Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Chữ Nghĩa Làng Văn - Bài 26 (Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

                Chữ Nghĩa Làng Văn - Bài 26 

                     Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chữ Việt cổ


Những cứ liệu khảo sát từ cổ rất đa dạng và phong phú, nhưng do điều kiện về thời gian, chúng tôi chỉ khảo sát những từ đã từng tồn tại là những từ bình thường, nhưng nay đã hoàn toàn biến mất trong từ vựng hiện đại.


Khuyển phệ: chó sủa


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Pháp danh


Tu hành thì có pháp danh, khác với cái tên đã thường dùng trước khi xuất gia gọi là tục danh, cũng có khi gọi là thế danh, là tên ở ngoài đời, bởi đạo khác hẳn với đời . 


Đã là pháp danh thì thường có ý nghĩa thanh thoát, không còn dính líu gì đến cuộc đời ô trọc nữa (Chân Tâm, Nguyên Thiện, Trí Tịnh, Diệu Liên ...).

(Tản mạn về cái tên – Thân Trọng An)



Thóc

Thóc: im ắng

(im như thóc)

(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Chữ Nôm 

Chữ Nôm gồm bên phải là chữ Nam: nghĩa là phương nam.

Bên trái  là bộ ngôn: nghĩa là nói (hoặc bộ khẩu là cái miệng).

Như vậy Nôm là chữ ghi lời nói của người phương nam, tức người nước ta.

(Tiến trình văn hóa VN – Nguyễn Khắc Thuần)



Chơi chữ

Chơi chữ là các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa,... trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng bóng gió, châm biếm trong lời nói, trong đó ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cách,.. nhằm đem lại những liên tưởng bất ngờ, ly thú.


Có một ông vốn thợ cưa, sau gặp thời trở nên giàu có, mua được phẩm hàm, bèn mở tiệc ăn khao. Trong số những câu đối, hoành phi đưa đến mừng, có bức trướng đề ba chữ "ăn cơm vua". Nghĩa bức trướng phù hợp với phẩm tước vua ban. 

Nhưng nhiều người đọc lại tủm tỉm cười vì một ý khác. Ý này gợi lên cái nghề cò cưa thuở khó nghèo của ông ta, do lời đồng dao "Kéo cưa lừa xẻ; Ông thợ nào khỏe; Thì ăn cơm vua; Ông thợ nào thua; Thì về bú tí!..." mà có.

(Chơi chữ là gì? – Triều Nguyễn)



Phù điêu 

Phù điêu (hay phù diêu) là những bức trạm nổi khắc chìm trên cánh cửa, quanh bệ thờ.

(Tiến tình văn hóa Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần)



Văn hóa chửi 

Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, thử mở Từ điển Lạc Việt, tra hú hoạ chữ Chửi xem sao. Này là Chửi mắng, Chửi bới, Chửi đổng, Chửi nhau, Chửi rủa, Chửi thầm, Chửi thề, Chửi tục!
Lại còn Chửi bâng quơ, Chửi vu vơ, Chửi thậm tệ! Chửi thương, Chửi yêu.


Chưa hết, có cả Chửi bóng Chửi gió, Chửi chó mắng mèo, Chửi như tát nước, Chửi như vặt thịt, Chửi vuốt mặt không kịp nữa! 


Và chẳng thể thiếu vắng Chửi mất gà!

(Văn hoá chửi – Hà Sĩ Phu)



Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên 

Tờ báo Tết đặc biệt đầu tiên

 

(Bìa ngoài của Nam Phong – số Tết 1918, 

tờ báo Tết đầu tiên của Việt Nam)


Đầu năm 1918, tờ Nam Phong tạp chí  với ấn phẩm đặc biệt “Số Tết 1918” trở thành tờ báo Tết đầu tiên, mở màn cho truyền thống làm báo xuân trong làng báo Việt Nam. 


Đây là ý tưởng của chủ bút trẻ Phạm Quỳnh, khi tờ Nam Phong vừa ra mắt được 6 tháng. 

(SNg Paris – Một tài liệu hiếm)



Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Ngôn ngữ (tiếng nói), chữ viết là kho tàng của văn hóa. Tiếc thay văn học miền Nam đã không được đánh giá đúng mức. Đóng góp của văn học miền Nam đã không đươc trân trọng. Trong học trình trung học phổ thông đến khi tôi đậu xong tú tài hai, đã không có giảng dạy, đề cập đến các tác phẩm của nhà văn tiền phong ở miền Nam như Hồ Biểu Chánh. 


Học trình trung học đệ nhị cấp ở miền Nam có giảng dạy tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn như Đoạn Tuyệt, Anh Phải Sống… và bài viết của Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh (Nam Phong Tạp Chí). Nhưng không hề giới thiệu các tác phẩm đậm đà tình nghĩa con người và xã hội, phong tục, đạo lý đặc sệt miền Nam như “Ngọn Cỏ Gió Đùa”, “Số Phận Linh Đinh”, “Con Nhà Nghèo” “Cay Đắng Mùi Đời” v..v.. của nhà văn tiền phong miền Nam Hồ Biểu Chánh. Văn hóa, đời sống, phong tục miền Nam gói ghém trong giọng văn môc mạc, nhưng chính xác,và bác học của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịch Của, Trương Minh Ký, Hồ Biểu Chánh và bao nhiêu nhà văn , nhà báo khác đã không được giảng dạy cho học trò miền Nam ở bậc trung học. 

(Tiếng nói miền Nạm văn hoá Lục tỉnh - Trịnh Quốc Thuận)



Tự Lực Văn Đoàn

Các thành viên Tự Lực Văn Đòan với phong cách viết khác nhau, nhưng đều sử dụng một loại văn mới mẻ, giản dị nhẹ nhàng dễ đọc, trong những tác phẩm có nội dung mới, súc tích, lý thú, hợp khẩu vị dân chúng, đã nhanh chóng thu hút độc giả. Văn Đoàn đã thực sự cải tiến cách viết chữ Quốc Ngữ, giữa lúc lối văn biền ngẫu sáo rỗng vẫn còn thống lĩnh văn chương Việt Nam, với quá nhiều từ Hán - Việt, và chứng tỏ rằng chữ viết mới có đủ khả năng diễn tả tất cả mọi tình huống của cuộc đời. Các thành viên Tự Lực Văn Đòan mỗi người đều tự tạo ra một sự nghiệp văn chương lừng lẫy trên các báo Phong Hóa và Ngày Nay, họ được ca tụng là những văn hào, thi bá xứng đáng của dân Việt.

Nhất Linh là người có “cặp mắt xanh”, sớm nhìn ra từng sở trường, sở đoản của anh em, nên tạo điều kiện giúp anh em tiến nhanh, tiến vững trong nghề nghiệp. 

Cụ thể, Tú Mỡ là bạn thân của Nhất Linh, nhưng khi đọc bài phóng sự của Tú Mỡ, Nhất Linh phê bình ngay: “Dở quá, anh nên chuyên về thơ trào phúng, tốt hơn! Cho nên Tú Mỡ chỉ tập trung viết thơ trào phúng, phụ trách chuyên mục Mục Dòng Nước Ngược. Và thơ trào phúng của Tú Mỡ được nhiều thế hệ yêu thích. (Lâu lâu Tú Mỡ cũng có một bài phóng sự vui)


Có lần Thế Lữ kể lại (theo trí nhớ): Khi làm việc trong tòa báo, ông phải lọc các bài gửi đăng, có lần thấy một bài dở đã loại ra. Nhưng khi báo in, lại thấy bài đó xuất hiện! Hỏi ra, thì chính là Nhất Linh nhặt lại, với lời bình: “Độc giả thích loại này!” 

Kiểm lại, đúng thật, bài đó được nhiều lời khen của người đọc. 


Riêng với Thế Lữ, việc trở thành tác giả viết truyện trinh thám là do Nhất Linh! Vì Nhất Linh đưa ý kiến: “Bây giờ là lúc báo cần có truyện trinh thám để thay đổi món ăn, anh Thế Lữ viết được loại này. Anh nên viết đi!”.

(Phạm Thảo Nguyên - Giới thiệu Phong Hóa-Ngày Nay)



Đừng tưởng 

Đừng tưởng cứ nghèo là hèn... 

Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong

(Bùi Giáng)



Đã có một thời…

Vĩnh biệt Hoàng Anh Tuấn

Ngoài ra, anh còn viết feuilleton ở một số tuần báo và nhật báo của Sài Gòn thời đó. Nhưng khối ông chủ báo rên la vì cái tật hứng thì viết, không thì bỏ. Hầu như ít có truyện dài nào anh viết hết cho đến nơi đến chốn, nên rất hiếm truyện dài nào được xuất bản. Lối viết của anh khá hấp dẫn, độc giả cũng chịu đọc lắm, nhưng mỗi khi gặp đoạn “khó nhai” là y như anh tạm ngưng hoặc ngưng luôn. Người viết truyện dài nào, cũng gặp những lúc như thế này, phải cố gắng vượt qua. Nhưng Tuấn hay nản, nên bỏ ngang. Tôi rất tiếc vì điều này, nếu không thì Hoàng Anh Tuấn cũng có nhiều tác phẩm rất hay được xuất bản. 


Lâu lâu lại thấy xuất hiện một bài thơ của Hoàng Anh Tuấn trên báo khiến anh em sững sờ. Vì thơ Tuấn hay quá. Có thể nói bài nào cũng hay. Đã có người so sánh với Nguyên Sa, Đinh Hùng, nhưng với tôi, thơ Tuấn có cả tính chất Nguyên Sa, Đinh Hùng và rất Hoàng Anh Tuấn. Chữ nghĩa mới, không trau chuốt cầu kỳ, nhưng lại rất rung động, đi thẳng vào cội nguồn trái tim người thưởng ngoạn. Cái cung bậc sâu thẳm trong tình yêu được đánh thức dậy đến bàng hoàng.

(Văn Quang)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca

Những người thắt đáy lưng ong
Vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con.



Đã có một thời…

Thanh Tâm Tuyền

Cuộc sống có ảnh hưởng đến Tôi không còn cô độc?

Thêm một điều nữa cũng từ nguồn tin trên, do thi sĩ Đinh Hùng tiết lộ từ lâu, ngay từ hồi còn nhỏ Thanh Tâm Tuyền đã sống rất cô đơn vì bố mất sớm, ông sống cùng mẹ và dượng trong nỗi buồn sâu thẳm. Tôi không tọc mạch đi sâu hơn vào đời sống riêng tư của anh. Tôi chỉ ghi lại điều này để may ra có thể giúp phần nào cho các bạn làm công việc nghiên cứu sau này. 


Tác phẩm Tôi không còn cô độc của anh ra mắt vào năm 1955, gây một chấn động trong làng văn học miền Nam VN. Người khen cũng lắm, người mỉa mai cũng nhiều. Đó là quyền của người thưởng ngoạn. Nhưng rồi người ta vẫn cứ phải công nhận cái giá trị văn học của nó. Như một cột mốc đánh dấu cho sự vượt thoát của thi ca. Phải chăng tác phẩm ấy là do ảnh hưởng của một tâm sự từ thuở ấu thơ cho đến khi trưởng thành? Nó dồn nén, nổ tan, bay múa như những chùm pháo hoa đêm giao thừa của tuổi thanh xuân. Nhưng dù sao tôi không dám khẳng định những điều trên là hoàn toàn đúng.

Công việc này xin để các nhà phê bình văn học luận bàn thêm.


Tôi và những người bạn của anh còn ở lại Sài Gòn chỉ xin thắp một nén nhang cho một nhà văn lớn vừa từ giã chúng ta ra đi và xin gửi lời phân ưu đến tang quyến. Vào những ngày vừa qua, ở vài tiệm cà phê Sài Gòn, lẫn lộn phe ta, phe tây, phe nó cũng có nhiều người vẫn còn nhớ đến nhà thơ, nhà văn và nhà giáo Thanh Tâm Tuyền. 


Hình ảnh anh như còn mãi vương vất nơi đây. 

(Những khoảnh khắc với Thanh Tâm Tuyền – Văn Quang)



Chữ nghĩa câu đối

Anh tiểu thương thương chị tiểu thương, thương rồi lại tiểu, tiểu rồi lại thương.

Anh cứu thương thương chị cứu thương, thương rồi lại cứu, cứu rồi lại thương



139 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Chủ nhiệm báo Văn là ông Nguyễn Đình Vượng rất ưu ái nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, song một hôm vì tôi tới báo Văn gạ chuyện mà ông gọi anh và tôi là hai gã playboy. Lúc ấy có mặt Mai Thảo, chắc Hoàng còn nhớ.

 

Vốn là cuối tháng 4 đầu tháng 5, 1969, nơi trang 80 trong số Văn tưởng niệm Y Uyên mới gục ngã trên trận địa gần đồi Nora, Phan Thiết, thư ký tòa soạn Trần Phong Giao đã sơ ý phát biểu một lời xúc phạm tới phụ nữ Huế. Trần Phong Giao đã, lạ thay, quá tự tin ở sự phán đoán của mình khi khuyên một nhà văn trẻ đừng lấy gái Huế: “ái tình (…) thì được, còn cái mục xây dựng thì đừng, ấy là dựa theo kinh nghiệm bản thân cũng là đúc kết kinh nghiệm của một vài anh em có vợ Huế khác”. 

 

Hai nhà văn nữ gốc Huế là Túy Hồng và Nhã Ca đã gửi lá thư cho trang “Văn Học Nghệ Thuật” nhật báo Tiền Tuyến, do Thanh Tâm Tuyền phụ trách; một lá thư ngỏ kể tội Trần Phong Giao khinh nhờn xứ Huế, cào xước quê hương xứ Huế, và tuyên bố chấm dứt cộng tác với báo Văn. Thời gian ấy tôi nhận lời mời của đại tá Anh Việt Trần Văn Trọng, chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, làm thư ký tòa soạn Khởi Hành mới được ba tuần, nhưng từ 1966 tới lúc ấy vẫn đang là thư ký tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Khi kiểm soát bài vở tôi khựng lại ở trang văn nghệ, rồi đề nghị với Thanh Tâm Tuyền: để cho có hiệu quả, thư của các nữ sĩ này phải đăng lên Khởi Hành, là báo văn học nghệ thuật. Tôi trả nhuận bút lá thư 500 đồng, nhờ anh gửi cho hai bà ấy. Từ Cục Tâm Lý Chiến trên đường Hồng Thập Tự, tôi chạy ra Khởi Hành trên đường Phạm Ngũ Lão, đục bỏ một bài đã đổ khuôn chì, cho sắp chữ thay thế bằng lá thư của hai nữ sĩ. Thư đề “Kính gửi Anh Trần Phong Giao, TKTS báo Văn,” nhưng tôi đặt lại tựa, in chữ lớn ngoài bìa báo: “Túy Hồng, Nhã Ca lên tiếng về một nhận định của báo Văn đối với gái Huế.”

 

Hôm sau báo phát hành. Đó là Khởi Hành số 3, ngày 15.5.1969, và bài đó in nơi trang 2, chạy qua trang 3. Vào Tiền Tuyến, Thanh Tâm Tuyền đưa trả tôi 500 và đòi lại lá thư, tôi đưa anh tờ Khởi Hành còn thơm mùi mực in, nói anh quên hôm nay là thứ năm rồi à? Báo đã phát hành sáng nay. Thanh Tâm Tuyền có vẻ hối tiếc:”Tôi quên là tôi cũng viết báo Văn, ông Vượng (chủ nhiệm báo Văn) rất quí tôi, lẽ ra tôi không nên đưa cho bạn lá thư đó. Nhưng mà làm báo như bạn mới là làm báo!” 

(Nguyễn Xuân Hoàng, từ thơ đến văn - Viên Linh)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nếu biềt rằng em đã lấy chồng
Anh về cạo sạch hết tóc lông
Cà-sa anh khoác, kinh anh tụng
Chuyện đời bỏ hết với "sắc, không"



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Nguyễn Công Hoan - 1

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã không tiếc lời ca ngợi Nguyễn Công Hoan về nghệ thuật lẫn về tư tưởng: Ông xếp Nguyễn Công Hoan bậc nhất trong các cây bút tả chân.


Tất cả tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan đều là những tiểu thuyết tả thực về phong tục Việt Nam về hạng trung lưu và hạng người nghèo. Ông quan sát hết sức kỹ lưỡng và rất đúng, sự nhận xét của tác giả thật tinh vi. Đọc ông người ta không bao giờ phải phàn nàn rằng nhà văn cứ quanh quẩn trong mấy đầu đề như nhiều nhà văn khác... Nhưng đối với xã hội chủ nghĩa thì ông hết đất sống. Ngòi bút của ông bị Tố Hữu bẻ gãy và dìm xuống đất đen, để cho hắn ngoi lên làm thần tượng giả của nông dân trong mấy chục năm trời với Từ Ấy, Việt Bắc và Gió Lộng.


Nguyễn Công Hoan chẳng khác nào một cái cây đang mọc trên đồng bị bứng đem đi trồng trên núi đá. Nguyễn Công Hoan chỉ còn cách tự trào cho qua ngày đoạn tháng! Vào những năm cuối đời, ông có cố gắng làm ngọn đèn trước khi tắt. Ông đã viết luôn hai quyến: Hỗn Canh Hỗn Cu, Tranh Tối Tranh Sáng để mô tả Cải Cách Ruộng Đất và nông thôn sau Cải Cách Ruộng Đất, nhưng cả hai đều không phải Nguyễn Công Hoan của Bước Đường Cùng trước 1945. Điều đó làm người ta tự hỏi.


Với Tự Lực Văn Đoàn thì Tố Hữu không hết lời mạt sát, còn coi đó là văn học phản động. Chính Viện Văn Học lại kỷ niệm Thạch Lam... nhưng tuyệt đối không nhắc tới Nhất Linh và Khái Hưng là chủ tướng của Tự Lực Văn Đoàn.

(Xuân Vũ)



Tướng mạo con người qua ca dao, dân ca 

Lỗ mũi mỏng, đầu cong, nhọn hoắc
Ắc lòng tham, hiểm độc gian phi
Tướng này đức đã suy vi
Nếu không tu thiện, hậu thì khó toan



Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết 

Nguyễn Công Hoan - 2

Tôi đọc truyện Oẳn tà roằn của ông lâu lắm. Không nhớ là bao lâu nhưng vẫn còn nhớ cốt chuyện.


Một cặp vợ chồng nọ rất đẹp đôi. Lần đó bà vợ có thai. Ông chồng hi vọng sẽ đẻ ra một thiên thần con, khi nghe tiếng khóc oe oe, ông được phép vào xem mặt con, thì than ôi, đứa bé đen như than hầm. Ông chồng thất vọng ôm mặt chạy ra.

Ông không nghi ngờ vợ ngoại tình với ai, nhất là với một anh Tây đen nào đó. Đúng ra ở trong chung cư có một anh Tây đen. Hai vợ chồng ông ở tầng lầu còn anh Tây đen thì tầng trệt. Vì thế những người láng giềng nhìn thấy mặt nhau luôn. Đặc biệt người đàn bà thì rất sợ bộ mặt kinh hoàng của anh Tây đen.


Một bác sĩ tâm lý nhận định rằng sự sợ hãi đó đã gây một ấn tượng càng ngày càng sâu sắc cho người đàn bà và vì thế mà bà ta sinh ra một Oẳn tà roằn. Anh chồng tin như vậy, để tìm lấy một sự an ủi, nhưng vẫn đau khổ mỗi khi trông thấy Oẳn tà roằn.

(Xuân Vũ)

 


Chữ và nghĩa

Em ơi đừng lấy thợ cưa

Có hai hòn d...đong đưa suốt ngày



Chuyện bây giờ mới kể

Trong hoạ có phúc, không được in thì lại được tiếp chuyện các bậc đàn anh nhiều hơn.


Kim Lân phát mạnh vào vai tôi (Vũ Thư Hiên):

“Mặc mẹ nó! Được Tố Hữu đập, coi như “lúy” công nhận ông có chiếu trong làng văn. Hay chứ không dở”. 

Nói thế, Kim Lân phải tin tôi lắm. Câu ấy mà đến tai Tố Hữu thì lôi thôi to. Được Kim Lân tin, tôi sướng âm ỉ. Hiền lành một cục, thận trọng cũng một cục, thế mà rồi có lúc anh cũng bị nện cho một trận với truyện ngắn “Con chó xấu xí”. Người ta nói tác giả ví văn nghệ sĩ trung thành với đảng như con chó ghẻ xấu xí nọ, nó gắng sức giữ nhà cho chủ, thế mà vừa trơn lông đỏ da là chủ vật ra làm thịt. Một truyện ngắn hay, giọng văn mộc mạc, khó có thể tìm được một câu được hiểu là móc máy. 


Hồ Dzếnh nắm chặt tay tôi, bóp bóp vài cái. Ấy là anh khen đấy, Thanh Châu giải thích. Anh ý nhị nhìn tôi, cười tủm tỉm. Sau mới biết Hồ Dzếnh ít khi tỏ thái độ khen chê. Anh là người kín kẽ. Thanh Châu nói về Hồ Dzếnh: “Của hiếm trong văn học. Bút pháp của ông ấy tôi muốn học cũng không được – là văn đấy, mà cũng là thơ đấy”.


Hồ Dzếnh là một nhân vật đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ anh lặng lẽ đến, lặng lẽ leo lên, rồi trầm ngâm nhấm nháp trà quạu, không nói không rằng. Lối viết của anh là trách nhiệm và sự nghiệp của nhà văn. Viết cái gì, viết thế nào, đã có đảng cầm tay chỉ việc. 


Mặc dầu không dính dáng gì với đám phản động “Nhân Văn – Giai Phẩm”, nhưng anh vẫn bị người ta nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ. bọn văn nghệ sĩ cũ không thể tin, lũ ấy kém mười lăm phút đầy phản động. Để yên thân, thỉnh thoảng anh có một bài thơ nhạt nhẽo trên tờ Lao Động. Anh không bao giờ nhắc đến chúng.

(Vũ Thư Hiên)



Giai thoại làng văn xóm chữ

Câu đối

Một học trò nghèo, bữa kia phải đem áo đến cầm cho một nhà giàu, không ngờ nhà này lại là một ông quan hồi hưu. Ông quan trông thấy thương tình, bèn ra một vế đối thử tài:
Quân tử cố cùng, quân tử cùng quân tử cố
(Người quân tử bền lòng lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng, quân tử bền lòng - Luận ngữ).
Khó ở chữ cố, vì đây lấy nghĩa nôm là cầm cố, ở chữ cùng, nghĩa nôm là cùng quẫn.

Anh học trò đối ngay:
Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm.
(Khổng Minh bắt, tha, Khổng Minh tha, Khổng Minh bắt - Tam quốc: Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch bảy lần lại tha).
Tài tình ở chữ cầm, lấy nghĩa nôm cầm cố như trên, chữ túng nghĩa nôm là túng tiền, vừa đối chữ, vừa đối nôm.

Vị quan cấp ngay tiền cho, khỏi cần phải... cầm với cố!

(Lãng Nhân Phùng Tất Đắc - Chơi chữ 1960)



Đình Bảng,  kiến trúc độc đáo  Kinh Bắc  

Sau khi xây dựng xong, đình Đình Bảng chưa thờ các vị thành hoàng ngay mà thờ hai cặp vợ chồng chết trong tư thế lạ. 

 

Ngày ấy, khi đình làng chưa được xây dựng, bên cạnh khoảng đất để xây đình có một ngôi miếu nhỏ cạnh cây đa cổ thụ có cặp vợ chồng nọ sinh sống. Không ai biết cặp vợ chồng này là người ở đâu đến, chỉ biết họ sống trong ngôi miếu được một thời gian khá lâu. Sáng sớm họ đã ra khỏi miếu, tối đến về miếu ngủ. Ngày nào cũng như ngày nào, bỗng một hôm, họ không ra khỏi miếu nữa.

Thấy lạ, dân làng nhìn vào miếu bỗng phát hiện cặp vợ chồng này chết trong tư thế chồng nằm trên, vợ nằm dưới, bộ phận sinh dục của hai người dính chặt nhau. Chưa bao giờ gặp phải cảnh này, dân làng cho là điềm lạ lập miếu thờ làm thần hoàng làng. Sau khi xây dựng đình, dân làng chuyển họ sang đình để thờ. 

 

Bắt nguồn từ tích này, vào ngày 13 của ngày mở hội, dân làng Đình Bảng cúng hai con lợn đã thịt nhưng chưa luộc chín (một con cái, một con đực) đặt chồng lên nhau. Sau khi cúng xong, số thịt này được chia đều cho dân làng theo cấp bậc đã phân. Tuy nhiên khoảng 20 năm trở lại đây, hai con lợn sống ấy được thay thế bằng hai cái đầu lợn đã luộc chín 

(Võ Quang Yến)



Sông Tô Lịch - 1

Ai cũng nghĩ Tô Lịch là thủy danh, tức là tên sông. Trong khoa học định danh có phân ra nhân danh, sơn danh, địa danh, thủy danh… Tô Lịch nay được biết là tên sông và ai cũng nghĩ nó là thủy danh. Nhưng hoàn toàn sai.

 

Đó là một nhân danh. Đó là một tên người.

Và đây là một nhân vật lịch sử đàng hoàng, có tiểu sử, có công tích, được chép vào chính sử. Ngoài ra chưa kể đến những thành tích, ngọc phả, thần phả, những nghi lễ thờ cúng rồi thì lễ hội… để thờ nhân vật lịch sử họ Tô tên Lịch. 

(Lê Văn Lan)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Có ai định nghĩa được chữ phê

Có khó gì đâu cứ nằm kề

 

 


Cò ke cót két thân run rẩy

Người đưa người đẩy thế là phê



Ông Tô Lịch - 2 

Điều quan trọng tiếp theo là người đứng đầu của ngôi làng đó, ấy là một người họ Tô tên Lịch. Sử cũ viết về thời đầu Công Nguyên có chép rõ: “Đây là người đứng đầu Long Đỗ hương. Có lòng nhân ái, không những cai quản tốt mà gặp lúc đói kém, Tô Lịch đã xuất của trong nhà ra giúp cho nạn dân. Vì thế rất được tin phục. Đến khi chết thì được tôn làm thành hoàng.”

 

Tức là từ một nhân vật có thật trong lịch sử, ông Tô Lịch trở thành một nhân thần. Trong việc phân chia thế giới thần linh, chúng ta có hai loại nhiên thần và nhân thần, thần gốc tự nhiên và thần gốc người. Ông Tô Lịch là nhân thần và là thành hoàng của làng cổ ở Hà Nội hôm nay.

Long Đỗ hương có đặc trưng là một gò đất cao và có một dòng nước uốn lượn ở bên làng. Dòng nước ấy vào 2.000 năm trước chưa có tên. Khi ông Tô Lịch qua đời, dòng nước uốn quanh đó, vốn là nguồn cung cấp nước cho làng, được mang tên Tô Lịch.

Từ đó mà ra đời sông Tô Lịch.

      (Lê Văn Lan)



Đàn đáy 

Vì ở thời Lý hay thời Lê âm nhạc của ta ảnh hưởng Tàu rất nhiều. Nhưng ca trù hay ở chỗ lại không giống Tàu một chút nào. Một cây đàn đáy Tàu không có, một giọng hát Tàu không có, một cái phách Tàu cũng không có nốt. Mà so với Tàu thì ca trù cũng

là một loại hình âm nhạc độc đáo

Đó là có một ả đào vừa hát vừa đánh phách, tiết tấu thì phức tạp, chỉ dành riêng cho ca trù, đó là đàn đáy. Đàn đáy có một đặc điểm là rất dài làm cho dây không căng lắm và dây lại chỉ được lắp từ nửa thân dưới trở xuống để có độ nhấn rung. 


Có lẽ đàn được sáng tạo từ thế kỷ 15 với sự định hình của thể loại hát nói trên. Ngày nay đàn đáy còn được dùng để đệm cho ngâm thơ. Bởi tính chất khiêm tốn, nhũn nhặn của tiếng đàn trong khi đệm cho hát, có người đã ví đàn đáy như một “triết gia ẩn dật”


Thứ nữa là trống chầu làm cho âm nhạc khúc triết, hấp dẫn hơn. Trống chầu biết chỗ nào ngắt câu, chỗ nào ngắt khổ; đó là trống khen, chê. Khen một câu hát hay, một tiếng đàn hay, chê một giọng hát dở, một tiếng đàn dở…, khen, chê đồng nghĩa giải thích cho người nghe chỗ này hay đấy, chỗ kia dở đấy!

      (Nghệ thuật ca trù – Bùi Đẹp)



Văn bia, cuốn gia phả bằng đá

Vậy ai là người viết văn bia? 
Hầu như những người viết văn bia là người có học và có uy tín với dòng họ cần tạo bia. Chẳng hạn như: 
- Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản người làng Du Lâm, Đông Ngàn, soạn bia 1882 cho Nhà thờ họ Phạm ở Đông Phan, Quảng Nam. 
- Tiến sỹ Nguyễn Thuần Phu khoa Đinh Sửu (1637) chức Lễ Bộ Hữu Thị Lang tước Phương Lộc Bá cùng Vũ Quang Đại Nội Doanh Công Bộ Công Trình Viên Ngoại, tước Văn Minh Tử cùng nhau soạn bia tạo năm 1651 cho họ Ngô ở Trảo Nha, tỉnh Hà Tĩnh. 
- Tiến sỹ Nguyễn Nghiễm (thân sinh Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều) tước Xuân Nhạc Hầu, tiến sỹ khoa Tân Hợi (1731), Tham Tụng, Công Hộ Thượng Thư, kiêm Quốc Tử Giám Tế Tửu đã soạn văn bia cho họ Nguyễn ở Tiên Điền, tỉnh Hà Tĩnh. 
- Ngô tiến sỹ đậu năm 1766 và Phan tiến sỹ đậu năm 1754 cùng soạn văn bia tạo năm 1767 cho họ Nguyễn ở Phú Đa, Vĩnh Phú. 

(Nguyễn Văn Hoa)



Sài Gòn một chút quán xá - 1

Quán cà phê Năm Dưỡng 

Ông Didier Corlou, người Pháp sống nhiều năm tại Việt Nam, từng phụ trách ẩm thực trong hệ thống khách sạn lớn bậc nhất của Hà Nội, bảo rằng điều tuyệt hảo nhất ở đây là uống cà phê phin trong thời tiết mùa đông Hà Nội. Cho vào vài cục nước đá, uống trong thời tiết nóng bức cũng thật sảng khoái. Chất cà phê đậm đà, hương thơm đặc biệt, thật thú vị như được uống cà phê tại chính xứ sở của ông. Didier Corlou đã gọi cà phê ở Việt Nam là “hương gây mùi nhớ” Cà phê Việt Nam khiến ông nhớ nước Pháp.

Thế nên khi ghé Sài Gòn, vào một số quán cà phê mà đối tượng khách uống là giới trẻ thành phố, ông đã thất vọng. Giới trẻ Sài Gòn hôm nay có nhịp sống gấp gáp, họ không có đủ kiên nhẫn để chờ từng giọt cà phê đậm đà nhỏ xuống ly tách. Ông vô cùng tiếc khi giới trẻ ở đây chỉ cần uống thứ cà phê gọi là cà phê, với thứ cà phê được pha chế sẵn. Ông ngạc nhiên sao giới trẻ bây giờ không quan tâm tới vị cà phê đích thực, nhỏ xuống những giọt cô đọng qua chiếc phin lọc.

Uống cà phê tại Napoli Coffee - Năm Đường xưa, chúng tôi nhớ lại hương ngày cũ, tại các quán cà phê Sài Gòn thuở trước: Thu Hương ở Hai Bà Trưng - Hân ở Đinh Tiên Hoàng, Nhân cùng ở Lý Thái Tổ - Phong ở Nguyễn Thiện Thuật... Điều cần nói tới là chất lượng cà phê, cà phê thật hay cà phê dỏm: Đây là chuyện của hôm nay, ở đa số quán cà phê tại Sài Gòn.

(Quán cà phê và “Hương ngày cũ của Sào Gòn”  – Nguyễn Đạt)

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Con gà cục tác lá chanh.
Mới cục vài tiếng đã thành gà quay.

 


Sài Gòn một chút quán xá - 2

Tiệm phở kỳ cựu nhất Sài Gòn


(Phở gánh Hà Nội)


Theo nhà văn Tô Hoài, ở Sài Gòn năm 1940 chỉ có hai chỗ bán phở Bắc. Một là ở hẻm đường Espagne tức đường Lê Thánh Tôn hiện nay và một ở Chợ Cũ (khu vực đường Hàm Nghi).

Rồi đến năm 1950, tức là 10 năm sau đó, phở Bắc có thêm mỗi một tiệm ở đường La Grandière (Lý Tự Trọng), chứng tỏ người Sài Gòn chưa quen với món phở đến từ Hà Nội. Thời đó chỉ có công chức, tư chức gốc Hà Nội đang làm việc ở Sài Gòn mới ăn sáng bằng phở Bắc.


Nếu đến tiệm phở Cao Vân trên đường Mạc Đĩnh Chi, bạn sẽ bắt gặp một cụ già ngồi ở góc trong cùng của tiệm. Tuy đã 90 tuổi nhưng ông Phồn vẫn còn rất minh mẫn. 

Tô phở ở đây đầy đặn, nhiều thịt. Không như với nhiều tiệm phở khác, lò nấu phở ở đây nấu bằng củi chứ không bằng than tổ ong hay bằng bếp ga, bếp được quây kín và có ống khói thoát lên trên. Ông Phồn cho rằng  “dùng củi hầm xương cho nước dùng tốt nhất vì đảm bảo về nhiệt độ, không làm ô nhiễm không khí quán ăn và người nấu”


“Ngày đó, phở 3 đồng một tô và khách tới ăn toàn là khách sang. Thời xưa, chỉ nhà khá giả, trung lưu mới có tiền đi ăn phở”. 

Ông Phồn hồi tưởng lại một chặng đường dài… Nồi nước phở không có gì khác ngoài xương bò và sá sùng Quảng Ninh. Sau này vào Sài Gòn, ông không dùng sá sùng để nấu được vì chỉ có sá sùng Nha Trang vị hơi tanh, không nấu được


Sinh ra tại Hà Nam, lớn lên ông Phồn theo anh trai đi bán phở ở Ngã Tư Sở (Hà Nội) những năm 1930-1940. Thời đó, hai anh em thuê một cái nhà nhỏ và để xe phở ở đó, người bán chỉ bỏ thịt và gia vị vào tô phở, khách sẽ tự chan nước dùng vào tô rồi kiếm chỗ ngồi ăn. Mỗi ngày nấu chỉ một nồi phở, bán hết là nghỉ.

 


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân

từ vị 辭 彙 
Trước đây, từ điển thường được gọi là tự vị hoăc cũng có người gọi là từ vị. Soạn giả cũng cho rằng, từ vị nghĩa là từ điển. 


Ðiều đáng phàn nàn là, ông chỉ căn cứ theo âm để đoán nghĩa nên đã cho rằng, vị nghĩa là nói. Hoàn toàn sai. Tất cả mọi từ điển chữ Hán của Trung Quốc và của các soạn giả Việt Nam đều không có quyển nào dùng chữ vị ấy. Chữ vị này vốn có âm là hội. 

Ở Trung Quốc nó chỉ có một âm là hui (đọc là huây, tương ứng với âm “hội” của ta) còn ở Việt Nam lại có thêm hai âm nữa là vị và vựng, nhưng nghĩa vẫn không thay đổi. 


Theo từ điển Từ nguyên, chữ này có ba nghĩa: đồng loại; phồn thịnh; con nhím. Phải chăng, vì con nhím có tên là “vị” 蝟 nên cha ông chúng ta cũng đọc chữ hội này là vị. Ngoài ra, có lẽ vì chữ “hội” hoặc “vị“ 彙 này xem qua thì hơi giống chữ “vựng” 暈 nghĩa là “vầng” nên có người đã đọc nhầm rồi trở thành thói quen, tương tự như trong trường hợp người ta đã đọc nhầm chữ thung với chữ xuân 椿. Hiện nay, hầu như không ai dùng từ từ vị 辭 彙 với nghĩa như từ điển nữa. 

Giới ngôn ngữ học hiện nay dùng từ “từ vị” 辭 位 (trong đó, vị nghĩa là vị trí, là đơn vị) với nghĩa là “đơn vị cơ bản có nghĩa, và là yếu tố cấu trúc của ngôn ngữ, thường tương đương với từ”. 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

 


Luận về chữ… ngu 

Ngu là không biết gì. Ngu có nhiều đẳng cấp. Có cái ngu lớn, có cái ngu nhỏ, có cái ngu nhiều có cái ngu ít. Có người ngu ở cái này nhưng lại khôn ở cái khác. Có người cái gì cũng ngu..


Người ngu cái lớn, nhưng khôn cái nhỏ thường là khôn vặt. Có người ngu rồi mới nên khôn. Có người vấp ngã dài dài nhưng không bao giờ khôn. Có người khôn nhưng giả bộ ngu. Những loại người này ta cần phải đề phòng. Có người ngu nhưng làm mặt tài khôn. Những loại người này dễ bị người ta ghét.

 

***

Lão Tử khuyên muốn giữ mình thì có tài phải làm bộ ngu để dấu tài đi. Cái ngu này (tức là hiền) khác với cái ngu ở trên. Chính cái ngu này lại là cái khôn của người quân tử.

 

Vì sao ta ngu?

Vua Hoàn Công nước Tề đi săn, đuổi con hươu chạy vào trong cái hang, thấy có một ông lão, bèn hỏi rằng:

- Hang này gọi là hang gì?

Ông lão thưa:

- Tên là hang Ngu Công.

- Tại sao mà đặt tên như thế?

- Tại kẻ hạ thần đây mới thành có tên ấy.

- Coi hình dáng lão, không phải là người ngu, cớ gì lại đặt cái tên như thế?

 

Để hạ thần xin nói: Nguyên hạ thần có con bò cái đẻ được một con. Khi bò con đã lớn, hạ thần đưa đi bán, rồi lấy tiền mua một con ngựa đem về nuôi cùng với bò cái. Một hôm có một chàng thiếu niên đến lấy lý "bò không đẻ ra được ngựa" bèn bắt con ngựa đem đi. Tôi chịu mất, không cãi được. Vì thế xa gần đâu cũng cho tôi là ngu mới gọi hang tôi ở đây là hang Ngu Công.

Hoàn Công nói:

- Lão thế thì ngu thật.

 

Trích Cổ học tinh hoa, Sài Gòn 1970, quyển hạ, tr. 167.

 

(Hà Sgn)

 



Không có nhận xét nào: