Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Những Nỗi Đau Tháng Tư: "Thiên Đường" Hạ Giới - Vhp.Hạ Vũ

Những Nỗi Đau Tháng Tư:
                       "Thiên Đường" Hạ Giới
Hồng tiếp tục gởi cho Quang những gói quà “cứu đói” 5 kí-lô mỗi ba tháng theo quy định của Nhà Nước Cộng Sản, có kèm những lá thư vừa “hô khẩu hiệu” vừa nói lóng.  Quang không nói gì trong thư hồi âm nên Hồng nghĩ bọn cai tù không hiểu những gì nàng ám chỉ trong thư  và vì thế nàng “đường ta ta cứ đi, việc ta ta cứ làm” cho đến một ngày Hồng nhận thư  của Quang được gởi từ một đơn vị bộ đội mà tên người gởi ghi ở bì thư  hoàn toàn xa lạ với nàng.  Trong thư Quang báo tin anh đã được chuyển trại về Nam và anh sẽ ném bức thư này ở một ga xe lửa với hi vọng đồng bào nhặt được gởi giùm.  Hồng nghĩ có lẽ một cậu Nghĩa Vụ Quân Sự nào đó nhặt được và gởi lá thư này đi.  Qua sự kiện này, tấm lòng người dân Miền Nam vẫn còn đầy ắp tình thương mến những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. 
........................
Khi Nhà Nước nhận đơn xin đoàn tụ, Sở Giáo Dục Thành Phố lại chỉ thị rằng các thầy cô giáo  nạp đơn xin đi nước ngoài sẽ không đủ tư cách để đứng trên bục giảng.  Hồng đành phải từ giã nghề dạy học, chuyên tâm ra chợ trời “phe phẩy,” nhập bọn với nhóm của Cẩm Vân.

Hằng ngày Hồng lên xe buýt ra chợ trời Tân  Định, chợ Bà Chiểu, hoặc chợ Huỳnh Thúc Kháng, có khi xa hơn như chợ Kim Biên…  Hôm ấy nàng vừa xuống trạm chợ Tân Định liền gặp Cẩm Vân bước tới tươi cười nói:
– Này Hồng, có người giới thiệu mình một mối làm ăn khá lớn, buôn bán một số mặt hàng y tế.  Ngày mai đi gặp người ta.  Mi muốn không, mai theo ta.
Hồng đáp:
– Em thấy buôn bán như vầy cũng đủ sống rồi.  “Tri túc tiện túc” chị à.  Vả lại em cũng được chồng “chi viện” chút đỉnh để nuôi con.
– Đừng ỷ lại vào chồng, Hồng ơi.  Theo mình biết, hồ sơ đoàn tụ đang bị đình chỉ vì Mỹ – Việt đang cò kè bớt một thêm hai, không biết chừng nào mới thỏa thuận xong.  Những trại tị nạn ở các nước láng giềng đã đóng cửa.  Thuyền nhân biểu tình rần rần, nghe phát rầu. Bây giờ muốn đi được chỉ còn nước “chạy” diện xuất ngoại trị bệnh, đương nhiên là tốn “cây.”  Mình đang làm hồ sơ đây, để xem có được không.  Nếu được, mình giới thiệu “đường dây” cho Hồng.  Lẽ dĩ nhiên là cần tiền đó, ráng mà kiếm để cho… người khác hưởng, nếu muốn đoàn tụ với chồng.
Nghe chị nói vậy, Hồng thấy sao cay đắng trong lòng nhưng không nói ra.  Nàng chỉ cần đem con ra khỏi cái “Thiên Đàng” khắc nghiệt này.  Nàng sẽ đứng trên đôi chân mình, không cần dựa vào ai cả.  Nghĩ đến đó, Hồng gật đầu nhận lời.
Chị Cẩm Vân nói tiếp:
– À, còn một chuyện này nữa suýt chút xíu mình quên.  Báo tin “hồ hỡi phấn khởi” cho “cưng” đây.  Sáng, đứa em Thiếu Tá “Giặc Lái” của mình, sau  mười năm học tập đã “tốt nghiệp” Đại Hộc Máu  với bằng cấp “Hậu Tiến Sĩ” vừa “vinh quy bái tổ” ngày hôm qua.  Như vậy cũng mừng, có lẽ Mỹ – Việt thỏa hiệp được điều gì đó rồi.  Hi vọng những “xanh (xao) viên” của trường “Đại Hộc” này từ từ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp, ra trường hết ráo, trong đó có anh chàng Quang của mi.
– Em xin chia vui với chị, cho em gởi lời chúc mừng tới anh Sáng , nghen.
– Thôi mình đi chạy hàng đây, tới giờ hẹn rồi.  Nhớ đúng hẹn ngày mai, 9 giờ sáng tại chỗ này.
Hồng ngẩn ngơ bước vào chợ Tân Định. Tin Sáng được về khiến Hồng chạnh lòng nhớ tới Vũ, người bạn hàng xóm của nàng, một Sĩ Quan Báo Chí xuất thân trường Thiếu Sinh Quân và Võ Bị Đà Lạt. Anh bất khuất, không chịu cảnh bó thân vào rọ, đã can đảm vượt ngục nhưng đau đớn thay chuyện bất thành!
Hồng nghe được tin buồn này từ một người bạn tù của Vũ. Sau khi được thả về anh ta đến thăm và cho gia đình Vũ hay rằng, ngay hôm bắt được Vũ chúng nó đóng vội vàng một trụ gỗ ở sân trại, bắt tất cả tù trong trại ngồi chứng kiến cảnh xử tử để răn đe họ. Chúng còn bố trí sẵn vợ con anh em của chúng  giả danh “nhân dân”  làm cò mồi.  Vũ can đảm nhận mình là người tổ chức cuộc vượt ngục và đi đoạn hậu để hai người bạn tù được thoát.  Anh đã bị chúng “đánh hội đồng” bầm giập đến nỗi chân đứng không vững.   Cuộc tra khảo dã man của thời Trung Cổ được thực hiện ở cuối Thế Kỷ Hai Mươi tại nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của các “Đỉnh Cao Trí Tuệ Loài Người!” và "Lương  Tâm Nhân Lọai".  Sau khi không khai thác được gì, chúng mang anh ra pháp trường trong lúc bọn giả danh nhân dân vung tay hò hét: “Giết!… giết tên phản động… giết!… giết chết nó!” Chúng trói chân Vũ, bẻ quặt hai tay anh ra sau trụ gỗ hành quyết trói lại.  Sợ Vũ chửi “Cách Mạng,” chúng nhét một trái chanh vào miệng anh và lấy vải bịt chặt lại.  Tuy không nói được nhưng anh vẫn biểu lộ sự can trường và lòng uất hận của mình qua những âm thanh tắt nghẹn trong cổ họng.   Mắt anh tóe lửa nhìn trừng trừng vào mặt kẻ thù. Chúng lấy mảnh vải đen che kín đôi mắt căm hờn đó lại mặc tình cho Vũ lắc đầu, mạnh mẽ phản đối.  Chúng nả những viên đạn oan nghiệt thẳng vào tim anh, thân anh khuỵu xuống, đầu gục về phía trước, máu trào ra ướt đẫm tấm thân tù đày gầy guộc của anh.   Ôi! Máu anh đã tô thắm màu cờ sắc áo binh chủng của anh và đã góp phần viết nên trang Quân Sử oai hùng của Quân Lực VNCH.  Thân anh đã trở về lòng Đất Mẹ, nhưng tình yêu nước của anh, tinh thần dũng cảm, nhân ái của anh vẫn ngời sáng, bất diệt …
 Tội nghiệp! Bác Mười, mẹ của Vũ, nằm liệt giường cả tháng trời sau khi hay hung tin này. Mỗi khi Hồng đến thăm, bác luôn ôm lấy nàng và khóc làm nàng cũng không tránh khỏi xót xa rơi lệ.  Hình ảnh cái chết bất khuất, oai hùng của Vũ và cảnh tre già khóc măng non của mẹ anh đã theo nàng một thời gian dài…
Nhìn dáng Cẩm Vân quay đi với niềm vui người em được thả về, Hồng thầm nói với Vũ: “Vũ ơi, em khâm phục anh, em ngưỡng mộ tinh thần bất khuất của anh.  Tuy không “Thành Công” nhưng anh đã “Thành Nhân.”  Bà con xóm làng và cả em nữa, tự hào về anh,  nhưng sao em vẫn muốn anh sống, vẫn muốn có anh trong xóm làng mình, muốn có anh săn sóc bác Mười. Và, em mơ một ngày nào đó em được hãnh diện cùng anh nghiêm trang chào Lá Cờ Vàng của Tổ Quốc tung bay phất phới trở lại trên bầu trời trong xanh thanh bình của quê hương chúng ta.”
    (Trích: Chương 10 - truyện dài Tóc Mai của Vhp.Hạ Vũ)





Không có nhận xét nào: