Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2020

Chữ Nghĩa Làng Văn XXIII - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                               Chữ Nghĩa Làng Văn XXIII


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phi Ngọc Hùng.


***

Chữ Việt cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại


Muội: tối tăm

(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ". Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có: nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau. Dân gian đôi lúc dùng một tiếng Việt đồng nghĩa với một từ Hán Việt để chơi chữ:

Cha con thầy thuốc về quê

Hồi hương phụ tử thì chàng đối chăng?

 

Cái độc đáo ở nghệ thuật chơi chữ trong câu thơ này là vừa có hai từ tương đương nghĩa "cha con" (thuần Việt) với "phụ tử" (Hán Việt); "về quê" (thuần Việt) với "hồi hương" (Hán Việt). 

 

Rồi "thầy thuốc" để chỉ nghề nghiệp của hai "cha con" mà "hồi hương", rồi “phụ tử" là những vị thuốc nổi tiếng trong đông y.

(Trần Minh Thương - Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. 

Riêng dân vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng còn ngầu hơn, miệt này phát âm chữ “r” thành ra “g” nghe thoáng như lưỡi bị ngắn (?) hoặc giống tiếng Miên (?):


“Bắt con cá gô bỏ gổ, nó gục gịch gục gịch gớt dzào gổ gau găm.”

(Bắt cá rô bỏ rổ, nó rục rịch rục rịch rớt vào rổ rau răm)

(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)



Chữ và tiếng nói

Nguồn tiếng nói hằng ngày bồi đắp cho người viết văn, sách báo cũng bồi đắp ngôn  ngữ cho người viết văn. Thôi thì thượng vàng hạ cám, cái gì đến tay tôi cũng đọc, sách báo nào có chữ hay tôi cũng ghi. Truyện cổ, truyện tiếu lâm, của các nhà văn Kim Lân, Bùi Hiển thường giàu có màu sắc, nhiều chữ, tôi chú ý nhặt ra. 

Trên các báo hằng ngày, cũng khối chữ mới. Cả đến những sách xem bói, xem tướng. Vào một cái nhà, nếu chỉ biết lác đác vài tiếng cột, kèo, rui mè thì chưa hiểu biết mấy về cái nhà. Một chữ “chết” có bao nhiều chữ cùng nghĩa: tạ thế, chầu giời, về quê, xuống suối vàng, ngoẻo, tử, héo, tỏi, thẳng cẳng, ngẳng, toi, mất, khuất núi, hy sinh và còn biết bao chữ nữa. 

 

Một chữ “ăn’, bao nhiêu chữ cùng nghĩa: xơi, đưa cay, đớp, hốc, xực, đả, nhậu... Chúng ta nên tỉ mỉ để ý cả. Này các thứ khoá: khoá ngang, khoá dọc, khoá tây, khoá sáu tua, khoá đuôi chuột, bạn đã biết thứ khoá nào chưa? Ví dụ: khoá cửa đình ngày trước thì khoá gì? Nếu chưa biết thì nghề viết văn đòi bạn phải biết. 

 

Rồi thì đọc Kinh Thánh, kinh Phật. Trong sách Phật tả cái tai ông Thích Ca: ông Thích Ca có 32 tướng quý, tai to dày mà nhiều thành quách... còn phép đánh chuông thì: đánh mạnh, tiếng rẳng, đánh khẽ tiếng nghe trầm trệ. Mà tiếng rẳng, tiếng nghe trầm trệ rõ ràng là tiếng để chỉ tiếng chuông rồi.

(Sổ tay viết văn – Tô Hòai)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Về hưu tính nết đổi thay
Làm việc thì ít lại hay… nói gàn.


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trong ngôn ngữ thế giới có nhiều trùng hợp ngẫu nhiên. 

Thí dụ trẻ con mới phát âm, miệng chưa mở rộng nên phát âm đầu tiên là âm môi. Người mẹ là sự vật đầu tiên đứa bé nhìn thấy cho nên nó gọi: mẹ, má, mama, mother, mère… 


Vì luật chung là thế nên không thể bảo tiếng “mẹ” trong tiếng Việt xuất xứ từ tiếng “mẫu” của Trung Quốc, hay tiếng “mère” của Pháp, và tiếng “mother” của Mỹ!

(Sơn Trung – Lịch sử Phở)


134 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Tên chủ nhà ghi trên tấm bảng đồng gắn phía trước cửa khiến tiếng gõ của tôi thêm mạnh dạn. Bên trong có tiếng giầy dép khua động. Rồi cửa mở. Chủ nhà, một người nhỏ thấp, giơ bắt tay tôi rồi ra hiệu mời tôi theo anh lên gác.  

Tôi bước lên một chiếc cầu thang gỗ. Tôi bước vào một phòng lớn trông như một thư viện. Một tủ sách rất rộng và cao chiếm nguyên một vách tường dài. Tủ gỗ đánh véc-ni bóng, sau ngăn kính những cuốn sách dầy cộm xếp ngay ngắn, trang trọng. Nhìn qua gáy tôi thấy có rất nhiều sách chữ Hán.
Giữa phòng là hai cái bàn phủ khăn trắng đặt liền nhau, trên để những chai rượu bia và đĩa đựng trái cây. Chủ nhà xếp tôi ngồi nơi một chiếc ghế đặt ở đầu bàn. Tôi nhìn hai dẫy ghế trống dài ở hai bên bàn, nói với chủ nhà:
– Anh bắt đầu làm tôi lo đấy. Tưởng đến thăm anh nói chuyện một lát thôi, không ngờ anh làm to chuyện quá.
Anh ta khẽ mỉm cười, nheo cặp mắt sáng sau cặp kính cận, nói:
– Có gì đâu. Nghe tin anh về một số anh em ở đây cũng muốn gặp anh. Vả lại hôm nay là một ngày rất đặc biệt, ngày sinh thứ 100 của Cụ. Chúng tôi cũng muốn làm cái gì để tưởng nhớ Cụ. Anh cứ tự nhiên nhé. Các anh em cũng sắp tới cả bây giờ.
Nói xong anh xin lỗi đi xuống cầu thang. Tôi nhìn xung quanh. Bên cạnh tôi trên một chiếc bàn nhỏ có đặt một máy vi tính để mở. Màn ảnh của máy hiện lên bức chân dung màu của bố tôi, bức tranh do họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ. Ngay trước mặt tôi, trên bàn, đặt một quyển sách rất dầy, bìa bọc giấy láng đề Từ điển Văn học bộ mới, Nhà xuất bản thế giới.

Tôi giở trang sách. Trên trang giấy đầu dưới hàng chữ in Từ điển Văn học là hàng chữ viết tay nắn nót và chữ ký của chủ nhà.
Bản tặng anh Nguyễn Tường Thiết và gia đình Nguyễn Tường nhân 100 năm ngày sinh cố văn hào Nhất Linh. 

Hà Nội 25-7-2006.
Nguyễn Huệ Chi.


(Một trăm ngọn nến – Nguyễn Tường Thiết)



Đã có một thời…

Lê Xuyên - 1

 

Ông bà Dương Kiền 

Văn Quang   

      

Hơn mười năm sau, khi tôi ở trại cải tao ra, Thanh Thương Hoàng dẫn tôi đến thăm Lê Xuyên. Anh ngồi bán thuốc lá lẻ ở một góc phố (*)

(*) Xe thuốc lá đẩy nằm trên đường Nguyễn Tri Phương

(chú thích motthoisaigon)

 

Chiếc quầy thuốc bé tẹo nhưng cũng đủ che hết tấm thân gầy gò của anh. Chúng tôi nhìn nhau và cùng cảm thông rất sâu sắc cái thân phận mình lúc này. Anh chớp mau mắt nói như để an ủi hơn mười hai năm tù của tôi :

– Trông ông vẫn cứ phong độ như ngày nào.

Tôi thẳng thừng thương bạn :

– Còn ông, trông chán bỏ mẹ. Đ… khóc được chứ…

Hai bàn tay bạn tôi run lên, lật bật đút chiếc chìa khoá vào ngăn tủ kính để mấy gói ba số năm bán lẻ (hồi đó ba số năm quý lắm):

– Hút thuốc lá không ?

– Không, tớ hút thuốc lào quen rồi, về đây hút thứ nặng hơn mới đủ đô.

 

Thanh Thương Hoàng rủ sang bên con hẻm phía trước ăn sáng. Đó là con hẻm lối đi vào một ngôi chùa hay ngôi đình gì đó. Không có hủ tíu, Lê Xuyên phải chạy đi gọi ở một nơi nào quen bán chịu cho anh ở gần đó. Lê Xuyên trở lại với con người thật của anh. Vẫn hiền lành, cười tủm và chân quê. Phải nhìn thấy cái cười tủm của anh mới biết tại sao anh viết về những cuộc tình của những đôi trai gái đồng ruộng miền Nam hay đến như thế, láu cá đến như thế. 

 

Tôi nhủ thầm : Thằng cha này tẩm ngẩm tầm ngầm mà ghê lắm đấy. Nó không nói mà chỉ viết nên nó viết được nhiều hơn mình. Chỉ có nó mới viết được những “dòng chảy ngầm” của trai gái thôn quê miền Nam thật đến thế và hấp dẫn đến thế. 

Lê Xuyên khác với một số những cây bút hoàn toàn Nam Bộ như Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam ở chính cái “thật” của anh, tiểu thuyết của anh không màu mè, không lý luận, không khoác bộ áo nghiên cứu sưu tầm về phong tục tập quán dưới hình thức này hoặc dáng vẻ khác. Từng động tác, từng thái độ, từng lối ứng xử trong nhân vật của anh cứ như những con người thật lồ lộ đang ở trước mặt chúng ta vậy. 

(Nhà văn Lê Xuyên những ngày cuối đời – Văn Quang)

 

Nói lái trong dân gian

Trong dân gian, hầu như ở miền nào cũng có nghe truyền tụng những câu nói lái qua câu đố, câu đối, hay nói lái với hò vè, thơ ca

 

Nói lái với câu đố 
Miệng bà ký lớn, bà ký banh
Tay ông cai dài, ông cai khoanh

(canh bí, canh khoai)

 


Đã có một thời…

Lê Xuyên - 2


Trước mặt tôi, ông già Lê Xuyên vẫn còn cái hóm hỉnh riêng, nhưng bây giờ thì như anh nói: “..Đếch viết nữa”. Tôi hỏi không viết được hay không thích? Câu trả lời của anh gọn lỏn: “Bỏ đi Tám”. Tôi không thể hiểu nổi ba chữ “bỏ đi Tám” mà anh dùng. Có một nỗi chua chát nào đó trong cái tâm sự thật của anh? Đến cái thẻ chứng minh nhân dân anh cũng không muốn làm nên anh không có tên trong sổ hộ khẩu, cứ như ở lậu, công dân lậu. Thái độ đó có đồng nghĩa với sự “Bỏ đi Tám” của anh không? Chỉ có anh mới hiểu và bây giờ anh mang theo anh về thế giới bên kia.

Cách đây vài năm, tôi có viết một bài về Lê Xuyên và may mắn nhận được sự giúp đỡ thiết thực của khá nhiều bạn bè. Trong đó có một vài tờ báo muốn đăng lại những truyện dài của anh, tôi hỏi, anh chỉ lắc đầu: “Chẳng còn cuốn nào” và cả chị Lê Xuyên cũng không kiếm được cuốn nào cả.

Ba năm sau cùng, anh không còn sức để ngồi bán thuốc lá lẻ nữa. Thỉnh thoảng tôi và Nguyễn Thuỵ Long đến thăm anh, cố dìu anh ra quán cà phê cuối ngõ ngồi lai rai tâm sự vặt. Hai năm sau này thì dù chúng tôi có cố lôi anh đi cũng không nổi nữa. Anh như cái bóng trong góc tối của gian phòng chật chội vây quanh bởi hàng trăm thứ lỉnh kỉnh nào bàn ghế, chai lọ, giường tủ. Chỉ có cô con gái út săn sóc cho anh, bà vợ và các con lớn của anh vất vả với công việc hàng ngày.  

Cái chết đến từ từ theo từng ngày giờ buồn tênh, dường như anh chán cả cái sống và cái chết, không thèm chú ý đến nó nữa. 

(Nhà văn Lê Xuyên những ngày cuối đời – Văn Quang)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ 

Nước trong quá thì không có cá

Người câu nệ quá thì không có bạn

(Kinh Dịch)

 


Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội trước 1975 - 1

Cũng không nhớ hết là nguồn ở đâu ra chỉ biết là những cái tên như Nguyễn Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thụy Vũ, Mai Thảo và Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ và Thế Uyên… đã đến với chúng tôi rất sớm. 

Sau này đọc lại thấy sự hiểu biết của mình cũng lỗ mỗ chả bao nhiêu, nhưng lại chả cái gì là không thấp thoáng có mặt. Và có cả những cái tên những quyển sách mà có thể số đông chẳng có mấy ý nghĩa, nhưng với một số người nào đó lại có duyên nợ riêng. Thật là trớ trêu, nhưng quả thật với tư cách một người mới làm quen với văn, cái mà tôi nhớ hơn cả từ văn chương Sài Gòn năm ấy lại là những tác phẩm viết về thân phận của người cầm bút. Lần ấy, đọc Một ngày làm việc của Chiêu Hoàng truyện ngắn của Trùng Dương Nguyễn Thị Thái (in trên bán nguyệt san Văn 4-1973) tôi chỉ nghĩ người đàn bà viết văn ở đây sao gần mình. Cũng đau đớn mà làm nghề, vừa viết để thỏa mãn cái tôi muốn tự khẳng định, lại vừa lo kiếm sống. Những vui buồn ngổn ngang lấp đầy cuộc sống hàng ngày sao mà cũng na ná như tâm trạng của chúng tôi. 

(Khuyết danh)

 


Tiếng Việt trong sáng

"Máu", thay cho "hăng máu", "hăng tiết" (vịt hay không, tính sau). "Máu", bề ngoài nhìn như một danh từ, nhưng thật ra lại là một tính từ thay cho "cực kỳ", "rất", "thậm", như trong: "Thằng đó máu cực", hay "Thằng đó cực máu!", (có nghĩa là "thằng đó rất ‘hăng máu’, chơi ‘tới bến’ luôn, không cản nổi). 

(Bùi Vĩnh Phú – Trên những đường bay của chữ)

 


Văn học Sài Gòn đã đến với Hà Nội trước 1975 - 2

Sau Thanh Tâm Tuyền, thấy rộ lên trường hợp Nguyễn Thị Hoàng. Có lúc nghĩ lại thấy hình như truyện chẳng có gì, chỉ ăn ở cái lạ là mối tình của một cô giáo với một học trò, nó quá ư là “công”, là ngược với thói quen đạo đức còn nặng chất phong kiến của dân Hà thành. Nhưng nên nhớ hồi ấy, cả Thơ mới và tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn cũng không ai được đọc thì cái chất mùi mẫn kia lại đâm có sức quyến rũ. Và trong sự chăm chú đọc, người ta nhận ra ở nó cả những yếu tố còn lờ mờ, nhưng đã có ở chính mình. 


Sổ tay tôi còn ghi nhiều cuộc trò chuyện với Nguyễn Minh Châu, trong đó có những nhận xét của anh Châu về Vòng tay học trò. Về nghệ thuật, anh Châu bảo “văn chương nó viết nhuyễn thật. Không phải là uốn éo đâu mà với nội dung ấy thì phải viết kiểu ấy, nó mới nói hết được cái phức tạp của con người bây giờ “ ( xem Trò chuyện với Nguyễn Minh Châu, tạp chí Nhà văn số 4-2008). Ai đó nghĩ Nguyễn Minh Châu chuyên viết chiến tranh sao lại có thời giờ lưu ý phần nhân bản trong trang viết. Nhưng đúng anh Châu là thế, nên anh mới cắt nghĩa Vòng Tay Học Trò theo kiểu liên hệ Vòng Tay Học Trò với Dấu Chân Người Lính của mình“ 


Có một đoạn, Nguyễn Thị Hoàng tả cô Trâm này với tay Minh ra gieo đỗ, nói về sức sống trong lòng đất. Tôi thấy mình cũng gặp nó ở chỗ ấy, trong một đoạn tôi viết Xiêm đi lấy thóc và tự hỏi tại sao không lấy gạo mà lại lấy thóc?...” Vậy là việc đọc Vòng Tay Học Trò với Nguyễn Minh Châu, là một hành động nghề nghiệp nghiêm chỉnh. Anh ngầm bảo rằng những tác phẩm của phía bên kia kích thích anh, như một lời mời gọi thú vị: “Đọc những tay này, tự nhiên mình dậy lên một thứ thâm thù: Mình cũng phải viết được cái gì để làm cho nó khiếp về mình mới được.“ 

(Khuyết danh)


Tẻ

Tẻ : buồn

(hát tẻ, nói tẻ)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Ai đã đặt tên cho các đường phố Saigon trước 1975 

Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Đại lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang và đường Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Hoặc đường Phan Thanh Giản với đường Phan Liêm và đường Phan Ngữ, Phan Liêm và Phan Ngữ là con, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết.

Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công dựng nước giữ nước.

Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi.

 

Đường Khổng Tử và Trang Tử trong Chợ Lớn với đa số cư dân là người Hoa. Bờ sông Sàigon được chia ra… ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử, ghi nhớ những trận thuỷ chiến trong lịch sử chống quân Mông Cổ, chống Nhà Nguyên cuả Hưng Đạo Đại Vương vào thế kỷ 13.

 

Cụ Nguyễn Du, với danh xưng Tiên Điền. Cuốn truyện Kiều của cụ ngày nay được chúng ta dùng như là khuôn mẫu cho tiếng Việt. Vậy phải tìm đường nào đặt tên cho xứng? Tôi thấy con đường vừa dài vừa có nhiều biệt thự đẹp, với hai hàng cây rợp bóng quanh năm chạy qua vườn Bờ Rô, thì quá xứng đáng. Không có đường nào thích hợp hơn. Tuyệt! Vườn Bờ Rô với cây cao bóng mát cũng được đổi tên thành vườn Tao Đàn làm cho đường Nguyễn Du càng thêm cao sang.

Vua Lê Thánh Tôn, người lập ra Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, mang tên một con đường ở địa thế rất quan trọng, đi ngang qua một công viên góc đường Tự Do, và đi trước mặt toà đô chánh. 

(Nguyễn Văn Luân)



Tản mạn về con đường đẹp nhất Sài Gòn xưa

Cũng phải, dân Sài Gòn ưa ăn bánh Givral bởi nét tinh tế của nền văn hóa ẩm thực Pháp đã tồn tại gần 60 năm tại VN. Givral nổi tiếng với dòng bánh tươi, không dùng chất chất phụ gia độc hại hay không có lợi cho sức khỏe. Và “cái hậu” tốt đẹp của dòng bánh lành, sạch này là là ‘phiên bản’ sau tháng 4-75 mang tên ‘Công ty Cổ phần Bánh Givral, khá có tiếng là bánh ngon, tuy giá cả khá cao chứ không bình dân, với lò sản xuất bánh hiện ở khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh, Q. Tân Phú, Sài Gòn.


Cuối cùng là về nhà hàng Brodard, Văn Quang ghi nhận:

“Còn nhà hàng Brodard nằm ở góc Tự Do – Nguyễn Thiệp, nhìn sang bên kia là vũ trường Tự Do của ông Cường (…). Ở đây lại đông vui vào những buổi sáng muộn và buổi tối khi “gà lên chuồng”. Nơi lui tới của những “dân đi chơi đêm” Sài Thành. 

Những anh hùng “hảo hớn” như Khê – Thăng Long Xích Thố, anh em ông Kim đầu bạc, Kính tennis, Chương Marine cũng lui tới ngồi tán chuyện giang hồ. Các “đại gia, tiểu gia” thời đó không nhiều, chỉ vỏn vẹn một số ông dược sĩ, tu bíp, doanh nhân có “xế bốn bánh” đủ để chở các em đi ăn đêm.”

(Phạm Nga)



Cơm vua, cơm làng 

Thổi cơm thi

Ngày xưa, nhiều làng mở hội, tổ chức thi thổi cơm. Tất cả các thứ cần dùng như gạo, nước, củi, nồi (hay niêu), lửa, được ban tổ chức sửa soạn trước. Một hồi trống nổi lên. Các thí sinh sẵn sàng… Dứt tiếng trống, cuộc thi bắt đầu.

 

Thổi cơm thi

 

Mọi người tới tấp vo gạo, nhóm bếp, thổi cơm.
Cơm chín thì bưng lên nộp ban giám khảo. Nồi cơm nào “phạm trường quy” thì bị loại ngay. Chỉ một hột sống, cháy, hay nát cũng không qua được mắt các cụ. “Đàn bà con gái gì mà thổi nồi cơm cũng không nên hồn”Ai thổi được nồi cơm chín dẻo, thơm ngon và nhanh nhất thì thắng giải. Cơm dự thi được làng dùng để cúng tế. Sau đó đem chia cho dân làng.

(Ai ơi bưng bát cơm đầy…- Nguyễn Dư)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Và đây là câu chuyện của độc giả “Chiếu Manh”: 

Lần đầu tiên, mới tới Hà Nội, tôi không khỏi bỡ ngỡ, khi tìm nhà của một người quen làm trưởng một khu phố văn hóa. Thấy có mấy đứa trẻ con đang nô đùa ngoài ngõ, tôi hỏi: "Này các cháu có biết nhà ông tổ trưởng khu phố văn hóa ở đâu không?" 

Một đứa trẻ trai, trạc trên dưới 10 tuổi, ngước nhìn tôi bằng ánh mắt xấc láo, ranh mãnh, đáp gọn lỏn: "Biết, nhưng đéo chỉ!" 

Tôi lắc đầu đi sâu vào ngõ văn hóa, gặp một thanh niên hỏi: "Anh ơi, anh có biết nhà ông trưởng khu phố văn hóa này ở chỗ nào không anh?" Gã trẻ tuổi này chẳng thèm dòm ngó gì đến tôi, trả lời cộc lốc: "Đéo biết!" 

Khi gặp ông trưởng khu phố văn hóa, tôi đem chuyện này kể cho ông ta nghe với lời than thở: "Anh ạ, các bậc phụ huynh ở đây đã không dạy dỗ con em hay sao mà để chúng nó ăn nói với người khách lạ thô bỉ đến thế hả anh?!" Chẳng cần suy nghĩ gì, ông trưởng khu phố văn hóa đã thuận miệng trả lời tôi ngay: "Có dạy đấy chứ, nhưng chúng nó đéo nghe!". 

Lúc ấy cô con gái của ông bạn tôi là cô giáo, dạy môn văn, vừa đi dạy về và tôi đem chuyện ấy ra kể lại. Thay vì trả lời trực tiếp cho tôi, cô giáo xin phép thuật lại một chuyện như sau: "Hôm ấy cháu giảng bài văn, có đoạn kể thành tích anh hùng và dũng cảm của nhân dân ta v.v... Cuối cùng, cháu kêu một em học trò trai lớn nhất lớp, bảo nó cắt nghĩa hai chữ: "dũng cảm". Nó đứng lên suy nghĩ một lúc rồi đáp gọn lỏn: "Nghĩa là... là... đéo sợ!". 

Sau đó cháu có cuộc tiếp xúc với ông bộ trưởng giáo dục, liền đem chuyện thằng bé học trò đã cắt nghĩa 2 chữ "dũng cảm" là "đéo sợ!" kể cho ông nghe. Nghe xong, ông bộ trưởng tỏ vẻ đăm chiêu, ra điều suy nghĩ lung lắm. 

Cuối cùng, ông nghiêm nghị nhìn tôi, rồi gật gù như một triết gia uyên bác vừa khám phá ra một chân lý, chậm rãi đáp: 

"Ừ, mà nó cắt nghĩa như thế cũng đéo sai”.

(Hà  Nội, Hà Lội ơi – Vương Văn Quang)



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Rượu đế, rượu trắng, rượu nếp… Khi Pháp chiếm toàn cỏi miền Nam, đưa ra luật cấm dân nấu cất rượu trong nhà. Chỉ có công xi rượu của Tây mới có quyền chưng cất rượu. Cái mửng nầy là nghề ruột của thực dân lúc bấy giờ, đó là phương tiện độc quyền làm tiền. Nó phổ biến ở khắp nơi, ở Việt Nam có rươu đế, ở Mỹ có Moonshine, nguồn gốc Moonshine là do dân Mỹ cất rượu lậu trong rừng, thường là cất nấu ban đêm dưới ánh trăng, vì vậy mà có tên Moonshine. 

Cũng vậy ở đồng quê miền Nam, dân cất rượu lậu trong nhà, khi Tây đi bố đi ráp, thì rầm rầm rộ rộ, thiên hạ bà con biết, nên đem nồi cất rượu dấu trong bãi sậy, đám cỏ tranh, hay lùm đế ở xa nhà… có lẽ vì lùm đế hoặc “đế” có nghĩa là vua, mà rượu cống vua hay rượu vua ban cho, ngự tửu, bởi vậy dân mới gọi rượu lậu là rượu đế chăng?

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)



Sài Gòn một chút quán xá 

Cà phê Lão Tử



Cà phê Lão Tử vẫn giữ nguyên hình dạng từ thuở mới xuất hiện, cách đây không dưới sáu-bảy chục năm; ở đường Lý Thái Tổ-quận 10, đối diện bệnh viện Nhi Ðồng Cà phê Lão Tử và tiệm phở “Phở Tàu Bay” sát cạnh nhau, một con hẻm rất sâu và rất hẹp chia ranh giới. Nhìn vào, thấy cà phê Lão Tử giống một nhánh chìa ra, của cái cây là Phở Tàu Bay: diện tích quán cà phê Lão Tử chỉ khoảng 3 mét vuông mà thôi, một quán cóc đúng nghĩa của Sài Gòn. Ấy vậy mà cà phê Lão Tử nổi tiếng không thua Phở Tàu Bay một thuở; có thể vì ông chủ quán rất đặc biệt; có thể vì khách uống thường xuyên là các nhà văn nhà thơ, và những nhân vật được xem là “hảo hán” về nhiều phương diện.


Từ thuở còn là học sinh, tôi đã mon men tập tành nhâm nhi cà phê phì phèo thuốc lá, tại quán cóc cà phê Lão Tử. Tên quán cóc này mặc nhiên là vậy; không biết ai đã đặt tên cho quán cóc như thế. Có thể vì ông chủ quán có phong thái rất phiêu hốt, rất “Xử thế nhược đại mộng - Hồ vi lao kỳ sinh,” nghĩa là rất Lão Tử. 


Khách uống thiếu tiền trả không đủ cũng được; uống ghi sổ cũng được. Mà ông cũng chẳng ghi sổ làm gì; ai uống thiếu cứ uống thiếu, bao giờ trả tiền cũng được, không trả “quên luôn” ông cũng không đòi. Thuở ấy, những năm cuối thập kỷ 50-đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, ngồi quán cóc cà phê Lão Tử thường xuyên là anh em bạn bè của nhóm văn nghệ Thái Ðộ: Thế Uyên, Nguyễn Ðông Ngạc, Nguyễn Tường Giang..., nhóm Ðất Nước-Trình Bày: Thế Nguyên, Phạm Kim Khải, Ðinh Phụng Tiến... Tôi gặp cả nhà văn Nguyễn Thụy Long thuở bắt đầu viết văn, với bút hiệu rất dịu dàng yểu điệu: Mặc Lan Giao; gặp cả Duy Lam, anh của Thế Uyên; và là tác giả truyện ngắn thuở đó tôi rất mê thích: Ðôi Mắt Ngọc Trai Đen, ghé quán cóc cà phê Lão Tử cùng Thế Uyên. Chị Phan Lệ Thanh, dịch giả Chuyện Tình - Love Story. 


Trở lại quán cóc cà phê Lão Tử, chủ nhân bây giờ thuộc hàng cháu chắt của Lão tiên sinh; tôi vui mừng vì người đương đại một lòng tôn kính tiền nhân, mê mải kể chuyện xưa cùng ẩm khách cũ. Rồi nỗi buồn ập tới, khi những người tôi vừa nhắc tên, nay còn thì ít, mất đã khá nhiều. 

Cái kèo cái cột cái mái che quán cóc, kệ ngăn để ly tách của cà phê Lão Tử... vẫn nguyên tại chỗ; những thứ đó đã nhắc nhở tôi tất cả một thời Sài Gòn của miền Nam tự do.

(Tên nguyên bản “Nhà thờ Hầm và cà phê Lão Tử” – Nguyễn Đạt)



Giai thoại thành ngữ vắng như chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh là tên gọi Nôm của chùa Châu Lâm. Chùa này được cất lên cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nội. Vì để tránh húy miếu vua Thiệu Trị nên sau này Thụy Chương phải đổi thành Thụy Khuê. 

 

Vào thời đó, viện Châu Lâm được dùng làm chỗ ở cho những người Chiêm Thành được đưa về sau các cuộc chiến tranh, còn chùa Châu Lâm là nơi dành cho họ cúng lễ (vì hầu hết những người này đều theo đạo Phật).

Sau khi người Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đã chiếm khu vực đất này để lập trường trung học bảo hộ (1907) nay là trường trung học Chu Văn An, vì thế chùa Châu Lâm phải dời về phía tây nam, ở cuối làng và đổi sang tên mới là chùa Phúc Lâm.


Dấu tích của chùa Phúc Lâm hiện vẫn còn giữ lại được tấm bia ghi rõ: Bà Đanh Tự (chùa Bà Đanh). Theo tục truyền, Bà Đanh là một người đàn bà đã có công dựng lên chùa này, vì thế mà ngôi chùa mang tên bà. Từ khi viện Châu Lâm bị bãi bỏ, số người đến lễ bái chùa này ngày một ít đi vì thế mà không khí ngôi chùa này ngày càng trở nên vắng vẻ. 

 

Trong bài "Tụng Tây Hồ phú" của Nguyễn Huy Lượng có ghi lại cảnh vắng của chùa này:
Dấu bố cái rêu in nền phủ
Cảnh Bà Đanh hóa khép cửa chùạ


Cảnh vắng vẻ, thiếu người đến lễ bái của chùa Bà Đanh dần dần trở thành một hình ảnh để so sánh với bất cứ một cảnh vắng vẻ nàọ "Vắng như chùa Bà Đanh" là một sự vắng vẻ yên tĩnh gợi nên vẻ lạnh lẽo, cô quạnh của con người. 

Ca dao Hà Nội có câu:
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.


thường trực

Ai cũng biết rằng, thường trực nghĩa là luôn luôn có mặt tại cương vị của mình. Thường 常 nghĩa là lúc nào cũng vậy, nhưng, phải chăng, trực nghĩa là gánh việc, như lời giải thích của soạn giả?


Không phải như vậy. Chữ trực có nhiều nghĩa. Trước hết, trực là một động từ, có các nghĩa chính như sau: để, đặt; nắm giữ; trực ban (nghĩa là có mặt tại cương vị công tác của mình để giải quyết công việc). Ngoài ra, chữ trực còn có âm là trị, nghĩa là đáng giá và cũng có nghiã là giá trị hoặc giá tiền. Chữ “trực” chẳng có nghĩa nào là gánh việc như soạn giả đã bịa đặt. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)



Hồ Biểu Chánh

Tôi (Dương Nghiễm Mậu) viết lại những ghi chép, những ý nghĩ tôi có, những nhận xét tôi thấy trong khi đọc một sổ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Cũng vì thế, bài viết như để một nhớ ơn, nhớ ơn những người để lại cho chúng ta một di sản lớn.

bước khởi hành của nền văn chương quốc ngữ có thể nói là ở miền Nam, những viên gạch đầu tiên do Trương Vĩnh ký, Huỳnh Tịnh Của đặt đề và sau đó phải kể tới Hồ Biểu Chánh.


Tờ báo đầu tiên, cuốn sách đầu tiên được sắp bằng chữ quốc ngữ, in ra ở miền Nam. Rồi từ đó tiến dần ra miền Bắc…

(Từ đó đến nay – Dương Nghiễm Mậu)



Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên 

Nhà báo  Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), được coi là “ông tổ nghề báo Việt Nam”. Tên thường gọi của ông là Pétrus Ký, quê ở Vĩnh Thanh, Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre).

Ông thiết tha với nền văn học quốc ngữ và được coi là người đặt nền móng cho báo chí. Ông sáng lập tờ báo quốc ngữ đầu tiên (Gia Định Báo), cũng là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác.

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)



Những cái cũ & xưa nhất của Sài Gòn

Tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên


Tờ “Gia Định Báo” là tờ báo chữ Quốc Ngữ đầu tiên ở nước ta ra đời tháng 4/1865. Tờ báo đăng những thông tin nghị định của nhà nước và những tin kinh tế xã hội, lời bàn về thời cuộc, luân lý, lịch sử. Báo ra hằng tháng. Sau 4 năm phát hành, chính quyền thuộc địa cho phép báo phát hành hàng tuần bằng quyết định số 51 ngày 18/3/1869.












Không có nhận xét nào: