Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Tóc Mai - Chương 9: Còn Vương Tơ Lòng

                      Chương 9   
           Còn Vương Tơ Lòng
1.

Một ngày như mọi ngày, kiếp tù đày rất thê thảm trong chế độ Cộng Sản, cứ lặp đi lặp lại  từ ngày này qua ngày khác, tháng nầy qua tháng khác, năm nầy qua năm khác.  Tù nhân làm việc vất vả theo chỉ tiêu chỉ có tăng tới tối đa, chứ không giảm; ăn tối thiểu, chỉ vừa đủ cho khỏi chết.  Đến thời điểm này (1980), nhân dân Miền Bắc và ngay cả bộ đội đã hơn hai chục năm sống trong "Thiên Đường" Xã Hội Chủ Nghĩa, đều  ăn  độn khoai, sắn và bắp triền miên, thì những người tù không bản án như Quang  cũng mùa nào thức nấy triền miên bắp, sắn, khoai.  Hơn năm năm, sức lực các anh bị vắt cho kiệt trong các trại tù mà người Cộng Sản đặt cho mỹ danh là Trại Tập Trung Cải Tạo.  Riêng Quang, anh đã bị đọa đày một năm trong Nam, hai năm rưỡi trên miền Thượng Du Bắc Việt, và hơn một năm rưỡi tại miền Trung Du này. 
Như mọi ngày, trưa nay Quang cùng bạn tù được nghỉ hai giờ đồng hồ để tắm giặt, ăn uống, và nghỉ ngơi.  Lán tù im phăng phắc, anh nhìn qua song sắt, ngắm  áng mây trắng đang lững lờ trôi mà nhớ về một thời tung mây lướt gió đã qua, nhớ những người bạn đã vào lòng đất mẹ, nhớ những người bạn mà bây giờ anh không biết sống, chết, tù đày, hay đã vượt thoát để sống kiếp tha hương khắp bốn phương trời.  Còn anh... đang nằm trong nhà giam rào kẽm gai dày đặc, giữa núi rừng trùng điệp, không một mảy may hi vọng thoát khỏi.  Không gian ngày xưa bao la nhưng nhỏ hẹp đối với anh, còn bây giờ sao anh thấy xa thăm thẳm.  Quang đã bám lấy đơn vị, cùng đồng đội chiến đấu. Tuy biết rằng tình hình đã tuyệt vọng lắm rồi nhưng các anh vẫn xả thân cố gắng cứu lấy Mẹ Việt Nam trong lằn tên mũi đạn khốc liệt vào giờ phút thứ 25, giờ phút Mẹ cần các con nhất.  Đơn vị của anh bị hỏa lực địch dập tơi bời, bao nhiêu chiến hữu của anh đã nằm xuống, anh may mắn thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, để rồi hôm nay sau hơn năm năm vẫn còn nằm trong song sắt như thế này.
Đang miên man nghĩ đến số phận tù đày mất tự do, bị hành hạ cho chết lần mòn trong đói khát, bệnh tật, nhọc nhằn, tủi nhục, rồi sẽ bị vùi thây nơi rừng thiêng nước độc này một cách uổng phí, Quang chợt nghe tiếng mở cửa và tiếng la lớn: "Có thư!"  Tuy nghe có thư nhưng anh không màng đến vì gia đình anh đã bị tống về quê từ lâu, năm khi mười họa vợ anh mới viết một lá thư.  Không cần đọc, anh cũng dư biết nàng nói gì, vì chỉ có một khuôn: ca ngợi chính sách nhân đạo, sáng suốt(!) của các "đỉnh cao trí tuệ"(!), ca ngợi cuộc sống ấm no, độc lập, tự do, hạnh phúc(!) do Nhà Nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa đem lại(!)... Bỗng có tiếng gọi:  "Anh Quang!"  Anh uể oải đứng dậy đi nhận thư.  Anh sửng sốt, bàng hoàng.  Nét chữ trên phong bì lạ nhưng quen.  Lạ vì không phải chữ của vợ anh mà bấy lâu nay anh vẫn nhìn thấy, quen vì đây chính là nét chữ thân yêu ngày nào nhưng nhiều năm qua anh không được thấy nữa.  Mấy năm trong tù nhiều lần Quang âm thầm mong đợi nhìn thấy lại nét chữ thân quen này trong tuyệt vọng... hôm nay bất ngờ nó đến với anh như từ trong giấc chiêm bao.  Tuy đã biết ai là người gởi nhưng anh vẫn liếc qua góc trái, nét bút và tên của Hồng hiện ra chập chờn trước mắt.  Anh cố gắng giữ bình tĩnh bước về chỗ nằm.  Vậy mà Lân, anh bạn đồng tù nằm cạnh, người bạn thân thiết cùng đơn vị với Quang ngày xưa, cũng nhận ra sự khác thường.  Lân hỏi:
- Thư quan trọng hả?
Quang lắc đầu, từ từ nằm xuống, mở thư ra đọc, nhưng anh không đọc được gì hết.  Anh chỉ thấy những hàng chữ loăng quăng, nhảy nhót trước mắt.  Những kỷ niệm của mối tình xưa ngủ yên trong tiềm thức tiếp nối hiện về trong trí óc mệt mỏi của Quang.  Anh thì thầm như có cố nhân hiện diện:  "Mới đây mà thấm thoát đã mười mấy năm xa cách, em vẫn còn nhớ tới anh?  Em không giận anh sao, em?  Anh bỏ em ra đi không thư từ tin tức cho em.  Sao em tìm được địa chỉ anh trong hoàn cảnh này?  Những lúc anh bị thương tật là có em trong đời, em đã cho anh sức sống.  Em có biết sự xuất hiện của em lần này làm anh đau xót và ân hận lắm không?  Em đã tha thứ cho anh nên mới tìm địa chỉ và viết thư cho anh?  Em sống như thế nào?  Có vui vẻ, hạnh phúc như anh mong muốn hay không?..."  Những câu hỏi dồn dập ấy làm tim Quang đập mạnh, đầu óc anh quay cuồng. 
Thấy gương mặt bất bình thường của Quang, Lân vỗ vai, an ủi bạn:
- Bây giờ gia đình nào cũng khổ cả, không nhiều thì ít, không việc này cũng chuyện kia.  Dù cho thân nhân không dám viết nhưng mình cũng đoán biết được.  Ráng sống, chờ ngày trở về.
            Khi tiếng kẻng vang lên, Quang theo đoàn tù thất thểu ra cửa đi lao động. Suốt buổi cực nhọc nhưng trong đầu anh hình ảnh của Hồng cứ lởn vởn, liên tục.  Tối về  lán giam anh đọc lại lá thư.  Thư của nàng ca ngợi Nhà Nước Cách Mạng hết lời, nhưng ẩn chứa trong đó là những tin tức bên ngoài nàng vừa cho anh biết, vừa mang đến sức sống cho anh.  Với giọng văn bình dị thoáng chút chua xót, Hồng cho anh biết tình cảnh của nàng một cách ngắn gọn.  Tuy nhiên, thư nàng có một câu ẩn ý mà anh suy nghĩ rất nhiều cũng không biết đúng hay sai.  Nàng không nhắc kỷ niệm, không trách móc, không một lời nhớ thương nhưng phảng phất trong thư, anh nhận thấy được tình cảm tha thiết của nàng. 
Quang thì thầm, không biết anh đang tâm sự với Hồng hay anh nói với chính mình:
            "Bặt tin tức, mất liên lạc mười mấy năm trời em vẫn tìm địa chỉ trại tù của anh, đủ nói lên tấm lòng của em, đủ đau và ân hận cho anh nhiều lắm rồi.  Bắt đầu hôm nay, anh biết thêm mình có một sai lầm vô cùng to lớn trong đời.  Đó là anh đã để mất em, đã đánh rơi một tấm chân tình!  Mười mấy năm qua những  tưởng em hận anh, quên mất anh  nhưng sao em không quên?  Phải mất bao lâu để em quên, hả em?  Em có biết không, thân xác anh bị đọa đày trong tù nhưng không làm anh đau đớn bằng những dòng chữ của em? 
            Ngày xưa, anh đã trốn em, trốn mối tình chúng ta với hi vọng em sẽ quên anh và anh cũng sẽ quên em.  Anh thật có lỗi với em vô cùng.  Làm sao anh quên được ngày em đổ đường đến quê thăm anh khi anh về phép dưỡng thương!  Ngày đó, gặp lại em anh vô cùng xúc động.  Anh thật lòng muốn nói ngàn lần tiếng ‘anh yêu em,’ anh muốn ôm em mãi mãi trong vòng tay nhưng khi nghĩ đến cặp mắt trong sáng đầy tin yêu của em nhòa lệ, anh không chịu nổi.  Anh không muốn xa em, đồng thời anh cũng không muốn em đau khổ nếu một mai anh gãy cánh giã từ cõi đời này.  Em còn nhớ bài hát chúng ta nghe trong quán Gió cạnh bờ sông ngày đó chứ?  Bài hát trỗi lên thật không đúng lúc.  Có phải là định mệnh đưa đẩy không em?  Đêm đó anh định nói với em chúng ta nên kết hôn để chúng mình mãi mãi cạnh nhau, bỗng nghe giọng ca của Thái Thanh cất lên, xoáy vào tim anh rất nhức nhối: “Người vọng phu trong lúc gió mưa, bế con đã hoài công để đứng chờ...”  Vừa thoát chết, anh vẫn thấy cái chết còn đang rình rập, chờ đợi anh.  Nhìn cặp mắt rạng rỡ của em, anh đành buông một câu nói ngoài ý định:  “Anh muốn bàn với em một chuyện quan trọng, thôi để hôm nào anh viết thư nói rõ với em.”  Nhưng bức thư ấy đã không bao giờ được viết.  
Trở về đơn vị, ngày ngày anh lại chứng kiến cảnh đau lòng của các đồng đội chết không toàn thây, những vành khăn tang quấn vội lên đầu trẻ thơ với đôi mắt lạ lẫm nhìn quanh, những người phụ nữ tuổi đời còn quá trẻ trong tang phục trắng toát ngồi lặng lẽ khóc bên quan tài của chồng hay của người yêu dưới đôi hàng nến leo lét ảm đạm.  Anh buồn lắm em à.  Một tương lại vô định!  Một mất mát đau thương!  Anh không ngừng lao vào cuộc chiến với ước vọng góp phần chấm dứt chiến tranh mau chóng hơn.  Nhưng vô ích, chiến tranh càng lúc càng khốc liệt nên anh đã viết bức thư tuyệt tình với em thay cho bức thư vẽ một tương lai ấm cúng bên vợ con. 
Trong những lúc nghỉ ngơi, anh lao vào cuộc vui để tìm quên và anh đành bỏ mất em.  Anh có lỗi với em, anh biết  vậy nhưng anh thấy mình càng có lỗi  hơn nếu định mệnh buộc anh bỏ em trên đường đời với gánh nặng con thơ.  Anh đã khuyên em kết hôn với một người chồng dân sự để em có thể hưởng một cuộc sống an lành hạnh phúc.  Đó là mong ước của anh, một mong ước đã mang đến cho anh một nỗi đau không nguôi.  Anh đành phải chấp nhận thôi.  Xin em hiểu cho anh và tha thứ cho anh.  Giờ đây em có sống hạnh phúc như anh mong ước không vậy em?"

Lân thức giấc, thấy bạn còn mở mắt, gương mặt trầm ngâm, bèn nhắc nhở:
- Thôi!  Ráng ngủ đi, Quang.  Ngày mai còn làm việc vất vả lắm.  Mấy đêm nay tôi để ý thấy anh trằn trọc, ban ngày thì bần thần như người mất hồn.  Bây giờ chuyện gì cũng ngoài tầm tay, mình đành phải chấp nhận thôi.  Mình phải ráng giữ gìn sức khỏe vì sinh mạng là quan trọng nhất.  Còn sống mình mới có thể tính tới những chuyện khác được.
Quang  chép miệng, tiếp lời bạn:
- Tôi có chuyện buồn bất ngờ, không mong mà vẫn tới.
- Bây giờ chuyện gì cũng có thể xảy ra được cả.  Tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi, nếu mai kia rơi vào tình trạng tệ nhất là hay tin vợ lấy chồng cán cối, mình cũng nên cám ơn kẻ thù đã cưu mang người mình từng thương yêu.  Tốt nhất là bình tĩnh, chấp nhận, và cầu chúc nàng hạnh phúc.  Cứ kể như mình chết từ ngày bước chân vào tù, thì đến nay nàng góa bụa đã hơn năm năm rồi.  Để tang chồng như thế là quá dư.  Giờ nàng tái giá cũng đã tròn đạo phu thê lắm rồi.  Tôi nghe nói  trong trại mình người thì vợ vượt biên, không chịu nổi cảnh bơ vơ nơi xứ người đã ôm cầm sang thuyền khác, người thì con gái bị hải tặc hãm hiếp, chết ở biển Đông, con trai đi “nghĩa vụ”  bỏ thây bên Cam - Bốt…  Thân tù tội đành phải bó tay, có buồn cũng vô ích, còn hại sức khỏe thêm.  Chuyện phải tới thì nó tới thôi.  Đừng bận tâm.  Ngủ đi, Quang.
Nghe Lân nói tới đó,  Quang đâm ra lo lắng, cả năm nay không tin tức gì của vợ, anh không biết nàng có ôm con vượt biên không?  Nếu vượt biển nàng có được an toàn?  Anh biết nàng không phải là một phụ nữ cần cù để chịu thương chịu khó mà vượt qua được hoàn cảnh sống khắc nghiệt này nên anh âm thầm lo lắng, không chia xẻ với ai. Tuy nhiên mấy hôm nay nỗi bứt rứt, buồn bã của Quang là do chuyện khác.  Để bạn an tâm, anh nói:
- Cám ơn anh quan tâm.  Tôi sẽ cố gắng làm theo lời anh khuyên.
          Nói xong, Quang xoay lưng nhắm mắt dỗ giấc ngủ, nhưng nào có ngủ được.  Hình ảnh cặp mắt long lanh biết nói cùng nụ cười tươi thắm hiền lành của Hồng hiện ra đằm thắm, ngự trị trái tim anh.  Ngày xưa Quang đã lụy vì cặp mắt, đôi môi này và cũng vì chúng mà anh đành xa nàng.  Anh tưởng bấy lâu nay trong cảnh tù đày tim anh chai sạn, không còn cảm xúc nào nữa, không ngờ bây giờ anh đang vui lẫn buồn, đang thấy rằng đời còn những điều tốt đẹp đáng yêu, đáng quý do nàng đem đến. "May mà có em đời còn dễ thương."  Kỷ niệm ngọt ngào của một thời tuổi trẻ tưởng chết trong lòng anh  nhưng không, chúng chỉ nằm yên, lặng lẽ, thầm kín trong tim anh, chỉ chờ đợi có cơ hội là trổi dậy.  Quang bỏ một kỳ viết thư về gia đình để hồi âm cho nàng và bắt đầu chờ thư như ngày xưa anh đã từng chờ.


2.

          Thư của Quang gởi đi đã gần ba tháng rồi.  Những bạn đồng tù bắt đầu có thư lai rai.  Anh thèm đọc lại giọng văn kể chuyện bình dị, nhưng không kém phần dí dỏm của nàng.  Đời sống vất vả, nhưng anh mong nàng đừng đánh mất lạc quan.  Quang nuôi hi vọng một ngày ra tù, anh sẽ đến gặp nàng để anh được ôm nàng trong vòng tay, đặt những nụ hôn say đắm vào đôi mắt trong sáng, đôi môi mềm mại ngọt ngào của nàng.
Quang đang miên man xây mộng, giọng the thé của cán bộ coi tù vang lên:
- Anh Quang, nàm khẩn chương nên!  Sắp hết giờ dzồi.
Anh trả lời:
- Thưa cán bộ, tôi đau bụng, cần đi trạm xá y tế.
- Đau bụng, không phải đau tay.  Nàm khẩn chương nên(!)
 Quang nói thật, mấy tháng nay, anh thường hay bị đau bụng.  Từng học dược nên anh biết mình bị sán lãi.  Anh đi trạm xá y tế vài lần rồi, nhưng lần nào cũng được mấy viên "thuốc thần" Xuyên Tâm Liên trị bá bệnh.  Anh biết mấy con vật ký sinh này kỵ với thuốc thần Xã Hội Chủ Nghĩa nên anh không uống mà cho mấy gốc rau cải của trại uống.  Mấy con ký sinh tiếp tục sống hùng sống mạnh trong tấm thân còm cõi đói khát của anh nên anh mang chứng đau bụng kinh niên là thế. 
          Tiếng kẻng báo hết giờ vang lên.  Quang cùng các bạn đồng tù tuôn xuống suối tắm rửa để sớm về trại nghỉ ngơi.  Một ngày như mọi ngày trôi qua nặng nề, mệt mỏi, và vô vọng.  Về lán, Quang uể oải ngồi lên mép chiếu, nhìn những khuôn mặt thiểu não của các bạn mà cảm nhận một tương lai mù mịt như những buổi sáng lội vào rừng anh nhìn sương mù bao phủ những toán tù cải tạo và luôn cả cuộc đời của họ.  Hi vọng gặp lại Hồng dù chỉ một lần đã tắt lịm trong tâm khảm của  anh.  Người cán bộ bước vào, gọi tên những người có quà của thân nhân lên văn phòng trại để lãnh.  Anh không quan tâm, vì phiếu gởi quà của trại phát cho, anh đã không gởi về nhà cho vợ nhưng anh đang mong thư của Hồng để biết cuộc sống của nàng sau ngày mất nước như thế nào.  Dòng suy tưởng của anh bỗng bị cắt ngang  bởi cái giọng hách dịch thường ngày của cán bộ trại, anh ta đọc đến tên  Quang trong số người  có quà thăm nuôi. 
Quang vô cùng ngạc nhiên.  Thì ra, cả năm nay vợ anh vất vả nuôi con và dành dụm tiền để mua quà cho chồng.  Anh ân hận đã nghĩ không đẹp về nàng.  Vợ anh ngoài việc nhảy đầm giỏi, nói năng lôi cuốn, ăn mặc đẹp trong những buổi họp mặt với bạn bè của anh, khi gặp "thời thế" khó khăn  nàng cũng biết "thế thời phải thế" mà thích nghi với xã hội lắm.  Như vậy có lẽ nàng phải chịu đựng vất vả hơn nhiều so với những phụ nữ bình thường khác.  Gói quà chỉ 5 kí lô nhưng anh thấy cả tình yêu và hi sinh rất lớn của nàng và con trao tặng cho anh.
Nhận quà xong, Quang vội vã túm gọn lại, ôm về phòng bày ra ngắm nghía: nào là gạo, muối mè, đường thẻ... nào là mắm ruốc với thịt  bò băm nhuyễn xào sả ớt, món đặc biệt của Huế, dân trong Nam xào mắm ruốc với thịt ba rọi, không phải với thịt bò.  À, có cả bột nêm để nấu ăn của hàng PX Mỹ nữa.  Ở dưới quê mà nàng tìm được món này, giỏi thật!  Có cả thuốc trụ sinh và những thuốc trị bệnh thông thường, bông băng cứu thương v.v. và một thứ mà hiện tại anh vô cùng cần là Decaris, thuốc sán lãi.  Với gói quà hạn chế không quá 5 kg mà vợ anh gói ghém gởi đầy đủ những thứ cần thiết cho người tù.  Nàng khéo tính toán thật!  Vậy mà trước đây anh hay trách nàng vô tâm.  Mỗi lần nghe vậy thì nàng đáp:  "Có anh lo rồi, em lo mần răng cho mệt rứa."  Thời thế đã biến đổi nàng thành một người khác, một phụ nữ tinh tế, chu đáo, nhớ cả chuyện người tù ăn uống mất vệ sinh nên gởi thuốc xổ lãi.  Ít có người trong tù, ngay cả anh, nhớ đến thuốc này rất cần mang theo trong số thuốc phòng thân cho đến khi bị bệnh rồi mới nhớ.  Trại giam thuộc quyền Công An này cho phép người tù được giữ thuốc, còn những trại Quang bị giam trước đây, thuốc men của tù đều bị tịch thu nên có những người mắc bệnh thông thường mà chết chỉ vì thiếu thuốc.  Ân hận tràn về, gần ba tháng nay anh đã nhớ thương một hình bóng khác!  Anh đã bỏ mất một kỳ viết thư cho vợ con để gởi thư cho người yêu cũ của mình.  Quang đang ngồi lặng lẽ, ngẩn ngơ thì Lân đến bên hỏi:
- Sao?  Có thư từ tin tức gì đặc biệt không mà ngẩn tò te ra vậy?
- Tội nghiệp vợ tôi!  Gánh con thơ đã nặng lắm rồi mà còn gánh thêm người tù nữa.  Người phụ nữ thế hệ mình long đong vất vả cả đời!
Lân ngồi xuống, cầm tờ giấy bọc quà lên, vuốt thẳng, anh hỏi:
- Ủa, ai gởi quà cho anh đây?  Cháu gái hay "em gái hậu phương" kết nghĩa?
- Anh hỏi lạ, của bà xã tôi chứ ai.  Chắc bà ấy nhờ cô em ở Sài Gòn đi gởi giùm.
- Xạo, bạn!  Em vợ sao họ lại khác với bà xã anh vậy? Tôi nhớ  hai ông bà  cùng họ với nhau mà.
Nghe bạn nói, Quang vội vói tay cầm bao giấy, đọc tên người gởi mà khi nhận quà vội vàng, anh đinh ninh của vợ nên ôm đại về phòng, không để ý tới.  Quang nghẹn ngào.  Tên Hồng hiện ra, rồi nhạt nhòa trước mắt anh.  Anh ngồi bất động trước gói quà, không còn thấy gì nữa, chỉ thấy dáng em e ấp đi bên anh trong những buổi chiều nhạt nắng bên bờ sông Bến Ngự với tà áo dài được gió thổi bay bay quấn lấy anh như một gắn bó không rời; dáng em ngồi co ro trong gió đêm lành lạnh ở quán nước ven bờ sông Hương vào lúc chia tay năm nọ.  Em, cô sinh viên Đại Học Huế người Miền Nam thật thà, đôn hậu, tươi trẻ với nụ cười rạng rỡ chưa biết ưu sầu.  Hạnh phúc làm sao "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy!" 
Tiếng kẻng báo giờ lao động vang lên.  Quang thẫn thờ gom quà lại cất, làm rớt lên rớt xuống.  Lân giúp anh một tay thu dọn.  Một miếng giấy nhỏ ghi danh sách các món quà rớt ra.  Nét chữ của Hồng, nét chữ thân yêu ngày nào.  Anh lật mặt sau.  Nàng viết:  "Địa chỉ của anh, em biết được nhờ ba anh.  Gởi anh hai câu Kiều đọc cho vui... "  Trước mắt Quang, chữ nàng nhòe nhoẹt, chập chờn, anh không đọc được.  Anh vô cùng đau xót và ân hận.  Anh lẩm bẩm: “Một lần nữa, em lại lặn lội đường xa xuống tận quê anh, tìm ba của anh để xin địa chỉ.  Vô cùng cám ơn em!  Muôn vàn xin lỗi em!" 
Trên đường đi, Lân hỏi nhỏ:
- Chuyện gì mà buồn xo vậy?  Bí mật lắm hả?  Nói ra cho nhẹ bớt đi.  Ở đây đã cực khổ thể xác và tinh thần lắm rồi.  Đừng tự mình hành hạ mình thêm nữa.
- Tôi muốn tâm sự với anh lâu rồi, vì tôi cũng cần có người giúp ý kiến.  Ngày mai Chúa Nhật được nghỉ ngơi, tôi kể chuyện tình của tôi mười mấy năm về trước cho anh nghe.  Tôi sẽ đưa cho anh xem lá thư vừa rồi có nhiều ẩn ý.  Tôi sợ hiểu sai ý nàng.
Lân đùa cho không khí bớt căng thẳng:
- Giấu kỹ quá vậy bạn!  Bây giờ mới bật mí, phải không?  Có đứa con riêng nào không?  Trai hay gái?  Chao ôi!  Nếu có thì chắc lớn dữ rồi đa, ít nhất đã vào trung học.  Nói đi, bảo đảm giữ bí mật cho chàng như giữ bí mật hành quân vậy.
- Buồn lắm anh ơi!  Một mối tình không trọn vẹn do lỗi tại tôi đi một bước sai lầm.  Tôi đã ân hận biết bao năm rồi.  Mười mấy năm cách biệt, tưởng mọi việc đi vào dĩ vãng, không ngờ...  thật không ngờ!  Mọi chuyện cứ tưởng như trong mơ!  Hẹn ngày mai, mình gặp nhau chỗ cũ, tôi sẽ kể cho anh nghe.

3.

Hôm sau, Quang và Lân ngồi dưới tàng cây, thưởng thức mì gói và nhâm nhi ly trà nóng nhờ kỳ thăm nuôi vừa mới đây của vợ Lân.  Lá Thu rơi lả tả như cuộc đời đang rơi rụng tả tơi của "học viên Đại Hộc Máu."  Trời cuối thu núi rừng Miền Bắc se lạnh, nhưng năm nay Quang cảm thấy ít rét hơn mọi năm.  Phải chăng  anh được tình yêu của nàng sưởi ấm?  Anh kể cho bạn ngày gặp gỡ đầu tiên với Hồng cũng vào mùa Thu trên chuyến bay định mệnh và chuyện tình của anh đẹp và trong sáng như ánh trăng rằm.  Anh thú nhận với bạn chính anh là người gây ra sự đổ vỡ này khiến anh bị dằn vật bấy lâu nay.  Anh đưa lá thư của nàng cho Lân đọc.  Đọc xong, Lân thở dài, khẽ nói:
- Qua thư này thì tôi thấy cô ấy cũng nghèo khổ, vất vả lắm.  Nhà giáo mà, làm sao khá được về vật chất, chỉ có giá trị tinh thần là niềm vui và an ủi thôi.  Mấy trăm gram thịt tiêu chuẩn mỗi tháng, vậy mà quà cổ gởi cho anh có thịt thà.  Còn thuốc men nữa, toàn những thứ phải mua với giá chợ đen.  Anh nhận những món này là bị cấy "sinh tử phù" rồi.  Cuộc đời anh từ giờ trở đi bị ràng buộc ân tình với cô ấy không thoát được.  Giống như cái tên "sinh tử phù," anh sẽ dở sống dở chết với "em gái hậu phương" này cho coi.  Giá trị món quà không phải ở vật chất mà ở chỗ nàng gởi những món cần thiết vào đúng thời điểm anh cần nhất, đến đúng nơi anh bị cột tay chân, không tự mưu sinh được, và gởi tới người mình thương yêu thì giá trị to lớn đến cỡ nào!  Món quà đắt giá quá, không cách nào anh trả được bằng vật chất, chỉ còn cách duy nhất là đem thân đền đáp thôi,  Quang ơi!
- Anh lại nói chơi rồi.  Thân tôi trong rọ như thế này làm sao mà đền đáp?
- Thì hẹn lại kiếp sau, kiếp sau nữa, và kiếp sau sau nữa...  Thôi không đùa nữa.  Kiếp này không xong thì mong chi kiếp sau, biết có kiếp sau hay không?  Cho hỏi nè:  Điều kiện nàng tốt quá, hai người lại yêu nhau tha thiết, không bị cản trở.  Tại sao anh không cưới nàng để giờ đây ân hận thế này?  Đừng nói với tôi vì anh không muốn nàng trở góa bụa mà đi cưới người khác nghe.
- Khi ấy, anh không ở chung đơn vị cũ với tôi nên anh không biết.  Sau khi những người bạn thân ở đơn vị cũ nằm xuống và tôi bị thương, tôi bi quan lắm, không biết mình sống chết thế nào, nên tìm quên trong các cuộc vui.  Nơi đây, tôi gặp một người con gái xinh đẹp, chịu chơi, hát hay, nhảy giỏi.  Tôi cặp với nàng, và không tự thắng lấy mình để có con.  Vì trách nhiệm, tôi cưới nàng. Tôi đã tự trách mình nhiều lắm rồi.  Trong thư Hồng bảo vì tức tôi dại dột không di tản mà nàng giậm chân trên nền nhà đến thủng, khi về tôi phải sửa chữa đền lại cho nàng.  Tôi không tin giậm chân đủ mạnh để thủng nền nhà.  Phải có ẩn ý gì đây.  Anh nghĩ sao?
Lân cười đáp:
-  Nghĩa câu viết rõ ràng là vậy, còn thắc mắc gì nữa.  Anh muốn tìm hiểu ẩn ý à?  Tạm thời hiểu thế này nhé: Chồng đi vượt biên bỏ lại vợ con, nên gia đình như nền nhà long móng.  Khi về anh phải cưu mang nàng.  Sướng nhé, một kiểng hai quê, một vợ nằm giường Lèo, hai vợ nằm chuồng heo, không vợ nằm chèo queo như bây giờ.  Đừng mơ nữa, anh chàng đào hoa ơi!
- Trong thư nàng ngầm bảo Mỹ đang can thiệp cho chúng ta ra tù, không biết nguồn tin có chính xác không?
- Cứ tin là đúng đi cho lên tinh thần.  Một ngày nào đó, chúng ta sẽ được trả tự do, chừng đó anh sẽ sướng nhé.  Nàng phòng không chiếc bóng đang chờ anh đó.  Anh là một người hạnh phúc.  Hãy sống vui vẻ với cái hạnh phúc đang có trong tay.  Chúc chàng mỗi tối đều có giấc mộng đẹp với cố nhân.  Nhớ nghe, trong giấc ngủ ôm nàng cho chặt, đừng để vuột nữa... anh chàng đào hoa ạ!
Những lời Lân nói chơi, tuy chơi mà thật, làm Quang vừa sung sướng, vừa chua chát để nhận thấy rằng anh chưa một lần chia cho nàng ngọt bùi để đồng cam,  nhưng giờ sao nàng lại xẻ bớt cay đắng của anh để cộng khổ như thế này!  Anh tẩn mẩn đọc lại thư và miếng giấy ghi danh sách các món quà có hai câu Kiều để nghe trong lòng dậy sóng yêu thương lẫn ân hận, tiếc nuối:
"Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng."








Không có nhận xét nào: