Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 58 - Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 Chữ Nghĩa Làng Văn 58

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải – Ngộ Không Phí Ngọc Hùng.


***


Vố

Vố : cái búa bằng gỗ

(vố voi: búa đập đầu voi – cho mấy vố)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó


Xanh nghịt: xanh kịt, rất xanh


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Vỗ

Vỗ : chăm sóc 

(vỗ về)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

 

“giơ: Trục bánh xe bị giơ  → không viết: dơ, rơ”. 

(Gs Ts Nguyễn Văn Khang)

 

Mục này mắc hai lỗi chính tả + hai chỉ dẫn sai: Nếu muốn nói các bộ phận, chi tiết không ăn khớp với nhau, thì phải viết “rơ” 

Nếu “ăn giơ” với nghĩa “ăn bẩn”, thì phải viết “dơ” (ăn dơ). 

Nếu “ăn giơ” với nghĩa “thoả thuận ngầm với nhau, hoặc “hợp ý nhau , thì phải viết “rơ” (ăn rơ; Pháp: jeu = trò chơi).          


(Hòang Tuấn Công)



Chợ Dầu

“Ở chợ Dầu có hàng cà-phê... có một cô nàng bé bé xinh xinh” trong bài hát Cô hàng cà phê của nhạc sĩ Canh Thân


Chợ Dầu thời đó, cái thuở nằm trong khu kháng chiến, không khí giống như chợ Vân Ðình, chợ Ðại, Cống Thần thuộc Hà Ðông.



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

Cuốn sách được đặt tiêu đề: Từ điển chính tả tiếng Việt (Gs Nguyễn Văn Khang - Đại học Quốc gia Hà Nội, không “xử lí chính tả” theo tài liệu, mà “xử lí” theo cảm tính chủ quan, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót như:


“khuông: khuông nhạc → không viết: khuôn”. (Ng V Khang)


Viết “khuôn” mới đúng. Nét nhạc hoàn chỉnh về giai điệu, có vế cân đối, có thể được nhắc lại nhiều lần bằng lời khác.”

          

(Hòang Tuấn Công)



Quần thần
Quần thần là bày tôi, bày tôi là... bồi tây.

(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả 

“lền: lền trời → không viết: nền”. (Nguyễn Văn Khang)

 

Không rõ “lền trời” đây nghĩa là gì. Nếu “lền” là cái được trải rộng ra và làm nổi lên những gì trên đó, thì phải viết là “nền” = nền trời. 

- Nếu “lền” có nghĩa là nhiều, đông; “lền trời” = đầy trời, thì phải có phụ chú để người dùng không bị nhầm lẫn 

Ví dụ, một người có tật nói ngọng (lẫn lộn N thành L), đang phân vân không biết viết “nền trời” hay “lền trời”, khi giở từ điển chính tả, gặp chỉ dẫn như mục…“lền” sẽ bị viết sai.

 

(Hòang Tuấn Công)



Phở


Hồi xưa nấu phở, người ta dùng mấy con giun biển phơi khô, có tên Việt nhập cư là sá súng. (do chữ sa trùng của Tàu mà ra).

 



Văn bút, nhân sự, và sự kiện

Những gương mặt tiêu biểu


(Kịch tác gia Vi Huyền Đắc

và nhà văn Nhật Tiến)


Một cây cổ thụ của làng thoại kịch Việt Nam là kịch tác gia Vi Huyền Đắc vốn là Phó Chủ Tịch Văn Bút.


Có một điều mà ít ai nhớ hay là biết về một công trình khá công phu của cụ Vi Huyền Đắc. Đó là đã có thời cụ miệt mài ngồi sáng tạo ra một lối chữ viết tiếng Việt mà cụ gọi là “Việt Tự”. Đây là một công trình nghiêm túc, nên cụ đã soạn thành sách và cho xuất bản từ năm 1929. Có điều là lối viết này na ná chữ Nho chỉ xin đan cử một thí dụ coi như một kỷ niệm về công trình của một bậc lão thành luôn luôn hết lòng với chữ nghĩa.


Thí dụ này lấy từ bài “ Sống và viết với Vi Huyền Đắc” của Nguyễn Ngu Í đăng trên Bách Khoa:

Về lối chữ Việt viết kiểu này, nhà báo Nguyễn Ngu Í có hỏi:

- Báo chí lúc ấy có phê phán gì về Việt Tự của anh không?

Cụ Vi đáp:

- Có, tôi có nhớ, báo Trung Bắc Tân Văn có nói đến. Trần Trọng Kim có viết thư cho tôi, khen việc tôi làm. Nhất Linh sau đó mấy năm trách tôi bỏ công ra làm một việc vô ích, để thì giờ mà viết kịch có phải hơn không. 


Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cụ Vi Huyền Đắc ra Hà Nội sống với con trai thì cụ bị ngã gãy xương, lại cao tuổi và bị loãng xương. Sau một tháng điều trị tại bệnh viện Bạch Mai thì cụ mất vào ngày 16 tháng 8 năm 1976, thọ 77 tuổi.

Biên khảo

Việt tự (1929)

Bạch hạc đình (1944)

Kịch bản

Cô đầu Yến (Thái Dương văn khố xuất bản, 1930)

Kinh Kha (đăng báo Phong Hóa từ số 134-138 năm 1935)

Ông Ký Cóp (1937) 

Lệ Chi Viên (1943)

Thành Cát Tư Hãn (1955)


Sau đây là mẫu quảng cáo vở kịch Ông Ký Cóp in năm 1937, diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội tối ngày 19 tháng 11 năm 1938, diễn tại Hải Phòng tối ngày 19 tháng 12 năm 1938) 


Và Thế Lữ trong vai ông Ký Cóp.


(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi…”quởn”

Đi chợ hoa Quảng Bá lúc 1h sáng


(Nguồn: Tôi đi đâu)

Học giả Hoàng Văn Chí



“Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”

Nội dung cuốn sách Trăm hoa đua nở trên đất Bắc là cuộc nổi dậy của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm chống chính sách chỉ huy văn nghệ của đảng Cộng sản. Khi đề cập tới một nhà văn, một nhà thơ hay một nghệ sĩ sáng tác ca khúc, hội họa, nhà biên khảo Hoàng Văn Chí đều cung cấp một tiểu sử tuy ngắn gọn nhưng chính xác. Kèm theo là hình ảnh, hoặc tờ báo, hoặc bìa sách, hoặc chân dung người được nói đến. 


Trong Lời Tựa. Chỉ, chúng ta đã có thể biết phẩm chất của công việc mà học giả Hoàng Văn Chí thực hiện, ít ra là cho cuốn sách đang được nói đến: Trăm hoa đua nở, Trăm nhà (1) đua tiếng” là dịch Nôm câu chữ Hán: “Bách hoa tề phóng, Bách gia tranh minh,” trong cổ văn. Ðây là một câu mà học giả đời Hán đặt ra để vừa ca tụng vừa tỏ ý luyến tiếc nền văn học cổ điển Trung Hoa, trong mấy thế kỷ trước, về thời Ðông Chu.

Nói một cách rõ ràng hơn thì: Tại sao về thời Ðông Chu lại có Khổng, Mạnh, Lão mà hai nghìn năm sau không có vị thánh hiền nào cả? Hoặc dùng một hình ảnh tượng trưng thì: Tại sao trong một thời đại loạn ly như thời Xuân Thu, Chiến Quốc, Trăm Hoa lại Ðua Nở, mà từ thời ấy về sau hoa lại không nở?

Chúng tôi nghĩ rằng nếu đọc Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, có thể tìm ra câu giải đáp.


(Người phát giác vụ “Nhân Văn - Giai Phẩm” – Viên Linh) 



Say

Ta cũng Lý Bạch
Vồ trăng đáy sông
Mạn thuyền vừa cúi
Râu tóc bỗng lừng
Mắm tôm, chanh, ớt...

(Phùng Quán)



Làng báo Sài Gòn những năm “50” 

Người viết bài này chưa đến tuổi 18, nhưng đã có mặt trên chiến đỉnh Chi Lăng của Ðại Tá Dương Văn Minh tiến vào Rừng Sát. Cố vấn tham mưu của Bình Xuyên là Hồ Hữu Tường và Trần Văn Ân. Hẳn là tôi (Viên Linh) bị khích động sao đó nên Ðại Tá Minh bỗng ngừng nói, nhìn tôi: “Ủa cậu này làm chi ở đây?” Tôi lúng túng chưa kịp trả lời thì may thay một đồng nghiệp đứng tuổi nói giùm: “Thưa anh ấy là phóng viên nhật báo Ngôn Luận.”

 

Vốn là khi ở Hà Nội còn học đệ lục, độc giả thiếu nhi có kẻ đã đọc Hồ Hữu Tường. Hàng ngày đi học qua Phố Huế, tôi ghé vào hiệu sách Bình Minh thăm con bà chủ hiệu sách. Hồ Hữu Tường lúc ấy đang rất nổi danh với Phi-Lạc Sang Tầu (1954), Phi-Lạc Náo Hoa Kỳ (1955), hai cuốn trong bộ truyện Ngàn Năm Một Thuở mà cuốn thứ ba đang được bàn tán đón đợi là Phi-Lạc Bỡn Nga. Trần Văn Ân là chủ nhiệm tuần báo Ðời Mới, tờ báo sinh động phong phú, qui tụ được những nhà văn đương thời. 

 

Vì đọc Hồ Hữu Tường với lối kể chuyện và dẫn truyện lôi cuốn mạnh mẽ như dòng nước chảy, nên tôi giật mình khi nghe Ðại tá Minh hứa hẹn chút nữa các nhà báo sẽ gặp Hồ Hữu Tường. Tôi nghĩ ngay trong đầu là khi gặp lý thuyết gia Trung Lập trong Rừng Sát mình phải hỏi ông câu gì trước nhất? Hỏi về thằng mõ Cổ Nhuế làm quân sư tào lao (mà không bị bắt) hay về chuyện Cống Quỳnh khỏa thân trong Tử Cấm Thành Bắc Kinh (mà không sao) còn ông thì lúc nào cũng tù tội? Bây giờ bị bắt nữa rồi làm sao?

                   (Viên Linh)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Đất lành chim đậu.
Đất không lành đất nhậu luôn chim.


 

Trăm hoa đua nở trên đất Bắc

 

  

Mục lục tác giả và tác phẩm 

Đào Duy Anh

  • Giới thiệu Đào Duy Anh

  • Muốn phát triển học thuật


Trần Đức Thảo

  • Giới thiệu Trần Đức Thảo

  • Nội dung xã hội và hình thức tự do

  • Nỗ lực phát triển tự do dân chủ


Nguyễn Mạnh Tường

  • Giới thiệu Nguyễn Mạnh Tường

  • Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo

  • Vừa khóc vừa cười



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Yêu nhau mấy núi cũng leo.
Mấy sông cũng lội.
Nhưng nếu nghèo em bỏ đi



Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn

Nhạc Trịnh Công Sơn không được xếp vào loại nhạc vàng, không phải ngẫu nhiên mà một số trang web âm nhạc ưu ái để hẳn một thể loại nhạc riêng, đó là thể loại nhạc Trịnh. Nhắc đến nhạc Trịnh Công Sơn, có lẽ người ta sẽ nghĩ đến những triết lý, sự mông lung trong nhiều tầng lớp ý nghĩa của ca từ bài hát.



Ngay cả những người sâu sắc và từng trải nhất cũng không dám khẳng định là “mình hiểu hết ý nghĩa nhạc Trịnh”. Bài viết này không có tham vọng giải thích cặn kẽ, chi tiết những ca từ nhạc Trịnh, chỉ viết lại những hiểu biết gom nhặt được trong quá trình tìm hiểu nhạc Trịnh. Hy vọng khi đọc qua bài viết này, người yêu nhạc Trịnh sẽ có cảm giác: À, thì ra là thế… (xem kỳ tới)


             (Đông Kha)

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Làm giàu không khó,
Nhưng khó ở chỗ làm mãi mà… không giàu.



Thuở mơ làm văn sĩ

Tôi (Nguyễn Thụy Long) yêu những câu thơ lục bát của Viên Linh, những bài thơ của Vương Đức Lệ. Cả hai người này tôi đều quen biết thuở còn là học trò. Vương Đức Lệ khi ấy nhà trong trại Lê Văn Duyệt đệ nhất quân khu, anh là con vị sĩ quan nào đó. 

Còn Viên Linh ở trại học sinh Phú Thọ có lẽ anh muốn ra đời sớm, không phải phiền đến gia đình mình mới di cư và không mấy sung túc. Tuy còn ở tuổi học sinh nhưng Viên Linh có tài có khiếu văn nghệ, như một số bạn bè khác theo đuổi nghiệp thơ văn cho đến bây giờ. Như Hoàng Bình Sơn (Tú Kếu) Hoài Nam (Trần Dạ Từ). Khi đó anh em chúng tôi mới có một chút xíu tên tuổi, nhưng vẫn mơ sống một cuộc đời lang bạt kỳ hồ. bao nhiêu là mơ ước biến thành thành thơ của chúng tôi đăng trên báo... Tôi ghét bất công, tham những, giả dối nên văn chương tôi hướng vào đó. Hoàng Bình Sơn cũng xoay chiều, vứt đi những bài thơ tình ướt mới thuở đầu đời để làm thơ chua, thơ chì, thơ đen, thơ xám với bút hiệu Tú Kếu sau này.

Những người anh em một thuở với tôi, tôi không bao giờ quên họ. khi có tiền chúng tôi rủ nhau đi uống cà phê Gió Bắc, cà phê Thăng Long hoặc cà phê Thọ ở Phú Thọ. Khao nhau chầu phở bà Dậu trong cư xá Công Lý. Phở bà Dậu có truyền thống Bắc Kỳ, thêm cho bát cơm nguội trộn với bát nước phở dư. Phải biết ăn phở cơm nguội mới đúng gu Bắc Kỳ.


(Nguyễn Thụy Long)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Râu tôm nấu với ruột bầu.
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
Tội là tội nghiệp thằng con.
Ngồi ngoài dòm miệng biết ngon là gì.



Góp nhặt phố văn ngõ chữ 

Ngọc Thứ Lang với chữ nghĩa


Đó là một buổi sáng tháng Chạp năm 1972, một người đàn ông gầy ốm, mặc chiếc sơ mi màu cháo lòng bỏ ngoài, tay áo thả dài xuống lấp cả hai bàn tay, bước vào toà soạn Văn ở số 38 đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn. Mai Thảo giới thiệu với tôi anh là Tú tức Ngọc Thứ Lang, dịch giả cuốn Bố Già của Mario Puzo. "Mình đi uống cà phê đi" Mai Thảo rủ cả hai chúng tôi.

 

Quán cà phê nhỏ của bà Tư gần toà soạn. Bà vẫn thường cho tôi ghi sổ nợ để cuối tháng trả một lần cho tiện, mặc dù tôi ít khi được dịp trả nợ, vì Bố già Nguyễn Đình Vượng luôn luôn "thanh toán hộ" tôi trước kỳ hạn. Thường tôi vẫn ra ngồi cà phê sáng ở quán Cái Chùa với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quốc Trụ, Đặng Phùng Quân, chỉ hôm nào không ra ngồi ở đường Tự Do, tôi mới ăn sáng ở quán bà Tư. Quán nhỏ nằm trong con hẽm, bên hông một tiệm ảnh sát bên toà soạn Văn. Con hẽm rất hẹp, chỉ vừa cho một chiếc xe Honda ra vào một chiều. Quán chỉ có hai ba chiếc ghế, loại ghế cao đóng bằng gỗ tạp.

 

Ngọc Thứ Lang ít nói. Và Mai Thảo hôm đó cũng không nói nhiều. Chưa uống hết ly cà phê, Ngọc Thứ Lang đã đứng dậy dợm bước. Tôi hỏi sao vội thế. Ngọc Thứ Lang nói anh có chuyện cần phải đi gấp. Mai Thảo cười, tôi biết cậu đi đâu rồi, và anh đứng dậy bước theo kín đáo dúi vào tay Ngọc Thứ Lang mấy tờ giấy bạc. Đó là lần đầu tiên và lần duy nhất tôi gặp dịch giả Bố Già.

(Nguyễn Xuân Hoàng)



Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Con mèo mà trèo cây cau.
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đằng xa.
Em là cô chuột, vào nhà đi anh.



170 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Thiếu Bảo


T.K.: Thưa anh, anh vừa nói là các anh không lấy tiền của bất cứ nhà xuất bản nào muốn giúp đỡ Nhân Văn, như vậy anh Trần Thiếu Bảo, chủ nhà xuất bản Minh Đức phải là một người nhiều tiền lắm thì mới có thể bỏ ra để in Nhân Văn, Giai Phẩm và các tờ báo khác?


L.Đ.: Đó là một sự lầm lẫn. Anh Trần Thiếu Bảo cũng không có nhiều tiền gì cả. Anh ta cũng là người tháo vát thôi. Mà anh ta từ kháng chiến về, Trần Thiếu Bảo chỉ có cái vỏ thôi, chứ Trần Thiếu Bảo làm gì có tiền! (cười). Nếu anh ấy có tiền thì anh ấy đã bị đi tù rồi. Anh ấy có một xu nào đâu! (cười). Nhưng mà anh này giỏi lắm, anh ấy đi mua giấy, mua chịu, việc nhà in anh ấy rất giỏi. Hơn nữa anh Trần Thiếu Bảo là một nhà in ở kháng chiến về. 

Việc quản trị tờ Nhân Văn là do anh Đang lo, tôi không có thì giờ lo việc ấy lắm nhưng mà thế này: nói chung là chúng tôi đều mua chịu giấy báo và sau đó thì hoặc là anh em vay nợ để mua giấy báo và in chịu và bán xong thì lại giả nợ. Đó là mình không lấy tiền nhưng mình lấy sự ủng hộ. 

Và cái việc ấy phải nói đến vai trò của anh Đang. Anh Đang là trước anh ấy hoạt động ở giới văn hóa trong nội thành, cho nên anh ấy quen rất nhiều những người làm văn hóa và những cơ sở in ấn ở nội thành. Đó là nguyên tắc đề ra thế, còn có vi phạm hay không thì cái đó tôi cũng chưa được kiểm tra một cách rõ rệt lắm.

(Phỏng vấn Lê Đạt – Thụy Khuê)

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Áo anh sứt chỉ đường tà.
Vứt làm nùi giẻ lau nhà cho xong.

 


Đuờng văn ngõ chữ

Nhà văn Nguyễn Công Hoan kể chuyện hồi bé khoảng 9, 10 tuổi có thời gian sống gần nhà thơ Tản Đà, thỉnh thoảng được ông sai vặt. Khi thì nhờ mua vài tệp giấy, lúc khác mấy tháp bút. 

Ông khen bé Hoan nhanh nhẹn ý tứ, ông cho xem thơ của ông thấy sáng dạ, ông bảo thằng bé Hoan này tương lai sẽ làm nên. Về sau quả Tản Đà tiên tri. 


Nguyễn Công Hoan còn kể trong số nhà văn trẻ, lớp con cháu, chỉ Nguyễn Tuân được Tản Đà xem như bạn, vì ngoài tài năng Nguyễn Tuân còn có thể chịu chiếu với nhà thơ Núi Tản Sông Đà từ sáng tới tối.

 


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ.
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.
Xa nàng nhớ cái bạt tai.
Giỡn chơi chút xíu bị hai cái liền.



Chân dung hay chân tướng nhà văn?

Quang Dũng, Vũ Trọng Phụng

Nhà thơ Quang Dũng tác giảTây tiến” - một trong số ít bài thơ hay nhất, năm 1957 phải đi chỉnh huấn trong vụ Nhân văn Giai phẩm, từ đó ông sống rất nghèo, lặng lẽ trong cương vị biên tập báo Văn Nghệ, sau là NXB Văn Học. Năm 1978, tôi cùng ăn cơm với ông tại nhà ăn tập thể NXB Văn học, ông cao to nên ăn rất khỏe lâu lâu lại thấy ông đứng lên đi xin thêm cơm. Bà Gái cấp dưỡng lúc đầu còn cho thêm cơm, sau chỉ cho… miếng cháy


Xuân Sách viết chân dung ông với lời lẽ xót thương và mến phục:
“Sông Mã xa rồi tây tiến ơi...” 
Về làm xiếc khỉ với đời thôi 
Nhà đồi một nóc chênh vênh lắm 
Sống tạm cho qua một kiếp người. 
“Áo sờn thay chiếu anh về đất” 
Mây đầu ô trắng, Ba Vì xanh 
Gửi hồn theo mộng về tây tiến 
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.


***
Nhà văn Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết gia vào loại hàng đầu ở Việt Nam nhưng số phận tác phẩm của ông thật bi thảm. Ông bị quy là đệ tử của Freud, rồi ai đó moi trong thư viện ra bài báo của ông “Nhân sự chia rẽ giữa đệ tứ và đệ tam quốc tế, ta thử ngó lại cuộc cách mệnh cộng sản ở Nga từ lúc khởi thủy cho đến ngày nay", ông bị quy là phần tử Trotskít. 

Từ đó Vũ Trọng Phụng coi như bị “khai trừ” khỏi văn đàn. Sau này khi tôi về NXB Văn Học, nhà phê bình văn học, giám đốc Như Phong rỉ tai tôi: ”Trong cuộc họp phê phán Vũ Trọng Phụng ở Thái Hà ấp toàn những nhà văn hàng đầu mà không một thằng nào dám mở mồm bênh Vũ Trọng Phụng lấy một câu…” 


Khắc họa chân dung ông, Xuân Sách đầy lòng cảm phục:
“Đã đi qua một thời Giông tố,
Qua một thời “cơm thầy cơm cô”
Còn để lại những thằng “Xuân tóc đỏ”
Vẫn nghênh ngang cho đến tận bây giờ”


(Nhật Tuấn)



Chữ nghĩa làng văn


Phùng Khắc Khoan ở Phùng Xá, làng Bùng, Sơn Tây. Ông đi sứ qua đất Ngô thời Tam Quốc (?). Ông nhét hạt gì đó vào…”hậu môn” mang về, ta gọi là ngô. Từ chuyện này, các cụ xưa cấm chỉ không mang ngô cúng trên bàn thờ. Thêm nữa, chuyện trạng đi sứ mang ngô về nước để trồng trọt chỉ là giai thọai.


Thêm giai thọai Phùng Khắc Khoan lần thứ nhất gặp công chúa con trời vịnh thơ với nhau bên quán rượu ở Tây Hồ. Lần thứ hai trạng Bùng trở lại, công chúa… biến mất, để lại tên nàng là: Quỳnh Hoa. Trạng Bùng lập đền thờ trên nền quán rượu cũ thờ bà. Đền sau này được gọi là Phủ Tây Hồ thờ Bà chúa Liễu Hạnh.



Giai thọai xóm chữ làng văn

Ai lên thú Lạng

Theo Thiền sư Lê Mạnh Thát: Văn học nước ta có ba bài phú đầu tiên bằng chữ Nôm xuất hiện vào đời Trần, Thiền sư Huyền Quang và Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Cả ba tác phẩm này cùng ra đời vào thế kỷ XIII, xen kẽ có những bài thơ thể lục bát. 

Như vậy thơ lục bát đã thành hình vào thế kỷ XIIIca dao lục bát ra đời. Và thể song thất lục bát xuất hiện sau đấy vào thế kỷ XV, ca dao song thất cũng ra đời sau đó. Vào thế kỷ XVII, dưới thời Lê Trịnh có một nhà nho đề xướng dân ca là những bài ca nhân gian. (Khảo luận về ca dao dân ca - Bùi Kim Chi)


Vì vậy bài ca dao lịch sử đầu tiên có thể là bài Ai lên thú Lạng

Ạ ời ơi…

Thứ nhất thì bầu Chi Lăng

Thứ hai cây khế Đồng Đăng Kỳ Lừa

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa (1)

(…)

Tay cầm bầu rượu, nắm nem

Mải vui quên hết lời em dặn dò

Gánh vàng đi đổ sang Ngô

Đêm nằm tơ tưởng đi đò sông Thương (2)


Theo một tác giả biên khảo dòng họ Nguyễn Gia, tứ đại đồng đường ở Lạng Sơn thì bài ca dao cổ Ai lên thú Lạng diễn tả tâm sự người lính thú ở biên thùy vùng mạn ngược và kể lể vụ nộp cống người vàng:

“Gánh vàng” vào đời Lê-Mạc (1428-1788) Tàu bắt ta mỗi 2 năm phải triều cống 2 tượng người bằng vàng y ròng (đại thân kim nhân). Hai tượng người này để thế mạng cho Liễu Thăng và Lương Minh bị quân Lê Lợi giết ở ải Chi Lăng.


Vì còn bài thứ hai có tên Ai lên xứ Lạng không có không có câu “Ạ ời ơi…” mào đầu: Bài “Ai lên xứ Lạng” có thể nằm vào thời Lê Trung Hưng (là thời Trịnh Nguyễn phân tranh) từ đời Lê Trang Tông 1428 tới Lê Chiêu Thống 1788.


(Văn hóa truyền thống Việt Nam - Nguyễn Gia Liên)


(1) & (2) Tuy nhiên cả hai bài ca dao đều có chung một sai lạc về địa danh: Đồng Đăng không có phố Kỳ Lừa (phố Kỳ Lừa ở thị xã Lạng Sơn). Sông Thương (hay sông Lạng Giang) bắt nguồn từ Chi Lăng ở Lạng Sơn chảy vào địa phận tỉnh Bắc Giang. (ở thị xã Lạng Sơn có sông Kỳ Cùng và cầu Kỳ Lừa).



Điện Kính Thiên 


(Điện Kính Thiên 1878)


1886 - 87 - Điện Kính Thiên bị phá hủy. Pháp xây Sở Chỉ huy Pháo binh (Direction de l'Artillerie), một tòa nhà hai từng. 

Bức tường phía tây khu quân sự của Pháp có hai cổng: một cổng xây gạch, nóc mái chồng hai lớp là di tích chiếc cổng bên của điện Kính Thiên; chiếc cổng thứ hai lớn, đưa đến khu Đoan Môn cũ. Ngòai cổng đặt hai khẩu súng thần công cổ bằng gang vì đây là cổng đi vào của Sở Pháo thủ.


Phía nam là cửa Đoan môn. Cửa Đoan Môn bị sửa chữa, từng dưới ngăn thành tám phòng nhỏ, từng trên chỉ có một phòng rộng làm chỗ ở cho lính gác, bên ngòai có hai cầu thang ở hai bên. Phía bắc là Hành Cung và Hậu Lâu, trở thành khu lính thợ của Pháo binh và đội Cơ giới. 


(Nguyễn thị Chân Quỳnh)



Chữ nghĩa làng văn 

Câu “Trâu dữ mất họ - Chó dữ mất hàng xóm” bị biến thành Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”. 

 

Trâu dữ thì bảo “họ” (đứng lại) nó không nghe. Thế là mất họ… Thì ở đây trâu thành dâu (con dâu), dâu mà dữ tính là mất họ hàng. Toàn bộ thành ngữ này bị biến nghĩa khác hoàn toàn. 

Xưa nào có người dân quê nào ví con dâu với chó bao giờ!


(Tự điển thành ngữ)



Điện Kính Thiên

(di tích hiện còn năm 2010)

Điện Kính Thiên xưa nằm trong khu Hòang thành, giữa bốn phố Hòang Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trí Phương và Điện Biên Phủ. Phố Hòang Diệu có ba cổng vào: cổng giữa đưa tới nền điện Kính Thiên cũ; cổng bên phải có lối đi nhỏ hẹp, cửa Đoan Môn nằm bên trái lối đi; cổng bên phải dẫn vào khu Hậu Lâu, ngòai cổng còn hai khẩu súng thần công cổ bằng gang của Pháp đặt.

Mặt tiền Đoan Môn còn hai chữ "Đoan Môn", di tích từ thời Lý. Mặt sau, hai bên có hai cái thang lộ thiên dẫn lên một cái sân thượng khá rộng. Bên dưới là tòa nhà Pháp xây cho lính gác ở. 


Từ Đoan môn đi thẳng tới một tòa nhà lớn. Lại qua một cái sân nữa mới đến Thềm Rồng có 9 bậc thang, hai bên có hai con rồng đá lớn, di tích từ thế kỷ XV.


 

Lên hết 9 bậc thang là đến cái thềm, giống như một cái sân nhỏ tới một tòa nhà. Đằng sau tòa nhà này có bậc thang đi xuống, hai bên có hai con rồng nhỏ, di tích thế kỷ XVII.

Khá xa, phía sau điện Kính Thiên, là Hậu Lâu, cũng bị phá hủy. Ngòai cửa có bầy mấy phiến đá xám được khai quật, đặc biệt có một cái chân cột còn rõ nét hoa văn, di tích thời Lý.


(Hà Nội, tháng 3/2010 - Nguyễn thị Chân Quỳnh)



Chữ nghĩa đường văn ngõ chữ

Một số từ ngữ cổ hiện nay vẫn còn dùng


Từ thời xa xưa, ngôn ngữ Việt Nam đã rất đa dạng, phong phú. Nhất là những từ ngữ cổ bởi chúng có thể diễn tả nội tâm của con người, sự vật, hiện tượng. Ngày nay, chúng vẫn tồn tại nhưng lại thường bị mất nghĩa hoặc bị hiểu sai. Dưới đây là một số từ cổ tưởng chừng vô nghĩa nhưng lại có ý nghĩa rất bất ngờ và thú vị.

 

Chúng ta vẫn thường nói, em yêu dấu, ‘yêu’ thì hiểu rồi, nhưng ‘dấu’ nghĩa là gì?

‘Dấu’ là một từ cổ, sách Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giảng: ‘dấu’ nghĩa là ‘yêu mến’

Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1651) cũng giải thích ‘dấu’ là một từ cổ để chỉ sự thương yêu. Ông cho ví dụ: Thuốc dấu là ‘bùa để làm cho yêu’.

 

Có thể thấy, ‘dấu’ và ‘yêu’ là hai từ có ý nghĩa tương đương, ngày xưa dùng hai từ độc lập, nhưng bây giờ ta có thể thấy từ ‘yêu’ vẫn còn được viết hay nói một mình, còn từ ‘dấu’ thì không ai dùng một mình nữa. Giờ đây, thay vì ‘anh yêu em’ mà nói ‘anh dấu em’ thì không khéo lại bị hỏi… ‘anh giấu cái gì?’.

 

(Nguyễn Lương Thịnh)



Qua với bậu


Nhơn ngày Tết, ông Nguyễn văn Tương tới thăm và mừng tuổi cụ Trần văn Hương tại tư thất của cụ. Bắt tay khách, cụ Trần văn Hương vui vẻ nói:

- Em còn trẻ quá, chắc em không có học với qua. Mà nay, qua không còn làm việc chánh quyền nữa, được em tới thăm như vầy, thật cảm động. Qua mời em ở lại ăn cơm với qua.

 

Chữ  “qua” còn được thông dụng với cụ Trần văn Hương, người gốc Nam kỳ ở lớp tuổi 60, năm 1965. Cụ Hương xưng “qua” nhưng lại gọi ông Nguyễn văn Tương bằng “em” không phải “bậu” như trong ngôn ngữ giao tiếp rất phô thông ở Nam kỳ trước kia . 

 

Hai chữ “qua” và “bậu” được người có địa vị và có học trong xã hội dùng trong sanh hoạt hằng ngày chớ không riêng gì chỉ giới bình dân. Nhưng có lẽ tới thời cụ Hương, người ta không dùng “bậu” nữa mà dùng tiếng “em” để chỉ người đối thoại nhỏ tuổi hơn.

                   (Nguyễn thị Cỏ May)



Hình ảnh cũ 

Cái chạn trong miền ký ức

(Cái “gạc-măng-giê)

 

Cái chạn là vật đi vào tiềm thức tuổi thơ của nhiều người. Chỉ là nơi để úp bát, cất thức ăn thôi mà sao thân thuộc đến thế. Giờ nhắc lại vẫn thấy rưng rưng…


 

Ngày ấy, đã làm gì có tủ lạnh như bây giờ. Cái chạn nhà tôi được mẹ mua ở Ô Chợ Dừa thuê xích lô chở về. Chạn được đóng bằng gỗ, sơn nâu. Tầng trên được gắn lưới sắt mắt nhỏ, thoáng mát, cánh cửa có khóa gỗ. Tầng giữa có ngăn úp bát, tầng dưới cùng là nơi đựng tương cà mắm muối...

 

Mẹ tôi thường cất vào ngăn trên cùng của chạn liễn mỡ, hũ đường, lọ muối vừng và chút đồ ăn còn dở như vài miếng tóp mỡ, ít đậu sốt cà chua, niêu cá kho... Anh em tôi đi học về thường lấy cơm nguội trong nồi, lục chạn ăn với thức ăn còn thừa.

 

Đến giờ tôi vẫn nhớ cái vị của cơm nguội ăn với cá kho trám sao lại hợp nhau đến thế. Đôi khi chỉ là vài miếng tóp mỡ vàng ươm dầm nước mắm mà “đánh bay” mấy bát cơm. Ngày mưa, hương của muối vừng lan ra theo nhịp chày thậm thịch làm cho mấy anh em cứ hít hà mãi thôi.


            (Vy Anh)



Thành ngữ tục ngữ sai 

Đi đâu chẳng lấy học trò, thấy người ta đỗ thập thò mà trông 

Cảnh học trò xem kết quả thi.


Nguyễn Cừ cho rằng “cảnh học trò xem kết quả thi” là cách giải thích không đúng. Thực ra đây là câu ca chế giễu cô con gái nào đó, trước kia không để ý gì đến anh học trò nghèo, nay thấy người ta đỗ đạt, được “vinh quy bái tổ” về làng thì “tiếc của” thập thò đứng trông, vì nhớ đến chuyện xưa. 

Nghĩa bóng có thể áp dụng cho nhiều trường hợp: chê trách hoặc chế giễu ai đó vì thờ ơ mà bỏ lỡ mất cơ hội tốt, đến khi nhận ra, nuối tiếc thì đã muộn.


(Hoàng Tuấn Công)



Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Những sai lầm trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân

nữ sinh ngoại tộc 

Nếu chúng tôi nhớ không nhầm thì câu này phải là “nữ nhân ngoại tộc” mới đúng. Câu này thường được hiểu rằng, đàn bà hoặc con gái là người của họ khác, tức là của họ nhà chồng, chứ không có vai trò và quyền lợi đáng kể trong gia tộc của bố mình. 


Soạn giả không tra cứu nên đã chép chữ “nhân” thành chữ “sinh” và giải thích rằng, ”sinh” nghĩa là “đẻ ra” rồi giảng giải: câu này nói về quan niệm xưa cho rằng con gái đẻ ra là thuộc bên ngoại và không có quyền lợi như con trai 

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)


***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Tôi rối rít khen em gái có con mắt tinh đời nhận ra "anh hùng" giữa trần ai. Rồi cô kể chuyện giám đốc khách sạn là ông Tám Muộn, thân với nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lắm nên đặc cách cho mỗi người một phòng miễn phí thường xuyên. 

Tôi xuýt xoa:
“ Mấy cha sướng thiệt… tha hồ trốn vợ dẫn bồ bịch tới…”
Cô gái lắc quày quạy:
“Chuyện đó em hổng biết đâu nha. Chuyện riêng của mấy ổng.”

Người Sàigòn xưa là vậy, không tò mò chuyện người khác nên cũng không hỏi chị phụ nữ kia là ai? Nhưng tôi biết, đó là nữ văn sĩ quân đội nổi tiếng hồi đó. Đừng ai "suy diễn bậy bạ" nha. Chắc hai nhà văn lớn đưa nhau lên phòng riêng để bàn luận văn chương thôi. Tuy vậy có làm thêm chuyện gì khác thì với nhà văn cũng chẳng là gì, văn chương mới là quan trọng. 


Mà với Nguyễn Quang Sáng thì văn chương thuộc loại chiếu nhất làng văn Nam Bộ Kháng Chiến rồi. Năm 1946, Nam Bộ chống Pháp ác liệt. 14 tuổi, Nguyễn Quang Sáng đã vào bộ đội, làm liên lạc. Năm 16 tuổi học bổ túc văn hoá trường trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 18 tuổi làm cán bộ nghiên cứu tôn giáo tại Bộ Tư lệnh phân khu miền Tây. Năm 1955 tập kết ra Bắc, làm ở phòng văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1966, trở lại chiến trường miền Nam, làm cán bộ sáng tác Hội Văn nghệ Giải phóng, năm 1972, trở ra Hà Nội, làm tại Hội Nhà văn. Năm 1975 trở lại giữ chức Tổng thư ký Hội Nhà văn thành phố khóa l, khóa 2 và khóa 3, ông còn là ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 2, khoá 3 và là Phó tổng thư ký Hội Nhà văn khoá 4. 


(Nhật Tuấn)


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Đi Chùa Hương


Và bài Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938), thể hành, ngũ ngôn tứ tuyệt, gồm 136 câu:

Hôm nay đi chùa Hương

Hoa cỏ mờ hen sương,

(…)

Em cầu xin Trời Phật.

Sao cho em lấy chàng

 

Bài thơ này được nhà thơ ghi thêm: "Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau. Lấy nhau rồi là hết chuyện!". 


Nhưng, sự thật không diễn tiến như ý muốn của hai người. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (con cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), chủ nhiệm Đông Dương Tạp Chí) mất sớm lúc mới 24 tuổi vì buồn phiền không cưới được cô nàng mặc dầu thương nhau tha thiết từ lúc gặp nhau trên chuyến đò Hương Tích. 

 

Theo nhà văn Mai Nguyệt Đái Đức Tuấn thì cô nàng bị tật bán nam bán nữ (hermaphrodite) không thể lấy chồng nên sinh tuyệt vọng, bèn ra hồ Hoàn Kiếm quyên sinh, kết thúc cuộc đời bạc mệnh trong buổi thanh xuân!

 

(Thái Văn Kiểm)



Chữ nghĩa làng văn

Chiếc lư đồng mắt cua

Nguyễn Tuân trong những ngày sống ở nhà hát ả đào của ông Thông Phu, và được ông này tặng chiếc lư đồng như lời Nguyễn Tuân viết trong tác phẩm cùng tên (Chiếc lư đồng mắt cua). 


Cũng giống như “Để nhớ lại một chuyến đi, Nguyễn (Nguyễn Tuân) đặt tên con gái là Hương Cảng” (nguồn: Tuỳ bút Mơ Hương Cảng, của Vũ Khắc Khoan)


(Nguyễn Đạt)









Không có nhận xét nào: