Sáu Nhịp Trường Tiền
1.
Với một tâm trạng vừa
lo âu vừa hi vọng, Hồng khóa xe đạp rồi bước lên cầu thang tìm đến
Phòng Giáo Vụ của Bộ Quốc Gia Giáo Dục tọa lạc tại đường Lê Thánh Tôn để xem
kết quả cuộc thi tuyển vừa qua. Trước cửa phòng, danh sách 60 thí sinh
trúng tuyển đã được niêm yết. Danh sách không dài nên sự lo âu
của nàng cũng được cắt ngắn, thay vào đó là niềm vui vỡ òa. Ngay
khi thấy tên mình, Hồng vỗ tay reo lên vui sướng theo phản xạ tự
nhiên. Một vài nhân viên trong văn phòng ngừng tay, nhìn ra, mỉm
cười chia xẻ niềm vui với nàng. Hồng chợt thấy mình đang quấy rối sự
yên tĩnh của mọi người, nên bẽn lẽn ngưng tay và ngậm miệng, nhưng niềm
vui vẫn còn tràn ngập trên mắt môi. Nàng đang sung sướng
với viễn ảnh huy hoàng sau khi tốt nghiệp. Cúi đầu chào mọi
người nàng dời bước, tìm một gốc cây, một mình ngồi “ nhấm nháp”
niềm vui riêng.
Nhưng niềm vui chưa trọn
thì nỗi lo lắng đã xâm chiếm. Tháng
trước khi nạp đơn dự thi vào khóa II/1960 của Viện Hán Học, nàng giấu cha mẹ vì
thấy ngôi trường này ở mãi tận Huế, một nơi vừa xa
vừa lạ với mình và cả gia đình. Thêm vào đó, thời gian học
lại năm năm dài đăng đẳng, chắc gì cha mẹ nàng chịu cho đi. Nàng hăm
hở nộp đơn đi thi chỉ vì bị nghề nghiệp sau khi ra trường quyến rũ. Đây
là một ngôi trường do Tổng Thống Ngô Đình Diệm chỉ thị đặc biệt
thành lập cho riêng Đại Học Huế vào năm 1959, và cũng là một thí điểm đào tạo giới
trẻ để tiếp tục bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, chống lại văn hóa
ngoại lai đang xâm nhập nước ta. Viện
Trưởng Đại Học Huế, Linh Mục Cao Văn Luận, kiêm nhiệm luôn Giám Đốc
Viện Hán Học. Khi tốt nghiệp các sinh viên được bổ nhiệm vào một
trong ba chức vụ sau:
1. Tùy Viên Các Sứ Quán Vùng Đông Nam Á.
2. Chuyên Viên Viện Khảo Cổ.
3. Giáo Sư Việt Hán các trường Trung Học.
Hồng đang là học sinh ban Toán của trường Nữ
Trung Học Gia Long vì mê xuất ngoại và chức vụ Tùy Viên, tuy không biết
Tùy Viên là chức vụ gì và làm những công việc gì, nên hăm hở dự thi vào một
trường nghe đến tên là biết thuộc loại Văn Chương cổ. Thật là trái ngược
nhau! Hồng không cần biết có hợp với khả năng của mình hay
không, nàng tự trấn an bằng câu nói của ông Nguyễn Bá
Học: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì
lòng người ngại núi e sông." Nàng không ngại núi e sông,
nhưng bây giờ thì sợ bơ vơ nơi xứ lạ quê người! Sau giây phút vui
mừng nàng đối diện với khó khăn: không có thân nhân ngoài đó thì
ở đâu? Không có mẹ đi chợ nấu cơm thì lấy gì ăn mà học? Tiền sách
vở, bút mực, và những món chi tiêu khác nữa. Trong thông báo có ghi
rõ một số tuyển sinh đậu cao sẽ được học bổng toàn phần 450 đồng một
tháng, còn lại chỉ được bán phần 225 đồng thôi.
Nàng đậu khoảng giữa, được bán phần là chắc. Vậy thì làm sao
đủ chi phí ăn ở học hành. Số tiền học bổng này so
với học bổng của sinh viên Đại Học
Sư Phạm thời đó thì thấp hơn nhiều, kiểu này phải
nhờ đến cha mẹ trợ giúp thôi. Một gánh nặng cho
gia đình đây!
Hồng thẫn thờ phân vân, "bỏ thì thương
vương thì tội," tội cho cha mẹ và tội cho mình. Nàng đứng lên toan
về rồi lại do dự ngồi xuống. Nàng tự nhủ "phải vượt khó," tìm
gặp những người trúng tuyển kết hợp lại cùng mướn nhà, cùng nấu ăn chung,
và đi dạy kèm trẻ tại tư gia để bổ sung vào số tiền ít ỏi
đó. Hài lòng với suy nghĩ của mình, Hồng cương quyết đứng
lên đi trở lại Phòng Giáo Vụ. Tới cửa rồi thì nàng
lại thập thò, ngập ngừng, e ngại vì đây là lần đầu tiên trong đời nàng
bước vào một công sở nên có hơi khớp. "Sợ gì chứ? Mình có phạm tội
gì đâu, chỉ xin giúp đỡ thôi mà." Sau khi tự nhủ Hồng mạnh dạn
bước vào, đúng lúc một ông to lớn bước ra. Nàng giật
mình, khựng lại, nhìn lên. May quá gặp "người quen!" Nàng
cho là quen là vì Ông này làm Giám Thị phòng thi của nàng cách
nay hơn tháng, và đã từng "xin Thầy cho thêm giấy
nháp." Hồng reo lên như gặp người thầy thân thương xa
cách lâu ngày:
- Chào Thầy.
Ông thân mật hỏi:
- Đậu rồi phải không cô bé? Cần gì
giúp đỡ không? Vô đây.
- Thưa Thầy, em cần địa chỉ của các bạn nữ
trúng tuyển để liên lạc đi chung ra Huế.
Thế rồi nàng có được địa
chỉ năm bạn nữ trong tay, cám ơn rối rít ra về. Ngọc ở Bình Dương,
bỏ qua, Minh Tuyết ở Mỹ Tho, không dám ngó tới, còn hai người: Cẩm Vân
ở Hòa Hưng, và Ngân Trang ở Vườn Chuối. Thế là Hồng lò dò đạp
xe tới nhà Cẩm Vân trước, sau đó là Ngân Trang để kết "Đồng
Minh." Còn một người nữ trúng tuyển nữa là Kim học cùng trường Gia
Long và cùng lớp với nàng từ Đệ Thất đến Đệ Nhị B3. Nhưng
người bạn này đã nói trước dù có thi đậu cũng không thể đi học xa được
nên nàng không quan tâm tới.
Cẩm Vân có người quen ở Huế. Thế là:
"Hi vọng đã vươn lên,” nàng hăm hở về nhà và tối đó trình cho hai
"Đấng Tối Cao" việc vui này. Cha nàng có vẻ trầm ngâm,
không dứt khoát, nhưng người mẹ vui với niềm vui của con.
Bà khuyến khích:
- Má ủng hộ con đi học xa, nhưng
con phải hứa với má trong suốt thời gian học xa nhà phải giữ
mình cẩn thận, không nên có bồ bịch, và không được lơ là việc học.
Má muốn con gái của má có một nghề vững chắc sau này để không lệ thuộc vào
người chồng và lỡ có chuyện không may xảy ra thì có khả năng nuôi con một
mình.
- Con hứa với má, làm theo lời má
không sai sót điều nào cả.
- Có con gái lớn trong nhà như treo hũ mắm
ở đầu giường, đầu giường nghe con chứ không phải đầu giàn như
người ta đâu. Đừng để hũ mắm rơi, bể, đổ tùm lum, thúi cả nhà,
má ngủ không được con à.
Mẹ Hồng ngừng một lúc, nhìn chăm chăm nàng rồi
tiếp:
-Nói tới mắm má mới nhớ, thằng Vũ, con của bác
Mười, đem tặng cho nhà mình kỳ này ba hũ mắm:
một ruốc, một thái, một lóc của Bà Giáo Thảo. Nó nói để dành ăn dần, mai mốt không có mắm
Bà Giáo Thảo nữa đâu, vì nó đã xong Tú Tài, không còn học trường Thiếu Sinh
Quân ở Vũng Tàu nữa. Mai nó đi Đà Lạt vô
trường Võ Bị học, ít có dịp về thăm nhà.
Bấy lâu nay tuần nào về, nó cũng mua tặng nhà mình không mắm này cũng
mắm nọ, thấy thương hết sức! Nó tới từ
giã gia đình mình, ở chơi chờ con lâu lắm mới chịu về.
- Má à, má ăn mắm một mình đi, con không ăn nữa
đâu. Ăn riết rồi da mình toát ra mùi
mắm, hôi rình!
- Nói bậy không hà. Nó rất lễ phép. Cả Xóm Gà của mình có mỗi thằng Vũ đàng
hoàng, má coi được nhứt.
Hồng phản đối:
- Má không biết đó thôi. Ảnh đóng kịch đấy. Trước mặt má ảnh làm bộ nhu mì, hiền hậu chứ
thực ra ảnh mèo chuột tùm lum. Có một
lần con bắt gặp anh Vũ chở con Hoa bán sinh tố ở Ngã Tư Bình Hòa đi xem xi nê
rạp Cao Đồng Hưng. Biết đâu còn nhiều
lần với những người khác nữa mà con không gặp.
- Ai biểu con đỏng đảnh làm chi, thằng nào dám
nhào vô? Con ra Huế cẩn thận nghen. Mấy đứa ngoài đó, mình đâu biết gốc gác, gia
đình người ta như thế nào. Đừng dây dưa mà mọc rể ngoài đó.
- Má an tâm. Con lớn rồi(!) Con biết
mà.
Cha của Hồng liên lạc được với một
người đồng nghiệp gốc Huế, trước dạy cùng trường với ông, bấy giờ đã trở
về Huế. Người này hứa giúp đỡ nàng
bước đầu. Thế là mọi việc xuôi chèo mát mái. Sau đó Ngọc ở Bình
Dương liên lạc với Hồng. Ba cô Cẩm Vân, Ngọc, và Hồng ráp lại thành
bộ "Tam Sênh" khắng khít từ đó.
Gia đình của năm cô gái này sau khi qua
giai đoạn nhức đầu vì lo lắng cho năm "cái hũ mắm" xa gia đình để
"lập công danh," cũng đành gồng mình cho
con đi "du học." Năm cô gái "Xứ Nam Kỳ Quốc"
tuổi trăng tròn lẻ khăn gói ra tận "Xứ Trung Kỳ"... "du
học." Phải nói là vào thời điểm đó, con gái ở Sàigon xa gia
đình đi học tận đất Thần Kinh xa xôi thì có lẽ năm cô này là những
người tiên phong.
2.
Trước ngày nhập học một tuần, ba
cô Cẩm Vân, Ngọc, và Hồng hành trang lên đường chung
với nhau, còn Ngân Trang đi máy bay, Minh Tuyết nhập học sau.
Tại nhà Ga Sài Gòn, sau khi nước mắt ngắn nước mắt dài chảy ướt cả khăn
tay, ba cô đành tiến đến xe lửa. Đang quyến luyến với gia đình,
chưa muốn bước lên cửa toa thì một bà mẹ
miền Nam tiến tới hỏi thăm:
-Chào các cháu. Các cháu đi đâu
vậy?
Chị Cẩm Vân, người lớn tuổi nhất trong
năm đứa, được các cô "phong chức" Chị Hai, trả
lời:
-Thưa bác, chúng cháu đi Huế học.
- Có phải các cháu học Viện Hán Học không?
- Thưa phải.
- Các cháu có ai quen ở Huế không?
Hồng mau mắn trả lời:
- Thưa bác, chị Hai Cẩm Vân của
chúng cháu đây có người quen ở Huế.
- Vậy thì tốt quá!... Con trai bác cũng ra Huế
học Viện Hán Học. Cháu Cẩm Vân cho bác gởi gấm con trai bác cho cháu
nghen. Có gì cháu giúp đỡ nó. Nó tên Công Đức, đứng đằng kia.
Chị Hai sau một lúc “ngậm hột thị,” cũng trả lời, giọng yếu xìu:
- Dạ đựơc.
Ngọc thúc nhẹ vào hông Hồng, cười hí
hí và nói nhỏ:
- Chị Hai
đùm bọc hai "em gái ngang hông," giờ có thêm một "em trai người
dưng khác họ" để đùm bọc nữa.
Hồng hóm hỉnh thì thầm:
- Trông anh cũng lớn, cỡ tuổi chị Hai, chắc
phải gọi là anh Hai. Chị Hai "đùm bọc" anh Hai!
Gà mái thắng thế. Biết đâu chẳng là duyên trời dun rủi!
Còi tàu rúc vang, ba cô lên xe lửa
ngồi chung một băng ghế dài. Sau khi khóc đã đời vì lần đầu tiên xa
nhà, Ngọc và Hồng bắt đầu rù rì chuyện bà má miền Nam chân chất,
thật thà gởi gấm con trai cho một đứa con gái cũng lần đầu tiên xa nhà đến xứ
lạ quê người như con bà, và cười hi hí với nhau. Bà thương con quá mà
quên mất nam nhi tính trong con người của anh Hai. Quay lại không
thấy chị Hai đâu, hai nàng đứng dậy dáo dác tìm. Thì... ô
kìa, ở cuối toa xe lửa chị đang nói chuyện với một anh khá
bảnh trai, thỉnh thoảng chị cầm khăn tay chùi mắt.
-Ê Ngọc, ai vậy mậy?
-Làm sao tao biết được. Kiểu này có lẽ
"kép chánh" rồi đây, trông có vẻ "xa
chàng lòng dặc dặc buồn."
Chợt Hồng thấy anh
Hai đang thả hồn ra ngoài toa xe ở băng ghế đâu lưng với các cô có lẽ
cũng đang “mơ về quê cũ xa mờ"
liền khều Ngọc ra dấu. Hai cô nín lặng ngồi xuống.
Tới ga Thủ Đức, chị Hai về lại chỗ ngồi,
mắt đỏ hoe. Nhìn lại, “chàng” biến đâu mất. À thì
ra anh đưa em một đoạn đường tình. Hồng và Ngọc đưa mắt
nhìn nhau, miệng mỉm cười "lơ lửng con cá vàng"... Cẩm Vân nhìn
thấy, xụ mặt. Hai cô biết mình bậy bèn im lặng. Một lúc
sau Ngọc cười cầu tài và lấy điểm bằng cách mời Cẩm Vân và Hồng
mỗi nguời một cái bánh ú đem theo ăn dọc đường, và... bỏ rơi anh Hai.
Suốt đường dài, cả ba cô không
nói chuyện với Đức mà Đức cũng không làm quen với các cô. Tối hôm sau tới ga Huế, xuống xe lửa,
chị Hai Cẩm Vân quên mất lời hứa miễn cưỡng chiều hôm trước. Cả ba
theo người quen về nhà, bỏ anh Hai “tự mưu sinh thoát hiểm.”
Sáng hôm sau được người quen chỉ đường, từ
Đập Đá ba cô lò mò đi dọc bờ Sông Hương, qua cầu Trường Tiền để vào
Viện Hán Học đang đặt tạm tại Di Luân Đường (Thành Nội). Sông Hương và
cầu Trường Tiền là hai địa danh đi vào thi ca dân tộc. Lần đầu
tiên trong đời các cô rất sung sướng được nhìn ngắm tận
mắt dòng sông thơ mộng và đặt chân lên cây cầu lãng mạn này.
"Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Ngược hướng với các cô là các nàng nữ
sinh Đồng Khánh, kẻ đi bộ, người đi xe đạp đến trường. Gió sông Hương mát
lạnh thổi bay tà áo dài phất phơ trong gió như những cánh bướm trắng
bay lượn ngợp Cầu Trường Tiền. Các anh học sinh Quốc Học chìm lĩm trong
rừng tà áo trắng. Nữ sinh coi bộ thắng thế, hèn chi trong thơ văn chỉ ca
ngợi các nàng với tà áo dài và mái tóc thề thả bay theo gió để cho mái tóc ngắn
phải lò dò len lén chạy theo sau. Hồng tò mò đếm nhịp và vài
của cầu, nêu thắc mắc:
- Này chị Hai, cầu có sáu nhịp, mười hai
vài. Chị đếm lại đi, sao ca dao nói gì lạ vậy?
- Ừ nhỉ, sao lạ vậy? Mười hai nhịp
thì phải có 24 vài mới đúng chứ?
Ngọc xen vào:
- Có mấy câu ca dao này có lẽ đúng hơn:
Chợ Đông Ba đem ra góc thành,
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bến đò Ghềnh bắc ngang.
Hay:
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc qua,
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ đợi khúc âu ca thái
bình.
- Ừ nhỉ, sao có sự khác biệt như vậy. Có lẽ do vần điệu mà
thay đổi cho thích hợp chăng? Thôi, gấp gáp làm chi. Mai mốt
hỏi thầy.
Di Luân
Đường là nơi thờ Đức Khổng Phu Tử được ngăn làm ba phòng làm thành ba lớp học bằng
những tấm bình phong. Một phòng cho khóa I lớp đàn anh, khóa II
vì sĩ số gấp hai nên chia ra hai lớp. Tất cả nữ sinh viên chọn sinh ngữ
Pháp Văn hay Anh Văn cùng nam sinh viên chọn Pháp Văn vào lớp A; còn lớp B
toàn nam sinh viên chọn sinh ngữ Anh Văn. Các cô chọn Anh Ngữ chỉ học vài
giờ tiếng Anh một tuần chung với sinh viên lớp B mà thôi. Có hơi bất tiện, nhưng các thầy sắp xếp lớp
kiểu này mục đích hạn chế tình yêu phát sinh giữa nam nữ mà quên lo học hành(!) Sinh viên lớp B than phiền nhà trường bất
công, "lớp toàn lá không có một đóa hoa làm vốn khiến mấy chàng lớp A kênh
kênh thấy ghét." Một tấm trướng to tướng giăng ngang với bốn
đại tự bằng chữ Hán: Vạn Thế Sư Biểu.
Các cột được treo câu đối sơn son thếp vàng. Nhìn chung quanh không khí cổ bao trùm. Hồng
than thầm: Than ôi, chúng ta từ Sài Gòn hoa lệ đi vào thế giới Lều Chõng
của Ngô Tất Tố rồi! Thầy của chúng ta là các cụ đồ nho vận
khăn đóng áo dài đen. Ôi chao! Cổ thế này
ư? Vậy thì đâu cần ra tận Hà Nội mới thấy được:
"Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch
dương."
(Thăng Long Thành Hoài Cổ - Bà Huyện Thanh Quan)
Ba nàng rụt rè ngơ ngác bước vào. Một
sư huynh khóa đàn anh nhân dịp tới trường có việc riêng thấy ba "con
nai" Miền Nam đang ngơ ngác liền bước tới làm quen, xưng
tên. Lần đầu tiên nghe giọng Huế, chữ nào các nàng cũng nghe có
dấu nặng và cứ ngớ ra tưởng như mình đang nghe tiếng ngoại quốc, Chàm có
lẽ(!). Đúng là "du học xứ Huế" mà! Anh phải chậm rãi đánh
vần các nàng mới biết tên anh là Lữ, không phải Lự. Anh dẫn ba cô vào gặp thầy Phó Giám
Đốc, người điều hành thật sự của trường. Thoạt nhìn thầy bệ vệ oai nghiêm
trong bộ Âu Phục trắng làm các cô càng lúng túng. Nhưng khác với bề
ngoài, thầy niềm nở vui vẻ hỏi nơi ăn chốn ở của các cô. Sau khi biết các cô đang ở tạm
nhà người quen và cần một chỗ trọ thì Thầy cho biết gần trường có một
nhà dư phòng. Chủ nhà vì nể nang Cha
Nguyễn Văn Thích nên cho các cô gái xa nhà tạm trú ăn ở. Các thầy
chu đáo quá "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu" (lo trước cái lo
của thiên hạ). Các cô an tâm thu xếp tới nhà trọ.
Ngày đầu tiên nhập môn, Hồng mới
biết trình độ chữ Hán của sinh viên không đồng đều. Cùng
một lớp có nhiều người rất giỏi, có cả anh là người Việt gốc Hoa, còn đa số một
chữ nhất cũng không biết. Tuổi tác cũng không đồng đều, có người vợ con
đùm đề, ngồi học chung với đám nhóc trung học mới lên. Các sinh viên
trong Nam ra, nằm trong đám i tờ chữ Hán đó, nhưng không mặc cảm thua
sút và lấy câu nói của Nguyễn Bá Học làm châm ngôn khuyến khích nhau.
Những ngày đầu cầm bút lông tập viết vỡ lòng từng nét ngang, sổ, móc,
mác..., Hồng thường ngắm quang cảnh các "cậu đồ,
cô đồ" tân tiến ngồi trong ghế cá nhân của mình, chứ không
phải khòm lưng trên chiếc chiếu mà viết "chi, hồ, dã, giả" để tự hào
mình là một trong những người trẻ của thế hệ mới đang làm nhiệm vụ gìn
giữ văn hóa dân tộc. Về trang phục của các thầy, chỉ có một vài cụ cử
nhân, tiến sĩ nho học mặc áo dài đen, còn đa số đều vận Âu
phục. Nơi đây, sinh viên được học đủ thứ môn thuộc về thơ, văn, lịch
sử, địa lý, xã hội, triết học, sinh ngữ… từ Đông sang Tây,
từ Cổ chí Kim. Chương trình học hình như quá bao la, muốn đào tạo
đám sinh viên còn ham chơi này thành các nhà bác học thông kim
bác cổ, quán triệt Đông Tây.
3.
Trước cửa Di Luân Đường, Hồng đang tần ngần
cầm quyển thơ Tì Bà Hành của Bạch Cư Dị chép tay ngắm nghía, ngắm nghía thôi
chứ trình độ chữ Hán mới ABC đọc gì nỗi, thì đám nữ nhân "Nam Kỳ
Quốc" đi tới. Ngọc hỏi:
- Ê Hồng, quyển gì đó, đưa tao coi với.
Không chờ Hồng trả lời, Ngọc chụp lấy sách
trên tay nàng lật xem sơ sơ rồi phán:
- Sách viết tay bằng bút lông bản chữ Hán,
có dịch âm, dịch thơ, và chú thích thật đầy đủ. Ở đâu mày có quyển
sách quý như vậy?
- Ơ... ơ... ơ…
Minh Tuyết chen vào vừa chặn họng vừa vói
tay lấy xem:
- Ơ a cái gì? Khó nói lắm hả? Chôm
chỉa ở đâu đó. Chèn ơi, chữ viết chân phương đẹp ơi là
đẹp. Mới học có hai tháng thôi, còn lâu mới đọc nổi... em ơi!
Chị Hai Cẩm Vân điềm đạm, lúc nào cũng đáng mặt
đàn chị, ngắt lời Minh Tuyết:
- Để nó trả lời cái đã, chưa chi kết tội người
ta ăn cắp.
Được sự hỗ trợ của chị, Hồng đáp:
- Sư huynh Lữ mới tặng đó.
Chị Hai vói lấy xem . Cả bọn xúm nhau
lật qua lật lại, rồi mỗi người một câu:
- Công phu dữ!
- Có sách cho tao không?
- Mất công như thế này, rỗi hơi đâu mà viết
cho cả đám.
Ngân Trang từ nãy giờ im lặng đứng nghe cuộc đối
thọai, lên tiếng:
- Sư muội lọt mắt xanh của sư huynh rồi...
Cuối cùng chị Hai cảnh cáo:
- Sư huynh đó lớn tuổi, đã có vợ con. Liệu
hồn đó nghe... "cưng." Thôi, sắp tới giờ rồi, chúng ta vào lớp.
Viện Hán Học (Huế) ngày Khai Giảng niên khóa 1960-1961 tại Di Luân Đường |
Đi ngang phòng học của sư huynh, Hồng liếc
thấy anh đang ngồi lặng lẽ một góc. Thường thường bộ "Tam Sênh" ngồi
bàn đầu. Đây là giờ Pháp Văn của giáo sư Phạm. Thầy người Miền Nam
lập gia đình với một cô người Huế. Xa quê hương ngộ đồng hương
nên đám Nam Kỳ coi thầy như người cha, nhưng Thầy nổi tiếng khó khăn
trong giảng dạy, cho nên các cậu các cô chỉ dám "kính nhi viễn
chi." Quy định hình thức một bài luận của thầy là: Nhập đề và Kết luận, mỗi phần dài 20% chiều
dài của toàn bài. Phần thân bài 60% còn lại, ít nhất phải có
hai đoạn tương đương bằng nhau. Ai không theo đúng, thầy tặng
cặp trứng ngỗng to tướng, no cành hông, khỏi ăn cơm trọn ngày. Tất cả sinh
viên đều biết thầy khe khắt như vậy để tránh tình trạng viết luông
tuồng từ đầu chí cuối chỉ một đoạn dài thòng, hoặc thiếu nhập đề, thiếu kết
luận, nên thi hành rất đàng hoàng.
Hôm đó thầy hoàn trả bài luận Pháp Văn.
Hồng đang hồi hộp chờ giờ vào học, Ngọc đến bên cạnh thì thầm:
- Mánh của mầy chắc không qua khỏi mắt thầy
đâu. Bị vạch mặt là cái chắc.
- Tao thực hành đúng quy định của thầy. Tao đếm từng hàng theo tỉ lệ đàng hoàng.
- Đừng ngụy biện. Bộ thầy không thấy chữ
viết chỗ nhỏ xíu, khít rịt, chỗ to kềnh, thưa rỉnh thưa rảng hay sao?
Hồng cãi bướng:
- Thầy không quy định chữ viết phải cùng một cỡ,
tao viết sao mặc kệ tao miễn đúng tỉ lệ
thôi chứ.
Nói cứng như thế nhưng tim cô nàng đập thình
thịch khi thầy bước vào lớp. Lúc tới bài của Hồng, thầy không nói gì
cả, thoáng hiện một nụ cười kín đáo chỉ có hai người Hồng và Ngọc
nhận ra. À thì ra thầy có dành ưu đãi cho đám môn sinh đồng hương của
thầy.
Thầy giảng, sinh viên lấy tập vở ra
ghi chép. Ghi tiếng Việt còn không xong, tiếng Tây chỉ có nước chào
thua. Vốn từ ngữ tiếng Pháp của đám Nam Kỳ học trường Việt thuộc
loại ‘ăn đong,’ làm sao ghi chép cho nổi! Ngồi gióng tai giương
mắt nghe thầy giảng mà hiểu được lõm bõm là phước lắm
rồi. Hồng liếc nhìn quanh xem các bạn gốc Huế có hơn
không. Nàng thấy ai ai cũng giương mắt
mà... nghe. Cùng trình độ!
Đây là lần đầu tiên trong đời xa
tổ ấm, năm cô sinh viên gốc Nam Kỳ cảm thấy mình cô đơn và buồn ray
rứt vì nhớ ngôi nhà thân yêu, nhớ Cha, nhớ Mẹ, nhớ anh em, nhớ trường
cũ bạn xưa, lại gặp giọng trầm và ấm của thầy giảng về tác phẩm Les Misérables
làm các cô xúc động. Hồng rơi lệ. Tưởng chỉ mình yếu lòng, nàng
liếc nhìn các bạn đồng hương, bắt gặp người len lén quẹt nước
mắt, người cúi gầm mặt giấu mấy giọt lệ ngọc ngà. Hành động của
các học trò nữ này không lọt khỏi mắt thầy. Thầy chớp mắt, giọng
ngập ngừng, và nhỏ lại. Cuối cùng thầy chấm dứt đột ngột bài
giảng, bắt qua việc khác. Từ đó khi thầy giảng bài, Hồng nhận
thấy thầy thường đưa mắt nhìn đám nữ sinh viên xa nhà, hễ có biểu
hiện xúc động thẩy liền
chuyển đề tài. Bên cạnh bề ngoài khe khắt, trái tim thầy
nồng nàn tình cảm.
Mang cái "mác" sinh viên nhưng thực
chất đám nam nữ này vẫn là những đứa trẻ con, vui đó buồn đó.
Mỗi lần nhận được thư nhà thì nhảy cẫng lên reo hò, lúc không có lại
buồn thỉu buồn thiu. Trước khi rời trường Gia Long, Hồng chỉ được
mấy hũ mắm của anh chàng Vũ Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu, chứ nàng chưa được hân
hạnh "em tan trường về, anh theo Ngọ
về!” Bây giờ anh chàng gặp gái Đà
Lạt má đỏ môi hồng nên quên mất “cô hàng xóm” này rồi, không thèm gởi cho Hồng
một lá thư an ủi để nàng lên tinh thần nơi
xứ lạ quê người như chị Hai Cẩm Vân và người bạn tên Ngọc này. Giờ
đây, mỗi khi ra về Hồng được một ánh mắt buồn buồn dõi theo mà ánh
mắt ấy có một vài "cái đuôi" bám chặt. Hồng than
thầm: "Ôi chao! Số tôi sao xui xẻo vậy!" Từ ngày
tặng sách sư huynh Lữ không tới thăm hỏi chuyện trò với đám
Hồng nữa và thường hay đến trường sớm về muộn để "ngắm dáng em thướt
tha với tà áo bay bay phất phơ trong gió" theo lời nhận xét đầy chất cải
lương của chị Hai Cẩm Vân. Tự dưng nơi đây Hồng có một người chị người
dưng khác họ nhưng thân thiết như ruột rà. Chị đã theo dõi để kèm cặp các "em nuôi" không cho vượt hàng rào lễ giáo.
Do Hồng chưa có người yêu nên được coi như con nít, làm đứa em út trong
nhóm. Vốn lý tưởng cuộc đời, xem tình yêu là một tình cảm tuyệt đối nên
Hồng nghĩ rằng bạn bè nhận xét lầm
về anh. Nghĩ rằng anh đã có mái ấm gia đình thì làm
sao còn yêu người khác được nữa nên Hồng không để vướng bận vào
lòng. Mọi người thấy anh không tìm cách liên lạc, hay thư từ với
Hồng nên một thời gian ngắn sau cũng bỏ qua, không chọc ghẹo
nữa. Đối với Hồng, anh có yêu hay không, nàng không cần biết. Dưới mắt nàng anh là
một "ông già" có vợ con mà còn đi học là để lấy
thêm kiến thức. Nàng coi anh là một sư huynh như mọi sư
huynh khác. Bóng anh mờ nhạt, không có chỗ đứng trong trái tim nàng.
Các thầy của trường chẳng những quan tâm tới
tinh thần lẫn tình cảm của đám sinh viên xa gia đình mà còn săn sóc sức
khỏe nữa. Có lần Minh Tuyết đau bụng lăn lộn, thầy Phó Giám Đốc, còn là
một người nghiên cứu về Đông Y, đã đến nhà chẩn mạch và kê toa. Sinh viên
cần gì, kêu cứu là các thầy đáp ứng ngay. Để tạo bầu không khí ấm cúng
cho môn sinh cuối tuần, các thầy thường hay gọi cả bọn nam nữ sinh viên xa
nhà đến ăn uống, vui chơi cho đỡ nhớ nhà. Nhóm Miền Nam được đặc
biệt đối xử này. Một hôm ở nhà thầy Kháng, đám nữ Sài Gòn tới nhà thầy ăn
trưa. Nhà thầy có ao nuôi cá, một bầy vịt đang bơi lội ung dung.
Thầy hỏi:
- Con gì đó, các con?
Hồng láu táu trả lời giọng đặc sệt Miền
Nam:
- Thưa thầy, con "dzịch."
Anh Đài, con trai của thầy, cũng là bạn
học cùng lớp với Hồng, cười khúc khích. Từ đó hễ anh thấy con vịt là nhớ
tới Hồng, thấy Hồng là nhớ "con dzịch." Có lẽ đây cũng là lần
đầu tiên anh nghe giọng Miền Nam rặt nên cũng là việc lạ lẫm đáng chú ý
chăng?
Đám sinh viên Nam Kỳ Quốc mượn tạm gia đình các thầy để giải sầu xa xứ. Các thầy đã dang tay đón lấy những đứa con sớm rời tổ ấm này. Do đó người thầy ở đây không chỉ là Sư mà còn là Phụ nữa và tình thầy trò khắng khít hơn ở những ngôi trường khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét