Thứ Năm, 19 tháng 5, 2022

Chữ Nghĩa Làng Văn 59 (Ngộ Không Phí Ngọc Hùng)

 Chữ Nghĩa Làng Văn 59

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng


***


Vúc vắc


Vúc vắc : ngoảnh bên này bên kia

(vúc vắc cái mặt, ngó vúc vắc)


(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)



Tiếng nói miền Nam xưa


(Tựa đề vay mượn từ 

Tự vị Tiếng nói miền Nam 

của cụ Vương Hồng Sển)         


Đường câu ống: Huỳnh Tịnh Của, Câu ống: Câu có ống nối cũng là cách câu dầm.


(Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký

Nguyễn Văn Sâm chú thích từ ngữ)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả


“lợn: lợn nòi, lợn nái, lợn rừng…”. (Gs Nguyễn Văn Khang)

          

Mục này có 2 điểm cần trao đổi:

- Nếu viết “lợn nòi” thay vì “lợn lòi” là sai. Vì “lòi” trong “lợn lòi” nghĩa là thòi, lòi ra, chỉ giống lợn nanh lòi, chìa ra ngoài. 

 

Gọi “lợn lòi” cũng như dân gian gọi “cá thòi lòi”, chỉ giống cá có đôi mắt “thòi”, “lòi” hẳn ra ngoài như mắt cua. Điều quan trọng hơn, xưa nay không có từ điển chính tả nào viết “lợn nòi” để chỉ giống lợn rừng (lưu ý: mục “lợn”, không thấy Từ điển của GS. TS. Nguyễn Văn Khang thu thập “lợn lòi”).

 

- Nếu “lợn nòi” được hiểu như “gà nòi”, “ngựa nòi”, thì khái niệm này cũng hoàn toàn xa lạ. Người ta không gọi một con lợn thịt ngon là “lợn nòi”, nhưng sẽ gọi con gà chọi, ngựa đua, chó săn… là gà nòi, ngựa nòi, chó nòi…. Vì “nòi” ở đây là chỉ đặc tính di truyền, tố chất vượt trội nào đó. 

 

(Hòang Tuấn Công)



Chữ Việt cổ

Do điều kiện về thời gian những từ cổ đã bị đẩy khỏi vị trí vốn có của chúng nhưng vẫn còn để lại dấu vết của mình, trở thành thành tố cấu tạo trong một vài từ nào đó


Cái o: cái họng con heo 


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

 

“rắn: rắn dọc dừa”.

rắn: rắn dọc dưa”  (Gs Nguyễn Văn Khang)

 

Không có loại rắn nào gọi là “dọc dừa”, hay “dọc dưa”, mà chỉ có “rắn sọc dưa”, còn gọi rắn rồng hay rắn hổ ngựa (tên khoa học: Coelognathus radiata). Sở dĩ gọi là “rắn sọc dưa” vì rắn có sọc chạy dọc theo thân mình, giống như sọc của quả dưa

 

(Hòang Tuấn Công)



Chữ Việt cổ

O :


(Đại Nam quốc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

 

“rắt//đái rắt. → không viết: dắt”. (Gs Nguyễn Văn Khang) 

 

Viết “đái dắt” mới chuẩn: “đái dắt [bệnh] đái liên tục nhiều lần, nhưng mỗi lần đều đái rất ít.

 

(Hòang Tuấn Công)



Chữ là nghĩa  

Câu: “Vênh váo như khố rợ phải lấm” bị biến thành “Vênh váo như bố vợ phải đấm” thì biến nghĩa một cách hoàn toàn. Ngày xưa người dân quê thường đóng khố bằng vải rợ (vải dệt thô). Khi đi lội ruộng, bùn lấm lem vào. Lúc khô bùn cứng lại vênh bên nọ vẹo bên kia, hở hang cơ thể, thành trò cười nên mới có câu đó.

 

(Tự điển thành ngữ)



Từ điển chính tả sai lỗi… chính tả

 

“riếc: riếc móc → không viết: diếc”. (Gs Nguyễn Văn Khang) 

 Viết “nhiếc” mới chuẩn, nhiếc móc

 

(Hòang Tuấn Công)



Văn bút, nhân sự và sự kiện

Những gương mặt tiêu biểu 


Người giữ chức vụ chủ tịch Văn Bút sau nhà văn Đỗ Đức Thu và nhà văn Nhất Linh là nhà thơ Vũ Hoàng Chương.


Ông luôn luôn luôn mặc chiếc áo dài ta mầu đen, hoặc áo choàng kiểu tu sĩ mầu nâu. Vào mùa hạ, khi đi họp ông còn phe phẩy cái quạt giấy nom rất là… đạo sĩ. Thân hình ông ẻo lả, nước da xanh xao. Ông có một cử chỉ rất duyên dáng là khi ngồi trước cử tọa để diễn thuyết, mỗi khi mở một trang giấy ở trước mặt thì ông lại thè lưỡi liếm bàn tay trước khi mở giấy. Riêng nhà thi sĩ thì chơi nguyên cả bàn tay khiến khán giả vừa thích thú vừa cười bò. Thi sĩ rất siêng năng đi họp. Ông ngồi đấy nhìn những đàn em với cặp mắt hiền từ, bao dung như sẵn sàng chia sẻ với mọi người trong các vấn đề đang bàn thảo.


***

Suốt thời gian ở Văn Bút trước 1975, nghĩ đến ông bao giờ chúng tôi cũng có những hình ảnh êm đềm, tốt đẹp chỉ đến khi có biến cố 30-4-1975 thỉ mới thêm những ý nghĩ chua xót ngậm ngùi qua lời kể về ông của nhà văn Mai Thảo như sau:


“Khi nhóm nhà văn nhà thơ tiền chiến theo đảng đã đủ mặt ở Sài Gòn, họ đến gặp Lê Tràng Kiều, Bàng Bá Lân, Quách Tấn…, mà không một ai chịu tới thăm nữ sĩ Mộng Tuyết ở Úc Viên biệt thự khiến Mộng Tuyết rất đỗi lo sợ. Nữ sĩ hốt hoảng đi tìm hai người viết nằm vùng là Sơn Nam và Vũ Hạnh để tìm hiểu lý do.

Bà than:

– Năm 1934, tôi đã được giải thưởng thơ của Tự Lực Văn Đoàn. Các anh Xuân Diệu, Thế Lữ bao nhiêu năm vẫn giao du với tôi và Đông Hồ rất thân thiết. Tôi lại chỉ làm thơ vịnh hoa, vịnh trăng, không chống cộng, chống cách mạng. Nay các anh ấy vào, đi thăm hết cả mà không một ai đến tôi là làm sao? Tôi có tội phải cho tôi biết chứ!

Vũ Hạnh lắc đầu:

– Chị được coi là không có tội. Các đồng chí không tới thăm chị chỉ vì Vũ Hoàng Chương hiện đang ở nhà chị đó.


(Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975 - Nhật Tiến)



Bên lề chữ nghĩa 


Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi… ”quởn”

Ăn sáng phở gà Nguyệt - Phủ Doãn


(Nguồn: Tôi đi đâu)



Nhìn lại một số tạp chí miền Nam 

Tạp chí Bách Khoa ra đời vào năm 1957. Ảnh hưởng rõ rệt lưu lại nơi người đọc có thể chỉ là ảnh hưởng của từng cá nhân cộng tác viên như Nguyễn Hiến Lê, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Võ Phiến... do viết tương đối đều đặn nhưng thể loại bài vở hoàn toàn khác biệt.


 

 

Một nguyên do giúp cho tờ báo đạt thành quả trên là không khí sinh hoạt tự do của miền Nam. Chính điều này đã giúp tạp chí Bách Khoa quy tụ được một tập thể cộng tác viên khác nhau về đủ thứ, bất luận trẻ già, mới cũ, duy tâm, duy vật, Phật giáo, Công giáo, tả phái, hữu phái... ngồi lại với nhau trong hòa đồng và cởi mở. Vũ Hạnh, Lý Chánh Trung với Võ Phiến, Đoàn Thêm, Phan Văn Tạo bên cạnh Thích Nhất Hạnh với Thanh Lãng... như cây bút có mặt nhiều năm trên tờ báo là Võ Phiến trong tácphẩm Tổng Quan Văn Học Miền Nam: "Về mặt chính tri, súc dung hoà của nó khiến có lần Nguyên Sa nói đùa: Bách Khoa là một vùng xôi đậu. Nó đón nhận cả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Vũ Hạnh lẫn Võ Phiến, Vũ Bảo..."


Tạp chí Bách Khoa ra đời do sáng kiến của Huỳnh Văn Lang, Lê Thành Cường, Đỗ Trọng Chu là các sáng lập viên hệ thống trường Bách Khoa Bình Dân đang hoạt động tại Sài Gòn lúc đó. 

Tờ báo do Huỳnh Văn Lang đứng tên chủ nhiệm, Hoàng Minh Tuynh là chủ bút và quản lý là Lê Ngộ Châu. Theo đúng nguyên tắc trên thì điều hành tạp chí Bách Khoa phải là Huỳnh Văn Lang và Hoàng Minh Tuynh với các vai trò chủ nhiệm, chủ bút. Nhưng với rất nhiều người, kể cả các cộng tác viên của tờ báo, thì thực sự điều hành tạp chí Bách Khoa là Lê Ngộ Châu. 


(Hai mươi năm miền Nam 1955-1975 - Nguyễn Văn Lục)


Ca dao tục ngữ hiện đại hiện thực

Cưới vợ thì cưới liền tay.
Chớ để lâu ngày thành vợ người ta.



Chữ nghĩa làng văn

 

(…) Sau cải tạo, nhớ dạo “nín thở qua sông”, tôi (Phan Lạc Phúc) sống như cỏ cây trong một khu vườn ở Lái Thiêu. Thỉnh thoảng có bạn đi xe đò lên thăm. Một hôm ông Cung Trầm Tưởng lên chơi. Chúng tôi ngồi dưới gốc chôm chôm, chuyện phiếm. 

 

Ông Cung Trầm Tưởng lai rai đọc thơ Quang Dũng, bài Đôi mắt người Sơn Tây: “Vừng trán em vương trời quê hương - Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”. Nhà thơ tác giả Tiễn em vốn ngày xưa học ở bên Tây, chợt nghiêng đầu hỏi: “Sao lại buồn Tây Phương, sao lại có beauté grecque (vẻ đẹp Hy Lạp) ở đây kìa”. Tôi trả lời: “Tây Phương là chùa Tây Phương ở Sơn Tây quả có một vẻ đẹp đến từ Tây Phương thật” (…)

 

Nhưng theo Sơn Tây danh thắng tích bị khảo, chùa tên Sùng Phúc Tự. Truyền tích chùa là nơi người Tàu dấu cổ vật. Cuối thời Tây Sơn, Phan Huy Ích cho người trùng tu chùa, để lại câu thơ: 

“Tục truyền Bắc quốc đan thanh cổ

Cảnh chiếm Tây phương thảo thụ u”. 



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Cô kia má đỏ hồng hồng.
Dừng chân anh hỏi có chồng hay chưa.
Có chồng năm ngoái năm xưa.
Chẳng may chồng bỏ nên chưa có chồng.



Góp nhặt phố văn ngõ chữ  

Ngọc Thứ Lang với chữ nghĩa


Tôi đọc Bố Già của Ngọc Thứ Lang và cuốn sách đã lôi cuốn tôi mạnh mẽ. Thời gian đó tôi đang thực hiện cho Văn một loạt bài phỏng vấn các nhà văn dưới mục Nhà Văn Ở Phút Nói Thật. Sau khi gặp Ngọc Thứ Lang và đọc bản dịch cuốn Bố Già, tôi nói với chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng là tôi muốn phỏng vấn Ngọc Thứ Lang. Thế nhưng, thời gian đó có quá nhiều việc phải làm nên tôi quên bẳng chuyện đi tìm Ngọc Thứ Lang để hỏi tại sao anh chọn dịch The Godfather của Mario Puzo và do đâu anh nắm bắt được cái ngôn ngữ kỳ lạ của thế giới mafia ở Mỹ như thế.

 

Năm 1999, đầu tháng Bảy, bước chân vào toà soạn tôi đọc thấy trên bàn tờ Mercury News bản tin tác giả The Godfather đã qua đời, ai đó đã dùng bút đỏ khoanh lại. Tôi nhớ lại hình ảnh người đàn ông gầy gò, chiếc sơ mi màu cháo lòng, hai tay áo dài thòng che lấp hai bàn tay, một buổi sáng nào đã bước vào toà soạn tạp chí Văn trên đường Phạm Ngũ Lão. 

 

Bây giờ anh ấy ở đâu, người dịch giả tài năng ấy? Nhà văn Hoàng Hải Thủy cho biết Ngọc Thứ Lang đã mất năm 1979 trước ngày ra đi của Mario Puzo 20 năm. Sau 1979, hai nhà xuất bản ở Việt Nam giành nhau in lại bản dịch Bố Già của anh. 

"Mario Puzo, tác giả The Godfather, tiểu thuyết best-seller từng bán đến 21 triệu quyển, qua đời ở nhà riêng tại Bay Shore, New York, ngày Một tháng Bảy 1999, thọ 78 tuổi, có năm con, chín cháu. Ngọc Thứ Lang, dịch giả Bố Già, qua đời ở trại Lao Cải Phú Khánh năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ, không con.".


(Nguyễn Xuân Hòang)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Không giàu thì phải đẹp trai.
Không thông kinh sử thì mai em xù.



Thuở mơ làm văn sĩ

Bọn chúng tôi tâm đắc với Tùy bút phở của nhà văn Nguyễn Tuân viết trong Nhân văn Giai phẩm của nhà văn Phan Khôi chủ trương, từ miền Bắc lọt vào Nam và được in lại phổ biến rộng rãi. 


Giai phẩm đó phản ảnh đời sống Hà Nội sau khi Hà Nội tiếp thu khi chia đôi đất nước... có thể đó cũng là chủ trương tuyên truyền của chính phủ miền Nam thuở đó. Những bài viết của Phan Khôi, những truyện ngắn, những bài thơ của Trần Dần. Phùng Quán, Văn Cao, và còn nhiều cây bút khác. Thực tình mà nói tôi nghĩ những văn ngệ ấy vô cùng dũng cảm, xứng đáng với nghiệp cầm bút của mình. không ai bắt buộc chúng tôi phải học tập mà tự mình phân tích rồi không quên được những câu thơ: Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ... Hoặc bài viết của Phan Khôi “Ông Năm Chuột”. 

Hay bài gì đó viết về loại cỏ mà người ta đặt tên là cỏ đuôi chó.

(Nguyễn Thụy Long)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực


Bây giờ mận lại hỏi đào.
Vườn hồng còn có ai vào nữa không?
Mận hỏi đào xin tỏ lòng.
Vườn hồng vắng chủ khách vòng cổng sau.



Những ca từ khó hiểu trong nhạc Trịnh Công Sơn

Nghe những tàn phai 

Chắc hẳn là ai cũng đã từng nghe “tụi trẻ” ngày nay thường viết trên facebook: Cuộc đời là những chuyến đi… khi nhắc về các chuyến du lịch bụi. Không biết câu này xuất phát từ đâu, nhưng có lẽ những người yêu nhạc Trịnh sẽ thấy quen, vì nó rất giống với một câu trong bài Nghe những tàn phai:

Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những chuyến xe

 

Có ai giải thích được cặn kẽ ý nghĩa của bài hát này?

Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là những đám đông 
Người chia tay nhau cuối đường 
Ngày đi đêm tới trăm tiếng hư không.

(…) 

Chiều nay em ra phố về 
Thấy đời mình là những quán không 
Bàn in hơi bên ghế ngồi 
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người. 

 

Nguyên bài là những lời lẽ có vẻ mông lung, như là không nhắc đến một điều gì cụ thể, giống như là tác giả đang nói về những chiêm nghiệm nào đó về cuộc đời? Không phải vậy, thật ra bài hát này được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết về một đối tượng cụ thể: Nhân vật chính là một cô gái làng chơi. 

 

Điều đó được ca sĩ Khánh Ly thừa nhận, bà đã được Trịnh Công Sơn giải thích ý nghĩa của bài này khi tập cho bà hát.

Đó là một cô gái giang hồ đã hết thời, với những bước chân trở về nhà trong đêm sau một ngày rã rời. Cô gái đôi khi thấy đời mình là chuyến xe… rồi rốt cuộc chỉ là tiếng hư không, vắng bóng người trong một đời người đã quá ê chề. Từ một câu hát trong bài hát về cô gái điếm, giới trẻ biến thành một câu nói có vẻ rất ngầu: 

Cuộc đời là những chuyến đi…

 

(Đông Kha)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Vạn sự khởi đầu nan.
Gian nan bắt đầu nản.



Giai thọai xóm chữ làng văn

Ký ức gặp cụ Nguyễn Văn Tố năm 1947

Tôi tản cư đến Thụt. Những ngày tốt trời, tôi đi vào các làng người Thổ, người Mán chơi, nhân thể khảo cứu về nhân sinh địa-lý. Một hôm khoảng tháng tư, tháng năm, năm 1946, ông chủ nhà trọ có cho tôi biết là có cụ Nguyễn-văn-Tố qua đây và ngủ lại đêm ở nhà thôn trưởng.


Sau đấy tôi tìm gặp cụ, cả hai gồi dưới gốc cây đa cổ thụ, nhìn nước sông Lô đỏ ngầu những phù sa, cuồn cuộn chảy xuôi. Nghe tiếng thác ấm ấm gần đấy, nhìn lên thượng nguồn thấy núi non trùng trùng điệp điệp. Trên trời lơ lửng mây đen mây trắng, hai chúng tôi, một già một trẻ ngồi lặng yên suy nghĩ.

Hồi lâu, tôi lên tiếng:
– Ý kiến cụ về cuộc kháng chiến này của ta như thế nào ?
– Ấy, tôi cũng định hỏi ý kiến của ông.


(cụ Nguyễn Văn Tố)


Chúng tôi lại ngồi im, mãi lúc sau cụ mới nói:
– Cuộc kháng chiến này sẽ kéo dài lâu lắm vì thực dân Pháp ngu. Dân ta sẽ khốn khổ với chúng, nhưng chúng sẽ không tái lập được cuộc đô hộ đâu. Nườc họ đã kiệt quệ vì chiến tranh với Đức, họ sẽ chết vì chiến tranh ở thuộc địa. Rồi ông xem, nước Pháp sẽ tụt xuống hàng nước Y-Pha-Nho, Á-châu sẽ mạnh. Trung-Hoa và Ấn-Độ sẽ phục hưng một cách nhanh chóng.
– Thế còn Nhật?
– Nhật sẽ phục hưng được nhưng không một dân tộc Á châu nào ưa họ đâu. Họ thâm độc lắm.
– Còn nước ta ?
– Ấy, quan tha thời ma bắt, chúng ta sẽ độc lập bề ngoài mà thôi. Quốc tế sẽ công nhận sự độc lập ấy. Nhưng trong nước sẽ lục đục, có thể bị chia đôi. Ông có nhớ mấy khoản của hiệp ước Postdam không? Gây ra Nam Bắc phân tranh mới rầy đấy. Nước nhà sẽ kiệt quệ, người Việt sẽ giết người Việt như ngóe ấy. Chỉ khổ cho lũ trẻ mà thôi. Lắm lúc tôi nghĩ buồn lắm. Suốt đời ăn hại. Chẳng biết chết rồi (1), về gặp ông bà ông vải, tôi biết ăn nói làm sao với các cụ? 

Nhưng thôi, nghĩ vẩn nghĩ vơ làm gì. Đời tôi thời bỏ đi rồi. Ông còn trẻ, cố mà sống. Ông sẽ có ngày được nhìn thấy đất nước tươi đẹp. Nhưng tôi cũng khuyên ông mấy câu. Đừng sợ khủng bố, chớ ham danh lợi, phụng sự nước đi. Nếu không phụng sự được nước vì bất tài thời phụng sự văn học. Ông có một căn bản văn-hóa*, bỏ đi không những là phí mà lại có tội, có tội với ông. Thôi, anh em chúng ta về. “


(Cố học giả Nguyễn Thiệu Lâu)


(1) Tuần sau, cụ Nguyễn Văn Tố bị Pháp bắt và bắn ở bìa rừng bản Nà Pèn, Việt Bắc.



Bên lề chữ nghĩa 

Hà Nội những điều nhỏ bé bạn nên làm khi… ”quởn”

Đi Serein Cafe - 16 Trần Nhật Duật để ngắm cầu Long Biên lúc hoàng hôn
(Nguồn: Tôi đi đâu)



Đường văn ngõ chữ

Nhà thơ Văn Cao, Phùng Quán, lần gặp mặt - 1

Sau tháng Tư 1975, tôi (Cung Tích Biền) có dịp gặp gỡ các văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào Nam. Những cuộc “gặp” lẫn “gỡ” này, cái đinh đóng vô đầu: vui ít buồn nhiều. Vui, là gặp được những người mình từ lâu mong đợi gặp, Lại khá bàng hoàng khi đụng phải những nhà văn nhà thơ từng là các tác gia được “vang bóng một thời”, nay trở thành những cán bộ: “nói mãi không thôi…”. 


Nhớ, hôm gặp nhạc sĩ Văn Cao trong một đêm nhạc Sài Gòn chào mừng ông. Ông sinh năm 1923, lúc chúng tôi gặp ông, ông chỉ vừa độ tuổi 60, nhưng quá gầy yếu, mái tóc đã trắng phau, lưng còng, trông như một cụ già gần chín mươi tuổi. Ông rất vui, lại đầy nước mắt, khi nghe-nhạc-của-mình-được-hát, khi được trao những bó hoa với đầy lòng thương yêu và kính trọng của người Sài Gòn.

(Cung Tích Biền)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi anh dắt em đi.
Em đi không được anh đi… một mình.



Đường văn ngõ chữ

Nhà thơ Văn Cao, Phùng Quán, lần gặp mặt - 2

Lại gặp quý ông Phùng Quán, Hoàng Cầm, Đoàn Phú Tứ tác giả Màu Thời Gian... mỗi ấm áp, cùng uống cốc cà phê, nghe chuyện. Hóa ra, quý vị ấy rất “giàu chuyện”, tuy dài dặt cuộc đời bị quản chế tư tưởng, cơ cực về đời sống, gian lao trong hành xử một xã hội bị bao vây, tưởng đã “hết chuyện”.

Nhà thơ Phùng Quán gầy ốm nhưng khí lực chừng rất mạnh mẽ. Ông rất trân quý những gì là tài sản văn hóa, trí tuệ, tinh thần của miền Nam. Nhưng ông có cái thói quen gần như một quán tính, lúc ngồi trò chuyện ông thỉnh thoảng đảo mắt nhìn quanh, lo lắng. “Chừng như sau lưng, hay bàn kế cạnh có ai đó theo dỏi lời nói, tư tưởng, hành tung của mình”.
Phùng Quán, ông lớn hơn tôi bốn tuổi. Tôi đã thuộc nằm lòng bài thơ Lời Mẹ Dặn của ông từ 1960, khi thơ văn của Nhân văn Giai phẩm được phổ biến rộng rãi tại miền Nam:


 

“Bút giấy tôi ai cướp giật đi 

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”


Và, lúc đối diện ông tôi cũng liên tưởng, ngỡ ra nỗi lòng đau, qua lời thơ của nhà thơ Trần Dần:

“Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc

Đất hôm nay tầm tã mưa phùn

Bỗng nhói ngang lưng

Máu rỏ xuống bùn

Lưng tôi có tên nào chém trộm”

(Cung Tích Biền)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Chồng giận thì vợ bớt lời.
Vợ giận, chồng đập tơi bời à nghe...



Chân dung hay chân tướng nhà văn? 

Nam Cao, Thế Lữ, Kim Lân

Nhà văn Nam Cao, cha đẻ của Thị Nở, Chí Phèo, từng phụ trách báo Cứu Quốc, mất năm 1951 trên đường công tác thuế nông nghiệp ở khu III. Giả dụ ông còn sống như các nhà văn cùng thời khác, không hiểu có còn đứng vững trong cơn “tai biến” “Nhân văn Giai phẩm” như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài… không? Xuân Sách viết về ông đầy ưu ái:
“Em còn đôi mắt ngây thơ 
Sống mòn mà vẫn đợi chờ tương lai 
Thương cho thị Nở ngày nay 
Kiếm không đủ rượu làm say Chí Phèo” (1)


(1) xem Nguyên mẫu của nhân vật 

Thị Nở của Nam Cao, tr 12.


Nhà thơ, kịch tác gia Thế Lữ, tác giả của “Mấy Vần Thơ” (1935) trong có những bài nổi tiếng: Nhớ rừng, Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, và Giây phút chạnh lòng. Năm 1936, hoạt động kịch với ban kịch Tinh Hoa, ban kịch Thế Lữ. Sau năm 1947, ông tham gia kháng chiến, năm 1957 được bầu làm chủ tịch hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hầu như không viết gì.
Xuân Sách tiếc cho ông đã quá sớm… “về vườn bách thú”:
“Với tiếng sáo Thiên Thai dìu dặt
Mở ra dòng thơ mới cho đời
Bỏ rừng già về vườn bách thú
Con hổ buồn lặng lẽ trút tàn hơi


Trong các nhà văn “tiền chiến” đi theo cách mạng, người bị Xuân Sách “giễu cợt sâu cay" nhất có lẽ là nhà văn Kim Lân. Trước cách mạng, từ năm 1941, Kim Lân đã nổi tiếng về truyện ngắn “Vợ nhặt”. Ông viết không nhiều, sau cách mạng ông viết “Làng” về nông thôn thời kháng chiến chống Pháp, tuy nhiên, hai truyện “Ông lão hàng xóm” (1955) và “Con chó xấu xí” (1962) bị phê phán phi hiện thực xã hội chủ nghĩa.
“Nên danh nên giá ở làng 
Chết vì ông lão bên hàng xóm kia 
Làm thân con chó xá gì 
Phận đành xấu xí cũng vì miếng ăn.


(Nhật Tuấn)



Tục ngữ hiện đại, thành ngữ hiện thực

Bạn ơi ngồi nhích lại giùm.
Tuy rằng khác lớp nhưng chung một trường.



171 Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Nguyên mẫu của nhân vật Thị Nở


Hồi ấy, ở làng Đại Hoàng có cô Trần Thị Nở, con ông Phó Kính - ông này làm nghề đóng cối xay nên gọi là phó. Thị Nở xấu xí, tính dở hơi, rất hay cười nên ông mới đặt tên là Trần Thị Nở.
Câu chuyện về nguyên mẫu nhân vật Thị Nở được ông Trần Khang Hộ, người làng Đại Hoàng, Lý Nhân, Hà Nam, bạn học thuở nhỏ của nhà văn Nam Cao, kể lại.

Thị Nở chỉ biết làm việc vặt trong nhà và nhặt cỏ vườn, tính thị dở hơi, sờ vào việc gì được một lúc là lăn ra ngủ, bất kể là đâu, từ chân đống rạ, gốc chuối đến bờ ao… Có lần bà ngoại nhà văn Nam Cao (bà Vân) sai thị đi kín nước, mãi không thấy thị về, cho người đi tìm, thì ra thị đang ngủ ở gốc chuối. Ông bố chồng của thị (ông Quản Dung) thường rày la thị về tội để cơm sống, cơm khê. Những khi ấy, Thị Nở vênh mặt lên cãi lại bố chồng: “Sống đâu mà sống, chỉ hơi sường sượng thôi mà!


 

 

Tuy thị xấu và dở hơi như vậy nhưng thị vẫn có chồng. Chồng thị là anh Đào. Anh này cùng cảnh làm thuê như Thị Nở. Nhà nghèo lắm, phải mua chức trùm. Thị Nở có ý vênh vang ra phết. Anh chồng thì nai lưng ra làm để giả nợ. Khi đã có gia đình rồi, Thị Nở vẫn còn làm thuê cho bà ngoại Nam Cao. 

Nhà văn Nam Cao gọi Thị Nở là dì.

Chuyện Thị Nở ở làng Đại Hoàng là có thật. Nhưng với tài hư cấu của nhà văn, ông đã cho ra đời một Thị Nở có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Nhờ có Thị Nở mà “Chí Phèo” mới nổi tiếng, mới sống mãi trong lòng người đọc. Cũng nhờ có Thị Nở và Chí Phèo mà tên tuổi nhà văn Nam Cao đã tỏa sáng trên bầu trời văn học.

(Trần Văn Đô – Chuyện làng văn)



Chữ nghĩa làng văn 

Truyện Trầu cau của Trần Thế Pháp nằm trong sách Lĩnh Nam chích quái, được biên soạn vào khoảng năm 1370 – 1400 (1). Một thế kỉ sau, năm 1492 và 1493, sách bị Vũ Quỳnh và Kiều Phú nhuận sắc. Chưa hết. Từ miếng trầu là đầu câu chuyện sinh ra những chuyện sau đây…


Truyện Trầu cau của Trần Thế Pháp tóm tắt như sau: “Đời thượng cổ có một chàng tên là Quang Lang, trạng mạo cao lớn. Quốc vương cho họ là Cao. Cao sinh được hai người con trai, đặt tên là Tân và Lang. Lớn lên, Tân, Lang theo học đạo sĩ họ Lưu. Nhà họ Lưu có người con gái muốn lấy chồng, được cha mẹ gả cho người anh.

Từ ngày có vợ người anh đối xử với em không còn được thân tình như trước. Một hôm, người em buồn tủi, bỏ nhà ra đi. Gặp con suối lớn không qua được. Người em vừa mệt vừa đói, chết hóa thành một cái cây cao không cành. Người anh đi tìm em. Đi đến bờ suối, thương nhớ em, chết hóa thành một tảng đá bao quanh gốc cây. Người vợ đi tìm chồng cũng đến bờ suối, chết hóa thành một sợi dây leo vấn vít trên tảng đá.

Một hôm vua Hùng Vương đi tuần hành, nghỉ chân bên bờ suối, được biết truyện. Vua bảo cận thần hái một trái cây, ngắt một lá dây leo, nhai thử thấy vị ngon, nhổ lên tảng đá thì thấy sắc đỏ tươi. Vua bèn sai người lấy 3 thứ ấy về, dạy dân lấy lửa nung đá cho xốp, cùng với trái cây, lá dây leo, cuộn chung lại mà ăn.
Nước Nam có tục ăn trầu cau từ đó” (1).

(Nguyễn Dư)

 

(1) Lê Hữu Mục, Lĩnh Nam chích quái, Khai Trí, 1961, tr. 50.


Góp nhặt sỏi đá

Ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vẫn còn giữ tập tục từ cả ngàn năm về trước: Người chết được chôn theo thế ngồi xổm, họ bị trói trong tư thế này trước khi đem đi chôn


Đó là tập tục mai táng xưa, thể hiện hai mặt với người chết:

Mặt thứ nhất vì sợ người chết hiện hồn về quấy phá nên trước khi chôn phải trói lại. Khi khâm liệm, bao giờ người ta cũng lấy một miếng vải liệm, xé ra làm dây để buộc hai ngón chân cái và hai ngón tay cái của người chết.


Mặt thứ hai là thương nhớ người chết nên không nỡ chôn ở xa mà chôn ngay trong vườn.



Hình ảnh cũ: Cái chạn trong miền ký ức

(Cái “gạc-măng-giê)

 

Bây giờ, cá thịt đầy mâm mà sao vẫn không cảm được cái sự “ngon miệng” của thời ấy. Bạn bè bảo nhau: “Có lẽ ngày xưa khốn khó, nên ăn gì cũng thấy ngon”.


 

Tầng giữa của chạn chuyên để úp bát đĩa. Mẹ dặn anh em tôi rửa bát phải nhớ úp nghiêng cho ráo nước. Bát đĩa cũng chả nhiều nhặn gì, chỉ là vài cái bát ăn cơm bằng sứ Hải Dương, canh thường được múc vào bát chiết yêu có cái miệng loe rộng, thêm vài cái đĩa, thế thôi.

 

Các loại đũa, thìa, muôi được cắm vào một cái “rọ tre cật” nâu bóng buộc ở bên cạnh chạn. Có lần, đang đêm, con mèo mải đuổi chuột lao vào ngăn để bát đĩa làm vỡ choang vài cái. Cả nhà bật dậy vì cứ tưởng có trộm.

Mẹ thường úp xoong nồi, chảo, chày, cối... ở ngăn dưới cùng của chạn. Ngày ấy, đây cũng là chỗ để cất hũ dưa cà, âu mẻ, lọ muối hạt, chai nước mắm. Ngoài ra, những đồ khô như tý miến, nắm lạc sống, hành, tỏi, hạt tiêu... trăm thứ bà rằn được để trong chiếc bị cói, treo lủng lẳng bên cạnh chạn để tiện lấy khi nấu ăn.

 

(Vy Anh)



Đại hạ
Một ông phú hộ làm ngôi nhà mới, mở tiệc ăn mừng. Yên Đổ cho hai chữ Đại hạ
Đại hạ là nhà to. Nhưng thay vì viết hạ là nhà, cụ lại viết chữ hạ là mùa hè, mùa hè to là nghĩa gì ? 

Sau cụ mới giải thích cho người thân:
Đại hạ là hè to, hè to lái lại là tò he: tò he tí hỏi, hỏi ra là tiếng kèn đám ma
Hóa ra ông phú hộ này xưa kia quả có làm nghề thợ kèn ...


(Chơi chữ - Lãng Nhân Phùng Tất Đắc)



Văn hoá nhậu

Rượu trong văn học 

Người Việt ta chịu ảnh hưởng của Nho gia, nên kẻ có học ngày xưa được coi thuộc dân lịch lãm thời phải biết uống rượu, làm thơ, đánh đàn, chơi cờ (cầm, kỳ, thi, tửu)... Uống rượu nhiều được phong tặng là đệ tử Lưu Linh. Chính vì vậy mà các nhà văn, nhà thơ trước đây của chúng ta thường có những bài nhuốm mùi men rượu là thế.
Nguyễn Khuyến thường mượn rượu nói dùm mình:
“Rượu ngon đến bữa nghiêng bầu giốc
“Chữ dại đầu năm sổ túi ra.
(Xuân hứng)


“Khi buồn chén rượu say không biết
“Ngửa mặt lờ mờ ngọn núi xa

(Túy cảm)

(Khuyết danh - Tết nói chuyện rượu)



Qua với bậu 

Chữ “bậu” có nghĩa là "bạn, là em" cả khi nói với người con trai, và cũng có nghĩa "em" trong nghĩa "vợ", trong quan hệ vợ chồng. Như trong Truyện Lục Vân Tiên, Lý Thông nói với Thạch Sanh khi gặp nhau lần đầu tiên, thấy Thạch Sanh trẻ tuổi hơn mình :

Chẳng hay chú bậu (chú em) ở đâu

Áo quần chẳng có dãi dầu khá thương 


Thường người ta hiểu lầm là tiếng bậu chỉ dùng để chỉ đàn bà, con gái. Như trong bài hát dân gian châm biếm, trêu chọc người con gái lớn tuổi mà còn ế chồng:

Ống tre khô người ta còn chuộng

Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang

Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy

Bậu lỡ thời như giấy trôi sông

Giấy trôi sông người ta còn vớt

Bậu lỡ thời như ớt chín cây


(Nguyễn thị Cỏ May)



Thành ngữ tục ngữ sai 

Vắng trẻ quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp 

Không có trẻ con nhà hiu quạnh, không có đàn bà bếp lạnh tanh. Ý nói tình cảm gia đình phải có đông đủ già trẻ, trai, gái mới vui.


Tuy nhiên nghĩa bóng câu này nhằm đề cao vai trò người phụ nữ trong gia đình. Họ không chỉ là người giữ lửa trong căn bếp mà còn giữ cho không khí gia đình luôn nồng ấm. 

Giải thích “phải có đông đủ già trẻ, trai, gái mới vui”, e rằng chung chung quá.


(Hoàng Tuấn Công)


***


Phụ đính I


Chân dung hay chân tướng nhà văn

Suốt đời quan chức vậy đủ thấy văn chương Nguyễn Quang Sáng luôn sáng ngời tinh thần cách mạng, bám sát chủ trương đường lối của đảng, dứt khoát không chịu ảnh hưởng của những biến động trong giới cầm bút như phong trào Nhân văn - Giai phẩm, sự kiện xét lại… Chỉ có điều, cả đời bận rộn làm cách mạng vậy, không hiểu ông nhà văn sau khi học bổ túc văn hóa trung học còn thời gian đâu học hành quy củ? Nhưng mà chuyện đó chẳng là gì? Văn nghệ quần chúng, phục vụ công nông binh cần gì văn hóa cao?


Nguyễn Quang Sáng viết khá nhiều: Từ những truyện vừa, tiểu thuyết như Đất lửa, Nhật ký người ở lại (1962), Cái áo thằng hình rơm, Mùa gió chướng (1975), Dòng sông thơ ấu (1985)…; từ những truyện ngắn Con chim vàng (1957), Chiếc lược ngà (1968), Bông cẩm thạch (1969), Người con đi xa (1977), Bàn thờ tổ của một cô đào (1985), 25 truyện ngắn (1985) đến những kịch bản phim… tất cả đều mang tính sử thi, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và vạch trần những mặt tàn ác, xấu xa của kẻ địch. 


Cùng với nhà văn Anh Đức
, hai ông đã trở thành một “cặp đôi hoàn hảo”, không tì vết, luôn đứng vững trên lập trường chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, làm rạng danh cho văn học cách mạng Nam Bộ. 


(Nhật Tuấn)

Tác giả: Nhà văn Nhật Tuấn * tên thật là Bùi Nhật Tuấn, sinh ra tại Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn. Truyện ngắn và tiểu thuyết là hai thể loại nổi bật trong sự nghiệp văn học của ông. Nhà văn Nhật Tuấn qua đời ngày 6-10-2015 tại Bệnh viện Thống Nhất, Sài Gòn, hưởng thọ 74 tuổi.
Tác phẩm: Con chim biết chọn hạt (tập truyện)

Đi về nơi hoang dã (tiểu thuyết, 1988)

Quê nhà Quê người (chung với Nhật Tiến, 1994)

Một cái chết thong thả (tập truyện, 1995)


* Nhà văn Nhật Tuấn là em nhà văn Nhật Tiến


***


Phụ đính II


Chữ nghĩa làng văn

Cách viết văn

Tác giả tác phẩm "Đợi chờ" là Ha Jin quan niệm, viết văn tức là kể một câu chuyện. Nhưng người kể chuyện không nên hướng dẫn độc giả mà cần tôn trọng sự thông minh và khả năng thẩm thấu tác phẩm theo cách riêng độc giả.

(Nhà văn không nên giảng giải cho độc giả - Ha Jin)



Chữ nghĩa làng văn

Lê Văn Trương - 1

Phạm Thế Ngũ thì nhận xét đại để như sau: 

Lê Văn Trương đã không thành công lắm về phương diện nghệ thuật. Bởi ông không có bản lĩnh để dựng nên một câu chuyện tự nhiên hoặc vẽ nên một nhân vật trọn vẹn. 

Truyện ông thường đầy những vô lý về tình tiết, giả tạo về tâm lý. Cái hấp dẫn người đọc ở ông thường chỉ là ở những tiểu thuyết giang hồ: cái vị lạ, những cảnh tượng xa xôi, những gặp gỡ kỳ thú hay gian hiểm...


Còn văn của ông, thường là lối nói khoa đại, kêu mà rỗng, nhất là ở những chỗ ông nghị luận... Ông ít khi tìm được một lối bình dị thuần nhã, mà thường bị cái tật huênh hoang lôi cuốn làm cho người đọc hết cảm động. Nói chung văn nghiệp của ông có lượng mà không có phẩm, do ông không săn sóc câu văn mấy.



Chữ nghĩa làng văn

Lê Văn Trương -

Sau khi phân tích một số tác phẩm của Lê Văn Trương, nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng đã kết luận rằng: Lê Văn Trương là một nhà tiểu thuyết luân lý, nhưng cái luân lý của ông là một thứ luân lý rất thông thường: vợ phải nghe theo chồng, em phải nghe anh... Ông lại tựa vào một lý thuyết rất hẹp. Cái thuyết sứ mạnh của ông là thứ lý thuyết nông nổi, không có gì vững vàng...


Tiểu thuyết của ông mỗi ngày một nhiều, nhưng xét chung tất cả, người ta thấy các truyện của ông không khác nhau mấy tí. Người ta lại thấy về đường tư tưởng và ý kiến, những truyện của ông chỉ có chiều rộng mà không có chiều sâu... Về cách hành văn... cũng không thay đổi mấy. Xưa kia ông hay nghị luận... thì bây giờ ông cũng hay nghị một cách trường giang đại hải. Văn ông chỉ là một thứ văn hoạt, thứ văn dễ hiểu,... không có gì đặc sắc...









Không có nhận xét nào: