Giăng Mắc Tơ Bay
Vào niên khóa đầu, đường xe lửa còn an
ninh không bị gài mìn nên ngày Tết đám sinh viên Nam Kỳ lên xe
lửa về nhà, sau đó mang xe đạp trở ra Huế. Mấy năm sau đành ở lại ăn Tết
tha hương. Có xe đạp tiện việc đi lại
nên các đám nam nữ này thường rủ nhau đi chùa hay đi chơi cuối tuần với
nhau. Có năm vào ngày mùng một Tết, Cẩm Vân, Hồng, và Minh Tuyết
theo gia đình thầy Phó Giám Đốc đi chùa lạy Phật rồi ăn cơm chùa, hôm
sau theo xe của Cha Thích đi nhà thờ La Vang quỳ lạy Chúa và ăn cơm
Chúa. Chúa và Phật các nàng đều thành kính tôn thờ như
nhau. Bởi vậy suốt mấy năm dài nhờ Các Đấng Tối Cao thương tình che
chở nên không ai gặp tai nạn hay bệnh hoạn nặng, chỉ sụt sịt ho cảm sơ sơ thôi.
Mỗi năm nhà trường đều có tuyển
thêm sinh viên cho khoá mới, do đó số nam nữ Miền Nam ra Huế càng ngày càng
đông. Các anh chị em tập họp thành một nhóm dân Sài Gòn nơi đất
Huế. Vào những ngày nghỉ Lễ và Tết, đám nam nữ sinh viên Sài Gòn càng cảm
thấy cô đơn và nhớ nhà nên tự tổ chức tiệc tùng riêng cho
mình đỡ buồn. Đám nữ, ai tham gia thì đóng tiền cho chị
Hai Cẩm Vân, đám nam đóng tiền cho anh Hai Công Đức để tổ
chức ăn uống, ca hát vui vẻ với nhau. Đó là dịp đám em ngang
hông chọc ghẹo anh Hai chị Hai tơi bời. Lý do là anh Hai biết mình
xài tiền tùy hứng nên gởi tiền cho chị Hai cất giùm với lời dặn:
đừng đưa tiền cho anh ngoài ngày quy định, dù anh yêu cầu cũng vậy.
Chị Hai chấp hành lời dặn rất nghiêm ngặt. Một lần anh cần tiền khẩn
thiết ngoài ngày quy định. Anh xin chị đưa tiền lại cho anh
nhưng chị nhất định không đưa. Chị bỏ ngoài tai lời giải thích
và năn nỉ ỉ ôi gần gãy lưỡi của anh. Không được,
anh đành bỏ cuộc, xoay cách khác. Vài hôm sau, anh đến gặp chị,
trách:
- Tôi cần tiền cứu mạng(!) mà gặp phải ly
nước chanh không đường, nhiều đá lạnh, uống không vô.
Chị lòng tuy mềm nhưng miệng cứng, đáp:
- Tôi chỉ chấp hành lời dặn của anh. Thôi
thì đừng gởi tiền cho tôi nữa.
Thế mà anh không tởn, vẫn tiếp tục gởi tiền cho
người đáng tin cậy nhất thế giới của anh giữ giùm. Chuyện này bị
tiết lộ ra ngoài. Thế là đám nữ quái Nam Kỳ có màn chọc
ghẹo cho vui cửa vui nhà. Gặp anh,
mỗi người một câu:
-Anh Hai, đưa tiền cho chị Hai đi chợ.
-Anh Hai, chị Hai nhất định
nhịn đói, chờ anh về ăn cơm kìa.
- Anh Hai, chị Hai hết tiền rồi, đang
kiếm anh kìa ...
Mỗi lần như vậy anh Hai không nói gì cả,
chỉ lườm bọn "thứ ba" một cái mà thôi. Những lúc
không có ai, Hồng còn bị anh cú đầu, và nói gọn lỏn năm chữ: “Con nhỏ này
thiệt là...” Bị chọc như vậy, nhưng anh vẫn cứ gởi tiền đều đều cho
chị Hai.
Suốt mấy năm
trời học chung, đi chơi lăng tẩm, đền đài, hẹn nhau đi xe đò, xe lửa
Saigon - Huế, đi lạc quyên cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt... chung với
nhau, tình cảm của nhóm nhỏ sinh viên xa nhà này trở nên thân tình thắm thiết.
Hồng và Ngọc là hai kẻ chọc ghẹo anh nhiều nhất, không chọc chị vì biết
trái tim chị đã có chủ, và cũng kín đáo theo dõi phản ứng của anh Hai kỹ
nhất. Không thấy gì khác lạ, chỉ có một đôi lúc bất chợt bắt gặp ánh mắt
anh có vẻ xa vắng dõi theo bước chân của nhóm mình. Cả hai thắc
mắc nhưng để bụng. Hôm ấy đám nam
nữ "vô gia cư" gốc Sài Gòn mở tiệc Tất Niên tại nhà trọ, ngôi
nhà các thầy đã mướn giùm cho đám nữ sinh viên của trường.
Như thường lệ, cả bọn tập hợp để ăn uống và ca hát với nhau cho quên sầu xa
xứ. Anh Hai ngồi tựa cửa sổ nắn nót phím đàn guitar mắt nhìn xa xăm. Minh Tuyết đến bên Hồng
bỏ nhỏ:
- Ê Hồng, hình như anh Hai đang sầu tình.
- Ai vậy? “Thừa Thiên đi dễ, khó về.
Trai đi có vợ, gái về có con.” Chuyện không
lạ. O nào (cô nào) lọt mắt xanh của anh vậy?
- Không phải gái Huế, người trong nhóm bọn
mình.
Hồng nêu thắc mắc:
- Đúng không đó? Mày giàu tưởng tượng
thôi. Anh biết chị Hai đã có “kép chánh,”
"dzô" sao được mà "dzô". Trễ một bước
rồi!
- Là mày đó,
Hồng.
- Nói bậy. Bịa thì phải có căn có
cơ chớ.
Minh Tuyết giải thích:
- Dạo sau này
tao thấy anh buồn lắm và hay lặng lẽ nhìn bọn mình.
Hồng cãi:
- Không phải. Anh chấm mày
đó, Minh Tuyết à. Anh đâu dám cú đầu mày, chỉ cú đầu tao thôi,
vì coi tao như em gái ruột, dù là ruột dư cũng là ruột.
Đang cù cưa cù nhằn với nhau thì Thu
Sầu đến bên Hồng nói:
- Chị ra ngoài, em có chuyện cần một
chút.
Hồng xin lỗi, bước theo Thu Sầu ra sân
trước. Thật ra tên khai sanh của
cậu sinh viên này là Tâm, tên ở nhà là Thu.
Theo chữ Hán, Thu và Tâm kết hợp thành chữ Sầu, nên cậu có biệt danh là
Thu Sầu. Tâm với Hồng rất thân tình, có thể nói thân như
chị em ruột tuy không cùng chung máu mủ với nhau. Cha mẹ Tâm và cha
mẹ Hồng là đôi bạn thân với nhau từ trẻ, thường xuyên thăm viếng qua lại
với nhau. Tâm học dưới Hồng một lớp. Cậu này đang lúc học trường
Pháp Jean Jacques Rousseau thì theo bạn bè con nhà giàu ăn chơi, vác
dao búa đánh lộn. Mẹ cậu là Giám
Học trường Gia Long họ Huỳnh, một bà Mạnh Mẫu Việt Nam ở Thế Kỷ Thứ Hai Mươi, quyết định bỏ
mộng cho con du học Pháp, đẩy đứa con đi xa khỏi môi trường băng
đảng. Vào Viện Hán Học Huế là cách tốt nhất. Bà ca tụng Huế và con
gái Huế đẹp, dịu dàng, nết na, ai cũng có mái tóc dài thật quyến
rũ... Cậu ta mê "tóc thề thả gió lê thê, em ơi đợi anh
về," thế là mắc mưu bà mẹ. Bà còn bỏ nhỏ Hồng: "Nó có bồ bịch gì, con cho bác biết." Thế là bà "phong" cho Hồng chức Mật Vụ. Có lẽ nhờ bài Pháp Văn được điểm cao
bù lại cho bài luận Việt nên cậu trúng tuyển. Cậu trọ tại cư xá dành
riêng cho nam sinh viên ở Nam Giao nên có nhiều tin nội bộ nóng
bỏng. Cậu trở thành "Mật Vụ Viên" chứ không phải Hồng. Cậu nào thầm yêu trộm nhớ cô nào, cô nào đi chơi tay đôi với
cậu nào, Thu Sầu đều biết.
Ra tới sân, không chờ Thu Sầu lên
tiếng, Hồng vội hỏi:
- Sao? Bộ có tin tức gì quan trọng hả, Thu
Sầu?
- Cho chị một tin
vui đây. Anh Văn lớp B yêu chị đấy.
Anh ấy tài lắm, tài hơn Tào Thực con của Tào Tháo gấp bảy lần. Tào Thực phải mất bảy bước mới xong một bài thơ, còn anh ấy chỉ vấp một cái... đã làm ra được một bài thơ tặng chị nè.
- Cho mày đấy, tao không thèm đâu.
- Thôi mà chị, "chiều mưa đi với em làm tim
anh rạo rực" còn chối làm gì? Chung đường, không biết có chung cây
dù hoặc chung áo mưa hay không?
- Thằng quỷ, mày nói bậy bạ làm tao mang
tai tiếng, tao “dợt” mày bây giờ.
- Trời, chị dữ quá! Vậy mà cũng
có người ngu đút đầu vô yêu. Ai biểu chị đi cặp kè với anh dưới mưa phùn
lất phất, tình ơi là tình, làm tim anh không rụng rời sao được.
Tiếp theo hắn vừa cười cười vừa đọc mấy câu thơ
sau:
"Chiều nay anh đi thơ thẩn,
Màn trời giăng mắc mây mưa,
Lá cây gào trong biển lệ,
Con đường - đây phải đường xưa?"
(Trần Văn)
Xong, Thu
Sầu phê ngay một câu:
- Thơ thất tình của anh ta đó. Tội chưa
tề!
Bữa đó, xe đạp của Hồng bị hư, đang bỏ cho thợ
sửa. Trời mưa, đi một mình trên con đường vắng nàng sợ ma sống,
nên đứng chờ tạnh mưa ở sân trường. Anh Văn tiến tới hỏi:
- Răng Hồng còn đứng đây, chưa
về? Thiên hạ về hết rồi tề.
- Chờ tạnh mưa, đường sá đông đúc, đi về cho đỡ
sợ.
- Hồng ngồi lên xe, tôi đèo về.
Ở Sài Gòn mà anh nói câu này, Hồng ừ liền.
Ở Huế thì chết với miệng thế gian nên Hồng ngần ngừ không trả lời. Anh
biết ý, liền đưa đề nghị khác:
- Hay là như ri, tôi dẫn bộ xe cùng đi với Hồng
một đoạn đường.
Nàng nhìn quanh, sân trường vắng bóng người, ở
lại cũng không tiện nên gật đầu đồng ý. Song hành với anh trên
con đường vắng giống như một cặp tình nhân, Hồng đâm ra thẹn thùng, ngượng ngập,
vừa đi vừa kéo mũ áo mưa xuống che mặt để tránh người quen bắt gặp.
Tưởng không ai biết, bây giờ cậu Thu Sầu này biết là do anh ấy tiết lộ
làm Hồng vừa mắc cỡ vừa nổi giận. Xứ Huế này nhỏ bằng nắm tay,
chuyện nhỏ cỡ cây kim, cả thành phố đều hay biết. Kiểu này thì hỏng bét,
nàng có phải là người yêu của anh ta đâu. Văn tiết lộ như
vậy dù vô tình hay cố ý là anh ta đã lập "hàng rào ấp chiến
lược" để cô lập nàng và giành độc quyền cho anh ta. Hồng
nổi nóng, nghĩ Văn có gian ý và bỗng dưng nhớ câu truyền tụng trong dân gian ở
Huế: "Sơn bất cao, thủy bất thâm,
nam đa trá, nữ đa dâm." Nàng từng đả kích kịch
liệt câu này và cho rằng mấy ông phong thủy nói bậy làm mất đi hình ảnh thơ
mộng của Huế. Bây giờ nàng lại cho là đúng vì anh chàng Văn si tình
"đa trá" dưới mắt nàng. Hồng không thấy cái
tình cảm đậm chất lãng mạn của bài thơ mà chỉ thấy thật
là vô duyên thôi. Thêm nữa, Hồng đã
hứa với mẹ nàng chỉ tập trung học hành, không yêu đương lăng nhăng, và
cũng đã cùng với năm "đồng bọn Nam Kỳ Quốc" móc ngoéo với
nhau nhất định chứng tỏ cho mọi người thấy câu ca dao đầy tự hào của
Huế: "Thừa Thiên đi dễ khó về,
trai đi có vợ gái về có con" là sai nên nàng đe dọa Thu Sầu:
- Đừng nói bậy nghe, chuyện không đâu
mà tiếng dữ đồn xa, mày chết với tao.
- Chị có ngon thì bịt miệng ảnh, biểu đừng
làm thơ nữa và... "anh ơi, đừng làm em ốt dột." Ha ha
ha... Gieo nhân nào gặt quả đó nghe chị...
Nói xong, hắn bỏ đi miệng cười cười trông
phát tức. Hồng vốn là dân ban B (ban Toán) trường Nữ Trung Học Gia Long. Có lẽ do cái gốc ban
Toán, cộng thêm cái "gien" khoa học kỹ thuật của gia đình, cho
nên nàng học không khá về môn văn chương. Cha nàng là giáo sư trường
Kỹ Thuật, các em trai gái của nàng sau này đều theo những môn Khoa
Học làm thầy dạy Toán, Lý, Hóa, duy chỉ mình nàng lạc đường vào văn
chương. Hồng vẫn nhớ mãi vào năm trước, thầy dạy sử Trung Quốc
rất sính thơ Đường, một hôm thử tài đám môn sinh, ra đề mỗi người làm một bài
thơ Đường bằng chữ Hán. Hồng kêu Trời như bộng, thơ lục
bát tiếng Việt nàng làm còn không xong, bảo sao làm được
thơ Đường mà lại bằng chữ Hán!
Sau mấy ngày vắt óc Hồng cũng ráng “nặn” ra
một bài Đường Thi Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt. Nàng không biết thơ mình
có đúng niêm, luật, đối, vần hay không và "hay ho" như thế nào,
chỉ nhớ đời hai câu cuối vì tội làm đạo chích, chôm từ bài
Xuân Tứ nổi tiếng của thi sĩ Lý Bạch bên
Tàu, chỉ đổi hai chữ "minh nguyệt" thành "hỏa
xa" mà thôi. Nàng bị thầy cười hì hì khi đọc lên hai câu đó:
"Cử đầu vọng hỏa xa, đê đầu tư cố hương." Xe lửa
chạy trên trời cho nên phải ngóc cổ mà ngóng trông. Mặc mọi người
cười, Hồng ngụy biện: đây là lời tiên tri cho nền khoa học kỹ thuật nhân
loại mai sau mà Hồng là nhà Tiên Tri đại tài, có thơ văn để
lại làm bằng chứng. Từ đó nàng từ giã mộng làm thi sĩ, văn
sĩ. Bởi thế cho nên, ai "cua" nàng mà làm thơ là nàng bị
“dị ứng” dù rằng thơ có hay cách mấy cũng không tránh khỏi thất bại.
Nghĩ tới đây Hồng tủm tỉm cười một
mình. Ủa, tại sao lại cười? Thích chí bởi có người lụy
tình vì ta hay sao? Đang lòng tự hỏi lòng thì chị Hai réo
gọi ơi ới làm nàng tỉnh giấc... mơ hoa. Chị cằn nhằn:
- Đi đâu mất biệt nãy giờ, không phụ một tay gì
hết. Vào đi. Mọi người đang chờ kìa. Hôm nay có món đặc
biệt. Lát nữa rồi biết.
Hồng ngồi đối diện với anh Hai. Bản
tánh anh nghiêm trang, ít nói, nên tuy các bạn và nàng dò xét mà cũng
không biết thực hư thế nào. Bên trái nàng, Ngọc cũng lặng lẽ, khác
hẳn ngày thường. Bên phải là Ngân Trang nổi tiếng ít lời xưa nay.
Bầu không khí kỳ kỳ là lạ, thật mất vui. Thu Sầu ngồi cuối bàn đang nheo
mắt chọc nàng.
Chị Hai tuyên bố khai mạc, xong đề nghị toàn
thể hát bài Ly Rượu Mừng. Có khi nào chị hát
hò đâu, sao bây giờ nổi hứng bất tử vậy? Thật đúng là
chuyện lạ bốn phương!!! Bài hát không đem lại bầu không khí Tết như ý
muốn vì Hồng đang quạu đeo, mặt khó đăm đăm, Ngọc đang ủ dột vắng nụ
cười. À, cô nàng có lẽ không được thư người hùng Sĩ Quan Đà Lạt chúc Tết
đấy mà. Bà chị Hai hôm nay đang rộn ràng ồn ào, có lẽ
được thư hay quà của anh Cả. Đám nữ Sài Gòn này có chị Hai, anh Hai, cho
nên người yêu của chị được "phong chức" anh Cả. Các
cô tự động coi anh Cả như ông anh rể của mình. Tết nào anh cũng lì
xì tượng trưng một đồng lấy hên cho mấy đứa "em dzợ" hờ tương
lai. Tiệc tùng xong, ban Văn Nghệ Nam Kỳ làm việc. Anh Hai
lên dây, so phím hát bài Tàu Đêm Năm Cũ. Chị Hai khui hộp bánh
ngoại hiệu Biscuit làm tại Pháp. Mùi bánh thơm phức thật hấp dẫn.
Mấy khi được ăn bánh ngoại quốc, Hồng giơ tay toan nhón lấy một cái thì
Ngọc khều nàng nói nhỏ:
- Bánh này không phải của anh Cả đâu, của anh
chàng kỹ sư đang nạp đơn tuyển phu của bà chị mình đó. Tao không ăn để
phản đối bà chị mình đang rắp tâm làm kẻ bội bạc với mối tình sáu bảy năm
dài. Tao ghét kẻ bạc tình lắm.
- Ờ hén, tao cũng không ăn để cho bà chị giựt
mình mà hồi đầu.
Hồng xẵng giọng với chị:
- Không ăn, chị ăn hết một mình đi.
Ngọc tiếp lời
cay đắng:
- Không ăn bánh của kẻ bạc tình.
Chị xụ mặt, đưa hộp bánh về phía khác.
Tiếng nhạc tiếng ca át tiếng nói của hai người nên chẳng ai nghe biết gì
cả. Ngọc cáo lỗi bảo là đang đau bụng, nên vào phòng trùm chăn nghỉ
mệt. Thừa dịp, Hồng theo Ngọc vào phòng để ngầm tẩy chay bà
chị. Ngọc có tật hễ có chuyện gì không vừa ý là vào phòng, nằm trùm mền
kín mít khóc lẻ loi một mình. Nghe tiếng khóc nho nhỏ của bạn, Hồng hoảng
hốt hỏi rối rít:
- Bộ đau bụng dữ lắm hả? Có tiêu
chảy không? Coi chừng đau ruột dư đó. Úy Trời! Ngày Tết Ngày Nhứt bác sĩ, y tá nghỉ ở
nhà ăn Tết gần hết rồi, chỉ còn vài người trực thôi. Xe xích lô cũng
nghỉ ăn Tết, làm sao vô bệnh viện đây? Ngồi xe đạp nổi không? Hay là tao cho anh Hai biết để cõng
mày vô bệnh viện?
Hồng dợm đứng dậy, Ngọc chụp tay nàng kéo
lại, khóc to tiếng hơn làm nàng càng bối rối, hỏi tới tấp:
- Chuyện gì? Đau lắm hả? Đau
chỗ nào? Có đau ở phần bụng bên phải không? Dầu cù là
đâu, tao xoa bụng cho.
Ngọc nức nở:
- Không, không, tao không đau bụng, tao
đau lòng lắm mầy ơi. Anh ấy phản bội tao, bỏ tao rồi, đang
cặp với con bạn tao ở quê nhà. Xa mặt cách lòng, cái thứ bạc tình,
cái thứ vô lương tâm, cái thứ bất nhân, bất nghĩa, cái thứ...
- !!!...
Ngơ ngẩn một hồi Hồng mới bình tĩnh khuyên
một câu thật vô duyên:
- Cái thứ bạc bẽo đó, hơi sức đâu mà thương mà
tiếc. Bỏ cho chó gặm đi.
Để yên cho Ngọc khóc, Hồng ngẫm
nghĩ: đâu phải chỉ con trai Huế đa trá,
con trai Nam Kỳ cũng đa trá, miệng nói yêu người này mà lòng lại kết với
người kia như anh chàng Võ Bị Đà Lạt của Ngọc. Còn bà chị mình nữa, yêu
anh Cả sáu bảy năm trời, gia đình cản trở thì phải cương quyết
tranh đấu cho tới cùng, cũng phải "tam tứ núi cũng trèo, thất bát giang cũng lội, cửu thập đèo
cũng qua" mới phải chứ, sao bây giờ lại kết với anh chàng kỹ sư
nào đó. Anh Cả có biết hay không? Mình có nên báo cho anh
Cả biết không hè? Còn anh chàng Vũ lúc ở Vũng Tàu thì tuần nào cũng đem
mắm về lấy lòng mẹ mình và mình, bây giờ bị mấy cô gái Đà Lạt má đỏ môi hồng hớp hồn rồi nên
cả năm không gởi được một lá thư. Cũng
may Vũ còn nhớ tới nàng nên gởi một Thiệp Xuân với hàng chữ chúc Tết ngắn ngủn
theo thông lệ. Chán ơi là chán! Mình phải trách ảnh keo kiệt chữ viết và
nghèo nàn ý tứ mới được.
Có tiếng gỏ cửa, chị Hai bước vô. Ngọc nín
khóc, quay mặt vô vách nói vói:
- Chị ra ngoài đi. Tôi ghét kẻ bạc tình.
Chị Hai đứng tần ngần một chút rồi đi
ra. Hồng ngồi yên lặng, mặc cho Ngọc khóc trôi gối trôi
mền. Nàng lẩm nhẩm đọc hai câu thơ của anh Văn: "Lá
cây gào trong biển lệ, Con đường... đây phải đưòng xưa" lòng
dâng lên một tình cảm khó tả, vui không ra vui, buồn không ra buồn, một chút
bâng khuâng, một chút hờn giận...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét