Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Tóc Mai - Chương 6: Ngã Rẽ Đường Tình

                   Chương 6  
         Ngã Rẽ Đường Tình

1. 

Hồng bệnh nên được nghỉ dạy vài ngày.  Có thời giờ rảnh nàng lấy giấy viết thư cho Quang, nhất định không để lỡ việc nữa.  Bình tĩnh, nàng lấy hết can đảm viết đòi Quang cho nàng biết chuyện quan trọng mà anh đã hứa sẽ nói với nàng là chuyện gì.  Thư nàng vừa bỏ bưu điện, tin của Quang lại tới.  Lá thư dài gấp đôi mọi lần khiến nàng mừng thầm được một bức thư dài để đọc cho phỉ những ngày vắng thư anh.  Sau những câu thăm hỏi, khích lệ thông thường anh bắt đầu nói về những cảm xúc của anh khi chở những chiếc poncho có thân xác không toàn vẹn của các chiến sĩ tử trận về hậu cứ, tiếp theo là đoạn trọng tâm sau:
"... Mặc dù anh đối diện với chết chóc hằng ngày  nhưng tim anh vẫn bằng thịt, máu anh vẫn đỏ thắm nên anh đau lòng vô cùng khi thấy những người vợ trẻ, người yêu vật vã, rũ người bên xác người thân, những cặp mắt mở tròn của trẻ thơ ngơ ngác nhìn quanh không biết chuyện gì xảy ra, miệng mếu máo khóc theo mẹ.  Như em đã biết Hưng và Sang ra đi trong khi tuổi đời còn tươi thắm.  Sang  bỏ lại người vợ mới rời ngưỡng cửa học đường một năm và đứa con còn nằm ngữa. Vừa mới đây, trong chính Phi Đoàn của anh, một đàn em mới về nước vỏn vẹn có bốn tháng mười ngày đã nằm yên trong lòng đất mẹ, xác nó cháy đen co quắp.  Bạn  bè thân của nó cho anh biết nó đang viết một lá thư gởi cho cô gái nó yêu, cũng là cô giáo như em, vẽ ra một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc.  Vẽ chưa xong tương lai đời mình nó vĩnh biệt cuộc đời. Một mơ ước đơn sơ mà cũng không thành.  Những người bạn này đã gom tất cả thư từ của cô gái cùng lá thư viết dang dở đó làm kỷ vật cuối cùng của nó và gởi cho cô ta.  Anh cầu chúc cô ấy đủ nghị lực để vượt qua nỗi mất mát này.  
Anh yêu em nhưng anh không muốn em rơi vào hoàn cảnh đau buồn như thế.  Em quên anh đi, hãy tìm một người chồng dân sự để được sống trong một gia đình hạnh phúc, không phải trông đứng trông ngồi, hồi hộp từng giây từng phút mỗi khi người chồng bước chân ra cửa.  Ngày nào anh được tin mừng của em, tất nhiên anh sẽ buồn nhưng sẽ thật sự mừng cho em, và không còn ray rứt nữa..." 

 Đúng là một lá thư không mong đợi!  Không còn can đảm đọc tiếp nữa, Hồng buông rơi lá thư trên bàn, mắt ráo hoảnh, vô hồn nhìn khoảng không gian trước mặt.  Nàng không muốn tin đây là lá thư Quang gởi tới nàng.  Không, không...  Nó chỉ là lá thư trong tiểu thuyết và nàng đang đọc một truyện tình lãng mạn.  Hồng nhặt lá thư lên, vuốt nhè nhẹ, nhận ra rằng đó là một tờ giấy, không phải quyển sách.  Nàng thẫn thờ ngồi bất động, không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra.  Bóng tối dần dần phủ ngập căn phòng, phủ trùm luôn hi vọng của nàng.  Phương về, rón rén bật đèn, bước đến gần Hồng.  Nhìn bạn, Hồng nói như than van:
- Phương ơi, bức thư này không thật.  Anh ấy chép từ trong tiểu thuyết ra, phải không?
 Phương đọc nhanh bức thư, đoạn nàng đặt tay lên vai Hồng vỗ nhè nhẹ, ngập ngừng một lúc rồi nói:
- Thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng.  Mình nói ra những gì mình nghĩ nghen.  Ý kiến của mình chưa chắc là đúng nhưng có thêm một ý kiến để rộng đường cho Hồng nhận xét và suy nghĩ.  Theo mình thì anh ta yêu Hồng chưa đủ nặng để “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua." 
Hồng nhìn bạn, cầm bức thư đọc lại, cảm nhận sự bẽ bàng của mình, nàng bật khóc thành tiếng. Phương ngồi bên cạnh, để mặc cho bạn khóc, thả hồn về với chuyện tình cũng nhiều trắc trở của mình.  Hồi lâu sau Phương siết tay Hồng, cất tiếng với giọng cương quyết: 
- Không đầu hàng khó khăn trở ngại.  Phải vượt qua cho bằng được.  Bạn cần giải tỏa cái gút mắc trong lòng của anh ta trước đã.  Nếu anh ta cứ khăng khăng giữ ý định xa nhau thì có chuyện không ổn rồi.  Hiện giờ đã có gì đâu mà bi quan.
Được bạn khích lệ, Hồng lấy lại bình tĩnh, viết thư bày tỏ tâm tình, cho Quang biết nàng sẵn sàng chấp nhận mọi thương đau, và gởi bảo đảm cho chắc chắn thư không bị thất lạc.  Điều nàng lo lắng nhất là anh bị thương tật, trở thành người tàn phế có thể mang tâm bệnh rồi xa lánh tất cả mọi người thân yêu. Thư của Hồng  không bị bưu điện hoàn trả nhưng nàng cũng không nhận được hồi âm.  Điều này có nghĩa là Quang còn sống, nhận được thư Hồng nhưng vẫn quyết định chia tay. Tình huống ấy càng làm cho nàng lo lắng không yên.  Hồng kiên nhẫn, mỗi tháng gởi một lá thư.  Những lá thư mang tình yêu của nàng chìm trong vô vọng.  Hồng quyết định vào kỳ nghỉ hè sắp tới nàng phải đi Đà Nẵng một chuyến để tìm hiểu sự thật.

2.

Phương bước vào nhà miệng cười rạng rỡ, líu lo nói:
- Hồng này, ngày mai đi lạc quyên.  Hai nhóm ở chợ, mình phụ trách.  Còn một ở bến đò và một ở Chùa Bà, Hồng lo nghen.  Hồng là "Bang Chủ Cái Bang" nên chịu khó đi xa vậy, còn mình là “Phụ Tá” đi gần gần thôi.
- Ôi chao, mi bắt ta đạp xe đi đi về về tới Núi Sam mấy lượt thì làm sao tấm thân liễu yếu đào tơ này kham cho nổi!
- Đừng lo, có xe hơi.  Anh Phó Quận Hành Chánh cho mượn xe nhà kìa.  Hồng lái đi.
- Giỡn mặt với luật pháp hả?  Mình mới tập lái có hai lần, lái chưa thẳng, bộ muốn ngồi đếm lịch sao?
- Đùa với bạn thôi, anh Trưởng Ty Xuân tình nguyện làm tài xế đưa đón bọn mình đây này.  Đừng lo, mọi việc sẽ được hoàn thành tốt đẹp.
- Vậy thì cũng được.
Thấy bạn còn phân vân, Phương nói tiếp:
- Nếu không chịu đi xe hơi thì ngồi xe Mobylette của Điền, học trò lớp Hồng đấy.  Nó trong nhóm ở Chùa Bà.
     - Điền còn nhỏ, lái xe gắn máy có vững không?  Eo ơi!  Mình không dám ngồi đâu.
Phương trêu bạn:
- Tui biết mà... Bà Chúa Ăn Mày, đi công xa vẫn ngon hơn.  Xe gắn máy chỉ là trường hợp dự phòng, bất đắc dĩ mới tạm sử dụng thôi. 
 
Một số thầy cô giáo trường trung học Thủ Khoa Nghĩa và thân hữu thuộc Tòa Hành Chánh tỉnh Châu Đốc                                                                     
vào khoảng năm 1968-1969                                                                                                        


Trong vòng một năm nay, các thầy cô giáo thường hay có những buổi cắm trại chung với các anh chị trưởng ty, trưởng ban tòa Hành Chánh tỉnh rất vui vẻ và thân mật.  Các cô giáo độc thân  đều là tầm ngắm của các chàng dân sự lẫn quân sự độc thân vui tánh.  Phương và Hồng cũng không thoát khỏi các cặp mắt ấy nên có rất nhiều bàn tay đưa ra khi trường cần giúp đỡ.  Phương và Hồng là cặp bài trùng, vì thế ai chấm cô này cũng phải lấy điểm với cô kia.  Anh Xuân để mắt xanh tới Hồng, tìm cách làm quen, dạy nàng lái xe, và dạy luôn Phương, nhưng hai nàng mới học được hai buổi, lái đường thẳng còn chưa xong, làm sao mà dám cầm lái một mình.  Hồng không sợ leo lề, không sợ hư xe (xe "chùa" mà!), chỉ sợ gây tai nạn chết người, ủi sập nhà của đồng bào mà thôi.  Xuân đã nhiệt tình chở hai cô tới từng nhóm học sinh để động viên, giúp đỡ, và đưa đón các thiện nguyện viên này.  Cuối buổi anh mang thầy trò và thùng tiền toàn vẹn về nộp cho Hiệu Trưởng để chuyển giao cho Ban Xã Hội của tỉnh.
 Lâu ngày sự giao thiệp, liên hệ này đã giúp tình cảm giữa hai người trở nên thân thiết hơn. Vậy mà tận sâu trong trái tim Hồng, hình ảnh Quang vẫn còn chờn vờn, không mất hút, những kỷ niệm với Quang vẫn hiện diện rõ nét, không phai.  Và, Hồng vẫn có linh cảm rằng Quang còn yêu nàng. Trí óc của nàng cho biết linh cảm là chủ quan, mà chủ quan thì không chính xác, nhưng trái tim của nàng nói khác cho nên nàng quyết định kỳ nghỉ hè sắp tới đây sẽ đi một chuyến ra Đà Nẵng tìm gặp mặt Quang hỏi cho ra lẽ.  Nàng đã từng đi suốt từ Bến Hải tới biên giới Việt-Miên thì ngại gì một chuyến Sài Gòn - Đà Nẵng. 
 An tâm, Hồng thu dọn đồ đạc chuẩn bị cho chuyến "vạn dặm tìm chàng" của nàng.  Nàng gom góp thư từ của Quang được cất kỹ trong tủ bấy lâu nay mang ra đọc lại, cố tìm và đánh giá tình yêu của Quang được cất giấu trong những lá thư   đó.  Ô hay, sao lại có một sấp giấy là lạ đây!  À, thì ra là của cậu học trò Điền. Hồng nhớ lại hôm ấy Điền đến nhờ nàng giảng một bài thơ trong lúc nàng có nhiều chuyện bối rối, buồn, thương nên đã quên mất.  Hồng mở sấp giấy ra đọc, thấy bốn câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu: "Yêu là chết ở trong lòng một ít, Vì mấy khi yêu mà đã được yêu,  Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu, Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết" kèm theo là một bức thư.  

Ngày... tháng... năm...
Cô yêu quý của em,
Em biết viết bức thư này cho cô là không nên không phải nhưng em phải viết, vì nếu em không nói ra những tâm tư tình cảm của em thì em không thể nào chịu nổi.  Cô có giận em, em chịu, nhưng đừng ghét bỏ em.  Ngay từ ngày đầu cô bước vào lớp, em đã bị đôi mắt cô, nụ cười của cô hút hồn em. Em biết cô yêu thích các chiến sĩ Không Quân nên em quyết tâm sau này đăng vào binh chủng Không Quân.  Cô chờ em ra trường, em cưới cô.  Em thật lòng yêu cô.  Điền

Hồng ngỡ ngàng, không ngờ sự việc có thể xảy ra như thế này. Từ lâu, trong những lần thầy trò sinh hoạt xã hội chung với nhau, thỉnh thoảng nàng bắt gặp ánh mắt trìu mến của Điền nhưng nàng cố tình bỏ qua, nghĩ rằng đó chỉ là một tình cảm bất chợt, đến rồi đi của tuổi học trò.  Nàng nhắm mắt lại, nghĩ đến mối tình ngang trái của mình, thầm thì than thở: 
- Quang ơi, anh có thấy không, học trò của em gan cùng mình, không sĩ diện hão, "Yêu ai cứ bảo là yêu."  Nó bảo nó sẽ cưới em kìa.  Chờ nó thành pilot phải mất gần cả chục năm nữa.  Khi ấy, em đã thành một cô gái già, không biết chừng đó, được các hồng nhan vây quanh, nó còn nhớ tới em không hay là giống như anh vậy, quên mất em rồi!  Ông Trời ơi, trêu ngươi chi lắm Ông ơi!  Em chờ thư người này lại nhận được thư người khác, chờ một lời đính ước của người này lại nhận được của người kia.  Chao ôi! Từ giờ trở đi làm sao em đối mặt với nó đây!  Cũng may sắp sửa tới hè, sang niên khóa mới nó lên lớp, em không còn dạy lớp nó nữa, khỏi phải đối mặt thường xuyên.  Hi vọng xúc cảm bồng bột ban đầu của tuổi dậy thì theo thời gian và sự trưởng thành sẽ tàn phai.   

 Hồng còn đang than thở cho thân phận mình bỗng nghe tiếng Phương về tới nhà.  Nàng vội vã giấu bức thư.  Nàng cảm thấy mình bị xúc phạm vì cậu học trò này đã ngang nhiên “yêu” chứ không xem nàng như một người Thầy.  Nàng đâm ra xấu hổ với Phương, sợ bạn cười mình dạy dỗ thế nào để học trò coi thường cô giáo như vậy.  Hồng xuất thân từ một ngôi trường rất trọng luân lý Khổng Mạnh.  Trong nền luân lý này người Thầy (Sư) được xếp hạng trên cha mẹ (Phụ) một bậc, vậy mà Điền dám “yêu” nàng,  xem nàng ngang hàng với cậu ta.  Nàng xấu hỗ vì "bị" học trò yêu và bị người mình yêu khước từ tình yêu, chứ nàng không nhận thấy thầy và trò có cùng tâm trạng bị người ta “phụ hoặc thờ ơ chẳng biết" để mà đồng cảm với nhau.  Từ đó, nàng đâm ra cáu gắt, trở nên lầm lì, vào lớp mất đi nét tươi vui hằng ngày. Nàng lập nghiêm, vẽ lằn ranh giới rõ rệt giữa thầy và trò,  để bọn nhóc ngồi dưới nhận ra chúng là “trò” và chúng hãy đứng yên trong vị trí “trò” của chúng.  Khi ấy, Hồng nhớ tới thầy Châu dạy Sử Tây Phương của mình, nàng mới hiểu tại sao ngày xưa lúc nào thầy cũng "đóng bộ" và nàng thấy mình cảm thông với thầy nhiều, thật nhiều. 

3.

Trên đường về Sài Gòn nghỉ hè, Hồng ghé thăm cha mẹ Quang, tiện thể hỏi thăm ông bà về cuộc sống hiện tại của anh.  Sau khi biết anh vẫn còn ở đơn vị cũ, Hồng mua vé máy bay đi Đà Nẵng.  Nàng đến nhà chú thím Cảnh, một gia đình quen thân ngày xưa.  Mỗi khi Hồng và các bạn từ Huế vào Đà Nẵng chơi đều được chú thím dang tay tiếp đón.  Cảnh vật Đà Nẵng không thay đổi, phi trường vẫn nhộn nhịp, ồn ào.  Cảnh vật đã kéo tâm tư Hồng trở về chuyến bay quân sự định mệnh ngày xưa thật rõ nét.  Hình ảnh Hưng, Sang vui vẻ đượm chút cợt đùa, phong cách nghiêm trang như một ông giáo già của Quang làm lòng nàng xao xuyến, những lần nàng theo Quang quá giang trực thăng đi Tây Lộc - Đà Nẵng - Tây Lộc, những ngày cùng chàng dung dăng dung dẻ ở Bến Ngự, Đà Nẵng, ngày cuối cùng ở Huế, và lời khuyên lầm lẫn của bà hàng nước chợ Đông Ba... Ôi, kỷ niệm tràn về như nước lũ làm  Hồng nghẹn ngào, nghẹt thở.
Thím Cảnh là một phụ nữ rất tinh ý. Thấy thần sắc của Hồng không được tươi tắn lắm, thím nhận biết ngay nàng có chuyện không vui cần giúp đỡ.  Nhân dịp  hai người ngồi riêng với nhau, thím khơi mạch sầu của nàng và nàng trút bầu tâm sự, nhờ chú thím tìm cách giúp nàng  gặp Quang.  Thím sốt sắng hứa:
- Để thím nói với chú tìm cách giúp cho nhưng  coi bộ không dễ gặp nếu anh chàng quyết tâm trốn cháu.  Chú là sĩ quan nên có thể đưa cháu ra vô phi trường dễ dàng. Nhưng vào Cư Xá, nó khóa cửa nằm trong... "vắng nhà," vào phi đoàn thì... "đi bay rồi," tới lui nhiều lần, nó càng trốn lẹ, không ích gì.  Để thím bàn với chú xem sao.  Có thể chú có cách nào khác hay hơn.   
Chiều hôm ấy, khi chú Cảnh về đến nhà, thím kể ngay chuyện của Hồng nhờ chú giúp.  Chú thông cảm nhưng không khỏi  thắc mắc:
- Phi Đoàn Trưởng của nó là bạn của chú.  Nếu cần chú nhờ anh này sắp xếp một cuộc gặp gỡ tình cờ cho cháu.  Nhưng mà này, mấy anh chàng pilot đào hoa lắm.  Có khi nào cháu nghĩ rằng nó đang cặp bồ với một người nào khác rồi không?  Hay là nó đã hết yêu cháu?  Vậy cháu liệu xem sau khi gặp, có thay đổi được tình cảnh không?
Hồng lại nghĩ khác, nàng đang lo lắng đến sự an nguy của Quang nên đau khổ trả lời:
- Dù sao đi nữa, cháu cũng muốn gặp anh ấy lần cuối.
- Thôi được, để chú gọi phôn nói chuyện với anh Bình, Phi Đoàn Trưởng của nó, trước đã.
Chú Cảnh quay điện thoại ngay cho ông Phi Đoàn Trưởng của Quang, kể qua sự tình rồi chú lắng tai nghe đầu dây bên kia.  Một hồi lâu sau, chú đáp:
- Vậy thì khoảng 7 giờ tối, "moa" tới nhà "toa" để “toa” nói cho cháu nó nghe  trực tiếp, OK?
Sau đó, chú vào phòng nói chuyện với thím một lúc lâu.  Cơm chiều xong, thím ôm vai Hồng nói:
- Cháu đi với chú thím gặp Phi Đoàn Trưởng của nó để biết về nó. Chuyện gì cũng do số mệnh mà ra cả.  Điều mà mình tưởng là họa biết đâu lại chẳng là phúc cho mình, và ngược lại đó cháu! 
Nghe chú thím Cảnh nói, Hồng cảm nhận một chuyện không lành nhưng nàng cũng cố lấy bình tĩnh theo chú thím lên xe.  Gặp Hồng, ông Trung Tá Phi Đoàn Trưởng của Quang vòng vo khen ngợi anh là một sĩ quan năng động, có trách nhiệm cao, tốt bụng, hay giúp đỡ đồng đội, can đảm, nhiệt tình.... Tai Hồng lùng bùng, không nghe ông ta nói được gì thêm, nàng ngồi lặng im, tâm trí tưởng tượng anh trong một thân thể khi chỉ có hai chân, khi thì hai tay "vắng mặt',  khi mù lòa sờ sẩm đi trong bóng tối... mà thất thần.  Thấy vậy, thím Cảnh lay nhẹ vai nàng bảo:
- Cháu à, nó không xứng đáng cho cháu thương yêu đâu.
Chú Cảnh tiếp lời:
- "Toa" kể hết mọi chuyện cho nó biết đi.  Thuốc đắng giã tật mà.
Ông Trung Tá hớp một ngụm nước, tằng hắng vài tiếng.  Xong, ông hạ giọng nói:
- Nó được chúng tôi xếp vào loại những quân nhân có nếp sống đàng hoàng nhưng… từ sau khi bị thương tưởng chết vào Tết Mậu Thân, nó đâm ra sống bạt mạng, đêm nào không trực ở Phi Đoàn thì "trực" ở vũ trường.  Mấy anh chàng không quân có ai mà không mê nhảy nhót.  Tới mấy chỗ đó thì làm sao khỏi bị  các “ma nữ” vờn.  Đám đàn ông Không Quân của bọn tôi không đứa nào là Liễu Hạ Huệ* cả, cô à!  Mỡ đến miệng mèo làm sao nhịn được.  Kết quả là có một cô nàng đến tìm tôi, bảo rằng cô mang bầu với nó và nó trốn biệt tăm mấy tuần lễ nay rồi.  Cô ta nhờ tôi tìm người cha "đi lạc" cho đứa con trong bụng của cô...

----------------------------------------
Chú thích:
* Liễu Hạ Huệ (720-621 BC) thời Xuân Thu, tên chữ Triển Cầm, tự là Quý, người vùng Liễu Hạ thuộc nước Lỗ (Trung Quốc).  Ông nổi tiếng là chính nhân quân tử.  Truyện kể rằng một hôm ông nghỉ đêm ở ngoài thành, có một nữ nhân trẻ đẹp cùng trọ, bị cảm lạnh rét cóng.  Ông đã cởi áo mình khoác lên cho cô ta mà vẫn không đủ.  Cuối cùng ông phải ôm cô ta vào lòng để chuyền hơi ấm cho tới sáng.  Ông đã giữ được mình, không phạm điểu phi lễ.
------------------------------------

Nghe tới đó, mắt Hồng tối sầm lại, nàng ngồi thẫn thờ, không nói được lời nào.  Thì ra Phương nói đúng, chú Cảnh nghĩ đúng, chỉ có nàng là chủ quan, thần tượng hóa người mình yêu, cho rằng mình là người duy nhất trong trái tim của chàng nên mới gặp cảnh bẽ bàng hôm nay.  Hồng nhớ lại câu ca dao nàng đã từng đọc cho học trò nghe ngày nào và đặt mình vào hoàn cảnh người bị tình phụ mà cảm nhận hết sự cay đắng của mình:

"Tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài,
Ai ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây."

Khi ra về, Hồng bỏ ý định gặp mặt lần cuối với Quang và xin Ông Phi Đoàn Trưởng đừng tiết lộ việc nàng ra tận Đà Nẵng để tìm anh.  Trên đường về nhà, chú thím Cảnh giữ im lặng để cho nàng chìm đắm trong nỗi giận hờn, mất mát niềm tin của nàng.  Tới nhà thím mới an ủi: 
- Biết đâu điều mình tưởng họa lại là phước cho mình.  Cháu đừng buồn.  Hãy lấy những bất như ý mình gặp làm kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống của mình. 
Chú khuyên Hồng, rất thực tế:
- Cháu à, thiếu gì người đàn ông tốt hơn anh ta rất nhiều.  Bỏ quá khứ đi, hãy lo cho bản thân và tương lai của mình.  Chú mong sớm nhận được thiệp hồng của cháu với người đàn ông thương yêu cháu hết lòng.

Thế rồi mùa tựu trường năm đó, Hồng trở về Châu Đốc dạy học, nàng quyết tâm vất lại Quang cùng kỷ niệm sau lưng.  Khi xe chạy ngang Long Xuyên, nàng ghé lại, đi đến công viên nơi bờ sông.  Nàng xếp một chiếc thuyền giấy thả xuống và nói với dòng sông:  “Dòng An Giang ơi, ngày xưa nơi này là ‘chứng nhân’ cho mối tình đầu đời của tôi với anh Quang.  Hôm nay cũng xin làm chứng tôi trả thuyền tình này lại cho anh ấy…”



Vào niên học mới, nàng bước vào cuộc sống mới với niềm vui nghề nghiệp, đón nhận tình yêu mới với Xuân.  Mỗi khi hình ảnh Quang hiện về, nàng an ủi mình bằng câu nói của thím Cảnh để thấy rằng mình may mắn, không lấy phải anh chàng "bạc tình lang", khỏi phải hát ru câu:  "Gió đưa bụi chuối sau hè, Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ."  Tuy vậy, mỗi khi nghe tiếng trực thăng bay trên bầu trời đôi mắt nàng vẫn ngước trông theo. Giận thì giận mà thương thì cứ thương?!  Nàng nhớ lại câu nói “độc mồm độc miệng” của mình  khuyên Ngọc khi cô bạn này bị phụ tình: "Cái thứ bạc bẽo đó, hơi đâu mà thương mà tiếc.  Bỏ cho chó gặm đi!"  Nói thì dễ, thực hành sao khó quá!  Rồi nàng lại tự an ủi “thời gian là thuốc tiên” sẽ chữa lành mọi tâm bệnh.
Cuối cùng, dưới sự thúc hối của gia đình, Hồng lập gia đình với Xuân, người yêu thương mình, bỏ lại sau lưng người mình thương yêu cùng những kỷ niệm hoa mộng của thời cắp sách.  Sau đó, nàng thuyên chuyển nhiệm sở theo chồng, cố loại ra khỏi tim óc của mình những vùng đất quê hương đầy kỷ niệm, nơi nàng đã sống vui vẻ trong quá khứ... 



Không có nhận xét nào: