Chương 3
Có Trăm Lần Vui
1
Trong lúc chờ tới giờ thi cuối niên khóa môn Sử
Tây Phương của thầy Châu, Minh Tuyết và Hồng tìm một chút khí trời mát mẻ
dưới tàng cây rậm nơi sân trường. Hai cây quạt giấy làm
việc hết “công suất” mà hai nàng vẫn cảm thấy nóng như đứng trước lò
than, phồng mang trợn má thổi lửa. Tiếng hát buồn lê thê từ máy
truyền thanh nhà bên cạnh trường vẳng sang: "Đường
vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn..." Vậy mà hai nàng nghe không cảm thấy thi vị gì cả.
Minh Tuyết rất thực tế, cười khẩy rồi lẩm bẩm nói:
- Mấy ông nhạc sĩ chuyên
phóng đại. Vui chỉ có một phần trăm của buồn thì tại sao thiên hạ cứ đâm
đầu vào yêu? Mầy thấy đó "em" Ngân Trang là người mặt mày lúc
nào cũng lạnh như cục nước đá, nhưng từ ngày có chàng sinh viên Luật Khoa kè kè bên
cạnh, tao bắt gặp "em" cứ tủm tỉm cười một mình hoài,
trông phát... ứa gan!
- Mầy không có ai rồi tức hả? Nó học thêm
bên Luật chớp được anh Luật sư tương lai. Người xổ nho chùm, người xổ hết
luật rồi lệ ra để đấu lý, coi bộ vui hỉ. Còn Văn Khoa với Viện Hán Học
của ta giống như tay mặt tay trái. Hai tay này không đánh
nhau đâu mà sợ vạn lần buồn. Kẻ thì ư ử:
"Thiên địa phong trần,
Hồng nhan đa truân,
Du du bỉ thương hề
Thùy tạo nhân..."
(Chinh Phụ Ngâm Khúc- Đặng Trần Côn)
Người thì ngâm nga:
"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này..."
(Chinh Phụ Ngâm Diễn Ca- Đoàn Thị Điểm)
Cả hai hạp nhau dữ đa! Mi kiếm một anh Văn Khoa cho có với người ta, khỏi ứa gan nữa.
Minh Tuyết đáp:
- Tao đã nói rồi, tao chỉ thích về quê Mỹ Tho ăn hủ tiếu thôi.
Cơm hến, bún bò Huế cay lắm, tao sợ. Còn mầy, "chuyện tình
dưới mưa" tới đâu rồi? Anh chàng Văn Thầy Đồ Nho làm thơ tình
toàn nước mắt của mày đang ngồi ngắm ruồi làm thơ trong lớp
kìa. Trông anh tội chưa tề!
- Anh ta rút êm rồi. Có lẽ
bữa đó tao phản ứng hơi nặng, Thu Sầu báo cáo sao đó mà anh
im hơi lặng tiếng.
- Còn anh chàng Mắm Bà Giáo Thảo của mày ra sao
rồi, có gì hấp dẫn không?
- Tao mới được một lá thư hết sẩy. Thôi, không đưa mầy đọc đâu. “Quê” cho tao lắm.
- Từ trước tới giờ tao không giấu chuyện gì với
mày cả. Sao mầy lại giấu tao? Không phải bạn hiền rồi nha.
Hồng ra điều kiện:
-Tao đưa mày đọc, nhưng phải hứa là không cười
tao, không cho ai biết cả.
- Ừ, hứa.
Hồng mở cặp, đưa bức thư của Vũ mà nàng mang
theo cả tuần nay cho Minh Tuyết đọc.
Trong thư cũng chỉ là một bài thơ.
Ôi chao! Sao ai cũng biết làm thơ
duy một mình Hồng là dốt thơ quá!
Nhớ
Người Gia Long
*
"Đêm nay ứng chiến, đêm mai gác,
Còn có đêm nào nhớ tới em...?"
*
Dù thư em trách êm đềm
Cũng là chua xót làm mềm lòng
anh.
Ba lô súng đạn dã hành
Mang theo hình bóng người tình Gia Long.
Ai mong thỏa chí tang bồng
Anh tập canh giữ giấc nồng em say.
Một ngày rồi lại một ngày
Một hai ba bốn nhịp giày đều chân.
Tập cho quen với phong trần
Rèn cho chân cứng đá mòn là đây.
Những đêm dã chiến đọa đày
Bi đông hết nước môi mày héo khô.
Dáng em thấp thoáng mập mờ
Anh lao vút tới cơ hồ thiêu thân.
Đạn cày mìn nổ dưói chân
Mục tiêu đã chiếm thiên thần anh đâu.
Bập bùng ánh sáng hỏa châu
Mắt em tỏa sáng tình đầu mong manh.
Tương lai ước mộng bại thành
Tình anh vẫn mãi một mình em thôi.
nvs.Vũ Thụy
Đọc xong Minh
Tuyết hỏi:
-Mèn ơi, mi làm hai câu thơ trách móc “tình” quá làm chàng không
hồn xiêu phách tán sao được?
- Tao mà làm được thơ cho tao cùi sứt móng. Tao chỉ viết thư thôi, ảnh “hô biến” thành
thơ đó.
Minh Tuyết trêu Hồng:
- Ôi chao!
Thơ lãng mạn dễ sợ! Anh chàng này
miệng ngọt như mía lùi. Thực tập ở quân
trường, anh chàng biết đạn giả nên lì đòn kiểu đó, chứ đánh giặc thực sự mà không thấy giặc, chỉ
thấy “em” ở mục tiêu thì… chỉ có từ chết tới bị thương thôi! Làm quả phụ sớm đó… em. Mày trả lời thư chưa?
- Chưa.
Biết nói gì bây giờ? Chỉ là một
bài thơ, chứ có phải một bức thư tỏ tình chính thức đâu mà trả lời trả
vốn. Tao lại không biết làm thơ nên làm
sao có thơ đáp lễ được? Không chừng ảnh
đang vừa ngồi với một người đẹp ở phòng trà vừa làm bài thơ đó cho tao.
Minh Tuyết cười trêu tiếp:
- Hờn giận rồi hả bạn? Đừng lo.
Ngồi với người đẹp thì còn hồn vía đâu mà làm thơ? Kiểu này là anh chàng bị giai nhân không cho “canh giữ giấc nồng em say” mới làm thơ
được và vớt vát lại bằng câu “Tình anh
vẫn mãi một mình em thôi” để lấy lòng em gái Gia Long. Xạo đó, đừng tin.
- Mày khó
tính quá! Hèn chi có mấy cặp mắt theo
dõi mày mà không ai dám bén mảng đến gần.
Bị chạm nhược điểm, Minh Tuyết bèn nói lảng:
- Mặc kệ tao! Lo chuyện thi cử đây nè. Hôm nay, ráng làm bài cho nhanh, ra về sớm một
chút để hai đứa mình còn sang Văn Khoa xem lịch trình thi nghen.
Hồng chưa kịp đáp lại thì Minh Tuyết nháy
mắt ra hiệu. Chị Hai và Ngọc, hai người đang "đường vào tình yêu có vạn lần buồn," bước vô cổng với vẻ
mặt như
hoa mùa hè thiếu
nước. Minh Tuyết nắm tay Hồng bước tới, toan tìm cách nói vài lời
thông cảm vừa
lúc thầy Châu bước vào trường. Thầy còn
trẻ, lớn hơn sinh viên không bao nhiêu tuổi nên đi dạy thầy luôn luôn vận
com-lê để ra vẻ một người thầy. Dáng
thầy gầy và cao, đi xe đạp đòn dông cũ, áo vét ủi thẳng, sơ mi trắng toát, cà
vạt hợp thời trang, giày bóng loáng, tóc tai tươm tất. Trông thầy rất đạo mạo, oai nghiêm nhưng lại
là một ông thầy chịu chơi nhất trường.
Chịu chơi ngầm thôi nhưng ai cũng biết!!! Có lẽ vì chịu chơi quá nên thầy không tiền
mua xe gắn máy. Bốn mùa thầy đều ăn mặc
như vậy, bất kể mưa rào hay mưa dầm, gió heo may hay gió bão, nắng ấm hay nắng
đổ lửa.
Minh Tuyết nói nhỏ vừa đủ cho
Hồng nghe:
-Mùa hè mà thầy mặc com-lê, đi xe đạp đòn
dông cũ dưới cái nắng toé lửa của xứ Huế, thật thảm làm sao! Hì hì hì...
Như đã hẹn trước hai cô kết thúc bài thi
sớm, không cần điểm cao chỉ cần đủ điểm để lên lớp và có học bổng, còn dành
thời giờ cho bên Văn Khoa nữa. Ra khỏi
lớp, Hồng định tạt vào văn phòng để lấy thư (nhà trường ưu ái đám
sinh viên xa nhà nên cho phép dùng địa chỉ trường để nhận thư) Minh Tuyết bỗng đề nghị:
- Hồng này, còn sớm, mày canh chừng để tao
xì bánh xe đạp thầy Châu cho thầy te tua với cái nắng
mùa hè một bữa.
Hồng nhìn quanh quất, sân trường vắng lặng,
chỉ có hai cô. Có lẽ bị ma ám nên nàng hưởng ứng nhiệt tình, không chút do
dự. Xong việc, cả hai vào văn phòng lấy thư. Hôm ấy Minh
Tuyết được thư bảo đảm của gia đình gởi tiền cho xài nên rất hí hửng,
miệng cười toe toét. Hồng được hai lá thư: một từ Quân Trường Không Quân Nha Trang của
Quân, một người anh họ thân thiết với nàng như anh em ruột, và một lá thư không
đề địa chỉ người gởi, chỉ trơ trọi tên Lữ và con dấu bưu điện tỉnh
Pleiku. Bấy lâu nay một số sinh viên lên đường nhập ngũ, trong số
có sư huynh Lữ của những ngày Hồng mới đến đất Thần Kinh này. Sư huynh ra
đi, không một lời từ giã. Bây giờ từ chiến trường anh gởi về
cho Hồng một lá thư. Nàng cất thư của sư huynh vào cặp, mở thư của
anh Quân ra đọc trước. Hồng và Minh Tuyết đứng tựa cửa sổ ở
văn phòng vừa đọc thư, vừa
ngó chừng ra sân. Minh Tuyết ghé mắt vào bì thư của Hồng, tò mò hỏi:
- Này "em", "em" có người
yêu là Người Hùng Trên Không hả?
- Bậy mày, anh tao đó. Có muốn làm chị dâu
tao, ăn mía Hiệp Hòa thả giàn thì hè này trên đường về, ghé Nha Trang một
vài bữa ‘xem mắt’ anh tao. Ảnh đang thụ huấn quân sự nên than buồn,
than cực khổ... cần người an ủi, khích lệ tinh thần đây nè.
- Ghé lại thì ghé, sợ
gì. Tao có con bạn học Văn Khoa gốc Nha Trang, tụi mình có thể tá túc một vài ngày được. Mình du
ngoạn, ngắm cảnh, xem di tích Chàm cho thỏa thích.
- "Nhất
ngôn ký xuất, Tứ mã nan truy." * Nhớ nghen.
Tiếng chuông reng báo hiệu hết giờ thi.
Sinh viên túa ra, tụ hợp bàn thảo chuyện bài thi. Minh Tuyết
và Hồng nhào vô góp lời. Thầy Châu bước tới xe đạp, thấy bánh
xe bị xì hơi, mặt thầy... hết đẹp trai. Thầy buồn bực và thiểu não dẫn xe
đạp dưới cái nắng đổ lửa để tìm chỗ vá lốp. Minh Tuyết và Hồng đưa
mắt nhìn nhau mỉm cười thú vị. Ngay lúc đó, chợt
nghĩ tới Bến Ngự, nơi tọa lạc của Viện Hán Học mấy năm sau này, không
có chỗ nào bơm vá lốp xe đạp, mãi tận Đông Ba mới có, Hồng liền
bị mấy cái răng của lương tâm cắn cho vài phát đau điếng. Bước ra cổng, nhìn theo cho đến khi dáng thầy
khuất ở khúc quanh cuối đường, Hồng mới nói nhỏ với Minh Tuyết:
- Thôi, hỏng rồi. Kiểu này có lẽ thầy phải
dẫn bộ về nhà. Nhà thầy ở tận Đập Đá, xa đây lắm. Tụi mình chơi ác
quá!
- Ừ nhỉ, tao quên mất ở gần đây không có chỗ nào
sửa xe đạp. Bây giờ phải làm sao?
Hồng tiếp:
- Thì xin lỗi thầy chứ sao. Chờ vài ngày
cho cơn giận của thầy dịu xuống, chúng ta đến xin lỗi thầy. Mầy là chính
phạm, mầy nói trước nghe. Tao, tòng phạm, sẽ nói sau.
----------------------------------
Chú thích:
*Một lời đã nói ra rồi thì con ngựa Tứ cũng
không đuổi kịp. Tứ ở đây là con ngựa Tứ đời nhà Châu nổi tiếng chạy nhanh
nhất, không con thú nào đuổi kịp. Chữ Tứ viết một bên
chữ "tứ" có nghĩa là “bốn” để hài âm, một
bên chữ "mã" nghĩa là “con ngựa” để diễn nghĩa.
Hai cô lủi thủi về nhà. Hồng mở thư của sư huynh Lữ ra đọc. Trong thư anh gởi cho nàng một bài thơ ngắn tựa đề là Nhớ Áng Mây Hồng và hỏi thăm "Em đã đọc được Tì Bà Hành chưa?" Thế thôi.
Bài
thơ được viết nắn nót đẹp mắt:
"Tình ta là một con
sông
Vì em nghiêng bóng nghẽn dòng nước trôi.
Đời ta là cánh Chim Trời
Nhớ ngàn Mây ấy có đời nào quên!"
(Lữ)
Lá thư vỏn vẹn có mấy dòng mà nói lên thật nhiều
tâm tư tình cảm làm Hồng xao xuyến cả lòng. Nàng ngồi ngẩn ngơ
một lúc lâu, chợt nhận thấy mình biết cảm xúc khi đọc thơ. Khúc phim dĩ
vãng lúc mới nhập học được quay lại. Nàng ân hận đã bỏ quên anh
trong đống sách vở của nàng bấy lâu nay. Hồng bần thần lục
tìm quyển Tì Bà Hành anh tặng năm xưa. Nhìn nét chữ vuông vắn, ngay
ngắn, đều đặn của anh, bây giờ có học, có tập viết chữ Hán bằng bút
lông nàng mới biết anh mất nhiều thời giờ và công sức mới hoàn thành được
quyển này. Động lực nào thúc đẩy anh làm như vậy, riêng cho nàng,
chỉ một mình nàng mà thôi? Vậy mà nàng không có một ánh mắt
nhìn thông cảm khi thấy anh ngồi lặng lẽ theo dõi bước chân mình. Hình như nàng cũng không có
một tiếng cám ơn khi nhận sách vì anh vội vàng quay đi trong khi nàng
đang còn ngẩn ngơ. Một nỗi ân hận tràn vào tâm trí. Hồng
thầm thì nói với bức thư: "Lúc đó
em còn khờ và dốt lắm anh ạ. Cầm quyển sách mà có đọc được chữ
nào đâu,
còn cái tựa Tì Bà Hành thật lạ hoắc với em. Em đã phân vân tự hỏi
không biết đến bao giờ mới đọc thông suốt. Tặng sách làm chi mà
sớm quá vậy? Bây giờ sau ba năm học tập, em đã biết giá trị của
quyển sách và tình cảm của anh biểu hiện qua công phu chép sách thì… chiến
trường anh biệt tăm. Anh không cho địa chỉ, em biết đâu mà
hồi âm?"
Nghe Hồng lầm bầm,
Minh Tuyết tròn mắt nhìn, Hồng đưa thư cho Minh Tuyết đọc. Đọc xong,
Minh Tuyết buông "một nhát dao lạnh lùng:"
- Muộn rồi! Chờ kiếp
sau vậy. Ồ!... Nhưng kiếp sau biết có hay không để mà chờ!
2.
Đợi kết quả
thi cử xong xuôi, hai
nàng mới dám tìm thầy Châu tự thú chuyện chơi dại của mình. Thầy không tin, vì có lẽ ở Huế lúc đó không
có cô nào dám chơi trò nghịch ngợm như vậy và lời tự thú của hai nàng có lẽ
thiếu chân thành chăng. Thầy nói: "Tôi biết không phải mấy chị mà là
người khác." Chao ôi! Anh nào bị thầy nghi oan vậy? Tuy
nhiên Hồng cũng vớt vát ba chữ "thiệt mà thầy" cho lương tâm
ngừng cắn rứt. Thầy không tin, hai cô cũng không dại
gì khăng khăng ôm tội vào người, lỡ bị lên văn phòng gặp thầy Giám Học cho một
bài học Luân Lý Giáo Khoa Thư thì bẽ mặt lắm. Dầu sao đi nữa, lương tâm
của cả hai cũng được ru ngủ bởi sự tự thú này.
Thi xong, kết quả khả quan,
thoải mái trong lòng, Minh Tuyết và Hồng soạn vài chiếc áo dài đắc ý nhất,
hớn hở lên đường quy cố hương sau hơn chín tháng ròng rã với sách
đèn. Trên đường về, hai cô dừng chân hai ngày cuối tuần ở Nha
Trang, trước là để ngắm cảnh, hưởng gió mát trong lành của biển cả, sau là
ghé thăm anh Quân của Hồng đang thụ huấn ở Quân Trường Không Quân.
Chị Hai đang có "nội
chiến" từng ngày không biết chọn ai, một người đã có nhiều kỷ niệm nhưng cha mẹ không bằng lòng, một người đang xây đắp
từng ngày tình yêu và kỷ niệm với chị. Minh Tuyết chưa có ai tỏ tình và
Vũ vẫn chưa phải là người yêu của Hồng nên có thể nói hai nàng chưa biết tình
yêu mặn ngọt như thế nào. Hai kẻ ngu ngơ
trong đường tình ôm quan niệm tình yêu tuyệt đối, "yêu ai yêu cả
một đời" và không bắt cá hai tay. Bị hai cô nàng này phản
đối, chị Hai có vẻ giận nên tách rời không đi chung. Với quan niệm
kẻ phản bội không có đất đứng trong trái tim, hai cô đã làm kẻ
"gỡ rối tơ lòng" cho Ngọc nên sau mấy tháng trùm mền khóc
mùi mẫn, bây giờ Ngọc cũng đang có niềm vui mới. Ai cũng có mối tình vắt vai, chỉ hai kẻ cô đơn còn lại là Minh Tuyết và Hồng nên
hai nàng hợp nhau cùng về chung. Vả lại, Hồng cũng muốn
lãnh "đầu heo" của người anh Sinh Viên Sĩ Quan Không Quân
của nàng.
Đến Nha
Trang hôm trước, sáng sớm hôm sau vào ngày Chúa Nhật, hai nàng thả bộ dọc bờ
biển vừa hóng gió mát vừa đi đến quân trường. Dọc đường các
sinh viên sĩ quan trong quân phục thẳng nếp cùng với các tà áo dài muôn màu
sắc bay phấp phới song hành trông tình tứ lãng mạn làm sao! Cổng
quân trường đã có nhiều người hùng đang lượn qua đảo lại
chờ giai nhân. Thấy anh mình từ xa, Hồng vừa cười, vừa líu lo kêu tên, vừa
nhảy chân sáo tiến tới định nắm lấy tay anh, bỗng... nàng khựng lại. Bên cạnh anh, một anh
chàng dong dỏng cao, đầu húi gần như trọc, da sạm nắng gió Nha Trang,
đang nhìn nàng với ánh mắt cười cười một cách thú vị. Một cú
giáng bất ngờ! Anh ta không chờ giới thiệu, lên tiếng trước:
- Chào cô bé, tôi tên Đông, hân
hạnh được quen biết với Hồng. Tôi là bạn thân với anh cô, nên mạn phép gọi cô là em.
Một
cú giáng thứ hai! Hồng tròn mắt nhìn anh ta, nàng vừa ngạc
nhiên sao trong hai cô anh biết ai là Hồng, vừa giận trong lòng vì không những
anh dám gọi mình là cô bé, mà còn đòi gọi là em nữa chứ. Hồng
xẵng giọng trả lời cộc lốc: "Không dám!" Trả đủa
được một, nhưng Hồng vẫn còn ấm ức vì anh ta vẫn dẫn đầu một
bàn. Hồng quay sang anh Quân, hạ giọng ngọt ngào hơn ngày thường:
- Anh Quân nè, đây là Minh Tuyết
người bạn ăn cùng mâm, ngủ cùng giường... ơ ... ơ, không phải... cùng bộ ván
gỗ... thì đúng hơn, với em suốt mấy năm nay.
Anh chàng Đông vẫn với nụ cười mỉm trên môi, lịch sự xen
vào chào trước.
- Chào cô Minh Tuyết, hân hạnh được làm quen với
cô.
Thật là dễ giận, gọi Minh Tuyết là cô rất
lịch sự, còn nàng là cô bé. Anh ta lại dẫn đầu hai bàn nữa rồi!
Sau màn chào hỏi ra mắt nhau, anh Quân ý
tứ đi gần Minh Tuyết để Đông lúc nào cũng kè kè bên cạnh
Hồng. Hai anh dẫn hai nàng ăn sáng, sau đó đi thăm viếng
Hải Học Viện, Hòn Chồng Hòn Vợ, Tháp Chàm... Trong suốt hành trình du
ngoạn trong ngày, Đông đã khéo léo kể chuyện quân trường cho hai
cô nghe. Chuyện Đi Dây Tử Thần
của anh gay cấn, hồi hộp đã thổi bay mất cơn hờn mát trong Hồng.
Tiếng cười dòn tan của nàng cùng nét mặt hổi hộp, ánh mắt
lo âu theo dõi câu chuyện đã xóa tan bầu không khí xa lạ lúc đầu.
Khi chia tay, anh Quân và Minh Tuyết trao đổi địa
chỉ. Hồng nói thầm: "Ôi chao! Anh tôi cũng khéo tán gái
dữ! Không biết khi dự tuyển sĩ quan cho Không Quân, các anh có
phải qua một cuộc khảo sát
tâm lý không mà sao ông nào cũng được "lòng dân" hết vậy
nè!" Bên cạnh Hồng, Đông xuống giọng:
- Cho anh xin địa chỉ của em.
Được
dịp, Hồng vớt lại một bàn:
- Không biết. Xin phép anh Quân
của em í.
- Keep in touch (Giữ liên lạc), nghe em.
Chu choa ơi, lại xổ tiếng Anh. Tuy học Anh
Văn là sinh ngữ hai, nhưng Hồng không đến nỗi tệ để không hiểu được
nghĩa câu nói đó. Nàng "thừa thông minh" để hiểu được
cả ẩn ý của anh chàng nữa. Nàng vớt thêm một bàn để thủ
huề, liền ra vẻ ngu ngơ hỏi:
- Anh Đông nói gì, em không
hiểu. Em học tiếng Pháp mà.
Có lẽ anh ta hiểu con gái
nói có là không, nói không là có, nói vậy không phải vậy, nên anh lại cười cười đáp:
- Để anh Quân giải thích cho em.
Anh ta lại dẫn đầu, tỉ lệ 5-4.
Hôm sau lên xe về Sài Gòn nghỉ hè, không bao lâu, Hồng nhận được thư thăm hỏi của Đông. Lần đầu tiên phải
đỏng đảnh làm cao một chút, chờ Đông viết lá thư thứ hai nàng mới chịu hồi âm. Nhất định phải thủ huề. Không
biết Minh Tuyết như thế nào, cô nàng kín tiếng không nói và Hồng
cũng không hỏi. Chuyện riêng tư của mình, nàng cũng giấu biệt bạn.
Thế rồi mấy tháng hè thư qua thư lại, cũng chỉ được dăm ba cái, vì
thư qua đường bưu điện không bao giờ nhanh. Mùa tựu trường của
hai nàng cũng là lúc các anh lên đường sang Mỹ thụ huấn phần chuyên môn
lái máy bay. Vì vậy, khi xe đò ngừng chạy đêm, nghỉ tại Nha Trang,
hai nàng lòng xao xuyến, bâng khuâng nhớ người.
Lần này ở
Huế, Minh
Tuyết và Hồng lại có thêm mục chi tiêu mới: viết thư ra nước ngoài. Thế nên
hai nàng phải tiết kiệm tối đa, lại nhịn ăn sáng, quà vặt để có tiền
mua tem mà gởi thư. Thư từ cho nhau phải mất thời gian dài
mới đến. Nơi quê người, nhớ quê
hương, Đông đành làm người thua
cuộc trước cái đỏng đảnh của Hồng. Anh viết thư thường xuyên dù có hay
không có thư của nàng. Những lá thư tình chưa ngỏ đã cho Hồng một
cảm giác ngọt ngào chi lạ và thổi bay mất bài thơ tình lãng mạn Nhớ Người Gia
Long của Vũ mà Hồng đã thuộc nằm
lòng.
Đông kể chuyện đời sống khác lạ, văn minh,
tươi đẹp nơi quê người. Anh vẽ tương lai đẹp đẽ với
ngày về góp phần bảo vệ Tổ Quốc, chặn làn sóng đỏ, để cho người dân
xây dựng đất nước và Hồng an lành góp công sức đào tạo thế
hệ trẻ cho Tổ Quốc. Hồng kể cho anh nghe nơi quê nhà đang như dầu sôi lửa
đỏ. Sinh viên, đồng bào Phật tử Huế xuống đường chống Tổng Thống Ngô Đình
Diệm về vụ Phật Giáo. Cha
mẹ Hồng đã thư từ khuyên lơn hầu như năn nỉ nàng đừng tham gia xuống đường
với lý do gia đình ở quá xa, lỡ nàng có chuyện gì ông bà làm sao
lo cho được. Đông cũng khuyên Hồng cẩn thận, coi chừng bị lợi
dụng. Nhìn đám nam nữ sinh viên gốc Miền Nam không ai tham gia biểu tình
hoan hô đả đảo cùng với sinh viên Huế, Hồng nghĩ họ có chung một lý do.
3.
Vừa tới cổng trường, Cẩm
Vân kéo Hồng ra một góc vắng nhỏ giọng:
- Thầy Phó Giám Đốc của chúng ta
bị bắt bỏ tù cùng với toàn thể Khoa Trưởng các Phân Khoa
Đại Học Huế. Nghe đâu hồi tháng 8 - 1963 vừa qua các
vị cùng với các giáo sư đại học ra tuyên cáo chống Chính Phủ vụ Phật
Giáo và đồng loạt từ chức để phản đối. Còn Linh Mục Viện
Trưởng thì bị bãi chức.
- Mình làm sao bây giờ, chị Hai? Về Sài
Gòn hay ở lại đây chờ?
- Từ từ, chờ xem sao đã.
Hồng góp ý với chị:
- Đám sinh viên đang xuống đường phản đối vụ bắt
giam này. Chắc lần này bọn mình phải
tham gia chứ.
- Ừ, phải tham gia để ủng hộ các thầy của
mình. Mặc kệ, tới đâu hay tới đó.
Thế là đám sinh viên của trường nghỉ
học, xuống đường rùm beng. Đại học Huế
đang đứng chênh vênh trên miệng hố. Toàn thể sinh viên như
rắn mất đầu, không biết tương lai đi về đâu.
Hai tháng trôi qua. Tiếp theo là cuộc Đảo Chánh xảy ra ngày
1-11-1963 lật đổ Chính Phủ Đệ Nhất Cộng Hòa. Hôm sau Tổng Thống Ngô
Đình Diệm cùng bào đệ bị thảm sát. Cuộc Đảo Chánh thành công.
Các thầy được thả ra. Đại Học Huế mở cửa trở lại. Sinh viên lại tung hô vang trời. Riêng
Hồng lặng lẽ mặc áo dài trắng ba ngày, để tang cho Tổng Thống
Ngô Đình Diệm, cha đẻ của Viện Hán Học. Nàng
không dám thố lộ cho ai biết, trước khí thế hăng say của người dân xứ
Huế.
Trong mấy tháng xuống đường ủng hộ các thầy,
không phải thức đêm học hành, Hồng được rảnh rỗi mặc sức cho tình thư như
bươm bướm bay. Khi Đại Học mở cửa trở lại, lễ Giáng Sinh cũng sắp
đến. Không khí ngày lễ ở Huế năm ấy trầm lắng, không rộn ràng
như mọi năm. Vừa xong một lớp ở Văn Khoa, Hồng vội vàng phóng xe về
nhà để xem có thư không. Niềm vui của những sinh viên xa nhà là đọc
thư gia đình và thư người yêu. Khi Hồng vừa bước vào nhà, Cẩm Vân
đưa cho nàng tờ Giấy Báo Lãnh Quà:
- Có quà từ Mỹ nè!
Sắp hết giờ làm việc rồi,
chạy ra Bưu Điện gấp đi.
Chưa kịp nghỉ ngơi, Hồng lên
xe đạp vọt lẹ. Bưu điện vào những ngày gần lễ lớn lúc nào cũng
đông, nhưng vì gần hết giờ làm việc nên nàng không phải chờ đợi
lâu. Sau khi nhân viên kiểm tra xong, nàng gói lại cẩn thận, lòng phơi
phới vì được quà của Đông.
Vừa bước vào nhà, cả bọn xúm lại đòi
xem. Chị Hai lên tiếng trước:
-Hồng này, mở ra mau, đừng sợ bọn tao xem
rồi bị mất màu.
Ngọc xen vào:
- "Em" còn đang thưởng thức hương vị
tình yêu đang quẩn quanh quấn quýt bên mình.
Anh chàng này có cái tên nghe sao như có mùa Xuân với màu vàng rực rỡ
của hoa mai lẫn màu vàng thơ mộng của lá mùa Thu đang len lén
vào hồn... ai dzậy.
Một người chen vào nói:
-Xuân đâu mà Xuân, Đông mà.
Ngọc cãi lại;
- Đông là hướng Đông.
Hướng Đông tượng trưng cho mùa Xuân.
Chị Hai xen vào:
- Đông Tây Nam Bắc, Xuân Hạ Thu Đông gì cũng
được cả. Đừng cãi lung tung nữa, để nó mở ra xem.
Rồi cả đám
hát ghẹo:
-
"Mắc cỡ gì mà chẳng chịu lẹ giùm..."
Hồng đành mở hộp quà trước sự nôn nóng
và tò mò của các bạn. Một sợi dây
chuyền vàng nhỏ rức với mặt hình phụ nữ bán thân màu trắng ngà nổi bật
trong hộp trang sức nền nhung đỏ. Hồng đang xúc động
nói thầm: "Cám ơn anh, sao anh khéo chọn món quà
thế" thì có tiếng cười rúc rích của Ngọc vang lên. Vẫn là Ngọc, người lúc nào cũng vui tính, dễ xúc động,
dễ quên, dễ tha thứ, nói như reo:
- Sợi dây chuyền này nằm trên chiếc cổ nõn nà
của... em thì... chao ôi... tuyệt!
Câu nói này làm cho Hồng thêm thích thú. Sợi
dây chuyền vừa xinh đẹp, vừa lạ mắt, chưa chắc đám con gái trong lớp và ngay cả
đám con gái trong xóm có được một sợi giống như vậy, vì nó được mua ở Mỹ
mà dạo đó rất hiếm người được xuất ngoại. Đang sung sướng ngắm nghía
món trang sức, Hà, khóa đàn em, tò mò hỏi:
- Anh chàng Không Quân này là người yêu
của chị phải không? Bí mật dữ
nghe! Em ở chung nhà với chị bao lâu rồi mà không biết.
Nàng e lệ đáp nhỏ:
-Không phải là người yêu đâu. Bạn thân của
ông anh Không Quân của chị đấy. Anh ấy chỉ coi chị như em thôi
mà.
Ngọc, lại là Ngọc, lém lỉnh cắt lời:
-
Chao ôi! Anh mày
cũng khéo kiếm người để... làm anh của mày dữ hén.
Chị Hai xen vào:
-
Này, xạo vừa vừa thôi
nhé. Coi như em mà tặng món quà như thế này. Vậy chứ ông anh mày tặng quà gì cho mày
nào? Hay cũng tặng quà cho "người dưng khác họ"... coi như
em gái, kẹt một chút là... lỡ "đem lòng nhớ thương?" Kể
cho bọn tao nghe duyên kỳ ngộ của mày đi.
Buộc lòng Hồng phải kể sơ qua chuyện quen
biết vừa qua ở Nha Trang, vừa liếc nhìn Minh Tuyết đang đứng im lặng
nhìn nàng tủm tỉm cười. Trên ngực áo của "chị" có đính một
tượng thiên thần làm bằng ngọc trai nàng mới thấy lần đầu. Minh
Tuyết khôn lắm. Chị này - Hồng phải gọi hắn bằng chị cho quen miệng, cứ mày tao hoài có ngày
anh nàng cho giập mỏ - mượn địa chỉ ở Huế của người bạn Văn Khoa gốc Nha
Trang mà hai nàng có dịp tá túc mấy ngày kỳ nghỉ hè vừa
rồi, để nhận thư. Do đó, không ai biết “chị” Minh Tuyết có quà để mà
trêu.
Chao ôi, anh thật sành tâm
lý. Con gái ai mà chẳng thích nữ trang chứ. Hồng đang xúc động vì được món quà như ý, lại
thêm mấy lời chọc ghẹo của bạn bè làm nàng
bối rối và ngẩn ngơ, chị Hai Cẩm Vân lại hạch hỏi:
-Này, làm gì mà ngẩn tò te vậy? Mấy anh
chàng Không Quân như những cánh bướm chỉ lượn vành mà chơi. Không ai chung thủy cả. Cẩn thận
nghe... em. Ai ngu thì chết.
Ngọc cầm sợi dây chuyền đeo vào cổ nàng, dí dỏm
nói:
- Chàng khéo chọn thật, vừa với cổ của
nàng. Từ giờ trở đi nàng mang theo chàng bên người.
Hai ta trở thành "chim liền cánh cây
liền cành." Ha ha ha... tình tứ quá!
Chị Hai Cẩm Vân xen vào:
- Đừng làm nó đỏ mặt chứ.
Hồng năn nỉ:
- Tội cho tao quá, Ngọc à. Thật sự là anh ấy
đâu đã mở lời hay nói xa gần về tình yêu đâu mà bồ với
bịch. Tình cảm giữa anh ấy và tao chỉ giới hạn ở mức bạn bè
thôi. Xin đừng làm um sùm, tao "ốt
dột" lắm. Tao hứa chừng nào có thư tỏ tình sẽ báo cho mày
biết và nhờ mày làm cố vấn viết thư trả lời.
- Nếu không phải là bồ mày thì có ngon, hãy
trả sợi dây "định tình" này lại cho chàng đi.
Chị Hai phản đối:
- Ông bà mình nói: "Bắc thang lên hỏi Ông
Trời, ‘tặng quà’ cho gái có đòi được không?"
Ngu sao mà trả. Đừng trả nghe, Hồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét