Có Vạn Lần Buồn
1.
Hồng nhận được Sự
Vụ Lệnh bổ dụng về dạy học ở một trường trung học tại tỉnh lỵ Châu Đốc,
một tỉnh ở biên giới nhưng tương đối an ninh, giáp ranh với Long
Xuyên, quê nhà của Quang. Hồng vội thông
báo cho Quang, nàng cũng không quên Đông
và Hưng. Hai anh này lúc nào cũng thư từ nhắc nàng đừng quên cho các
anh địa chỉ nếu có thay đổi.
Trước khi lên đường nhận
nhiệm sở, Minh Tuyết tới thăm Hồng và tâm sự:
- Tụi mình bây giờ đã tốt
nghiệp, có công ăn việc làm đàng hoàng vững chắc rồi nên nghĩ thực tế một
chút. Ông anh của mày cứ ầu ơ ví dầu hoài, không đi tới đâu cả, có lẽ tao
đành phải chia tay thôi. Đừng buồn tao nghe.
Hồng biện hộ cho anh Quân
của nàng:
- Anh còn đang thụ huấn ở
quân trường, chưa đâu vào đâu cả, làm sao dám có một lời kết ước với mày.
- Vậy thì khi ra trường về
nước chiến đấu, sẽ có lý do: "Em ơi, tính mạng anh giờ như chỉ mành treo chuông. Cho anh thêm thời
gian nữa vân vân..." Đã sống trong thời chiến, tao chấp nhận tất cả
đau thương, bất hạnh đến với mình. Nay
lý do này mai lý do kia, thôi thì buông cho anh mày tự do... bay.
Nghe bạn tâm sự như vậy, Hồng chợt nhớ
đến chị Hai, thầm nói với chị: Chị
Hai ơi, ba cánh bướm này cứ chờn vờn loanh quanh em. Em có nên buông
tay mà ngồi đó ngắm bướm bay xa không? Nếu em buông mà bướm cứ lượn
quanh thì làm sao đây hở chị? Xin chị “gở rối tơ lòng” giúp em
nghen. Nghe nói nhiệm sở của anh Hai Đức cũng xa cách trùng trùng với nhiệm sở
của chị, có duyên nợ gì với chị không đây?
Hồng sắm sửa hành trang lên đường, bước vào thế giới tuy mới mà cũ - thế giới học đường - chỉ đổi vị thế mà thôi. Nhờ người quen giới thiệu, nàng trọ tại nhà của một gia đình nhà giáo đối diện trường. Nơi đây đã có một cô dạy Việt Văn tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn đến trước. Cô giáo này lớn hơn nàng vài tuổi nên nàng lại có một bà chị Hai mới. Ngày trình diện Hiệu Trưởng, Hồng diện chiếc áo lụa màu xanh da trời, cất áo lụa trắng vì sợ mọi người lầm mình là học trò, thêm chút phấn chút son lên má, lên môi để tạo dáng người lớn. Đứng ngắm mình trong gương nàng thấy mình cũng ra vẻ cô giáo lắm. Nàng cố ý đến trường vào giờ học để đừng bị chìm trong đám học sinh. Đến cổng nàng bỗng dưng hồi hộp, đứng ngoài dăm phút để hít thở sâu, lấy lại bình tĩnh, rồi sửa dáng yểu điệu bước vào. Một vài mái đầu đen từ một số lớp học nhìn ra làm nàng khớp và cảm thấy sân trường rộng chi lạ! Ông Hiệu Trưởng và Ông Giám Học -phải gọi là anh mới đúng vì còn trẻ- đón tiếp nàng niềm nở. Sau thủ tục trình diện là màn chuyện trò thân mật. Anh Giám Học nói:
- Cô Hồng này, tên cô như tên con
trai, chúng tôi tưởng cô là Ông Đồ Nho làm nhiều người buồn lắm
đó. Còn một cô Văn Khoa sắp tới trường ta nữa. Thế là năm nay
trường ta được bốn cô giáo độc thân: một Lý Hóa, ba Việt Văn.
- Sao lại buồn?
- Ông Đồ Nho thì buồn chứ sao. Nếu
biết là Cô Đồ lẽ dĩ nhiên là vui rồi. Trường cô học có tên lạ quá. Chúng tôi mới nghe lần đầu.
Thế là Hồng có dịp kể về ngôi trường của mình và
mộng Tùy Viên Sứ Quán không thành. Bầu không khí vui vẻ đem đến cho Hồng tự tin và
nàng nghĩ rằng mình sẽ nhiệt tâm trong nghề
nghiệp.
Một tuần sau Phương, cô
giáo mới gốc Văn Khoa, trình diện và được giới thiệu ở trọ chung với
Hồng. Phương vóc dáng và tuổi tác tầm tầm ngang Hồng, được chị
chủ nhà sắp xếp ngủ chung bộ ván gỗ cùng nàng. Thế là nàng có
người bạn mới thế chỗ cho Minh Tuyết. Phương có mái tóc dài óng ả, giọng
nói ngọt ngào, không đến nỗi làm "xiêu thành đổ" nước nhưng cũng
thừa sức làm xiêu lòng một vài thầy trẻ. Hai cô giáo trẻ, nhỏ tuổi nhất
trường năm đó là Phương và Hồng, không lớn hơn học trò mình
đứng lớp bao nhiêu. Ở quê có những cậu khai sụt vài ba tuổi, đi học chung
với trò nhỏ, mang mặc cảm, ngồi lặng lẽ cuối lớp trông tội nghiệp làm
sao! Mấy cậu nhỏ nghịch ngợm ngồi bàn đầu thường khi tiết lộ: “Thưa cô, anh A… anh B... có vợ
rồi đó, cô." Hồng phải tảng lờ giả bộ coi như mấy
lời nói chơi không thật. Khi vào lớp nàng thường lập
nghiêm, vì sợ học trò lờn mặt vào lớp để giỡn hơn học. Tuy nhiên, lúc về
nhà nàng vẫn còn tính ham vui của tuổi trẻ. Cô và trò lại có dịp tổ chức
cắm trại, thăm viếng lăng tẩm, chùa chiền với nhau. Một hôm Phương và
Hồng đang chuẩn bị thức ăn nước uống để mang theo cắm trại ở núi Sam, thầy Kim dạy
Việt Văn bước vào lỉnh kỉnh trái cây trên tay, xin gặp Phương.
Phương ra tiếp khách, vài giây sau nói vói vào nhà sau cho Hồng:
- Hồng ơi, có anh Kim xin tháp tùng bọn
mình cắm trại nè.
- Tốt quá, càng đông càng vui.
Thế là từ đó, mỗi lần hai cô đi cắm trại với học
trò là có thầy Kim tham gia. Cô Tuyết có
thế giới riêng của mình nên ít đi chơi chung. Thầy Kim lớn hơn hai cô cả
chục tuổi nên được coi như một người anh lớn của hai nàng.
Một hôm cô Tuyết, người cùng trọ chung nhà, nói với Phương:
- Này, tôi coi bộ anh Kim mết Phương rồi
đó. Cẩn thận đấy. Anh ta có gia đình, và nghe đâu có đứa con gái
năm sáu tuổi chi đó.
Phương cười đáp:
- Cám ơn chị. Em biết, anh Kim có kể với
em về vợ con của ảnh rồi. Anh đang lo thủ tục li dị. Nhưng anh ấy
đâu phải là mẫu người lý tưởng của em. Mẫu người của em phải là người
hùng đẹp trai. Anh Kim "nhan sắc" dưới trung bình không hạp
nhãn em, vả lại người cùng nghề, em không thích. Đi đâu em cũng phải
dẫn Hồng "cận vệ kiêm cố vấn" của em theo kè kè để làm
kỳ đà cản mũi đây nè.
Hồng nghe tâm sự của Phương và
nghĩ tới anh họ Quân của mình, người hùng đẹp trai sắp về nước, rồi nàng than thầm: Ôi chao! Chúng
ta ở tận vùng ven biên như thế này coi bộ khó có duyên "tương
ngộ" dữ à. Làm sao mình làm mai Phương cho anh mình
được! Anh Quân sắp về nước có nghĩa là anh Đông cũng sắp về.
Làm sao mà gặp nhau đây!
Đông và Hồng chỉ gặp một lần duy nhất lúc ở
Nha Trang rồi sau đó chỉ "gặp" nhau qua những cánh thư màu... trắng
đã hơn hai năm rồi. Thời gian đi nhanh thật! Còn Hưng, mấy tháng
nay Hồng không được thư
anh, nàng nghĩ có lẽ anh
thấy nàng viết thư quên bỏ thêm “muối” nên kém mặn
mà do đó anh buông tay, hoặc biết đâu anh đã có người khác đem đến
niềm vui cho anh rồi. Nếu vậy thì cũng là một điều đáng mừng cho Hồng:
một "cánh bướm" đã bỏ cuộc, bay qua vườn nhà khác.
Vì yêu một người phi công
nên Hồng yêu luôn tác phẩm Đời Phi Công của tác giả Không Quân Toàn Phong
Nguyễn Xuân Vinh. Nàng đem tác phẩm này trích giảng một vài đoạn
trong giờ Kim Văn của các lớp nhỏ. Khi Hồng kể cho Quang nghe, anh
bảo: "Thực tế cuộc đời của người
phi công thời chiến không lãng mạn như trong sách đâu. Em đừng làm cho
học trò của em vỡ mộng." Và nàng đã hồn nhiên trả lời anh rằng “Vỡ
mộng là chuyện của học trò em, còn ôm mộng là việc của
em." Tuy nói cứng vậy nhưng nàng cũng giảm bớt những đoạn văn
trích trong tác phẩm ấy. Một hôm vào giờ ra chơi, vài ba học trò bước
theo trò chuyện cùng nàng. Điền,
một trong những em học sinh chững chạc trong lớp, đánh bạo hỏi:
- Cô ơi, có phải
người yêu của cô là phi công?
Ngập ngừng trong giây
lát... Hồng mới trả lời:
- Cô cũng muốn lắm chứ
nhưng e rằng không được.
- Em cũng thích trở thành
phi công. Khi đủ tuổi, đủ điều kiện em sẽ vào Không Quân.
- Vậy thì cố gắng học
cho giỏi. Chúc em đạt thành tâm nguyện.
Đúng vào lúc đó anh Giám
Học đến bên nói:
- Cô Hồng này, cô có muốn
về phép Sài Gòn vài ngày không?
- Muốn thì cũng muốn lắm,
nhưng về cũng không biết làm gì?
Anh dọ chừng:
- Thì đi ăn, đi chơi,
đi xi nê, đi Vũng Tàu tắm biển với người yêu. Thiếu gì chuyện vui!
Nhớ tới Quang và Hưng đang
đối mặt với tử thần hằng ngày ở tuyến đầu khói lửa, Đông đang còn tít mù tận trời Tây, Hồng
chán nản trả lời:
- Không có ai chờ
ai đợi tôi ở Sài Gòn cả, anh à! Tôi
cũng đâu có lý do chính đáng để được nghỉ phép. Nghỉ mấy ngày, bài vở của
học trò tôi bị khiếm khuyết, dạy bù mệt lắm và mất thì giờ của cả thầy lẫn trò.
- Cô đừng lo, có anh Luận
sẵn sàng dạy thế cho cô mấy ngày cũng được, không tính công đâu.
Qua ánh mắt và cử chỉ của
Luận, một bạn đồng nghiệp, Hồng nhận ra anh ta có cảm tình đặc
biệt với nàng. Nhưng tim nàng đã hướng về "cánh bướm" đang bay lượn đùa giỡn với
tử thần ở Đà Nẵng.
- Ủa, nảy giờ tôi quên hỏi lý do anh bảo tôi lấy
mấy ngày phép về Sài Gòn. Hiệu Trưởng cấp phép hay ông ấy bận họp hành
đâu đó, anh xử lý thường vụ nên đặc ân cho tôi nghỉ phép vậy?
Anh Giám Học cười ra vẻ bí
mật:
- Nếu cô muốn thì Hiệu
Trưởng phải cấp phép cho cô thôi. Yên chí!
- Anh đừng đùa, tôi làm gì
mà oai dữ vậy?
Anh Giám Học cười cười ra
chiều bí mật và bảo nàng theo anh vào Văn Phòng Hiệu Trưởng
thì ắt biết.
Hồng bước theo anh
ta. Sau khi nàng an tọa, anh Hiệu Trưởng cất lời:
- Chúc mừng
cô Chuẩn Úy tương lai của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Hồng mở tròn mắt ngạc
nhiên, nhìn hết anh Hiệu Trưởng tới anh Giám Học. Một lúc sau, anh Hiệu
Trưởng mới rút trong hộc bàn một tờ giấy đưa nàng đọc.
- Đây, lệnh nhập ngũ của
cô.
Anh Giám Học cười nói:
- Chúng tôi nghĩ chỉ có
mình tưởng lầm cô là một nam nhân, ai dè Nha Động Viên cũng lầm
luôn. Thôi, đề nghị cô đổi tên đi.
Tên Trần Phi Hồng của cô giống tên đàn ông quá. Bây giờ nếu cô cầm tờ
Sự Vụ Lệnh này về Sài Gòn khiếu nại thì được nghỉ vài ngày đó.
Nhớ tới bức thư vừa rồi của
Quang hẹn rằng: "Anh có một chuyện
rất quan trọng muốn nói với em" nên Hồng không muốn về Sài gòn.
Nàng đang chờ bức thư quan trọng đó, bức thư mà nàng dệt không biết bao nhiêu mộng
đẹp hằng đêm. Nàng đáp:
- Mất công lắm, trong khi
đó học trò tôi sẽ mất bài mất vở. Tôi nghĩ các anh viết công văn trả lời,
xác định tôi là nữ thì được rồi.
- Cô đừng lo, chúng tôi chỉ muốn đùa với cô
một chút thôi.
Vào đầu niên khóa, Hồng
thường đem tên mình ra giới thiệu với học trò của mỗi lớp đồng thời giải nghĩa
chữ "hồng." Đây là chim Hồng, không phải hoa hồng, cũng không
phải màu hồng. "Cánh hồng bay
bổng tuyệt vời" là ý nghĩa tên nàng, do người thầy dạy Sử Trung Quốc,
người ra đề cho lớp nàng làm thơ Đường bằng chữ Hán đầu tiên
trong đời, đã chọn cho nàng. Nàng yêu ý nghĩa
này. Chim hồng là chim trống, chim nhạn mới là chim mái. Có lẽ
vì vậy mà Trời xui Đất khiến nàng có những hai lần được lệnh gọi nhập ngũ.
2.
Hôm ấy tan trường, Hồng
về nhà ngay và nhận được thư của Quang. Nàng vô cùng hồi hộp, tay toát mồ hôi, run
run mở thư mà lòng mừng khấp khởi. Tuy
nhiên, đó không phải phải lá thư nàng mong đợi. Quang báo cho nàng biết
anh bị thương, đồng thời trấn an nàng là anh đã bình phục và được
nghỉ phép năm mười ngày. Vì vậy anh sẽ về thăm cha mẹ ở Long Xuyên,
một tỉnh lân cận nhiệm sở của nàng.
Hồng cảm thấy như tim
mình bị một con dao nhọn đâm xuyên qua. Ngày ngày súng đạn bủa vây anh,
tính mạng anh quá mong manh. Nàng thầm nói: đi, mình phải đi thăm
anh ngay. Trong những lá thư trước, có lần Quang kể nhà cha
mẹ anh ở Long Xuyên. Ngôi nhà mái ngói đỏ, cách thị xã khoảng hơn một cây số, ven đường
liên tỉnh lộ Long Xuyên - Châu Đốc, xe đò chạy ngang hằng ngày. Nhà bên
phải
trong vườn cây ăn trái trước khi đến ngã ba đi Núi Sập, có đèn Bốn Ngọn. Vậy là mình có thể tìm được nhưng mình đâu có
ai quen ở bên đó để tá túc, còn ở khách sạn thì ngại vô cùng.
Phương rất tinh tế. Nàng thấy Hồng ủ rũ nên vội hỏi:
- Có chuyện gì không
vui hả, Hồng?
- Ừ... Mình muốn
đi Long Xuyên hai ngày để thăm anh Quang.
Đi một mình nên sợ vì bên đó mình không có nhà ai quen để ngụ lại một
đêm.
Phương mỉm cười, hăng
hái nói:
- Tưởng gì chứ bên đó mình
có nhà bà con ở ngay tại thành phố. Đi thăm “người ta” phải
không? Mình có thể đi với Hồng nếu Hồng
không ngại mình làm kỳ đà cản mũi. Yên chí! Phương này
là người lịch sự có thừa, biết lúc nào cần phải lặn thì lặn, lúc nào
trồi thì trồi.
Thế là sáng sớm thứ bảy
tuần đó, Hồng cùng Phương lên xe đò đi Long Xuyên. Ngồi trên xe lòng Hồng nóng như lửa đốt, thêu
dệt biết bao câu hỏi trong đầu. Quang
không cho nàng biết vết thương như thế nào, anh bị cụt chân? cụt tay? mù
mắt? phỏng mặt? sứt môi? trụi tóc?... Hình ảnh nào cũng làm lòng nàng như bị
ai xát muối. Yêu người lính
chiến, nàng tự nhủ thầm mình sẵn sàng chấp nhận bất cứ hoàn cảnh nào,
dù xấu đến đâu. Vì đất nước, người yêu
của mình hi sinh một phần thân thể thì mình cũng phải hi sinh gánh chung với
anh cho trọn tình.
Phương
kêu xe ngừng lại và đập nhẹ vào vai Hồng, kéo nàng trở về thực tại.
- Này Hồng, Đèn Bốn Ngọn phía trước kìa, ngôi
nhà ngói đỏ bên phải đó.
Hai cô đến trước nhà, thấy
cửa khoá trái, hai bên cạnh không có nhà hàng xóm. Đang đứng xớ rớ nhìn quanh, không biết hỏi
thăm ai, chợt thấy một thanh niên đi tới, Hồng đánh bạo hỏi:
- Chào anh, xin anh làm ơn cho biết, ở đây nhà nào là nhà của
gia đình Trung Úy Phi Công Bùi Thanh
Quang vậy anh?
Anh chàng này nhìn hai cô một chập rồi
cười hóm hỉnh đáp:
- Ở đây không có ai là
trung úy phi công. Chắc các cô bị cho leo cây rồi. Thôi về đi.
Câu nói nghe sao quá phũ
phàng! Thật là xấu hổ, cọc đi tìm trâu
bị người ta cười! May mà anh chàng này không biết hai nàng là
cô giáo của một trường trung học lớn ở tỉnh lỵ kế bên, nếu biết thì
còn "quê" đến cỡ nào. Hồng liếc nhìn Phương xem phản ứng nhưng
thấy cô bạn của mình tỉnh bơ, không đỏ mặt, không khó chịu chút nào. An
tâm, Hồng đề nghị hai người kêu một chiếc xe lôi đi đến khu thương mại Long
Xuyên để tìm kiếm, hi vọng Quang đang dùng điểm tâm hay "cà-phê,
cà pháo" hoặc đang "đi loanh
quanh cho đời thôi mỏi mệt" ở khu này.
Hồng và Phương đi loanh
quanh khu thương mại hết mấy tiếng đồng hồ và mỏi mệt thật sự.
Hai cô theo mốt thời đại, mang guốc gót nhọn cao cả tấc nên mỏi chân, mỏi
lưng, mệt tấm thân "liễu yếu đào tơ"... là chuyện bình thường, đàng này còn bị phồng
chân mới khổ thân chứ. Mỗi bước đi là một bước cà nhắc dưới cái nắng đổ
lửa của Miền Nam hai mùa mưa nắng! Không lẽ giữa đường giữa chợ đông
người ở Hậu Bán Thế Kỷ 20 mà có hai cô Lý Toét mặc áo dài tha thướt,
đi chân đất, guốc cầm nơi tay? Hồng tội nghiệp cho thân mình một,
thương bạn gấp hai. Hôm nay bạn của nàng bị "lạc đạn" vì người
bạn đang ôm mối tình si và câm này. Hồng càng cảm mến và thương
Phương hơn nữa ở chỗ bạn cứ lẳng lặng đi bên cạnh, không có một lời than van
hay bàn thối lui, cũng không tò mò hỏi chuyện thầm kín khó nói ra lời của nàng.
Đến trưa, Hồng nhắm Quang có lẽ đã về nhà nghỉ ngơi, liền tìm xe lôi
quay lại căn nhà ngói đỏ. Thật là
buồn! Vẫn không gặp được anh nhưng may thay Hồng đã tìm đúng nhà, gặp
được cha của Quang. Ông kín đáo nhìn Hồng rồi nhìn Phương.
Hồng nghĩ thầm, thế nào ông cụ cũng lẩm bẩm: "Cái thằng thiệt là đào hoa! Về mới có mấy ngày mà đã có đến hai cô tới
tận nhà kiếm nó rồi!" Hồng cũng cảm thấy “quê cơ” với sự việc
"cột đi tìm trâu" này, nhưng mặc kệ, nàng đang sốt ruột vì Quang
bị thương. Nàng không dám hé môi hỏi ông cụ về thương tích của
anh, để rồi cứ phập phồng lo lắng, không biết anh đang vui vẻ với bạn bè
hay đang bi phẫn vì thương tật của mình mà nằm rũ một nơi
nào đó để hận đời? Hồng để lại lời nhắn và địa chỉ người quen ở khu thương mại, rồi cùng bạn ra
về.
Có lẽ còn có chút duyên nợ
nên Trời xui khiến chiều hôm đó Quang về nhà sớm, nhận tin nhắn, và tìm gặp
nàng, không đi "lang bạt kỳ hồ" hai ba ngày. Nếu không thì... "vô duyên đối diện bất tương
phùng," công nàng trở thành công cốc. Phải chi thời ấy có điện thoại cầm tay hay email thì khoẻ biết bao! Phương thật tế nhị, cô nàng ở nhà
để Hồng đi chơi với anh.
Hồng không biết nói sao cho
hết sự mừng vui của nàng khi gặp lại Quang.
Nàng kín đáo quan sát "dung nhan" của anh, xem có gì khiếm
khuyết không. Không sao, lành lặn. Đêm
ấy, giữa hai người vẫn còn một khoảng cách mà sau này nàng mới
biết đó là một nghiệt ngã của số mệnh con người trong thời chiến loạn.
Sau bữa ăn chiều, cả hai vào quán Gió nghe nhạc. Được một lúc, dường như Quang không thích
lắm nên anh dẫn nàng tới công viên cạnh bờ sông ngồi hóng mát. Nơi
đây nhiều lúc Hồng muốn hỏi trong lá thư trước Quang định nói gì với
nàng, bây giờ hãy nói đi, nhưng nàng ngại miệng, lại thêm mắc cỡ nên không
hỏi. Nàng vẫn chờ anh mở lời trước như phần đông phụ nữ thời đó.
Anh trầm lặng, hình như có chuyện gì không vui, ngập ngừng một lúc thật lâu, mới
nắm lấy bàn tay Hồng siết nhẹ rồi nói:
- Anh định sáng mai
Chúa Nhật đi Châu Đốc thăm em và cho em biết một tin quan trọng nhưng
em đã đi trước anh một bước. Cám ơn em. Hứa với anh
rằng em sẽ không khóc anh mới cho em biết tin...
Hồng lo lắng hồi hộp, mở
to mắt nhìn anh chờ đợi. Bên ngoài anh trông lành lặn, phải chăng
bên trong nội tạng anh có bị tổn thương? Nàng gật đầu và khe khẻ
đáp:
- Có anh bên cạnh, không
chuyện gì làm em khóc được, ngoài chuyện của anh...
Quang đặt vào tay Hồng một
gói nhỏ và nói nhanh, dường như nếu không nhanh thì anh không còn can đảm để
nói ra.
- Hưng tử trận rồi em
à. Máy bay nó bị bắn cháy, xác nó cháy đen thui, rơi tung tóe, gom lại
được một bọc. Nó yêu em. Đây là quyển nhật ký của nó đầy hình bóng
của em và mấy bức thư của em. Em giữ lấy
làm kỷ niệm.
Hồng bàng hoàng, nàng run
run cầm lấy gói thư, cố gắng không khóc nhưng sao lệ cứ ướt mi. Nàng
ân hận vì mấy tháng nay vắng thư Hưng, nàng khấp khởi mừng thầm, tưởng anh
tìm được đóa hoa khác đẹp hơn, thanh lịch hơn nên đã quay lưng với
nàng. Hình ảnh cặp mắt "chiếu tướng" của Hưng nhìn nàng trên
chuyến bay ngày xưa hiện về cùng với hình ảnh những ngày vui vẻ chung nhóm với
nhau ở Đà Nẵng chập chờn trong đầu càng làm tăng nỗi ân hận nơi Hồng. Chờ
cho cơn xúc động của nàng dịu xuống, Quang mới quàng vai
nàng, lay nhẹ khuyên:
- Đã hứa với anh không
khóc mà lại rơm rớm nước mắt kìa. Đời trai thời chiến là như vậy đó,
em à.
- Sao anh không cho em biết
ngay?
- Anh cũng như em, cần thời
gian để tâm tư lắng xuống.
Chợt nhớ tới tình
trạng của Quang, nàng hấp tấp hỏi:
- Còn anh... anh nói
thật cho em biết đi. Thương tích anh như
thế nào?
- Không sao.
Anh bị thương nơi chân, không trúng xương, không trúng gân. Em đừng lo
cho anh.
- Không lo sao được!
Tính mạng người trai thời chiến mong manh quá. Phúc đức dày bao nhiêu mới
đủ, may mắn lớn thế nào mới vừa, để che chắn cho anh khỏi lằn tên mũi đạn vây
bọc hằng ngày, hằng giờ?!
Nói tới đó, tim nàng đau
quặn thắt. Nàng nghẹn ngào gục vào vai anh thút thít.
Quang ngồi bên lặng lẽ vuốt tóc... Chập sau, anh dịu dàng an
ủi:
- Sao em mít ướt quá! Thầy bói nói mạng anh lớn lắm, bị thương
không chết, anh sẽ trường thọ. Nhất định
là anh sẽ không sao mà... Thôi, tối rồi, mình đi về, em!
Quang dìu Hồng đứng
dậy, anh chợt ôm lấy nàng, đặt một nụ hôn say đắm. Hồng run rẩy trong vòng tay của anh,
trao cho anh nụ hôn đầu đời của nàng nơi bờ sông thơ mộng quê nhà
anh. Anh thầm thì bên tai nàng:
- Anh sẽ viết thư bàn với
em một chuyện quan trọng...
Hồng sung sướng vùi đầu vào
ngực Quang. Đủ rồi, đủ rồi, anh ơi. Một nụ hôn bằng cả ngàn lời nói. Nàng ôm chặt
anh để nghe từng nhịp đập rộn ràng của trái tim mình, cảm nhận
từng hơi thở đang bủa vây nàng, sự rung động của da thịt mình dưới
bàn tay chàng đang ve vuốt mái tóc, bờ vai mà ngất ngây
mê đắm... Nhưng rồi, Quang nhẹ nhàng đưa
nàng qua cơn mê. Trên đường trở lại nhà người quen, Hồng nắm chặt tay anh
lặng lẽ đi, thầm mong thời gian ngừng trôi, để đừng bao giờ có chia ly.
Nàng cay đắng nhận lấy một hạnh phúc bấp bênh, đầy đe dọa bởi chiến tranh…
3.
Phương đứng nơi đầu bàn, chung
quanh có hai người bạn đồng nghiệp cùng trọ một nhà là Tuyết, Hồng,
và gia đình anh chị chủ nhà. Trên bàn có đĩa gỏi bắp
cải trắng trộn cà rốt vàng cam, được trang trí màu xanh của rau, màu đỏ của ớt, màu vàng của
đậu phộng trông thật hấp dẫn, thêm đĩa chả giò thơm phức cùng
bún, rau rất bắt mắt, và tô bánh canh đang bốc khói. Phương
đang tuyên bố hôm nay sinh nhật
của mình xin mời mọi người nâng ly... nước ngọt thì thầy Kim bước vào
với bó hoa hồng và một hộp nhỏ gói giấy hồng, nơ đỏ. Nét
mặt Phương đang tươi bỗng xụ xuống.
Người khách không mời mà tới. Chị chủ nhà lăng xăng kéo
ghế và lấy thêm chén đủa. Thầy
Kim trao cho Phương bó hoa và gói quà. Sau giây phút bất ngờ không như ý,
Phương lấy lại bình tĩnh, không niềm nở cũng không lạnh nhạt, nàng cám ơn đoạn
mở quà. Đó là một sợi dây chuyền với viên ngọc trai sáng lấp lánh.
Nét mặt Phương thoáng nét bất mãn, nàng đặt hoa và quà vào một góc tủ,
không nói một lời nào. Buổi tiệc diễn ra tốt đẹp, vui vẻ. Tiệc
tàn, khi thầy Kim chào ra về Phương nói với thầy:
- Xin cảm ơn món quà
sinh nhật của anh. Phương không dám và
không thích nhận món quà đắt giá này, chỉ xin nhận đóa hoa, còn món trang
sức cho phép được hoàn lại.
Thầy Kim nhất định không
nhận lại sợi dây chuyền, Phương cương quyết trả. Cuối cùng không ai
ngờ thầy nói:
- Em không nhận thì liệng
xuống sông đi!
Thường ngày, Phương rất tế
nhị trong việc xã giao. Hôm nay, có lẽ
vì thầy Kim nói hơi quá đáng nên nàng cầm sợi dây chuyền đi thẳng ra nhà
sau. Nơi trọ là một ngôi nhà sàn, phía
sau doi trên bờ con rạch nhỏ. Thấy tình hình căng thẳng, Hồng vội
chạy theo cản bạn và “cố vấn”:
- Bỏ chi uổng vậy. Cứ
nhận đi.
Xong, Hồng nói nhỏ vào
tai Phương một "chiêu" để giải quyết vấn đề. Cô nàng quay
lại, nhẹ nhàng nói với thầy Kim:
- Quà anh tặng cho em,
nếu em nhận thì thành của em, em sử dụng cách nào, đó là quyền của em,
phải không?
Thầy Kim sơ ý nên gật
đầu. Phương gọi con gái của anh chị chủ nhà:
- Bé Châu ơi, đến đây, cô
cho con sợi dây chuyền này.
Vừa nói Phương vừa đeo sợi
dây chuyền vào cổ cho con bé. Bé Châu sung sướng, lí nhí câu cám ơn
Phương trong khi thầy Kim giận đỏ mặt nhưng không nói được lời nào, đành ra về
không vui. Thầy Kim đeo đuổi Phương quá kỹ, cả trường ai cũng biết, làm
những người khác có cảm tình với Phương, trong số có thầy Hùng dạy Pháp Văn,
đành chùn bước. Phương rất bực mình, tỏ thái độ lạnh nhạt mà
vẫn không có hiệu quả. Phương hi vọng sự việc xảy ra hôm nay làm
thầy tỉnh ngộ.
Vậy mà sau đó vài ngày, vào
khoảng chín giờ tối, có một đứa bé gõ cửa xin gặp cô Phương, báo tin thầy
Kim bệnh, ói mữa nhiều lần, mời cô Phương đến nhà cạo gió
giùm. Nhìn ra ngoài, trời tối thui, đèn đường mù mờ, nhà nhà lên
đèn, mọi người đã rúc vào nhà, đường phố vắng vẻ, Hồng thấy ngại cho
Phương, điệu này một cô gái đi ban đêm đã nguy hiểm, lại tới nhà của
một thầy độc thân, học trò hay phụ huynh biết được thì mất hết danh
dự. Hồng vừa thấy tội nghiệp cho Phương vừa nhớ tới cái tình của bạn
ngày nào cùng đi Long Xuyên với mình nên
bảo bạn:
- Nếu Phương
chịu đi thì mình sẽ đi với Phương.
- Không! Mình
không đi đâu hết!
Nói xong, Phương vào phòng
định ngủ nhưng anh chủ nhà lại nói vói
theo:
- Cô Phương à, sinh mạng
của một người đấy. Chịu khó một chút đi, cứu người mà cô. Tôi sẽ đi với hai cô.
Nghe anh chủ nhà hứa đi
theo, có đông người, có nhân chứng, Phương mới chịu đi. Tới nơi, Phương
cạo gió qua quýt, xong cả ba ra về. Trên đường về, Phương cằn nhằn:
- Bệnh gì mà bệnh.
Hôi rượu thấy mồ. Trời ơi, già mà nhỏng nhẽo, tính chơi chiêu này lại
bị Hồng và anh Tư chủ nhà làm kỳ đà, còn giở trò gì được.
Hồng bật cười, góp ý:
- Già gì mà già, mới ba
mươi mấy thôi mà, còn trẻ chán! À... sao
tụi mình "thông minh mà chậm hiểu" quá vậy? Sao không gọi một chiếc
xe lôi bảo chở vô nhà thương cấp cứu cho anh chàng quê một cục chơi?
Phương
hưởng ứng:
- Ừ nhỉ, anh chàng mà
còn tái diễn trò này thì mình chở vào nhà thương cấp cứu cho tởn tới già!
Hồng đùa thêm:
- Thầy giáo cua gái cũng
giở lắm trò!!!
4.
Hồng vào phòng soạn
quần áo chuẩn bị tuần tới về nhà ăn Tết với gia đình. Lá thư của Đông rơi
ra từ quyển tự điển. Anh cho biết đã mãn khóa huấn luyện và sẽ về
nước vào đầu năm dương lịch.
"Anh chưa biết anh ở đơn vị nào, nhưng anh hứa sẽ tìm mọi cách để
thăm em." Anh
khẳng định như vậy trong thư. Hồng thắc mắc làm cách nào
anh thăm trong khi chiến trường khắp bốn vùng chiến thuật như dầu sôi
lửa đỏ? Quang vừa mới cho nàng biết Sang, một người bạn thân
trong bộ ba của anh vừa tử trận, bỏ lại người vợ quá trẻ và đứa con còn
nằm ngữa. Thế là hai người bạn thân của Quang đã hi sinh vì Tổ Quốc, chỉ
còn mình anh. Hồng nhớ tới Sang, dáng người anh cao ráo
trắng trẻo, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu. Trong lúc trò truyện, anh rất vui
vẻ, dùng những tiếng lóng dí dỏm và mang tính đặc trưng của từng địa
phương làm Hồng nhớ mãi. Tiếng
lóng “Mắm Lóc” để chỉ các cô Miền Nam và “Mắm Ruốc” cho các cô Miền
Trung, Hồng được nghe anh nói lần đầu lúc ở Phi Trường Quân Sự Đà
Nẵng. Nàng đã thích thú với sự ví von ngộ nghĩnh đó liền bắt chước và sử
dụng chúng trong câu chuyện với nhau giữa bạn bè. Tướng anh phúc hậu mà sao anh yểu mạng!
Tin buồn này làm Hồng mất ngủ hết mấy đêm. Nàng lo sợ cho Quang.
Anh viết thư báo tin cho nàng với một lối viết bình tĩnh lạ
thường. Đó mới là điều đáng ngại. Nàng ngồi thừ người.
Một anh Quang câm nín khó hiểu, một anh Đông hăm hở nhiệt tình.
Thấy Hồng thẫn thờ, Phương
hỏi:
- Có chuyện gì không?
Hồng kể sơ chuyện khó xử của nàng,
Phương góp ý:
- Hãy để trái tim chọn.
- Trái tim mình chọn rồi, nhưng người ta không
chọn mình thì làm sao? Người ta cứ lửng lơ như con cá vàng mình làm
gì bây giờ?
Phương đùa:
- Thì bạn đem cá ra chiên dòn.
- Trời ơi, mình rầu thúi ruột
mà Phương cứ giỡn hoài.
- Từ từ, chuyện đâu còn có đó, đừng
gấp. Hồng còn trẻ mà, lo gì. Dây tơ hồng của Nguyệt Lão xe ai
thì chạy trời cũng không thoát.
- Ôi chao! Phương nói chuyện như
cổ tích vậy. Hậu Bán Thế Kỷ Thứ Hai Mươi rồi bạn
ơi. Phương đừng nói với mình là sợi dây tơ hồng xe bạn
với “ông già Kim xí trai” đó nghen.
- Nhắc tới anh Kim, mình mới nhớ, anh ta
đòi cùng đi về Sài Gòn một lượt với chúng mình đó. Mình từ chối khéo rồi. Đừng
lo. Kỳ này về Sài Gòn, hai đứa mình đi dạo quanh các cửa hàng tìm
mỗi đứa một chiếc áo dài thật đẹp nghe.
Nghe bạn
đề nghị, Hồng hưởng ứng đáp:
- Đồng ý. Mình dở chuyện ăn mặc lắm,
cứ mấy cái áo lụa mặc hoài, mỗi lần mặc phải ủi, cực quá đi. Mình sẽ mua
vài cái áo "xoa" để khỏi ủi.
- Đừng chê áo lụa trắng nghe bạn. Nhờ nó
mà bạn lọt mắt xanh của chàng áo liền quần đó.
Hồng biện hộ:
- Ngày xưa mình là học trò, bây
giờ là cô giáo, cho cô giáo xanh xanh, đỏ đỏ một chút chứ.
- Về Sài Gòn đi, rồi xanh đỏ tím vàng, hoa lá
cành có đủ cả, mặc sức mà chọn. Mặc vào
cho các chàng lé mắt.
- Được rồi, bọn mình sẽ gặp nhau tám giờ
sáng tại bến xe buýt Sài Gòn ngày 25 tháng Chạp. Đi tới chiều luôn, chịu
không, Phương?
Phương hăng hái đáp:
- Đồng ý, "nhất ngôn ký xuất Tứ mã
nan truy."
Hồng cười trêu bạn:
- Có người bắt chước mình xài
chữ nho. Ha ha ha...
Ngày về Sài Gòn nghỉ lễ Tết, hai cô thức sớm đi
chuyến xe đầu tiên. Tới bến xe đã thấy thầy Kim đứng chờ, đưa ra ba vé
xe. Thầy hào phóng, mua luôn cho "em gái kỳ đà" này một
vé. Hồng thầm réo trong đầu: Thầy Hùng ơi, thầy có nhiều ưu điểm hơn thầy
Kim mà sao thầy chùn chân? Cứ tiến lên cạnh tranh công bằng, xem ai
chiến thắng. Thầy học trường Tây mà hành xử kiểu quân tử Tàu, coi bộ
không êm rồi đây. Anh Quang của tôi có lẽ cũng giống
thầy: vì người bạn thân mà chần chừ. Nhưng bây giờ anh Hưng đã
hoàn tất bổn phận của người trai thời loạn với Tổ Quốc và từ giã trần thế rồi,
vì sao chỉ một cái thư như đã hứa mà ảnh cũng khó viết vậy?
Suốt thời gian đi đường, bầu không khí không
được vui lắm. Đến các bến phà thầy Kim mua hết món này đến món khác mời
ăn, chỉ có "em gái kỳ đà" thưởng thức ngon lành, còn hai nhân
vật chánh hình như cổ họng bị đau(!) nên ăn uống như
mèo.
5.
Đến ngày hẹn, Hồng đi cùng với Phương dạo
khắp cửa hàng ở Sài Gòn tìm mua vải may áo. Khi hẹn
với Phương, nàng quên mất những ngày cận Tết nhà nào cũng rất bận rộn,
nhưng là con gái cưng lâu lâu mới về, cũng cần chưng diện cho đẹp mặt nên được
mẹ thông cảm khuyến khích nàng cứ đi, việc trang hoàng nhà cửa và sắm
sửa tiệc tùng cho ngày Tết một mình mẹ lo được.
Sài Gòn vào những ngày sắp Tết thật đúng như cụ
Nguyễn Du miêu tả: "Dập dìu tài tử giai nhân, Ngựa xe như nước, áo quần
như nen."
Những cửa hàng trang hoàng bắt mắt. Hàng hóa phong phú, đa
dạng. Hai nàng mê man ngắm nghía, mua sắm, quên cả giờ
giấc, đến trưa mới chọn xong vải may áo.
Sau khi ăn uống no nê, hai cô đến chợ hoa vì đó là điểm quan trọng
thứ hai. Hoa đua sắc thắm thu hút hai cô. Tới gian hàng hoa nào
các cô cũng đứng ngắm, hoa nào cũng muốn mua, nhưng mỗi
người chỉ có hai tay nên tới lui mấy lượt mới đành quyết định
mỗi người chỉ mua một chậu hoa mà thôi. Phương chọn một cành mai
rất đẹp, nhiều nụ còn búp, có thể đến ngày mùng một Tết mới nở
rộ khoe sắc. Cành mai có hơi lớn, vào taxi cũng khó
nên Hồng chọn chậu lan màu tím để tiện cầm tay đi xe
buýt.
Trên đường về Phương
vừa đi vừa tránh né người qua kẻ lại, giơ cao cành hoa khỏi đầu vì
sợ người đi đường đụng phải làm nụ hoa rơi rụng. Tội thân
cô nàng, vì yêu hoa nên khổ vì hoa, đem thân bảo vệ hoa! Hai nàng đang đi, một cậu bé vuột khỏi tay mẹ,
chạy lăng xăng, va vào người Phương. Phương mang guốc cao cả tấc mất
thăng bằng, lảo đảo, cành hoa lắc lư. Hoảng hốt, Hồng vội vàng chụp
cành hoa vì sợ hoa rơi rụng, bầm giập thì mất đẹp. Hồng cũng
thuộc loại yêu hoa, lấy thân che chở cho hoa và quên mất bạn mình có
thể té giập mặt. Nàng cũng quên mất hai tay mình đang cầm
lỉnh kỉnh mấy túi vải may áo và chậu hoa lan. "Bộp"... lọ hoa
lan trong tay Hồng rơi xuống nền xi măng, bể tan tành. Lo
cứu Mai mà quên Lan! Nàng nhìn hoa mà đau lòng, vừa
xuýt xoa vừa lui cui nhặt hoa, đếm xem hoa rụng mất mấy nụ, quên
luôn Phương. Chừng sực nhớ, nhìn ngó chung quanh vì tưởng bạn
nằm dài giữa chốn chợ đông, ai ngờ khi nhìn lên... thì thấy cô
nàng đang e lệ, đỏ mặt tía tai, lập bập cám ơn một người hùng
đẹp trai, cao to, nước da sạm nắng, tóc hớt cao kiểu nhà binh. Kiểu
này có lẽ là một anh sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang nghỉ phép
đây. "Người hùng cứu mỹ nhân" đúng tiêu chuẩn người lý
tưởng của cô nàng. Giữa trưa nắng nóng của Sài Gòn hoa lệ, “tiếng sét”
giáng xuống Chợ Hoa Nguyễn Huệ trúng phải nàng Phương! Anh lịch sự tự giới thiệu tên Lưu, đỡ
lấy nhánh mai, và giúp Hồng đứng lên.
Nhìn người lại
ngẫm đến ta, Hồng cảm thấy tủi thân. Nàng
không vô duyên đến nỗi không có lấy một người để lọt mình
vào mắt xanh. Có ít nhất hai người đang đeo đuổi kỹ nhưng sao nàng lại
trơ trọi, cô đơn giữa mùa Xuân đang tưng bừng mở hội! Nhìn Lưu đưa bạn
mình lên taxi về nhà, nàng nhớ chuyến xe định mệnh ngày nào ở Phi Trường
Đà Nẵng, chuyến xe đưa nàng vào mộng ước rất bình thường của
người con gái, nhưng sao nàng cảm thấy mong manh vô cùng.
Hồng thui thủi về nhà, cảm
giác mỏi mệt chợt ập tới. Khi bước vào nhà, nàng thả mình xuống ghế, gạt đồ đạc trên bàn qua một
bên, đặt mấy túi vải mới mua lên đó, xoa đôi bàn chân tội nghiệp
của nàng. Hai đứa em gái chạy đến xem mấy xấp vải. Chúng reo
lên:
- Vải đẹp quá, cho em xấp vải
màu thiên thanh này nghe.
- Em cái màu lá mạ non.
Hồng cười:
- Được, nhưng chờ vào đại học
đã. Bây giờ mặc đở màu trắng đi. Hai xấp vải xoa trắng
của hai em đó.
Chợt Hồng thấy một gói quà được bọc
giấy hồng (lại là hồng, tên nàng) nơ đỏ nằm chễm chệ
trên chồng sách đặt trên bàn. Vậy mà nàng vô
ý, không nhìn thấy lúc nảy. Đứa em nhỏ thấy nàng nhìn, liền
nói:
- Hồi sáng có một anh
đến tìm chị mà không có chị ở nhà. Quà của anh ấy tặng chị đó.
- Anh ấy tên gì
vậy?
Nàng hỏi với hi
vọng là Quang đã đến tìm mình và than thầm: "Sao mà xui dữ vậy
nè! Anh tới tìm em đúng vào lúc em đi chợ Tết. Sao chúng
ta ‘vô duyên’ đến thế này!"
Đứa em nhỏ liến thoắng đáp:
- Anh Đông ở bên Mỹ mới
về. Ảnh chờ chị cả tiếng đồng hồ làm má bắt em nói chuyện với ảnh lâu bắt
chết. Ảnh nói chuyện vui lắm, kể chuyện bên Mỹ, chuyện lái máy bay, chuyện mấy
người bạn Mỹ, Tàu, Phi... Hấp dẫn lắm.
Một sự thất vọng ụp tới,
đồng thời một tia vui len lén đi vào tâm tư Hồng. Đứa em lớn góp lời:
- Chị à, sao chị đi lâu
quá! Sau khi ở nhà mình ra, em thấy ảnh
đứng ở trạm xe buýt xế trước nhà mình lâu lắm, bỏ qua không biết bao nhiêu
chuyến xe. Em chắc ảnh đợi chị đó!
Nghe em nói, Hồng bứt
rứt khôn tả. Tuy biết là đã muộn lắm rồi nhưng từ trong vô thức, một động
lực nào đó thúc đẩy khiến nàng bước ra cửa nhìn về trạm xe buýt rồi ngó quanh
quất tìm Đông nhưng không thấy dáng anh. Chán nãn, nàng hỏi:
- Ảnh có nhắn gì với chị không? Có để lại địa chỉ không?
Hồng hoàn toàn thất
vọng khi thấy hai đứa em của mình đứng lặng thinh. Nàng mở hộp quà hi vọng
có địa chỉ của Đông, nhưng không có gì ngoài món quà anh mang về
cho nàng kỳ này là một máy sấy tóc và một lọ nước hoa Chanel 5.
Lúc nào Đông cũng điệu nghệ, chọn đúng ý thích của con gái. Sợi dây
chuyền anh tặng Hồng nhân dịp Giáng Sinh năm nào nàng vẫn còn đeo nơi cổ.
Nàng thầm mong ngày mai anh sẽ trở lại để được một ngày dung dăng dung dẻ với
anh. Cuốn phim ngày gặp mặt đầu tiên ở Quân Trường Không Quân Nha Trang
quay lại rõ nét trong đầu nàng. Nàng mong nhìn lại dáng cao gầy, miệng
cười mỉm trêu chọc nhưng lại biểu lộ một sự thân mật của anh. Những khó
khăn gian khổ anh
gặp phải trong quân trường dưới cách kể của anh đều biến thành chuyện
vui. Nàng tự hỗ thẹn vì mình trẻ con, đã
đỏng đảnh với anh ngay trong lần gặp mặt đầu tiên. Nàng đã hờn
dỗi vì nụ cười trêu chọc của anh, đồng thời cũng bị nụ cười đó
cuốn hút vào cuộc đấu "võ mồm" với anh để hôm nay vương vấn khó
rời. Sau hơn hai năm xa cách, nàng muốn nhìn lại anh xem nụ cười vừa dễ
giận vừa đáng yêu đó còn trên khuôn mặt của anh không, dáng cao gầy của anh có
bị hamburger Mỹ làm biến dạng
không? Do đó, suốt mấy ngày nghỉ Tết nàng không đi đâu nữa cả, ngồi nhà
chờ Đông. Vậy mà anh không quay lại.
Mấy ngày Tết Hồng mất đi
cái vui Xuân! Nàng thắc mắc không biết Đông nghĩ gì? Có phải anh
nghĩ nàng đang tay trong tay đi chơi với người yêu? Anh là một
người chậm bước vì trong thời gian hơn hai năm qua xa mặt nên cách lòng?
Nếu anh nghĩ vậy thì vừa oan cho nàng mà cũng vừa đúng, nàng đang yêu
Quang nhưng vẫn có cảm tình thân thiết với Đông. Bây giờ nàng
rơi vào hoàn cảnh "nội chiến" giống Cẩm Vân nên đâm ra ân hận
năm xưa đã trách chị. Quân, người anh họ của nàng, không được về
phép Tết này nên nàng đành viết thư nhờ Quân tìm địa chỉ của Đông. Hồng đã
viết đi viết lại, xóa tới xóa lui mới hài lòng một lá thư cám ơn và xin lỗi
Đông đã để anh chờ. Nàng đợi khi nhận được địa chỉ của Đông sẽ gởi đi ngay.
Nàng tự trách và than thầm: Sao mình không về nhà sớm, sao anh
không đến trễ một ngày. Có phải chăng "vô duyên đối
diện bất tương phùng?"
Sau cái Tết không được vui
lắm, Hồng trở lại trường trông ngóng ba lá thư từ KBC: thư của
Quang, Đông, và anh họ của nàng. Từ ngày báo tin Sang, người
bạn thân thứ hai đã vĩnh biệt cõi đời, Quang viết thư từ cho nàng
rất thưa thớt. Chiến tranh ngày càng leo thang, càng khốc liệt.
Nàng theo dõi tin tức chiến trường rồi sốt ruột và viết thư liên miên cho Quang.
Thư đi thì nhiều, thư về lại hiếm. Nàng buồn vô cùng và có lúc nghĩ
vẩn vơ, thỉnh thoảng thoáng qua đầu nàng hình ảnh một cô gái Huế tóc thề mượt
mà dài ngang lưng, tay trong tay với anh dạo bờ Hương Giang. Nàng
chắt lưỡi than thầm: mình ở
xa quá, không đem đến niềm vui từng ngày cho anh nên tình
cảm nhạt phai dần theo thời gian và không gian!
Về phần Đông, Hồng thắc mắc sao anh không
viết thư cho mình dù là một lá thư trách móc nàng cũng hài lòng, để nàng có dịp
thanh minh và cám ơn tấm lòng của anh qua hai món quà ngày Tết. Nàng
không sai hẹn, nàng không có lỗi mà sao anh giận dai
thế? Đó đâu phải bản tánh của anh, một người rất vui tính?
Hồng tự trách, tự biện hộ, rồi thắc mắc: Hay là mình gặp phải
"hai cánh bướm chỉ lượn vành mà chơi?" Nàng ôm lấy tâm sự
này mà ưu sầu một mình, không dám thố lộ cho đồng nghiệp ở chung nhà là
Tuyết và Phương biết, chỉ sợ hai người đó lại cười nàng bắt cá hai tay nên vuột
mất cả hai. Nàng cũng không dám viết thư tâm sự với chị Hai Cẩm Vân
của nàng, vì sợ "câu kinh nhật tụng" của chị:
"Tao đã nói rồi mà, mấy anh chàng Không Quân là những cánh bướm chỉ
lượn vành mà chơi. Ai ngu ráng chịu." Nàng cũng giấu
ông anh họ Quân của nàng vì nghĩ anh có lẽ cũng là một cánh bướm lượn
vành, sẽ cười nàng thúi đầu, nên không dám thúc giục anh tìm địa chỉ
Đông. Thế là nàng đành chờ đợi trong âm thầm câm nín!
Giờ đây Hồng mới thấm thía câu "Thiếp trong cánh cửa,
chàng ngoài chân mây" trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm. Có chờ
có đợi mới thấy thời gian trôi sao quá chậm!
6.
Để thoát ra khỏi nỗi buồn
chờ đợi tin nhạn gởi về, Hồng sống hòa mình với thế giới học đường của
nàng. Hồng may mắn hơn người chinh phụ trong Chinh Phụ
Ngâm ở chỗ cuộc sống của nàng có thế giới bên ngoài song hành
với thế giới tình cảm riêng tư nội tại. Hồng có bạn bè, đồng
nghiệp, và học trò. Bận rộn với học đường giúp nàng đỡ ủ
dột hơn người chinh phụ. Phương và Hồng được bầu vào trong Ban
Giáo Sư Cố Vấn của trường. Đây là một sự bầu cử có tính cách o ép của các thầy
vì họ muốn đưa hai cô giáo trẻ vào làm việc chung cho vui. Hai nàng
biết "ý đồ" đó và phản đối nhưng vô hiệu
quả. Các thầy đông quá, toàn thể giơ tay biểu quyết tín
nhiệm. Thế là cuộc bầu bán "độc diễn" thành công.
Hai cô đắc cử với số phiếu tuyệt đối và không có tiếng bấc
tiếng chì hậu bầu cử. Hai cô chiến thắng vẻ vang hơn nhiều lãnh tụ
các quốc gia khác, nhưng... hình như hai nàng là bù nhìn. Và, năm
nào cũng được tái đắc cử với số phiếu (bằng tay) đa số tuyệt
đối. Hai cô chỉ có lấy một buổi họp đầu niên khóa với Ban Đại
Diện Học Sinh để hoạch định chương trình
cho cả năm. Sau đó các thầy làm
tất cả mọi việc. Khi đề cử, hai cô giẫy nẩy lắc đầu, các thầy đã hứa
sẽ giúp đỡ mọi việc, cho nên mấy thầy phải gánh mà thôi.
Cô Phương lãnh chức Cố Vấn
Văn Nghệ & Báo Chí, chỉ có việc đọc và chọn bài đăng vào Đặc San Tết,
còn những việc trang trí, quảng cáo, in ấn... các thầy lãnh
hết. Văn Nghệ cuối năm cũng vậy, Phương không cần biết tới, có
người lo vẹn toàn. Riêng Hồng với chức Cố Vấn Xã Hội chỉ mỗi việc
làm “Bang Chủ Cái Bang” dẫn đám "đệ tử," đứng mấy chỗ có đông
ông đi qua, bà đi lại như ngã ba, ngã tư, chợ búa, tiệm ăn để
xin tiền giúp đồng bào thiên tai, địch họa, thương binh tử sĩ. Hồng hơn Bang Chủ Tổ Tiên của
nàng là Hoàng Dung trong truyện kiếm hiệp Kim Dung ở chỗ nàng không bị
buộc ăn mặc nghèo nàn, rách rưới, mà phải mặc áo dài xinh xắn, tha thướt, mượt
mà đi ăn mày đầu đường xó chợ. Vậy mà thiên hạ đã ưu ái cúng nhiều tiền
lắm. Người phụ trách tiên liệu trước, không xài mấy cái nón
rách mà dùng thùng cạc tông to để đựng được nhiều
tiền. Đem thùng tiền về, giao Hiệu Trưởng hay Giám Học xong hai nàng phơi phới ra về. Việc của
Hồng có Phương tình nguyện làm phụ tá, việc của Phương có Hồng tình
nguyện giúp. Thầy trò bỏ tiền túi ăn cơm nhà vác ngà voi, vậy mà vui vô cùng.
Ở tỉnh nhỏ tình người rất dễ thương vô cùng!
Tình thầy-trò càng ngày càng thêm thân
thiết. Vườn cây trái của trò lại được hai cô giáo trẻ này thăm
viếng. Thế là hai cô được ăn, được thương
yêu, còn được gói mang về. Học trò của một trong hai cô nếu có
bài vở gì không thông suốt thì hỏi bất cứ cô nào cũng được nhiệt tình giúp
đỡ. Dần dà rồi không biết tự bao giờ
không còn phân biệt học trò riêng hay cô giáo riêng của ai nữa.
Học trò của hai cô tự dưng đông gấp đôi, tỉnh lỵ lại nhỏ nên nhất cử nhất động
của thầy cô giáo không lọt khỏi cặp mắt đông đảo của học sinh.
Vào một buổi sáng Chúa Nhật, Phương, Hồng, một
vài cô giáo trẻ về trường niên khóa sau, và hơn chục học trò đang tập họp
chuẩn bị đi cắm trại tại Núi Sam, anh chàng người hùng Lưu bỗng đến thăm
Phương. Thầy trò của bọn Hồng lịch sự có thừa, cùng nhau đi cắm
trại, bỏ lại giai nhân Phương cho người hùng Lưu săn sóc. Anh
là "lính đi bộ", quen đi xe Jeep nên
bắt xe đò đổ đường từ Sài Gòn xuống thăm nàng, còn hai "cánh bướm" của Hồng quen
"bay" nên không quen ngồi xe đò, để cho nàng nhìn bạn mà tủi
thân. Buồn ơi! Chào mi!
Thầy Kim kỳ này vắng mặt
trong cuộc vui cắm trại vì thầy bận về Sài Gòn lo giấy tờ ly dị. Thế mà
khi trở về trường thầy lại biết được tin cô Phương có người yêu đến thăm. Tin "tình
báo học trò" rất chính xác và vô cùng nhanh chóng. Thầy
tới nhà trọ tìm Phương đúng vào lúc Phương và Hồng đang trò chuyện
vui vẻ với dăm em học sinh. Thấy gương mặt thầy sa sầm xám ngắt, Phương
giữ học trò ở lại chơi, Hồng thì ra dấu bảo về. Các em biết ý
nên lần lần rút lui êm. Phương nắm tay Hồng giữ lại không cho vào
phòng. Hồng là "đồng minh" trung thành của Phương nên
quyết tâm bảo vệ cô nàng. Hồng ngồi lại làm con kỳ đà. Để
làm giảm cơn buồn giận của thầy Kim, Hồng lên tiếng trước:
- Về Sài Gòn kỳ này, anh lo xong giấy tờ
chưa?
- Xong rồi. Anh mất nhiều công sức
mới lo xong sớm. Không ngờ vắng mặt có mấy ngày, ‘người ta’ xoay lưng lại với anh.
Nghe vậy, Phương nổi nóng
nên nói thẳng:
- Phương chỉ coi
anh như một người anh thôi. Anh không giống mẫu người lý tưởng của
Phương chút nào cả. Chuyện riêng của Phương, anh không có quyền xen
vào. Nếu còn xen vào, mất tình anh em đó.
Vậy mà thầy Kim cố nói:
- Không có em, anh
sống không nổi nữa.
- Sống nổi hay không
là việc của anh, tùy anh.
Nói xong cô nàng quày quả
đi vào nhà sau. Thầy Kim đứng dậy nói vói theo:
- Anh chết trước mặt
em cho em hài lòng.
Nói xong thầy rút con
dao xếp thủ sẵn trong túi áo. Trong khi thầy mở dao thì Hồng nhanh
tay đoạt lấy, bỏ vào túi áo của nàng và an ủi thầy:
- Anh à, anh muốn
cảnh sát tới đây rần rần, làm liên lụy tới anh Tư chủ nhà, mang tai
tiếng khắp trường, khắp tỉnh hay sao. Bình tĩnh đi, duyên ai nấy
gặp, cưỡng cầu không được, mà nếu được liệu có hạnh phúc không? Anh suy nghĩ lại đi. Nó
không yêu anh, làm sao sống với nhau có hạnh phúc? Anh nói anh yêu nó,
vậy anh muốn nó vui vẻ, hạnh phúc hay anh muốn thấy nó buồn rầu, héo
hon?
Nói xong, Hồng cảm thấy mình như một bà cụ
non. Sao triết lý... vụn hay như vậy!
Thầy Kim ngồi phịch xuống ghế, thừ người, ôm đầu
một lúc lâu, rồi đứng dậy cám ơn Hồng, ra về.
Nàng vào phòng tường thuật cho Phương nghe. Cô
nàng cười khen:
- Giỏi! Bạn học võ hồi nào mà
ra chiêu Tay Không Cướp Vũ Khí(!) tuyệt vời, không bị trầy tí da nào cả?
- Mình biết ổng chỉ hù dọa thôi, nhưng
nếu ổng biết mình không tin, sẽ làm nư, lỡ có xây xát thương tích thì
thiên hạ biết, đồn tùm lum ra, mắc cỡ chết.
Phương trêu Hồng:
- Ôi chao! Hôm nay Hồng lập được
công "giai nhân cứu người hùng," ổng sẽ mang ơn cứu mạng(!) này
suốt đời. Cám ơn bạn đã nói lên giùm mình những điều khó mở
miệng.
Mỗi lần thầy Kim "ra
chiêu" Hồng lại nhớ tới sư huynh Lữ của nàng ngày xưa. Khi gặp
Hồng, anh cũng đã có vợ con như thầy Kim, nhưng cách hành xử của anh khác.
Một người động, một người tĩnh. Bây giờ anh ở đâu? Trong vòng vây
lửa đạn, anh có an lành không? Anh có tìm được hạnh phúc bên vợ con
không? Hay anh bất hạnh như thầy Kim? Những câu hỏi không có câu
trả lời mà vẫn được Hồng
hỏi đi hỏi lại mãi. Còn Quang của nàng, ba lá
thư gởi đi rồi mà chưa có hồi âm. Nàng tự an ủi thời buổi
chiến tranh anh bận hành quân liên miên không rảnh thì giờ và tâm trí để viết
nên chậm thư. Ngày nào nàng cũng hồi hộp theo dõi tin tức thời sự và
chiến trường qua báo chí và truyền thanh. Vùng I Chiến Thuật đang dầu sôi
lửa bỏng. Tuần nào đi cắm trại ở Núi Sam, nàng cũng vào Chùa Tây An và
Chùa Bà Chúa Xứ để cầu phước lành cho anh. Nàng cầm cuốn sổ tay Hướng Dẫn
Cấp Cứu anh đã tặng để nhớ tới anh, để thấy anh trong đó. "Anh cần
cuốn này hơn em mà, học trò của em ít khi gặp tai nạn hơn chiến hữu của
anh. Cám ơn anh. Mỗi lần nhớ tới anh, em đọc nó. Nó đã sờn
gáy rồi, nhưng em sẽ giữ nó mãi mãi như giữ tình yêu của em với
anh." Hồng lẩm bẩm với mình.
7.
Phương về, từ ngoài cửa nàng đã nói như
reo:
- Này Hồng, có tin vui. Bạn có
quà từ KBC gởi. Công mình từ trường mang về, đãi mình một bữa chè
nghen!
- Chuyện nhỏ, mấy bữa cũng được.
Phương nhá một bao thơ lớn dày cộm trước mặt
Hồng, xong giấu sau lưng.
- Thôi mà, làm khó mình chi vậy. Làm
ơn đưa gấp đây, mình đang đợi mấy tháng nay rồi.
Phương ra điểu kiện để trêu:
- Nói đúng tên người gởi thì mình đưa ngay.
- Quang.
- Sai.
- Đông.
- Sai.
Mặt Hồng kém tươi, ưu tiên 1, ưu tiên 2 đều
không phải. Vậy là thư của anh Quân.
Anh Quân
đã tìm được địa chỉ của Đông?
- Cho nói lần cuối.
Hồng hớn hở nói:
- Kỳ này mình
nhất định trúng lô an ủi khá lớn đây. Thư anh Quân
- Đúng rồi. Chèn ơi,
gì mà tới ba KBC lận. Đào hoa dữ đa!
Hồng hí hửng mở gói
quà ra. Trong đó một lá thư của anh Quân, và một hộp giấy nhỏ hình
chữ nhật được bọc kỹ và dán kín. Nàng để hộp quà sang bên, mở thư của anh
Quân ra đọc, mong sao có địa chỉ của Đông trong
đó.
Nha Trang, ngày...tháng... năm...
Em gái thân yêu của anh,
Việc đầu tiên anh xin lỗi em vì đã chậm việc em
nhờ. Cho anh trăm ngàn lần xin lỗi em. Mọi lý do bây giờ đều là ngụy biện, không thể tha thứ
được. Chính anh cũng không thể tha thứ cho anh. Anh thiếu trách
nhiệm với em, với Đông, anh không sốt sắng, không tích cực hỏi tìm địa chỉ của
nó cho em. Anh đã dần dà lần lữa, hẹn nay hẹn mai. Anh đã làm mất
đi mấy tháng vàng ngọc của Đông và em.
Đông yêu em, yêu ngay lúc đầu gặp gỡ. Anh
biết và xác nhận là đúng. Đông mang tình yêu nồng nàn tích lũy mấy năm
trời về nước để trao cho em. Không gặp được em, nó nghĩ rằng em
ra trường gặp người xứng đáng hơn nó. Nghĩ lại thân
mình sinh mạng mong manh, sáng ra đi còn yêu đời, khỏe mạnh, chiều về có
thể xác nằm trong poncho hay rơi vung vải trong rừng núi nên nó cứ chần chờ
không gởi thư cho em. Anh thông cảm với nó vì cũng cùng một tâm
trạng. Trong đời anh, nó là người bạn thân nằm xuống đầu
tiên cho Tổ Quốc. Bạn bè cùng đơn vị của nó gom hết mấy lá thư của
em viết và lá thư cuối cùng của nó viết cho em còn dang dở gởi đến
anh nhờ chuyển cho em. Em đọc thư sẽ rõ tình yêu của nó....
Mắt Hồng nhòe đi, không đọc tiếp được nữa. Hồng gục
xuống bàn nức nở. Phương ngỡ ngàng. nhìn bạn, liếc qua bức thư, thừ người
ngồi im lặng bên cạnh. Phương đang nghĩ tới Lưu, chợt rùng
mình. Tương lai của mình, của tuổi trẻ Việt Nam đi
về đâu...? Mọi lời nói an ủi bây giờ đều vô ích. Phương
nắm lấy bàn tay Hồng siết chặt biểu lộ sự cảm thông. Nàng cảm thấy
căn phòng vắng lặng, lạnh ngắt mặc dầu có tiếng khóc thút thít của
Hồng vang lên từng cơn.
Sau buổi gặp
gỡ tình cờ đầu tiên ở Chợ Hoa Nguyễn Huệ dịp Tết, Lưu đã
tận dụng những ngày nghỉ phép đến gặp Phương. Cô nàng đã cùng anh hưởng
trọn những ngày vui Xuân cùng nhau.
Anh đã gác qua một bên những ngày gian nguy nơi chiến
trường để tận hưởng những ngày vui ít ỏi của mình với Phương. Đơn vị
anh đóng ở Lai Khê (Bình Dương) cũng là một cái may, khoảng cách không gian
giữa hai người không quá xa để vượt khỏi tầm tay với. Từ
tình cảm quý mến lúc ban đầu dần dà phát triển thành tình yêu.
Nhưng, lại chữ nhưng quái ác! Cha của Phương tỏ ý không muốn có chàng rể
là lính trận. Ông sợ con gái cưng độc
nhất của mình sớm làm quả phụ, trong lúc ông có nhiều bạn bè ngỏ ý muốn kết xui gia với ông. Những
người bạn này có con trai là bác sĩ, kỹ sư trong các ngành dân chính.
Giờ đây thấy Hồng ngồi khóc
vì Đông đã hi sinh cho Tổ Quốc, Phương thương cho bạn và đau lòng cho
mình. Cha nàng có lý khi phản đối tình yêu này. Đó cũng là do tình
cảm của người cha đối với con. Mẹ nàng mất sớm, bỏ lại bầy con cho ông.
Ông không tục huyền, nuôi con nhọc nhằn cho đến
giờ. Ông lấy hạnh phúc của các con làm hạnh phúc của mình, bất hạnh
của các con làm bất hạnh của mình. Nàng không muốn làm cha mình buồn bã
lo âu, đồng thời cũng không muốn phải xa Lưu. Trái tim có những lý lẽ
không giải thích được. Biết rằng kết hôn với Lưu là đánh đu với số
mệnh, nhưng chỉ mới nghĩ tới ngày nào sẽ mất Lưu trong đời nàng không thể chịu
được.
Để tránh cho cha nàng buồn phiền, Phương giấu
cha và hẹn hò với Lưu ở Châu Đốc. Một vài khó khăn và bất tiện xảy
ra. Vì thời giờ eo hẹp, những cuộc gặp gỡ giảm xuống và ngắn
lại. Đường bộ thiếu an toàn dù anh "tam tứ núi cũng
trèo" thì sá chi mô mìn dọc đường, nhưng cũng là một vấn đề
khó nghĩ cho Phương. Cặp mắt học trò khắp nơi làm giảm đi tự do,
giảm đi tình tứ lãng mạn, một nắm tay, một nụ hôn cũng không dám, và thầy
Kim nữa... Ôi chao, nhắc tới thầy Kim là
nhắc tới rắc rối cuộc đời. Sau màn tự tử hụt, thầy không buông bỏ hi vọng,
vẫn tới lui thường xuyên, và vai trò kỳ đã cản mũi của Hồng vẫn phải tiếp
tục. Ngày mai Chúa Nhật, Lưu
có hẹn sẽ gặp Phương. Phương sợ thầy Kim chạm trán với Lưu, lùm xùm, tai
tiếng không đẹp ở một tỉnh lỵ nhỏ, nơi mà hình ảnh thầy cô giáo được phụ
huynh đem ra làm tấm gương mẫu mực cho con em noi theo. Chưa biết giải quyết cách nào Phương nghe
Hồng tức tưởi nói:
- Anh Đông còn quá
trẻ! Quá trẻ!... Anh mới về nước có hơn bốn tháng thôi,
Phương ơi!
Phương nghe nói, tự dưng cũng nhói đau và ứa
lệ. Hồng tiếp:
- Mình mắc nợ anh một lời xin lỗi và một
lời cám ơn. Làm sao bây giờ! Làm sao bây giờ!
Phương không thể trả lời được, nàng ôm lấy bạn,
chỉ biết an ủi một câu mà nàng biết bạn mình không tin:
- Anh ấy không trách đâu. An tâm đi.
Phương biết Lưu đã đến tỉnh lỵ, ở tại
khách sạn độc nhất của tỉnh nhưng không
thể đi găp anh
được. Nằm bên cạnh Hồng, Phương trằn trọc suốt đêm, thỉnh thoảng tiếng
nấc của bạn trong giấc ngủ mệt mỏi làm nàng thêm bứt rứt.
Sáng sớm hôm sau, Phương
lấy khăn nóng đưa cho bạn chườm hai mắt cho bớt sưng, ái ngại nhờ
bạn:
- Hồng à, giúp
giùm mình một việc. Mình đi Long Xuyên với anh Lưu để tránh cặp mắt
của mọi người, chiều về. Nếu anh Kim có tới, Hồng tìm cách nói khéo
giùm mình nghen.
- Hãy vui vẻ khi có dịp.
Đừng để lỡ như mình, rồi ân hận mãi...
Phương đi rồi, Hồng
mở thư của Đông ra đọc. Nơi hàng ghi ngày tháng hai chữ Đà Nẵng đập vào mắt nàng. Vậy là Đông
về cùng Phi Đoàn với Quang. Anh là một đàn em chiến
hữu của Quang mới về nước mấy tháng đã vĩnh biệt cõi đời.
Chuyện này thế nào cũng gây sốc cho Quang.
Vậy là tình hình chiến sự nơi địa đầu giới tuyến rất gay cấn. Hồng mới
đọc vài hàng, nước mắt lại ứa ra, nàng gấp lại, đọc sau vậy. Hồng lấy những lá thư
của Đông và thư của nàng sắp xếp chung lại với nhau theo
thời gian và cất vào hộp. Nàng không có can đảm đọc lại, chờ
thời gian cho tâm tư lắng đọng rồi đọc sau. Không đọc
nhưng quá khứ cứ quay về, quà anh tặng còn đây, kỷ vật
còn đây. Nàng chua chát nhớ tới lời của Ngọc đã chọc ghẹo
khi đeo sợi dây chuyền vào cổ nàng:
"Từ giờ trở đi nàng mang theo chàng luôn bên mình. Hai
ta trở thành chim liền cánh cây liền cành." Ngọc ơi, cánh
gãy, cành rơi mất rồi!
Hồng còn đang mân mê sợi
dây chuyền nơi cổ thì bé Châu thông báo có thầy Kim tới tìm Phương. Hồng
bước ra, thấy mặt thầy Kim méo xẹo,
mặt nàng cũng không tròn. Chưa kịp ngồi xuống ghế, thầy Kim đã lên tiếng:
- Phương đi rồi phải không?
Hồng nghĩ "tin tình báo học trò" nhanh
thiệt, liền đáp:
- Phải. Nó có chuyện riêng, đi khỏi rồi.
- Anh đi kiếm Phương.
Hồng vờ giận dỗi:
- Anh chỉ biết có nó thôi. Còn đứa em
gái nuôi này chết sống thế nào anh không cần biết tới, phải không?
Anh nhìn kỹ lại em đi, xem có gì khác lạ hơn mọi ngày không?
Thầy Kim dừng bước, nhìn kỹ Hồng, thấy mắt
nàng còn sưng mọng, đoạn kéo ghế ngồi xuống hỏi:
- Có chuyện gì vậy? Em với Phương gây lộn
hả?
- Nếu chỉ có gây lộn thì
làm sao em rơi nước mắt? Em buồn lắm. Đừng hỏi nữa, chỉ làm em khóc
thôi. Anh ngồi lại đây kể chuyện đứa con
gái dễ thương của anh cho em bớt buồn.
Bị gợi đúng vào yếu huyệt,
thầy Kim huyên thiên kể chuyện đứa con gái của thầy từ lúc mới chào đời, giai
đoạn chập chững biết đi, bập bẹ biết nói, cho đến ngày cắp sách đến
trường. Thỉnh thoảng Hồng chêm vào một câu hỏi “câu giờ” để thầy Kim kể
tỉ mỉ hơn. Nàng phòng hờ nếu Phương gặp trường hợp phải đợi lâu xe đò mới khởi
hành thì cũng đủ thoát nạn. Yêu nhau mà như tội phạm, phải lén
lút. Thật tội nghiệp cho người bạn này của Hồng!
Nhìn dáng thiểu não của
thầy Kim ra về, một nỗi thương cảm tràn
vào tâm hồn Hồng. Nàng chợt cảm thấy mình có một thay đổi lớn trong tính
tình. Ngày xưa nàng dễ vui dễ cười, bây giờ dễ buồn dễ khóc. Cuộc
sống biến đổi nàng hay là nàng đã giã từ tuổi thơ? Nàng thẫn
thờ đứng lên ngồi xuống, đi tới đi lui, không biết làm gì.
Đọc thư không vô, viết thư không được, chấm bài học trò không xong.
Nàng bước ra cửa ngắm nhìn mông lung, chợt thấy Điền, cậu học trò nuôi mộng làm
phi công, đang thập thò trước cửa. Hồng ngoắt tay mời Điền vào nhà và mở đầu:
- Em còn nuôi mộng làm phi công không vậy Điền? Nếu
còn thì đừng, nghe em. Cô đang hối hận vì đã trích giảng mấy bài trong
quyển Đời Phi Công, gieo vào đầu các em hình ảnh thơ mộng. Thực
tế bẽ bàng và đau buồn lắm. Em hãy mộng làm bác sĩ để cứu
dân, làm luật sư để binh vực cho người nghèo, làm thầy
giáo để đào tạo thế hệ trẻ cho tương lai dân tộc, học ngành khoa
học để xây dựng đất nước tiến bộ, giàu mạnh bằng người.
Nhiều ngành nghề lắm. Đừng, đừng bao giờ đi Không Quân...
Nói đến đây, Hồng khựng
lại, chợt thấy mình có tư tưởng lệch lạc. Cả một thế hệ trẻ làm
theo lời nàng thì lấy ai bảo vệ Tổ Quốc chống Làn Sóng Đỏ, bảo vệ Tự
Do? Không có những người chiến sĩ Hải Lục Không Quân đổ xương máu giữ an
lành cho dân chúng thì nàng và đám học trò này làm sao đến trường dạy và học
hằng ngày? Nàng lật đật tiếp:
- Thôi,
bỏ đi. Coi như cô không nói mấy lời vừa rồi. Xin lỗi em,
hôm nay cô nói lung tung quá.
Ấp úng một lúc, Điền dè dặt
hỏi:
- Cô đang có
chuyện buồn?
- Đúng.
- Để em hát một bài cho cô
nghe đỡ buồn.
Không đợi Hồng trả lời,
Điền cất cao giọng bài ca vinh danh Phạm Phú Quốc, (một phi công bị
bắn rơi trên bầu trời Miền Bắc), mà thầy trò thường hay hát khi đi cắm
trại với nhau. Điền mới hát được vài câu đầu, Hồng lật đật ngăn lại:
- Thôi, thôi, em đừng hát nữa. Cô mệt
lắm. Cô cần nghỉ một lúc. Cám ơn em đã đến thăm cô. Hẹn ngày
khác.
Điền đứng lên, ngập ngừng
một lúc rồi ấp úng nói:
- Em đến đây để nhờ cô
giảng cho bài này. Nhưng cô mệt, thôi để hôm khác. Em để lại đây,
khi nào rảnh cô xem cũng được.
Điền ra về, Hồng cầm lấy xấp
giấy Điền đưa, cất ngay vào tủ. Nàng đâu còn tâm trí để mà đọc
bất cứ gì. Nàng vào phòng nằm vùi, thả hồn về quá khứ. Hình ảnh bãi
biển Nha Trang với Đông, bãi biển Đà Nẵng với Quang quay cuồng lẫn lộn
trong đầu nàng, và nàng mệt mỏi thiếp đi trong tiếng sóng ầm ì và tiếng
cười nói rộn ràng của quá khứ... cho đến lúc một bàn tay mát lạnh sờ trán làm nàng giật mình tỉnh
giấc. Phương đang đứng trước mặt nàng, nói:
- Hồng sốt cao quá. Ngồi dậy uống
miếng sữa và viên thuốc hạ sốt này.
- Chiều rồi à? Mấy giờ rồi?
- Cũng còn biết chiều là thời gian mình về
hả? Vậy chưa sao.
Hồng nhìn bạn, ánh mắt nàng tỏ vẻ cám
ơn. Nhìn mặt Phương tươi tắn, nàng chúc mừng bạn được một ngày vui,
rồi thuật lại chuyện thầy Kim tới nhà hồi sáng. Nàng kết thúc bằng
câu: " Việc Phương cần làm tiếp theo là phải làm sao cho thầy
Kim tuyệt đường hi vọng mới xong."
Sau một lúc suy nghĩ,
Phương nói với giọng cương quyết:
- Chỉ còn cách xin thuyên chuyển
nhiệm sở đến tỉnh khác để tránh gặp mặt hằng ngày và sự phiền phức. Mình
sẽ xin về quê nhà ở Mỹ Tho trong niên khóa tới. Thời gian phục
vụ ở đây cũng đủ để mình xin chuyển đi tỉnh khác rồi, từ
từ đổi về Sài Gòn sau.
- Như vậy tốt đó. Rút
ngắn không gian lại để Phương và anh Lưu tiện gặp nhau hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét