Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Trống Đồng Khuất Nẻo - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


Trống Đồng Khuất Nẻo   


       Khi không bác lụng bụng hỏi trống đồng từ lỗ nẻ nào chui lên? Sau đấy, bác lẫn đẫn hoa văn trên trống đồng có người giã gạo ắt hẳn nghe “ục…ục…” như cái chầy giã lên cái cối. Thôi thì với cô lý, cô liêu quan san, quan đạo, bác và tôi chống cây gậy chống trời đi tìm ai đấy gõ lên cái trống đồng dăm tiếng xem sao.


        

Chuyện dây cà ra dây muống bởi có nhà làm văn hóa ở Thăng Long ngàn năm văn vật, buồn tình cầm cái dùi gõ lên mặt trống mà rằng: “Tùy theo hình tượng của từng con thú, rõ ràng có…”ấn tượng” với âm giai ngũ âm truyền thống dân gian(xem tr 4: Thêm nhạc dân tộc Nam ai, Nam bình ở cung đình Huế). Tiếp, họ lên cơn đồng thiếp: “ca dao, đồng dao, ngay cả cò lả, hát lý, hát chèo cũng từ trống đồng mà ra” . Nhưng khổ nỗi trống có cả ngàn năm đã mệt mỏi với thời gian rồi, đánh lên chỉ nghe…“ục, ục” như giã gạo thôi.


        Với cả ngàn năm, trống đồng theo truyền thuyết…

        “…Công chúa con vua Hùng Vương thứ 15 một hôm ra bờ biển du ngọan, thấy sóng đánh dạt vào bờ… “một” cái trống đồng, trống chỉ một mặt không có đáy, hình thắt cổ bồng. Thấy vật lạ bèn sai mang về kinh trình vua cha. Xem xong, vua Hùng ra lệnh cho gọi tất cả thợ đúc đồng về kinh đô, cứ theo trống đồng mẫu mà rập khuôn ra… 1.900 cái…”.

       Được thể những nhà làm văn học trong nước tống táng trống đồng vào văn học, và giải mã từ nguồn gốc tộc Việt, tới văn hóa, văn minh, v…v….Nói cho ngay, trống đồng có nhiều huyền thọai, huyễn hoặc nằm ở hồi sau. Ừ thì như vừa dông dài, bác và tôi hãy lễnh đễnh đi tìm trống đồng với những khuất nẻo trước đã, thưa bác.


       Thời kỳ trước 1975

       Năm 1924, trống đồng Đông Sơn được tìm thấy dưới chân đồi gần sông Mã, thuộc huyện Đông Sơn, cách Thanh Hóa 4 cây số. Trống đồng Hoà Bình tìm được ở Mường Dâu, bên bờ sông Đáy (xem phụ đính). Ông V.Goloubew là người của Viện Viễn đông Bác cổ tới tận nơi làm phúc trình: “…Úp xuống nó giống như cái nồi úp sấp. Lật ngửa lên nó là cái chậu và trông xa nó như cái gùi của người miền núi. Hoa văn như chim bay, nhà oằn, chiến binh đội mũ lông chim, tay cầm vật như tàu cau chẻ đôi…”.

       Nhưng sử gia Hà Nội nhìn trống đồng qua lăng kính khác. Vì trong cuộc khai quật ngôi mộ cổ ở Đông Sơn có tùy táng bằng đồng, còn có gương đồng. Dựa theo Mã Viện chinh Giao Chỉ đuổi theo tàn quân Hai Bà tới quận Cửu Chân, nên họ đặt tên là “Trống đồng Hai Bà Trưng” bởi trong mộ có… gương soi của Hai Bà. 

 

       Quận Cửu Chân có thuộc về tộc Việt chăng? Vì vấp phải nạn chủng tộc và địa danh, tôi mạo muội thưa với bác muốn tìm về cội nguồn tộc Việt phải vật lộn với ba luận cứ khác nhau. Bởi từ lâu sử ta bén rễ sử Tàu qua mấy ông Tây trong Viện Viễn Đông Bác Cổ: tộc Việt từ Động Đình Hồ, tay bồng tay bế gồng gánh xuống đồng bằng Bắc Việt. Sau thêm Bình Nguyên Lộc, dựa vào ông G. Coedès: người Việt ta từ Nam Dương chèo thuyền tới Óc Eo. Nay có thêm thuyết mới qua những nhà khảo cổ Tây phương, tộc Việt từ: Phi Châu đi bộ tới tận vùng châu thổ sông Hồng nên chả biết đâu mà lần.

       Lọ mọ vắt qua biểu tượng trống đồng từ cấu trúc kỷ hà học tới xoáy tròn theo trôn ốc cùng hoa văn trên mặt trống với chim muông, v…v…Bác ngúc ngắc dòm tôi? Bác và tôi hãy theo chân các cụ ta xưa ghé cung điện vua chúa ở Thăng Long. Vào đình chùa miếu mạo với cột kèo, đòn tay, rui mè, xà thượng, xà tứ. Từ đầu đao đến cửa võng, miếng phù diêu trạm trên cánh cửa. Qua hình ảnh trạm rồng (rồng đời Lý, rồng đời Trân), hạc, cò, sếu, dơi, chuột, cá, ngay cả với con nghê (khác kỳ lân) nữa, v…v…Bác có thấy con nào hay chim chóc… lạc lòai với…“con chim Lạc” chăng? Thưa bác.

       Theo những nhà làm văn học tìm về nguồn gốc tộc Việt với chữ “lạc”, ngòai là lúa nước, còn có nghĩa là con chim. Giống chim này chỉ bên Tàu mới có, chả ai biết là giống giuộc gì? Trong văn đàn bảo giám Thăng Long nghìn năm mây bay, họ ngờ rằng nó chân cao, mỏ dài, vì vậy mới có chuyện chim lạcchim hạc…rõ ràng trên trống đồng. Ông Đào Duy Anh, khoa trưởng Sử học Đại học Hà Nội, vẽ rắn thêm chân: Như thế thì chữ Lạc chính là tên vật tổ, tức chim totem hay chim hậu điểu miền Giang Nam trên trống đồng Ngọc Lũ.

       Người Trần Gia Phụng, sử gia miền Nam… bay theo… ”bức xúc”: Nếu biết là chim lạc là chim gì thì các ông đã không cãi nhau. Nếu không biết chim lạc là chim gì thì làm sao các ông biết hình trên trống đồng Lạc Việt là… chim lạc.



Bác lực đực chim lạc là con hạc nên lơ là tấm ảnh này…

Vào thời xưa thật là xưa, bác có… “cảm giác” gì khi nhòm thấy các bác phó rèn ta đang ngồi kiểu nước lụt búi bấn với những hình tượng… ”kỷ hà học”? Bởi ở nơi đồng bái quê mùa, họ nào có hay biết…”nhà sàn cao cẳng ở miên núi” hoặc… ”con hạc lò dò như cò ăn đêm ở bên Tàu”. Như đêm giữa ban ngày, bác hãy thử ới các hoạ sĩ thời danh hôm nay vào thiên niên kỷ 21 với siêu thực, ấn tượng để vẽ mặt trống đồng. Tôi chắc như cua đinh họ không “hình tượng” ra kỷ hà học là quái gì? Nói chi tới các bác phó rèn, thưa bác.

        Nghề rèn, đời Lý thế kỷ 11, dân năm làng Châu Mỹ, Đông Mai, Diên Niên, Dao Niên và Long Thượng thuộc Hưng Yên được tập trung về quanh Tây Hồ lập ra phường Ngũ Xá. Họ đúc tiền, quan dụng, ngự dụng cho triều đình. Vậy mà không thấy họ làm… trống đồng! Thế mới hay. Hay hớm hơn nữa để thử nghiệm, mới đây: quản thủ bảo tàng viện Hà Nội nhờ họ đúc trống đồng Đông Sơn. Mặc dù nay với máy móc hiện đại, họ chịu chết không thực hiện được. Với cửu đỉnh ở cố đô Huế phỏng theo đỉnh nhà Hạ, lò đúc làng Thọ Dực thời Minh Mạng 1837 đúc 3 năm mới xong với họa tiết… cây ngô đồng của Tàu và… súng thần công của Tây. Nhưng điều tôi muốn rị mọ với bác là: Những tác phẩm đỉnh đồng ấy tác giả là… ông João Da Cruz người Bồ Đào Nha. Số là vào thời chúa Hiền 1687, nhà chúa đã ới ông Da Cruz lập xưởng đúc súng ở Phường Đúc, Quảng Bình.


       Trở về với nguồn gốc tộc Việt: Bác và tôi đảo về Sài Gòn năm 1964 tìm cuốn Les Peuples la péninsule Indochinoise Histoire et Civilisation của G. Coedès. Theo ông G. Coedès: Cách đây 5.000 năm, có “một sắc dân không biết từ đâu” kéo tới Nam Dương. Rồi ngược lên hướng bắc. Tiếp đến, theo các nhà khảo cổ những đồ đồng được tìm thấy từ Nam Dương lên tới Vân Nam. Dùng Carbon-14 để định tuổi, họ tìm thấy những chiếc rìu được đúc bằng khuôn kép sa thạch, tuổi từ 2.300 năm đến 3.000 năm. Theo thứ tự thời gian nằm dưới lòng đất, 3.000 năm thuộc sắc dân Nam Dương, 2.500 năm thuộc sắc dân Mã Lai, và 2.300 năm ở Cao Miên, Thái Lan và Việt Nam. 


       Thời kỳ sau 1975

       “Tiếp cận” với “Văn hóa Hòa Bình” với “Văn minh Đông Sơn”, ắt bác đang hụt hẫng với hai cụm từ này, tôi cũng chẳng hay ho gì hơn bác: Bởi họ cứ hục hặc từ văn hóa Hòa Bình đến văn minh Đông Sơn. Tôi nghĩ vụng, thảng như họ tìm ra trống đồng ở Kontum, Pleiku trước… năm 54, với khí khái dân tộc tính, chém chết họ chả dại dột gì gọi là… ”Văn hóa Kontum”, hay… “Văn minh Pleiku” của… người dân tộc miền núi, thưa bác. 

       Với người Mường, dân tộc thiểu số Choang, khổ nỗi một phần đất Hoà Bình xưa kia của Lão Qua, tức Ai Lao (thời Trần với Phạm Ngũ Lão). Trở lại với trống đồng Đông Sơn, Thanh Hóa với người Việt Thường, năm 890 họ bị Chiêm Thành xóa sổ trên bản đồ. Đời Lý Nhân Tông 1103 xóa tên Chiêm Thành và sát nhập vào sổ bộ nước ta

       Được thể tôi bám như cua cắp vào người viết sử Nguyễn Lý Tưởng: 

       “…Điều đó cho chúng ta biết được trên mảnh đất chúng ta đang ở, từ xưa đã có nhiều giống người làm chủngười Việt lại là giống người xuất hiện sau cùng. Những trống mới tìm được ở Thanh Hóa, Hòa Bình và cả những nơi mà cả gần một ngàn năm trước đây, không thuộc về tổ tiên chúng ta mà thuộc về một chủng tộc nào khác tùy theo địa giới. Chúng ta cũng thừa biết rằng người Việt chỉ dùng trống làm bằng gỗ, bịt da thú mà thôi nên đã nói lên rằng chúng ta không phải là chủ nhân của những chiếc trống đồng…”.

       Thêm ông Bình Nguyên Lộc với sự thể thế này:

       “…Những khai quật ở Đông Sơn, quả có rọi ánh sáng vào buổi bình minh của dân tộc ta thật đó. Nhưng đó là một thứ ánh sáng mờ ảo, không cho rõ cho lắm, lại còn làm bối rối thêm. Cần phải nhiều năm nữa, chớ không nên vội vàng nhận người Đông Sơn là tổ tiên của ta, hoặc chối phăng họ là tổ tiên của ta. Phủ nhận hay nhìn nhận đều phản khoa học cả, nếu ta chỉ bằng lòng với những công trình nghiên cứu của những ông V. Gouloubew, O. Jansé v…v..., họ chỉ làm việc một giai đoạn thôi, chưa xong gì cả…”.


       Khốn khổ cho ông Bình Nguyên Lộc vì theo một lão làng khảo cổ Hà Nội: Phủ nhận trống đồng là có tội với tổ tiên. Quay quả với O. Jansé chỉ mới làm việc có một giai đoạn thôi, chưa xong gì cả”. Mà không xong thật, vì phải đợi sử gia Lê Mạnh Hùng…

       “…O Jansé cho rằng vì trang trí trên trống đồng Đông Sơn là hình những chiếc thuyền với những chiếc chèo, và hình những con chim biển có quan hệ mật thiết với biển và vì vậy có thể họ xuất phát từ biển vào…”.

       “Từ biển vào…”, thế là tôi quơ cào Dr. J.Y Chu cùng thuyết cội nguồn tộc Việt từ biển tới. Nhưng trước khi gãi ngứa Dr Chu, để bới móc cổ sử, bác và tôi chịu khó trở về thời cổ đại nguồn gốc của một dân tộc qua máy vi tính, với những tài liệu của các nhà khảo cổ học, ngôn ngữ học, nhân chủng học, hải dương học, sinh vật học, huyết thống di truyền học DNA và ADN. Nhất là môn tiền sử học, dựa trên khai quật, đào xới các di tích tiền sử các di vật như xọ người, xương tay, xương chân, v…v...

       Dr Chu (thêm Erika Hagenberg thuộc đại học Cambrige và Carlos Lalueza thuộc đại học Barcerlone ở Tây Ban Nha) trong The National Academy of Sciences (USA 1998), bằng vào di truyền học DNA, ông đã chứng minh được con người cận đại (sapiens) ở vùng Đông Nam Á khởi nguồn từ Đông Phi Châu, khoảng 150.000 năm trước, lúc này các lục địa chưa tách rời. Họ đi vòng từ phía nam đến quần đảo Nam Dương khoảng 90.000 năm. Sau họ đi ngược lên vùng Đông Nam Á tụ lại ở miền đồng bằng Bắc Việt, khoảng 50.000 năm. Rồi nhóm người này đã đi lên hướng bắc vào lục điạ Trung Hoa, khoảng 35.000 năm.


       Đến những khuất nẻo này tôi chắc như gạch nung: người Phi Châu tới đất ta trước, sinh con đẻ cái rồi mới dẫn cháu chắt chút chít… “vượt biên” qua Tàu. Vì thế từ thời xa xưa, các cụ ta đã có câu Gió Động Đình mẹ ru con ngủ - Trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh.

       Cũng như Dr Chu, trong The Drowned Continent of South East Asia, Dr. Stephen Oppenheimer qua các nhà hải dương học cho biết: Người Phi Châu đặt chân đến Đông Nam Á, vùng này nằm trong thời kỳ biển thóai. Mực biển thấp 130 thước, đất liền từ Việt Nam kéo dài tới đảo Hải Nam và ông gọi vùng đồng bằng Bắc Việt lục địa NamHailand.

       Theo Stephen người Việt cổ di cư lên phía bắc vào đất Trung Hoa làm 2 đợt: 

       - Đợt thứ nhất, sau khi xẩy ra đột biến di truyền ở Đông Nam Á, và ở miền bắc Việt Nam nói riêng, từ hắc chủng (da đen, tóc xoắn) trở thành hoàng chủng (da vàng, tóc đen). 

        - Đợt thứ hai, toàn bộ đồng bằng Bắc Việt bị nhận chìm dưới nước. Người Việt ở vùng đồng bằng sông Hồng lại phải di dân lên phiá bắc Trung Hoa một lần nữa để tránh nạn lụt.


       Thêm ba ông: Charles O.Hucker, W.G.Solheim II, Dr B.Su đều chung một quan điểm Dr. Stephen Oppenheimer (tổng cộng 5 người): Một là: Người Phi Châu đã có mặt trên đất nước ta. (xem ở dưới: những nhà khảo cổ Hà Nội vừa tìm thấy di cốt của những lớp cư dân Da Đen). Hai là: ta đã có mặt từ trước ở đồng bằng sông Hồng và sau này có mặt trên đất Trung Hoa dưới sông Dương Tử. Vì vậy ta có thêm câu ca dao về địa lý: Quê hương ta thuở ấy trời đất rộng mênh mông - Từ Động Đình ra biển, Ba Thục tới hồ Thun..


       Vậy xin thưa cả chục ngàn năm trước người Phi Châu đã đến nước ta. Thì nào có lạ gì: Cả trăm năm trước đã có một người Việt ta lạc đường về lại… Phi Châu.

       Ừ thì tôi sẽ dẫn bác theo chân một người Anh làm phóng viên cho đài BBC. 

       Qua phóng sự đăng trên Reader Digest, ông dẫn vợ người Việt tới thủ đô Cape Town, mỏm đât cuối cùng của nước Nam Phi (South Africa). Ở đấy có bảo tàng viện quốc gia. Ngay trên cái bàn ở tiền sảnh góc bên trái, bác sẽ thấy trưng bày một chiếc thuyền thúng, một cái chèo. Bác nhìn qua chả thấy có gì lạ lẫm cho mấy, ắt là thuyền của thổ dân đi săn... cá sấu và bị ăn thịt đó thôi. Vậy mà cũng dệt chuyện…



Nhưng nhìn tấm bảng đồng gắn phía dưới, bác sẽ thấy hàng chữ:

Thế kỷ 17, người An Nam tên Phan từ vùng Hoi An lạc tới đây bằng cái thuyền tre này.




Thêm chuyện khó tin là giáo sư Trần Quốc Vượng, một trong tứ trụ ngành sử và khảo cổ của Hà Nội đã kêu um thiên địa lên: 

“Các nhà khảo cổ ta vừa phát hiện được nhiều di cốt của những lớp cư dân Da Đen cổ đại 30.000 năm”. 

 

        Thế nhưng nhảm một nỗi sau đó những nhà làm văn học Hà Nội ôm những hình người nhẩy múa trên trống đồng như… lên đồng và đồng thiếp:

        “Nên nhớ rằng những nền văn hóa trước Đông Sơn và tiền Đông Sơn có sự đóng góp lớn của những lớp di dân Da Đen cổ đại này”. Với bản tin “tu hú đẻ nhờ” trên, một nhà làm văn hóa khác hoắng huýt theo: “Với hình tượng đóng khố chèo thuyền trên mặt trống đồng, dòng nhạc dân tộc Nam Ai, Nam Bình ở cung triều Huế, từ nhạc… Jazz mà ra”.



       

    Người

    Mogoloid

        

      Bởi năm 1960, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong hang Thẩm Hai (Lạng Sơn) một số răng người vượn. Đây là một bằng chứng về sự tồn tại của người vượn (Homo Erectus) trên đất nước ta cách đây khoảng 250.000 năm. Trải qua một thời gian dài, người vượn chuyển biến thành người tinh khôn (Homo Sapiens). Đặc biệt ở khu mộ táng Mán Bạc (Ninh Bình) vào thời đồ đồng khoảng hơn 2.000 năm TCN, trong đó có 30 di cốt của người Australoid và người Mogoloid phương nam cùng chôn trong một nghĩa địa. 


      Ừ thì đành thưa thốt với bác về từ ngữ khảo cổ học…

      Trước khi minh định người Mongoloid từ đâu mà sinh ra, từ ngữ Mongoloid trong khảo cổ học không có nghĩa là người Mông Cổ của nước Mongol, cũng như Malanesian hay Indonesian không có nghĩa là người Nam Dương

        Giản dị là khi có những tộc người này nhân loại chưa có định chế quốc gia, tất nhiên chưa có các nước Mongol, Indonesia. Gia dĩ, khởi thủy nhân loại chỉ có ba đại tộc: Một là Mongoloid là đại tộc da vàng ở Á Châu gồm hai loại: Bắc Mongoloid từ Ngoại Mông về phía bắcNam Mongoloid ở toàn cõi đại lục Á Châu. Hai là Europoid, đại chủng da trắng ở Âu Châu. Ba là Négro – Australoid, đại chủng da đen ở Phi Châu và các đảo nam Thái Bình Dương (gồm Mongol, Indonesia).


       Trở lại với Les Peuples la péninsule Indochinoise Histoire et Civilisation của G. Coedès, lộ trình trống đồng theo dòng thác di dân bằng đường biển từ Địa Trung Hải tới Nam Dương, đến Óc Eo. Những chiếc trống đồng như những bước chim di, rơi rớt rải rác khắp nẻo đường đất nước, Hà Tiên, Biên Hòa, trèo đèo lội suối lên tận Pleiku, Kontum như ở trên. 

       Hai ông Erika Hagenberg và Carlos Lalueza phỏng chừng mươi thế kỷ trước: Người di dân rời bỏ vùng Cận Đông đi bộ về hướng đông qua Ấn Độ và ngừng chân ở ven biển đông sinh sống cho tới ngày nay (người Chàm-Bà la môn). Thêm “một nhà nhân chủng học người Áo”, thì họ từ Cận Đông qua đây. Chuyện này nằm ở khúc kết cú, thưa bác.     


       Bởi cấu trúc trống đồng Đông Sơn giống trống đồng hiện đang trưng bầy tại bảo tàng viện Serial ở Istambu, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ. Hay trống đồng ở đảo East Nusa Tenggara và Selayar của Indonesia. Vì đường nét trống đồng Thổ Nhĩ Kỳ và những trống đồng sau này tìm thấy ở khắp nơi, bố cục hoa văn hình trôn ốc xoay tròn quanh mặt trời. 


      Bác theo tôi về Phủ Quảng khuyất nẻo để gặp lại ông O. Jané. Ông tìm ra một ngôi mộ cổ trong có trống đồng không mang dấu tích của văn hóa Hán tộc mà là một nền văn hóa mà niên đại được ước tính từ thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên hoặc hơn nữa. Sau đấy trong Archéological Research in Indochina của Havard University, ông cho hay: 

      “…Qua những trang trí trên trống đồng thì đấy là một nền văn hóa thờ thần mặt trời. Các nhà khảo cổ Tây phương thời đó đã cho rằng một nền văn hóa cao như vậy không thể xuất sứ từ nội địa nên họ cố gắng tìm một nguồn gốc từ bên ngoài vào. Dựa trên hình dạng một số rìu đồng còn lại, họ cho rằng văn hóa trống đồng thoát thai từ một nền văn hóa cổ đại từ miền Trung Cận Đông…”


Bác ậm ừ: Dào, người Nam Dương có nhiễu chuyện dấu tích về cái trống đồng của họ đâu mà tôi nhiễu sự vậy?! Vậy chứ bác nghĩ sao về chuyện người Nam Dương họ tìm thấy trống đồng năm 1828 ở quần đảo East Nusa Tengarah và Selayar cách Óc Eo 2.500 km đường chim bay. Trống đồng hiện đang trưng bày tại Bảo Tàng Quốc Gia Indonesia tại thủ đô Jakarta và in hịt như trống đồng Đồng Sơn.        


      Bác làm như thấm mệt nên nắn no còn đi đâu nữa chăng? Ừ thì Quảng Ngãi là chặng chót cho chiếc thuyền đã tới bến và mang về một cái gì ấy mới lạ, thưa bác.


      Ấy là công ty Samanthi Dissanayake tới Quảng Ngãi năm 1990 để tìm cổ vật, không phải một mà tới 8 xác tàu đã được tìm thấy tại bến Bình Châu. Trong suốt hơn 2.000 năm các thương thuyền đã đi qua quần đảo Moluccas ở miền đông Borneo lên tới Trung Hoa, đất nước của lụa, trà và các loại đồ gốm sứ mà người ta gọi là Con đường tơ lụa trên biển. 

       Trưởng nhóm là Mark Staniforth, một nhà khảo cổ hàng hải người Úc với 40 năm kinh nghiệm, nhìn một mảnh sứ vỡ, ông có thể nói niên đại hay xuất sứ của món đồ cổ ấy. Ông tin rằng đây là một trong những con tàu đắm quan trọng nhất tìm thấy ở Việt  Nam. Theo ông con tàu được đóng vào thế kỷ thứ 9. Những con tàu lớn này đã khởi hành từ Trung Đông, đến Trung Hoa, trên đường đi thì gặp thiên tai và bị đắm ở bãi biển Bình Châu, Quảng Ngãi (ở nơi khác nữa là Brunei). Trên tàu có rất nhiều trống đồng hình ngôi sao David..


       image


       Từ Trung Đông đến bờ biển VN         

  Trống đồng trên tàu bị đắm


       Bác thấy thế nào qua ông G. Coedès: “Cách đây 5.000 năm, có “một sắc dân không biết từ đâu” tới Nam Dương”. Nay với: “Những con tàu từ Trung Đông, bị đắm ở Quảng Ngãi”.

 

Bác nghĩ sao thêm chuyện kỳ bí với sắc dân ở đảo Easter miền nam Thái Bình Dương. Họ dựng hàng trăm tượng đá khổng lồ đầu người (stonehage). Trong khi đá ở trên núi nằm sâu trong hải đảo, sao họ di chuyển đá ra bãi biển đẽo gọt rồi dựng lên. Theo giả thuyết: “Họ từ hành tinh khác tới rồi… đột nhiên biến mất“.


 

      

       Bác đắng đãi: “Dào! Vậy chứ ai làm ra trống đồng?

       Thưa với bác, quay quả trở lại với Bình Nguyên Lộc: “Biên khảo giống như sợi dây xích sắt có cái khoen đầu, những khoen giữa và cái khoen chót. Vậy cần tìm cho ra cái khoen trung gian may ra mới biết được trống đồng từ đâu mà có”. Trước sau với kỳ cổ có “một sắc dân không biết từ đâu đến” và cổ sự ấy nằm ở “cái khoen trung gian” này đây, thưa bác:


       Năm 1932, Heine Geldern nhà nhân chủng học người Áo đã đưa ra những nét đại cương vùng Đông Nam Á 3.000 năm trước Công Nguyên. Có thể vì ông là người Áo nên thập niên 30, người Pháp trong Viện Viễn đông Bác cổ lơ là với quan điểm của ông. Lại nữa, tập tài liệu chỉ mươi trang đại cương nên ít người để ý tới. Vì theo ông thì…

       “…Nguồn gốc đồ đồng ở đây do một cuộc di dân từ Cận Đông tới. Sắc dân này mang theo không những kỹ thuật đồ đồng, mà còn cả khái niệm mỹ thuật để trang trí trên mặt trống, như kỷ hà học hoặc xoáy tròn trôn ốc cùng hình người và thú vật…

       Và họ đột nhiên biến mất đầy bí ẩn, trong khoảng trên dưới 3.000 năm trước Tây lịch, không để lại dấu vết ngoài những chiếc trống đồng mới tìm được…”.

        

                                                     Thạch trúc thảo lư

                                                            Ất Dậu 2015

                                                   Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                       (sửa lại 2017, 2020)

                                                             

Nguồn: Nguyễn Khắc Ngữ, Tạ Chí Đại Trường, Phạm Thế Anh 

Nguyễn Duy Chính, Hà Văn Thủy, Hoàng Dung, Trần Bích San


Phụ đính:


 

Trống đồng Đông Sơn

Năm 1924, ông V.Goloubew người của Viện Viễn đông Bác cổ tìm thấy dưới chân đồi gần sông Mã, thuộc làng Đông Sơn, cách Thanh Hóa 4 cây số. 

 

 

Trống đồng Hòa Bình                          

   

Phó sứ Moulié tỉnh Hòa Bình đã lấy trống này từ nhà người vợ góa của viên quan lang người Mường vùng sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình

Năm 1889, trống được mang trưng bày tại cuộc đấu xảo quốc tế ở Paris và sau đó không được trở về Việt Nam nữa.

 

Trống đồng Ngọc Lũ, năm 1894, các ông Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Túc ở xã Lý Nhân, làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam, thấy dưới bãi cát bồi có một chiếc trống đồng. Các ông đem về cúng vào đình làng Ngọc Lũ.


 

Bảy, tám năm sau có một họa sỹ Pháp đến vẽ đình làng thấy cái trống, liền báo cho công sứ Hà Nam biết. Nhân có cuộc đấu xảo ở Hà Nội, công sứ Hà Nam thúc đẩy dân làng Ngọc Lũ mang trống lên góp vào đấu xảo. 

 

Trống đồng Hoàng Hạ tìm thấy năm1937, tại xóm Nội, thôn Hoàng Hạ, Hà Đông, trong lúc đào mương lấy nước, tình cờ đào được trống đồng ở độ sâu 1,5 m dưới lòng đất.

 











Không có nhận xét nào: