Vài Suy Nghĩ về Tổng Thống Mỹ Obama
Tổng Thống Mỹ Obama vừa có chuyến thăm Việt Nam
theo lời mời của Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang.
Tổng Thống Obama đến Việt Nam
tối 22/5 và rời Việt Nam
trưa 25/5/2016.
Mục đích chính của chuyến thăm Tổng Thống là hội đàm
với Lãnh Đạo Việt Nam về nhiều vấn đề từ chính trị, an ninh, kinh tế, môi
trường, nhân quyền, hậu quả chiến tranh ...
Chủ Tịch Trần Đại
Quang tiếp Tổng Thống Obama
Theo tôi nghĩ, còn một mục đích nữa, có lẽ thứ yếu, là
tìm hiểu dân tình Việt Nam .
Một điều lạ gây ngạc nhiên cho mọi người là Tổng Thống
đi đâu, lúc nào, làm gì đều được dân chúng chờ đón, nghênh tiếp hớn hở.
Dân Việt Nam vốn được tiếng hiếu khách;
nhưng lần đón Tổng Thống Obama này đã cho thế giới biết lòng hiếu khách ấy như
thế nào. Tối 22/5/2016, nghe tin Tổng Thống đến, dân Hà Nội, thay vì nghỉ ngơi
sau một ngày lao động mệt nhọc, dắt dìu nhau ra đứng hai bên đường chờ đoàn xe
đưa Tổng Thống từ sân bay về khách sạn; Tổng Thống ngồi trên xe, dân chẳng thấy
Tổng Thống, nhưng Tổng Thống thấy dân; sau đó, cảm động, Tổng Thống phát biểu:
“Sự thân thiện của Việt Nam đã chạm tới trái tim tôi.”
Mấy ngày qua, tôi có theo dõi, tôi thấy đúng là dân
chúng háo hức bày tỏ tình cảm mến mộ Tổng Thóng chứ không phải hiếu kỳ như có
tờ báo nào đó đưa tin.
Mỗi năm, Nhà Nước ta đón tiếp khá nhiều vị lãnh đạo
nước ngoài tới thăm, nhưng chưa lần nào tôi thấy (dù chỉ thấy trên TV) thái độ
hiếu khách của nhân dân biểu tỏ đến mức ấy: người vẫy tay, người bắt tay, người
xích gần chụp ảnh, người reo hò, người tiếc nuối vì lỡ cơ hội thấy mặt …
Tôi suy nghĩ: Vì sao vậy? Và tôi tạm ghi vội câu tự trả
lời.
Việt Nam ở sát Trung Quốc; trước đây, trong tình đồng
chí và tình láng giềng, Trung Quốc giúp đỡ Miền Bắc “giải phóng” Miền Nam,
thống nhất đất nước. Khổ nỗi là từ khi chiến tranh mới chấm dứt đến bây giờ,
Trung Quốc đối xử tệ với Việt Nam: lấn chiếm lãnh thổ, gây hiềm khích giữa Việt
Nam và Campuchia, tranh giành và cưỡng chiếm biển đảo, lủng đoạn kinh tế… Do
vậy, Việt Nam cần thân thiện với Mỹ, dù Mỹ là cựu thù, để đối trọng với Trung
Quốc vì theo kinh nghiệm lịch sử, Mỹ không có tham vọng lãnh thổ và từng giúp
đỡ những nước cựu thù sau chiến tranh (Nhật, Đức) phát triển ngoạn mục. Nói rõ
ra là dân Việt Nam
quá lo sợ Trung Quốc bành trướng ăn hiếp rồi đô hộ nên mong ước kết thân với Mỹ;
sự mong ước ấy thể hiện qua nghênh tiếp Tổng Thống Obama tới thăm.
Dân Sài Gòn nồng nhiệt đón tiếp TT Obama
Tuy nhiên, giá như Tổng Thống Mỹ không phải Obama thì
nhân dân Việt Nam không nồng nhiệt như là đón tiếp một người thân đi xa về.
Tình thân thiện ấy đến từ đâu?
Tình thân thiện ấy nhờ màu da của Tổng Thống; ông có
nước da không trắng hồng, bóng láng mà ngăm đen, trông gần gũi, không khác chi
đa số người lao động Việt Nam
- nông dân hay công nhân - dầm mưa dãi nắng.
Tình thân thiện ấy nhờ vóc dáng của Tổng Thống; ông
không béo úc núc, mặt bự, bụng phệ, tóc nhuộm đen nhánh, chải chuốt như thử mới
từ một thẩm mỹ viện ra mà cao, gầy, thẳng, khỏe, mạnh, nhanh nhẹn, tóc điểm bạc,
pha chút phong sương - dáng vẻ người lao động.
Tình thân thiện ấy nhờ cách trang phục của Tổng Thống.
Chỉ trừ những lúc làm việc, ông phải bận veston, cà-vạt, còn thì áo sơ mi xắn
tay hay áo khoác xuềnh xoàng như một người bình dân Việt Nam .
Obama ăn bún chả ở
Hà Nội
Tình thân thiện ấy nhờ thái độ ứng xử đối với giới trẻ
và dân chúng của Tổng Thống. Ông dùng ẩm thực Việt Nam không phải tại các nhà
hàng sang trọng có ghế tựa êm mà ăn bún chả ở một quán bên đường ngồi trên ghế
đẩu nhựa; ông vào một quán nước ở Mễ Trì Hạ (Hà Nội) thăm dân dưới trời mưa mà
không hề báo trước. Hình ảnh hoàn toàn hòa đồng với quần chúng.
Obama chụp ảnh với
dân ở quán nước tại làng Mễ Trì Hạ (Hà Nội)
Tình thân thiện ấy nhờ nụ cười của Tổng Thống. Trong
làm việc với đối tác cũng như khi tiếp xúc với dân chúng, ông không cười gượng để
lấy ảnh mà cười do niềm vui trong lòng thúc đẩy – nụ cười tự nhiên; mỗi lần ông
cười bộ răng trắng phô ra, rất dễ mến!
Tình thân thiện ấy nhờ tài ăn nói của Tổng Thống; ông
nói tự nhiên khi làm việc với đối tác cũng như khi chuyện trò với dân chúng;
không bao giờ thấy ông đọc chăm chú vào giấy mà luôn đảo mắt khắp khán thính
phòng để xem phản ứng của người nghe; cách nói nồng nhiệt, tự tin, không rề rà;
nhịp độ nói khi nhanh khi chậm pha biểu
cảm tùy theo ý diễn đạt; đề tài nói thỏa mãn điều mà người nghe mong muốn.
Tình thân thiện ấy nhờ vốn kiến thức rộng và tính chịu
khó học hỏi của Tổng Thống; ông tìm hiểu kỹ về lịch sử, văn hóa, danh nhân… của
Việt Nam trước chuyến thăm; trong phát biểu, ông đã dẫn thơ Lý Thường Kiệt, thơ
Nguyễn Du, nhạc Văn Cao, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Trần Lập… để minh họa cho
thông điệp muốn chuyển tải; ông cũng có vốn kiến thức về nghệ thuật, về thể
thao… Khi giao lưu với thành viên Sáng Kiến Thủ Lĩnh Trẻ Đông Nam Á (trưa
25/5/2016) – viết tắt là YSEALI (Young SouthEastAsian Leaders Initiative), ông
đã làm giới trẻ khâm phục bằng những giảng giải tác dụng của âm nhạc cho khán
thính giả như một giáo sư trước sinh viên.
Tình thân thiện ấy còn nhờ tính dí dỏm trong lúc nói
chuyện của Tổng Thống. Khi nói chuyện, ông không nghiêm nghị, lạnh lùng, dáng
vẻ chỉ thị, dạy bảo mà vui tươi, hòa đồng. Nói chuyện mà thiếu dí dỏm cũng như
nấu ăn mà không bỏ gia vị. Để khỏi mang tiếng xúc phạm người khác, khi chứng
minh sự thành đạt dành cho những người biết quan tâm và đam mê công việc, ông
khôn ngoan lấy chính tuổi thơ của mình ra làm ví dụ: nào là thiếu vắng cha, nào
là lêu lỏng không thích học hành, nào là mê gái… và từ một cậu bé không hoàn
hảo, nhờ quan tâm rồi đam mê công việc cộng động, ông dấn thân để bây giờ đạt
danh vọng tột đỉnh là làm tổng thống Mỹ.
Tôi viết bài này với mong ước cung cấp cho các bạn trẻ
muốn thành lãnh đạo một tấm gương đáng soi.
Trước đây, tôi quan niệm người làm lãnh đạo phải có
Mạng, Uy, Tầm, Tâm.
Bây giờ, qua trường hợp Obama, tôi muốn bổ túc thêm:
Vui Tính, Gần Gũi, Biết Diễn Xuất tùy trường hợp.
Bạn đọc có nghĩ như tôi không?
Hoàng Đằng
25/5/2016
(19/4/Bính Thân)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét